16. Người đã hồi sinh sự sống trong con (Hết)

Người đã hồi sinh sự sống trong con

(Giải Nhì tháng 3 đợt 2)

Chiều nay, chúng con đi thăm chị Diệu Thuần - tác giả của cuốn tự truyện Như hoa hướng dương. Ấy là một căn chung cư thuê gần trường con đang học. Dù nhà rộng rãi, hơi lạnh lẽo và sực mùi thuốc của chị, con vẫn cảm nhận được hơi ấm từ tình thương của người Mẹ. Con thấy Mẹ chị chăm sóc chị như Mẹ con chăm sóc con suốt từ tấm bé, khi con ở nhà, khi con ở viện... Cái giọng quê trầm ấm của xứ Nghệ khiến lòng con bâng khuâng. Chợt nhớ Mẹ con quê nhà…

Ngày ấy…

Chỉ hai mươi ngày chữa bệnh cho con tại bệnh viện Việt-Đức nhưng mẹ đã chuẩn bị tâm lí cho cả gia đình, cho chính bản thân con trong 13 năm trời.

Có lẽ, 5 năm đầu đời là khoảng thời gian con hạnh phúc nhất. Tuổi hồn nhiên tạm xa khi con phải đi viện thường xuyên. Con bị giun chui ống mật. Sau này, mẹ bảo đó là do một phần mẹ chăm sóc con chưa chu đáo, một phần là con không chịu giữ vệ sinh cho chính mình. Con vẫn cười hồn nhiên: “Thì lỗi là do con mà”.

Ngày ấy nhà mình nghèo lắm. Mẹ đưa con đi viện cách nhà mình chừng 7-8 km bằng chiếc xe đạp cũ. Những buổi trưa nắng, những ngày mưa gió. Có bữa, mẹ xót xa nhìn con xanh xao, trớ ra dịch mật ngay trước cửa phòng khám của bệnh viện huyện. Mỗi cơn đau, con khóc đến quặn lòng. Con quen với môi trường ở đó, quen bác sĩ đến mức những lần đi viện sau này, con chỉ cười trừ: “Chỉ là ở một thời gian tại ngôi nhà thứ hai thôi mà.”

Tuổi thơ con gắn liền với thuốc. Nước thuốc Nam mẹ sắc thay cho nước con uống hàng ngày. Con sợ uống thuốc đến nỗi nhiều lần, con giấu Mẹ đổ thuốc đi. Nước thuốc sắc lâu. Lá thuốc xao khô bị mốc. Con mừng thầm. Mẹ buồn. Thuốc bột màu đen, không có vị gì cả, bị mốc, mẹ bảo: “Thôi, đừng uống nữa, con đem bỏ đi”. Lòng mẹ nặng trĩu. Con cứ hồn nhiên vui vẻ vì chẳng phải uống thuốc nữa.

Con chẳng nghe lời mẹ nên bệnh con mỗi ngày một nặng. Hè lớp 11, con đón hè ở viện Việt-Đức. Mẹ bảo phải phẫu thuật ngay, năm sau con còn thi đại học nữa. Mẹ chạy ngược xuôi, làm giấy chuyển viện cho con.

Một chiều muộn Hà Nội, hai mẹ con chính thức bắt đầu chuỗi ngày ở viện. Trưa hôm sau, con sợ hãi khi mẹ để con ở lại, về nhà đem quần áo lên cho con thay. Bác sĩ gọi con vào và cho biết những nguy hiểm gặp phải nếu ca phẫu thuật chẳng thành. Con đã khóc rất nhiều. Mẹ đã chẳng bao giờ biết điều ấy. Con muốn trước mặt mẹ, con là một đứa con gái mạnh mẽ.

Sáng hôm sau, con cùng mẹ đến phòng phẫu thuật. Nhìn thấy kim tiêm và thuốc gây mê, con lặng người, từ từ đi vào cơn mê man. Chốc sau, con đã thấy mình ở trong căn phòng lạnh và chẳng có cảm giác mình vừa trải qua một cơn phẫu thuật. Sự thực, CON ĐÃ KHÔNG ĐƯỢC PHẪU THUẬT. Ca khó, con phải chuyển lên khoa cao hơn.

