Cùng con trưởng thành - Chương 03 - Phần 5

Trong thời gian tuyên truyền, quảng bá cho cuốn sách hai cha con tôi đã nhận được rất nhiều lời mời phỏng vấn của báo chí, phát thanh, truyền hình. Khi ở Bắc Kinh hai cha con tôi còn đến thăm diễn giả nổi tiếng - thầy Lý Yến Kiệt; ở Thẩm Dương chúng tôi đến trường Tiểu học trực thuộc Đại học Sư phạm Thẩm Dương thăm Chu Hạo Diểu - bạn qua thư của Y Y; ở Trường Xuân, Y Y trở lại trường Con em xưởng 228 thăm thầy cô và bạn bè; ở Tống Nguyên, Y Y đã dùng tiền nhuận bút để giúp đỡ bạn nhỏ cùng tuổi - Trương Hâm Duyệt.

Khi tôi viết đến đây có lẽ rất nhiều độc giả muốn biết, một cuốn sách như vậy đã được ấp ủ như thế nào? Thực sự mà nói cuốn sách ra đời, nói là có chủ đích cũng đúng mà không có chủ đích cũng đúng, chủ đích là để con kiên trì việc viết lách, không có chủ đích là việc cuốn sách xuất bản chỉ là một sự ngẫu nhiên.

Trong quãng thời gian con gái tự học ở nhà, bài tập của môn ngữ văn thường là đọc và viết, đọc để mở rộng tầm mắt của trẻ, tăng cường kiến thức, nâng cao nhận thức lý tính về sự vật của trẻ, và cũng là cơ sở để học viết. Theo kế hoạch học tập, mỗi tuần Y Y phải viết hai bài văn, đề tài và nội dung không giới hạn, đa số những bài con viết đều là những chuyện con đã nghe, đã gặp và cảm nhận, phần lớn các câu chuyện là những chuyện vui về sự trưởng thành. Chẳng mấy chốc mà con đã viết được tới ba mươi bài, trong đó có một số bài con viết rất tốt, có thể kể như “Ngủ một mình cũng có thể ngủ ngon”, “Táo ngon nhưng khó hái quả”, vì thế tôi khuyên con gửi bài tới một số báo dành cho học sinh tiểu học.

Sau đó tôi nghĩ với tốc độ viết như vậy, đến cuối năm con sẽ viết được khoảng bảy mươi đến tám mươi bài, tổng hợp lại cũng được một cuốn sách, có thể chia sẻ niềm vui của con tới nhiều bạn nhỏ hơn nữa. Trước tiên tôi nói ý tưởng này với vợ tôi, cô ấy cho rằng cách viết của con gái quá trẻ con, chưa thành thục, nên lo lắng không có nhà xuất bản nào đồng ý xuất bản một cuốn sách do một đứa trẻ viết. Nhưng với một tác giả nghiệp dư xuất thân từ phóng viên như tôi, tôi cho rằng cuốn sách của con vẫn sẽ có thị trường, hơn nữa con gái có rất nhiều điểm để truyền thông khai thác: những đứa trẻ vượt lớp không nhiều, những đứa trẻ viết sách lại càng ít, những đứa trẻ được lớn lên trong niềm vui cũng có hạn, nếu ba điều này lại cùng có ở một đứa trẻ, thì đó là một đề tài không tồi.

Sau đó chúng tôi bàn chuyện ra sách với con gái, con gái mới nghe đến chuyện xuất bản sách đã rất ngạc nhiên: “Á, trẻ con cũng có thể xuất bản sách hả cha?”.

“Đúng vậy, rất nhiều bạn nhỏ bằng tuổi con đã xuất bản sách rồi”.

“Vậy ai sẽ đọc nó ạ?”.

“Tất nhiên là những bạn nhỏ trạc tuổi con rồi, con nghĩ mà xem, nếu một bạn nhỏ bằng tuổi con kể những câu chuyện vui về sự trưởng thành của bạn ấy, liệu con có muốn đọc không?”.

“Tất nhiên là có ạ”. Y Y vừa chơi trò yoyo vừa trả lời.

Ngay ngày hôm đó tôi bắt tay vào việc lên kế hoạch ra bản thảo, thông qua việc chỉnh sửa của vợ tôi và Y Y, bản thảo chính thức được thông qua. Nhưng về tên sách, cả nhà thảo luận rất lâu, mỗi người một ý kiến, cuối cùng tôi đưa ra ý kiến lấy tên Chơi qua tiểu học, và Y Y đã đồng ý với ý kiến của tôi. “Tên sách được đó cha, con đúng là đã chơi qua tiểu học mà”. Cả nhà đều thấy tên sách như vậy rất gần gũi với nội dung, hơn nữa tên cũng rất kêu.

Sau đó mỗi giờ học ngữ văn thì vẫn là bài tập viết văn, nhưng mục đích thì rõ ràng hơn, tốc độ viết như vậy rất nhanh, đến mùa xuân năm 2006, Y Y đã viết được hơn bảy mươi bài. Cứ như vậy đến đầu hè năm 2006, Phạm Khương Quốc Nhất, chín tuổi rưỡi đã xuất bản cuốn sách đầu tiên của mình - Chơi qua tiểu học.

Mở cánh cửa thế giới đọc cho con

Chúng ta đều biết đọc sách có ảnh hưởng đến cuộc đời của mỗi con người, có thể thay đổi vận mệnh của một con người. Nhưng với lượng bài tập quá nhiều, trẻ không còn thời gian để đọc tài liệu ngoài sách giáo khoa, một số phụ huynh còn cảnh báo con em mình: “Xem những cuốn sách vớ vẩn đó thì có thể thi được điểm cao không?”.

Đọc sách có thể thay đổi cuộc đời.

Đọc sách đã mở ra cho tôi cánh cửa thế giới, nâng cao năng lực lĩnh hội văn tự, dẫn đường cho tôi bước vào thế giới kỳ diệu của chữ viết, từ đó tôi không thể thoát khỏi thế giới đó. Thật sự, tôi trở thành một người hâm mộ sách đúng nghĩa.

Sau khi có con gái, mỗi lần đi đến nhà sách tôi thường mang con đi theo. Xem nhiều thành quen, con gái cũng trở thành “tín đồ của sách”, nhìn thấy cuốn sách mà mình thích thì sẽ không bao giờ đặt nó lại giá.

Y Y chịu sự ảnh hưởng của hai vợ chồng tôi, đầu giường lúc nào cũng phải có sách, tủ sách phía đầu giường để đầy những cuốn sách cần xem, nhìn là thấy, với tay là lấy được.

Đã có sách thì còn phải đọc, nếu không thì sách sẽ mất đi giá trị tồn tại của nó. Tôi và con đều có một thói quen: dành ba mươi phút trước khi đi ngủ để đọc sách. Cuối tuần, chúng tôi có thời gian dành riêng cho việc đọc sách, trong quãng thời gian này, người nào người nấy cầm cuốn sách mà mình thích, rồi cùng ngồi đọc. Có những lúc Y Y sẽ đọc to cho tôi nghe những đoạn mà con thấy hay, khi tôi đọc được những nội dung phù hợp với con, tôi cũng sẽ giới thiệu để con đọc.

Thời đại ngày nay rất nhiều người dùng tiền vào những trò tiêu khiển, tiêu tiền vào việc trang điểm, ăn uống nhậu nhẹt, cũng có người dành thời gian để xem truyền hình, chơi trò chơi điện tử. Vậy tại sao không dành tiền bạc đó, thời gian đó để gần hơn với sách? Mua sách nhiều hơn, đọc nhiều sách hơn, tạo ra một không gian để tâm hồn nghỉ ngơi thư giãn, và cũng tạo cho con cái một môi trường giàu văn hóa đọc.

Mở ra cho con cánh cửa thế giới đọc, và phải hướng dẫn con học được cách đọc sách. Tổng kết một số kinh nghiệm dạy con đọc sách trong nhiều năm qua, tôi nghĩ các bậc phụ huynh có thể làm theo những điều sau:

Thứ nhất, đảm bảo thời gian đọc sách của con. Cái quý của việc đọc sách là ở tính kiên trì, nếu mỗi ngày bạn dành cho con một quãng thời gian cố định để đọc sách, cho dù một ngày chỉ có mười phút, cứ thế mỗi ngày mỗi tháng, thời gian đó là một con số khiến bạn phải kinh ngạc. Sau khi bàn bạc thương thảo, tôi và Y Y quyết định thời gian sinh hoạt, xem tivi và đọc sách đều cố định, để Y Y có nhiều thời gian đọc những cuốn sách ngoài chương trình học.

