Người Trung Quốc xấu xa - Chương 09

Nghĩ cho người khác

Chỉ một mực nghĩ cho bản thân mình, coi người khác như không tồn tại, hiện tượng đó ở Trung Quốc nhiều như lông con lừa. Nếu đối phương dám ngang nhiên chứng minh rằng hắn cũng tồn tại, hơn nữa lại có phẩm cách khác biệt nữa thì phiền phức lắm, nhỏ thì cãi vã, lớn thì đánh nhau, còn lớn hơn nữa, là tức thì một chiếc mũ chụp xuống, cho rằng anh việc bé xé ra to, cho rằng anh cà khịa gây gổ; không trách cứ anh là không chịu an phận thủ thường, thì trách anh không đôn hậu nhã nhặn, trách anh hay cáu kỉnh, hay mắng chửi lung tung. Mà vị nào hay cáu kỉnh hay chửi mắng lung tung, nhất nhất đều vào sổ sách hồ sơ, hậu quả thật khôn lường.

Ngài Bách Dương an cư trong gian nhà để ô-tô gần mười tháng nay, trên đầu toàn là các nhà phú quý, nên phía ngoài lan can tầng hai, chủ nhà dựng thêm giá sắt, đặt hàng dẫy chậu hoa. Nhìn chậu hoa vừa thích chí vừa vui mắt, đương nhiên khoái không thể tả. Khốn nỗi gia chủ ấy mỗi ngày phải tưới tắm hai lần, hơn nữa mỗi lần đều lâm ly chứa chan. Một hôm nắng chói gay gắt, Bách lão mua một bát đậu hoa (chè óc đậu - dịch giả), đang ngồi xổm trước cửa xì xụp khoái trá, bỗng mưa như trời đổ, đầu tóc ướt như trôi, nửa bát đậu hoa ăn dở bỗng thành bát đầy bự, bụng nghĩ: “Không biết thần thánh phương nao, thí trận mưa kiểu Tống Giang kịp thời đến thế.” Ngẩng đầu mới hay nguồn nước đến từ hoa cảnh, còn chủ nhà biến thành con rùa, rụt cổ không còn tông tích. Tôi định mắng cho hả hê, nhưng sợ bị đòn, lại không mắng nữa. Vẫn muốn lên gác tìm người lý sự, nhưng nghĩ, loại người như tôi không có nhãn mác, không phải đối thủ, lại đành thôi. Cho nên tôi mới tập luyện công phu, học môn nhảy tam cấp từ đó, chỉ cần thấy ông ta tay nâng vòi phun, xuất đầu lộ diện, thì tôi một phát nhảy vào, hoặc một phát nhảy ra, người không dính hột nước, thật là giỏi!

La liệt chậu cảnh dọc lan can, thành kì quan ở khu nhà tập thể, gặp đâu cũng thấy, có nhà còn tiền hậu giáp công, hàng hiên phần mông gian buồng cũng bầy la liệt một dẫy, quần áo phơi phóng nhà dưới chắc chắn gặp hạn không tránh nổi. Lại còn hết ngày dài lại đêm thâu, khung sắt han rỉ thế nào cũng đến ngày rơi xuống, bộ óc của ông bạn vàng nhà dưới làm sao mà không trổ hoa! Cứ cho là không rơi, nhưng giá sắt để lỗ hổng to vậy, ngộ nhỡ chỉ một hòn đá một hòn ngói vỡ thôi, rơi xuống thì hộp sọ nào chịu nổi. Nghĩ mãi mà không thông, thằng cha ở trên tầng kia, vì sao không nghĩ cho người ở dưới cùng? Kì quan nói trên cũng có đồng môn, là máy lạnh treo cao cao ở các nhà lầu. Ô hô, nhà lầu trông thật nguy nga, bẩy tầng này, tám tầng này, chín, mười, mười một, mười hai, mười ba, mười bốn tầng này, cao, đẹp, văn vẻ, đường nét, hàng lối, hoàn chỉnh như cung điện ấy, nhưng mỗi cửa sổ lại nhô ra một cục đen đen như cỗ quan tài nhỏ. Ðã to nhỏ không đều, kiểu dáng khác nhau, mỗi quan tài lại thò ra một ống dẫn nước giải, lắc la lắc lư, đung đưa theo làn gió. Hệt như một bà mệnh phụ cao sang, đĩnh đạc, nhưng mụn nhọt khắp người, cảm giác cái đẹp bị phá hủy toàn phần. Ðành rằng cái mà ta quan tâm không phải là cái đẹp, mà là ngộ nhỡ một hôm, cái giá đỡ của chiếc quan tài con lại giống như giá đỡ chậu cảnh, lão hóa rồi han gỉ, han gỉ rồi gãy gục, bỗng nhiên rồi lật đổ, lăn lộn rồi rơi xuống, rơi đúng quý thủ của người qua đường, thiết nghĩ, hiệu quả này so với trận mưa như trút ấy xem chừng lợi hại hơn nhiều. Một lần nữa ta nghĩ mãi vẫn không thông, các cụ giàu có kia, vì sao không nghĩ cho những người qua đường?

