Người Trung Quốc xấu xa - Chương 07

Người Tây tiến một bước, người Trung Quốc lui một bước

Về bản chất, tôn thờ tổ tiên là điều linh thiêng, nhưng giống tế bào dù có ưu việt đến mấy chăng nữa cũng có thể suy thoái thành khối ung thư chí mạng, có lúc điều linh thiêng cũng khó tránh khỏi bị sa sẩy biến thành xác ma. Việc tôn thờ tổ tiên vượt quá một bước là lộn xuống bậc thang, trở thành sự mê muội xác ma. Ngài Khổng Khâu là người đầu tiên tác thành sự kết duyên giữa chính trị và việc tôn thờ tiền bối, đó là “thác cổ cải chế” (cải cách theo tinh thần đề cao thời cổ - dịch giả), “Cổ” và “Tổ tiên” đã hợp thành một, trở thành tai họa đầu tiên, tai họa sớm nhất giáng xuống dân tộc Trung Hoa. Trong cuốn “Vết thương lòng trong vườn rau”, ngài Tôn Quan Hán đã tỏ ra rất khó hiểu điều này. Tóm lại là, người nước ngoài khi gặp một sự việc gì, đều nghĩ tiến một bước nữa ra sao, nhưng người Trung Quốc gặp chuyện, lại nghĩ lùi một bước như thế nào. Ô hô, “lui một bước” là triết học “minh triết bảo thân”, là sự thần phục quyền thế tuyệt đối của nhà Nho, thực ra, “lui một bước” chẳng qua là kết quả mà thôi.

Thời Khổng Tử, tư tưởng này đã vô cùng đậm đặc. Ðối với sự bất bình của xã hội, sự đen tối của chính thể, sự khổ ải của chúng dân, ngài cũng mang lòng xót thương sâu sắc, và từng có những giải pháp, nhưng giải pháp của ngài không phải sự cố gắng “nhìn ra phía trước”, không đưa ra một phương án có tính thời đại mới mẻ, mà là ra sức “nhìn về phía sau”, “nhìn về thời cổ”, “nhìn về tổ tiên”, “nhìn về xác ma”, ngắm Tam hoàng, ngắm Ngũ đế, ngắm Nghiêu Thuấn, ngắm Chu Văn Vương. Bản ý của ngài có lẽ chỉ muốn tô vẽ lên vẻ mặt của tổ tiên một bức họa cảnh sắc, để nhà cầm quyền noi gương. Nhưng ý niệm ấy đã bị thời gian pha loãng, và bị con giòi vại tương hiểu chệch đi. Do vậy, thứ “cổ” ấy như “chân Hồng Kông” (bệnh nước ăn chân - dịch giả) thành nấm thành mủ thối rữa, làm bất cứ việc gì, nếu không nắn bóp chân thối, coi như chưa gãi vào chỗ ngứa. Cứ phải bóp đến nhăn răng méo mồm, xuýt xoa thành tiếng, mới là có hiệu lực, mới thấy dễ chịu hết chỗ nói. Cái chết của ông bà ông vải lại tiến hóa thành xác ma, xác ma không những biết điều mưa khiển gió, rắc hạt đậu thành binh mã, trở thành đấng thông thái vạn năng. Hơn nữa còn trung dũng song toàn, học vấn, phẩm giá, đạo đức đều vượt bậc, cả đời không nhìn ngó đến phụ nữ, ngày ngày ngồi ngây như khúc gỗ, không dám nghĩ điều gì ngoài chữ “Ðạo” (hình như đã từng nghe con giòi nói, ngài Khổng Khâu khi chết thân thể vẫn trong trắng như trẻ con, thật là giữ mình như ngọc, có thể suy tôn là pháp giả của muôn đời.)

