Luận Anh Hùng - Phần III - Chương 12 - phần 2

Mở đầu, mấy vị lão thần của hai triều kia, có thể đã giản đơn hóa sự việc và cũng coi thường đối thủ. Họ cũng không ngờ “tiện nhân” Võ Tắc Thiên lại có vị trí quan trọng đến nhường ấy trong lòng Lý Trị, và không ngờ Lý Trị - một đứa “con nít” bây giờ lại ngang bướng như một con lừa. Họ chưa có sự chuẩn bị chu đáo đã vội vã ra trận, họ cho rằng phản đối là Lý Trị và Võ Tắc Thiên phải lui ngay. Cho nên, họ phản đối có phần mạnh mẽ và thực tế dẫn tới vừa mới mở đầu, sự việc đã trở nên rắc rối.

Chử Toại Lương là người xung trận trước. Chử Toại Lương là nguyên lão triều trước, là cố mệnh đại thần, phản đối phế Vương lập Võ, lập trường kiên định, khí thế mạnh mẽ, nhưng cách làm thì chưa thật hay. Có hai lý do để phản đối: 1. Vương hoàng hậu xuất thân danh môn, được tiên đế tuyển chọn và chưa có sai lầm gì lớn, nên không thể phế. Nếu muốn lập một hoàng hậu khác, phải chọn con nhà danh môn vọng tộc trong thiên hạ. Võ Tắc Thiên từng hầu hạ tiên đế, tiếng tăm quả xấu, không thể lập. Chiêu cuối cùng là đặt ngọc hốt xuống đất, nói: Bệ hạ ban cho thần vật này, nay xin trả lại bệ hạ, mong bệ hạ cho thần được cáo lão về quê!

Phát súng đầu tiên đã bắn hỏng. Không trúng mục tiêu là Võ Tắc Thiên, tất cả đạn pháo đều rơi vào người Lý Trị. Mọi việc xảy ra đều vì Lý Trị. Chính Lý Trị muốn thay đổi vợ, không phải ai khác, cũng không phải Võ Tắc Thiên ngang nhiên muốn làm hoàng hậu. Nhưng không ai được phản đối Lý Trị, vì Lý Trị là hoàng đế vương triều Đại Đường. Phản đối Lý Trị cũng tức là phản đối Đại Đường, chí ít thì, công khai phản đối hoàng đế, có nghĩa là hoàng đế có thù với mình. Chử Toại Lương vừa xuất hiện đã chỉ thẳng đầu mâu vào Lý Trị, như vậy là tự chuốc lấy điều không hay.

Thực ra, trong cuộc đấu tranh phế lập này, không chỉ không thể phản đối Lý Trị, mà phải tranh thủ Lý Trị. Vì người cần thay, dù bạn coi họ là vợ Lý Trị cũng được, coi họ là hoàng hậu Đại Đường cũng được, thay hay không thay, cuối cùng chỉ cần người chồng, lại là Lý Trị hoàng đế nói là xong. Nên chỉ có thể thuyết phục Lý Trị, không thể công kích Lý Trị. Nhưng những điều Toại Lương nói, theo Lý Trị, câu nào cũng công kích, từng chữ từng chữ nghe không xuôi. Mở đầu Toại Lương nói, tiên đế đã chọn Vương hoàng hậu nên không thể phế, như vậy là đem tiên đế ra để áp chế Lý Trị, muốn nói, Lý Trị không có quyền chọn vợ. Lý Trị cũng hiểu: Mình không bằng tiên đế, nhưng lâu nay mình vẫn là hoàng đế, vậy, vì sao lại không có quyền đổi vợ? Một lão nông chỉ thu hoạch mấy đấu thóc cũng muốn đổi vợ, huống chi đây là thiên tử? Lời nói tuy thô lỗ, lung tung, đã dám so sánh một lão nông dưới quê với thiên tử, nhưng nếu Lý Trị không đổi được hoàng hậu, coi như không bằng một lão nông dưới quê? Thực không thể chịu nổi!

