Yêu thương và tự do - Chương 13

Chương 13

TỰ DO VÀ KỶ LUẬT

Khi được tự do, con trẻ sẽ lựa chọn những gì mình thích; vì thích, nên trẻ lặp đi lặp lại, rồi dần dần trở thành chăm chú; chăm chú trong một thời gian dài, trẻ sẽ cảm nhận và nắm chắc quy luật của sự vật; nắm chắc quy luật của sự vật, trẻ sẽ tự nguyện tuân theo quy luật đó và có được năng lực tự điều khiển bản thân. Bạn thử nghĩ xem, có kỷ luật nào có thể vượt qua được kỷ luật này của bản thân trẻ không?

Cho con tự do hết mực, tự do phát triển hết tiềm lực của bản thân, tự do để thoải mái nhận biết. Được tự do, con trẻ mới có thể khám phá tường tận quy luật của sự việc, mới có thể nhận biết, nhận thức. Liệu đây có phải là tự do tuyệt đối? Hay còn cần thêm một sự ràng buộc nào? Ví dụ như cần thêm kỷ luật chẳng hạn? Đây là một câu hỏi mà tất cả chúng tôi đều đưa ra khi theo đuổi phương pháp giáo dục này. “Kỷ luật” trong phương pháp Montessori và “kỷ luật” theo ý nghĩa thông thường của chúng ta không giống nhau, cũng giống như khái niệm “tự do”, “kỷ luật” mang một hàm nghĩa sâu và rộng hơn nhiều.

Ý nghĩa thông thường của “giữ kỷ luật” có nghĩa là vâng lời cô giáo, ngồi yên trong lớp. Nhưng kỷ luật và việc giữ kỷ luật trong phương pháp Montessori lại hoàn toàn khác hẳn. Khi bàn về vấn đề kỷ luật, Montessori nhấn mạnh: “Kỷ luật phải xây dựng trên cơ sở tự do”. Có thể chúng ta sẽ không hiểu, tại sao kỷ luật lại có thể xây dựng được trên cơ sở tự do? Montessori nói, con người phải làm chủ bản thân mình, đây là điểm thứ nhất. Khi bạn làm chủ được bản thân mình, khi bạn tự động tuân theo một quy chuẩn cuộc sống nào đó, bạn sẽ có được năng lực tự điều khiển bản thân, năng lực đó được gọi là kỷ luật.

“Quy chuẩn cuộc sống” là gì? Một người như thế nào mới có thể làm chủ bản thân mình? Nghe thì có chút khó hiểu, nên tôi xin phép được giải thích từng khái niệm một.

Con người phải làm thế nào mới có thể làm chủ bản thân mình? Tôi xin dẫn ra đây một ví dụ nổi tiếng của tâm lý học, tôi cảm thấy đây chính là ví dụ kinh điển về việc làm chủ bản thân mình. Có một bé gái ở với người trông trẻ. Các bạn chú ý, bé gái ở với người trông trẻ là chủ yếu. Khi ở với người trông trẻ, nếu bé định sờ vào vòi nước, người trông trẻ sẽ nói: “Bỏ tay ra ngay, ướt hết quần áo bây giờ”. Lần nào cũng lặp đi lặp lại y như vậy. Chú ý, lần nào cũng lặp đi lặp lại y như vậy. Chắc chắn là vì cô trông trẻ này sợ rách việc, vì quần áo ướt thì cô ấy sẽ phải làm thêm bao nhiêu việc nữa. Sau đó, bé gái đến nhà bà ngoại chơi, nhà bà ngoại có một vườn hoa, giữa vườn hoa có một vòi tưới nước. Bé gái rất muốn sờ vào vòi tưới nước đó, nhưng lại dừng lại. Bà ngoại bảo: “Con cứ động vào! Tại sao con lại không dám động vào?”. Bé gái vô cùng mâu thuẫn, nhưng cuối cùng vẫn nói: “Con không sờ đâu, cô trông trẻ bảo là không được sờ vào”.

