Cùng con trưởng thành - Chương 06 - Phần 2

Con gái lựa chọn khoa học xã hội

Khi một số người biết Y Y vượt lớp, ra sách, đều lo lắng hỏi tôi: “Phạm Khương Quốc Nhất liệu có học lệch không?”. Bởi vì rất nhiều bạn nhỏ có sở trường về một lĩnh vực nào đó đều học lệch, thậm chí học lệch khá trầm trọng, ví dụ như có bạn có sở trường viết văn, với mức điểm 100 cho mỗi môn, ngữ văn được hơn 90 điểm, toán lý hóa chỉ được có 30, 40 điểm, ngược lại những bạn giỏi toán thì ngữ văn lại kém.

Từ tiểu học đến khi thi đại học Y Y chưa bao giờ học lệch, mặc dù là học khối khoa học xã hội nhưng những môn khoa học tự nhiên con cũng học rất tốt. Khi học tiểu học và trung học cơ sở, thành tích ba môn toán, lý, hóa đều rất tốt, môn hóa còn đạt điểm cao nhất khối, môn vật lý thì đứng thứ hai, môn toán thì thường xuyên đứng đầu lớp. Lúc đó đã có người bạn thân khuyên tôi nên cho Y Y học khoa học tự nhiên, nói con bé nhất định sẽ trở thành một nhà khoa học tài ba, hơn nữa những ngành nghề khoa học tự nhiên mang tính kỹ thuật cao đều khá dễ kiếm việc.

Lúc đó con bé vẫn còn nhỏ, không thể đưa ra chủ kiến của mình, tôi âm thầm quan sát, bởi vì sau này con làm gì tuyệt đối không thể chỉ nhìn vào điểm số mà phải kết hợp tính cách, hứng thú, sở trường và hoàn cảnh gia đình của con để quyết định. Nhưng khi học trung học phổ thông, trước khi phân ban khoa học xã hội và khoa học tự nhiên, phải cơ bản xác định hướng đi tương lai của con.

Vì thế học kỳ II năm lớp chín, hai cha con đã trao đổi rất nghiêm túc về việc chọn ngành nghề của con sau này. Trước tiên tôi để con nói suy nghĩ của mình. Con bé vốn có tính cách lạc quan vui vẻ, thích trải nghiệm và khám phá những sự vật mới lạ, vì thế mà muốn làm rất nhiều ngành nghề, xét một cách tương đối thì hai công việc mà con thấy hứng thú hơn cả là dạy học và làm người dẫn chương trình.

Nghe con trình bày suy nghĩ của mình xong, tôi không vội khẳng định hay phủ định, mà tôi căn cứ vào tình hình thực tế của con, giúp con phân tích những ưu thế, những mặt tích cực tiêu cực. Trước tiên xét về tính cách, căn cứ theo các nghiên cứu tâm lý học và thực tiễn xã hội, những người có tính cách hướng ngoại thì tương đối năng động, không thích hợp với những công việc khô khan như làm việc trong phòng thí nghiệm; thứ đến là những môn khoa học tự nhiên ở bậc trung học phổ thông khó hơn rất nhiều so với bậc tiểu học và trung học cơ sở, tư duy trừu tượng của nữ giới không tốt bằng nam giới, sinh lý của nam giới và nữ giới cũng có sự khác biệt; tiếp đó là Y Y là một cô bé có tính cách hướng ngoại, có tài ăn nói, lại có sở trường viết văn; ngoài ra hoàn cảnh gia đình là một thuận lợi nếu như con học tập và phát triển theo hướng những ngành khoa học xã hội. Tổng hợp những nhân tố trên, tôi thấy rằng mặc dù lúc đó thành tích các môn khoa học tự nhiên của con tốt hơn một chút so với các môn khoa học xã hội nhưng bản thân con không thích hợp với những công việc thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, mà thích hợp với những công việc thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, ví dụ luật sư, giáo viên, phóng viên hoặc người dẫn chương trình.

