Yêu thương và tự do - Chương 09 - Phần 1

Chương 9

YÊU THƯƠNG LÀ ĐẤT MẸ,

YÊU THƯƠNG LÀ ÁNH MẶT TRỜI,

YÊU THƯƠNG LÀ TẤT CẢ CỦA TRẺ

Rất nhiều em bé ở những nhà có người trông trẻ, khi bố mẹ ở nhà chỉ theo bố mẹ, bố mẹ đi vắng chỉ theo người trông. Điều này khiến những người làm bố làm mẹ có một ngộ nhận: Người trông trẻ rất quý con mình, vì thấy con không chịu theo ai khác. Nguyên nhân chính xác ở đây là: Khi bố mẹ ở nhà, người trông trẻ đối xử với con rất tốt, cho con muốn gì làm nấy; khi bố mẹ không có nhà, người trông trẻ thường la mắng và nạt nộ đứa trẻ. Đứa trẻ bị xoay chuyển trong hai môi trường yêu và không yêu nên không có cảm giác an toàn. Một đứa trẻ được yêu thương, tính độc lập rất cao, tư duy rộng mở, tự tin, trí nhớ tốt, không cảm thấy bất an khi ở môi trường lạ. Đó là vì trẻ được ở trong môi trường yêu thương ổn định.

Trường học Montessori có một khẩu hiệu: “Yêu và tự do, đẹp và lý tưởng”. Chúng tôi rút ra được khẩu hiệu này sau hơn mười năm thực thi phương pháp giáo dục Montessori. Tại sao yêu thương lại đứng ở vị trí đầu tiên?

Cơ sở của cuộc sống, nhận thức và hành vi của các con đối với tương lai gần như đều quy về giáo dục thời kỳ đầu. Trong đó, tình yêu thương trong thời kỳ giáo dục này chính là cơ sở quan trọng nhất để phát triển tất cả các phương diện của con, từ nhân cách, tâm trí, đạo đức… Bởi vì tôi cho rằng, yêu thương chính là nền móng cho sự trưởng thành của tất cả các phương diện ở các con. Đây cũng là nhận định chung của rất nhiều nhà tâm lý học, như cây cần có đất, yêu thương chính là đất mẹ nuôi dưỡng các con trưởng thành.

Rất nhiều bậc cha mẹ có thể có suy nghĩ thế này: Cha mẹ nào mà chẳng yêu con. Nhưng đối với một người mà bản thân họ không có tình yêu và không có năng lực yêu thì sẽ thế nào? Tôi cho rằng đây là vấn đề trong quá trình trưởng thành của người lớn. Các nhà tâm lý học cho rằng, nếu tâm lý của cha mẹ đã trưởng thành, họ có thể tự nhiên thể hiện “tình yêu” đối với con. Ngược lại, nếu độ tuổi tâm lý của những người làm cha làm mẹ chưa trưởng thành, rất có thể những điều họ làm đều xuất phát từ bản thân họ, họ càng yêu bản thân mình. Khi xử lý những sự việc có liên quan đến các con, rất có thể họ càng nghĩ cho mình phần nhiều chứ không xuất phát từ góc độ của các con. Giận dỗi với trẻ, đối đầu với trẻ, cố giành phần thắng với trẻ. Những người này không thể trở thành một người trưởng thành để đối xử với trẻ một cách khoan dung, bao dung và hiểu rõ con trẻ.

Tình yêu con của một kiểu cha mẹ khác lại dựa trên tâm tư của họ, vui thì yêu con hết mực, không vui thì ra sức nạt nộ quát mắng con. Như vậy, con trẻ phải dành cuộc sống quý giá của mình vào việc quan sát sắc mặt, ban đầu là sợ hãi và mơ hồ, sau đó là suy đoán và đối phó. Thực thi phương pháp giáo dục Montossori mười năm, vấn đề không ở chỗ thực thi phương pháp giáo dục này như thế nào, mà chúng tôi phải tiêu tốn phần lớn công sức vào việc điều tiết cảm giác bất an và lo lắng về tinh thần và tình cảm do những bất an vì thiếu vắng tình yêu thương khiến các em có cảm giác không an toàn.

Nhà tâm lý học Erich Fromn(*) từng nói một câu như thế này:

(*) Erich Seligmann Fromm (1900 - 1980) là nhà tâm lý học xã hội, nhà phân tâm học, nhà xã hội học, triết gia nhân văn và nhà xã hội học dân chủ người Đức.

“Tình yêu” cũng giống như những môn nghệ thuật khác, cần phải học mới nắm bắt được. Cũng giống như học ngành y, bạn không thể vừa sinh ra đã có thể là một bác sĩ, mà phải học để trở thành một bác sĩ. Ông cho rằng: Mỗi người làm cha làm mẹ cũng phải học và cố gắng mới hiểu được tình yêu dành cho con.

Thế nào mới là “tình yêu” mà bố mẹ thực sự dành cho con? Chúng ta biết là rất nhiều loài động vật cũng yêu con mình. Ví dụ như gà mẹ yêu gà con, hổ mẹ yêu hổ con. Chúng ta xem phim cũng thường thấy cảnh hổ mẹ chơi đùa với hổ con, đó cũng là một kiểu yêu con. Rất nhiều người làm cha làm mẹ, sau khi sinh con ra, yêu con vô cùng. Nhưng, sau khi con có được năng lực suy nghĩ độc lập, không phải ai cũng giữ được tình yêu dành cho con mình. Nhà tâm lý học người Áo, Alfred Adler(*) (1870-1937) nói: “Bản chất thực sự của tình mẹ yêu con nằm ở việc quan tâm đến sự trưởng thành của con, điều này cũng có nghĩa là quan tâm đến khoảng cách của mẹ và con”. Kết quả quan sát các bé tại trường chúng tôi cho thấy: Con trẻ trong những gia đình thực sự biết cách yêu con phát triển xuất sắc ở hầu hết các phương diện. Ví dụ như con cái không quấn bố mẹ, tính độc lập cao, tư duy rộng mở, tự tin, trí nhớ tốt, năng lực giải quyết vấn đề tốt, con trẻ vui vẻ hoạt bát.

(*) Alfred Adler: Bác sĩ và nhà tâm lý học người Áo, được biết tới nhiều nhất với tư cách người sáng lập ra Tâm lý học cá nhân (Indiviual psychology). Được tín nhiệm ngang với Carl Jung và Sigmund Freud như một trong những nhà sáng lập có ảnh hưởng nhất tới tâm lý học hiện đại. Trong số những đóng góp chủ yếu của Adler phải kể tới kỳ vọng bẩm sinh (birth order) trong sự hình thành nhân cách, sự ảnh hưởng của việc bỏ bê hoặc nuông chiều trong sự phát triển của trẻ em, khái niệm một động lực về “bản ngã hoàn hảo” (self perfecting) trong sự tồn tại của con người, và ý tưởng rằng người ta cần nghiên cứu và đối xử với bệnh nhân như là “con người toàn thể” (a whole person). Một nguyên lý quan trong khác trong lý thuyết của Adler đó là những mơ tưởng của con người trong tuổi thơ có thể hướng dẫn cho sự nhận thức và các lựa chọn theo suốt cuộc đời họ, và khả năng cùng làm việc với người khác vì một lợi ích cộng đồng là tiêu chuẩn chính yếu về sức khỏe tâm thần.

Rất nhiều những người làm cha làm mẹ có một ngộ nhận thế này: Mẹ càng yêu con, con càng quấn mẹ. Tôi thì lại có cách nghĩ khác: Bố mẹ càng yêu con, con càng không quấn bố mẹ. Bởi vì rất nhiều kinh nghiệm mách bảo trẻ rằng, bố mẹ rất yêu chúng. Kinh nghiệm này cũng đồng thời nói với con rằng, bố mẹ chỉ tạm thời đi vắng. Những hành vi yêu thương bền bỉ của bố mẹ khiến con trẻ tự nhận ra rằng, cho dù bố mẹ có ở đâu, tình yêu ấy cũng là bất biến và không thay đổi. Vì thế khi ở trong những môi trường lạ, con trẻ dễ có được cảm giác an toàn, nhanh chóng thích ứng với hoàn cảnh và dễ dàng rút ra những kinh nghiệm cho bản thân mình. Không ai có thể dạy trẻ những điều này. Nguyên nhân là vì con trẻ đã xây dựng được cho mình một cảm giác an toàn, có được cơ sở này, trẻ cũng dễ dàng có được cảm giác an toàn khi ở cạnh những người khác. Con trẻ trong những gia đình chưa thực sự biết cách yêu con, thì hay xảy ra tình trạng: Mẹ vừa đi khỏi, trẻ đã khóc òa lên, thậm chí trẻ có thể mang “sự thiếu thốn tình cảm này” ra để gây sức ép ở bất cứ đâu, cũng chính là một cách tìm kiếm sự yêu thương ở khắp mọi nơi, lấy lòng người khác, hoặc là hoàn toàn khép kín bản thân mình, cự tuyệt mọi tình yêu.

Điển hình nhất là những đứa trẻ ở với người trông trẻ, biểu hiện của các bé là, khi bố mẹ trở về trẻ chỉ theo bố mẹ, bố mẹ đi vắng chỉ theo người trông trẻ mà không theo ai, và đặc biệt là rất quấn người trông. Điều này khiến những bậc phụ huynh đó nảy sinh ngộ nhận: “Người trông trẻ rất quý con mình”. Đứa trẻ này rời khỏi người trông trẻ thì gặp ai cũng sợ hãi. Nguyên nhân chính là: Khi bố mẹ ở nhà, người trông trẻ đối xử với trẻ rất tốt, cho trẻ muốn gì làm nấy; khi bố mẹ không có nhà, người trông trẻ thường la mắng và nạt nộ đứa trẻ. Bạn không thể tưởng tượng nổi một đứa trẻ được yêu thương thì sao lại sợ hãi cái thế giới mà ở đó có bố mẹ và bác trông mình? Rõ ràng là đứa trẻ này bị xoay chuyển giữa yêu và không yêu, bởi vì kinh nghiệm của con cho con biết rằng những người quen thuộc với con là an toàn, còn lại là nguy cơ ở khắp mọi nơi.

Có một đứa trẻ, nói thế này khi chơi với những bạn khác: “Mẹ mua sôcôla cho tớ, nhưng không cho các cậu đâu”. Điều này rõ ràng là vì trẻ chưa xây dựng được cho mình cảm giác an toàn, mà chuyển giao cảm giác này sang phía bố mẹ. Những đứa trẻ này ít vui vẻ, tư duy bị bó buộc. Những đứa trẻ nhận được tình yêu đúng đắn của bố mẹ mình sẽ tự xây dựng được cho mình cảm giác an toàn, bởi vì trẻ có được đầy đủ tình yêu, trẻ có được cảm giác an toàn, trẻ có thể tập trung sự chú ý vào quá trình tự phát triển của riêng mình.

Vậy làm thế nào mới có thể khiến con trẻ nhận được tình yêu trong quá trình trưởng thành của mình? Hãy cho con cơ hội trưởng thành, để con cảm nhận được tình yêu của bạn, luôn tạo điều kiện và giúp đỡ cho sự phát triển của con và mọi chi tiết trong cuộc sống của con. Điều này phải được xây dựng trên cơ sở của việc bạn hiểu sự phát triển trong cuộc sống của con trẻ. Đó chính là tình yêu. Rất nhiều cha mẹ không biết gì về quá trình trưởng thành của con mình, nên họ bắt đầu từ những kinh nghiệm trưởng thành của bản thân mình và từ chính lợi ích của bản thân mình. Ví dụ như chúng ta không hề biết việc khóc ở trẻ em có gì tuyệt vời, trong khi thậm chí chúng tôi đã nhận ra rằng, khóc có lợi cả cho quá trình tiêu hóa. Trên thực tế, phần lớn những hành động tự phát của trẻ con đã bị người lớn ngăn cản, lâu dần, chúng ta phát hiện ra rất nhiều trẻ em đã bị cha mẹ tước bỏ quyền lợi trưởng thành, cơ hội phát triển tâm trí ngày càng ít ỏi. Người Trung Quốc có một câu nói: “Con một là những ông vua con”. Tôi đặc biệt không tán đồng ý kiến trên. Tôi cho rằng Trung Quốc không có ông vua con. Ít nhất là có một điểm, vua thì phải được cực kỳ tôn trọng, trong khi con cái của chúng ta chưa hề được tôn trọng, người lớn đã lấy đi rất nhiều quyền lợi của con trẻ. Có những đứa trẻ trong trường mầm non của chúng tôi, khi các bé vào lớp mới thấy được những hiện tượng vô cùng kỳ quặc: Không biết ăn cơm, không biết đi vệ sinh, không biết làm bất cứ việc gì, việc gì cũng phải dựa vào người lớn. Trong khi tuổi các bé là lứa tuổi thích nhất là được tự mình làm mọi việc. Đánh mất đi cơ hội phát triển hoạt động của đôi tay là làm ảnh hưởng đến mọi phương diện trong quá trình trưởng thành về tâm trí của trẻ. Những bậc làm cha làm mẹ đó sẽ nói rằng: “Đó là vì chúng tôi quá yêu con, nên làm mọi việc cho con”. Chúng ta đã quá yêu bản thân mình, hay là quá yêu con chúng ta? Sở dĩ người lớn làm hết mọi việc cho trẻ con như thế là vì sợ chúng gây phiền phức cho chính mình.

Quá trình từ 0 đến 6 tuổi của trẻ là cả một quá trình hoạt động không ngừng, đặc biệt là giai đoạn trước 4 tuổi. Tất cả các hoạt động như sờ mó, nắm bắt, vặt… đều là do yêu cầu của sự phát triển trong cuộc sống của các bé, là nhu cầu phát triển trên mọi phương diện của bé, chứ không phải khi nào bé bắt đầu học toán, bắt đầu học chữ mới là bắt đầu phát triển tâm trí. Những hoạt động nhìn bề ngoài có vẻ chẳng mang chút ý nghĩa nào đó, lại là toàn bộ nội dung phát triển tổng hợp về cả thể xác lẫn tinh thần của trẻ. Nếu con trẻ không được phát triển đầy đủ, cũng có nghĩa là chúng ta không cho trẻ sự thông minh, hoạt bát và niềm vui. Chẳng có em bé một tuổi rưỡi nào lại không muốn tự ăn cơm, nhưng bé có thể tự làm được không? Người lớn sẽ cảm thấy thật bừa bộn, bẩn thỉu, phiền phức, và cho dù đứa trẻ có đấu tranh, bé cũng không thể giành nổi quyền lợi này. Trẻ con bị tước đi cơ hội tự phát triển, thay vào đó là ý chí, chủ trương và hành vi của người khác. Như vậy, sức chú ý của trẻ bị phân tán, đi chệch khỏi chính bản thân các em, đi chệch khỏi quỹ đạo phát triển trong cuộc sống của chính em. Các em bắt đầu chú ý đến cách nhìn, thần thái, vẻ mặt… của người khác, đánh mất cá tính, đánh mất sức sáng tạo.

Vậy cha mẹ nên yêu con thế nào? Gần nhà tôi có một bé gái 3 tuổi rất sợ gội đầu, có lúc cháu làm sai việc gì, chỉ cần bảo gội đầu cho cháu, là cháu đã sợ quá mà bỏ chạy, vừa chạy vừa nói: “Lần sau con không làm thế nữa đâu ạ”. Một buổi sáng sớm, tôi đi ngang qua cổng nhà cháu, cháu đang chơi trò gội đầu với một cháu trai 4 tuổi, trong chậu có ít nước, có thể là nước vừa rửa mặt xong nên hơi bẩn. Cháu nói: “Gội đầu nào, gội đầu…”. Vừa nói vừa lấy tay cho nước lên đầu. Cháu trai cũng vui vẻ giúp cháu đổ thêm nước lên đầu, tiếng cười vang khắp cả con ngõ nhỏ. Tôi nghĩ, đây chính là một cơ hội tốt để cô bé học cách gội đầu và gạt bỏ sự sợ hãi vốn có của mình. Nhưng mẹ cô bé vừa nhìn thấy tình cảnh trên, xông đến lớn tiếng mắng cậu bé: “Sao cháu hư thế!”. Cậu bé bỏ chạy mất, cô bé thấy thế thì òa khóc. Cô bé còn chưa bước ra khỏi niềm vui của việc gội đầu thì đã bị lời trách mắng của mẹ ném xuống vực thẳm của sự sợ hãi. Cháu run rẩy nhìn mẹ, không biết nên làm thế nào. Sau đó mẹ cháu giảng giải với cháu bao nhiêu là đạo lý, nói: “Mẹ yêu con như thế, con muốn gì mẹ cũng đáp ứng, con có muốn ngôi sao trên trời mẹ cũng hái xuống cho con, nhưng con không được làm thế”. Ngôi sao trên trời xa vời quá, cháu chỉ muốn mỗi việc chơi gội đầu mà thôi. Tôi nghĩ, cháu bé nghe mà không hiểu những lời của mẹ, cháu chỉ biết mỗi một việc, đó là sự giận dữ của người mẹ. Thật khó để xác định rằng một người tức giận lại đang thể hiện tình yêu của mình.

Tình cảm luôn luôn là điểm mấu chốt để đo lường tình yêu. Đến khi con trẻ bắt đầu độc lập, rất nhiều bậc phụ huynh đã để tình cảm của họ gây sức ép với con trẻ. Ví dụ như cha mẹ hy vọng con mình sau này đỗ đại học, nghiên cứu sinh... Ý nghĩ đó là hoàn toàn đúng đắn, nhưng ý nghĩ đó phải được xây dựng từ bậc trung học, tiểu học trên cơ sở của giáo dục mầm non. Giáo dục mầm non là quan trọng nhất. Hãy cho con được bắt đầu từ những việc gội đầu, rửa bát, sờ mó khắp nơi. Có được một mở đầu tốt trong giai đoạn nhận biết thế giới, con trẻ sẽ tự phát triển được đến những trạng thái nhận thức cao hơn.