Như vậy, bé gái đã bị ràng buộc và cấm đoán, bé không được phép động vào đồ vật này. Bé muốn sờ vào vật, đó là do nội tâm tự mách bảo, nhưng nội tâm bé không thể ra quyết định. Bà ngoại cũng không thể ra quyết định này. Người có thể quyết định hành vi của bé chỉ có thể là cô trông trẻ.

Nhưng bà ngoại nói: “Cô ấy không có ở đây, bà ngoại cho con động vào đấy”. Bé gái nói: “Không, con không chơi đâu”. Vậy là cả khi không có mặt cô trông trẻ, cô ấy vẫn đang điều khiển cô bé. Cô bé này không hành động theo tiếng lòng của mình, cô bé không làm chủ được bản thân mình. Khi một người không thể làm chủ bản thân mình, sẽ xảy ra mâu thuẫn và đấu tranh. Người đó sẽ đau khổ.

Sự thực là, con trẻ rất thích tuân theo quy tắc. Con trẻ thường tự đặt ra một số quy tắc trong các trò chơi, trong khi chơi đùa với những trẻ khác và rất tự giác tuân thủ những quy tắc này. Ví dụ như quy tắc trò chơi, quy tắc vệ sinh, quy tắc giao thông... Nhưng những quy tắc này phải được phát triển hài hòa với con trẻ, do con trẻ tự thiết lập trong cuộc sống trong khi chơi đùa với những trẻ khác. Những quy tắc này không được xung đột với nhu cầu nội tại của bản thân trẻ. Những quy tắc đó phải ít về số lượng, chặt chẽ, khoa học và do trẻ tự sáng lập. Có như vậy, trẻ mới vui vẻ tuân thủ, và vô cùng đau khổ khi những quy tắc này bị phá bỏ, bởi vì chúng đã trở thành một phần trong cuộc sống của trẻ.

Tại sao ví dụ này lại là một ví dụ kinh điển? Bởi vì cha mẹ, giáo viên và người trông trẻ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong thời kỳ ấu thơ của con trẻ. Trước 8 tuổi, trẻ em vẫn sùng bái và tuyệt đối yêu quý giáo viên của mình, nhưng đến trung học cơ sở, trẻ bắt đầu yêu bạn mình, yêu các thần tượng, đến phổ thông trung học, trẻ sẽ yêu hoặc yêu thầm một bạn học hoặc một người nào đó. Trong quá trình trưởng thành của trẻ, người lớn sẽ dần dần bị đẩy ra khỏi vị trí được “yêu và học theo”.

Ở trường chúng tôi có rất nhiều những trẻ lớn chuyển từ những trường khác đến. Trước đó, có thể các bé đã rất nghe lời bố mẹ, rất nghe lời các cô. Tất cả hoạt động và sự vui chơi trong ngày của các bé đều theo sự sắp xếp của cô giáo. Cô giáo bảo bé làm gì, bé làm nấy. Nhưng khi bé đến trường Montessori của chúng tôi, các bé bỗng được tự do, nên không biết làm gì với sự tự do ấy. Các bé thường không động chân tay, cứ chờ các cô phân cho mình nhiệm vụ học tập. Nếu các cô không phân công việc gì, ngày hôm đó các bé cũng không làm gì cả. Trong phương pháp Montessori, điều này là không thể tưởng tượng, đây không phải là những đứa trẻ mà là những người già. Sự thực là sức sáng tạo đáng quý của nhân loại chúng ta đã dần dần bị mai một sạch vì những điều cấm kỵ. Những điều cấm kỵ vô hình trung đã khiến bạn không dám suy nghĩ, không dám vượt qua phạm vi đã được đặt ra.