Nói như vậy thì lựa chọn của con tương đối phù hợp, không ngờ hai cha con lại dễ dàng thống nhất quan điểm như vậy, bởi vì khi học tiểu học, Y Y không thích học ngữ văn, con từng nói sau này muốn làm nhà toán học. Xem ra con càng lớn thì suy nghĩ càng chín chắn hơn. Thế là con bắt đầu nỗ lực cố gắng để thực hiện ước mơ làm cô giáo (hoặc người dẫn chương trình) của mình, tôi cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi cũng như giúp đỡ con để con có thể thực hiện được ước mơ đó.

Một năm sau, khi Y Y kết thúc học kỳ I năm lớp mười, trước kỳ nghỉ đông hai ngày, con về nhà và thông báo với tôi là nhà trường chuẩn bị phân ban, ngày mai đi học phải đăng ký lựa chọn ban nào. Y Y xin ý kiến của tôi, tôi nói với con: “Cha cảm ơn con vì đã tôn trọng cha, con lớn rồi nên có chủ kiến của riêng mình, con thích gì, cái gì phù hợp với bản thân con phải rõ hơn ai hết, bất luận chọn khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội, cha đều tôn trọng lựa chọn của con, nhưng cho dù sau này có thế nào con phải nhớ là không được hối hận”, “Vâng, con hiểu ạ”, con làm mặt xấu trêu tôi.

Ngày hôm sau Y Y điền nguyện vọng của mình và nộp cho cô giáo, mấy ngày sau khi tan học về nhà, con gái vui mừng nói với tôi: “Cha, chúng con nghỉ đông rồi, khi nào vào học kỳ mới con đã là học sinh ban khoa học xã hội rồi”. Tôi tò mò dò hỏi xem có bao nhiêu bạn lớp con đăng ký học ban khoa học xã hội, còn hỏi bạn cùng bàn của con đăng ký ban nào, Y Y trả lời rồi nói với tôi: “Cho dù lớp mới của con có hoặc không có những bạn học ở lớp cũ, con cũng sẽ nhanh chóng có những người bạn tốt, có những người bạn cùng chung chí hướng, bởi vì chúng con đều là học sinh ban khoa học xã hội…”.

Ngày hôm đó, hai cha con chuẩn bị hành lý vui vẻ về quê ăn Tết.

Buổi học đầu tiên sau kỳ nghỉ, con gọi điện về cho tôi thông báo con đã trở thành học sinh ban khoa học xã hội, con vẫn học lớp 14, cô chủ nhiệm lúc đầu là giáo viên môn sinh học giờ đổi thành giáo viên tiếng Anh. Toàn trường có mười sáu lớp, phân thành chín lớp khoa học tự nhiên và bảy lớp khoa học xã hội, bảy lớp khoa học xã hội lại chia thành hai lớp chất lượng cao (trọng điểm) và năm lớp thường. Mặc dù học kỳ này Y Y có rất nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn một khoảng cách nữa mới được vào lớp chất lượng cao, vì thế mà con có chút thất vọng và không cam tâm. Tôi an ủi con: “Dù học lớp thường hay lớp chất lượng cao, chỉ cần con nắm được kiến thức, cảm thấy vui vẻ thì học lớp nào không quan trọng”.

Ngày hôm sau, tôi đến trường trao đổi với cô chủ nhiệm Lưu Thục Yến và cô giáo dạy ngữ văn Lý Lệ, tôi giới thiệu với hai cô tình hình của Y Y, hai cô mặc dù chưa biết rõ về Y Y nhưng đều rất quý mến con, sau này khi Y Y thi được vào lớp chất lượng cao, cô Lý Lệ trở thành giáo viên chủ nhiệm của con, còn cô Lưu Thục Yến thì vẫn là cô giáo tiếng Anh của con.

Nhìn vào thành tích nhiều lần thi sau khi phân lớp, thành tích các môn khoa học xã hội của con đều cao hơn thành tích môn khoa học tự nhiên nhiều, nhìn vào thành tích thi đại học, có thể thấy ban đầu con lựa chọn ban khoa học xã hội là hoàn toàn đúng đắn. Tổng điểm thi đại học của con là 538 điểm (ngữ văn 115, toán 82, môn xã hội tổng hợp, bao gồm chính trị, lịch sử, địa lý 224, ngoại ngữ 117), điểm ngữ văn và điểm xã hội tổng hợp cộng lại là 340 điểm, có thể thấy điểm môn khoa học xã hội rất tốt, còn môn toán chỉ được 82 điểm, thấp hơn một chút so với bình thường, nếu như phát huy đúng khả năng thì cũng khoảng 90 điểm.

Khi lên đại học, Y Y được tuyển chọn trở thành phát thanh viên và phóng viên của trường, những kỹ năng như phỏng vấn, viết lách, biểu đạt, giao tiếp, tổ chức của con đều tốt lên trông thấy, những tố chất về khoa học xã hội của con cũng được thể hiện.

Y Y thi đỗ lớp chất lượng cao

Phần trước tôi đã nói là khi phân lớp, vì không được vào lớp chất lượng cao nên Y Y cảm thấy rất thất vọng. Khi con về nhà, tôi từng nói với con: “Con đã rất giỏi rồi, con nhỏ hơn các bạn con mấy tuổi, hơn nữa học trung học cơ sở ít hơn các bạn nửa năm, mới học trung học phổ thông được nửa năm đã tiến bộ như vậy, con nên vui mừng vì mình đã tiến bộ. Hơn nữa muốn vào lớp chất lượng cao thì vẫn còn cơ hội”. Bởi vì từ học kỳ II lớp mười cho đến học kỳ I lớp mười một, mỗi lần thi, nhà trường đều sẽ căn cứ và thành tích để điều chỉnh lớp, những bạn ở lớp thường nếu đạt điểm cao thì sẽ được chuyển vào lớp chất lượng cao, và ngược lại những bạn ở lớp chất lượng cao thành tích không tốt sẽ bị “mời” ra khỏi lớp chất lượng cao.

Khi mới vào học trung học phổ thông, toàn trường có một nghìn học sinh lớp mười (lúc đó chưa phân ban), thành tích của con khoảng top sáu trăm năm mươi, ở tốp dưới, gọi là học sinh trung bình khá. Theo dự tính ban đầu của tôi, lúc con vào học thành tích ở top tám trăm, học kỳ II năm lớp mười, học kỳ I năm lớp mười một, học kỳ II năm lớp mười một và học kỳ I năm lớp mười hai thành tích của con sẽ lần lượt là top sáu trăm, top bốn trăm, ba trăm và dưới hai trăm, học kỳ II năm lớp mười hai và giai đoạn chuẩn bị thi đại học thành tích ở top một trăm năm mươi. Thi đại học đạt khoảng 450 điểm, học ở một trường đại học top hai (trường đại học chủ yếu lấy sinh viên nguyện vọng hai).

Ba năm học trung học phổ thông kết thúc, mọi thứ đều vượt quá dự tính ban đầu của tôi, lúc nhập học thành tích của con là top sáu trăm năm mươi, kết thúc kỳ II năm lớp mười con ở top hai trăm năm mươi (bao gồm cả ban khoa học tự nhiên và xã hội), kỳ I năm lớp mười một ở top năm mươi, lớp mười hai về cơ bản luôn trong top hai mươi lăm, điểm thi đại học đạt 538 điểm, đứng thứ năm toàn khóa.

Một tháng sau khi phân ban, trong kỳ thi tháng, mặc dù môn tiếng Anh con thi không tốt như mong đợi, nhưng thành tích môn lịch sử, chính trị vẫn đứng nhất lớp, nhì khối, đứng thứ sáu mươi tư trong tổng số học sinh ban khoa học xã hội (cả khóa có bảy lớp khoa học xã hội, hơn bốn trăm học sinh), trong đó hai lớp chất lượng cao có bảy mươi tám học sinh, như vậy con đỗ vào lớp chất lượng cao.

Tôi vốn dĩ không “ham” trường điểm hay lớp chất lượng cao, mong muốn của tôi là mọi đứa trẻ đều được giáo dục bình đẳng, không phải phân biệt cấp bậc này khác. Rất nhiều phụ huynh vì muốn con học trường chuyên lớp chọn mà bắt con cái học hành khổ sở, nhờ quan hệ, đi cửa sau, tốn một đống tiền để nhét con vào, nhưng tôi lại khác, thật sự lúc đầu tôi không muốn Y Y vào học lớp chất lượng cao, vì thế mà hai cha con đã có một cuộc trao đổi thẳng thắn kỹ lưỡng.

Tôi không muốn cho con học lớp chất lượng cao vì tôi lo lắng ba điều như sau: thứ nhất là sợ ảnh hưởng đến việc nghỉ ngơi và vui chơi của con, lớp chất lượng cao học rất nặng, lại còn thêm nhiều giờ ôn tập như tự học buổi tối, giờ học tối, vì thế thời gian ngủ và thời gian chơi của con không được đảm bảo; thứ hai là tôi sợ sẽ ảnh hưởng đến việc viết sách, việc viết sách vừa là để rèn luyện kỹ năng viết, vừa là nâng cao những tố chất của bản thân, bất luận tương lai con theo ngành nghề gì thì những tố chất về văn học vẫn là tài sản quý báu của con; thứ ba tôi lo nếu như một lần nào đó con thi không tốt, lại phải quay lại học lớp thường, tôi sợ con sẽ không chịu đựng nổi. Cuối cùng tôi nói với con: “Nếu con có đủ tâm lý vững vàng, có thể từ bỏ một ít thời gian chơi, cha tôn trọng lựa chọn của con, con phải tự đi trên con đường của mình, nhưng không được hối hận”.

Y Y đầy tự tin nói với tôi: “Cha yên tâm ạ, con đã lớn rồi, một số chuyện con cũng biết suy nghĩ thấu đáo. Những gì cha nói con đều đã suy nghĩ cả, con đã quyết tâm học lớp chất lượng cao, cũng đã chuẩn bị tâm lý rồi, con cảm ơn vì cha đã ủng hộ và hiểu con, con gái sẽ không làm cha thất vọng đâu ạ. Cho dù kết quả có như thế nào, con sẽ không hối hận vì lựa chọn của mình”.

Lần thi này, vài bạn trong lớp chất lượng cao đã phải ra khỏi lớp, trở về học ở những lớp thường. Mấy lần thi sau đó, lần nào cũng có những học sinh ở lớp thường được vào lớp chất lượng cao và tất nhiên cũng có cùng số lượng những học sinh bị buộc phải rời khỏi lớp chất lượng cao. Y Y thì vẫn giữ vững phong độ, hơn nữa thành tích không ngừng lên cao.

Một năm sau đó, lúc đó Y Y đang học lớp mười một, con nói với tôi là chương trình học trung học phổ thông các con đã học xong gần hết rồi, lên lớp mười hai chỉ ôn tập để thi đại học. Tôi cảm thấy việc ôn tập này chẳng có một chút ý nghĩa nào, chỉ lãng phí thời gian, vì vậy tôi không muốn cho con tham gia kỳ thi đại học. Tôi lại thương lượng với con: Nếu không thi đại học thì ngày nào cũng được ngủ thoải mái, có thể tránh khỏi việc ôn tập khô khan này. Một năm này con có thể ở nhà tự học cổ văn, đọc các tác phẩm kinh điển, tham gia một hai lớp học con thích, tự mình đi du lịch, tham gia trải nghiệm thực tiễn xã hội, và có thể viết một cuốn sách. Bởi vì theo tôi thấy tất cả những thứ này đều có ý nghĩa hơn là việc ôn tập ở trường, hơn nữa nội dung học tập hay cuộc sống đều phong phú nhiều màu sắc hơn.

Một năm sau con vẫn có thể học đại học như thường, học những kiến thức chuyên ngành liên quan, có điều khác với những bạn tham gia kỳ thi đại học là sau bốn năm con không có bằng tốt nghiệp hay bằng học vị. Tôi tin rằng khi học xong, mặc dù Y Y không có hai thứ đó, bất luận là thành tích học tập hay năng lực thì con vẫn xuất sắc hơn đại đa số những sinh viên khác. Hơn nữa, khi học xong đại học con mới chưa đầy hai mươi tuổi, có thể học cao học ở trong nước hoặc nước ngoài, tất cả bằng cấp đều không cần nhưng kiến thức và năng lực bắt buộc phải có, bởi vì đó là thứ để con có thể sinh tồn.

