Luận Anh Hùng - Phần II - Chương 09 - phần 2

Nễ Hành tự Chính Bình, người Bình Nguyên (huyện Bình Nguyên, Sơn Đông ngày nay). “Hậu Hán thư” nói: “Nễ Hành từ nhỏ đã có tài hùng biện, tính khí cao ngạo, không coi ai ra gì”, cũng tức là làm việc tùy hứng, cao ngạo cương trực, luôn thích phản đối, không hợp với người khác và cũng chẳng coi ai ra gì. Có thể vì tính nết tương đồng, nên Nễ Hành có quan hệ tốt với Khổng Dung, hai người thường nói đủ mọi chuyện. Nghe đâu Khổng Dung từng nói hai điều bất hiếu đó với Nễ Hành và Nễ Hành đã tuyên truyền ra ngoài. Lộ Túy còn phát hiện thấy hai người thường tâng bốc lẫn nhau. Nễ Hành nói Khổng Dung là: “Trọng Ni bất tử” còn Khổng Dung tâng bốc Nễ Hành là “Nhan Hồi tái sinh”. Trong tài liệu trình báo lên, Lộ Túy nhắc đến Nễ Hành nhiều lần, đủ thấy về một ý nghĩa nào đó, án của Khổng Dung là tiếp nối án của Nễ Hành.

Trước hết, Nễ Hành bị giết vì đắc tội với Tào Tháo. Khổng Dung mê tài của Nễ Hành, nên nhiều lần tiến cử Nễ Hành với Tào Tháo. Bản thân họ Tào cũng rất mến người tài, cũng rất muốn xem mặt vị nhân sĩ này. Nhưng Nễ Hành lại xem thường Tào Tháo, nên nói mình có bệnh điên, không muốn đến, còn ngấm ngầm nói lời đại nghịch, châm chọc Tào Tháo. Làm sao Tào Tháo có thể chịu nổi? Nhưng nghĩ đến tài khí, tiếng tăm của Nễ Hành, Tào Tháo không nỡ giết, chỉ muốn đánh gục uy phong của Nễ Hành. Lại nghe Nễ Hành giỏi đánh trống, liền cho triệu Nễ Hành làm quan trống, đặt tiệc lớn thết khách, nghe thử âm trống. Lần này Nễ Hành đến và tiếng trống mới âm vang tinh tế làm sao, “thần thái khác thường, âm tiết bi tráng, người nghe thảy đều cảm kích”. Nễ Hành lại đi đến trước mặt Tào Tháo, nhưng quan phụ trách lễ nghi đã ngăn lại, phải thay y phục chuyên dùng của quan trống đã, sao nghĩ có thể ăn mặc như thế này? Nễ Hành nói: Được. Rồi từ từ cởi bỏ từng cái một, người trần như nhộng ngay trước mặt Tào Tháo, lại từ từ thay mặc chế phục, không hề cảm thấy xấu hổ, còn chơi trống lần nữa mới đi. Lúc này, Tào Tháo không biết nên trốn đi đâu. Có điều, Tào Tháo vẫn là Tào Tháo, Tháo cười khà khà nói với quan khách: “Ta định bụng làm nhục Nễ Hành, chẳng ngờ mới là người bị nhục”.

Khổng Dung cũng hết sức bất bình về chuyện này, đã trách cứ Nễ Hành một hồi, đồng thời nhiều lần ca ngợi Tào Tháo là người trọng tài. Nễ Hành bằng lòng gặp Tào Tháo. Khổng Dung mừng rỡ vô cùng, chạy đến báo tin cho Tào Tháo, Tào Tháo cũng rất mừng, căn dặn gia nhân hễ Nễ Hành đến phải báo ngay. Nào ngờ cứ thế chờ cho đến chiều Nễ Hành mới tới, và không phải tới để xin lỗi mà tới để mắng mỏ. Lúc đó, Lễ Hành mặc áo vải thường, đầu quấn khăn thô, tay cầm gậy gỗ, ngồi ngay trước cửa đại doanh, mở miệng chửi bới. Vừa chửi lại vừa đập gậy xuống đất, chửi bới có ngọn có ngành, ra âm ra sắc. Quả nhiên Tào Tháo nổi giận, quay lại nói với Khổng Dung, thằng nhãi Nễ Hành là cái quái gì thế? Ta muốn giết hắn, bất quá chỉ như giết chuột mà thôi!