Sự đe dọa của chung cư, không chỉ là quan tài nhỏ và mưa nhân tạo của hậu thiên, cũng có cả nọc độc trong bào thai tiên thiên nữa. Ngài Bách Dương vì phải kiếm sống, mỗi ngày đều đi qua đoạn số bốn đường Trung Hiếu Ðông Ðài Bắc ít nhất là hai lần, mỗi khi giá lâm đến một vật khổng lồ có tên là: “Quốc Thái Bảo Thông Ðại Lâu” ấy, thì tim đập thình thịch. Tim đập không phải muốn dọn vào ở, tôi chưa bao giờ nghĩ như thế, cũng như tôi chưa bao giờ nghĩ đến dọn vào ở trong cung điện của Êlidabet Nhị thế bạn tôi. Tôi tim đập thình thịch là vì cửa sổ của nó. Trên những tòa lầu khác, cửa sổ là cánh lùa sang hai bên phải trái, chỉ có cửa sổ của “Quốc Thái Bảo Thông Ðại Lâu” là cánh mở ra phía trước thôi.

Phàm là cửa sổ cánh mở ra phía trước, lượng lưu thông của không khí, tất nhiên lớn gấp đôi cửa sổ cánh lùa sang hai bên, cụ chủ ở trong đó, có thể bởi thế mà sống thêm ba ngàn năm tuổi. Nhưng từ cái đó lại nảy ra một vấn đề. Hiện tượng cánh mở ra phía trước là, mỗi cửa sổ đều giống cổng nha môn - mở thành hình chữ bát, bản lề kim loại là trụ đỡ duy nhất, trụ đỡ có to mấy cũng không hơn cây sắt giá đỡ chậu cảnh và máy lạnh. Kể cả bằng thép đi nữa, thép cũng có ngày mọt gỉ... ừ thì bản lề của tao làm bằng kim cương, cứ cho là như thế. Nhưng khung cửa sổ, hèm cửa sổ không thể làm bằng kim cương chứ, bản lề không hỏng trước thì khung cửa, hèm cửa cũng phải hỏng trước. Khi hỏng rồi, rủi ro vẫn thuộc về các bạn qua đường. Nếu nó không rơi theo thế thẳng đứng, mà theo kiểu tiên nữ rắc hoa, rắc xuống đường cái, quý bạn ngồi trong ô-tô, cũng khó lòng thoát hiểm.

Chủ yếu nhất là, cường độ sức gió tỷ lệ tăng theo độ cao. Con số của tỷ lệ, ngài Bách Dương một lúc nghĩ chưa ra (cái đó không liên quan đến trí nhớ, nếu ai nợ tiền bạc, tôi nhớ rất rõ ràng), chỉ nhớ mang máng, tòa lầu Ðế Chế ở Niu Oóc. Nếu mặt đất gió cấp một, trên nóc là gió cấp tám, mà gió cấp tám có thể cuốn một người tung lên trời như cuốn một cọng rơm. Cho nên khách tham quan không thể không bắt chước trường mẫu giáo, “tay nhỏ xíu dắt tay xinh xinh”. Hoặc là bám chặt lan can, người nào yếu bóng vía còn lấy dây thừng buộc ngang bụng.

Tòa lầu Quốc Thái Bảo Thông ở Ðài Bắc tất nhiên không cao bằng tòa lầu Ðế Chế ở Niu Oóc, nhưng quy luật gia tăng của sức gió thì đâu cũng như nhau. Tòa lầu này mới xây xong, chực chạm trán với ông gió bão. Hơn nữa nếu có chống chế được một hai lần, Bách lão cũng không tin cái bản lề nhỏ xíu kia có thể cầm cự lâu dài với gió mạnh thổi suốt đêm ngày trên tầng cao, ngộ nhỡ một màn trình diễn pháo hoa nổ, thái độ người khác thế nào không biết, tôi thì tự nhủ thề không dám hứng. Lại vẫn cứ nghĩ mà không thông, các cụ công trình sư thiết kế ngày nào kia, vì sao không nghĩ cho những người ngoài khung cửa? Viết đến đây, cô cháu gái đem vào một tờ khai biểu mẫu, cho lão tôi điền vào. Tờ khai là tờ khai gì, không cần nói, cứ biết nhìn thấy tờ khai là nước mắt lưng tròng, chẳng biết vì sao. Nhưng khiến nước mắt người ta sầm sập đổ mưa ấy, là vị trí cho phép điền vào các mục trên tờ khai. Như mục “Nơi ở”, các ô trống bên “Ngõ”, “Phố”, “Ðường”, “Huyện”, “Thành”, “Tỉnh”, nhỏ đến mức... có thể nói là tổ chức kiểm tra thị lực. Cũng có ô trống rộng rãi một chút, chỗ để viết cũng to hơn, nhưng cũng chỉ to đến mức nhìn thấy bằng mắt thịt, nếu muốn điền chữ chen vào, e rằng phải sử dụng đến cây bút nhọn nhất thế giới, ngoài ra còn phải dùng thêm kính hiển vi nét nhất thế giới. Mục “Tên sách đã đọc” vừa hẹp lại vừa ngắn, điền vào ba cuốn sách mà tên sách chỉ hai chữ thôi cũng vã mồ hôi, người nào nếu từng đọc ba mươi cuốn sách, thì chỉ cần điền tờ khai là đủ khả năng mắc bệnh cận thị rồi. Càng nghĩ càng không thông, người nghĩ ra biểu mẫu kia, vì sao không nghĩ cho người điền mẫu biểu?

Những thứ đó đều là chuyện nhỏ, nhưng từ những chuyện nhỏ đó, có thể nhìn thấy ổ bệnh trong tâm lý. Nước tưới hoa hắt vào người anh, máy lạnh rơi vào đầu anh, cửa sổ đè nát anh, đến viết chữ cũng không xong, đấy là việc của anh. Nguyên chủ kia, sức mạnh tiền nhiều, thì cứ làm như thế đã sao. Khi chưa xảy chuyện, có gào lên cũng chẳng ăn thua, mà gào to có khi mang vạ. Khi chuyện đã xẩy ra rồi, thịt nát xương tan, quan phủ tấp nập, hội họp liên miên, hô hào truy cứu trách nhiệm, kết quả truy đi cứu lại, trừ người chết ra, chẳng ai có trách nhiệm cả. Ô hô, ổ bệnh này giống như trận mạc giày thối trước cửa nhà nhà, nhác qua cũng rõ, ích kỉ và tự ti quá, khiến đầu óc u mê, mắt cũng mù lòa...

Trích từ tập “Ra quân bài theo luật chơi”

Ðộng vật không biết cười

Còn nhớ vài năm trước, người ta rất ngạc nhiên về vẻ mặt lạnh lùng trên sân khấu của diễn viên múa dân tộc, người chủ trì giải thích: “Ðó là vở Cung nữ oán, dĩ nhiên vai cung nữ là phải mặt mày ủ rũ rồi.” Nhưng sau đó diễn đến vở Hỷ tương phùng, Vạn thọ vô cương vẫn ủ rũ mặt mày như xưa, không hiểu người chủ trì giải thích thế nào đây. Trước kia tôi đã từng nghĩ có lẽ người da vàng bẩm sinh là không biết cười, và không thích cười. Nhưng khi đến nước Nhật nhìn thấy người da vàng ở đó không những biết cười mà còn rất thích cười. Ngoài cô lái xe biết cười ra, nhìn các cô trực thang máy, làm việc đơn điệu như đứng trong quan tài ấy cũng biết cười thì tôi giật nảy mình. Nên quay lại tìm hiểu nguyên nhân tại sao nụ cười của người Trung Quốc hiếm hoi đến thế, có thể do hàng trăm năm chiến tranh liên miên, họ khóc quá nhiều. Theo định luật “tiến dùng thoái bỏ” (chọn lọc tự nhiên) trong sinh vật học, cộng thêm suốt ngày lo chạy gạo lo thiếu muối, đến nỗi không cười được nữa.

Người Trung Quốc thiếu vắng nụ cười, là mối đe dọa đối với ngành du lịch tham quan. Nhưng mối đe dọa lớn nhất lại là thái độ dân Trung Quốc cư xử trước mặt người lạ, ngài Bách Dương vì mưu sinh đã đi khắp các tỉnh, phát hiện ra ngoại trừ một nơi là Bắc Bình, hầu hết chỗ nào cũng “bắt nạt ma mới”.

