Giấc mơ Trung Quốc - Chương 05 - Phần 01
Chương V: CHIẾN LƯỢC LỚN CẦN CÓ TƯ DUY CHIẾN LƯỢC
Chiến lược quyết định phương hướng và tiền đồ của quốc gia, dân tộc. Chiến lược là mạng sống của quốc gia và dân tộc. Điều căn bản nhất trong cái gọi là sự thịnh suy của nước lớn là sự thịnh suy về chiến lược của nước lớn. Chiến lược đúng thì nước nhỏ cũng có thể trỗi dậy; chiến lược có sai sót thì nước lớn cũng có thể suy thoái. Nước yếu, trước hết là yếu về chiến lược. Nước mạnh trước hết là mạnh về chiến lược, một cường quốc nếu mất ưu thế về chiến lược thì sẽ từ mạnh trở thành yếu. Chấn hưng quốc gia, trước hết là chấn hưng về chiến lược, vấn đề cơ bản là chấn hưng chiến lược. Trên ý nghĩa đó, sự trỗi dậy của nước lớn về thực chất là trỗi dậy về chiến lược. Chiến lược là cái giềng, khi kéo giềng lên thì mắt lưới căng ra.
I. Nước lớn cần phải lớn về chiến lược
Một quốc gia không có chiến lược thì không thể trở thành nước lớn; quốc gia có chiến lược không đúng thì không thể trở thành nước mạnh. Cái lớn của nước lớn là lớn về chiến lược; cái mạnh của một cường quốc là mạnh về chiến lược. Nước lớn trỗi dậy, trước hết là trỗi dậy về chiến lược; cạnh tranh chiến lược là cốt lõi của cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn. Chiến lược là mạng sống của quốc gia, là sức cạnh tranh chủ yếu của quốc gia.
Sai lầm chiến lược là “sai lầm chết người”
Từ xưa Trung Quốc đã là một nước lớn có tư tưởng chiến lược phong phú; trong kho tàng quý báu tư tưởng chiến lược của thế giới, phần đóng góp của Trung Quốc rất lớn. Thế nhưng trong tiến trình lịch sử thế giới hiện đại, Trung Quốc lại lạc hậu về chiến lược. “Lạc hậu thì bị đánh”, cái lạc hậu ấy lộ ra và thể hiện ở sự lạc hậu về trình độ khoa học kỹ thuật và kinh tế, nhưng ở tầng nấc sâu đó là sự lạc hậu về tư duy chiến lược và tư tưởng chiến lược. Bi kịch của Trung Quốc cận đại là một loại “bi kịch chiến lược”. Sự lạc hậu và bị động về chiến lược là nguyên nhân căn bản dẫn đến tai nạn của quốc gia và dân tộc.
Sự vùng lên của Trung Quốc cận đại trước hết là sự đổi mới tư duy chiến lược và sáng tạo tư tưởng chiến lược. Từ chiến lược cách mạng của Tôn Trung Sơn và Mao Trạch Đông tới chiến lược cải cách mở cửa của Đặng Tiểu Bình đều là sự sáng tạo chiến lược của dân tộc Trung Hoa. Để thích ứng với nhu cầu của sự trỗi dậy và phục hưng Trung Quốc, chiến lược của Trung Quốc trong thế kỷ XXI phải tạo dựng nên một “Trung Quốc chiến lược”. Cái gọi là Trung Quốc chiến lược tức trên mặt chiến lược Trung Quốc phải có sự vượt qua và nhảy vọt mang tính lịch sử, phải trở thành một nước lớn về chiến lược, cường quốc chiến lược. “Trung Quốc chiến lược” có ba tiêu chí về chiến lược như sau: một là có chiến lược dài hạn vượt qua hiện tại; hai là có chiến lược thế giới vượt qua cục bộ; ba là có năng lực thực tiễn chuyển hóa tư tưởng chiến lược thành nguyên tắc chiến lược, phương châm chiến lược, hành động chiến lược và cục diện chiến lược.