Thứ hai, tạo bầu không khí đọc tốt. Đọc sách rất cần một bầu không khí tốt, như vậy mới có thể đảm bảo trẻ vui vẻ, chú ý tập trung đọc sách. Tại sao nhà dòng dõi thư hương con cháu đều tài giỏi, bởi vì gia đình họ có bầu không khí đọc tốt. Nếu cha mẹ đều là phần tử trí thức, bản thân lại có thói quen đọc sách, cha mẹ dùng lời nói, hành động để truyền dạy cho con, tự nhiên sẽ có ảnh hưởng tốt đến con cái. “Bầu không khí” mà tôi nói đến ở đây bao gồm hai yếu tố: Thứ nhất, có nơi để đọc sách, ví dụ một căn phòng yên tĩnh, một chiếc bàn đọc, một cây đèn; thứ hai, phải có môi trường yên tĩnh cần thiết cho việc đọc sách, không thể muốn con đọc sách nhưng cha mẹ lại bật tivi với âm lượng quá lớn, hoặc túm năm tụm ba ăn uống nhậu nhẹt đánh bài.

Tiếp đó, cần chú trọng việc cùng con đọc sách. Tốt nhất các thành viên trong nhà đều nên có thói quen đọc, hàng ngày phải có thời gian cùng nhau đọc sách và cùng thảo luận nội dung trong sách. Có như thế, trẻ sẽ rất dễ bị cuốn hút vào thế giới của sách. Trẻ con rất dễ uốn nắn, dễ chịu sự ảnh hưởng của môi trường xung quanh, muốn trẻ chăm đọc sách, bản thân phụ huynh cũng phải yêu sách.

Điều cuối cùng là, để trẻ cảm nhận được niềm vui khi đọc sách. Trẻ thích chơi trò chơi bởi vì chơi trò chơi khiến trẻ cảm thấy vui. Như vậy thì muốn trẻ thích đọc sách cũng phải cho trẻ cảm thấy niềm vui khi đọc sách. Khi Y Y học lớp hai, báo Ngữ văn có tổ chức cuộc thi “Trả lời kiến thức trên báo”. Dưới sự cổ vũ của tôi, con gái tích cực tham gia và cuối cùng con đạt giải ba, khi nhận được giấy chứng nhận và phần thưởng do tòa soạn gửi đến, Y Y vui mừng nhảy cẫng lên. Và từ đó con ngày càng yêu thích việc đọc sách báo.

Biển kiến thức là vô cùng vô tận nhưng mỗi con người chỉ có một cuộc đời. “Đọc những gì nên đọc, đáng đọc” là thể hiện sự tôn trọng bản thân mình, tôn trọng thời gian. Hãy cho con bạn tận hưởng niềm vui trong thế giới sách đầy trí tuệ và tư tưởng sâu sắc.

Internet có thế giới của riêng con

Bước vào thế kỷ XXI chúng ta chào đón một thời đại mới, thời đại của internet.

Thời đại ngày nay, công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, và đã xâm nhập vào mọi phương diện của xã hội và cuộc sống của con người. Sự ra đời của internet đã mang đến cho nhân loại rất nhiều tiện ích, có thể kể đến như: mua đồ không cần phải đến bách hóa; đọc sách không cần phải đến thư viện; thậm chí đi học không cần phải đến trường; làm việc trên mạng, tất cả giao dịch đều thông qua thương mại điện tử, rất nhiều bạn nhỏ cũng có được niềm vui vô bờ bến từ những thứ trên internet.