Nễ Hành đúng là kẻ không biết điều. Ít ra cũng không nên bán rẻ Khổng Dung, Tào Tháo cũng xem thường. Có thể vì quá khinh bỉ, Tào Tháo đã không thèm giết, mà đẩy Nễ Hành sang chỗ Lưu Biểu. Lưu Biểu có tiếng khoan dung và yêu quý kẻ sĩ, sau khi đến đó, Nễ Hành như được thay cung đổi dây, hòa thuận cùng nhau, có thể đó là biện pháp hay. Nhưng tiếc thay, giang sơn khó đổi, bản tính khó dời, cuối cùng thì Nễ Hành lại ầm ĩ với Lưu Biểu. Lưu Biểu đành phải đẩy Nễ Hành sang chỗ Hoàng Tổ. Hoàng Tổ là người thô lỗ, chịu sao được cung cách của Nễ Hành? Trong một buổi yến tiệc, Nễ Hành lại nói lời khiếm nhã. Hoàng Tổ liền trách cứ, Nễ Hành đã mắng chửi đối đáp. Hoàng Tổ quá giận, sai người lôi ra đánh. Lúc này Nễ Hành càng lồng lộn, mắng chửi. Hoàng Tổ hết chịu nổi, hạ lệnh giết Nễ Hành. Chủ bạ của Hoàng Tổ cũng căm giận Nễ Hành, đã cho giết luôn. Lúc này Nễ Hành mới hai mươi sáu tuổi.

Nễ Hành chết, một phần là do mình tự chuốc lấy. Nễ Hành cũng quá đáng. Trong số những văn sĩ chết oan, Nễ Hành là người ích kỉ cực đoan. Tự cao tự đại là biểu hiện của ích kỉ. Nễ Hành chỉ thấy có mình, không thấy có người khác. Nễ Hành xem thường tất cả mọi người. Để biểu hiện cái gọi là ngạo khí của mình, Nễ Hành chẳng ngại gì, đã đẩy người bạn là Khổng Dung đến chỗ rất khó xử? Không thể coi đó là anh hùng, chỉ có thể coi là cặn bã.

Sự thực thì, cái gọi là ngạo cốt của Nễ Hành không hề là chính nghĩa, chỉ là biểu hiện của một thứ ác tính đến mức muốn hạ thấp người khác, đề cao mình. Lúc đó kinh đô Hứa Xương vừa xây dựng xong, hào kiệt các nơi đổ về, nhân tài chật ních, có người đề nghị Nễ Hành nên qua lại với Trần Quần, Tư Mã Lang. Nễ Hành vênh mặt lên, nói: “Ta có thể kết giao với loại giết lợn bán rượu chăng? Trần Quần tự Trường Văn, ông nội, cha và chú đều là danh sĩ đương thời, bản thân cũng là bạn của Khổng Dung, cũng là quan trong triều, không là người giết lợn. Tư Mã Lang tự Bá Đạt, con em thế gia, là anh cả của Tư Mã Ý, đương nhiên, cũng không phải là kẻ bán rượu”. Một người hỏi Nễ Hành: “Thế Tuân Úc và Triệu Trĩ Trường thì sao? Tuân Úc là một nhân tài, là mưu sĩ hàng đầu của Tào Tháo; Triệu Trĩ Trường là tướng quân dẹp giặc thời đó, ăn rất khoẻ”. Thế là Nễ Hành bĩu môi nói luôn, với bộ mặt của họ Tuân đó chỉ đáng được làm quan coi sóc tang lễ và với cái bụng ấy họ Triệu kia có thể làm gián bếp mời khách. Tóm lại, Nễ Hành xem thường tất cả, có thể vừa mắt một chút chỉ có Khổng Dung và Dương Tu. Nễ Hành cũng chẳng nể nang gì, thường nói với người khác, chỉ có thằng lớn Khổng Văn Cử (Khổng Dung) và thằng tiểu tử Dương Đức Tổ (Dương Tu) còn hợp được, những thằng bé khác chẳng có gì đáng nói. Nễ Hành nói những câu đó lúc mới hơn hai mươi tuổi, Khổng Dung đã bốn mươi tuổi bị gọi là thằng lớn. Rõ ràng Nễ Hành điên khùng đến chừng nào!