Chử Toại Lương lại nói, lúc tiên đế lâm chung, từng kéo tay bệ hạ, nói với thần: “Vợ đẹp con khôn của trẫm, nay giao cả cho khanh”. Lời tiên đế còn văng vẳng bên tai, hẳn bệ hạ vẫn không quên? Như vậy, không chỉ đem tiên đế ra áp chế hoàng đế, mà còn cậy vào tuổi tác, để coi hoàng đế như một đứa trẻ. Lý Trị, đang lúc huyết khí sục sôi (hai mươi tám tuổi), đương lúc say mê làm hoàng đế (đã sáu năm), chịu sao nổi? Thoạt nghe đã thấy tức giận. Đúng, Lý Trị có phần yếu đuối nhu nhược, nhưng không phải là không biết tức giận. Trên thực tế, người nhu nhược luôn quật cường, như người cứng rắn lại luôn cởi mở. Dù là người yếu đuối, nhưng một khi đã là hoàng đế, nắm quyền sinh sát trong tay, cũng biến thành người nóng nảy. Hơn nữa, chính vì Lý Trị luôn bị coi là nhu nhược, luôn sợ bị coi là vô dụng nên đang cần có một vài con gà để giết, tỏ ra mình không dễ bị coi thường. Lần này Chử Toại Lương đã va vào miệng súng.

Chử Toại Lương còn giở chuyện cũ ra nói, nào là Võ Tắc Thiên từng đã hầu hạ tiên đế, thiên hạ tất cả đều biết, nay bệ hạ lập Võ thị làm hậu, sẽ nói với người đời thế nào đây, sẽ nói với lịch sử thế nào đây. Nói vậy, như bảo Võ Tắc Thiên là chiếc giầy rách, là bẩn thỉu, ngang như bảo Lý Trị là loạn luân, là vô liêm sỉ. Thực tình thì không nên nói với người dân bình thường những lời như vậy, sao lại có thể nói với hoàng đế trước mặt mọi người. Ít ra, hoàng đế có thể hỏi lại một câu: Ông đến để thương lượng với trẫm hay để cãi vã với trẫm, vạch khuyết điểm của trẫm; nếu hỏi như vậy, e Chử Toại Lương sẽ chẳng còn gì để đối đáp.

Sự thực thì Chử Toại Lương đến gây sự với Lý Trị, nếu không đã chẳng vứt mũ từ quan. Thân là triều thần, bỏ hết trước mặt mọi người, điều đó không chỉ muốn gây sự với hoàng đế, còn muốn công khai trở mặt với hoàng đế. Chử Toại Lương đã thực sự hồ đồ. Cứ tưởng mình có chân lý và chính nghĩa thì có thể nói mạnh, nói lớn; ngờ đâu trong mắt Lý Trị, kẻ không thấy vua, không thấy cha, là kẻ làm loạn. Trong mắt anh đã không có hoàng đế, thì trong mắt hoàng đế cũng sẽ không có anh. Anh đã cắt mọi quan hệ với hoàng đế, hoàng đế cũng cắt mọi quan hệ với anh. Không tin, quần thần chúng ta cứ thử xem ai sẽ sợ ai? Thế rồi, bỗng dưng Lý Trị nổi giận, ra lệnh: Lôi ra ngoài! Võ Tắc Thiên ẩn mình trong trướng, cũng nổi giận và thốt thành lời: Đồ tạp chủng, sao không giết đi!

Do Chử Toại Lương làm việc một cách tùy tiện, toàn bộ ván cờ đã bị đảo lộn. Vấn đề lúc này là có nên phế Vương hoàng hậu không, có nên lập Võ Tắc Thiên không, có nên giết Chử Toại Lương không? Bọn Trưởng Tôn Vô Kỵ chỉ còn kịp xin tha mạng cho Chử Toại Lương, chưa kịp đoái tới việc của Võ Tắc Thiên.

Chử Toại Lương cũng được coi là một chính trị gia lão thành, không hiểu vì sao khi gặp việc lại mất bình tĩnh, không chịu suy nghĩ? Chử Toại Lương nhiều lần nhắc đến môn đệ, nhưng lại không hiểu, vương triều Đại Đường kể từ thời Lý Thế Dân, hận nhất là môn đệ(3). Chử Toại Lương nhiều lần nhắc đến tiên đế, nhưng lại không hiểu Lý Trị hận nhất là ai đó cứ so mình với tiên đế, hoặc đem tiên đế ra để áp chế mình. Hai năm sau, Chử Toại Lương vốn đã bị giáng chức, đầy ra Ái Châu đã dâng biểu trần tình, nói lại chuyện cũ, mà tủi phận mình, từng hàng từng chữ hết lời cầu xin. Chử Toại Lương nói, năm đó Thừa Càn và Lý Thái đều muốn là thái tử, nhưng thần và Vô Kỵ kiên quyết ủng hộ bệ hạ; sau khi tiên đế qua đời, cũng chính là thần và Vô Kỵ không từ nan phò tá bệ hạ. Nay thần ân hận vì đã xúc phạm thánh ý, những mong bệ hạ nhớ lại chuyện cũ để tha cho thần. Chử Toại Lương còn kể cả việc, Lý Trị bò trên lưng mình, khóc lóc lúc Thái Tông qua đời. Nhưng lúc bức thư tới tay Lý Trị thì như muối bỏ biển, bặt vô âm tín. Nghe đâu, Lý Trị chẳng buồn xem.

Năm 658, Lý Trị chết ở Ưu Đô, lúc sáu mươi ba tuổi.

(3) Những năm Trinh Quán, Cao Sĩ Liêm sáng tác “Hán tộc chí”, cho rằng Thôi Cán Sơn Đông là đệ nhất, Lý Thế Dân xem xong rất không vui. Sau này Lý Trị và Võ Tắc Thiên ban bố “Tính thị lục”, từng bước công kích quan niệm danh tộc (Tác giả).

Thực tế thì, Chử Toại Lương đã cực kỳ hồ đồ. Nên nhớ, trong thể chế chuyên chế, giữa các nhân vật chính trị, nhất giữa quân thần, không tồn tại cái gọi là tình cảm và hữu nghị. Nên đối phương là anh hùng, là hổ, là báo, có thể dùng lý tính để thức tỉnh, dùng tình cảm để lay động. Tiếc rằng Lý Trị không phải thế. Đối với Lý Trị - một chú dê đuôi to, nhắc lại chuyện cũ, được coi là vạch khuyết điểm, chỉ có thể làm người ta từ xấu hổ thành giận dữ? Tôi tin rằng, nếu đọc thư của Chử Toại Lương thì nhất định Lý Trị sẽ khịt khịt mũi và nói: Vứt ngay đi, mặc xác lão!

Còn chính trị gia khác là Lý Thế Tích lại không ngu ngốc như vậy.

Lúc Lý Trị triệu tập hội nghị ngự tiền để bàn về việc phế Vương hoàng hậu, lập Võ Tắc Thiên, Lý Thế Tích cáo bệnh, xin nghỉ? Sớm không ốm, muộn không ốm, lại ốm vào đúng lúc này, Lý Thế Tích ốm thật khéo.

Đúng là Lý Thế Tích có tâm bệnh.

Lý Thế Tích là nguyên huân khai quốc vương triều Đại Đường, có quan hệ rất tốt với Lý Thế Dân. Ông vốn họ Từ, nhờ có công lao cái thế nên được Thái Tông ban họ Lý và để không trùng tên với Lý Thế Dân, nên thường gọi là Lý Tích. Quan hệ giữa Lý Thế Tích và Lý Thế Dân, nghe nói là “ngoài tuy quân thần, trong thực cốt nhục”, là “anh em keo sơn”. Lý Thế Tích ốm, nghe nói có thể chữa bằng tro râu, Lý Thế Dân liền cắt râu của mình, đốt thành tro, làm thuốc cho Lý Thế Tích. Một hôm, Lý Thế Dân nói với Lý Thế Tích: Ta sẽ trao con cái lại cho ngươi. Ngươi không phụ Lý Mật, cũng sẽ không phụ ta. Lý Thế Tích cảm động đến mức cắn chảy máu các ngón tay. Nhưng lúc lập Lý Trị làm thái tử, tự nhiên Lý Thế Dân đã giáng Lý Thế Tích ra xa ngàn dặm, ra vùng Điệp Châu, sơn cùng thủy tận (nay là huyện Điệt Bộ, Cam Túc), không hề trao con cho Lý Thế Tích. Lý Thế Dân nói với Lý Trị: Tài năng trí tuệ của Lý Thế Tích là tuyệt vời, nhưng ngươi lại chưa hề có ân đức với hắn, chắc gì hắn đã trung thành. Lúc này trẫm đã đẩy ra nơi hoang vu hẻo lánh nhất. Nếu hắn chịu lên đường ngay thì sau này ngươi có thể dùng hắn; còn như hắn cứ nhìn ngó do dự, thì giết luôn đi!

Lý Thế Tích không hề nhìn ngó do dự. Sau khi nhận lệnh, Lý Thế Tích không kịp về nhà, đã nhanh chóng đến Điệp Châu ngay, cho nên, sau khi lên ngôi, Lý Trị triệu Lý Thế Tích về nhận trọng trách.

Nhưng Lý Thế Tích đã hoàn toàn thờ ơ, lạnh nhạt. Năm mười bảy tuổi tham gia Ngõa Cương quân, sau này lại hầu hạ ba triều thái tử Lý Uyên, Lý Thế Dân, Lý Trị, mười mấy năm sống trong quân ngũ, mười mấy năm gió mưa chính trị, Lý Thế Tích được tôi luyện thành người hiểu rõ đến chân tơ kẽ tóc nhân tình thế sự, còn đột nhiên bị giáng chức sau khi Thái Tông băng hà, những ký ức đó vẫn còn mới nguyên! Lần đó nếu không thấu hiểu tâm tư của Lý Thế Dân thì e cái đầu này đã lìa khỏi cổ. Nghĩ lại đã thấy lạnh gáy, còn sợ cho sau này nữa, không lạnh mà run. Người bất nhân đừng trách ta bất nghĩa. Dựa vào cái gì để ta còn phải tham dự vào việc tranh giành giữa cậu cháu họ Lý các ngươi? Lại dựa vào cái gì nữa để ta phải nhảy vào nước sôi lửa bỏng, vạch mưu tìm kế cho nhà họ Lý các người? Lúc này, Lý Thế Tích càng xem càng hiểu mọi thứ trong chính trị, trong nhân sinh, nơi quan trường. Lý Thế Tích sẽ không phải mất mạng vì phạm phải những điều vớ vẩn như kỷ cương triều đình, hoặc đại nghĩa trong quân thần, cũng không phạm phải những điều mà bọn Trưởng Tôn Vô Kỵ, Chử Toại Lương dương dương tự đắc, cho mình là đúng. Vì vậy, Lý Thế Tích quyết giữ một thái độ bàng quan hơn người. Lúc Lý Trị hỏi ý kiến của Lý Thế Tích, ông này chẳng mặn mà gì, từ từ trả lời một câu: Đây là việc trong nhà bệ hạ, cớ chi phải hỏi người ngoài?

Một thái độ không ra thái độ của Lý Thế Tích đã cổ vũ lớn cho Lý Trị. Đúng vậy, trẫm là hoàng đế. Việc nhà của trẫm liên quan gì đến lũ các người? Thái độ đó là một cách biến tướng cho Lý Trị hay: Không phải tất cả các vị nguyên lão trọng thần đều đứng về một phía, phản đối phế Vương lập Võ. Và như vậy, Lý Trị đã thấy quyết tâm và có lòng tin. Năm 655, vào ngày mười ba tháng mười, năm thứ sáu Đường Cao Tông Vĩnh Huy, Lý Trị đã hạ chiếu phế Vương hoàng hậu, Tiêu Thục phi. Ngày mười chín, trăm quan xin lập Trung cung, Lý Trị có chiếu lập Chiêu Nghi Võ thị làm hoàng hậu. Cuối cùng Võ Tắc Thiên đã đạt được mục đích.

Võ Tắc Thiên đúng là Võ Tắc Thiên! Vào ngày thứ ba Lý Trị có chiếu lập Võ làm hậu, tức là ngày hai mươi mốt tháng mười, Võ Tắc Thiên dâng biểu xin ban thưởng cho Hàn Viện, Lai Tế. Hàn Viện và Lai Tế đều là cột trụ của phái phản Võ. Trước lúc phế Vương lập Võ, Lý Trị từng đề xuất phong Võ Tắc Thiên là “Thần phi”. Chế độ nhà Đường, thiên tử bốn phi là Quý, Thục, Đức, Hiền. Võ Tắc Thiên yêu cầu thiết lập Thần phi trên cả bốn phi kia. Thần tức là Bắc Thần, tức là sao Bắc Cực, tượng trưng cho đế vương. Thần cực chỉ quân vị, thần cư chỉ nơi ở của đế vương, cũng là chỉ quân vị. Võ Tắc Thiên muốn là Thần phi, ý tứ rất rõ, tức là ngôi vị gần với hoàng hậu. Trong lúc chưa thể là hoàng hậu, Võ Tắc Thiên sử dụng kế đỡ va chạm hơn. Nhưng Hàn Viện và Lai Tế đã ra sức phản đối phương án thỏa hiệp đó, nói là chưa có tiền lệ. Trong vấn đề lập hoàng hậu, Hàn Viện và Lai Tế cũng là phái phản đối kiên định nhất, lời nói rất khó nghe, cả đến các chuyện Đát Kỷ và Bao Tự đều đã được lật tung lên. Lúc này Võ Tắc Thiên lại lấy cớ họ từng phản đối mình là Thần phi để ban thưởng, cả hai người đều đoán rằng “sói lông vàng đến chúc tết gà, không thể an tâm”.

Hàn Viện và Lai Tế đoán không nhầm. Võ Tắc Thiên không bao giờ tha cho kẻ thù của mình. Sau hai mươi sáu ngày lên làm hoàng hậu, Vương hoàng hậu, Tiêu Thục phi được ban cho tự tận. Sau hai năm, Hàn Viện và Lai Tế bị giáng chức. Bốn năm sau, Trưởng Tôn Vô Kỵ cũng bị mưu sát, với phương pháp Lưu Bang và Tào Tháo từng dùng: Vu là mưu phản. Hàn Viện có liên can đến vụ án này, có điều lúc này Hàn Viện đã chết, Võ Tắc Thiên không chặt được đầu hắn. Trường hợp của Lai Tế có khá hơn: Lai Tế đã tử trận trong lúc chiến đấu với Đột Quyết, Võ Tắc Thiên không còn cơ hội vu cho Lai Tế mưu phản.

Đương nhiên, lúc này Võ Tắc Thiên cũng không cần chú ý tới việc loại bỏ bọn họ. Võ Tắc Thiên đang bận với những lễ đăng quang. Mùng một tháng mười một, cử hành long trọng nghi thức sách phong hoàng hậu. Lễ sứ Anh Quốc công Lý Thế Tích cung kính dâng bảo tỉ của hoàng hậu lên Võ Tắc Thiên. Tiếp đến, tân hoàng hậu lộng lẫy bước tới Túc Nghi môn, tiếp nhận lời chúc mừng của trăm quan cùng quân chủ Tứ Di. Nghi thức triều bái hoàng hậu là do Võ Tắc Thiên mới định ra. Võ Tắc Thiên, con gái một thương lái gỗ, một tì thiếp thấp hèn trong cung điện Thái Tông, một ni cô đơn côi trong chùa Cảm Nghiệp, cuối cùng đã thực hiện được nguyện vọng của mình, đường đường là quốc mẫu vương triều Đại Đường. Lúc đó, bà ba mươi hai tuổi.

Lúc này, Võ Tắc Thiên là người đàn bà đã đạt tới đỉnh cao. Võ Tắc Thiên, tinh lực dồi dào, tài trí hơn người, lại không cam chịu sự tĩnh mịch, chỉ có thể làm những việc của đàn ông.