Cùng con trưởng thành - Chương 05 - Phần 2

Người phát ngôn tích cực nhất trong giờ học

Phát ngôn chính là phát biểu ý kiến, làm được điều này cần phải có dũng khí để đối mặt với cái sai và có quyết tâm thách thức vấn đề. Nhưng trong nhiều trường hợp, rất ít người dám chủ động phát biểu ý kiến, vì họ thiếu dũng khí và quyết tâm, do đó đánh mất đi rất nhiều cơ hội tốt. Là học sinh thì việc phát biểu ý kiến trên lớp là không thể thiếu, nhưng có một số học sinh lại không thích giơ tay phát biểu, phải đợi cô giáo gọi tên thì mới miễn cưỡng đứng dậy trả lời câu hỏi. Nhưng con gái tôi lại là một ngoại lệ. Lần nào cũng vậy, cô giáo chưa kịp nói hết câu hỏi, con đã giơ tay chuẩn bị trả lời để cô giáo có thể nhìn thấy con và gọi con trả lời. Từ khi học mẫu giáo đến tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông rồi đến đại học con đều tích cực như vậy. Trong cuốn sách mới Chơi cũng là một cách để trưởng thành, con viết như sau:

Khi mình học lớp tám, một hôm trong giờ vật lý, cô giáo hỏi câu hỏi đầu tiên trong đề thực nghiệm, câu hỏi là: “Hãy dùng bất cứ một dụng cụ nào trong những dụng cụ dưới đây: một cốc thủy tinh, hai bóng đèn nhỏ, một ít nước, một nguồn điện và một ít dây dẫn, một cây bút chì, một cục tẩy, một công tơ điện tiến hành một thí nghiệm để chứng minh những khái niệm hoặc định luật đã học, yêu cầu nói được quá trình tiến hành thí nghiệm, hiện tượng và kết luận”. Sau khi cô giáo đặt xong câu hỏi, rất nhiều bạn nam đã xung phong trả lời, chẳng có bạn nữ nào xung phong cả (lúc đó mình đang xem lại đề), có thể là do các bạn nữ ngại, vì thế cô giáo gọi hai trong số các bạn nam xung phong trả lời, hai bạn đó lần lượt dùng công tơ, dây dẫn, bóng đèn, tẩy và bút chì để chứng minh cường độ dòng điện trong mạch nối tiếp là bằng nhau ở mọi điểm, và áp lực bằng nhau, diện tích càng nhỏ thì áp suất càng lớn. Nhưng khi hai bạn nam đều đã trả lời xong thì vẫn chẳng có bạn nữ nào giơ tay phát biểu, chỉ nghe cô giáo vật lý nói: “Cô không tin là các bạn nữ lại thua kém các bạn nam, lần này cô sẽ không gọi bạn nam nữa!”.

Câu nói này của cô giáo khiến rất nhiều bạn nữ giật mình, nhưng mình lập tức giơ tay, vì mình là người thích môn vật lý, cô giáo vui vẻ gọi mình, mình đứng dậy và bình tĩnh trả lời: “Em chọn dùng bút chì, cốc thủy tinh và nước. Trước tiên, đổ nước vào trong cốc, sau đó dùng bút chì gõ vào thành cốc. Hiện tượng là thấy nước có gợn sóng nhỏ, chứng minh mọi vật phát ra âm thanh đều đang rung”. Khi mình nói chưa dứt câu thì dưới sự khởi xướng của cô giáo, các bạn vỗ tay rào rào, cô giáo nói vỗ tay còn chưa to lắm, vì thế câu trả lời của mình kết thúc trong tiếng vỗ tay của cô và các bạn, nhưng mình vẫn chưa hiểu tại sao cô giáo lại vỗ tay. Cô giáo nói: “Dùng những dụng cụ đơn giản và những thao tác đơn giản nhất để chứng minh khái niệm thật không còn gì tuyệt hơn, không dễ bị sai, lại còn ngắn gọn dễ hiểu!”.

Nhưng thành công và thất bại là một đôi bạn luôn song hành với nhau, vì thế không phải mỗi lần mình phát biểu đều được cô giáo khen…

Năm lớp chín trong giờ toán, có một lần phát biểu đã khiến mình không thể vui nổi, cô giáo đưa ra một bài phương trình bậc hai, cung cấp một vài số liệu và yêu cầu mình vẽ đồ thị. Giống như những lần trước mình tích cực xung phong lên bảng làm để làm mẫu cho các bạn. Năm phút trôi qua, mình tự tin đứng trên bục giảng giải thích cho các bạn, sau khi mình giải thích xong, đang đợi cô giáo biểu dương thì cô giáo lại nói: “Phạm Khương Quốc Nhất, em không thấy là em vẽ ngược rồi sao? Cô cho các em giá trị của hằng số a là giá trị âm, đồ thị hàm số phải đi xuống, tại sao em lại vẽ đi lên? Tất cả đều đúng, chỉ có hướng của đồ thị sai!”. Vì thế mình xấu hổ đi về chỗ.

Cho dù là thành công hay thất bại, phát biểu ý kiến trong giờ học là một việc mình yêu thích, vì cho dù đúng hay sai thì mình đều được nghe những lời nhận xét của cô giáo. Cho dù bạn trả lời sai đi nữa, thì ít nhất bạn cũng biết mình sai ở đâu, nếu không thì bạn sẽ bị sự nhút nhát làm mờ đôi mắt, mãi mãi không biết mình còn thiếu sót ở đâu. Nếu như không thử một lần, làm sao bạn khẳng định là mình sai? Đừng để sự ngượng ngùng xấu hổ chiếm mất sự tự tin của bạn, phải tin vào bản thân mình, như vậy bạn mới có dũng khí để giơ tay phát biểu, trong lòng phải luôn luôn nghĩ - mình phải phát biểu!

Nói đến việc Y Y phát biểu trên lớp còn có vài câu chuyện thú vị.

Một chuyện là lúc con tám tuổi, tôi đưa con về quê thăm ông bà nội, mỗi lần về, cháu gái Xuân Phong kém Y Y một tuổi luôn luôn là bạn chơi tốt nhất của Y Y. Ngày hôm đó khi về nhà, Y Y liền đi tìm Xuân Phong, cha của Xuân Phong nói Xuân Phong đang ở lớp học. Vì thế Y Y liền đến trường tìm Xuân Phong, con bé đi một vòng xung quanh trường, đến khi ra chơi thì Y Y chơi cùng Xuân Phong và mấy bạn nhỏ nữa, đang chơi vui thì chuông vào lớp, Y Y cùng đi vào lớp với Xuân Phong và ngồi cạnh cháu gái.

Cô giáo vào lớp thấy Y Y thì rất ngạc nhiên, hỏi con là ai, con trả lời mạch lạc: “Em tên là Phạm Khương Quốc Nhất, là cô họ của Xuân Phong”. Cô giáo nghe thấy vậy buồn cười: “Ồ, thì ra là trưởng bối, vậy thì được, em ngồi xuống”. Sau khi Y Y ngồi vào chỗ, cô giáo bắt đầu giảng bài, trong khi giảng mấy lần cô đặt câu hỏi, lần nào Y Y cũng xung phong trả lời, vì xét đến Y Y không phải là học sinh trong lớp nên cô không gọi con, câu hỏi sau đó cả lớp chỉ có mình Y Y giơ tay, cô giáo không còn cách nào khác là mời con phát biểu, tất nhiên là Y Y đã trả lời rất tốt.

Ngày hôm đó sau khi tan học, Y Y dắt tay Xuân Phong về nhà, con bé khoa chân múa tay kể: “Cha ơi, hôm nay con lại phát biểu, trả lời đều đúng cả”. Tôi nghe con nói vậy ngây người ra, lại phát biểu cái gì, lúc này Xuân Phong mới nói: “Ở trên lớp, chúng cháu đều không biết trả lời, có mỗi cô trả lời được”.

Sau đó tôi hỏi cặn kẽ đầu đuôi sự tình. Lúc đó Xuân Phong đang học lớp hai còn Y Y đã học lớp bốn, nói theo cách của con thì trả lời những câu hỏi đó đều là chuyện nhỏ. Tôi khen ngợi sự tham gia tích cực của con, nhưng tôi cũng khuyên con không nên lấn át chủ nhà, làm khách cũng phải làm khách cho đúng. Con cười hì hì và nói: “Con nhớ rồi ạ”.

Bảy năm sau, khi học lớp mười hai, con lại phạm một “lỗi” y chang như vậy, nhưng lần này là bị cô giáo gọi phát biểu. Ngày 22 tháng 10 năm 2011, nhận lời mời của chị Đan Đan, con đến trường Đại học Trường Xuân để nghe giờ tiếng Anh, vốn chỉ đến góp vui thôi nhưng chẳng ngờ lại bị gọi phát biểu.

Bởi vì lúc đó con đã cao một mét sáu mươi sáu, nhìn thì không thể nhận ra là con chỉ mới mười lăm tuổi, hơn nữa lại đang trong giờ học ở giảng đường đại học, giáo viên chẳng để ý sinh viên nhiều hay ít, vì thế mà thêm một em Phạm Khương Quốc Nhất thì cô cũng không thể biết được. Ai ngờ cô giáo này lại điểm danh, khi cô điểm danh thì thừa ra một người. Lúc này thân phận của con đã bị bại lộ. Nhưng giáo viên rất khoan dung, sau đó còn gọi con trả lời câu hỏi, con trả lời rất tốt, vì thế mà giáo viên đã khen con.

Đó chính là con gái của tôi, cô con gái thích phát biểu trong giờ học, có ý kiến sẽ trình bày, cô giáo đặt câu hỏi thì sẽ tích cực trả lời.

Hai cha con tự đi du lịch xa nghìn kilômét

Đọc sách khiến cho con người ta thông minh sáng suốt, đi nhiều ngoài khiến con người tăng thêm nhận thức cảm tính đồng thời còn cho ta thêm nhiều cơ hội thực tiễn, vì thế đối với sự phát triển của trẻ, chỉ đọc sách thôi thì không đủ, cần phải cho trẻ đi nhiều. Để cho con đọc nhiều sách, tôi liên tục mua sách, tạo cho con một môi trường đọc sách tốt, để cho con được mở mang tầm mắt, tôi đưa con đi từ Nam đến Bắc.

Mấy năm nay tôi dùng tiền nhuận bút để mua rất nhiều sách, du lịch và sinh sống ở mười sáu thành phố của Trung Quốc, đi qua hơn hai trăm thành phố, thị trấn và vùng nông thôn, dấu chân của tôi đã lưu lại ở hai mươi tám tỉnh, thành phố, khu tự trị cả nước, trong đó tôi đưa con đến hơn mười tỉnh, vì thế mà con gái có rất nhiều chuyện để kể, các bạn học thường rất ngưỡng mộ con.

Đưa con đi du lịch, không nói đến vấn đề kinh tế thì vấn đề chủ yếu là quan niệm của phụ huynh. Thời đại ngày nay, vài nghìn tệ, vạn tệ đối với nhiều gia đình đều không thành vấn đề, nếu nói để chọn một trường tốt cho con, phụ huynh không tiếc gì mấy vạn thậm chí là mấy chục vạn, nhưng nếu bỏ ra mấy nghìn tệ đưa con cái đi du lịch thì có khi lại không muốn.

Theo tôi thấy, nếu lấy tiền chuyển trường để đưa con đi du lịch thì sẽ ý nghĩa và giá trị hơn nhiều. Điểm này khi con cái ngày một lớn hơn thì chúng ta sẽ thấy rõ hơn, sự trưởng thành của con gái tôi là một ví dụ rất điển hình. Mấy năm nay tôi luôn luôn giữ nguyên tắc gần đâu học đấy, tôi không phải tốn một đồng nào để chuyển trường cho con, nếu cũng giống như một số phụ huynh khác thì từ khi con gái học mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở rồi trung học phổ thông, ít nhất tôi phải mất mười vạn tệ tiền chuyển trường, số tiền này tôi đã tiết kiệm được, trừ đi một phần nhỏ số tiền dùng để mua sách cho con thì phần còn lại tôi dùng để đưa con đi du lịch, vì thế con gái mặc dù chỉ học ở trường bình thường nhưng rất nhanh nhẹn hoạt bát, lạc quan, tự tin, hơn nữa tố chất tổng thể còn cao hơn những bạn học ở trường điểm khác.

Mùa hè năm 2008, trước khi tôi và con rời Thẩm Dương để chuyển đến sống ở Trường Xuân, tôi lái xe đưa con gái và chị họ của con đi du lịch hai mươi ngày, tổng cộng đi hơn bốn nghìn kilômét, xuất phát từ Thẩm Dương, Liêu Ninh, đến thành phố Trường Xuân, thành phố Cát Lâm, thành phố Đôn Hóa, rồi đến thành phố Ninh An, thành phố Hải Lâm, Mộc Đan Giang, Kê Tây, Gia Mộc Tư, Song Áp Sơn, Hạc Cương, Y Xuân, Tuy Hóa, Cáp Nhĩ Tân của tỉnh Hắc Long Giang, cả cuộc hành trình chúng tôi thưởng ngoạn vẻ đẹp và sự trù phú của vùng Đông Bắc.

Chúng tôi lưu lại ở Trường Xuân, thủ phủ của tỉnh Cát Lâm trong một thời gian ngắn, sau đó lái xe đến thành phố ven sông xinh đẹp, thành phố lớn thứ hai ở tỉnh Cát Lâm - thành phố Cát Lâm. Cát Lâm không chỉ là một trong mười sáu thành phố mà tôi đã từng làm việc và sinh sống, mà còn là thành phố đầu tiên mà tôi đến, vì vậy mà tôi có tình cảm đặc biệt với thành phố này.

Ba mươi năm trước, sau khi bị cha đánh mắng trách móc nhiều lần, tôi tức giận bỏ nhà ra đi, tôi đã trốn đến thành phố Cát Lâm cách nhà hơn ba trăm kilômét, ở nhờ chỗ anh ba, lúc đó anh ba đang đóng quân ở Cát Lâm. Tất nhiên lúc đó tôi không thể đi bộ đội, sau khi thăm thú một tuần, anh ba đưa tôi ra tàu về quê. Năm đó tôi mới mười hai tuổi.

Chuyến đi Cát Lâm lần đó tôi đã có rất nhiều lần đầu tiên: lần đầu tiên đến thành phố, lần đầu tiên ngồi tàu, lần đầu tiên ngồi ô tô, lần đầu tiên được đi vườn bách thú, lần đầu tiên được xem chiếu phim trong phòng chiếu, lần đầu tiên được tắm trong bồn tắm, lần đầu tiên được thấy nhiều tòa nhà cao tầng như vậy, lần đầu tiên thấy nhiều ô tô như vậy. Từ đó, trái tim non nớt của tôi luôn hướng tới thế giới bên ngoài…

Hai mươi ba năm sau, khi trở lại thành phố ven sông tươi đẹp này, lúc này tôi đã là một biên tập viên chuyên mục, là một phóng viên nổi tiếng, một người dẫn chương trình nổi tiếng đến đây để làm chương trình “Đông Tử giới thiệu và ký tặng sách trên toàn quốc”. Để gần gũi hơn với nơi đã từng chở những ước mơ của tôi về một thành phố, tôi đã sống và làm việc ở đây hơn một năm. Trong thời gian đó, tôi lên lớp cho các sinh viên ở Học viện Truyền thông Cát Lâm, mở chuyên mục “Đông Tử Online” cho tạp chí Làm người và xử thế, và còn thường xuyên là khách mời trường quay.

Ở Cát Lâm, tôi đưa bọn trẻ đi thưởng thức món cá ở hồ Tống Hoa, đến thăm Đảo Ngũ Hổ, thăm thành cổ Ô La, sau đó chúng tôi đi theo quốc lộ 302, xuyên qua đỉnh Lão Gia, leo núi Hắc Đỉnh Tử, chúng tôi đi về phía Đông, lái xe đến thẳng thành phố Đôn Hoa. Sau khi nghỉ ngơi ở Đôn Hoa, xe chúng tôi đi trong mưa nhỏ, vượt qua những đám mây, men theo đường quốc lộ 201 đi về phía Bắc, qua đỉnh hồ Minh Nhạn âm vang tiếng chim nhạn và vượt qua đỉnh Chu Đôn núi non trùng điệp, đến với tỉnh cực Bắc của Trung Quốc - Hắc Long Giang. Sau mười lăm phút, xe đến thị trấn nhỏ Kính Bác nằm ven hồ Kính Bác, nghỉ ngơi chốc lát xe chúng tôi men theo bờ Đông của hồ tiến sâu vào trong, đi qua một loạt những khe nước, tiến thẳng đến khe sông Kính Bác…

Mười mấy ngày sau đó, tôi và con tiếp tục khám phá vùng đất đen của tổ quốc, ở Gia Mộc Tư và Hạc Cương chúng tôi đến sông Tống Hoa, đi dạo ở vùng đất mầu mỡ Tam Giang; ở Y Xuân và Tùy Hóa chúng tôi đi qua những cánh rừng mênh mông, lênh đênh trên dòng Đại Phong; ở Cáp Nhĩ Tân chúng tôi đến thăm đảo Thái Dương, thăm nhà thờ lớn Sophia; ở thành phố Cát Lâm và Song Áp Sơn chúng tôi lần lượt đến thăm anh Ba và anh Cả, trong thời gian ở Song Áp Sơn tôi đưa Y Y thăm lại nơi tôi đã từng sinh sống và làm việc cách đây hai mươi lăm năm, thăm lại người chủ nhà tốt bụng năm xưa.

Chuyến đi hàng nghìn kilômét này không chỉ đơn giản là một chuyến du lịch tự khám phá mà còn là dịp chúng tôi đi để thăm người thân, và là chuyến đi tỏ lòng biết ơn…

Sau khi trở về, Y Y nói với tôi: “Cha ơi, vốn con chỉ nghĩ Mộc Đan Giang là một thành phố của Hắc Long Giang, giờ con mới biết nó còn là tên của một dòng sông, hơn nữa lại là nhánh sông lớn nhất của sông Tống Hoa, thành phố Mộc Đan Giang được đặt theo tên của dòng sông này, qua chuyến đi lần này con đã biết thêm được rất nhiều điều”.

“Tất nhiên rồi con, nếu không thì người khác đâu có nói cha con là ‘đi nhiều biết rộng’, khà khà, con còn thu hoạch được gì nữa nào?”.

“Vô cùng nhiều cha ạ, đợi con dần dần tiêu hóa con sẽ nói cho cha nghe”. Con gái còn học được cách chơi trò úp mở nữa.

Tôi cùng con học Taekwondo

Những phụ huynh nào hiểu quan niệm giáo dục của Đông Tử đều biết, tôi không tán thành việc phụ huynh kèm con đọc, học và làm bài tập, về việc này tôi đã đặc biệt viết một bài nói về những ảnh hưởng xấu của việc “kèm” đối với sự phát triển của trẻ. Nhưng trong phần này tôi lại nói về việc tôi cùng con học Taekwondo, như vậy có mâu thuẫn không?

Xin đừng vội đưa ra kết luận, mời mọi người đọc hết phần này rồi hãy đưa ý kiến.

Bắt đầu chuyện này từ đầu năm 2009, khi đó con gái đã học xong trung học cơ sở, bắt đầu ôn tập trong thời gian nửa năm để chuẩn bị cho kỳ thi trung học phổ thông. Vì tôi chưa bao giờ tán thành việc học khổ học sở kiểu đối phó, nên tôi cho rằng việc ôn tập trong nửa năm này chẳng có ý nghĩa gì, chỉ lãng phí thời gian, ôn tập như vậy chi bằng cho con vui vẻ học thêm một số kỹ năng, bồi dưỡng phẩm chất. Khi tôi nói với con suy nghĩ của mình, con vui vẻ đồng ý, tất nhiên hai cha con lại đập tay đầy nhiệt huyết.

Dưới đây là kế hoạch mà hai cha con cùng đặt ra:

Kế hoạch phát triển của Phạm Khương Quốc Nhất sáu tháng đầu năm 2009:

Kế hoạch đọc

Tháng ba

Chuyện kể danh nhân thế giới

Tháng tư

Mười nhà tư tưởng vĩ đại

Câu chuyện trí tuệ

Tháng năm

Ông già và biển cả

Đồi gió hú

Tháng sáu

Chicken soup for the soul

Tôi tư duy nghĩa là tôi tồn tại

Kế hoạch viết

1. Trong thời gian này hoàn thành bản thảo cuốn “Thời trung học vui vẻ của Phạm Khương Quốc Nhất”, viết một trăm nghìn chữ.

2. Tất cả bản thảo do con tự đánh.

3. Chọn trong đó hai mươi tác phẩm gửi đến các báo, cố gắng được đăng mười bài.

4. Kế hoạch bồi dưỡng kỹ năng tổng hợp

- Tham gia lớp học bồi dưỡng kỹ năng về máy vi tính như lắp và sửa phần cứng, chỉnh sửa ảnh.

- Tham gia lớp Taekwondo.

- Tham gia lớp bồi dưỡng kỹ năng dẫn chương trình (hoặc những môn nghệ thuật khác).

5. Trong thời gian này sẽ về quê bái tổ, đến Cát Lâm tặng sách và về Thẩm Dương thăm bạn.

Thời gian biểu (áp dụng từ thứ hai đến thứ sáu)

7:00 - 7:30

Thức dậy

7:30 - 8:00

Ăn sáng

8:00 - 11:00

Học bài

11:00 - 12:00

Hoạt động ngoài trời

12:00 - 12:30

Ăn trưa

12:30 - 14:00

Nghỉ trưa

14:00 - 18:00

Học bài

Mục tiêu tổng thể

Thông qua quãng thời gian học tập và rèn luyện này tôi muốn sức khỏe, tố chất tâm lý, năng lực biểu đạt, năng lực giao tiếp, năng lực thích ứng, khả năng đọc hiểu, khả năng viết, kỹ năng sử dụng máy vi tính… Những tố chất tổng thể của con đều được nâng cao rõ rệt.

Đây chính là cuộc sống của học sinh lớp chín Phạm Khương Quốc Nhất.

Khi những bạn học sinh khác phải khổ sở ở những lớp tự học buổi sáng, Y Y vẫn đang chìm trong giấc mộng đẹp; khi những bạn khác đang trên lớp khổ sở vò đầu bứt tai nghĩ về đề thi vào trung học phổ thông thì con gái lại đang dạo chơi trên những cánh đồng, con phố hoặc đang luyện Taekwondo, học máy vi tính; khi những bạn khác đang ở trên lớp tự học buổi tối lo lắng sốt sắng về một đề chưa giải được thì Y Y lại đang lướt web, xem tivi, đọc báo, thu lượm kiến thức quý báu trong những trò vui chơi tiêu khiển…

Từ kế hoạch phát triển này có thể thấy, để giúp con có nhiều giờ ngoại khóa, giúp con có một cơ thể khỏe mạnh, tôi cho Y Y đăng ký lớp Taekwondo. Võ đường Taekwondo cách nhà tôi không xa nhưng lại không có xe đến thẳng đó, để một đứa bé gái chưa đầy mười hai tuổi đi một mình về nhà lúc hơn tám giờ tối, là cha tôi không thể yên tâm cho được, vì thế ngày nào tôi cũng lái xe đưa con đi sau đó ở trong phòng hoặc là ở bên ngoài chờ con, đến lúc con tan học lại đón con về.