Một người vô lễ điên khùng như vậy thì không thể có quan hệ tốt với mọi người, nhưng gần như Nễ Hành cũng không muốn có mối quan hệ tốt đó. Lúc Nễ Hành bị Tào Tháo đuổi, mọi người ra tiễn, Nễ Hành lại làm mình làm mẩy, rất lâu mới tới. Mọi người tức giận, nên ai ngồi cứ ngồi, ai nằm cứ nằm, đều không để ý đến Nễ Hành. Nễ Hành liền ngồi phịch xuống và khóc rống lên. Mọi người hỏi vì sao khóc. Nễ Hành nói: “Người ngồi như nấm mồ, nằm như xác chết, ta bị kẹp giữa mồ mả và xác chết, không buồn sao được?”. Một người thích chửi bới, chửi bới cay độc như vậy, có ai sẽ thích thú đây?

Nễ Hành bốc đồng, hay mắng người nên đã phải chết. Lúc đến chỗ Lưu Biểu, Nễ Hành được coi là thượng khách, Nễ Hành lại luôn châm chọc số quan viên bên cạnh Lưu Biểu. Thế là số người này liền đến to nhỏ với Lưu Biểu, nói Nễ Hành thừa nhận tướng quân nhân ái khoan hậu, nhưng đó là lòng nhân ái của đàn bà, không có năng lực quyết đoán, thể nào rồi cũng thua. Lời nói đó đánh trúng vào nhược điểm của Lưu Biểu, nhưng Nễ Hành đâu có nói thế, nhưng cứ nói đó là lời của Nễ Hành thì ai cũng tin. Thế là Lưu Biểu từ xấu hổ thành tức giận, liền đẩy Nễ Hành đến chỗ Hoàng Tổ. Tào Tháo để Nễ Hành đến chỗ Lưu Biểu, vì biết Lưu Biểu khoan hậu, thể nào cũng cho Nễ Hành một lối thoát, hy vọng Nễ Hành sẽ tốt hơn. Lưu Biểu biết Hoàng Tổ là kẻ thô lỗ, còn đẩy Nễ Hành sang đó, hẳn có ý không cho Nễ Hành sống tiếp, thậm chí là mượn dao giết người.

Rốt cuộc, Nễ Hành chết vì không có pháp chế và nhân quyền. Dù Nễ Hành có ác độc, đáng ghét tới đâu, ít nhiều cũng là có tội, nhưng không đáng chết. Nhưng có thể khẳng định nếu Nễ Hành có ở trong một xã hội đủ pháp chế và nhân quyền, cũng chẳng được mấy người yêu thích.

Xét một cách tương đối thì Dương Tu chết có phần không rõ ràng. Dương Tu tự Đức Tổ, là con của thái úy Dương Bửu, là người thông minh tuyệt đỉnh, tài hoa có thừa, ngay kẻ cuồng vọng Nễ Hành cũng thừa nhận Dương Tu là một nhân vật và thường gọi là “thằng nhỏ”. Dương Tu còn là người khiêm nhường, cung kính. Dương Tu chết không phải vì đã đắc tội với bất kỳ ai. Các sử gia đều cho rằng Dương Tu chết là do việc tranh giành ngôi thái tử giữa Tào Phi và Tào Thực, Dương Tu lại giúp Tào Thực. Sau khi Tào Tháo quyết định lập Tào Phi làm thái tử, để ngừa việc Dương Tu giúp Tào Thực tranh giành với anh, gây phiền hà, huynh đệ tương tàn, nên trước lúc lâm chung hơn trăm ngày, Tào Tháo đã giết Dương Tu.

Điều đó thực đáng ngờ. Đúng là Dương Tu có giúp Tào Thực, nhưng chưa phải là tư đảng của Tào Thực. Sau khi Tào Phi được lập làm thái tử, Dương Tu muốn rời xa Tào Thực. Nhưng Tào Thực lại lôi kéo Dương Tu, Dương Tu “không dám từ chối”. Tào Thực vẫn là con cưng của Tào Tháo, tuy không làm được thái tử, nhưng cũng không mắc tội. Dương Tu từng xuất thân danh môn, bốn đời là thái úy, nhưng lúc đó ngay như hoàng đế cũng trở thành con rối trong tay Tào Tháo thì thái úy là cái gì chứ? Nếu Dương Tu không chơi với anh em họ Tào thì có thể thế nào đây?

Huống hồ quan hệ giữa Dương Tu và Tào Phi cũng không tồi. Dương Tu từng tặng bảo kiếm cho Tào Phi, Tào Phi vô cùng thích thú luôn mang theo bên mình. Về sau Tào Phi lên ngôi hoàng đế, đóng đô ở Lạc Dương, vẫn mang theo thanh bảo kiếm đó. Một hôm, Tào Phi ra khỏi cung, bỗng thấy nhớ Dương Tu, liền ôm bảo kiếm, ra lệnh dừng xe, rồi quay lại nói với tả hữu: “Năm đó Dương Đức Tổ bảo đây là thanh kiếm của Vương Mao. Vương Mao bây giờ ở đâu?”. Đến khi tìm thấy Vương Mao, Tào Phi đã ban cho Vương Mao lương thực và áo quần. Tục ngữ có câu “yêu ai, yêu cả tông ti họ hàng”. Tào Phi yêu quý thanh bảo kiếm, nên yêu quý luôn cả Vương Mao, còn muốn trọng thưởng; gọi Dương Tu bằng tự, không phải bằng tên. Rõ ràng Tào Phi rất có cảm tình với Dương Tu, hoặc tối thiểu cũng không có phản cảm. Người mà Tào Phi không muốn giết, cớ gì Tào Tháo phải giết thay?

Tào Tháo vì mình nên đã giết Dương Tu.

Con người Dương Tu, tuy được mọi người thừa nhận là thông minh, nhưng thực ra chỉ là khôn vặt. Dương Tu phò tá Tào Thực, vì đoán rằng phần nhiều Tào Tháo sẽ lập Tào Thực. Vì vậy, tuy cả hai anh em đều đi lại với Dương Tu, nhưng Dương Tu vẫn nghiêng về Tào Thực. Sau khi Tào Thực thất thế, Dương Tu định bỏ, đó là biểu hiện của khôn vặt, láu lỉnh. Dường Tu từng hướng dẫn cho Tào Thực một số chiêu hay, đó đều là chơi trò khôn vặt. Một lần, Tào Tháo lệnh cho hai anh em Tào Phi, Tào Thực ra công cán ở ngoại ô Nghiệp thành. Trước đó, Tào Tháo cho dặn những người gác, không được cho ai ra ngoài. Dương Tu đã đoán ra cách sắp đặt của Tào Tháo, nên đã nói trước với Tào Thực, ngộ nhỡ người gác cửa không cho ngài ra, ngài có thể giết hắn vì đã có vương mệnh trong tay. Kết quả, Tào Thực ra ngoài, Tào Phi thì không? Nhưng với cách sắp xếp lần này, Tào Tháo muốn khảo sát tổng hợp về hai anh em, tức là khảo sát cả tài lẫn đức. Xét về bề ngoài thì Tào Thực đã thắng, nhưng để lại cho Tào Tháo ấn tượng: Tào Phi nhân hậu, Tào Thực tàn nhẫn, thực tế là thua. Dương Tu biết một mà không biết hai, tầm nhìn hạn hẹp, vì vậy mới nói là khôn vặt.

Từ chỗ khôn vặt, Dương Tu luôn là người tự bê đá đập vào chân mình. Dương Tu thích phỏng đoán những suy nghĩ của Tào Tháo, luôn giúp Tào Thực biết cách trả lời một số vấn đề và viết thành đáp án. Mỗi khi Tào Tháo có việc hỏi đến, chỉ cần chép lại những đáp án thích hợp, đã chuẩn bị sẵn, rồi gửi lên, mong Tào Tháo có được ấn tượng “tài trí nhạy bén”. Qua một, hai lần, Tào Tháo sinh nghi, Tào Thực dù có thông minh đến mấy, cũng không thể nhanh như vậy!

Cử người đi xem xét và đã tìm ra nguyên nhân. Từ đó, Tào Tháo đã nhìn Tào Thực bằng con mắt khác và càng thêm ghét Dương Tu.

Đáng tiếc, Dương Tu không tự biết mình, nên luôn luôn chơi trò khôn vặt. Là chủ bạ bên cạnh Tào Tháo, nhưng Dương Tu có bao giờ chịu chăm chỉ ngồi ở phòng làm việc, mà cứ bỏ ra ngoài chơi. Nhưng lại sợ Tào Tháo có việc cần hỏi, nên trước khi ra ngoài, đã phỏng đoán suy nghĩ của Tào Tháo, và theo thứ tự viết thành đáp án, còn dặn người hầu, nếu thừa tướng có lệnh xuống, cứ theo thứ tự đó mà trả lời. Nào ngờ người tính không bằng trời tính, một trận gió thổi qua, thứ tự đáp án đã bị đảo lộn. Thị tòng vẫn theo trước sau để trả lời, đương nhiên không khớp. Bỗng nhiên Tào Tháo tức giận, cho gọi Dương Tu đến hỏi: Dương Tu không dám giấu, đành phải nói thực. Khi nhìn Dương Tu đối phó với mình trong lòng Tào Tháo tự nhiên vô cùng căm ghét.