Con người là loài động vật biết cười, nhưng ở Trung Quốc, cô y tá và cô lái xe lại là ngoại lệ, về điều này, mọi người đã gào thét mười mấy năm nay, nguyên nhân đại để là lãnh đạo của phòng quản lý xe công cộng và bệnh viện Ðài Bắc (Bệnh viện Ðài Bắc cũng rất hay) đang bận xoay phong bì, không còn thời gian để cải tiến, cho nên nó đông cứng lại, đến nay rất khó thay đổi. Tình hình này, nếu không ném tiền vào mặt các ả ấy, thì đến ông trời cũng không bảo được các ả nhe răng cửa.

Ngoài ra, bộ mặt các cô bán hàng, hình như cũng nên xếp vào nội dung cần cải tiến, khi anh bước vào cửa hàng, cứ như con mèo già xô vào ổ chuột nhắt, các con mắt ti hí nhìn anh đầy xoi mói, nếu anh cầm hàng lên xem thử, họ cân nhắc bộ dạng ăn mặc của anh trước tiên, sau rồi bảo: “Ðắt lắm đấy.” Anh mà hỏi: “Còn có loại tốt hơn không?”, bảo: “Còn đắt nữa.”

Tôi có anh bạn, học trường ngoại ngữ, đã vì mua một chiếc áo len giá năm trăm đồng ở tiệm ký gửi nhìn sang bảo tàng Trung Sơn Ðài Bắc, mà bị móc máy đến khổ. Ông chủ tiệm thò mắt nhìn vào phù hiệu được gắn trên cổ áo anh bạn một cách kĩ lưỡng, khinh khỉnh nói: “Anh tốt nghiệp trường ngoại ngữ, làm phiên dịch, một tháng kiếm giỏi lắm cũng không quá năm sáu trăm, theo tôi tiết kiệm vẫn hơn.” Nhưng kết quả lại khiến ông chủ tiệm bất ngờ, bạn tôi nghiễm nhiên bỏ tiền mua chiếc áo.

Nhưng khổ tâm nhất lại là, khi khách hàng xem xong vài thứ, không mua mà cáo lui, thì trên từ ông chủ, dưới đến nhân viên, không ai là không tức bực nhìn theo, mồm thì lẩm bẩm câu gì, mặt mũi như vừa bị con gà hiếp, chiềng hết cả ra. Thấy vậy có người nói: không sao đâu, họ mà gặp các Tây đại nhân thì, tươi tỉnh ngay đấy mà, không sao! Tuy biết rằng sau này ngành tham quan du lịch phát triển, Tây đại nhân như cá bơi qua sông, sẽ dần dần không hiếm hoi nữa, hơn nữa Tây đại nhân cũng có kẻ nghèo người hèn, lâu dần lâu dần, thói tật bẩm tính lại tái phát, khó tránh khỏi sẽ đến một ngày Tây, Ta đều bị như rứa hết.

Ở Trung Quốc, ngồi tắc xi không cần cho tiền thưởng, là việc duy nhất đáng quảng cáo rùm beng, nhưng chỉ vẻn vẹn một việc này, chẳng thể hấp dẫn được mấy du khách. Nên tìm cách triển khai cuộc “vận động không nói thách”, phàm người mua hàng ở đường Trung Hoa Ðài Bắc, chắc chắn đều có sự đồng cảm, đúng là nói thách đến tận mây xanh, giá trả sát đến đất mùn, có bị mắc lừa hay không là nhờ may rủi. Ngài Bách Dương ngày xưa còn phát hiện ra một định luật là: “Hãy mặc cả với giá anh không muốn mua, đảm bảo sẽ không bị hớ.” Nhưng kết quả lại không vậy, hôm kia đi mua một chiếc va-li, họ đòi ba trăm, tôi cho chỉ đáng giá một trăm năm mươi thôi, nhưng còn chê nó kiểu chưa đẹp lắm, bèn lớn tiếng trả: “Bảy chục.” Cứ tưởng rằng họ thà tự tử chứ không đời nào bán, ai ngờ họ còn lớn tiếng hơn tôi: “Thôi được rồi, cầm đi đi.” Ô hô, làm thế nào để người Trung Quốc mang thiện chí và sự thành khẩn cư xử với người lạ, không những chỉ là đạo của du lịch, còn là đạo làm người.

Trích từ tập “Lợn hay”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay