Mật mã tâm linh - Chương 1 - Phần 1

Lời nói đầu

Mỗi một từ trong cuốn sách này đều rất ướt át và còn hơi mặn. Tôi nói như thế, dường như nói chúng giống một món dưa muối vậy. Không phải như thế mà chỉ là chúng bị gió biển thổi qua, Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Bắc Băng Dương... gió biển nóng, gió biển mát, gió biển tàn nhẫn...

Khi tôi đi tàu “Hòa Bình” ở cảng Hoành Tân, Nhật Bản, bắt đầu chuyến du lịch 360 độ vòng quanh thế giới trong hơn 100 ngày, ngoài việc mang theo một số quần áo đơn giản, vật phẩm quan trọng nhất chính là bản thảo cuốn sách này để trong máy tính xách tay. Lúc đó, chúng vẫn chỉ là những câu văn tùy hứng, giống như những chiếc lông vũ lộn xộn.

Trong những ngày không có sóng gió, mỗi sáng sớm, leo lên boong tàu, tôi bắt đầu công việc viết lách trong tiếng kêu sớm của những chú hải âu, mặt biển giống như tấm lụa được nhuộm màu xanh ngọc với những đường vân ngang màu nâu, trơn bóng, mềm mượt. ở một góc đặc biệt nào đó đột nhiên lại lóe lên ánh sáng của những vì sao, làm lóa đôi mắt bạn một lúc.

Trên mặt biển phẳng lặng như gương này thỉnh thoảng lại dội lên từng đợt sóng, nhìn một lúc là cay xè mắt, khi vừa thôi không nhìn nữa lại thấy một cột nước vọt lên, hóa ra dưới nước có cá voi. Hôm nay, khi tôi sửa cuốn sách này một lần nữa tôi lại nhớ lại mỗi khoảnh khắc viết từng câu từng chữ, nhìn thấy chiếc sống lưng của cá heo nhô lên mặt nước và mùi tanh nhẹ bốc lên khắp nơi. Sửa hay không sửa. Sau khi suy nghĩ một hồi tôi quyết định giữ lại nguyên trạng, cá heo đã đọc và đồng ý rồi.

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com – gác nhỏ cho người yêu sách.]

Đại dương sâu thẳm nhưng cảnh vật lại rất đơn điệu. Trời xanh biển trắng, cảnh đêm đầy sao, sông Ngân Hà chật chội đến mức không có gió. Tất cả cảm quan đều tê liệt. Sức tưởng tượng đã thoát ly tất cả, giống như những đám mây bay khi Bàn Cổ (một vị thần trong truyền thuyết Trung Quốc) tạo nên trời đất. Sáng tối thay nhau, đông qua hè tới, thường chẳng còn nhớ gì cả, không biết tại sao nữa.

Tôi nhìn mỗi bông hoa sóng, tôi muốn nhớ lại hình dáng của chúng, tôi tin diện mạo của chúng sẽ không giống nhau. Giống như mỗi một sinh mệnh bình thường của chúng ta. Tất cả mọi sự khác biệt đều tập trung ở tâm linh. Chúng thuộc về mặt biển sâu không thể đo lường được, thuộc về tiềm thức khó mà đoán được, thuộc về di truyền từ thời cổ xưa rất mông lung, thuộc về trạng thái thôi miên bán tập trung.

Mỗi lần như thế trong lòng lại có cảm giác nhói đau. Làm thế nào để bước qua cuộc đời này và quá khứ. Làm thế nào để sống và tiếp tục hưởng thụ niềm vui, ý nghĩa.

Viết văn giữa đại dương, mỗi một bước theo bên cạnh đều không biết đại dương sẽ nổi sóng như thế nào.

Có lúc nhìn sóng giống như những viên bạc vỡ vụn trong lòng, lại muốn nhảy ra ngoài lan can giống như một mũi tên, tất cả suy nghĩ đều không còn quan trọng nữa.

Suy nghĩ về cái chết chẳng có gì là hoang đường cả, mà ngược lại nó khiến cho những khoảnh khắc chúng ta sống càng thêm tươi mới và có ý nghĩa hơn.

Sau khi du lịch một vòng thế giới và trở về thành phố, cảnh tượng lại trở nên thật xa lạ đối với tôi. Những người xung quanh giống nhau như đúc. Chúng ta cùng xem một bộ phim giống nhau, cùng dùng chung một mạng giao lưu giống nhau, đánh răng dùng kem đánh răng trắng bóng. Trong máy giặt đều để đầy bột giặt, nhét vào bụng đều là bánh bao cứng ngắc, uống đều là sữa có hàm lượng các chất không rõ nguồn gốc, ăn đều là rau bị ô nhiễm.

Cuốn sách này là tiếng nói của một mình tôi, nó kể lại và giải thích trạng thái sinh tồn của cuộc sống hiện nay, tìm hiểu và đo lường thế giới nội tâm của con người. Những gì sai, đều là của tôi. Những gì đúng, đều là của bạn. Bởi vì ngoài bạn ra chẳng còn ai khác có thể bước vào thung lũng tư duy của bạn được, tất cả những tiếng gọi đều cách biệt với thế giới bên ngoài. Mỗi chữ trong cuốn sách giống như từng chiếc đinh mũ, ghim vào trên giấy, giấy liền biến thành hàng chim nhạn len lỏi trong tâm hồn bạn. Bao nhiêu đêm, đối mặt với nước biển xanh cuộn sóng, tôi suy nghĩ và quyết định, tôi sẽ nói tất cả những suy nghĩ của tôi cho những người mà tôi tin tưởng, để chống lại mọi sự cô đơn.

Tôi hy vọng con người có thể sống yên lành, hưởng thụ niềm hạnh phúc nhỏ nhoi nhưng vĩnh hằng. Vô số niềm hạnh phúc nhỏ nhoi được tích lũy dần, giống như từng giọt nước ngậm từng giọt muối tạo thành biển xanh bao la.

Tôi nhớ có người nói, những tác phẩm có thể cảm động bản thân mới là tác phẩm hay. Tôi cảm thấy người nói câu này chắc là tự khen mình đây. Cảm động bản thân mình thì không khó, cảm động người khác mới khó. Tuy nhiên, khó nhất là biến sự cảm động thành những hạt bụi trong không gian nhẹ nhàng bay về phía trước. Mỗi người chúng ta tồn tại đều đặc biệt, lại đều có những vết thương trong lòng, chúng ta cần phải tìm cho bản thân điểm an toàn để đứng lại, từ đó sống một cuộc sống an nhàn không lo lắng, không vội vã, bận rộn.

Cuốn sách này tên gọi là Mật mã tâm linh, thực ra tâm linh vốn không có mật mã, cũng có thể nói mật mã nơi đâu cũng có. Nếu bạn không hiểu bản thân mình thì bạn chẳng có cách nào hiểu được hành động của chính mình, bạn sẽ trở thành một người ngay cả bản thân mình cũng mơ hồ, hỗn loạn. Nếu bạn hiểu bản thân bạn, thì tất cả các mật mã đều biến thành những bài văn thơ của bạn. Lông vũ sẽ dệt thành chiếc áo dài chống lạnh, hy vọng có thể mang lại chút hơi ấm cho bạn.

Tác giả

Chương 1: Tôi ba nghìn tuổi

Cảm ơn cái lưng của bạn

Việc tôi đi học tâm lý học diễn ra rất ngẫu nhiên. Tôi còn nhớ một ngày vào năm 1998, một người bạn tôi mới gặp vài lần gọi điện thoại đến cho tôi để nói chuyện. Công việc của cô ấy rất bận, mỗi lần gọi điện thoại nói chuyện chỉ một hai câu rồi đi vào chủ đề chính ngay, sau đó đột ngột cúp máy, để lại mình tôi đối diện với những tiếng tút dài của ống nghe, dường như thiếu hẳn hơi ấm của con người. Tôi luôn cảm thấy nói chuyện điện thoại ngoài nói những việc chính ra thì cũng nên nói chuyện gia đình thế này thế kia hay nói những chuyện linh tinh khác, đó mới là hương vị của cuộc sống. Lần này, cô ấy đột nhiên khác hẳn, cô ấy lại có tâm trạng kể cho tôi nghe về chuyện gia đình chứ! Tôi ngạc nhiên hỏi cô ấy: “Sao hôm nay cậu lại có thời gian để nói chuyện phiếm thế.” Cô ấy thở dài nói do sống lưng của cô ấy bị gẫy, phải mặc quần thạch cao, bây giờ đang nằm ở nhà dưỡng thương.

Tôi xuất thân từ ngành y cho nên nghe thấy ai bị bệnh là ngay lập tức bước vào cương vị bác sĩ, tôi vội hỏi cô ấy có đau không?

Cô ấy nói đã qua một thời gian rồi nên bây giờ không đau lắm, chỉ là mỗi ngày đều phải nằm yên trên giường nên cảm thấy rất cô đơn. Đọc sách cũng cùng một tư thế này, nằm mãi cũng thấy mỏi mệt. Thế nên thỉnh thoảng gọi điện thoại để xem thế giới bên ngoài thế nào.

Quần thạch cao rất cứng và bó người, không chỉ lưng không cử động được mà ngay cả chân cũng không thể. Bởi vì lưng và chân đều là người một nhà cho nên cùng cử động cùng nằm yên. Chỉ có giữ chân tuyệt đối cố định thì lưng mới có thể được nghỉ ngơi và dưỡng thương. Mặc quần thạch cao giống như là bị liệt chân, cái cảm giác không làm được gì có thể nhấn chìm con người ta.

Tôi nói, cậu phải mặc quần này trong bao lâu?

Cô ấy trả lời là ba tháng.

Tôi nói, tớ sẽ thường xuyên gọi điện cho cậu. Sau đó, lại dặn dò cô ấy phải cẩn thận và giữ gìn sức khỏe.

Nói xong tôi vội vàng lấy bút rồi gạch vào tấm lịch treo trên tường, viết dưới đó dòng chữ: Mỗi tuần gọi điện cho XX một lần, mỗi lần nhất định phải nói chuyện hơn mười lăm phút.

Lúc đó công việc của tôi bận túi bụi thế nhưng tôi vẫn dùng bút đỏ để đánh dấu bằng mấy dấu biểu thị nhắc nhở, cho dù tôi bận thế nào đi nữa thì mỗi tuần cũng phải nói chuyện, tán gẫu với người bạn đang phải nằm trên giường không cử động được ấy.

Trong một lần nói chuyện, cô ấy nói giáo sư Lâm Mạnh Bình của Đại học Trung văn Hồng Kông sắp đến Đại học sư phạm Bắc Kinh để giảng dạy môn tâm lý học, học vị thạc sĩ.

Sau khi cúp máy tôi bàn bạc với chồng, tôi dùng câu danh ngôn mà Cao Bảo Ngọc viết trongNửa đêm gà gáy- “Tôi muốn đi học”.

Sau này tôi nói với người bạn đó, tôi học, tâm lý học phải cảm ơn cái lưng của bạn.

Nghỉ trưa dưới cái nhìn của côn trùng

Tháng 2 năm 1998, tôi đã ngồi trong phòng học khoa Tâm lý của trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh, trở thành một nghiên cứu sinh thạc sĩ chuyên ngành tư vấn tâm lý.

Học được nửa ngày, tôi cảm thấy hối hận lắm! Viết văn đã nhiều năm như thế nên tính tự do đã thành thói quen, bây giờ phải ngồi trong một chiếc bàn nhỏ hẹp như học sinh tiểu học, mặt ngước lên nghe giáo sư nói những kiến thức mà mình không biết, quả thực cảm thấy thật vất vả.

Thời gian nghỉ ngơi mọi người bắt đầu nói cảm xúc của mình đối với tâm lý học. Tôi cảm thấy hình như mình lạc vào khu rừng rậm nhiệt đới, xung quanh đều là những động thực vật lạ lẫm, mon men xung quanh là rắn và thằn lằn, làm cho tôi cảm thấy phát khiếp. Đối với tâm lý học tôi chỉ mới đọc mấy cuốn sách của Freud và Carl Gustar Jung, còn lại những người khác đều không biết gì. Nói đến, tôi cho rằng đó là trợ thủ Watson của thám tử Holmes. Thực ra thì ông ấy là bậc thầy của chủ nghĩa hành vi tâm lý học. Điều này đơn giản như một người học võ công mà không hề biết đến Thiếu Lâm Tự vậy. Lúc đó, mọi người xung quanh không ai dám lên tiếng nói gì cả.

Thời gian ăn cơm trưa đến rồi, tôi cầm hộp cơm tiến về phía nhà ăn. Nhà ăn ồn ào náo nhiệt, có rất nhiều người đang đứng xếp hàng, mỗi một hàng đều giống như một bím tóc vừa thô vừa dài. Học sinh trong lớp đều quen biết nhau cho nên cứ một người đứng ở hàng này là cả lớp cũng theo đó mà đứng vào, xếp hàng lâu như thế mà hàng ngũ không những không tiến lên được bước nào nữa mà ngược lại còn lùi về sau mấy bước. Trong các hàng ngũ lộn xộn ấy cuối cùng cũng đến lượt tôi. Các loại rau ngon đều đã cạn đĩa, còn lại chỉ là một chút rau cải lót đĩa mà thôi. Tôi tự lẩm bẩm nói với chính mình là đi học lại là một việc gian khổ, tự nói như thế để an ủi chính mình. Tôi muốn ăn một miếng thịt gà rán, trong hộp cơm thì để cơm dày 2cm, tôi bắt đầu bữa ăn đầu tiên của cuộc sống sinh viên một lần nữa.

Tôi chầm chậm ăn miếng thịt gà, hi vọng hương vị thơm ngon của nó có thể làm tinh thần tôi phấn chấn hơn. Thế nhưng một sự đả kích mới lại bắt đầu. Miếng thịt gà, chẳng qua chỉ là một miếng cổ gà được cắt làm mấy khúc rồi nhúng bột rán lên mà thôi. Tôi nhìn chằm chằm vào miếng thịt gà hấp dẫn ấy rồi cặm cụi, khó khăn nuốt cơm trắng. Lúc này có một cậu con trai đi đến, chắc thấy bàn tôi sạch sẽ nên đến đây ngồi.

Cậu ấy hỏi tôi, cô giáo mặc thường phục đi phỏng vấn ạ? Sao lại trà trộn cùng với học sinh thế này? Tôi cười và đáp lại, cô không phải cô giáo, cô là học sinh.

Cậu sinh viên này cũng đang cố gắng nuốt những sợi mì nát bét và nói tiếp, cô giáo lại nói đùa rồi. Cô lớn tuổi thế này làm sao lại là học sinh được cơ chứ. Hơn nữa cô ăn ngon như thế này ít nhất cũng phải là tiến sĩ chứ.

Ăn xong cơm tôi giống như một linh hồn cô đơn, lạc lõng vậy, cứ lang thang khắp sân trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh. Vô tình tôi đi đến một cái sân nhỏ ở phía nam tòa nhà của khoa Toán học. ánh nắng mùa thu Bắc Kinh đang trải dài trên những băng ghế, trông thật ấm áp, thỉnh thoảng có gió lại cảm thấy se lạnh.

Tuy lạnh và mệt thế nhưng tôi vẫn ngồi. Tôi thầm nghĩ vài hôm nữa cho dù cái ghế này có còn trống thì mình cũng không dám ngồi quá lâu. Trời lạnh, cái lạnh dường như ngấm cả vào bụng, hơn nữa tôi cũng không còn trẻ gì nữa. Đang miên man suy nghĩ thì đột nhiên có người chạm vào tay tôi, giật mình tôi nghĩ chắc họ là một đôi. Tôi ngồi lui sang một bên và cảm thấy chỗ mình nhường cho họ đủ lớn rồi, bọn họ cứ ngồi xuống đi, tôi không có ý định mở mắt ra nhìn trộm điều gì đâu. Thế nhưng tôi cảm thấy họ rất kiên trì, chạm vào tôi tuy ấm áp thế nhưng tôi cảm nhận được sự kiên cường của họ, xem ra họ không làm tôi tỉnh giấc thì nhất định không chịu bỏ đi đây. Tôi chỉ còn cách nhấc hai mi mắt nặng trĩu ra nhìn họ, thế nhưng thứ mà tôi nhìn thấy đó là hai con sâu róm rất to, chúng đang bò lên cánh tay tôi, cái đầu ngọ nguậy nhìn xung quanh, tôi giật mình đứng bật dậy thẳng như tên lửa, tôi vẩy mạnh tay, hai con sâu róm rơi xuống đất. Tôi quay lại nhìn cái cây đằng sau lưng mình, trên đó dày đặc là sâu róm, giống như có hàng ngàn con mắt nhỏ đang theo dõi tôi, tức giận tôi vì dám xâm nhập vào lãnh địa của bọn chúng vậy.

Từ nhỏ tôi đã vô cùng sợ hãi lũ sâu róm, tôi cảm thấy chúng không hiền từ. Tuy tôi là bộ đội, gặp chuyện đáng sợ hơn tôi cũng không bao giờ rời tay súng, vẫn tiếp tục bình tĩnh, thế nhưng trong lòng thực chất là đang run sợ.

Năm câu “Bởi vì cho nên”

Trong lúc này tôi chợt nảy ra một quyết định - tôi lập tức nghỉ học! Tôi muốn về nhà rồi! Nếu nhà trường có thể trả lại học phí thì tốt quá, thực ra nếu không trả lại cũng không sao, coi như là không may mắn, coi như tôi bị ốm một trận, lại gãy cả lưng nữa.

Tâm trạng đào ngũ đã quyết như thế nên tôi cũng thấy thoải mái hơn. Còn cả một buổi chiều nữa cơ mà, cho dù phải lên núi đao, biển lửa tôi cũng cố gắng vượt qua.

Cứ như thế tôi cũng vượt qua được đến hai giờ, một lần nữa tôi lại bước vào lớp học. Tiết học buổi chiều, giáo sư Lâm viết lên bảng đen dòng chữ: “Bởi vì… cho nên…”.

Trong chốc lát tôi có cảm giác như được trở về với năm lớp hai. Tôi thực sự không hiểu tại sao học nghiên cứu sinh rồi lại có tiết học như ngày bé thế này, thế nhưng thân là học sinh một ngày thì cũng phải cố gắng học cho hết một ngày vậy. Giáo sư Lâm giải thích đây không phải là một câu đơn giản, bạn phải thể hiện được cảm nhận của bạn. Bạn phải phân tích được tại sao chuyện này lại thu hút, hấp dẫn bạn. Đây quả là một buổi huấn luyện mới, hơn nữa còn phải viết liên tục năm câu liền.

1. Bởi vì tôi nhìn thấy rất nhiều sâu róm nên tôi cảm thấy rất thất vọng.

Khi nhìn thấy câu này tôi thấy rất vui. Một người phụ nữ lớn tuổi trải qua bao nhiêu sóng gió như tôi lẽ nào thật sự vì một lũ sâu róm vô tri vô giác, tự sinh tự diệt mà cảm thấy chán nản sao. Thực sự quá buồn cười. Có điều đây thực sự là những suy nghĩ lúc đó của tôi. Mới hoàn thành có một câu đương nhiên là không đủ rồi nên tôi vẫn phải viết tiếp.

2. Bởi vì tôi không hiểu những kiến thức cơ bản của tâm lý học cho nên tôi cảm thấy rất xấu hổ.

Khi vừa viết xong câu này tôi cảm thấy giận mình quá! Thật không ra làm sao cả, không biết thế nào, học tập chính là sự mở đầu mới, đây không phải là câu nói tôi luôn tự cổ vũ mình hay sao? Hôm nay sao tôi lại quên được nhỉ?

3. Bởi vì tôi không được đào tạo chính quy ngành tâm lý học cho nên tôi cảm thấy học hành rất vất vả.

Tôi nhìn câu trả lời rồi thoải mái gật đầu. Bởi vì đây là một sự thật, có điều cũng chẳng có gì ghê gớm lắm, có thể bù đắp được thông qua cố gắng.

4. Bởi vì buổi trưa không có chỗ nghỉ ngơi nên tôi cảm thấy rất mệt mỏi.

Chuyện này thì chính xác hoàn toàn, tôi thất vọng thở dài một cái. Có điều, dường như không phải hoàn toàn là do điều đó mà khiến tôi cảm thấy mệt mỏi. Có thể, nguyên nhân sâu xa hơn đó chính là tôi cảm thấy cô độc và tự ti.

5. Bởi vì cơm trưa vừa đắt vừa không hợp khẩu vị cho nên tôi cảm thấy tinh thần mệt mỏi.

Tôi cứ nghĩ rằng mình không thể nghĩ đủ năm câu “bởi vì cho nên” được thế nhưng không ngờ tôi có thể viết ra được nhanh đến thế. Giáo sư Lâm thu hết các bài lại, còn chúng tôi thì ai cũng quan tâm xem đáp án có đúng hay không. Giáo sư Lâm nói, đáp án không phân rạch ròi đúng hay sai, mà việc này chỉ muốn huấn luyện cho mọi người cảm nhận được tình cảm tâm lý của chính mình bất cứ lúc nào. Không được râu ông nọ cắm cằm bà kia, cũng không được giá họa cho người khác, phải tìm ra điểm làm cho cảm xúc của mình bùng phát. Giáo sư Lâm còn giảng nữa nhưng tôi không nhớ rõ. Tôi chỉ nhớ được là cách huấn luyện như thế đã làm thay đổi chủ ý trong tôi. Tôi quyết định tiếp tục học tiếp môn tâm lý học. Bởi vì tôi đã tìm được “bởi vì cho nên” trong tận đáy tình cảm của mình.

Câu này nên là thế này:

Bởi vì tôi rời xa môi trường và chuyên ngành quen thuộc của mình cho nên tôi cảm thấy cô đơn và co lại. Vì thế tôi muốn trốn tránh.

Sau khi xem lại ngọn nguồn tình cảm của mình tôi đã biết được nguyên nhân chán nản của tôi đến từ đâu. Nó có liên quan đến miếng thịt gà rán kia, có liên quan đến lũ sâu róm kia, có liên quan đến trợ thủ của Holmes, chứ thực ra nó không liên quan đến giấc ngủ trưa lạnh lẽo, nhưng tất cả những thứ này đều không phải là vấn đề mấu chốt. Vấn đề mấu chốt là tôi không có cảm giác an toàn với sự thay đổi. Cảm giác này là phản ứng rất bình thường, nó không nên trở thành cái cớ để quyết định công việc quan trọng.

Việc bây giờ cần làm đó là phải tiếp tục kiên trì.

Tôi ba nghìn tuổi

Từ lúc đó trở đi, tôi dùng bốn năm để hoàn thành khóa học thạc sĩ và tiến sĩ tâm lý học. Sau đó tôi cùng với mấy người bạn nữa mở trung tâm tư vấn tâm lý, trung tâm cũng hoạt động được mấy năm. Bởi vì trước đó người đến tư vấn quá đông cho nên tôi thường cảm thấy đau đầu khi phải phân thân. Có người đợi từ mùa xuân đến mùa thu mà vẫn chưa đến lượt tư vấn, có một cô gái nói với nhân viên phụ trách sắp xếp lịch hẹn là: Tôi và chồng tôi đã quyết định ly hôn, chúng tôi đều không cam lòng, sau đó chúng tôi quyết định nhất định phải đến trung tâm tư vấn tâm lý của cô giáo Tất Thục Mẫn xem thế nào, xem xem cuộc hôn nhân của chúng tôi còn cơ hội cứu vãn hay không. Nếu cô ấy cũng không có cách gì khác thì chúng tôi chấp nhận chia tay. Nếu cô ấy còn có cách cứu vớt cuộc hôn nhân của chúng tôi thì chúng tôi nhất định sẽ cố gắng đến cùng. Hiện tại, chúng tôi đã đợi mấy tháng rồi, từ khi chồi mới nhú cho đến khi lá rụng xuống, xin hỏi chúng tôi còn phải đợi bao lâu nữa. Khi nào mới đến lượt chúng tôi. Việc đăng ký của quý vị có đảm bảo công bằng không. Liệu có người chen vào giữa không?...

Khi nhân viên đó nói lại câu chuyện này với tôi, tôi lại biểu hiện rất bình thản. Thực ra hai vai tôi đang co lại, lưng nóng ran, từ cơ thể đến tim đều cảm thấy một thứ áp lực khó nói thành lời. Tôi quyết định nghỉ việc ở cương vị bác sĩ tâm lý lâm sàng và chuyên tâm chuyên ý vào công việc viết lách. Tôi viết một số cuốn sổ tay tâm lý học phổ cập, và hy vọng có thể chia sẻ được nhiều điều về tâm lý và trái tim con người. Ví dụ như đối với những người trẻ tuổi sắp ly hôn, thì trước khi muốn chia tay họ còn muốn dành một khoảng thời gian dài như thế để chờ đợi người khác làm công việc là cứu vớt cuộc hôn nhân của họ, tôi tin rằng trong đáy lòng của bọn họ, họ vẫn còn rất trân trọng cuộc hôn nhân này. Bọn họ rất bận rộn, không biết phải đi về đâu sau cuộc hôn nhân này, bản thân bọn họ thiếu thốn khả năng tự điều trị cho chính mình. Giả sử cuốn sổ tay của tôi đến được tay bọn họ trước khi cuộc hôn nhân của họ thực sự đi vào ngõ cụt, có thể nhắc nhở bọn họ chú ý một chút việc này việc kia, biết đâu lại là một cách hay?

Phần lớn thời gian tôi thường thường ngồi trên chiếc ghế sô pha màu vàng hạt gạo để lắng nghe câu chuyện của mọi người, đêm khuya yên tĩnh mới là thời gian để tôi viết lách, tôi mơn man sờ vào lớp bọc giả da của ghế sô pha và chân mình, đột nhiên cảm thấy như vừa chạm vào một linh hồn thần thánh. Dường như chiếc ghế sô pha có cảm giác, sau khi cùng tôi tiếp xúc với bao người trải qua bao cay đắng, ngọt bùi, mỗi một gang da thuộc của nó đều có linh hồn. Nếu ghế sô pha lúc này có thể mở miệng để nói, vì tôi mà chỉ điểm điều này điều kia thì tôi hoàn toàn không hề ngạc nhiên. Tình cảm dạt dào và trí tuệ sâu sắc của các chàng trai cô gái trong nhân gian đã khiến cho một vật dụng gia đình bình thường dường như cũng bước vào một thế giới khác.

Có một số nhà báo từng hỏi tôi, sau khi bà giải đáp thắc mắc cho bao nhiêu người như thế thì cảm giác lớn nhất của bà là gì?

Tôi trả lời, tôi đã trở nên quá già, quá già.

Nhà báo hỏi tiếp, thế rốt cuộc bà già như thế nào? Già đến mức độ nào?

Tôi nhẩm tính một lúc rồi nói, khoảng ba nghìn tuổi.

Thấy gương mặt nhà báo lộ rõ vẻ ngạc nhiên tôi biết con số đó chắc làm bọn họ giật mình. Nghĩ ngợi một lát, một người sống hơn ba nghìn tuổi thì phải mình đồng da sắt như ma quỷ chứ!

Để xoa dịu nỗi sợ hãi của nhà báo, tôi vội nói nếu bạn cảm thấy ba nghìn tuổi quá đáng sợ thì bạn có thể sửa thành năm trăm tuổi.

Tôi cảm thấy bản thân mình rất khảng khái và hào phóng, chỉ một nhát là xóa đi 5/6 quãng thời gian vất vả của mình thì nhà báo chắc không còn cảm thấy điều gì quá đáng nữa nhỉ?

Buổi phóng vấn hôm đó không chỉ là của một đài truyền hình mà của nhiều nơi cùng phỏng vấn, có người nói Tất Thục Mẫn tự nhận mình là ba nghìn tuổi, cũng có người nói Tất Thục Mẫn năm trăm tuổi. Khoảng cách giữa hai con số là quá lớn, nên nhiều người cho rằng tôi nói năng lúc thế nọ lúc thế kia.

Từng cô gái một đều giao niềm vui nỗi buồn của cuộc đời cho tôi, cùng với tôi mở rộng và làm sâu sắc cuộc sống của tôi, về mặt ý nghĩa này tôi nhất định phải cảm ơn họ.

Ba nghìn tuổi cũng được, năm trăm tuổi cũng được, cũng đều chỉ là một cách nói quá, giống như câu “Tóc trắng ba nghìn trượng”(1), “Tuyết rơi như bão”(2), “Tóc trắng” chỉ là câu nói đùa thôi.

Cuối cùng, tôi quyết định lựa chọn cách an toàn, nói ra những thứ đã từng là bí mật.

(1) Một câu trong bài Thu phố ca (bài 15) của Lý Bạch. (Nguyên văn: Bạch phát tam thiên trượng, duyên sầu tự cá trường...) - BTV.

(2) ý thơ trong bài Bắc phong hành của Lý Bạch. (Nguyên văn: Yên sơn tuyết hoa đại như tịch, nhiễm phiến xuy lạc Hiên Viên đài) - BTV.