04. Mẹ và kí ức tuổi thơ

Mẹ và kí ức tuổi thơ

(Đồng giải Ba tháng 2 đợt 1)

Gió lạnh và những cơn mưa chuyển mùa từ phương bắc tràn xuống báo hiệu mùa đông đã về, tôi lại nhớ mẹ với nỗi niềm nhói buốt. Trong căn phòng làm việc ấm cúng, quần áo lịch sự, chân đi giày tất mà tôi vẫn thấy lạnh, còn mẹ lúc này có lẽ đang cặm cụi ngoài đồng với bàn chân, bàn tay nẻ tứa máu.

Tôi nhớ như in mùa đông năm ấy tôi tám tuổi nghịch lửa để ngôi nhà bốc cháy. Tôi sợ hãi chui tọt vào chiếc chum trong bếp ngồi co ro, thỉnh thoảng tôi nhấp nhổm nhìn lên, mẹ tôi hốt hoảng, hô hoán làng xóm đến dập lửa. Ngọn lửa hừng hực bập bùng như muốn liếm vào người mẹ. Đôi chân mẹ tứa máu giẫm lên những vũng nước vung vãi trên nền sân đất. Khi đám cháy cuối cùng được dập tắt cũng là lúc mẹ chợt nghĩ đến tôi, mẹ hớt hải đi tìm và sợ tôi lẫn lộn trong đám cháy đổ nát. Bố phát hiện tôi trốn trong chiếc chum, ông giận dữ lôi tôi ra và vớ vội chiếc đòn gánh còn sót lại nằm chỏng chơ ngoài sân giếng hằm hằm vung lên.

- Mày đúng là thảm hoạ cho cái nhà này! Tiếng của bố giận dữ rít qua kẽ răng.

Sợ hãi nối tiếp sợ hãi, tôi nhắm mắt chờ chiếc đòn gánh của bố phạt lên người, nhưng mẹ đã xuất hiện hứng trọn chiếc đòn gánh ngang lưng. Khi tôi mở mắt ra thì mẹ đã ngã quỵ xuống đất.

- Trời ơi! Anh định giết con à?

Tiếng của mẹ yếu dần rồi ngất đi.

Tôi run rẩy ôm mẹ, các em tôi gào khóc, bố đứng trân trân nhìn mẹ rồi chuyển sang tôi gườm gườm, cái nhìn của bố làm tôi lạnh sống lưng. Vài phút sau, mẹ tôi tỉnh lại. Bố bỏ đi sang hàng xóm suốt chiều hôm ấy.

Tôi dìu mẹ vào trong bếp và vạch lưng áo mẹ lên, dấu đòn gánh in hằn trên lưng. Nhìn mẹ nằm trong đống rơm co ro, rên rỉ, tôi thấy ân hận với trò nghịch dại của mình. Vết bầm tím trên lưng mẹ tôi phải hàng tháng sau mới khỏi hẳn.

Đêm hôm đó, mẹ và bố gần như thức trắng để thu dọn những gì còn sót lại trong đống tro tàn. Chị em tôi nằm ổ rơm trong bếp ngủ. Ngày hôm sau tôi thấy bố mẹ và vài người hàng xóm đi chặt tre, gánh bùn, đánh tranh chuẩn bị làm căn nhà mới. Căn nhà hai gian mái lợp tranh, vách trát đất đã được dựng lên.

Từ khi nhà cháy, gia đình tôi đã nghèo lại càng nghèo hơn, bố mẹ tôi thường xuyên to tiếng với nhau, tất cả do thiếu thốn cái ăn cái mặc, mỗi lần như thế, ở trong một góc khuất nào đó tôi lại âm thầm khóc và tự trách mình.

Những ngày tháng đói khát vẫn hằn sâu trong kí ức tôi. Bữa ăn nào cũng vậy: Chỉ độc một món cháo rau má. Biết bao lần tôi chán ngấy cái mùi nồng nồng, hăng hắc… nhưng vẫn phải nhắm mắt húp hết bát cháo mẹ chia cho. Để có được bát cháo rau má cho các con, mẹ tôi phải làm việc quần quật cả ngày. Trong làng có ai thuê việc nặng, việc nhẹ mẹ đều nhận với mong muốn có thêm gạo cho chúng tôi. Tôi nhớ vào mùa rét tháng chạp năm ấy, mẹ đi cấy thuê quên cả bữa trưa, tôi mang cháo ra đồng cho mẹ, nhìn cánh đồng vắng hoe chỉ còn mỗi mẹ lom khom cấy thoăn thoắt, tôi giật thót mình khi phát hiện trên đôi tay mẹ lăn tăn vết máu lẫn vào bùn non.

- Mẹ ơi! Tay mẹ chảy máu kìa!

- Mặc kệ nó, bị nẻ đấy. Về mùa đông tay chân mẹ bị nứt máu như thế là bình thường.

Mẹ phớt lờ đôi bàn tay đang rỉ máu và thoăn thoắt bẻ, cắm từng khóm mạ xuống bùn như quên cả bữa trưa tôi mang cho mẹ.

Lần đầu tiên trong cuộc đời tôi nhận ra mình ghét mùa đông.

Nhà tuy nghèo, nhưng mẹ không bắt chúng tôi lao động nhiều như những đứa trẻ khác trong làng. Mẹ muốn đời chúng tôi sáng sủa hơn chứ không phải suốt ngày mò mẫm ở đầm, vũng để đào bới lươn chạch, mò cua, bắt cá, lam lũ với đồng ruộng, bùn đất như cha mẹ mà vẫn không đủ ăn, chính vì vậy, việc học của chúng tôi mẹ rất khuyến khích, đôi khi tôi còn bị mẹ đánh vì tội ham chơi quên học hành. Mẹ cho rằng những đồng tiền của bố và mẹ là máu và mồ hôi, chúng tôi phải biết quý trọng và đáp trả cho xứng đáng với những đồng tiền ấy. Mẹ luôn lấy thước đo kết quả học tập của chị em tôi để đánh giá công sức lao động của mình. Trong bốn chị em, mẹ đặt niềm tin, kì vọng vào tôi nhiều nhất (bởi thời đó, học lực của tôi vào loại nổi của trường). Niềm tin, sự kì vọng của mẹ sụp đổ khi tôi không đậu đại học năm thứ nhất. Tôi tưởng mình sẽ bị trách mắng thậm chí bị ăn đòn, nhưng không, tôi thấy mẹ đăm chiêu và thở dài nhiều hơn. Thương mẹ tần tảo sớm hôm, tôi quyết chí ôn thi năm nữa. Một năm ròng rã đèn sách, lo lắng và áp lực, tôi gầy rộc xanh xao; mẹ cũng hao gầy mòn mỏi bởi những lam lũ cực nhọc.

Tôi rời nhà ra Thủ đô học đại học, mang theo ước mơ thầm kín: Sau này sẽ kiếm thật nhiều tiền để xây một ngôi nhà tử tế cho bố mẹ đỡ vất vả mỗi khi mùa mưa về. Nhưng tôi không còn cơ hội để thực hiện ước mơ ấy, bởi ngôi nhà ba gian được xây bằng gạch từ những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi của bố và mẹ đã được xây lên trước khi tôi ra trường. Ngày hồi công thợ mẹ đã gọi điện cho tôi và bảo: “Bố mẹ cố làm nhà để bớt cho con một gánh nặng trong lòng”. Tôi đã òa khóc nức nở khi mẹ dứt lời, từ giây phút ấy tôi biết: Trên thế giới này mẹ là người thấu hiểu tôi nhất.

Một mùa đông nữa lại về, tôi lo lắng thương mẹ chút áo mong manh, chân trần đi giậm mạ. Mạ xanh tươi cũng run rẩy trước cái lạnh của mùa đông. Cơn gió nào vô tình len qua người mẹ cũng khiến tôi tê dại.

Thanh Hoá ngày 1 tháng 12 năm 2011

Nguyễn Thị Thúy

Địa chỉ: Ban Tuyên giáo Huyện ủy, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Email: giotnangtg@gmail.com