Lên tầng 5, mẹ bắt đầu những ngày vất vả hơn. Mọi sinh hoạt của con đều diễn ra trên giường bệnh. Nhiều buổi trưa, mẹ ngồi tựa vào tường, ngủ thiếp đi vì quá mệt. Buổi tối, con kêu nóng, nhiều đêm, con chẳng ngủ được, phụng phịu, gắt với mẹ. Con lay mẹ dậy: “Mẹ ơi, con nóng”. Mẹ quạt cho con tròn giấc rồi mới ngủ.

Con vẫn nhớ, chiều đầu tiên, con ngại ngùng, chẳng chịu thay quần áo trong phòng. Mẹ đưa con vào nhà tắm. Con dính lạnh và ốm thêm. Ven sưng tấy, con kêu đau. Chiều hôm sau, con đau bụng, mẹ gọi bác sĩ đến. Họ tiêm thuốc gì lạ lắm. Chốc sau, mẹ thấy mặt con tái đi. Mẹ gọi bác sĩ. Bố con hốt hoảng, ở quê mà lo con ở Hà Nội. Bố mới lên hôm qua, hôm nay nghe con phải cấp cứu, bố lại vội vã từ quê lên chăm con. Con qua phòng cấp cứu, thở oxy 2 giờ đồng hồ mới được về phòng. Những hôm sau, đỡ hơn chút, mẹ cho con ăn cháo, cho con uống sữa. Mẹ dạy con tập đi mỗi chiều, dọc hành lang như một đứa trẻ. Những bước đi đầu tiên, khó nhọc bởi những ống dịch chằng chịt trên người. Mẹ động viên con cố gắng hơn.

Con lại được sống những ngày tuổi thơ của một đứa trẻ thêm một lần nữa. Mẹ dìu con tập đi, mẹ đút cháo, mẹ giúp con vệ sinh cá nhân, ngay trên giường bệnh. Từ nơi ấy, sự sống đã HỒI SINH trong con.

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com – gác nhỏ cho người yêu sách.]

Ngày con ra viện, vẫn còn ống kehr chứa dịch mật. Lủng lẳng, con khó chịu. Con chỉ ăn được đồ mềm như cháo thịt, cháo rau… Hàng tuần, mẹ đưa con lên viện kiểm tra. Một tháng sau, con được rút ống kehr.

Quãng thời gian học tập trên lớp, ôn thi ngày sau đó thật vất vả. Con, mặt xanh xao, đi học thêm văn. Cô giáo khuyên con nên để năm sau ôn thi đại học. Con quyết tâm không bỏ dở giữa chừng và đã không phụ công bố mẹ. Giờ đây, con đã là sinh viên năm hai. Sau này, con muốn là một nhà báo để viết về những tấm gương nghị lực vươn lên.

Mẹ đã làm tất cả vì con. Mẹ dậy sớm, chuẩn bị cơm cặp lồng cho con suốt những năm học cấp 2, cấp 3. Con hối hận vì đã có những lúc con chê cơm nguội, lạnh, chảy nước và bỏ ăn hoặc đổ đi. Biết bao người còn chẳng có cơm ăn. Mẹ đưa đón con chừng ấy năm con đi học, ngày nắng cũng như ngày mưa. Mẹ dậy sớm lên Sơn Tây - cách nhà mình chừng 20 km để lấy thuốc lá cho con.

Hôm nay…

Radio bầu bạn với mẹ, con phụng phịu vì nó làm con không tập trung học được. Mẹ buồn, chìm sâu vào giấc ngủ trong tiếng radio.

Sáng nay, bữa sáng, con tráng một quả trứng, phụng phịu: “Một quả trứng sao đủ cho hai người ăn hả mẹ?”.

Mẹ bảo: “Cứ ăn đi”. Mẹ ăn cơm với chút nước mắm. Một bát cơm, mẹ đứng dậy. Trứng mẹ vẫn dành cho con nguyên một quả. Nhà chỉ còn hai quả trứng, mẹ không ăn, để dành một quả cho bữa sau. Con lặng đi…

Mẹ ơi, con xin lỗi Mẹ. Cảm ơn Người đã Hồi sinh sự sống trong con. Con sẽ cố gắng để chẳng bỏ phí cơ hội ấy nữa.

Phí Thị Thu Hằng

Lớp Truyền hình K31

Học viện Báo chí và tuyên truyền.

Thực hiện bởi

nhóm Biên tập viên Gác Sách

Du Ca – Mint

(Duyệt – Đăng)