Tệ hơn nữa là Dương Tu muốn thể hiện tính khôn vặt của mình trước mặt mọi người. Một lần Tào Tháo đi thị sát phủ tướng quốc mới xây, xem xong không nói gì, chỉ cho người viết một chữ “Hoạt” trên cửa. Dương Tu liền cho tháo cửa ra làm lại, phân tích rằng, chữ “Hoạt” trong chữ môn là chữ “Khoát” (nghĩa là rộng). Thừa tướng chê cửa quá to. Một lần khác, có người biếu Tào Tháo một hộp bơ, Tào Tháo ăn một miếng rồi viết chữ “Hợp” lên nắp hộp và đưa cho mọi người. Mọi người chưa hiểu, Dương Tu cầm hộp và ăn luôn, còn nói, chẳng phải “Mỗi người một miếng” sao? Nếu nói đó chưa phải là hành động thô thiển, khiếm nhã, thì những biểu hiện của Dương Tu trước ba quân đã làm Tào Tháo có ý muốn giết rồi. Năm 219, Tào Tháo thống lĩnh đại quân từ Tràng An ra Tà Cốc, tiến quân vào Hán Trung, chuẩn bị quyết chiến với Lưu Bị, nào ngờ Lưu Bị lại ém quân chỗ hiểm, cố thủ không đánh. Tào Tháo muốn đánh nhưng không tiến được, muốn thủ lại không có chỗ, tiến thủ đều khó. Một hôm thuộc hạ xin khẩu lệnh trong quân, Tháo chỉ nói, “kê cân” (gân gà). Dương Tu nghe xong đi thu dọn hành trang luôn. Mọi người vội hỏi lý do Dương Tu nói: “Món gân gà này ăn thì vô bổ, vứt thì tiếc, chúa công dự định quay về”.

Lần này Dương Tu lại đoán đúng, nhưng chỉ e lần này Dương Tu sẽ mất đầu. Quả nhiên, chưa đến nửa năm sau, Tào Tháo đã giết Dương Tu, với tội: “Tiết lộ ngôn giáo, giao kết chư hầu”, tương đương với các tội tiết lộ bí mật quốc gia, câu kết bè đảng, nói lời mê hoặc dân chúng.

Nghe đâu trước khi chết, Dương Tu từng nói với người khác: “Chết thế này còn hơn là muộn”. Nhưng nếu Dương Tu cho rằng mình chết do can hệ với Tào Tháo, chết như vậy là không rõ ràng. Dương Tu không hiểu mình đang sống trong thể chế chuyên chế mà Tào Tháo là một trong mấy kẻ “chúa nghi kỵ” trong chế độ đó. Loại nhân vật này luôn luôn nghi kỵ và đề phòng. Họ sợ nhất và hận nhất những ai đoán thấu tâm can của mình. Bởi vì muốn duy trì nền thống trị độc tài chuyên chính của họ thì phải thi hành chính sách ngu dân và đường lối chính trị đặc vụ. Họ muốn nắm vững tất cả về người khác, nhưng lại không muốn người khác biết được suy nghĩ của mình, ngoài những điều họ muốn ám chỉ hay nhắc nhở. Tóm lại, kẻ độc tài cần phải thần thánh hóa mình, có vậy mới là “thiên uy khó lường”, khiến người khác phải lo sợ, còn mình thì thoải mái hành sự. Dương Tu nhìn thấu tâm can Tào Tháo, còn đoán được Tào Tháo sẽ hỏi gì trước gì sau, như vậy thực đáng sợ. Có một nhân vật như chiếc máy Xquang ở ngay cạnh, Tào Tháo còn có thể chơi trò chính trị không? Nếu Dương Tu đoán được nhưng không nói ra, có thể sẽ hay hơn. Đằng này Dương Tu lại nói khắp nơi, kích động một số người không thần phục, chí ít cho Tào Tháo là không sâu sắc. Vì vậy, cái đó trước sau gì cũng phải nhổ. Có thể nói, Nễ Hành chết vì không hiểu người, Dương Tu chết vì quá hiểu người. Nhưng cả hai đều không hiểu chính mình và không hiểu giữa người với người phải xử sự như thế nào.

Nói đơn giản, Thôi Diễm chết vì trung thành chính trực, Khổng Dung chết vì không thức thời, Nễ Hành chết vì điên khùng xằng bậy, Dương Tu chết vì tự coi mình là thông minh. Thôi Diễm chết là oan nhất. Nễ Hành chết vô nghĩa nhất.