Giấc mơ Trung Quốc - Chương 04 - Phần 05

VI. Thiên tính Hoa Hạ “tìm về cội nguồn sâu xa”

“Tính cách Trung Quốc” độc đáo là thứ trên thế giới không đâu có; vậy mảnh đất và điều kiện hình thành nó là gì? Nhân tố nào tạo dựng nên những tính cách ưu tú của dân tộc Trung Hoa như hòa bình, lương thiện, không xâm lược, không bành trướng, nhân nghĩa, hữu ái? Đây là một vấn đề không dễ trả lời.

Khác biệt rất lớn giữa văn minh nông nghiệp với văn minh du mục và văn minh hàng hải

Nền văn minh của nhân loại được sáng tạo trong thực tiễn sinh tồn và phát triển của nhân loại. Văn minh nhân loại trước hết là một loại phương thức sinh tồn và phát triển. Có bao nhiêu phương thức sinh tồn và phát triển thì có bấy nhiêu hình thức văn minh. Tính cách của một dân tộc có mối liên quan nguyên thủy nhất, trực tiếp nhất, quan trọng nhất với phương thức sinh tồn và phát triển của dân tộc ấy.

Xét theo tình hình lịch sử thế giới, văn minh nông canh, văn minh du mục, văn minh hàng hải là ba phương thức sinh tồn khác nhau của loài người, cũng là ba hình thức văn minh khác nhau. Ba loại văn minh ấy thể hiện trên tính cách dân tộc khác nhau của các dân tộc nông canh, dân tộc du mục, dân tộc hàng hải; mức độ khác nhau rất lớn.

Dân tộc du mục là dân tộc cần chinh chiến và giỏi chinh chiến, là dân tộc quân sự bẩm sinh. Là dân tộc trên lưng ngựa, họ sống dựa vào ngựa và cung tên, du mục di chuyển chỗ ở, là dân tộc bẩm sinh có tính tấn công. Dân tộc du mục là một trại lính lưu động, mỗi người đều có thể cầm dao cầm súng, đều là chiến sĩ. Du mục, săn bắn, chinh chiến, ba cái đó hòa làm một; khi mùa đông cỏ khô nước cạn, khi xảy ra bão tuyết, hạn hán thì xâm nhập và cướp tài sản của các vùng nông canh trở thành nhu cầu duy trì sự sống còn của họ. Cho nên dân tộc du mục bẩm sinh có đặc tính lưu động và tấn công. Trên thực tế dân tộc hàng hải là dân tộc du mục trên biển. Nhìn chung các vùng sinh sống của dân tộc hàng hải là những vùng bán đảo đất đai cằn cỗi không thích hợp trồng trọt; họ đành phải dựa vào nghề đi biển, qua bành trướng ra ngoài nước mà giành lấy của cải, qua khai thác thị trường ngoài nước và lập các thuộc địa, qua tranh giành bá quyền buôn bán mà thực hiện sự phát triển dân tộc mình. Do đó thương nghiệp và chinh phục kết hợp chặt chẽ với nhau, thuyền buôn và thuyền chiến đi bên nhau, bành trướng và chiến tranh mở ra con đường làm giàu, bản thân chiến tranh trở thành công nghiệp làm ra của cải, trở thành một phương thức sinh tồn và phương thức phát triển, trở thành con đường sống của dân tộc.

Văn minh nông nghiệp là một loại văn minh tự cấp tự túc, sống bằng sức lao động của mình. So với văn minh du mục và văn minh hàng hải thì phương thức sinh tồn này thiếu tính mạo hiểm và tính rủi ro nhưng giàu tính ổn định và tính hướng nội. Bất kỳ sự rối ren hoặc chiến tranh loạn lạc nào trong xã hội cũng đều là tai họa đối với văn minh nông canh. Mưa thuận gió hòa, đất nước thái bình, nhân dân yên ổn là yêu cầu nội tại của văn minh nông canh. Vì vậy văn minh nông canh là văn minh “phi tiến công”, văn minh “phi chiến tranh”. Từ xưa Trung Quốc là một nước lớn văn minh nông canh, có xu hướng nội tại “cần ổn định, cần yên bình”, hình thành đặc chất văn hóa chiến lược yêu hòa bình không bành trướng.

“Truyền thống đại lục” khác rõ ràng với “truyền thống biển cả”

Hoàn cảnh địa lý là điều kiện vật chất khách quan mà một quốc gia và dân tộc dựa vào đó để sinh tồn và phát triển. Hoàn cảnh địa lý có tác dụng quan trọng đối với xu hướng chiến lược của một quốc gia và dân tộc. Nhìn chung, có hoàn cảnh địa lý như thế nào thì sẽ hình thành truyền thống văn hóa như thế.

Dân tộc Trung Hoa có truyền thống đại lục điển hình. Nền văn minh Hoa Hạ chủ yếu bắt nguồn tại lưu vực “Lưỡng Hà” của Đông Á, tức lưu vực Hoàng Hà và lưu vực Trường Giang. Lưu vực Lưỡng Hà rộng rãi, màu mỡ và trù phú tạo ra một không gian đầy đủ để dân tộc Trung Hoa kinh doanh và phát triển; khai thác và bảo vệ mảnh đất trù phú giàu có này là lợi ích cốt lõi của dân tộc Trung Hoa; ngăn chặn và đánh lui “mối đe dọa phương Bắc” đến từ các dân tộc du mục là nhiệm vụ quốc phòng lâu dài của dân tộc Trung Hoa. Từ sau năm 1840, các cuộc tấn công đến từ trên biển trở thành mối đe dọa chủ yếu mà dân tộc Trung Hoa phải hứng chịu. Hồi đó cuộc quyết đấu giữa quyền lục địa (lục quyền) của Trung Quốc và quyền trên biển (hải quyền) của phương Tây là nhằm mục đích giữ gìn sự nguyên vẹn quyền lục địa của Trung Quốc, chứ không phải là tranh chấp quyền trên biển với phương Tây. Trước sau, chủ quyền của Trung Quốc chưa đột phá phạm vi quyền lục địa. Bởi vậy, văn hóa chiến lược Trung Quốc trước sau vẫn là loại văn hóa bảo vệ quyền lục địa kiểu phòng ngự chứ không phải là loại văn hóa tranh giành quyền trên biển kiểu tấn công. Điều đó quyền định tính khu vực, tính quyền lục địa và tính hướng nội của tính cách quốc gia Trung Quốc.

Văn minh phương Tây có đặc trưng biển rõ nét. Hoàn cảnh địa lý sinh ra nền văn minh phương Tây là “Vùng ba biển”, tức Địa Trung Hải và biển Adriatic[21], biển Aegean[22] nối liền với nó. Địa Trung Hải là đầu nguồn và cái nôi của văn minh phương Tây. Việc mở mang về sau này của văn minh phương Tây từ Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan đến Anh Quốc cũng tiến hành theo tuyến bờ biển phía Tây đại lục châu Âu. Cho nên văn minh phương Tây có dã tính của cạnh tranh quyền trên biển, tựa như biển cả thì sóng dữ hơn sông lớn.

[21] Biển Adriatic: vùng biển phân cách bán đảo Ý với bán đảo Balkan (gồm Croatia, Slovenia, Bosna và Hercegovina, Montenegro và Albania).

[22] Biển Aegean: vùng biển nằm giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.

Phương Tây mải “cạnh tranh giữa các quốc gia”, Trung Quốc mệt mỏi vì đối phó “sự hưng thịnh và suy vong của các vương triều”

Các quốc gia dân tộc phương Tây hình thành muộn hơn Trung Quốc rất nhiều. Nền văn minh phương Tây được phát triển trong một thế giới chia rẽ và phân tán cao độ. Sự cạnh tranh, xung đột và đối kháng giữa các nước phương Tây kéo dài bỏ phí một thời gian rất lâu. Trên đại lục châu Âu thì có cuộc “Chiến tranh 30 năm” lôi kéo toàn bộ châu Âu vào đó. Nếu nói văn hóa chiến lược phương Tây được triển khai và tiến hành xung quanh sự “đối kháng và cạnh tranh giữa các quốc gia”, từ đầu đến cuối có tính đối ngoại mạnh mẽ, thế thì văn hóa chiến lược Trung Quốc được triển khai và tiến hành xung quanh sự “hưng thịnh và suy thoái của đế quốc” và sự “thay đổi triều đại”, có tính hướng nội mạnh mẽ.

Nhìn bao quát lịch sử Trung Quốc có thể thấy sự “nội tranh” xảy ra trong các triều đại Trung Quốc vượt xa sự cạnh tranh, chiến tranh với bên ngoài. Nội tranh ở Trung Quốc trước hết biểu hiện ở sự tranh giành quyền lực, tranh giành địa vị chính thống nội bộ giai cấp thống trị; thứ hai, biểu hiện ở chiến tranh giữa giai cấp thống trị với giai cấp lao động rộng rãi. Xét về số lượng và quy mô, các cuộc khởi nghĩa của nông dân Trung Quốc xếp vào loại nhất thế giới. Trung Quốc thực hiện “đại thống nhất” từ rất sớm, nhưng sự đối phó với nguy cơ nội bộ, giải quyết mâu thuẫn nội bộ, làm tốt việc cân bằng và chỉnh hợp nội bộ, từ đầu đến cuối đều có liên quan tới vấn đề cơ bản là sự hưng thịnh hoặc suy tàn của các vương triều và sự thực hiện thay đổi chính quyền; đặc trưng chủ yếu của tư duy chiến lược ở đây là “nhìn vào bên trong”. Học giả Mỹ Wallerstein tác giả của “Hệ thống thế giới hiện đại” cho rằng nền văn minh Trung Quốc đi con đường “bành trướng nội bộ”, là một con đường phát triển kiểu nội hàm; xưa nay Trung Quốc chưa từng có một vương triều coi bành trướng ra bên ngoài là quốc sách cơ bản của mình.

Thách thức chủ yếu đối với các quốc gia phương Tây thì đến từ thế giới bên ngoài cạnh tranh kịch liệt với nhau; vấn đề căn bản họ cần giải quyết là qua chiến tranh và bành trướng đối ngoại, đánh bại đối thủ cạnh tranh để tìm lấy sự sống còn và phát triển. Cho nên đặc trưng nổi bật của tư duy chiến lược phương Tây là “nhìn ra ngoài”. Thí dụ Tổng thống thứ 15 nước Mỹ là James Buchanan từng tuyên bố: “Phép sinh tồn của quốc gia chúng ta là bành trướng; cho dù chúng ta muốn đi ngược lại cũng không thể được”.

Sự khác nhau giữa Trung Quốc với phương Tây về phương hướng cai trị đất nước, ảnh hưởng khác nhau đối với tính cách quốc gia và dân tộc, đây là một nhân tố quan trọng không thể coi nhẹ.

Theo đuổi “thẳng cong phải trái” hay là tôn sùng “lực lượng lợi ích”: sự đối lập về giá trị quan

Tính cách dân tộc là biểu hiện tập trung của văn hóa chiến lược dân tộc, là thể hiện tập trung của giá trị quan cốt lõi của dân tộc. Hình thái ý thức chính của Trung Quốc lấy tư tưởng Nho giáo làm chủ đạo là một hệ thống giá trị lấy đạo đức, đạo nghĩa làm trung tâm. Đặc trưng quan trọng của văn hóa chiến lược và giá trị quan Trung Quốc là có quan niệm “thiện ác”, “đúng sai” rất mãnh liệt: coi trọng cao độ sức mạnh của “đạo nghĩa”, nhấn mạnh “Kẻ có đạo nghĩa thì được nhiều người ủng hộ, kẻ vô đạo ít người ủng hộ”[23], “Kẻ hay làm điều bất nghĩa ắt sẽ tự vấp ngã”[24]; về mặt quân sự thì kiên trì “Làm mọi việc đều có lý do chính đáng”[25], coi trọng “Quân đội chiến đấu vì sự nghiệp chính nghĩa” [26] và “Chiến tranh vì chính nghĩa”[27].

Khác với văn hóa chiến lược của Trung Quốc theo đuổi “Chủ nghĩa đạo nghĩa”, văn hóa chiến lược của phương Tây tuân theo nguyên tắc “Chủ nghĩa công lợi”[28]. Trong quan hệ giữa các quốc gia, nền ngoại giao “chủ nghĩa hiện thực” của phương Tây lấy việc theo đuổi quyền lực và lợi ích làm mục tiêu, lấy cường quyền và sức mạnh làm thủ đoạn, chú trọng cân nhắc lợi ích và lợi hại, chứ không phải là phán đoán đạo đức và đạo nghĩa. Trong quá trình trỗi dậy, thế giới phương Tây tuân theo logic giới tự nhiên “Mọi sinh vật đều cạnh tranh với nhau, đó là sự lựa chọn của thiên nhiên; kẻ thích nghi thì sẽ sống còn” của học thuyết Darwin-xã-hội[29], theo logic “luật rừng”, theo phép tắc của giới động vật là “cá lớn nuốt cá bé”; tôn sùng cường quyền và vũ lực, ưa chiến tranh và chinh phục. Bismarck nói: “Nếu kẻ mạnh áp chế kẻ yếu thì đó chỉ là một quy luật cạnh tranh sinh tồn không thể chê vào đâu được”.

Thế giới phương Tây trường kỳ tôn sùng nguyên tắc “lợi ích cao hơn tất cả”; Trung Quốc từ xưa tới nay kiên trì nguyên tắc “đạo nghĩa cao hơn tất cả”, điều đó hình thành sự khác biệt căn bản giữa phương Đông với phương Tây trên vấn đề văn hóa chiến lược và giá trị quan chủ yếu; đây là nhân tố văn hóa hình thành tính cách Trung Quốc.

Tính cách Trung Quốc trọng đạo nghĩa; địa vị và tác dụng quan trọng của đạo nghĩa trong văn hóa chiến lược Trung Quốc cũng quyết định sự phán xét và suy nghĩ về đạo nghĩa, trở thành nhân tố quan trọng trong chính sách chiến lược của Trung Quốc. Trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, trên mặt quyết sách chiến lược Mỹ từng phán đoán sai lầm về hành động của Trung Quốc, việc này có nhiều nguyên nhân, nhưng có liên quan lớn tới vấn đề Mỹ đánh giá thấp phần nhân tố đạo nghĩa trong quyết sách chiến lược quân sự của Trung Quốc.

[23] Nguyên văn chữ Hán: Đắc đạo đa trợ, thất đạo quả trợ Một câu trong sách Mạnh Tử - Công Tôn Sửu hạ: Kẻ có đạo nghĩa thì được nhiều người ủng hộ, kẻ vô đạo ít người ủng hộ.

[24] Nguyên văn chữ Hán: Đa hành bất nghĩa tất tự tệ (Kẻ hay làm điều bất nghĩa ắt sẽ tự vấp ngã).

[25] Nguyên văn chữ Hán: Sư xuất hữu danh (Làm mọi việc đều có lý do chính đáng).

[26] Nguyên văn chữ Hán: Nghĩa binh (quân đội chiến đấu vì sự nghiệp chính nghĩa).

[27] Nguyên văn chữ Hán: Nghĩa chiến (chiến tranh vì chính nghĩa).

[28] Chủ nghĩa công lợi: quan điểm lấy công hiệu thực tế hoặc lợi ích làm tiêu chuẩn hành vi.

[29] Học thuyết Darwin-xã-hội: tức Social-Darwinist Ideology, lý thuyết cho rằng xã hội loài người tiến hoá thông qua quá trình đấu tranh sinh tồn, trong đó chủng tộc nào thông minh hơn, khoẻ mạnh hơn, thích nghi với môi trường tốt hơn sẽ là chủng tộc có quyền tồn tại; chủng tộc nào dốt nát, ốm yếu, kém thích nghi với môi trường sẽ bị đào thải.

VII. “Trung Quốc vương đạo” mãi mãi không đổi màu

“Trung Quốc vương đạo” là bản sắc nhà nước Trung Quốc. Khi Trung Quốc trở thành quốc gia lớn mạnh nhất thế giới thì bản sắc ấy cũng không thể thay đổi. Làm thế nào mới có thể mãi mãi giữ được bản sắc “Trung Quốc vương đạo”? Làm thế nào để tính cách Trung Hoa có sức hút tỏa khắp bốn phương có thể mãi mãi không xảy ra biến dị?

“Một vạn năm nữa chúng tôi cũng không xâm lược nước khác”

Ngày 30 tháng 1 năm 1962, Mao Trạch Đông nói tại hội nghị công tác trung ương mở rộng như sau: “Năm 1961 tôi có nói chuyện với Montgomery[30]..., ông ấy bảo: “50 năm nữa, các ngài sẽ giỏi lắm”. Ý của ông ấy là sau đây 50 năm chúng ta sẽ lớn mạnh, hơn nữa sẽ có thể “xâm lược” người ta; trong vòng 50 năm thì chưa được như thế. Năm 1960 khi đến Trung Quốc ông ấy đã nói cho tôi biết quan điểm ấy. Tôi nói: “Chúng tôi là người theo chủ nghĩa Mác - Lê, nhà nước chúng tôi là nhà nước xã hội chủ nghĩa chứ không phải nhà nước tư bản chủ nghĩa; bởi thế 100 năm, 1 vạn năm nữa chúng tôi cũng sẽ không xâm lược ai cả”.

[30] Bernard Montgomery, 1887-1976, nguyên soái lục quân Anh, nhà chỉ huy quân sự nổi tiếng của lực lượng Đồng minh, từng đánh bại quân Đức đóng tại châu Phi, tạo ra bước ngoặt trong Thế chiến II.

Trong bài nói quan trọng ngày 29 tháng 5 năm 1984, Đặng Tiểu Bình cũng chỉ rõ: “Trung Quốc hiện nay thuộc thế giới thứ ba, trong tương lai sẽ phát triển giàu mạnh lên nhưng vẫn thuộc thế giới thứ ba. Trung Quốc mãi mãi không xưng bá, mãi mãi không bắt nạt người khác”. Ngày 4 tháng 4 năm 1986, Đặng Tiểu Bình lại nói: “Nếu Trung Quốc 1 tỷ dân không kiên trì chính sách hòa bình, không chống chủ nghĩa bá quyền, hay là nếu theo đà phát triển kinh tế, Trung Quốc tự mình làm bá quyền, thế thì đó là một tai nạn với thế giới, cũng là sự tụt lùi của lịch sử. Trung Quốc 1 tỷ người kiên trì chủ nghĩa xã hội, kiên trì chính sách hòa bình, làm được hai điều ấy thì chúng ta đi đúng đường, thì sẽ có cống hiến tương đối lớn cho nhân loại”.

Mãi mãi không bắt nạt kẻ khác là lý tưởng Trung Quốc từng kiên định theo đuổi trong 100 năm tai họa Trung Quốc bị bắt nạt. Sinh thời Tôn Trung Sơn nhiều lần nói: “Dân tộc Trung Hoa sau khi phục hưng nhất thiết không thể học kiểu bá đạo của phương Tây đi khắp nơi chinh phạt trả thù mà nên ra sức giữ vương đạo phương Đông, chủ trì công lý và chính nghĩa của thế giới”. Sinh thời, Mao Trạch Đông từng tuyên bố với toàn thế giới là: Trung Quốc “không xưng bá”.

Mãi mãi không bắt nạt kẻ khác là lời cam kết trang trọng của Trung Quốc với thế giới tương lai, là quốc sách cơ bản mà Trung Quốc mãi mãi kiên trì.

Bênh vực kẻ yếu trên thế giới

Năm 1924, Tôn Trung Sơn viết trong bài “Chủ nghĩa Tam Dân”: “Ngày nay chúng ta khôi phục lại chủ nghĩa dân tộc mà Trung Quốc đã bị mất, dùng sức mạnh của 400 triệu dân để bênh vực kẻ yếu trên thế giới, điều ấy mới đáng coi là chức phận trời trao của 400 triệu dân ta”.

Tôn Trung Sơn cho rằng khi Trung Quốc tiến lên địa vị nhất thế giới, chẳng những chúng ta phải khôi phục địa vị dân tộc mà còn phải có trách nhiệm lớn đối với thế giới. Nếu Trung Quốc không thể gánh vác nổi trách nhiệm ấy thì Trung Quốc giàu mạnh lên sẽ là mối hại lớn đối với thế giới chứ không phải là có lợi lớn cho thế giới. Rốt cuộc Trung Quốc cần gánh vác trách nhiệm gì đối với thế giới? Nghĩa là chúng ta phải trước hết quyết định một chính sách, phải giúp kẻ yếu, cứu kẻ nguy khốn. Nếu nhân dân cả nước đều xác lập được chí nguyện như vậy thì dân tộc Trung Quốc mới có thể phát triển tiến lên. Nếu không xác lập được chí nguyện ấy thì dân tộc Trung Quốc sẽ không có hy vọng.

Hoan nghênh Mỹ cân bằng Trung Quốc

Ngày 27 tháng 10 năm 2009, Lý Quang Diệu đọc bài diễn văn “Trật tự thế giới sẽ tái cân bằng” tại buổi chiêu đãi kỷ niệm 25 năm thành lập “Hội đồng Thương mại Mỹ - Asean” ở Washington. Ngôn luận của bài diễn văn này đại diện điển hình cho “Thuyết cân bằng Trung Quốc” của cộng đồng quốc tế. Lý Quang Diệu cho rằng khi Trung Quốc trỗi dậy thành một cường quyền chóp bu, các quốc gia khác ở châu Á không thể địch nổi, nếu Mỹ không tích cực tham dự các công việc của châu Á - Thái Bình Dương và cân bằng sức mạnh kinh tế, quân sự của Trung Quốc, thì Mỹ sẽ mất địa vị lãnh đạo toàn cầu.

Cân bằng Trung Quốc như thế nào? Không ngoài ba loại cân bằng trên các ý nghĩa sau. Loại thứ nhất là cân bằng lấy “ngăn chặn” làm nội dung cốt lõi, thực chất của kiểu cân bằng này là ngăn chặn; kiểu cân bằng Trung Quốc trên ý nghĩa này tức là ngăn chặn Trung Quốc. Bởi vậy, dĩ nhiên phải kiên quyết ngăn cản. Loại thứ hai là cân bằng lấy “thích ứng” làm nội dung cốt lõi, tức phải căn cứ theo tỷ trọng mới của việc thay đổi lực lượng mà cấu trúc và hình thành bố cục hệ thống mới; kiểu cân bằng này cần được tích cực thúc đẩy. Loại thứ ba là cân bằng lấy “chế ngự” làm nội dung cốt lõi, tức là tiến hành chế ngự đối với một loại sức mạnh tăng trưởng nhanh chóng và sức mạnh chóp bu thế giới, sao cho nó không đến mức do mất sự giám sát và chế ước mà dẫn tới mất cân bằng nghiêm trọng sức mạnh và hành vi. Nên có thái độ hoan nghênh kiểu cân bằng trên ý nghĩa thứ ba này.

Nguyên nhân bên trong của việc hình thành chủ nghĩa bá quyền là việc thi hành chính sách nhà nước cường quyền bá đạo. Nguyên nhân bên ngoài của việc tồn tại chủ nghĩa bá quyền là thiếu sự chế ước hữu hiệu của ngoại lực. Sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, chủ nghĩa bá quyền Mỹ hết sức ngông cuồng đi khắp nơi vung gậy múa súng, chỉ vì Mỹ là siêu cường duy nhất không có sức mạnh nào ngăn trở chế ước nó.

Để xây dựng “Trung Quốc vương đạo”, giữ gìn tính cách Trung Quốc, đề phòng sau khi trở thành nhất thế giới, mạnh nhất thế giới rồi sẽ tiêm nhiễm thói xấu bá quyền kiểu Mỹ, muốn vậy phải dựa vào “đức trị”, dựa “tự khép mình vào khuôn khổ”, lại phải dựa “pháp chế”, dựa vào sự chế ngự và ngăn chặn của ngoại lực. Truyền thống “Trung Quốc vương đạo” mấy nghìn năm lịch sử chưa đủ để bảo đảm Trung Quốc sau khi nhảy lên đỉnh cao sức mạnh chóp bu thế giới thì nhất định sẽ là “Trung Quốc vương đạo”, thì nhất định sẽ không phát sinh sự biến dị tính cách quốc gia. Một nước Mỹ thiếu sự giám sát quốc tế và chế ngự quốc tế hữu hiệu đã đem lại cho thế giới tình trạng điên cuồng của chủ nghĩa bá quyền, khiến thế giới gặp tai họa, và cũng làm cho nước Mỹ suy tàn. Một thế giới mất cân bằng lực lượng thì khó có thể trở thành thế giới ổn định, hòa bình. Trung Quốc đi con đường mới trỗi dậy hòa bình không muốn trỗi dậy thành một “siêu cường” không chịu sự ràng buộc, tách ra khỏi sự chế ước của cộng đồng quốc tế. Thế giới hòa hợp mà Trung Quốc cần xây dựng trước hết là sự hòa hợp giữa Trung Quốc với thế giới, là cân bằng Trung Quốc với thế giới. Ngày 7 tháng 5 năm 1978, trong bài “Thực hiện bốn hiện đại hóa, mãi mãi không xưng bá”, Đặng Tiểu Bình có nói: “Trung Quốc mãi mãi không xưng bá. Giờ đây mọi người có thể hiểu tư tưởng này, vì Trung Quốc hiện nay còn rất nghèo, hoàn toàn là một nước thuộc thế giới thứ ba. Vấn đề là sau này khi chúng ta đã phát triển rồi thì có làm chủ nghĩa bá quyền hay không. Nếu khi ấy Trung Quốc vênh vang xưng vương xưng bá trên thế giới, hoa chân múa tay, như thế thì sẽ tự khai trừ ra khỏi “giới tịch” thế giới thứ ba, khẳng định sẽ không còn là nước xã hội chủ nghĩa nữa”.

Thế giới tương lai cần cân bằng lại Trung Quốc. Trung Quốc tương lai cũng cần một thế giới cân bằng. Trung Quốc hoan nghênh Mỹ cân bằng Trung Quốc trên ý nghĩa tích cực, Trung Quốc cũng hoan nghênh thế giới cân bằng Trung Quốc trên ý nghĩa tích cực.

Tóm lại, bảo đảm “Trung Quốc vương đạo” mãi mãi không đổi màu, xây dựng “Trung Quốc vương đạo” lớn mạnh nhất thế giới là phải xây dựng một đại cường quốc mãi mãi không bắt nạt kẻ khác, một đại cường quốc bênh vực kẻ yếu trên thế giới, thấy việc nghĩa thì hăng hái làm, một đại cường quốc có thể hữu hiệu ngăn chặn bá quyền lại có thể bị thế giới chế ước hữu hiệu.