Cuộc sống như vậy rất có sức cám dỗ đối với những đứa trẻ ở tuổi ấy, Y Y cũng không ngoại lệ, con nói để con suy nghĩ rồi sẽ trả lời tôi. Ngày hôm sau con gái khéo léo trả lời tôi, con vẫn muốn tham gia thi đại học, lý do là: Trước đây vì vượt lớp mà con không tham gia kỳ thi lên lớp, thi đại học mặc dù rất khổ, rất mệt nhưng con vẫn muốn thử xem sao. Cuối cùng, tôi vẫn tôn trọng quyết định của con, đồng thời tôi cũng nói với con rằng, con đã đi theo con đường giáo dục để thi cử, thì con phải tuân theo quy tắc của nó, con gái đầy tự tin gật đầu đồng ý.

Một tuần trôi qua, tôi vẫn không cam tâm, tôi nói với Y Y: “Có thể thi đại học nhưng một năm dài như vậy, thực sự là không có ý nghĩa gì cả, chi bằng tham gia kỳ thi đại học ngay, lãng phí một năm chỉ vì đổi lấy mấy chục điểm quả thực là không đáng, con có đủ tự tin không?”, “Được ạ, thi đạt 400, 500 điểm không thành vấn đề”.

Sau đó tôi bắt tay vào việc cho con tham gia kỳ thi đại học năm 2011, trước tiên đăng ký lớp thiếu niên (lúc đó Y Y mười bốn tuổi), đáng tiếc là tất cả các lớp thiếu niên trên toàn quốc chỉ có ban khoa học tự nhiên. Khi con đường này đã bị đóng lại, tôi lại hỏi ở Văn phòng Tuyển sinh của tỉnh và Bộ Giáo dục thì được trả lời rõ ràng là những học sinh lớp mười một không được tham gia thi đại học.

Tôi thông báo với Y Y về vấn đề này, con an ủi tôi: “Không sao đâu cha, chúng ta chờ một năm nữa vậy”. Sau đó con gái yên tâm học ở trường, cứ chiều thứ bảy lại về nhà, sau bữa cơm tối lại chơi trò chơi trên mạng, xem tivi, sau đó đi ngủ, ngủ nướng tới tận trưa ngày hôm sau, tôi ăn cơm trưa còn con ăn sáng, buổi chiều thì có lúc đi hát karaoke, dạo phố với các chị em, có lúc cùng tôi đi hiệu sách, thư viện, hoặc ra ngoại ô chơi. Khi người khác biết được cuộc sống năm lớp mười hai của con đều tỏ ra không tin: “Có học sinh trung học phổ thông nào lại ung dung thế không?”.

Trở thành “Học sinh kiểu mẫu”

Là một học sinh có ý chí vươn lên, mỗi đứa trẻ đều mong ước mình trở thành một học sinh kiểu mẫu, trở thành tấm gương cho bạn bè, được thầy cô và phụ huynh khen ngợi, được nhà trường biểu dương. Tôi cũng được đi học vài năm, thành tích học tập cũng không tồi nhưng chưa từng được một danh hiệu hay giấy khen gì. Mặc dù bản thân tôi cũng muốn nhận được những phần thưởng tương tự như vậy, cũng muốn được biểu dương như vậy nhưng những danh hiệu đó cách tôi rất xa, và khi tôi rời xa mái trường, trở thành phụ huynh thì những phần thưởng, những sự biểu dương đó lại ngày một gần hơn. Đó là nhờ cô con gái đáng yêu của tôi.

Khi Y Y học mẫu giáo, con đã đạt được rất nhiều những phần thưởng như vậy, năm nào cũng có phần thưởng và giấy khen mang về nhà. Lên tiểu học, con lại càng khiến cha mẹ tự hào, thi cuối kỳ I, con đứng đầu lớp, nhà trường chụp ảnh bạn đứng đầu của từng lớp, treo ở bảng thành tích ở hành lang của trường. Kỳ II cũng vẫn như vậy, mặc dù thời gian đó chưa có “học sinh kiểu mẫu” nhưng những hình thức khen thưởng như vậy cũng có ý nghĩa tương tự.

Sau khi học vượt lớp hai, thành tích học tập của con trở về mức trung bình, và sau đó dần dần tiến bộ, vươn đến một mức cao rồi lại vượt lớp và lại quay lại mức trung bình. Lên đến trung học cơ sở, thành tích học tập không ngừng tăng cao, tổng thành tích luôn đứng ở vị trí thứ mười mấy của toàn khối, thành tích môn riêng lẻ đứng đầu khối, mặc dù thời gian này không có phần thưởng cũng chẳng có bất kỳ hình thức biểu dương nào nhưng con vẫn có “dáng” của học sinh kiểu mẫu.

Thực sự trở thành “Học sinh kiểu mẫu” là khi học trung học phổ thông, cùng với đó còn có danh hiệu “Ngôi sao môn học”.

Từ năm lớp mười một trở đi trong kỳ thi giữa kỳ và những kỳ thi quan trọng, những học sinh có tổng thành tích đứng trong top mười đều được nhà trường phong tặng danh hiệu “Học sinh kiểu mẫu”, nếu môn học nào đứng đầu khối thì sẽ được phong tặng danh hiệu “Ngôi sao môn học”. Trong hai năm, Y Y tổng cộng ba lần đạt danh hiệu “Học sinh kiểu mẫu” và một lần đạt “Ngôi sao môn học”.

Lần đầu tiên là vào kỳ thi giữa kỳ I năm lớp mười một, với thành tích ngữ văn 110 điểm, toán học 84 điểm, tiếng Anh 105 điểm, địa lý 80 điểm, lịch sử 80 điểm, chính trị 68 điểm, tổng điểm 527 điểm, đứng thứ bảy toàn khối, con đạt danh hiệu “Học sinh kiểu mẫu”.

Một ngày không lâu sau khi công bố kết quả thi, con gái về nhà và nói với tôi là sáng thứ tư ngày 17 tháng 11 năm 2010 nhà trường sẽ tổ chức họp phụ huynh và họp khen thưởng giữa kỳ, con hỏi tôi có thời gian tham gia hay không, tôi nói với con chỉ cần tổ chức ở Trường Xuân thì nhất định sẽ tham gia. Sau đó con nói với vẻ bí mật: “Cha phải tham gia đó, con có thể sẽ được khen thưởng đấy”, “Vậy thì nhất định cha sẽ đi, không có gì hạnh phúc bằng chia sẻ niềm vui cùng con gái rồi”, tôi vui mừng đồng ý.

“Cha đã hứa là nhất định phải đến, không gặp không về!”, hai cha con lại đập tay.

Ngày hôm đó, tôi đến sớm mười phút, khi tôi đến nơi thì những phụ huynh khác cũng đến gần như đông đủ, khi con hướng ánh mắt về phía tôi, tôi giơ tay vẫy con, con nhìn thấy tôi thì rất vui mừng, làm hiệu “ok” rồi yên tâm ngồi xuống.

Các hoạt động lần lượt diễn ra, trong đó có một nội dung là tuyên bố danh sách những học sinh đạt danh hiệu “Học sinh kiểu mẫu”, một lát sau đã nghe đến tên “Phạm Khương Quốc Nhất”, sau đó những học sinh đạt danh hiệu sẽ lên khán đài để nhận phần thưởng. Sau khi phát thưởng, nhà trường chụp ảnh tập thể và cá nhân những bạn đạt danh hiệu, danh sách và ảnh của những bạn này sẽ được đăng trên báo và chuyên san của nhà trường. Ngoài giấy chứng nhận, các bạn học sinh còn được tặng một túi xách tay và một chiếc cốc giữ nhiệt, chiếc cốc ở trên bàn làm việc của tôi bây giờ chính là phần thưởng lúc đó của con.

Nửa năm sau, kỳ thi giữa kỳ II năm lớp mười một, lần này Y Y tiếp tục đứng thứ bảy toàn khối với tổng điểm là 539 điểm, lại đạt danh hiệu “Học sinh kiểu mẫu”, trong lần thi này môn lịch sử con được 90 điểm, đứng đầu khối, vì thế con còn được danh hiệu “Ngôi sao môn học”.

Học kỳ II năm lớp mười hai, nhà trường tổ chức thi thử lần thứ nhất, Y Y đứng thứ sáu toàn khối, lại một lần nữa đạt danh hiệu “Học sinh kiểu mẫu”.

Ngày 28 tháng 2 năm 2012, nhà trường long trọng tổ chức đại hội khen thưởng thành tích học tập và lễ tuyên thệ một trăm ngày trước kỳ thi đại học, Y Y lại một lần nữa được bước lên khán đài nhận tuyên dương khen thưởng.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3