Yêu thương và tự do - Chương 18 - Phần 1

Chương 18

BA GIAI ĐOẠN ĐỂ TRẺ

ĐẠT ĐƯỢC SỰ THUẬN THEO

Đối với trẻ em mà nói, thuận theo là vinh dự, là niềm vui. Cũng giống như trong tình yêu, khi đang trong giai đoạn tìm hiểu, nếu được làm một điều gì cho người mình yêu thì thật vinh dự biết chừng nào! Người thuận theo là người tự thể hiện bản thân. Có lúc trẻ thuận theo, có lúc không, đó là bởi vì trẻ chưa có đầy đủ khả năng thuận theo. Một khi trẻ có đầy đủ khả năng này, trẻ sẽ có thể làm theo người lớn và tự kiểm điểm bản thân mình trong cuộc sống thực tế. Sau cùng, con trẻ sẽ khao khát được thuận theo, vì trẻ đang thuận theo chân lý.

Montessori cho rằng, trạng thái bình thường của con người là phục tùng, là thuận theo. Đối với con trẻ, phục tùng có thể trở thành niềm vui, thành sự vinh dự. Đối với người lớn thì ví dụ điển hình nhất chính là lúc đang yêu, nhất là khi tấm khăn che mặt của tình yêu vẫn chưa được vén lên, nếu được đối tượng mà mình đang ngưỡng mộ nhờ một việc, thì thật là sung sướng và vinh dự đến chừng nào!

Thuận theo là một cảm giác thế này: Vinh quang và sung sướng. Ý chí là cơ sở của sự phục tùng, ý chí có trước, phục tùng có sau. Điều này có ý nghĩa thế nào? Trên đây tôi đã nói, khi đứa trẻ 1 tuổi đang tập đi, liệu bé có thể phục tùng mệnh lệnh của bạn không? Chẳng hạn bạn ra lệnh cho bé tập đi hoặc không cho bé tập đi. Câu trả lời là không. Khi chân bé đã phát triển tương đối hoàn thiện, có thể đi vững, bé sẽ bắt đầu phục tùng. Khi người lớn nói với trẻ, trẻ sẽ suy nghĩ, mình có thể phục tùng không? Sự phục tùng này có thể khiến bố mẹ mình vui mừng không? Con trẻ phục tùng theo khả năng của bản thân mình.

Ở trường tiểu học, rất nhiều trẻ em hiếu động, thích nói chuyện. Giáo viên liên tục nhắc nhở các bé “Trên lớp không được nói chuyện”, vậy các bé có làm được điều này không? Không làm được thì cô giáo sẽ phạt: “Đứng lên cho cô!”. Một lúc sau, trẻ vẫn nói chuyện, vừa đứng vừa nói. Trẻ không thể kiềm chế bản thân, bởi vì chính trẻ không thể thực hiện theo suy nghĩ của mình. Suy nghĩ và hành vi của trẻ không thống nhất với nhau. Nguyên nhân là trong quá trình trưởng thành của mình, ý chí của trẻ đã bị tổn thương nghiêm trọng, trẻ đã đánh mất khả năng tự khống chế bản thân. Một lần, chúng tôi mang cuốn “Mở mang và phát triển EQ ở trẻ em” ra để trắc nghiệm với các trẻ 7 tuổi rưỡi. Chúng tôi hỏi: “Con có thể tuân thủ quy định không?”. Một trẻ trầm tư một lúc rồi nói: “Một nửa có thể tuân thủ, một nửa không!”. Tôi hỏi: “Tại sao?”. Bé đáp: “Ví dụ bài âm nhạc quá khó, con không thể tuân thủ được!”. Tôi chợt tỉnh ngộ, khi trẻ không có đủ năng lực để thực hiện những quy tắc quá khó so với bản thân, nếu cố cưỡng ép thì còn tạo thêm cho trẻ một tính cách không thành thực. Những năm đầu đời là giai đoạn mấu chốt để hình thành ý chí, con trẻ học cách tuân thủ quy tắc theo khả năng của mình, thuận theo quy luật của sự vật, xây dựng sự thuận theo thực sự, nhưng khi độ khó vượt quá khả năng của trẻ có thể sẽ gây ra một hậu quả xấu mà chúng ta không thể tưởng tượng được.

Thuận theo mới là trạng thái bình thường của con trẻ. Khi trẻ không thuận theo chính là vì trẻ chưa đủ khả năng để thuận theo, đó là vì sức mạnh ý chí của trẻ vẫn chưa được hoàn thiện.

Hiếu động hoàn toàn là hệ quả xuất hiện sau khi các hoạt động tự phát của con trẻ bị ngăn cản, trẻ không còn mục tiêu để phát triển. Montessori nói: “Sự phục tùng mà chúng tôi nói ở đây có ý nghĩa sâu sắc hơn nhiều so với sự phục tùng theo nghĩa thông thường. Sự phục tùng ở đây chỉ sự thăng hoa của ý chí. Phục tùng là sự thăng hoa của ý chí cá nhân”. Một lần tôi hỏi cháu mình rằng: “Linh ơi, cháu thấy nhà bên ai là người nghe lời nhất”. Linh nói: “Cháu cảm thấy thầy giáo Vương là người nghe lời nhất”. Đúng là thầy giáo Vương vô cùng “nghe lời”. Bạn nhờ thầy giáo Vương cầm cái gì, thầy giáo Vương sẽ cầm ngay, bạn muốn thầy giáo Vương đi xào rau, thầy giáo Vương cũng xào ngay. Trong mắt những người khác, thầy giáo Vương là một người chồng tốt, hiền lành, “nghe lời”, nhân nhượng. Khi người khác có quan điểm khác mình, thầy vẫn yên lặng lắng nghe. Những người bình thường không thể hiểu nổi sự tốt đẹp, sự bình tĩnh, sự sâu sắc của thầy. Thầy không bao giờ tham dự vào những việc phàm tục ở đời. Khi bạn quan sát thầy thật kỹ, bạn sẽ phát hiện ra đó là vì trạng thái cuộc sống của thầy cao hơn hẳn người khác, thầy luôn nhân nhượng và chăm sóc người xung quanh mình. Thầy là một nhà khoa học, nhưng thầy không chỉ là một nhà khoa học, thầy giống một bậc thánh hiền chỉ nói một câu vào những lúc cần thiết nhất, còn bình thường thì không bao giờ chiếm dụng không gian và thời gian của ai. Thầy là người có nhân cách phát triển bình thường nhất trong tất cả những người tôi đã gặp.

Một người thuận theo, theo cách nói của Maslow(*), chính là người có nhu cầu thể hiện chính mình. Họ thể hiện chính mình, quan sát và giúp đỡ người khác thể hiện chính mình.

(*) Abraham (Harold) Maslow (1908-1970) là một nhà tâm lý học người Mỹ gốc Nga, ông được biết đến qua mô hình tháp nhu cầu nổi tiếng. Tháp nhu cầu của ông có năm tầng, tầng thứ nhất là các nhu cầu cơ bản; tầng thứ hai là nhu cầu an toàn; tầng thứ ba là nhu cầu được giao lưu tình cảm và được trực thuộc; tầng thứ tư là nhu cầu được kính trọng, quý mến và tầng thứ năm là nhu cầu tự thể hiện bản thân.

Nhưng, nếu khi một đứa trẻ đang phát triển một thời kỳ nhạy cảm nào đó của mình, ví dụ như trẻ đến thời kỳ nhạy cảm sờ mó, trẻ sờ mó khắp mọi nơi, bạn lại bắt trẻ thuận theo mình, ngồi yên một chỗ không động đậy, trẻ sẽ không thể thuận theo bạn. Montessori nói với chúng ta rằng, nếu linh hồn loài người không có đầy đủ phẩm chất này, nếu loài người không trải qua quá trình sâu sắc hóa để có được khả năng phục tùng, thì sẽ không thể có được cuộc sống xã hội. Đầu tiên con trẻ phải được thể hiện mình, mới có thể vượt qua chính mình, mới có thể hài hòa với xã hội.

Trước đây hàm nghĩa của thuận theo là, cô giáo và cha mẹ bảo con trẻ làm gì thì con trẻ làm cái đó. Đây là sự thuận theo trong giáo dục truyền thống. Trong giáo dục Montessori, thuận theo chia làm ba giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất, có lúc con trẻ thuận theo, nhưng không nhất thiết lúc nào cũng vậy. Điều này có thể tạo cho bạn ấn tượng “tùy tiện”. Rất nhiều trẻ của chúng tôi khi về nhà đã khiến cha mẹ phải đau đầu: “Phương pháp giáo dục này không được rồi, con mình vừa mới học hai tháng, về nhà đã tùy tiện không thể chịu nổi”.

Chúng ta hãy xem xem con trẻ “tùy tiện” như thế nào? Khi con trẻ đang phát triển một cơ chế hay quan niệm nào đó, ví dụ khi trẻ đang phát triển quan niệm “hoàn mỹ”, bạn lại làm hỏng cảm giác này của trẻ, trẻ sẽ “đấu tranh đến cùng”. Ví dụ như con trẻ không bao giờ đồng ý bạn chia một cái bánh ra thành hai phần. Thế mà người bố lại mua một cái bánh, rồi chia ra làm hai phần, phần to cho bố, phần nhỏ cho con. Thế là đứa con cầm nửa cái bánh khóc ầm lên, vứt xuống đất. Người bố vừa bối rối vừa tức giận. Và rồi người bố hiểu vấn đề thành: Đứa bé này quá tham ăn. Trên thực tế, đứa trẻ này đang xây dựng quan niệm “hoàn mỹ”, người bố đã phá hỏng cảm giác này ở trẻ. Con trẻ vô cùng đau khổ, để bảo vệ cho sự theo đuổi cảm giác hoàn mỹ của trẻ với sự vật, trẻ phải “đấu tranh đến cùng” với người lớn. Phần đông người lớn chúng ta gọi tình huống này ở trẻ là “tùy tiện”.

Vậy khi nào thì con trẻ có thể phục tùng bạn? Sau khi phát triển hoàn thiện quan niệm này, khi trẻ có đầy đủ khả năng, trẻ sẽ phục tùng. Ví dụ khi trẻ đã biết đi nhưng vẫn muốn người lớn bế, bạn hãy nói với con: “Mẹ bế con một lúc, con tự đi một lúc, được không?”. Trẻ sẽ suy nghĩ, sau đó nói: “Vâng”. Bởi vì không phải là trẻ không biết đi bộ, trẻ chỉ muốn bạn bế trẻ đi một lúc, rồi trẻ lại tự đi bộ. Trạng thái này thuộc về trạng thái nửa thuận theo, nửa không thuận theo. Đây là trạng thái thứ nhất.

Trẻ em thuận theo hay không có liên quan đến việc trẻ có đủ khả năng hay không. Vì thế khi phán đoán trẻ có thuận theo hay không, chúng ta bắt buộc phải liên hệ với khả năng hiện có của con trẻ. Montessori cho rằng, từ 0 đến 3 tuổi, con trẻ không thể thuận theo. Lúc này, bắt trẻ nghe lời thế nào? Ví dụ lúc này trẻ muốn nghịch nước, bạn nói với trẻ: “Đi nghịch nước đi”. Lúc này sự xúc động bản năng của trẻ vừa trùng hợp với mệnh lệnh của bạn, trẻ thuận theo bạn. Nếu không trùng hợp, chắc chắn trẻ sẽ không thuận theo bạn. Trẻ không thể hiểu những lời bạn nói, trừ phi sự trừng phạt thay cho lời thuyết giáo khiến trẻ cảm thấy sợ hãi, trẻ bắt buộc phải thuận theo. Montessori nói, nhất thiết phải tìm hiểu xem con trẻ đã đến giai đoạn phát triển nào. Ra lệnh cho một người ăn cơm bằng mũi là hoang đường. Ra lệnh cho một người không biết chữ viết chữ cũng là hoang đường, vì khả năng của họ không thể làm được điều đó. Trước 3 tuổi, con trẻ không thể thuận theo, trừ phi mệnh lệnh trẻ nhận được trùng hợp với sự xúc động của bản thân trẻ.

Trong những trường mầm non truyền thống, chúng ta thường nhìn thấy hiện tượng như thế này: Khi cô mang một đồ dùng dạy học ra giữa lớp, tất cả học sinh sẽ cùng ùa tới, tất cả các học sinh đều muốn có giáo cụ này! Montessori nói, những trẻ này không hình thành cá tính riêng, đây là điều không bình thường. Bởi vì, thông thường khi mang một đồ dùng dạy học ra, sẽ chỉ có một, hai đứa trẻ ra lấy, cũng giống như những người trưởng thành bình thường. Các bé ở trường chúng tôi cũng thế, khi cô giáo mang ra một đồ dùng dạy học mới, ban đầu sẽ không ai phát hiện ra, rồi ngẫu nhiên, một bé phát hiện thấy, liền mang ra thao tác. Một lúc sau, một đứa trẻ khác lại phát hiện ra bạn đang có một đồ dùng mới. “Mình chưa thấy cái này bao giờ!”. Sau đó, đứa trẻ này sẽ nói: “Lớp mình có đồ dùng mới”. Nếu trẻ muốn dùng, trẻ sẽ chờ đợi, đợi đến khi nào bạn kia đặt trả món đồ dùng đó về chỗ cũ, trẻ mới ra lấy.

Con trai tôi nhìn thấy một bạn khác đang chơi một đồ dùng mới - bảng số, tôi phát hiện con trai tôi ở bên cạnh ngồi đúng ba mươi phút (tôi đã xem đồng hồ), đợi đến khi bạn kia không chơi nữa đặt trả đồ dùng dạy học về chỗ, mới vội vàng ra lấy về chơi. Con rất muốn được thao tác đồ dùng dạy học này, nhưng trước hết, cháu phải tự kiềm chế bản thân mình. Đó là quy tắc của bản thân cháu. Điều đó chứng tỏ rằng, con trẻ có khả năng này, trẻ có thể tuân thủ, thuận theo quy tắc này.

Chúng ta có thể phát hiện ra một tình huống thế này, đứa trẻ 2 tuổi đã bắt đầu biết nói, lúc này người lớn chúng ta bắt đầu có ý đồ muốn con trẻ phục tùng mình. Chỉ là, người lớn chưa dùng bạo lực hoặc các hành vi chuyên quyền khác, mà chủ yếu là thuyết phục một cách liên tục như: Cái này không được, cái kia cũng không được. Kết quả là con trẻ cảm thấy rối loạn. Một vị phụ huynh thấy con đang nghịch nước, thì nói: “Con yêu, đây là nước uống, con không được chơi, con phải ra lấy nước ở ngoài kia”. Em bé lại đổ nước uống vào cốc, mẹ lại nói: “Con yêu, đây không phải là cốc uống nước, đây chỉ là cốc đồ chơi thôi”. Những lời này khiến cho đầu óc con trẻ hoàn toàn rối loạn, biến thành trở ngại ngăn cản sự phát triển tâm trí của con trẻ. Nếu lúc này trẻ có thể thuận theo người lớn, đó là vì ý chí và cá tính của trẻ đã bị mài mòn.