Hiện tượng đầu tiên của chứng mê muội xác ma là: “Thời xưa cái gì cũng có”. Phàm thứ gì thời hiện đại có, thời cổ đều đã có: bom nguyên tử có, tia bức xạ có, máy bay đại bác có, ô tô có, dân chủ có, chính trị cộng hòa có, chém giết có, tiêu chảy có, vệ tinh có, gà trống đẻ trứng có, tụt quần đánh rắm có, giày da com-lê có, điệu nhẩy cha cha cha có, Mi-ni-giuýp có, vân vân và vân vân, cứ biết là cái gì cũng “cổ dĩ hữu chi” (đã có từ thời xưa - dịch giả), chưa bao giờ là “không” cả. Chỉ cần anh ra một cái đề tài, loại giòi bọ này đều có thể viết một mớ điển cố về “có” từ thời cổ. Bởi “cái gì cũng có” đã ăn sâu vào tiềm thức, dân tộc Trung Hoa dần dà trở thành một dân tộc nông nổi và kiêu căng hão huyền. Tóm lại trò của các ngươi, ông bà tôi ngày xưa đã chơi chán, có gì mà nhắng cả lên? Thế là tự mình bê hòn đá tảng bịt lối đi của mình, rồi tự mình lại chui trong cảnh bồng lai, nhắm nghiền mắt mà mơ tưởng ra chán vạn tiên nương mỹ nữ - Nhắm mắt mà mơ tưởng gái đẹp, là một thứ “ý dâm”, nói như vậy còn là “triết học trực bát” (hai chữ trực và bát ghép thành chữ chân, ý là khéo mồm, xu thời - dịch giả), nếu nói thẳng nói thật thì, đúng cái kiểu mân mê ma cà rồng ấy là thủ dâm hẳn hoi, hao tổn nguyên khí lắm.

Hiện tượng thứ hai so với hiện tượng đầu tiên còn khiến người ta tức đến “nộ phát xung quan” (tức đến nỗi tóc dựng ngược, bật cả mũ - dịch giả), đó là “thời xưa cái gì cũng tốt”. Nếu chỉ là cái gì cũng “có” thì không lạ lắm, bắt buộc cái gì cũng “tốt” thì mới đủ tầm cỡ. Quan niệm méo mó ấy, ở thời kì Tần vương thống nhất Trung Quốc đã cực kì nặng nề, đại hoàng đế Doanh Chính bởi vậy mà nổi giận, cộng thêm bản tâu hớt của ngài tể tướng Lý Tư, nên bật ra ý nghĩ càn quét. Ô hô, không phải ngài Bách Dương đây vỗ tay tán thành đốt sách diệt Nho của vua Tần đâu, mà muốn nói quan niệm “thời xưa cái gì cũng tốt” cũng là “cổ dĩ hữu chi”, không phải lực lượng ganepho mới dấy lên. Hai nghìn năm nay, tính khí của con người như bị a-xit ăn mòn, chỉ cần mỗi ngày nhỏ xuống một giọt thôi, cũng có thể chọc thủng núi Himalaya, huống hồ đó là cả một luồng tư tưởng.

Gọi là “tốt”, có lẽ không phải chỉ đồ vật thuần túy, kể cả con giòi vĩ đại đến mấy đi nữa cũng biết ngượng nếu khen đôi hải xảo tốt hơn giày da, phóng lao tốt hơn bắn súng máy, cưỡi con la con bò tốt hơn ngồi máy bay. Cho nên thời cổ cái gì cũng tốt nhưng chỉ hạn chế trong bốn hạng mục (bốn hạng mục này đều là hạng mục cỡ lớn cả, đủ khiến người Trung Quốc sắp đứt hơi rồi), ấy là: “người tốt”, “việc tốt”, “sách tốt”, “tên tốt”.

Kể về “người tốt”, thì khỏi giới thiệu, câu thiền cửa miệng của mọi người là: “Nhân tâm bất cổ”, đúng là câu thiền cửa miệng, chỉ cần khẽ chạm vào thôi, câu thiền cửa miệng ấy như ăn phải khoai sống lập tức phóng uế, không qua khối óc, cũng chẳng qua trái tim. Tóm lại ngài ấy đã một mực khẳng định cổ nhân tốt đến đỉnh điểm, không bao giờ lừa ngài hại ngài cả, thậm chí ngược lại, khi ngài lừa ngài hại người xưa, người xưa còn phải cảm ơn ngài một cách đôn hậu dịu dàng. Nói đến người tốt ở thời xưa thì phải đong bằng đấu chở bằng xe, kể không hết, dùng không cạn. Người mà ngài Khổng Khâu kính phục đến sát đất, chắc không thể hơn được Ðường Nghiêu đế, kể cả nguyên thủ quốc gia ông ta cũng không làm, mà đem cả ngai báu nhường cho Diêu Trọng Hoa tiên sinh như nhường củ khoai nướng, Diêu tiên sinh cũng là đấng tốt nghiệp trường đại học Người tốt, sau khi làm bốn mươi tám năm vua, lại tung cái trò chơi ấy cho Di Văn Mệnh tiên sinh hứng. Dù như thế họ vẫn chưa ghê gớm, thực sự gớm ghê phải kể Hữu Do tiên sinh, hốt nghe thấy có người bảo ông làm vua, cứ như là nghe ai đó đọc “Tam tự kinh” vào lỗ tai “Làm cái mẹ...” vội vàng chạy đến bờ sông Amazôn rửa sạch màng nhĩ.