Sau mấy ngày như vậy, con gái nói với tôi: “Cha ơi, hay là cha cùng học với con đi ạ, như vậy cha không phải khổ sở một mình chờ con, lại có thể rèn luyện sức khỏe”. Tôi thấy con nói cũng có lý, vì thế mà tôi cũng đăng ký tham gia lớp học Taekwondo.

Tôi được xếp học cùng lớp với Y Y, mỗi lần luyện tập có khoảng mười mấy người, ngoài tôi ra thì còn một người trung niên, có ba, bốn thanh niên, còn lại đều là những bạn nhỏ học trung học cơ sở, học tiểu học như Y Y. Thời gian học của mỗi học viên không giống nhau, có người đã học vài năm, có người chỉ mấy tháng, cũng có người mới học được mấy ngày. Y Y lên lớp trước tôi mấy ngày, vì thế con là tiền bối của tôi, hơn nữa động tác của con chuẩn, chính xác, hay được huấn luyện viên khen, và còn được thầy ủy thác hướng dẫn cho tôi nữa.

Đến giờ học, huấn luyện viên cho chúng tôi xếp thành hàng, chạy vòng quanh võ đường, đây là màn khởi động trước giờ học, tôi là người chạy cuối cùng. Bởi vì trong lớp tôi là người lớn, vì thế mà huấn luyện viên “ưu ái” tôi hơn, tôi có thể chạy ít hơn những học viên khác hai vòng, yêu cầu luyện tập cũng không nghiêm khắc như những học viên khác. Tất nhiên tôi cũng có yêu cầu khá nghiêm khắc với bản thân mình, cố gắng phải đồng đều với mọi người, nhưng hơn hai mươi năm rồi không luyện tập, sức khỏe không thể nào so bì với các bạn trẻ bây giờ.

Cho dù là vậy, sau một ngày luyện tập thì tôi cũng bị đau lưng, đau chân, co cơ, cường độ luyện tập của Y Y còn nhiều hơn tôi, con còn đau tới mức nào, vì thế mà tôi rất hiểu sự vất vả của con, nhưng khuôn mặt con lúc nào cũng vui vẻ, không hề có vẻ đau đớn.

Thời gian sau đó, dưới sự hướng dẫn tận tình của huấn luyện viên, một tháng sau, tôi và con gái đã học được cản phá cao, cản phá trong, cản phá thấp của quyền tay, học được đá ngang, đá thẳng, đá sau, động tác nào của Y Y cũng rất chuẩn xác, hơn nữa khẩu lệnh cũng hô rất to rõ, mặc dù tôi không thể so với con nhưng cảm giác cũng thu hoạch được khá nhiều.

Sau một tháng luyện tập, trải qua kỳ thi nghiêm ngặt, Y Y đã được lên đai, từ đai trắng lên đai vàng, gặt hái được thành tích, Y Y lại tiếp tục học thêm hai tháng nữa, trong hai tháng này thì có một bạn gái học phổ thông trung học trong khu nhà chúng tôi cùng học, Y Y có bạn cùng đi cùng về, vì thế tôi cũng không cần phải đưa đón con nữa.

Ba tháng sau, Y Y đã học xong, ý chí của con càng mạnh mẽ hơn, tay có lực hơn, chân chắc hơn, khi giơ tay giơ chân cũng thêm vài phần khí phách. Tôi mặc dù không có tiến triển gì thêm nhưng qua tập luyện, tôi thấy rất có lợi cho sức khỏe, hơn nữa lại được nhìn thấy sự trưởng thành của con, cùng con chia sẻ niềm vui khi học Taekwondo.