Cùng con trưởng thành - Chương 05 - Phần 1

Chương V

CON GÁI HỌC TRUNG HỌC CƠ SỞ, TÔI CÙNG CON “VUI” HỌC

Thực tiễn mười năm đã chứng minh, quan niệm giáo dục của tôi không chỉ là sự hoang tưởng tươi đẹp. Chơi đùa vui vẻ, con gái ngày một lanh lợi hơn, tự tin hơn, con chơi nhưng vẫn đạt được “ba tốt” - điểm tốt, năng lực tốt, phẩm chất tốt. Quan niệm giáo dục mà tôi đưa ra phù hợp với mọi đứa trẻ, đó là: học tập vui vẻ, phát triển khỏe mạnh và thành công thuận lợi!

Trung học cơ sở bắt đầu từ kỳ tập quân sự

Khi tôi đang ngồi viết những dòng này, con gái đang trong kỳ tập quân sự ở Đại học Hắc Long Giang, đây là lần thứ ba Y Y tham gia tập quân sự khi chưa đầy mười sáu tuổi, hai lần trước đó là lúc bắt đầu vào trung học cơ sở và trung học phổ thông. Mỗi lần tập quân sự, con đều là người bé nhất trong đội, nhưng thành tích của con rất tốt.

Ngày 23 tháng 8 năm 2006, trên sân vận động của trường Trung học số 77 thành phố Đại Liên, hơn chục sĩ quan huấn luyện trong bộ đồng phục hải quân đang huấn luyện cho mười hai lớp học sinh mới của trường, trong đội ngũ học sinh của lớp thứ mười một, có một cô bé người nhỏ nhắn thấp bé đang đứng nghiêm trang, cô bé chưa đầy mười tuổi, sức khỏe vẫn chưa hoàn toàn hồi phục sau chấn thương, đó chính là Phạm Khương Quốc Nhất, cô con gái lạc quan, kiên cường của tôi!

Trong nhật ký ngày hôm đó, con đã viết: Mình đã thể hiện không kém những bạn khác, thầy sĩ quan huấn luyện đã khen mình, cô giáo cũng biểu dương mình, mặc dù hơi vất vả, hơi mệt nhưng mình rất vui…

Trong cuốn sách Thời trung học vui vẻ của Phạm Khương Quốc Nhất, Y Y đã viết:

Đã từ rất lâu, được tham gia “tập quân sự” chính là niềm ao ước lớn nhất của mình. Cha mình nói tập quân sự rất có ích, có thể học được nhiều điều, nhưng những anh chị em họ đang học đại học của mình lại nói tập quân sự rất khổ, như là chịu tội vậy. Nhưng dù là có ích hay là vất vả mình vẫn muốn đợi đến lúc lớn, mình nhất định phải tự mình trải nghiệm.

Nhưng chưa đợi đến lúc lớn, mình đã được trải nghiệm rồi.

Ngày 23 tháng 8 năm 2006 là một ngày nắng rực rỡ, là ngày đầu tiên mình bước vào trường trung học cơ sở. Sau bữa sáng, mình vui vẻ đến trường với bao niềm hy vọng và chờ đợi.

Điều làm mình cảm thấy phấn chất nhất đó là, ngày đầu tiên khai giảng lại là ngày tập quân sự.

...

Ba ngày tập quân sự trôi qua thật nhanh, mặc dù chỉ trong thời gian ngắn, nhưng mình đã thu được rất nhiều thứ, sau thời gian tập quân sự, mình cảm thấy mình đã lớn lên rất nhiều, bởi vì tập quân sự đã dạy cho mình biết thế nào là gian khổ, thế nào là khó khăn và còn dạy cho mình biết làm thế nào để giải quyết vấn đề.

Như thế, đợt tập quân sự đã mở ra trang đầu tiên trong cuộc sống trung học của con gái.

Lựa chọn làm một trong hai “đại biểu môn học”

Trong khi dạy con, chúng ta thường yêu cầu con cái phải dũng cảm giành lấy cơ hội, cần phải có chí tiến thủ và có ý thức cạnh tranh. Nếu một đứa trẻ không biết giành lấy cơ hội, chúng ta sẽ cho rằng đứa trẻ đó yếu ớt, không có chí tiến thủ. Đặc biệt khi trẻ từ bỏ những gì đã nắm được trong lòng bàn tay, chúng ta sẽ nói trẻ là “ngốc”.

Nhưng tôi lại suy nghĩ khác, phải có thái độ cởi mở để đối diện với những thứ xung quanh, học cách dùng tư duy biện chứng để nhìn cuộc sống, vừa phải dũng cảm để giành lấy, nhưng cũng phải học cách từ bỏ trong vui vẻ. Những cơ hội nào, thách thức nào phù hợp, chúng ta sẽ cổ vũ động viên con giành lấy, ngược lại thì phải biết sáng suốt từ bỏ.

Sau khi tập quân sự, Y Y bắt đầu tiết học đầu tiên trong trường trung học cở sở.

Hôm đó con đi học từ bảy giờ sáng, đến sáu giờ chiều mới về đến nhà (thời gian đi chỉ mất khoảng sáu đến bảy phút). Khi bước vào nhà, câu đầu tiên con nói là: “Cha ơi, con mệt chết đi được”. Nhìn thấy người con đầy mồ hôi, tôi thương lắm, giúp con cầm cặp sách, ôm con vào lòng, vỗ về an ủi con: “Con yêu vất vả rồi!”.

Một lúc sau Y Y lại tươi cười hớn hở kể cho tôi nghe buổi đầu tiên đi học: “Bởi vì giờ toán con tích cực trả lời câu hỏi, cô giáo dạy toán biểu dương con; vì trên lớp ghi chép tốt, cô giáo ngữ văn tuyên dương con; vì giọng hát của con vang và hay, cô giáo dạy nhạc khen con; bài tập tiếng Anh quá nhiều, phải viết mất hẳn một tiết học…, buổi trưa cơm rất thơm, thức ăn cũng rất ngon, con ăn no căng cả bụng. Ôi, cuộc sống ở trường trung học thật là mệt mỏi: nội dung học nhiều, bài tập nhiều, cô giáo nghiêm khắc. Nhưng mà con vẫn thích cuộc sống như vậy”.

Giống như hồi học tiểu học, con vui vẻ hứng khởi đi học, vui vẻ về nhà, mỗi ngày sau khi tan học về lại thông báo những tin vui hoặc tin không vui, con yêu cuộc sống ở trường, muốn học được nhiều kiến thức. Vì thế con không cảm thấy chán ghét việc học và thành tích học tập của con quả nhiên rất cao.

Học kỳ mới bắt đầu chưa được bao lâu thì các bạn đã quen thân, cô giáo cũng cơ bản hiểu rõ từng học sinh trong lớp, việc chọn cán sự môn học cũng được bàn bạc và lựa chọn. Sau khi lựa chọn được danh sách những bạn làm cán sự môn của những môn chính là ngữ văn, toán học và tiếng Anh thì chỉ còn lại những môn phụ. Mặc dù trong lớp con là học sinh nhỏ tuổi nhất nhưng thành tích học tập không phải là kém nhất, hơn nữa con lại có năng lực tổ chức nhất định, vì thế con rất mong muốn được làm cán sự môn học của một môn nào đó. Thế nhưng con không được chọn làm cán sự của các môn chính. Con gái có vẻ thất vọng lắm, hy vọng có thể được làm cán sự của những môn phụ còn lại.

Có những việc quả thực không ngờ tới, con chỉ muốn được làm cán sự của một môn nào đó là đã mãn nguyện lắm rồi, nhưng thật bất ngờ con được chọn làm cán sự của hai môn. Môn đầu tiên là môn chính trị, cô giáo dạy chính trị đưa ra vài câu hỏi liên quan, câu nào Y Y cũng trả lời rất dõng dạc, dễ dàng đạt được “vòng nguyệt quế”; một “vòng nguyệt quế” khác mà con đạt được chính là “cán sự môn âm nhạc”. Có thể do các bạn chưa quen, hoặc cũng có thể do ngượng ngùng, nên khi cô giáo dạy nhạc hỏi bạn nào muốn hát tặng các bạn một bài hát thì hồi lâu vẫn không có ai chịu đứng dậy, nhìn thấy vậy Y Y rất tự nhiên đứng dậy hát tặng cô giáo và các bạn bài hát “Thiếu nhi nhỏ tuổi”.

Trong hai ngày con được chọn làm cán sự của hai môn học.

Từ nhỏ Y Y đã giống tôi, đã làm gì đều làm rất nghiêm túc, mới “nhậm chức” là con đã bắt đầu bận rộn. Mặc dù chỉ là môn phụ, nhưng những việc phải làm của hai môn không phải là ít, phải cùng với cô giáo thu phát bài tập, sắp xếp hoạt động… Một lần, giáo viên dạy nhạc nhờ con sắp xếp vài bạn đánh trống để tham gia biểu diễn văn nghệ, kêu con chuẩn bị tư liệu về các bạn ấy. Đúng lúc đó thì cô dạy chính trị lại nhờ con thu vở thực hành giao cho cô…

Hôm đó con mệt mỏi về nhà, tôi vội hỏi con đã xảy ra chuyện gì, con im lặng hồi lâu mới nói sự thật với tôi, sau khi nghe con kể chuyện trước tiên tôi tuyên dương con vì tinh thần tận tình với công việc nhưng tôi nói với con làm gì cũng phải lượng sức mình, nếu gượng ép quá sẽ phản tác dụng, như vậy không tốt cho việc học tập và trưởng thành của con.

Nghe tôi nói như vậy con cẩn thận nói với tôi ý định từ chức cán sự môn học. Lúc đó tôi không đưa ra ý kiến ngay mà hỏi lại con: “Tại sao con phải từ chức, lúc đầu không phải là con muốn làm cán sự môn học hay sao?”. “Con không ngờ lại bận như vậy, con lo sẽ ảnh hưởng đến việc học của con”.

Tôi lại nói chuyện với con một lúc, sau đó tôi nói: “Theo tình hình của con hiện nay, làm cán sự của hai môn là không thỏa đáng, nhưng nếu từ chức cán sự của cả hai môn thì cũng không tốt, tốt nhất là làm cán sự của một môn, còn vấn đề chọn môn nào bỏ môn nào, con tự mình suy nghĩ và quyết định, cha tôn trọng lựa chọn của con”. “Cảm ơn cha, con biết mình phải làm gì rồi”, con gái vui vẻ gật đầu.

Ngày hôm sau Y Y khéo léo tìm cô giáo để xin từ chức cán sự môn âm nhạc, cô giáo rất hài lòng với con trong thời gian làm cán sự môn học vừa qua, cô chấp nhận đơn xin từ chức của con. Chiều tối hôm đó, con gái bước những bước nhẹ nhàng về nhà, vừa vào đến nhà đã nói với tôi: “Con từ chức cán sự môn âm nhạc rồi cha ạ, con cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều, nhưng cũng hơi buồn”.

Tôi nói với con: “Biết giành lấy thì cũng phải biết từ bỏ, đây chính là một ranh giới. Rất nhiều người chỉ nghĩ đến làm thế nào để đạt được, muốn họ từ bỏ những gì thuộc về mình quả là rất khó. Nhưng cha mong rằng khi con biết lúc nào là lúc nên từ bỏ thì con hãy sáng suốt từ bỏ, đừng làm trái với ý chí bản thân, đừng cố ép mình phải có một thứ gì đó”. Tất nhiên lúc này con bé còn quá nhỏ để hiểu hết những gì tôi muốn nói.

Cho con quyền quyết định việc của chính mình, bạn sẽ thấy con bạn ngày một có chính kiến. Bất luận là tiếp tục làm hay từ chức, chỉ cần con gái đưa ra quyết định, tôi đều chọn cách ủng hộ. Tiếp tục làm sẽ khiến con cảm thấy có trách nhiệm, tăng cường ý thức cho bản thân vào khuôn khổ; nếu từ chức con sẽ hiểu thế nào là từ bỏ, biết phải căn cứ vào năng lực của bản thân để lựa chọn. Đặc biệt khi từ chức, đối với con, đó là một trải nghiệm khó khăn nhưng đáng quý. Vì thế mà có những lúc hãy để con học cách từ bỏ, như thế sẽ có ý nghĩa hơn là việc cố giành lấy.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn học và Phát thanh viên

Kính thưa các thầy cô giáo, thưa các bạn học sinh thân mến! Tôi là Phạm Khương Quốc Nhất, chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn học Thần Hi trường Trung học 141. Câu lạc bộ văn học ra đời sẽ tạo ra một sân chơi bổ ích cho các bạn yêu văn chương giao lưu học hỏi. Hy vọng các bạn sẽ tích cực tham gia cuộc thi lựa chọn thành viên Câu lạc bộ văn học Thần Hi lần thứ nhất, và chúc các bạn thành công!

Đây là bài phát biểu của con gái trong buổi lễ thành lập Câu lạc bộ Văn học Thần Hi.

Câu lạc bộ Văn học Thần Hi là một tổ chức đoàn thể của trường Trung học số 141 thành phố Thẩm Dương tỉnh Liêu Ninh.

Ở phần trước tôi đã kể qua, sau một năm sống ở Đại Liên, hai bố con chuyển đến Thẩm Dương, theo nguyên tắc của tôi ở đâu gần thì học ở đó, vì thế Y Y chuyển đến trường Trung học cơ sở số 141, cách nhà có hai bến xe bus, giống như trước đây, trước khi nhập học tôi có trao đổi với hiệu trưởng và cô giáo chủ nhiệm, giới thiệu qua về tình hình của con và quan điểm giáo dục của tôi.

Đi học chưa được bao lâu, cô Trương Khiết thuộc ban chấp hành Đoàn đã tìm đến Y Y, cô nói thầy hiệu trưởng muốn giới thiệu Y Y làm chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn học mới được thành lập. Tôi nghĩ thầy hiệu trưởng giới thiệu con có lẽ vì thầy xét đến con đã có rất nhiều tác phẩm, và còn xuất bản cả sách nữa, thực ra con đã có sách xuất bản, nhưng về mặt này con cũng chưa hiểu rõ lắm, thậm chí con cũng không biết “Câu lạc bộ Văn học” là một tổ chức như thế nào, vì thế mà khi cô giáo tìm con nói chuyện, con nói với cô cho con thời gian suy nghĩ, lúc đó cô giáo còn nghĩ là con chảnh nữa.

Ngày hôm đó sau khi tan học về, Y Y lập tức “thỉnh giáo” tôi về câu lạc bộ văn học, tôi giải thích với con như thế này: “Câu lạc bộ văn học là tổ chức của những người yêu văn học, thành viên trong câu lạc bộ sẽ thường xuyên cùng nhau nghiên cứu những gì liên quan đến văn học và viết lách”. Tôi cũng nói thêm với con, trước đây tôi cũng từng làm chủ nhiệm câu lạc bộ văn học do tôi thành lập có tên Câu lạc bộ văn học Hắc Thủ.

Nghe tôi nói, Y Y vui mừng nói: “Vậy làm chủ nhiệm câu lạc bộ phải làm thế nào? Làm chủ nhiệm câu lạc bộ văn học có khó không ạ? Cha xem con có khả năng làm chủ nhiệm không ạ?”. “Làm chủ nhiệm câu lạc bộ thực ra cũng không có yêu cầu gì đặc biệt, chủ yếu là con phải yêu thích việc viết lách, đồng thời phải có năng lực tổ chức nhất định, phải nỗ lực và vất vả hơn người khác. Làm chủ nhiệm câu lạc bộ văn học vừa có thể rèn luyện năng lực tổ chức, vừa có thể nâng cao khả năng viết, đây là một việc tốt”. Những lời này của tôi khiến con an tâm, con nói nhất định sẽ làm tốt vai trò của một chủ nhiệm giống như tôi.