Quyền lực có chất độc đấy, người cầm quyền cầm mãi không tránh khỏi ngộ độc đâu. Ðế vương thời cổ, đại khái cũng na ná như Mao vương gia của đầm Nhật Nguyện (địa danh ở Ðài Loan - dịch giả), tộc trưởng của một bộ lạc, cho đến thời Hạ, ít nhiều cũng thiết lập được một số quy tắc, bắt đầu cảm thấy dễ chịu phần nào, nên sau khi ngài Tự Văn Mệnh vào quan tài thì con trai là Tự Khải không chịu rời quyền. Sự kiện đó khiến mặt mũi lũ giòi bọ kém hào quang, họ đành phải dùng đến chiến thuật lừa văn tự, nói lấy được là do dân chúng đòi đi theo ông ấy. Cha con Cơ Phát nổi dậy binh biến, thiêu sống vua n Trụ. Nếu theo nguyên tắc và lô-gích của lũ giòi bọ thì hành vi này đáng đẩy xuống mười tám tầng địa ngục cho ăn cứt Diêm vương. Khốn nỗi cổ nhân đều tốt cả, mà ngài Khổng Khâu lại trót trát vàng lên mặt hai cha con nhà ấy rồi, thì bắt buộc phải ỷ vào xảo thuật của chữ nghĩa thôi. Ngài Mạnh Kha nói rất văn nghệ rằng khi ngài chinh phạt phía đông thì tiểu dân ở phía tây lại trách móc: “Tại sao không đến đánh chúng tôi trước?” Khi Nam chinh thì thứ dân ở phía Bắc lại trách móc rằng: “Tại sao không đến đánh chúng tôi trước?”. Nghe thật sướng tai. Tóm lại cổ nhân khéo hết lời, thì cứ mặc cho họ khéo vào con mắt bão đi.

“Người” của thời xưa đã nói là rất tốt rồi, dĩ nhiên các “việc” của người xưa, như pháp lệnh quy định v.v., cũng phải tốt đến mức không biết nói thế nào, đụng cũng không được đụng. Nếu to gan lớn mật, muốn sửa đổi một chút, là như dí khẩu súng vào lỗ trôn lũ giòi bọ, sẽ nghe họ thét đến trời cũng phải long, đất cũng phải lở. Ngài Vương An Thạch là nhà chính trị kiêm nhà tư tưởng lỗi lạc, vương triều nhà Tống bấy giờ như bọc bằng giấy, nếu không có cuộc chỉnh đốn mạnh mẽ của ngài e rằng sớm đã bị đế quốc Tây Hạ tiêu diệt rồi, còn đâu đến lượt nước Kim đụng dao đụng súng? Ngài Vương An Thạch từng nói một câu đập thẳng vào lũ giòi vại tương rằng: “Thiên mệnh bất túc úy, tổ tông bất túc pháp” (mệnh trời không đủ khiến ta lo sợ, tổ tiên không đủ khiến ta lấy làm mực thước - dịch giả). Lũ giòi bọ mặt mày bị đập sưng tấy kia, căm ghét ngài đến tận xương tủy. (Có một điều xin dâng các ngài độc giả tham khảo, phàm là công kích ngài Vương An Thạch dữ dội nhất, hoặc bôi nhọ đời tư và nhân cách của ngài Vương An Thạch một cách nhơ nhuốc nhất, không cần phải điều tra, lão tôi đây dám đánh cược với quý ngài một đồng tiền, trăm phần trăm là con giòi cỡ bự). Rốt cuộc ngài họ Vương vẫn phải chịu thua cuộc, quả thật lũ giòi bọ nhiều vô kể, khó mà chống chọi nổi.

