Giấc mơ Trung Quốc - Chương 06 - Phần 01
Chương VI: KHÔNG ĐƯỢC CÓ ẢO TƯỞNG VỚI NƯỚC MỸ
Cần có hy vọng về nước Mỹ nhưng không được thoát ly thực tế. Cần có lý tưởng về mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ nhưng không được lý tưởng hóa. Tăng cường niềm tin chiến lược lẫn nhau là điều có ý nghĩa quan trọng đối với việc giữ gìn và phát triển mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ, song đồng thời với việc tăng cường “niềm tin chiến lược lẫn nhau” cũng phải đề phòng “ảo tưởng chiến lược”. Người Mỹ có “Giấc mơ Mỹ”, giấc mơ đó có hai hàm nghĩa: xét từ góc độ phấn đấu của cá thể công dân Mỹ thì “Giấc mơ Mỹ” là “Giấc mơ lập nghiệp” làm cho cá nhân công dân và gia đình họ vượt trội hơn người khác; xét từ mục tiêu phấn đấu của dân tộc và quốc gia Mỹ thì “Giấc mơ Mỹ” là “Giấc mơ lãnh tụ” xưng bá thế giới, chủ đạo thế giới. Nước Mỹ xưa nay chưa bao giờ giao động trong việc bảo vệ và giữ gìn địa vị quốc gia lãnh tụ thế giới; trong cuộc chơi bảo vệ địa vị lãnh tụ của mình, nước Mỹ chưa bao giờ nhún nhường. Vấn đề chủ yếu hàng đầu đối với Trung Quốc trong thế kỷ XXI là không được có ảo tưởng với nước Mỹ.
I. Ảo tưởng chiến lược chẳng khác gì tự sát
Ảo tưởng chiến lược là sai lầm dễ mắc nhất của nhà chính trị, cũng là thứ sai lầm mà nhà chính trị không được mắc phải nhất. Trong cuộc chơi giữa quốc gia quán quân với quốc gia quán quân tiềm tại, làm thế nào để quốc gia quán quân tiềm tại tránh được sự hướng dẫn sai lầm chiến lược đến từ quốc gia quán quân? Làm thế nào để tránh nảy sinh ảo tưởng chiến lược? Trên mặt này, trong cuộc chơi chiến lược với Đại Anh đế quốc, các lãnh tụ khai quốc của nước Mỹ đã thể hiện được trí tuệ lớn và sự tỉnh táo cao độ. Thế nhưng “chính sách xoa dịu”[1] của các nhà chính trị châu Âu thi hành trước Thế chiến II thì chẳng những mang lại tai họa cho nước mình mà còn cho cả thế giới. Tâm nguyện tốt đẹp Tôn Trung Sơn gửi gắm vào các nước Mỹ, Nhật, Nga chỉ nhận được sự tiếc nuối chiến lược.
[1] Chính sách xoa dịu: nguyên văn chữ Hán là Tuy tĩnh, tiếng Anh policy of appeasement, dùng để gọi chính sách của một số cường quốc hy sinh quyền lợi các nước nhỏ nhằm bảo vệ quyền lợi ích kỷ của mình. Ở đây nói về chính sách của Anh, Pháp hồi thập niên 30 vì sợ chiến tranh với Đức Quốc xã mà hy sinh lợi ích của các nước nhỏ, nhượng bộ vô nguyên tắc cho Đức Hitler tăng cường lực lượng vũ trang (là vi phạm Hòa ước Versailles), đưa quân Đức vào Rheinland và Áo, vùng Sudetenland của Tiệp Khắc rồi chiếm toàn bộ Tiệp Khắc, cuối cùng xâm lược Ba Lan. Điển hình nhất là Hiệp ước Munich do Thủ tướng các nước Đức, Anh, Ý, Pháp (Hitler, Chamberlain, Mussolini và Daladier) ký ngày 30 tháng 9 năm 1938. Chính sách xoa dịu Đức vẫn không tránh được việc Đức gây ra Thế chiến II, tấn công Anh, Pháp.
Lời răn của Adams
John Adams từng làm đại sứ Mỹ tại Anh nhiệm kỳ đầu tiên, về sau làm Tổng thống Mỹ thứ hai, năm 1816 ông đưa ra lời tiên đoán: “Nước Anh mãi mãi chẳng thể trở thành bạn của chúng ta, cho đến khi nào chúng ta trở thành chủ nhân của họ”. Tiên đoán của Adams đã có tác dụng như tiếng chuông cảnh báo nhắc nhở nước Mỹ không được có ảo tưởng đối với nước Anh - đề phòng nước Anh là điều không thể thiếu.
Trong hai cuộc đại chiến thế giới, Anh đều là bạn của Mỹ, nhưng cũng chỉ ở thời kỳ cuối chiến tranh mới trở thành bạn bè, bởi lẽ Anh cần được Mỹ cứu; dẫu rằng nước Mỹ hồi đó không phải là chủ nhân mà là ân nhân cứu mạng của Anh. Sau khi Thế chiến II chấm dứt, nước Mỹ đại ân nhân cứu mạng của Anh từ đó trở thành chủ nhân nước Anh, và Anh cũng từ đó trở thành người bạn trung thực và kiên định của nước Mỹ.
Ngày nay, nếu có người dựa theo tư duy của John Adams nhà chính trị lớn nước Mỹ năm xưa mà nói: “Nước Mỹ mãi mãi chẳng thể trở thành bạn của Trung Quốc, cho tới khi Trung Quốc trở thành chủ nhân nước Mỹ”. Thế thì khẳng định nói như vậy là không được, người Mỹ không chấp nhận, người Trung Quốc cũng không đồng ý. Bởi lẽ Trung Quốc không muốn có một chủ nhân, Trung Quốc cũng không muốn làm chủ nhân của người khác. Nhưng khi quốc lực tổng hợp, địa vị quốc gia và ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc vượt Mỹ thì khẳng định nước Mỹ sẽ là một người bạn rất chân thành của Trung Quốc. Mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ khi ấy sẽ tốt đẹp hơn bất cứ thời kỳ nào trong lịch sử.
Anh trở thành bạn của Mỹ sau khi Mỹ trở thành chủ nhân của nước Anh. Mỹ trở thành bạn của Trung Quốc sau khi Trung Quốc vượt Mỹ. Sự lớn mạnh và vượt trội của Mỹ so với Anh Quốc về cơ bản đã chuyển biến mối quan hệ Mỹ - Anh, biến nước Anh thành bạn tốt của nước Mỹ. Sự lớn mạnh và vượt trội của Trung Quốc so với Mỹ cũng sẽ về cơ bản chuyển biến mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ, nhờ thế Mỹ thực sự trở thành bạn đáng tin cậy, bạn lâu dài của Trung Quốc.
Lời tiên đoán của John Adams thể hiện sự tỉnh táo chiến lược và trí tuệ chiến lược kiểu Mỹ, có tác dụng nhắc nhở Trung Quốc ngày nay cần đề phòng ảo tưởng chiến lược.
Nỗi lo của Hitler
Trước Đại chiến Thế giới lần thứ II, phần lớn các nhà chính trị đương quyền ở phương Tây hồi ấy (trừ Louis Barthou của Pháp, Winston Churchill, Alfred Dull Cooper của Anh) đều chưa nhận thức rõ về bản chất của Hitler, họ vẫn ảo tưởng thông qua nhượng bộ có thể đổi lấy hòa bình, tin rằng nước Đức Quốc xã là phòng tuyến kiên cường ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản lan tràn sang phương Tây. Bởi vậy, họ bật đèn xanh cho mọi hành động của Hitler.
Khi xác định chính sách chấn chỉnh lực lượng vũ trang nước Đức, Hitler từng lo lắng nói với các tướng lĩnh của hắn: “Giờ phút xây dựng quân đội quốc phòng Đức là giờ phút nguy hiểm nhất. Lúc ấy sẽ thấy là nước Pháp có hay không có nhà chính trị. Nếu có, thì Pháp sẽ không cho chúng ta thời gian mà sẽ vồ lấy chúng ta”.
Đáng tiếc là bất kể tại nước Pháp hay nước Anh, thứ mà hai nước này thiếu nhất lại chính là các nhà chính trị có đầu óc chiến lược tỉnh táo. Nhưng tư tưởng của các nhà chính trị tỉnh táo lại chưa thể trở thành lực lượng chính và chủ đạo ý thức quyết sách, kết quả làm cho “trào lưu tư tưởng xoa dịu” và “chính sách xoa dịu” dần dần trở thành quốc sách cơ bản trong các quốc gia phương Tây hồi thập niên 30 thế kỷ XX. Hồi ấy các nhà chính trị châu Âu do chưa nhận thức đầy đủ về bản chất của chủ nghĩa phát xít nên đã rơi vào ảo tưởng chiến lược “xoa dịu có thể tránh được tai họa”, kết quả suýt nữa họ bị mất mạng.
Trong cộng đồng quốc tế hiện nay, hòa bình, phát triển, hợp tác là dòng chính của thời đại, nhưng vẫn tồn tại nguy hiểm của chủ nghĩa bá quyền, vì thế không được có ảo tưởng với chủ nghĩa bá quyền.
Ảo mộng của Tôn Trung Sơn
Nhằm thực hiện lý tưởng cách mạng kiến quốc, Tôn Trung Sơn từng ôm ấp ba giấc mộng lớn đối với Nhật, Mỹ, Nga:
“Giấc mơ Nhật Bản” - giữ gìn tình hữu nghị anh em, dìu dắt nhau, tạo dựng sự phồn vinh chung của Trung Quốc và Nhật.
“Giấc mơ Mỹ” - mong đợi tình hữu nghị thầy trò giữa Mỹ với Trung Quốc sẽ giúp gây dựng Trung Quốc thành một nước cộng hòa phương Đông kiểu Mỹ.
“Giấc mơ Nga” - coi Nga là thầy, chống lại thế lực chủ nghĩa tư bản phương Tây, thực hiện nguyện vọng tốt đẹp Trung Quốc hoàn toàn độc lập.
Rốt cuộc ba giấc mơ lớn ấy đều trở thành cõi huyền ảo. Bởi lẽ bất kể Nhật, Mỹ hay Nga, họ đều coi sự phục hưng Trung Quốc là mối đe dọa đối với họ, họ không muốn Trung Quốc lớn mạnh như họ. Thực ra trong lịch sử cận đại, các nhân vật tinh anh Trung Quốc không ngừng ôm ấp những ý nghĩ không tưởng và mong chờ không thiết thực đối với nước Mỹ, kể cả đảng Bảo Hoàng của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu lãnh đạo Trung Quốc đi lên con đường cải lương không đổ máu, nhưng ảo mộng về mặt này của Tôn Trung Sơn, một người chủ trương cách mạng không ngừng, là một điều đặc biệt đáng tiếc.
Trên vấn đề đối với sự trỗi dậy của nước lớn khác, bất kỳ nước lớn nào cũng không có tấm lòng rộng mở. Trong mối quan hệ quốc gia, nhất là quan hệ giữa các nước lớn, hầu như chưa có nước lớn nào mong muốn nước lớn khác cũng lớn mạnh như mình, càng chưa nói tới việc có nước lớn nào thích nhìn thấy nước lớn khác mạnh hơn mình.
Nếu nói rằng trong quan hệ người - người vẫn có kẻ hy vọng người khác hơn mình, thế thì trong mối quan hệ giữa các quốc gia, đặc biệt là các nước lớn, sẽ không có tâm nguyện mong kẻ khác hơn mình. Nước lớn hiện hữu quyết không để nước lớn khác trong mối quan hệ với mình lại xuất hiện hiện tượng “con hơn cha”. Bởi vậy, việc một nước lớn này muốn qua việc xây dựng tình hữu nghị anh em, thầy trò với một nước lớn khác để cùng lớn mạnh, thì đó chỉ là một loại ảo tưởng tốt đẹp. Kết quả cuối cùng người ta đã thấy ba quốc gia gây ra tai nạn lớn nhất và đe dọa lớn nhất đối với an ninh của Trung Quốc lại chính là Nhật, Nga và Mỹ. Thời kỳ đầu thế kỷ XX chủ yếu là đế quốc Nhật, thời kỳ sau chủ yếu là đế quốc Mỹ và đế quốc xã hội Liên Xô.
Ở thời đại Tôn Trung Sơn, Nhật, Nga, Mỹ không muốn Trung Quốc lớn mạnh. Trong thế kỷ XXI họ có muốn Trung Quốc lớn mạnh không? Họ có mong muốn Trung Quốc lớn mạnh hơn họ hay không?
Ngày 14 tháng 8 năm 1949, Mao Trạch Đông viết bài “Vứt bỏ ảo tưởng, chuẩn bị đấu tranh”, vạch rõ bản chất đế quốc trong chính sách đối với Trung Quốc của Mỹ, phê bình ảo tưởng đối với Mỹ của một số người. Mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ ngày nay cần tăng cường hợp tác, song phải kiên quyết “vứt bỏ” “ảo tưởng” đối với Mỹ, phải có sự “chuẩn bị”, “đấu tranh”.