Trung Quốc trong thế kỷ XXI đang tiến về phía “Trung Quốc chiến lược”: xét về tính lâu dài, chiến lược Trung Quốc đã xây dựng được chiến lược phát triển tới ngày kỷ niệm 100 năm dựng nước, đó là “chiến lược thế giới”; xét về tính toàn cục đã bắt đầu từ hòa nhập thế giới tiến tới ý tưởng dẫn dắt và thiết kế thế giới, sẽ hình thành một “chiến lược thế giới” của Trung Quốc; xét về tính thực tiễn cũng đã thể hiện sự chuyển hóa nhanh chóng và chuyển đổi khoa học từ tư tưởng chiến lược tới quyết sách chiến lược, từ năng lực tư duy chiến lược tới năng lực thực hiện chiến lược, hình thành tuần hoàn lành tính của lý luận chiến lược và thực tiễn chiến lược chứ không sa vào tình trạng nói suông chiến lược. Trong giai đoạn hiện tại Trung Quốc còn cách mục tiêu “Trung Quốc chiến lược” một khoảng cách khá dài.
Nhà nước cũng như cá nhân không thể không phạm sai lầm. Nhưng sai lầm chiến lược là thứ sai lầm Nhà nước không được mắc phải. Bởi lẽ sai lầm chiến lược là sai lầm chết người.
Nhà tư tưởng chiến lược phương Tây Beaufre[1] cho rằng “Sự vô tri về chiến lược là sai lầm chí mạng”! Trên sân khấu thế giới cận đại, trong quá trình cạnh tranh giữa các nước lớn, sở dĩ một số quốc gia rớt lại và lụn bại là do có vấn đề về chiến lược, phạm phải những “sai lầm chí mạng”. Nước Đức trong hai cuộc thế chiến, nước Nhật trong Thế chiến II, Liên Xô bại trận trong chiến tranh lạnh đều là do mắc phải “sai lầm chí mạng” - sai lầm chiến lược. Trong các nước phương Tây, Mỹ là nước có lý lịch chiến lược tốt, trong thời gian hơn 200 năm tuy cũng mắc không ít sai lầm, cũng đã xuất hiện một số cuộc khủng hoảng lớn, kể cả khủng hoảng tài chính năm 2008, nhưng rất ít xuất hiện những sai sót lớn về quyết sách chiến lược dẫn đến sự tụt lùi lớn của quốc gia. Nước Mỹ luôn giữ được sự ổn định nhất định, giữ được cơ hội sống còn và sức sống, còn tiếp tục đi tới trên con đường của mình. Có thể thấy sự cạnh tranh giữa các nước lớn trước hết là cuộc đua cạnh tranh không phạm sai lầm chiến lược, ít phạm sai lầm chiến lược.
Vì sao Nhật Bản muốn dẫn dắt Trung Quốc phạm sai lầm
[1] Beaufre tức André Beaufre 1902 - 1975, lúc kết thúc Thế chiến II là đại tá trong quân đội kháng chiến Pháp của tướng De Gaulle, nhà chiến lược quân sự Pháp, đề xướng thành lập lực lượng hạt nhân độc lập của Pháp, tác giả sách 1940: The Fall of France.
Có chuyên gia Trung Quốc kể lại chuyện sau: Tháng 9 năm 2004, một tay trùm phái hữu Nhật đến Trung Quốc thăm Bắc Kinh, Tây An, Trùng Khánh, Thượng Hải. Sau khi về nước, tay này đã phát biểu tại một cuộc họp cấp cao phái hữu Nhật như sau: Xem lại tiến trình hiện đại hóa của Trung Quốc và Nhật thì Nhật đã thất bại, nguyên nhân là Nhật dựa vào học tập hết mình để giành được ưu thế kỹ thuật và dùng ưu thế này hưởng phúc 100 năm nay. Bây giờ Trung Quốc bắt đầu học tập. Xét về mặt kỹ thuật thì việc Trung Quốc đuổi kịp Nhật chỉ là vấn đề thời gian mà thôi chứ không còn là vấn đề có khả năng hay không; một khi chênh lệch trình độ kỹ thuật Trung Quốc và Nhật bị thu hẹp thì ưu thế thiên nhiên, ưu thế địa - chính trị của Trung Quốc sẽ thể hiện ra và Trung Quốc sẽ là vua ở châu Á. Chỉ cần Trung Quốc không mắc những sai lầm lớn, cho dù họ luôn mắc các sai lầm nhỏ thì sự trỗi dậy của Trung Quốc là điều tất nhiên. Có người hỏi ông ta: thế thì Nhật làm sao đây? Ông này nói: “Thế thì phải dẫn dắt Trung Quốc mắc sai lầm lớn. Việc Nhật có thể làm là trong giai đoạn hiện tại cần gắng cố dụ dỗ Trung Quốc mắc các sai lầm lớn nhằm giảm tốc độ trỗi dậy của họ”. Lại hỏi: Nếu Trung Quốc không mắc sai lầm lớn thì sao? Lão trùm kia trả lời: “Thế thì Nhật hãy làm tốt việc chuẩn bị bám vào Trung Quốc thôi”.