Trong lịch sử, “tổ tông gia pháp” trở thành cái bồ cào của Trư Bát Giới, đối với bất cứ cuộc cải cách nào, dùng bồ cào cuốc xuống là có thể cuốc phọt cả óc người ta ra. Bây giờ, trong lớp học đều là học trò ngồi nghe, thầy đứng giảng, nếu học trò quá nhiều, mà một ngày phải đứng đến năm sáu giờ liền, thì không khéo thành chân thối mất. Nhưng tư thục ngày xưa, lại là thầy ngồi giảng, trò đứng nghe. Ðó là quy củ của một nước có lễ nghĩa như ta thường khoe khoang, nhưng quy củ này khi đến hoàng cung - nơi tính người ít tính thú nhiều ấy là biến thành kiểu khác. Lại là kiểu hoàng đế ngồi cô đơn nghe, thầy đại thần đứng ngơ ngẩn nói. Ở triều Tống, ngài Hàn Duy từng đề nghị nên cho thầy ngồi giảng, lời đề nghị xem ra cũng không quá đáng lắm, nhưng ngờ đâu ngài Lưu Bân phần tử uống nước đái kia lập tức phản đối. Sau này, ngài Trình Di cũng đề nghị cho thầy thi thoảng được ngồi (ngài ấy tuy cũng là một con giòi, nhưng vì ích kỉ, nên cũng hiểu được chốc lát), ầm ĩ được một thôi, mông vẫn không có chỗ để. Tóm lại trò chơi này là gia pháp tổ truyền, xin chớ có động vào.

Thí dụ đó chẳng qua như phát rắm mà thôi, chứ những thí dụ lớn hơn phát rắm còn nhiều vô khối, cuộc biến pháp cuối cùng của chính thể chuyên chế Trung Quốc - Bách nhật duy tân, cũng đã tan thây dưới bồ cào như thế đấy, tiếc thay! Chiếc bồ cào năm lưỡi ấy đã cuốc bừa lên dân tộc Trung Hoa, dễ đến hai nghìn năm trời, cuốc đến gân co máu chảy, không còn ra dạng người, chỉ có thở ra, chứ không biết hít vào nữa. Ðến tận ngày nay, lũ giòi vại tương và phần tử uống nước đái ấy vẫn kiên trì chủ trương tiếp tục cào loạn xạ, thấy có người hơi né sang một bên là họ lập tức gào váng lên: “Dao động quốc bản” (làm lung lay nền tảng nước nhà - dịch giả). Ô hô, nền tảng như thế, nếu không lung lay thì sợ rằng sức sống của dân tộc Trung Hoa ắt phải lung lay thôi.

Trích từ tập “Ðâm mạnh vào vại tương”

Bài học lớn nhất

Nền văn hóa dân tộc Trung Hoa có truyền thống năm nghìn năm, tất nhiên có mặt ưu tú của nó, mặt ưu tú này, bạn bè giới thiệu đã nhiều, nói thành lời viết thành sách, càng mênh mông bể sở, không cần tôi nhúng cái mồm vào nữa, giả sử tôi có nhúng mồm vào, cũng không tăng thêm được trọng lượng ưu tú của nó. Nhưng hiện nay, chúng ta đối mặt với cuộc biến thiên chưa từng thấy trong năm ngàn năm qua, một nền văn minh phương tây cực kì mới mẻ, chém ngang lưng vào thời đại, ngọt như lát cắt của lưỡi dao thái khoai.

Khu bảo lưu của thổ dân da đỏ và một số chòm xóm hoang tàn của họ rải rác khắp nước Mỹ khiến ta rùng mình lo sợ. Người da đỏ hầu hết sống trong vùng bảo lưu đó, cái gọi là khu bảo tồn thì chẳng cần phải đảo mắt, chỉ cần bấm ngón tay là có thể tính được ở đó trăm phần trăm là xóm vắng, nghèo khổ. Tuy không đến mức tấc cỏ không mọc, nhưng lương thực hoa mầu ở vùng đó thường không đủ ăn trong một năm. Gay go nhất là xa cách thành thị quá, tức là xa đường giao thông, xa trường học. Thực tình xa cũng chẳng sao, đi cố nữa là tới, nhưng vấn đề là họ nhất mực từ chối nền văn minh hiện đại - văn minh phương tây.