Vì thế phụ huynh cần phải hướng dẫn con sử dụng internet một cách khoa học, cùng con chia sẻ những niềm vui mà internet mang lại, cần phải trao đổi với con những suy nghĩ, cảm nhận khi sử dụng internet. Nếu như tôi lên internet, đọc được những tin mà tôi cho rằng con sẽ rất hứng thú, tôi sẽ gọi con đến cho con xem, và con cũng vậy. Như vậy vừa có thể học được từ mạng internet, vừa có thể giải trí, lại tăng thêm tình cảm giữa hai cha con.

Internet là công cụ học tập tốt nhất dành cho trẻ, lên mạng ngoài việc chơi trò chơi, Y Y còn trò chuyện với các bạn, xem tin tức, và việc con hay làm nhất đó là học từ trên Baidu (trang tìm kiếm lớn nhất ở Trung Quốc). Một lần, khi Y Y đang đọc sách thì bắt gặp cụm từ “Trí nhược võng văn”, con không hiểu ý nghĩa của cụm này nên lập tức tìm kiếm trên Baidu, chỉ một cú click chuột, phần giải thích ý nghĩa cho cụm từ hiện ra ngay trước mắt: “Nghĩa là bỏ mặc một bên, làm như không nghe thấy. Chỉ nghe xong nhưng không thèm để ý”. Con rất hưng phấn với việc từ nay có thể tra từ rất nhanh và thuận lợi. Từ đó về sau, nếu gặp chữ nào từ nào khó hiểu, Y Y thường nhờ sự trợ giúp của “Baidu”, và “Baidu” chưa bao giờ làm con thất vọng, nó giống như một đại dương thông tin, nói theo cách của Y Y thì là “một bụng học vấn”.

Từ nhỏ con gái đã được tiếp xúc với internet, lúc mới bắt đầu tôi đã nói với con, tô tranh trên máy tính, chơi trò chơi trên mạng đều chỉ là một phần trong những gì con cần chơi, không được dành quá nhiều thời gian cho những việc này. Sau đó con gái lớn dần, con có thể dùng máy tính và internet để phục vụ việc học, tôi vẫn nói với con, đây chỉ là phương pháp hỗ trợ việc học tập, nhất định phải khống chế thời gian, tốt nhất là trong khoảng một tiếng. Về việc này tôi không quản con mà để cho con tự quản lý thời gian của mình, việc tôi tin tưởng vào con, để con toàn quyền quyết định đã được con đền đáp bằng việc tuân thủ lời hứa.

Nhiều năm nay, mỗi ngày tôi đều sắp xếp thời gian nhường con sử dụng máy tính. Trong khoảng thời gian này Y Y có thể tự do sử dụng máy tính, con có thể lên mạng chơi trò chơi, gửi email, làm thiệp điện tử, chat QQ với bạn học, bạn trên mạng, đọc những tin tức mà con hứng thú, làm những việc mà con thích… Khi hết thời gian, con sẽ tự giác rời khỏi máy tính. Vì thế, cho dù ngày nào Y Y cũng tiếp xúc với internet nhưng con không hề chịu ảnh hưởng xấu mà ngược lại con còn biết sử dụng công cụ internet một cách hiệu quả để vừa học vừa giải trí.

Thời đại ngày nay, mỗi khi nhắc đến trò chơi trên mạng (game online), phụ huynh nào nghe thấy cũng đều sợ, cảm tưởng trò chơi trên mạng giống như một loại thuốc độc vậy, con cái hễ dính đến nó là bị sa ngã, bị hủy hoại. Nhưng thực tế, nếu biết hướng dẫn con một cách đúng đắn, trò chơi trên mạng lại là một trò chơi trí tuệ bổ ích, không những mang lại niềm vui cho trẻ mà còn có thể phát triển năng lực tổng thể của trẻ.

Từ khi ba tuổi, Y Y đã bắt đầu tiếp xúc với trò chơi trên mạng, từ trò đơn giản là “đẩy xe ô tô” đến trò chơi phức tạp hơn một chút là “ông già qua sông”, hay đến trò chơi phức tạp mà ngay cả tôi và vợ “nghiên cứu” mãi cũng không hiểu là “Super Mario”; con học từ cách sử dụng chuột đến cách làm thế nào sử dụng bàn phím nhanh để khống chế các nhân vật trong trò chơi, từ đơn giản mò mẫm tìm hiểu đến phán đoán có phương hướng, cộng với sức tưởng tượng phong phú, dần dần Y Y đã trở thành một cao thủ game online.

Có những lúc cả ba người chúng tôi cùng chơi trò chơi. Tôi vừa để cho con tự do tiếp cận với trò chơi trên mạng, vừa vui vẻ làm bạn cùng chơi với con. Bởi điều làm Y Y vui không chỉ có trò chơi trên mạng, mà còn là những trò chơi phong phú nhiều màu sắc khác. Vì thế, trò chơi trên mạng đối với Y Y chỉ là để tăng thêm một cách chơi mà thôi. Điều quan trọng hơn cả là qua chơi trò chơi trên mạng, con được tiếp xúc với internet, con học được cách sử dụng mạng, học được cách làm thế nào để trở thành chủ nhân của internet…

Chúng ta đều biết internet là con dao hai lưỡi, nếu cứ chìm đắm trong những trò chơi trên mạng, kết bạn, hoặc xem những trang mạng không lành mạnh thì internet trở thành cái có hại; nhưng nếu dùng internet để xem tin tức, tìm tài liệu, gửi email, chơi trò chơi đúng mức, và giao lưu với một vài người bạn thì internet lại trở thành cái có lợi. Nó cũng giống như một con dao, nếu trong nhà bếp thì nó là công cụ nấu ăn, nhưng nếu dùng nó để chém giết, thì nó lại trở thành hung khí.

Khích lệ con cái sử dụng internet không có nghĩa là bỏ mặc không quản lý, thời gian sử dụng internet và nội dung đều phải được giới hạn. Thông thường trẻ con sử dụng internet nhằm ba mục đích chủ yếu: chơi trò chơi, trò chuyện và học tập (bao gồm việc tìm kiếm tài liệu). Về mặt thời gian, bao nhiêu thời gian dành cho những hoạt động này là hợp lý thì phải căn cứ vào mỗi trẻ, thời gian của Y Y được chia ra làm ba giai đoạn: lúc còn đi mẫu giáo thì chỉ chơi trò chơi, chơi những trò chơi đơn giản có lợi cho sự phát triển trí tuệ; lúc học tiểu học thì chủ yếu là chơi trò chơi, còn lại là nói chuyện, tiếp đó mới là học; nhưng đến khi học trung học thì lại ngược lại, học là chính, chơi và nói chuyện là phụ.

Có sự phân chia như vậy vì khi trẻ học mẫu giáo, hoạt động chính của trẻ là chơi, vì thế mà chơi trò chơi là chủ yếu, trong thời gian này trẻ vẫn chưa cần thực sự có sự giao lưu tiếp xúc xã hội, chưa cần phải học tập, vì thế không cần phải nói chuyện hay học tập; đến giai đoạn tiểu học, ngoài việc chơi đùa thì cuộc sống của trẻ thêm một phần mới đó là giao lưu với những bạn nhỏ cùng trang lứa, và hơn thế còn bước vào giai đoạn học tập, vì thế nói chuyện với các bạn trên mạng và học tập là một trong những nội dung được thêm vào khi trẻ sử dụng internet; và khi trẻ bước vào giai đoạn trung học, trẻ lớn lên, mở mang thêm nhiều kiến thức, nhiệm vụ học tập cũng nhiều lên, chơi đùa không hoàn toàn thu hút được chúng nữa mà việc tìm hiểu kiến thức lại trở thành lựa chọn hàng đầu của trẻ, vì thế thời gian này trẻ sử dụng internet chủ yếu với mục đích học tập, còn chơi trò chơi và nói chuyện với các bạn trên mạng là phụ.

Y Y đã sử dụng nternet như vậy, con vừa có được niềm vui, vừa có thêm kiến thức và có thêm những người bạn.

Tivi trở thành trò vui của con

Trong tuổi thơ của Đông Tử không có “đồ chơi” nào gọi là “tivi”. Mãi đến khi hai mươi tuổi, tôi mới được tiếp xúc với tivi. Vì thế, tôi thường nghĩ trẻ con thời nay thật là hạnh phúc, khi vừa mới sinh ra đã được thưởng thức những chương trình truyền hình rồi.

Nghe nói tôi để cho con gái chơi đùa thoải mái, còn cho con xem tivi nhiều, rất nhiều phụ huynh đều vô cùng ngạc nhiên: “Làm sao có thể thế được, chúng tôi cấm mà còn chẳng được đây”.

Lý do các bậc phụ huynh không cho con xem tivi có rất nhiều: Thứ nhất, xem tivi sẽ bỏ bê việc học; thứ hai, một số chương trình truyền hình có ảnh hưởng xấu đến trẻ; thứ ba, xem tivi nhiều thị lực sẽ giảm sút…

Đối mặt với nhiều vấn đề như vậy, các bậc phụ huynh đã xếp tivi vào dạng “hạt giống” mang lại tai họa, do đó hạn chế cho con cái xem tivi. Theo ý kiến của tôi, cốt lõi của vấn đề không phải là lỗi của tivi, chúng ta không những không nên để trẻ tránh xa tivi mà ngược lại phải để trẻ “gần gũi” với nó. Do đó, từ khi Y Y biết xem tivi, tôi luôn giữ vững quan điểm tích cực xem truyền hình. Đương nhiên, tôi phải đảm bảo cho con về thời gian và nội dung xem.

Theo kinh nghiệm của tôi về việc hướng dẫn con xem tivi, khi con học mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, mỗi ngày thời gian xem tivi lần lượt không quá ba tiếng, hai tiếng, một tiếng và nửa tiếng là tốt nhất, tất nhiên là không bao gồm thứ bảy, chủ nhật và nghỉ đông, nghỉ hè. Ngày nghỉ lễ tết thời gian xem có thể dài hơn một chút nhưng không thể không hạn chế. Ngoài ra, khi học mẫu giáo vì không phải học nên có thể xem nhiều một chút, nhưng không được xem liên tục hai tiếng đồng hồ, nếu không thì cần phải chia thời gian xem, ví dụ buổi sáng, buổi chiều, buổi tối. Còn một vấn đề nữa là trẻ đang ở thời điểm phát triển cơ thể, buổi tối không được xem tivi quá khuya, phải đảm bảo thời gian ngủ nghỉ.

Cũng giống như những đứa trẻ khác, Y Y rất thích xem phim hoạt hình, nhìn con cười vui vẻ, nhảy nhót, tận hưởng những niềm vui mà tivi mang lại, tôi vô cùng biết ơn “món đồ chơi lớn” là truyền hình. Nhiều lúc, tôi và con cùng xem, tôi còn mua DVD những bộ phim hoạt hình về xem, cùng con tận hưởng niềm vui mà “Tom and Jerry” mang tới.

Ngoài những chương trình phim hoạt hình, Y Y còn hứng thú với những chương trình khoa học kỹ thuật. Con thích xem nhất là chương trình “Triển lãm khoa học kỹ thuật”, “Khám phá”. Hơn nữa, sau khi xem xong, con còn tìm cách tự mình “khám phá”. Tôi nhớ có một lần chương trình “Khám phá” nói về lịch sử khảo cổ, Y Y rất thích, và đột nhiên chạy xuống dưới lầu, cầm cái xẻng nhỏ đào bới đất ở bồn hoa. Tôi hỏi con làm gì thì con nói con đang “khảo cổ”. Con khiến tôi phải bật cười, con nhìn tôi không vừa lòng: “Có khi ở dưới đất lại có đồ gì quý hiếm đấy cha ạ!”.

Không chỉ có những chương trình này, yêu thích động vật là bản tính của trẻ, vì thế mà Y Y vô cùng yêu thích chương trình “Thế giới động vật” và “Con người và tự nhiên”. Mỗi khi trên tivi xuất hiện hình ảnh của các con vật, con không ngừng vỗ tay, lúc thì kiễng chân lắc mông, lúc thì vẻ mặt nghiêm túc, mắt không rời khỏi màn hình… Thông qua trò chơi lớn là tivi, Y Y càng ngày càng yêu thiên nhiên và động vật, “Động vật là bạn của con người, không có động vật, con người chúng ta sẽ rất cô đơn!”. Con đã viết như vậy trong nhật ký.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3