Đó là sự nhạy cảm ở tầng sâu của người Nhật, là sự lo xa cao độ của người Nhật, cũng là sự chuẩn bị tâm lý mà họ đã bắt đầu. Dĩ nhiên, mục tiêu phát triển của Trung Quốc quyết không phải là “vua châu Á” mà là “vua trái đất”, “vua thế giới”. Điều này nêu ra những yêu cầu cao hơn đối với việc Trung Quốc không mắc sai lầm chiến lược.
Trong cuộc cạnh tranh nước lớn, một số nước lớn thường dùng thủ đoạn dẫn dắt đối phương phạm phải các sai lầm chiến lược chết người, đây là một thủ đoạn ngăn chặn rất khôn khéo và cũng rẻ tiền nhất. Bởi vậy, yếu tố quan trọng nhất của an ninh quốc gia là an ninh chiến lược quốc gia. Bảo đảm an ninh chiến lược quốc gia là không mắc các sai lầm chiến lược chết người, là sự đúng đắn và tiên tiến của chiến lược quốc gia.
Dẫn dắt Trung Quốc phạm sai lầm nhằm làm suy yếu sức cạnh tranh của Trung Quốc, giữ gìn địa vị nước mình trên thế giới, ưu thế của nước mình trong cạnh tranh giữa các nước lớn. Đó là nỗi chờ mong của nước Nhật, sao lại không phải là tiếng lòng của nước Mỹ nhỉ?
Trung Quốc trỗi dậy, chiến lược phải đi trước
Năm 1987, giáo sư sử học Paul Kennedy ở Đại học Yale đã nghiên cứu các điều kiện có lợi và bất lợi đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ông vạch ra: Trung Quốc là nước nghèo nhất trong các nước lớn chủ yếu trên thế giới, đồng thời địa vị chiến lược của Trung Quốc có lẽ là xấu nhất. Dĩ nhiên đó là hai nhân tố bất lợi hạn chế Trung Quốc trỗi dậy. Nhưng ông cũng chỉ ra hai điều kiện có lợi cho sự trỗi dậy của Trung Quốc: một là những người lãnh đạo Trung Quốc đã hình thành “một chiến lược hùng vĩ, tư tưởng nối tiếp liên tục và có tầm nhìn xa; về mặt này họ vượt qua Moscow, Washington và Tokyo, càng không cần nói Tây Âu”; hai là Trung Quốc sẽ “duy trì nền kinh tế phát triển tiến lên bền vững; có thể hy vọng trong vòng vài chục năm nước này sẽ có biến đổi lớn”. Là một nhà chiến lược Mỹ, mấy câu nói trên của Paul Kennedy đã thể hiện ba nhận thức chiến lược sâu sắc: một là ông cho rằng Trung Quốc đã hình thành một chiến lược, chiến lược đó hùng vĩ, tư tưởng nối tiếp liên tục và giàu tầm nhìn xa; hai là ông cho rằng chiến lược đã hình thành của Trung Quốc vượt qua Moscow, Washington, Tokyo và Tây Âu; ba là ông cho rằng chiến lược Trung Quốc đã hình thành sẽ đem lại lợi ích chiến lược lớn cho họ, tức là sẽ làm cho Trung Quốc duy trì được nền kinh tế phát triển bền vững đi lên, khiến người ta có thể hy vọng trong vòng vài chục năm nước này sẽ có thay đổi lớn.
Nên nói thêm: kiến giải chiến lược này rất chính xác. Sự trỗi dậy của Trung Quốc bắt đầu từ sự chuyển biến chiến lược và sáng tạo mới về chiến lược. Sự trỗi dậy ấy trước hết là sự trỗi dậy của chiến lược Trung Quốc. Với tư cách nước lớn trỗi dậy, Trung Quốc trước hết trỗi dậy một chiến lược nước lớn, trỗi dậy một đại chiến lược. Không có sự trỗi dậy đại chiến lược thì không có sự trỗi dậy của Trung Quốc. Đại chiến lược Trung Quốc dẫn dắt sự trỗi dậy của Trung Quốc.
II. Bốn giai đoạn của đại chiến lược Trung Quốc
Trung Quốc là nước lớn trên thế giới, bất kể sự thịnh và suy, trỗi dậy hoặc vấp ngã của nó đều có ảnh hưởng lớn tới thế giới. Đại chiến lược cứu quốc và đại chiến lược hưng quốc của đảng Cộng sản Trung Quốc có hai đặc trưng nổi bật: một là tính thế giới của đại chiến lược Trung Quốc - mối liên hệ khăng khít với thế giới; hai là tính giai đoạn của đại chiến lược Trung Quốc - là một quá trình phát triển. Sự tiến hóa của đại chiến lược Trung Quốc có bốn giai đoạn, thể hiện bốn kiểu hình thái chiến lược.
Làm thế nào để “tự lập trên thế giới”: chiến lược sinh tồn
Trước khi thành lập nước Trung Quốc mới, đại chiến lược Trung Quốc cần giải quyết một vấn đề cơ bản là dân tộc Trung Hoa sẽ tự lập như thế nào trong “cánh rừng” các dân tộc trên thế giới. Đại chiến lược của Trung Quốc trong giai đoạn này trên thực tế là chiến lược cứu vong, chiến lược bảo tồn giống nòi, là chiến lược sinh tồn của một dân tộc. Nội dung chính của nó thể hiện là chiến lược cách mạng của Trung Quốc. Sau khi dựng nước, trong 30 năm cho tới trước ngày cải cách mở cửa, trên thực tế vẫn là sự tiếp nối của giai đoạn này, tức vấn đề làm thế nào duy trì sự sống còn và độc lập của mình trong hoàn cảnh chiến lược bị cô lập, bị phong tỏa. Trong giai đoạn chiến lược đó tư tưởng Mao Trạch Đông là hình thái lý luận cơ bản của đại chiến lược Trung Quốc.
Làm thế nào để “hòa nhập thế giới”: chiến lược phát triển
Sau “Cách mạng Văn hóa”, đại chiến lược Trung Quốc xảy ra một lần thay đổi quan trọng, đó là thực thi chiến lược cải cách mở cửa. Chiến lược cải cách mở cửa trên thực tế là chiến lược Trung Quốc hòa nhập vào thế giới, là bước chuyển biến từ chiến lược tự lập trên thế giới sang chiến lược Trung Quốc chủ động hòa mình vào thế giới, là một bước nâng cao của Trung Quốc từ chiến lược sinh tồn tới chiến lược phát triển. Từ đó sự phát triển của Trung Quốc đi từ “tuần hoàn bên ngoài cơ thể” độc lập bên ngoài hệ thống thế giới tiến sang tuần hoàn nội bộ cơ thể ở bên trong hệ thống thế giới. Trong giai đoạn mới của đại chiến lược Trung Quốc này, lý luận Đặng Tiểu Bình và tư tưởng quan trọng “Ba Đại diện” là hình thái lý luận cơ bản.
“Dẫn đầu thế giới” như thế nào: chiến lược trỗi dậy
Sau khi tiến sang giai đoạn mới của thế kỷ XXI, Trung Quốc đã tăng tốc nhịp điệu trỗi dậy của nước lớn. Trên thực tế giai đoạn mới của thế kỷ mới là giai đoạn Trung Quốc “nước lớn trỗi dậy”, nhanh chóng đuổi và vượt các nước phát triển phương Tây, dứt khoát đuổi theo nước phát triển nhất thế giới, xông tới mục tiêu dẫn đầu thế giới. Từ phát triển hòa nhập thế giới tới trỗi dậy dẫn đầu thế giới, quá trình đó đặt ra yêu cầu mới đối với đại chiến lược Trung Quốc. Trong giai đoạn chiến lược này, quan điểm phát triển một cách khoa học là hình thái lý luận cơ bản của đại chiến lược Trung Quốc.
“Lãnh đạo thế giới” như thế nào: chiến lược lãnh tụ
Trong vài chục năm tới, Trung Quốc sẽ phát triển vượt Mỹ, đây là vấn đề ngay cả người Mỹ cũng đang bàn luận. Trung Quốc và Mỹ phải cùng nhau lãnh đạo, quản lý và quản trị thế giới này, điều đó trước tiên do người Mỹ đưa ra. Trên mặt phát triển kinh tế, Trung Quốc đã thể hiện được năng lực và tiềm lực dẫn đầu thế giới, nhưng hiển nhiên sứ mạng và nhiệm vụ của Trung Quốc trên mặt lãnh đạo thế giới đang ngày một nặng hơn. Đại chiến lược Trung Quốc từ chiến lược sinh tồn tự lập trên thế giới, chiến lược phát triển hòa nhập thế giới, chiến lược trỗi dậy dẫn đầu thế giới, cuối cùng tới chiến lược lãnh tụ lãnh đạo thế giới, là quỹ tích cơ bản tiến cùng thời đại của đại chiến lược của một dân tộc vĩ đại, một quốc gia vĩ đại. Chiến lược lãnh tụ lãnh đạo thế giới là giai đoạn cao nhất và mức cao nhất của đại chiến lược Trung Quốc, cũng là cống hiến lớn nhất của đại chiến lược Trung Quốc đối với Trung Quốc và thế giới.
Qua các phân tích nói trên có thể thấy việc xác lập và phát triển, chuyển biến và nâng cao đại chiến lược Trung Quốc được tiến hành và thực hiện nhằm thích ứng với các yêu cầu nhiệm vụ chiến lược của quốc gia và dân tộc Trung Quốc trong các thời kỳ lịch sử khác nhau. Nhiệm vụ chiến lược mà quốc gia phải thực thi là động lực giúp ra đời đại chiến lược quốc gia; sự sáng tạo đại chiến lược quốc gia lại là bảo đảm cơ bản sự hoàn thành nhiệm vụ chỉ đạo chiến lược quốc gia và thực hiện mục tiêu chiến lược quốc gia.
III. Ba tầng nấc của đại chiến lược Trung Quốc
Đại chiến lược Trung Quốc quyết định bởi mục tiêu lớn của Trung Quốc. Có mục tiêu lớn như thế nào thì nên có đại chiến lược như thế ấy.
Trung Quốc trong thế kỷ XXI với tư cách là một nước lớn trỗi dậy, nước lớn phục hưng, nước lớn lãnh tụ, đại chiến lược Trung Quốc không thể chỉ thiết kế Trung Quốc mà còn phải thiết kế châu Á, thiết kế thế giới. Đại chiến lược Trung Quốc là sự thống nhất ba bộ phận: chiến lược quốc gia, chiến lược châu Á, chiến lược toàn cầu của Trung Quốc. Đó là ba bộ phận cấu thành hữu cơ, là một hệ thống chiến lược. Đại chiến lược Trung Quốc phải xử lý công bằng khéo léo quốc gia mình, xử lý công bằng khéo léo châu Á và thế giới. Đại chiến lược Trung Quốc trong thế kỷ XXI phải giải quyết ba vấn đề cơ bản: xây dựng một Trung Quốc như thế nào; xây dựng một châu Á như thế nào; xây dựng một thế giới như thế nào.
Xây dựng một Trung Quốc như thế nào
Xây dựng một nước Trung Quốc như thế nào - đây là nội dung mà chiến lược Trung Quốc trước tiên cần thiết kế và cấu trúc. Trung Quốc xã hội chủ nghĩa do Mao Trạch Đông lãnh đạo xây dựng, Trung Quốc xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc Trung Quốc do Đặng Tiểu Bình lãnh đạo tạo dựng, đều là sự thiết kế chiến lược và cấu trúc chiến lược một Trung Quốc như thế nào. Nội dung tầng thứ nhất của đại chiến lược Trung Quốc là thiết kế và cấu trúc một Trung Quốc như thế nào và xây dựng ra sao một Trung Quốc như thế.
Trong khi Trung Quốc nhanh chóng tiến lên theo hướng trỗi dậy và phục hưng thì một số người làm rùm beng “Thuyết Trung Quốc đe dọa”. Trong tình hình một số nước còn có nhiều nghi hoặc về sự phát triển sau này của Trung Quốc thì việc xây dựng một Trung Quốc như thế nào, Trung Quốc phải làm một nước lớn thế giới như thế nào, là một công việc cần tiến hành thể hiện chiến lược, giải thích chiến lược và tuyên truyền chiến lược. Nhưng không thể chỉ giới hạn mục tiêu chiến lược của sự trỗi dậy và phục hưng Trung Quốc ở chỗ chỉ trỗi dậy về kinh tế, làm một nước lớn kinh tế trên thế giới mà thôi. Quan điểm cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc không phải là trỗi dậy về hình thái ý thức, không phải là trỗi dậy về sức mạnh quân sự, không phải là trỗi dậy về khoa học kỹ thuật, cho rằng Trung Quốc trỗi dậy là trỗi dậy về kinh tế, là trỗi dậy thành một “nước lớn kinh tế”, một “nước lớn GDP” - quan điểm đó là sự ngộ nhận chiến lược. Nếu theo sự định vị như vậy đối với mục tiêu lớn của Trung Quốc, sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa chỉ là sự phục hưng kinh tế, ý tưởng này thực là hại nước hại dân.
Một Trung Quốc không có sự phát triển và trỗi dậy về hình thái ý thức là một Trung Quốc linh hồn mất thiêng, là một Trung Quốc có thể trọng mà không có chỉ số thông minh, một “nước giàu” không có “quân đội mạnh”, một nước lớn thiếu an ninh, một nước lớn không có sáng tạo khoa học kỹ thuật, một nước lớn không thể thực hiện trỗi dậy về khoa học kỹ thuật; trong thời đại kinh tế tri thức khi khoa học kỹ thuật là sức sản xuất thứ nhất cũng chẳng trở thành cường quốc kinh tế. Chỉ giới hạn mục tiêu trỗi dậy của Trung Quốc ở trỗi dậy về kinh tế thì sẽ chỉ có thể xây dựng được một nước lớn thọt chân, nước lớn như thế không thể duy trì được bao lâu. Xây dựng một nước lớn như vậy coi như bằng hủy hoại sự nghiệp vĩ đại trỗi dậy và phục hưng Trung Quốc.
Xây dựng một châu Á như thế nào
Trung Quốc ngày nay phát triển trong hoàn cảnh toàn cầu hóa, cũng tiến lên trong hoàn cảnh khu vực hóa. Trung Quốc phải lãnh đạo thế giới, trước hết phải lãnh đạo châu Á. Hơn một nửa số dân thế giới sinh sống tại châu Á, 6 trong số 10 nước lớn nhất thế giới thì ở châu Á, 30% lượng xuất khẩu của thế giới đến từ châu Á. Trung Quốc muốn kinh doanh thế giới thì trước hết phải kinh doanh được châu Á.
Kissinger nói: “Cơ chế quốc tế vốn có đang trải qua sự biến đổi căn bản, trọng tâm thế giới đang chuyển từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương. Các quốc gia chủ chốt trên thế giới chủ yếu nằm ở châu Á hoặc sau này sẽ chủ yếu là các quốc gia châu Á. Chúng ta phải quản lý sự trỗi dậy của họ, họ cũng có thể phản đối sự quản lý của chúng ta”.
Có thể nói, châu Á là vùng có sức sống và tiềm lực nhất toàn cầu trong thế kỷ XXI. Xây dựng một châu Á như thế nào là điều rất quan trọng đối với việc xây dựng một thế giới như thế nào. Sau Thế chiến II, người châu Âu đã thành công về tư duy chiến lược và thiết kế chiến lược đối với sự phát triển châu Âu, thành tích mà Liên minh châu Âu giành được ngày nay là một chứng cớ mạnh mẽ.
Thời đại chiến quốc của châu Âu đã chấm dứt từ lâu, “châu Âu chiến quốc” đã trở thành “châu Âu liên minh”, thể hiện sức sống và tiềm lực lớn mạnh trên sân khấu quốc tế. Nhưng thời đại chiến quốc của châu Á thì mới bắt đầu; ba nước Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ đang trình diễn phiên bản châu Á của Tam quốc Diễn nghĩa. Tại châu Á, không chỉ có 1, 2 nước “mưu toan cướp Trung nguyên”. Từ lâu các nhà chính trị Ấn Độ đã tuyên bố “Thế kỷ XXI là thế kỷ của Ấn Độ”.
Xây dựng một châu Âu như thế nào, cách xây dựng châu Âu ra sao, người châu Âu đã có “đại chiến lược châu Âu” của mình, hơn nữa thông qua thực hiện đại chiến lược ấy họ đã giành được những thành tích đáng kiêu hãnh.
Xây dựng một châu Á như thế nào, cách xây dựng châu Á ra sao - người châu Á cũng bắt đầu suy nghĩ về vấn đề này. Các nhà lãnh đạo Australia và Nhật đầu tiên đưa ra ý tưởng “Khối cộng đồng châu Á”. Việc xây dựng châu Á cần học hỏi kinh nghiệm của Liên minh châu Âu nhưng không phải và cũng không thể sao chép mô hình Liên minh châu Âu. Việc xây dựng châu Á cần trí tuệ và sự sáng tạo của người châu Á. Trong việc sáng tạo “mục tiêu châu Á”, “mô hình châu Á”, “con đường châu Á”, “chiến lược châu Á”, Trung Quốc sẽ phát huy tác dụng độc đáo.
Xây dựng một thế giới như thế nào
Thế giới cần một Trung Quốc như thế nào, Trung Quốc cần một thế giới như thế nào, hai vấn đề này gắn chặt với nhau. Xây dựng một Trung Quốc thành công sẽ có lợi cho việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Nhưng xây dựng một thế giới như thế nào cũng là chuyện rất quan trọng đối với Trung Quốc. Trung Quốc cần một thế giới như thế nào, Trung Quốc phát huy tác dụng dẫn dắt thế giới cần sáng tạo một thế giới ra sao - đây là câu hỏi mà đại chiến lược Trung Quốc tất phải trả lời.
Thực chất của đại chiến lược Trung Quốc là chiến lược “quốc gia quán quân”, chiến lược “quốc gia lãnh tụ”; khi Trung Quốc trở thành quốc gia lãnh tụ thế giới, đó là phương lược lãnh đạo của Trung Quốc đối với thế giới, là phương lược Trung Quốc dẫn dắt toàn cầu sáng tạo thế giới mới. Bởi vậy, tầng nấc cao nhất và mức độ cao nhất của đại chiến lược Trung Quốc là quy hoạch tổng thể và thiết kế lâu dài thế giới này. Trung Quốc muốn dẫn dắt thế giới, làm lãnh tụ thế giới thì tất phải quy hoạch và thiết kế thế giới.
Thế giới quá quan trọng, không thể giao nó cho nước Mỹ
Kinh nghiệm lịch sử chứng tỏ việc thiết kế và quy hoạch thế giới, việc thu xếp trật tự thế giới là một vấn đề lớn liên quan tới chiến tranh và hòa bình, tới hạnh phúc của thế giới. Sau khi cuộc chiến tranh Napoleon chấm dứt, trong quãng thời gian 1815 - 1914, châu Âu duy trì được gần 100 năm thái bình yên ổn; thế kỷ XIX là thời đại vàng của sự phát triển ổn định văn minh phương Tây. Sở dĩ xuất hiện tình hình này là do tại hội nghị Viena họp sau khi chấm dứt chiến tranh Napoleon năm 1815, người ta đã có sự thu xếp tương đối văn minh và khôn ngoan về việc tái thiết châu Âu sau chiến tranh, làm cho châu Âu trong thế kỷ XIX từ đầu đến cuối có thể giữ được về đại thể sự cân bằng quyền lực, từ đó duy trì được nền hòa bình tương đối trong 100 năm.
Thế nhưng trong thời gian 1914 - 1945 châu Âu liên tiếp xảy ra hai cuộc Thế chiến gây tai họa cho cả thế giới. Một nguyên nhân quan trọng gây ra tình hình này là ở chỗ việc thu xếp trật tự quốc tế sau Thế chiến I là rất tồi tệ, kém xa hội nghị Viena năm 1815. Ngày 28 tháng 6 năm 1919, vào lúc Hòa ước kết thúc Thế chiến I hoàn tất nghi thức ký kết tại điện Versailler ở Paris nước Pháp, nguyên soái Ferdinand Foch đương kim Tổng tư lệnh liên quân biết tin này đã xúc động nói: “Đây không phải là hòa bình, đây chỉ là cuộc ngưng chiến 20 năm”. Thực tế sau đó chứng minh dự đoán này. Sự thu xếp trật tự thế giới của Hội nghị hòa bình Paris là cuộc ngưng chiến tạm thời 20 năm với cái giá phải trả là 4 năm đại chiến ở châu Âu.
Trí tuệ chiến lược và cống hiến chiến lược của nước lớn tập trung thể hiện ở chỗ phải xây dựng cơ chế, trật tự, bộ khung cho hòa bình và phát triển thế giới, cũng tức là không những phải thắng chiến tranh mà phải giành được hòa bình. Kinh nghiệm lịch sử chứng tỏ gây chiến tranh dễ hơn nhiều so với giành hòa bình.
Sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, lẽ ra đây là một thời cơ có thể tiến hành quy hoạch và thiết kế tốt hơn trật tự thế giới, mở ra một cục diện mới, nhưng nước Mỹ lại đi theo con đường chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bá quyền lên tới tột đỉnh. Mỹ chẳng những làm chính mình tồi tệ hơn mà cũng làm thế giới trở nên rối tung.
Giáo sư Joseph Nye ở Học viện chính trị Kennedy Đại học Harvard nói: “Nguyên tắc làm một nước lớn thế giới là không thể chỉ chú ý lợi ích của mình mà phải đi tìm phương pháp mình có lợi, người khác cũng có lợi. Một nước lớn thế giới lý tưởng nên từ góc độ rộng rãi hơn tìm kiếm lợi ích quốc gia mình, nên kết hợp sức mạnh mềm có lực thu hút với sức mạnh cứng, hơn nữa nếu họ quan tâm tới nước khác thì sẽ tăng cường sức mạnh mềm của mình. Nước lớn lý tưởng nên xem xét cơ chế quốc tế trong phạm vi rộng hơn, hơn nữa không chỉ phục vụ lợi ích của mình mà cũng chiếu cố lợi ích của các nước khác”.
Xét về điểm này thì Trung Quốc thích hợp hơn Mỹ trong việc lãnh đạo thế giới, tiến hành tái thiết trật tự toàn cầu.
Nhà chính trị Pháp Clemenceau[2] nói: “Chiến tranh quá quan trọng, không thể giao nó cho các tướng lĩnh”.
[2] Clemenceau: Georges Clemenceau, 1841-1929, nhà chính trị, nhà báo, hai lần làm Thủ tướng Pháp (1906-1909; 1917-1920), tham gia và thao túng Hội nghị hoà bình Paris sau Thế chiến I, cố gắng làm suy yếu Đức, chống Liên Xô, phản đối chủ trương của Tổng thống Mỹ Wilson tại Hội nghị này.
De Gaulle nói: “Chính trị quá quan trọng, không thể giao nó cho các chính khách”.
Một chuyên gia Trung Quốc nói: “Thế giới quá quan trọng, không thể giao cho nước Mỹ. Trung Quốc phải làm nhà thiết kế thế giới, Trung Quốc sẽ “thiết kế thế giới”, Trung Quốc phải dẫn dắt thế giới đi tới một tương lai tốt đẹp hơn”.
Trong việc quy hoạch và thiết kế thế giới, Trung Quốc cần đưa ra những thứ tốt hơn Mỹ; trong việc lãnh đạo thế giới, Trung Quốc cần có cương lĩnh chính trị tốt hơn Mỹ. Trung Quốc đề xuất xây dựng “thế giới hòa hợp”, đây là một cống hiến về thiết kế chiến lược thế giới.