Và như thế Y Y được thầy hiệu trưởng “đặc biệt” tiến cử trở thành chủ nhiệm câu lạc bộ văn học, sau khi đã chọn được chủ nhiệm, cô giáo triệu tập thêm vài thành viên cốt cán và muốn đặt một cái tên thật kêu cho câu lạc bộ, mọi người cùng bàn bạc, cuối cùng Y Y nói: “Đặt tên là Thần Hi vậy, thể hiện các thành viên trong câu lạc bộ đều giống như mặt trời lúc bảy, tám giờ sáng, năng động, đầy sức sống!”. Cô giáo đồng ý với ý kiến của con, và Câu lạc bộ Văn học Thần Hi ra đời như thế đó.

Khi mới thành lập, Y Y và các bạn thành viên đã bắt đầu bắt tay chuẩn bị xuất bản tờ báo riêng của câu lạc bộ. Theo yêu cầu của Ban chấp hành Đoàn trường, cứ hai tháng câu lạc bộ phải xuất bản một kỳ, sau đó phát cho từng lớp và dán lên bảng tin để mọi người cùng đọc. Nguồn tài liệu để viết báo đều là do các bạn cùng đóng góp, chủ yếu là từ các thành viên của câu lạc bộ. Mỗi tháng, các thành viên câu lạc bộ phải giao hai bản thảo, những ai không là thành viên thì tự nguyện. Những công việc như biên tập, chỉnh sửa do những cán bộ của câu lạc bộ phụ trách. Những bạn có tác phẩm được đăng trên báo sẽ được tặng một ấn phẩm.

Bài của các bạn trước tiên sẽ đưa cho cô ở Ban chấp hành Đoàn, những bài nào kém quá thì thôi, những bài còn lại thì sẽ do mấy bạn phụ trách trong câu lạc bộ quyết định, sau khi thảo luận xong, sẽ đưa lại cho cô giáo quyết định lần cuối. Sau đó mấy đứa nhỏ bắt đầu biên tập, chỉnh sửa, rồi cô giáo mang đi in. Sau vài lần nỗ lực làm việc trong giờ tự học, kỳ báo đầu tiên chứa đầy tình cảm và sự vất vả của các thành viên đã chính thức ra mắt độc giả, các bạn học sinh rất thích, Y Y nhìn thấy thành quả lao động của mình cũng rất vui sướng.

Sau đó câu lạc bộ văn học không ngừng tổ chức các hoạt động như thi diễn thuyết “Giọng nói vàng”, hội thảo về đọc sách, thi đọc, kỳ thi “Những tác phẩm văn học vui”… Mặc dù rất bận rộn nhưng Y Y đã thu được rất nhiều kiến thức, nâng cao khả năng viết của bản thân và được rèn luyện rất nhiều.

Ngoài đảm nhiệm những công việc của câu lạc bộ, Y Y còn kiêm công việc làm phát thanh viên của trạm phát thanh trường.

Vì trạm phát thanh Thần Hi là trạm phát thanh trực thuộc Câu lạc bộ Văn học Thần Hi, vì thế vừa là chủ nhiệm câu lạc bộ văn học, đồng thời Y Y cũng là trạm trưởng trạm phát thanh. Trạm phát thanh Thần Hi có tất cả sáu phát thanh viên, sáu người chia làm hai tổ, mỗi tổ ba người, lần lượt thay nhau tìm tài liệu, biên tập, viết nội dung, sau đó lại thay nhau luyện tập, tiếp đó thì cùng nhau dẫn chương trình. Nhiệm vụ của con gái là viết bài và dẫn chương trình, các bạn cùng tổ với con phụ trách tìm tài liệu cho con.

Khi tôi đang viết những dòng này thì Y Y gọi điện về, con vui mừng thông báo, con đã trúng tuyển trong kỳ thi tuyển của Ban phóng viên báo trường và Đài Phát thanh hữu tuyến trường Đại học Hắc Long Giang, trở thành phóng viên của báo trường và người dẫn chương trình của Đài Phát thanh hữu tuyến.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3