Bây giờ, họ còn có thể tạm bợ sống qua ngày, giống như cảnh tượng trong phim ảnh Mỹ, hai ba trăm năm trước. Ông tù trưởng của họ liệu có bao giờ nghĩ đến, bỗng một hôm (một hôm đó không phải không xảy ra), dân số nước Mỹ bỗng nhiên tăng vọt đến mười triệu - đừng nói mười triệu mà chết khiếp, chỉ tăng độ ba bốn triệu thôi. Việc đầu tiên, anh có dám đánh cược với tôi không, là sẽ đuổi người da đỏ ra khỏi vùng bảo tồn lên miền núi. Ở đó, đồi hoang vô tận, băng tuyết ngập lối. Kĩ nghệ mưu sinh ở vùng thảo nguyên của họ đã lỗi thời, không áp dụng được, rồi đói rồi chết. Còn đất đai ở vùng bảo tồn dù có cằn cỗi, nhưng nhờ kĩ thuật khoa học hiện đại, làm thuỷ lợi, chăm bón, đều có thể thành ruộng đồng màu mỡ. Trước mắt, chính phủ Mỹ còn chưa đả động đến, nhưng đến lúc đó thì rất cần đả động, chính phủ Mỹ quyết không thể cho phép người da đỏ chiếm mãi nhà cầu mà không đi ỉa, phí hoài miếng đất kia. Ấy là nghĩ xa, nghĩ xa là vì lo gần. Như trên đã nói, sự lo gần là sự duy trì văn hóa truyền thống vừa bảo thủ vừa bế tắc của họ. Thí dụ này nhé, cho đến ngày nay, họ vẫn không tuân theo luật pháp, cũng không tin vào luật pháp, vẫn tiếp diễn tập tục chém giết nhau mấy nghìn năm nay, bộ lạc này với bộ lạc nọ hận thù như biển cả, không thể kể hết. Khi chính phủ Mỹ can thiệp, ông tù trưởng nói: “Ðó là việc riêng của chúng tôi.” Ðược rồi, sẽ lắng nghe, sẽ tôn trọng, miễn là đừng ảnh hưởng đến an ninh của người da trắng, các người cứ giết nhau đi, giết bằng sạch đi cũng chẳng can hệ gì, người da trắng rất hài lòng với kết quả đào thải tự nhiên như thế.

...

Tại sao người da đỏ bài xích văn minh phương Tây hiện đại? Có người nói họ vẫn căm giận tội ác của người da trắng, có người nói do tính dân tộc trì trệ bẩm sinh, cơ thể thiếu tế bào tiếp thu quan niệm mới sự việc mới. Tôi cho cả hai nguyên nhân đều kì lạ, vì hận thù mà từ chối tiếp nhận báu vật chiến thắng của kẻ địch, là ngu như lợn, vì bẩm sinh mà thiếu tế bào phấn đấu vươn lên, tình cảnh thật đáng thương. Nhưng có một vết thương chí tử mà ta dễ nhận thấy: do nguyên nhân sinh lý, người da đỏ nghiện rượu còn hơn trăm lần đồng bào miền núi ở Ðài Loan. Trong cuốn tự truyện, ông Forankerin viết: “Chính rượu đã hủy diệt người da đỏ, nhưng họ thà chết còn hơn không có rượu.” Ngài Bách Dương không đủ tư cách để đi sâu vào phân tích, chỉ nói rõ thêm, bất kể nguyên nhân nào, đều cho ra một loại quả.