Con của một bạn học của tôi, mới 6 tuổi nhưng đã khá to khỏe. Một lần, cháu phải tìm một quả bóng bàn ở sau ti vi, không cẩn thận làm vỡ ti vi. Lúc đó, ti vi vẫn là của hiếm, chưa phổ biến như bây giờ. Mẹ, em gái và những người thân thích của bạn tôi đều nói cô ấy: “Một việc lớn như vậy mà không đánh con cái nào, không hiểu định chiều con đến mức nào?”. Cô ấy nói: “Không, tôi không mắng mỏ con, tôi chỉ nói: ‘Không sao đâu, con không cẩn thận thôi’”. Cô ấy nói, hồi nhỏ cô ấy động vào cái máy thu liền bị mẹ mắng, không cho động vào. Lần nào cũng vậy khiến cô ấy có những trở ngại về tâm lý, đến bây giờ cũng không dám động vào mấy cái nút bên trên máy thu, vì động vào là thấy sợ. Cô ấy biết rằng, trong rất nhiều việc, cô ấy bị những trở ngại về tâm lý ngăn cản. Vì thế, cô ấy sẽ không gây ra những trở ngại về tâm lý cho con mình.

Rất ít người tự biết được mình đã gặp phải những trở ngại tâm lý, phần đông còn lại không hề biết bản thân mình đang gặp những trở ngại gì. Tôi có một người bạn, sau khi tốt nghiệp đại học làm kỹ thuật viên ở một công ty máy tính, nhưng cứ cầm đến cái tua vít là tay lại run lên cầm cập. Thật là không thể tưởng tượng. Mọi người giúp cậu ấy phân tích những việc đã xảy ra thời thơ ấu, nói đến chuyện bố cậu ấy đối với cậu ấy như thế nào. “Người con ngoan” này liên tục gật đầu, sau đó cậu ấy trở thành một người ủng hộ tích cực cho phương pháp giáo dục Montessori.

Chúng ta làm thế nào để nuôi dưỡng cho con trẻ thói quen giữ kỷ luật trong một môi trường tự do, để con trẻ có thể tiết chế hành vi của mình, làm chủ bản thân mình?

Montessori nói, chúng ta phải tuyệt đối tránh ngăn cản những hoạt động tự phát của trẻ. Ở đây rõ ràng là bà đang nói đến việc cho trẻ được tự do trong các hành vi. Trẻ có được tự do sẽ lựa chọn những thứ mình thích; và vì trẻ thích, nên trẻ sẽ lặp đi lặp lại hành động đó; trong quá trình lặp đi lặp lại ấy, trẻ sẽ trở nên chăm chú, trở nên có trật tự; khi trẻ có thể chăm chú trong một thời gian dài, trẻ sẽ dần dần cảm nhận và nắm chắc quy luật của sự vật và thuận theo quy luật đó, những kỷ luật đầu tiên cũng được hình thành.

Vì thế, chúng ta có thể hiểu rằng, kỷ luật trong cuộc sống mà Montessori nói chính là trật tự. Kỷ luật của trí lực là chỉ sự chăm chú, kỷ luật của hành vi là chỉ sự thuận theo. Con trẻ có thể tuân theo những phép tắc của sự vật, cũng chính là thuận theo quy tắc. Liệu có kỷ luật nào có thể vượt qua những kỷ luật này?

Chúng tôi phát hiện những bé từng bị ép buộc và áp chế, sau vài tháng bị ngợp trong tự do, các bé đã bắt đầu học được cách lắng nghe sự khơi gợi của tâm hồn mà có những hành động tự phát, ánh sáng của kỷ luật đã le lói xuất hiện. Cho đến hôm nay, gần như tất cả các bé đều đạt được hiệu quả này là nhờ có được tự do. Khi gặp phải một vấn đề, các bé thường phán đoán, nếu thấy đúng sẽ thuận theo. Rất nhiều điều kỳ diệu đã xảy ra ở nhà trẻ của chúng tôi, mặc dù quan niệm của mọi người khi nhìn nhận những vấn đề này là không giống nhau. Nhưng chúng tôi vẫn kinh ngạc phát hiện ra rằng, rất nhiều hiện tượng, quan niệm vốn không phải là sản vật của một dân tộc hay một vùng văn hóa nào, mà là một hiện tượng của cuộc sống được sinh ra trong môi trường của yêu thương và tự do. Nâng cao trạng thái sinh mệnh của con người đã trở thành một phương hướng nỗ lực của chúng tôi.

Vậy, tự do được thực thi như thế nào trong quá trình dạy học theo phương pháp Montessori? Khi trẻ bước vào trường, tất nhiên sẽ xảy ra một số tình trạng hỗn loạn lúc ban đầu. Cái gọi là tình trạng hỗn loạn ở đây là những kiểu mất trật tự, ồn ã, đánh nhau…, những trẻ từng bị quản chặt lại càng có những hành vi kích động hơn. Trong trường Montessori của chúng tôi, chỉ có ba loại hành vi bị cấm chỉ: Một là làm phiền người khác; hai là những hành vi thô lỗ mất lịch sự như phá hoại, đánh người, mắng người hoặc một số động tác không văn minh như ngoáy mũi, móc mũi; ba là lấy đồ của người khác. Ba loại hành vi này bị cấm hoàn toàn, nhưng sự cấm chỉ ấy được xây dựng trên cơ sở nhắc nhở chứ không phải là trừng phạt. Ví dụ trong phòng học, một bé liên tục làm phiền một bé khác đang chuyên tâm làm việc, lúc này cô giáo phải thể hiện sự hứng thú rất lớn đối với đứa trẻ này, cô nói: “Chúng ta đi làm việc khác đi”. Lặp đi lặp lại như vậy, con trẻ dần dần trải nghiệm được: Khi mình làm vậy, cô giáo thường bế mình ra chỗ khác. Khái niệm không được làm phiền người khác dần dần được hình thành. Đa số trẻ sau khi có được sự tự do, sẽ dạo chơi khắp mọi nơi trong vườn trường. Trong quá trình ấy, trẻ sẽ dần dần thể hiện ra mình hứng thú với điều gì, khi đã thể hiện sự hứng thú, trẻ sẽ chăm chú, sẽ lặp đi lặp lại một việc. Trẻ cũng phát hiện ra những vấn đề khó hơn phải tự mình giải quyết. Đồ dùng dạy học Montessori đều có chức năng chỉnh sửa, trợ giúp trẻ. Sau khi giải quyết được vấn đề, trẻ sẽ có được cảm giác thành công, sau khi thành công, trẻ sẽ có được hành vi “tự điều khiển bản thân”. Lúc này, kỷ luật được sinh ra trong chính quá trình làm việc của trẻ. Đúng như Montessori nói: “Ánh sáng đầu tiên của kỷ luật đến từ công việc”.

Tập trung là hoạt động tư duy, tập trung sản sinh ra trí tuệ. Trí tuệ cần có sự đảm bảo được tự do về thời gian và không gian, cần hơn nữa được tự do hành động. Trong công việc, người nào phát triển đến mức cực đại trí lực của nội tại bản thân, người đó càng giữ được bình tĩnh trong suy nghĩ, càng giữ kỷ luật. Khi được cung cấp đầy đủ điều kiện cho việc phát triển trí lực, tất cả trẻ em đều đặc biệt nổi bật về trí tuệ, bình tĩnh và giữ kỷ luật.

Tại sao chúng ta phải cung cấp cho trẻ những điều kiện này? Bởi vì quá trình trưởng thành của trẻ khao khát những điều này. Con trẻ khác với người lớn, chúng ta cho người lớn được tự do, người lớn sẽ ngủ đẫy một giấc, hoặc là không làm gì cả, hoặc là làm việc gì mình muốn làm, buông thả bản thân mình. Ngoài ra, có thể người lớn không còn theo đuổi những hoạt động trí lực, “lười biếng” thật là dễ chịu! Đương nhiên, đây là những người lớn đã bị biến dạng. Còn trẻ em sau khi sinh ra (vẫn chưa bị biến dạng), bản thân trẻ có một phép tắc tự nhiên, phép tắc tự nhiên ấy không ngừng phát triển từng giây từng phút trong cuộc sống của trẻ, không bao giờ ngơi nghỉ. Vì thế những đứa trẻ liên tục hoạt động là những đứa trẻ bình thường nhất. Chúng ta là những người lớn bị lớn lên trong o ép, trong ép buộc, từ nhỏ đến lớn chưa được làm một việc gì theo ý bản thân (phần lớn trong chúng ta đã lớn lên như vậy), vì thế, chúng ta không thể đem quan điểm của mình để đối đãi với những đứa trẻ bình thường. Tôi đã nói ở trên, khi trẻ mới vào trường, hành động của trẻ chưa theo trật tự, chưa theo quy phạm, vẫn đang trong trạng thái hỗn loạn, nhưng để trẻ được tự do phát triển, trẻ sẽ xuất hiện một kiểu xu hướng “tự lựa chọn bản thân”. Khi xu hướng này xuất hiện, hoạt động trí lực của trẻ em sẽ bắt đầu phát triển theo một quỹ đạo.

Đan Đan chính là một ví dụ điển hình nhất. Bé vào trường lúc 1 tuổi 9 tháng. Vì mẹ bé làm ba ca nên cuộc sống của bé ở nhà không tuân theo một trật tự thông thường, hay nói cách khác, bé có một trật tự riêng. Khi bé mới vào trường Montessori, đến mười một giờ, mọi người đều ăn cơm, bé lại ra cửa đứng khóc, đòi ra ngoài. Mấy hôm đầu, ngày nào cô giáo cũng cho bé ra ngoài đi mấy vòng, khi quay trở về, bé mới yên tâm. Tôi nghĩ: “Đứa trẻ này thật đặc biệt, cứ đến một khoảng thời gian, lại khóc đòi ra ngoài?”. Sau đó, mẹ bé nói, mình làm ba ca, nên cứ đến khoảng mười một giờ là giờ nghỉ nên dẫn bé ra ngoài chơi. Trong vòng một tháng, cô giáo lấy xe đạp đưa Đan Đan đi chơi ngoài phố. Một tháng sau, bé không còn có nhu cầu này, chỉ chơi quanh quanh trường… Ba tháng sau, bé bắt đầu vào lớp học, trật tự đã đến với bé trong tự do.

Mẹ bé rất thích phương pháp giáo dục này, nên phối hợp với chúng tôi rất tốt. Khi bé hơn 2 tuổi, bé đã hoàn toàn trở thành một em bé Montessori điển hình, hoạt bát vui vẻ, như chúng tôi thường nói là “tự thấy vui vẻ”. Bé hay hát một mình, khuôn mặt lúc nào cũng rạng rỡ, rất có năng lực, làm việc gì cũng tự lập. Nước trong phích rất nóng, nhưng bé tự biết cách để không bị bỏng. Trạng thái trí lực của bé cũng rất tốt, “làm việc” trong phòng học rất lâu và vô cùng chuyên tâm. Bé nói còn chưa sõi, nhưng nếu bị người khác làm phiền, bé đã có thể nói rằng: “Xin đừng làm phiền”. Hàng ngày, bé tích cực theo đuổi hoạt động trí lực, cảm thấy kiêu hãnh khi “tự chinh phục chính mình”. Trong quá trình này, trước hết phải cảm ơn mẹ bé. Có sự phối hợp của mẹ, bé mới có thể phát triển tốt tất cả các phương diện trong một thời gian ngắn như vậy.

“Hàng rào Montessori” (một loại đồ dùng dạy học thể dục) cao 1,8m, khi Đan Đan trèo lên, cô giáo muốn giúp bé, bé nói: “Mời cô tránh ra, mời cô tránh ra”. Trèo lên rồi, bé lại bắt chước những trẻ lớn nhảy từ trên xuống. Đối với khá nhiều cha mẹ, độ cao đó là rất nguy hiểm, nhưng bé không hề sợ, bé thoải mái trèo lên, rồi thoải mái nhảy xuống, lại còn học cách lộn nhào về phía trước. Những động tác này đều rất khó với bé. Cả trò xích đu trên cao và đu quay đứng cũng không đáng kể gì với bé! Có một lần bé còn đứng lên ngồi xuống trên xích đu cao, khiến những người tham quan đều rất ngạc nhiên hỏi: “Cô bé mấy tuổi rồi?”. Tôi nói 2 tuổi, ai cũng kinh ngạc. Đây là một đứa trẻ cực kỳ dũng cảm. Những thay đổi của bé đều bắt nguồn từ tự do.

Các cô của trường chúng tôi ai cũng ngất ngây trước thay đổi của Đan Đan! Trong phương pháp giáo dục Montessori, chúng tôi không đặt phát triển trí lực lên hàng đầu mà coi trọng nhất là phát triển nhân cách. Nhân cách được phát triển, trí lực cũng phát triển theo, còn kỷ luật chẳng qua chỉ là việc con trẻ vui vẻ tuân thủ các quy tắc mà thôi. Tất cả những điều này đều dựa vào nền tảng tự do.

Tôi xin đưa ra một ví dụ nữa, trường chúng tôi có một bé rất thích ăn vụng. Ăn vụng của ai? Đồ của những bé khác mang đến trường. Cô giáo để đồ của các bạn trên tủ, bé thường đến đó lấy, cô giáo không biết làm sao, hỏi tôi: “Chị ơi, đứa trẻ này thường xuyên lấy đồ của người khác, em không biết phải làm thế nào, không biết sau này có thành thói hư không?”. Tôi nói: “Không đâu, trẻ con ăn vụng đồ, dưới con mắt của người lớn, trẻ đang ăn trộm của người khác, nhưng với trẻ đây không phải là trộm, mà là trẻ cảm thấy trên đó có đồ ăn ngon, tại sao lại không cho trẻ ăn?”. Tôi hỏi các cô, bé ăn thế có ảnh hưởng đến những trẻ khác không? Các cô nói không ảnh hưởng, tôi bảo, thế thì chúng ta thử một cách này xem sao! Cô giáo nói, mỗi khi đứng trên ghế lấy đồ ăn, nếu bị cô giáo nhìn thấy, bé sẽ rất bối rối, có lúc còn nói dối là lấy cho ai đó. Tôi nói: “Những điều này đều không quan trọng, ở độ tuổi này của trẻ, ăn là quan trọng nhất, trẻ cảm thấy đồ ăn đó quá hấp dẫn nên quên hết mọi điều xung quanh, trẻ phải đi lấy đồ ăn này”. Tôi nói với cô giáo, lần sau khi trẻ lại lấy đồ ăn như thế, cô giáo sẽ nói: “Con có lấy được không, để cô giúp con nhé”. Lần nào cũng thế, liên tục ba tháng trời.

Trong quá trình này, cô giáo phải đấu tranh với quan niệm của chính mình. Bởi vì cô có một nỗi lo lắng rất lớn, lo bé bị hư. Vì thế, cô phải đấu tranh với bản thân, kiềm chế bản thân. Sau ba tháng, đứa trẻ này không lấy đồ ăn của những bạn khác nữa, bé biết cách tự khống chế hành vi của mình.

Đây là kết quả của sự tự do và tôn trọng. Giáo dục mà dựa trên sự trừng phạt chỉ có thể khiến con trẻ tạm thời khống chế hành vi của mình vì sợ hãi uy lực của người lớn. Nhưng giáo dục dựa trên sự tôn trọng, dựa trên thái độ tôn trọng trước sau như một của cô giáo đối với mình, lâu dần sự tôn nghiêm và tự tôn sẽ chiến thắng. Đối với con trẻ, tự do là tự do trong vui vẻ, kỷ luật chính là kỷ luật trong vui vẻ.