Lão già tôi khi ở lâu đài cổ Montema, thấy một đất bãi của người da đỏ bỏ hoang và những sọt thúng họ bện bằng cỏ dại. Thành phẩm của ngày hôm nay - sáu trăm năm sau, và thành phẩm của ngày hôm qua - sáu trăm năm trước, về mầu sắc đường nét, không tài nào phân biệt nổi. Tự nhiên lão nước mắt giàn giụa, tựa hồ nhìn thấy âm khí bốn bề, mây đen che phủ, mơ mơ màng màng của tháng sắp tận, ngày sắp cùng, một màn bi kịch tầm cỡ của tương lai, đang tiến đến gần trong không gian chết chóc này đây. Có thể hàng ngàn năm, có thể chỉ vài trăm năm nữa, ngày mà họ bị đuổi ra khỏi khu vực bảo lưu, cũng sẽ là ngày tận số của dân tộc cổ xưa này. Ðến thượng đế cũng không cứu nổi, trừ phi ban cho họ linh tính để hấp thụ văn hóa hiện đại. Nhưng cho đến giờ đây, thượng đế vẫn chưa ban cho, ngược lại, tựa như trong quyển Kinh thánh viết, quyết làm cho họ: “Không để lại một người nào, tất cả những ai còn thở thoi thóp, đem giết hết.”

Ðọc đến đây, hẳn các ngài độc giả đến là kinh hãi: “Lão già này, chắc ba ngày nay không soi gương, nên cứ tưởng mình mọc cả ba đầu sáu tay, thành nhà tiên tri cơ đấy.” Tôi chẳng muốn làm nhà tiên tri đâu, mà chỉ nghĩ đến đồng bào ở Trung Quốc, không cầm được nước mắt cá sấu, thương hại giống nòi mà thôi. Hai dân tộc lớn Trung Hoa và Anhđiêng, tuy rằng có nhiều điểm không giống nhau, nhưng cũng nhiều điểm rất giống nhau. Nhất là cả hai đều nặng về thờ cổ, thờ tổ, đó là một tình cảm khá lãng mạn, muôn màu muôn vẻ, khiến người ta dễ xúc động. Cũng do vậy mà chúng ta khó lòng đối mặt với sự thật, dẫn đến đóng cửa từ chối hiện đại hóa, và ôm khư khư trong lòng hàng đống văn hóa truyền thống đã trở thành bệnh hoạn, còn gặm nhấm với vẻ sung sướng. Những điều tương tự như vậy, đều là bệnh trí mạng.

Văn minh truyền thống của các bạn da đỏ, ít đến thảm hại, nếu họ chịu tiếp thu văn minh phương Tây hiện đại, thì dễ như trở bàn tay, đằng nào thì trong nhà cũng trống không, chỉ cần khuân vào bộ sofa kiểu mới thì đã công đức vẹn toàn. Trong nhà của người Trung Quốc chất đầy ghế đẩu ngắn, ghế băng dài, ghế cao, ghế thấp, ghế to, ghế nhỏ, ghế mặt trơn, ghế mặt gai, nếu không dằn lòng quẳng chúng xuống hố phân, thì sôfa đời mới sẽ mãi mãi không vào được cửa.

Người Anhđiêng, dân tộc da đỏ đáng thương này là một tấm gương sống, giống loại bò lông ở vùng Tây Tạng, đầu cúi thấp, mắt lờ đờ, đi đung đưa, như không còn tự chủ, cặm cụi nhấc từng bước chân tới miền tuyệt chủng. Mỗi khi nghe thấy tiếng bước chân chán chường và tiếng thở phì phò nặng nhọc ngàn đời của chúng, trái tim muốn tan thành mảnh vụn. Có người bảo, ông sao cứ phải lo bò trắng răng, trong khi người Trung Quốc đông như kiến cỏ. Hừ, dưới sức ép của cuộc cạnh tranh sinh tồn và của vũ khí hạt nhân đang lan rộng, người đông thì nhằm nhè gì. Ðế quốc Inca cũng đông dân đấy chứ, nhưng giờ đây còn người nào nữa đâu. Có người nói người Trung Quốc thông minh như thế, đành rằng là thông minh, nhưng đem thông minh để chống lại sự phục thiện của mình, động một tí là phiên thiên ấn và cắn xé nhau trong ổ, thông minh rốt cụôc lại khổ vì thông minh.

Bây giờ phải nhanh chóng tỉnh ngộ, tự biết xấu hổ, hối cải sai lầm, mới có thể tránh khỏi đại họa, như người da đỏ đang bị đe dọa.

Trích từ tập “Giẫm phải đuôi của hắn”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay