Người Trung Quốc xấu xa - Chương 14 (Hết)

Kì thị chủng tộc

Trên thế giới, chuyện thâm thù, kì thị chủng tộc giữa người da đen, da trắng, nay đã được khắc phục một cách tỉnh táo bằng tấm lòng rộng mở và ý nghĩa nhân quyền. Nhưng giờ này đây, người Trung Quốc vốn thông minh tuyệt đỉnh là vậy mà vẫn ngâm mình trong vại tương quan niệm địa vực hết sức cảm tính, chuyện chẳng đáng gì lại tính toán so đo, nghĩ mà thương cho số phận mong manh của mình.

Về căn bản, người Trung Quốc không đủ tư cách để phê phán, công kích sự kì thị chủng tộc của nước Mỹ. Hiện nay - thập niên tám mươi của thế kỉ hai mươi, nước Mỹ là một trong những quốc gia có tình trạng kì thị chủng tộc nhẹ nhất thế giới. Thử vòng quanh vũ trụ mà xem, nước lớn nước bé, nước mạnh nước yếu, hai chục cái bàn tay cũng đếm không xuể, e rằng chỉ còn mỗi nước Mỹ là vẫn còn tiếp nhận người Trung Quốc. Nếu không có nước Mỹ, thử hỏi những đồng bào mong di cư, muốn ra nước ngoài đến phát rồ phát dại ở đất mẹ Trung Quốc kia, còn chỗ nào để nương thân?

Ðây không muốn nói là người da trắng ở nước Mỹ thật sự trong ngoài như một, không có kì thị chủng tộc; cũng không hẳn muốn nói là họ không kì thị dân tộc Trung Quốc. Mà muốn nói rằng nếu so sánh kì thị chủng tộc của người Mỹ thì không những kì thị khu vực của người Trung Quốc ở mức thấp kém hơn - trong bất cứ quốc gia nào có nền văn minh phát triển, quan niệm khu vực ngày một bị triệt tiêu, thay thế bằng lợi ích của các chính đảng! Các vị có từng nghe nói người Virginia bài xích người Arizona (hai tiểu bang ở Mỹ - dịch giả)? Và từng nghe nói người đảo Honshu bài xích người đảo Shikoku (Hai hòn đảo ở Nhật - dịch giả)? Hơn nữa, kì thị chủng tộc của người Trung Quốc, so với kì thị chủng tộc của người Mỹ còn khủng khiếp hơn, bởi vì bản chất đã bị biến đổi. “Viêm Hoàng tử tôn” (con cháu dòng dõi Viêm đế, Hoàng đế - dịch giả) cộng với “Ðại Hán thiên uy” (tiếng tăm oai liệt của Ðại Hán - dịch giả), “Phi ngã tộc loại” (không phải giống nòi của chúng ta - dịch giả) cộng với “Kì tâm tất dị” (lòng dạ chắc là khác - dịch giả), thế là, chẳng còn đường sống cho thiên hạ nữa.

Mấy người bạn Trung Quốc cư trú ở nước Mỹ, rõ ràng đang ngang tầm địa vị với dân da đen, nhưng thâm tâm lại khó chấp nhận người da đen. Mỗi khi nhắc đến các bạn da đen, là cái đầu cứ nguây nguẩy như mắc bệnh sài lắc từ bao giờ, thái độ “ta không hơi đâu” kiểu như thế, không khéo làm người ta bị co giật mà chết. Không thể nào tưởng tượng, nếu trong số người Trung Quốc có mười một phần trăm là người da đen hoặc người da đỏ, thì anh em da vàng của chúng ta không biết sốt đến bao nhiêu độ? Người ở khác tỉnh còn khó mà dung nạp, nữa là khác giống nòi.

Kì thị chủng tộc là căn bệnh hắc lào dai dẳng, không cần phải kinh ngạc đến thế, cái đáng kinh ngạc là cách xử lý bệnh hắc lào ngoan cố này của người Mỹ kia. Khác hẳn nước Mỹ, cách xử lý của Trung Quốc là “Húy tật kỵ y” (giấu bệnh không chạy chữa - dịch giả), kèm theo “Gia tu bất xuất ngoại truyền” (chuyện dơ dáy xấu xa trong nhà không lộ ra ngoài - dịch giả). Nhưng thật ra đó chỉ là nguyên lý, chưa phải phương pháp. Phương pháp đích thực là vừa đi ngoài ra máu vừa dùng hai tay bịt lỗ hậu môn nói tướng: “Ta có mắc bệnh trĩ đâu.” Ai mà nói ta mắc bệnh trĩ thì người đó chắc là “có ý đồ”, và kèm theo “ý đồ gì đây”. Còn “ý đồ thứ hai” là phép bảo bối truyền thống, chỉ cần lầm rầm vài câu, khấn ra phép bảo bối này, thì đối thủ khó lòng thoát nạn, mụn trĩ tự nhiên nó khỏi - Chết, lại sẩy miệng rồi, không phải mụn trĩ tự nhiên nó khỏi, mà là bản thân mình từ có bệnh trĩ bỗng thành hết bệnh trĩ. Sự nỗ lực của những con bọ tương, bọn người méo mó, chỉ là bưng bít lỗ trôn, không phải chữa trị bệnh trĩ.

Nước Mỹ là một xã hội lành mạnh, còn là một xã hội rất cường tráng nữa, cường tráng đến mức có thể tự điều chỉnh bản thân mình. Nên phản ứng của họ không phải bưng bít hậu môn, mà lại rêu rao khắp nơi: nguy to rồi, mụn trĩ sưng tấy lên rồi, một ngày mất đến tám ngàn gallon máu đấy, phải nghe ngóng giá cả cỗ quan tài xem nào... Thiên hạ ai cũng biết chuyện, ai cũng giật nảy mình, thót tim gan, rồi uống thuốc, tiêm, mổ, rồi thay ghế đẩu cứng bằng ghế sôfa mềm, thay lưng gù bằng sống lưng ngay thẳng.

Sử dụng văn học và công cụ truyền thông để phanh phui kì thị chủng tộc, làm rùm beng cho thiên hạ đều biết, khiến mọi người rùng mình thót tim. Một xã hội lành mạnh khỏe khoắn, chỉ có thể xây dựng trên nền tảng tâm lý lành mạnh khỏe khoắn của dân chúng, họ có trí tuệ để tôn trọng sự thực, đủ can đảm để thừa nhận sai lầm, đầy năng lực để sửa đổi chữa trị. Kì thị chủng tộc là một mớ thực tế, cũng là một mớ sai lầm. Người Mỹ đã dựa dẫm trí tuệ và lòng dũng cảm, tìm kiếm con đường giải quyết ổn thỏa, áp dụng các bước đi tỉnh táo, khiến tình trạng kì thị chủng tộc thu nhỏ dần, cho đến triệt tận gốc.

Trích từ “Giẫm phải đuôi của hắn”

Phụ lục

Nói về người Trung Quốc xấu xa (thư cuả Trần Văn Hòa)

Kính gửi: Ông Bách Dương

Sau khi đọc bài “Người Trung Quốc xấu xa” của ông đăng trên tờ Tự lập văn báo, có những điều tôi không thể giữ trong mình mà buộc phải thổ lộ cùng ông. Thiết nghĩ, có thể dùng làm một phần tham khảo cho ông.

Ông mong rằng người Trung Quốc phải biết thẩm định, phải có năng lực thẩm định, thì tôi chẳng kịp tán thành nữa. Trước khi có nhà thẩm định để mà thẩm định, tôi có cảm giác người Trung Quốc thật bủn xỉn khi cho ra lời khen ngợi. Ngoại trừ khen ngợi mình, còn người ta là cứt chó cả! Văn nhân tương khinh (nhà văn coi thường nhau - dịch giả), đồng hàng tương kị (trong ngành nghi kị nhau - dịch giả), đồng tính tương xích (trong giới bài xích nhau - dịch giả)... đã trở thành những chữ nghĩa Trung Quốc vĩ đại, không sao kể hết. Nếu người nào cũng chịu khen ngợi, mà lại công khai khen ngợi, thì đương nhiên có sự thưởng thức, có sự thẩm định. Ngạn ngữ phương tây nói: “Không nhìn thấy cái thiện của kẻ thù, mới là kẻ thù lớn nhất.” Người Trung Quốc là người không nhìn thấy người ta tốt bao giờ. Người ta tốt, y lờ đi. Người ta tốt thật, y lại tìm cách chơi xỏ.

Tại sao người Trung Quốc không hay khen ngợi, không hay ngắm nghía, thưởng thức? Tôi cho rằng liên quan đến điều: nói không thật lòng của họ. Hơn nữa, người Trung Quốc không dám tức giận công khai, cho nên mới không dám công khai để ngợi khen. Không dám yêu, cũng chẳng dám giận.

Không dám và không thể công khai ca ngợi, xuất phát từ “lòng cảm kích” vốn túng thiếu của họ. Người Trung Quốc thành đạt rồi, họ cho rằng đó là kết quả phấn đấu nỗ lực của bản thân, không liên quan đến nhân dân và xã hội gì cả. Họ cho rằng tự mình giỏi giang, chẳng bao giờ mang lòng biết ơn và nghĩ đến cơ hội do chính xã hội, đại chúng đưa đến sự thành công ấy. Do vậy họ cũng chẳng quan niệm đến trách nhiệm đối với xã hội phải ra sao.

Mặt khác, người Trung Quốc thành đạt, vinh hiển chỉ thuộc về gia đình ấy, gia tộc ấy, dòng họ ấy. Người bên cạnh chẳng được chia sẻ phần vẻ vang này. Nó thành đạt là việc của nó, mai sau ta thành công là việc của ta, không can gì đến kẻ kế bên, không can gì đến người khác.

Không có đại chúng, thì không có nhu cầu của thể chế, không có thể chế, làm sao có thể cộng tác, hiệp đồng?

Không chịu ngợi khen, chẳng dám tức giận, hay giả tạo, thích nói dối, rất có thể dính dáng đến việc ra sức nhấn mạnh “nội tỉnh” (tỉnh nhà - dịch giả) của văn hóa Trung Quốc. Người Trung Quốc bị nền văn hóa Trung Hoa hun đúc, thấm đẫm tính cách “nhợt nhạt”, tính cách đó khiến họ không dám yêu, không dám ghét, không biết cảm kích, không chịu hy sinh (vì hy sinh đến rốt cuộc phát hiện mình vẫn cứ hy sinh, mà hy sinh lại tạo nên sự thành công của người khác, sự thành công của người khác lại không thể biến thành sự thành công của mọi người, thành công không thể trở thành kết quả vượt khó, cho nên tất cả chẳng ai chịu hy sinh. Nhưng điều tệ hại là bản thân không chịu hy sinh, lại bắt người khác phải hy sinh, tôi gọi đấy là “mối tình liệt sĩ”). Nỗi khốn khổ đang tuần hoàn theo lối ác tính của người Trung Quốc là như vậy đó.

Ông chỉ ra ngần ấy thói hư tật xấu của người Trung Quốc, tôi hiểu nỗi hận “sắt không luyện thành thép” của ông. Ðiều mà tôi kì vọng, ngoài địa vị, thanh danh nơi hải ngoại và sự hiểu biết sâu sắc văn hóa Trung Quốc, cộng với cách soi xét tính con người một cách tỉ mẩn tinh tế của ông, ông còn phải làm sao tìm ra được cách thức và con đường cho người Trung Quốc khốn khổ, động viên thế nào để họ chịu khen ngợi, thưởng thức và thẩm định. Dân chúng quảng đại cần có người hướng dẫn, bảo ban, chỉ rõ con đường bằng phương pháp tuy thâm sâu nhưng phải dễ hiểu, có phương pháp mới có thực tiễn.

Ðương nhiên, đó hẳn là một công trình trùng tu của thế kỉ. Ông có thể hô hào bạn hữu, dốc lòng vì người Trung Quốc khốn khổ mà nghĩ ngợi, mà đề xuất những cách thức thực tế, hiệu quả, có thể mang tính giai đoạn, từng thời điểm, phân chia theo các cấp các ngành: giáo dục, văn hoá... chẳng hạn.

Ông đã đập vỡ vại tương thì ông phải hướng dẫn chúng tôi (ông xem, tôi lại mắc bệnh “mối tình liệt sĩ” rồi đấy), đành rằng, tôi cũng cố tìm cách để ảnh hưởng, truyền bá những phương pháp, ý niệm đẹp đẽ của người Trung Quốc hết khả năng của mình.

Thư viết lộn xộn, vụn vặt như vậy, tiêu hao không ít tinh thần của ông. Tóm lại, thứ cần nói tôi cũng nói hết ra rồi, tôi hi vọng có thể làm người bạn nhỏ của ông.

Kính gửi: Ông Trần Văn Hòa

Sự phân tích của ông làm tôi khâm phục, muốn nghe được một câu khen ngợi người khác từ miệng của người Trung Quốc thật tình còn khó hơn cả leo lên trời. Ðương nhiên cũng có thấy nhiều trường hợp ca ngợi người khác, nhưng mang ý nghĩa chính trị - nếu không là lời ngoa ngôn dối lòng, hoặc lời khó theo ý muốn, thì là không biết mình nói gì - chúi mũi vào ca ngợi cái sừng của con ngựa sao mà khả ái nhường kia! Ðại đa số người Trung Quốc đều sống trong tình trạng tự ti đến buồn nôn như thế, không còn năng lực để đào bới ưu điểm của người khác, cũng chẳng còn khả năng để ngắm nghía người ta khác mình ở chỗ nào. Giả dụ trót khen ngợi ai đó, thì ngay lập tức nhận được hàng loạt phản ứng đại để như sau:

1. Ðối phương có chút địa vị - “Sao, mày nịnh bợ nó à?”

2. Ðối phương không bằng mình - “Sao, mày mua chuộc nó à?”

3. Ðối phương là họ hàng, là bạn bè mình - “Quan hệ chúng mày, đương nhiên là mày bênh nó rồi.”

4. Ðối phương xa lạ, chẳng dính líu với mình - “Ngay cả nó làm gì mày cũng chẳng biết nữa là! Giá mày hiểu được ngọn ngành về nó, thì chẳng loa cái miệng thế này đâu.”

Tóm lại, thế nào cũng không ổn. Muốn ổn chỉ có lăng mạ nhau, người Trung Quốc mà ngồi tụ bạ, đến câu thứ ba mà không tỉa tót thị phi người khác thì trăm phần trăm không phải cháu con Hoàng đế, dòng dõi con rồng! Cái gọi là “đại Hán thiên thanh”, thiên thanh (tiếng trời - dịch giả)) là thứ gì? Là thứ tiếng người túm năm tụm ba, say sưa công kích đời tư của người khác đến không còn mảnh giáp kia. Thực ra kiểu công kích như thế không hẳn nảy sinh từ ác ý, mà là phản ứng tự nhiên của nọc bệnh được chắt lọc lại lên cơn tái phát. Anh không thấy các ngài chó sao? Các ngài chó mỗi khi gặp mặt, ngài này ngửi ngửi đít ngài nọ, ngài nọ hít hít trôn ngài kia, mùi vị hợp nhau rồi thì vô cùng hân hoan hứng khởi. Người Trung Quốc tụ tập, chủ yếu là để chê trách người khác. Một khi đối phương vỗ tay họa theo, thì tựa như ngửi đúng mùi hậu môn của nhau, rồi mới được chấp nhận cùng thuyền.

Ông Lỗ Tấn khuyến khích chúng ta dám yêu dám ghét, “yêu” và “ghét” đều là thứ năng lực. Sợ sệt đậm chất thần kinh đã khiến năng lực yêu ghét của người Trung Quốc gần như bị hủy hoại toàn bộ. Yêu thì sợ người chê cười, ghét lại lo người trả thù. Cho nên ghét và yêu đã nung chảy thành một lực lượng tà ác. Mười năm nhiễu loạn - Cách mạng Văn hóa của Ðại lục, là tổng bộc phá của sức mạnh ác tà đã bị tích tụ lâu ngày; tính dã man, hung bạo, xảo trá, đố kị, tàn nhẫn đến tận xương tủy bị dồn nén bấy lâu nay, lặn sâu trong lòng người Trung Quốc, nay bộc lộ hết thảy, khiến phẩm cách người Trung Quốc xuống cấp ghê gớm. Ðừng bàn đến nâng cao, chỉ mong khôi phục được bằng mức ba mươi năm về trước thôi, e cũng phải mất chừng năm mươi năm - thời gian để xây dựng lại, thường phải tốn gấp năm lần so với phá hoại.

Chúng ta không thể trút hết gánh nặng cứu vớt dân tộc xuống đôi vai của các nhà chức trách, mà mỗi người dân Trung Quốc đều phải chia sẻ. Quốc dân loại ba tuyệt nhiên không thể sản sinh ra chính phủ loại một, nhưng chính phủ loại ba lại có sẵn những quốc dân loại một kia. Chúng ta - cả ông bạn nhỏ và già lão này nữa, hãy bắt đầu từ một chấm một phẩy trong con người chúng ta (chúng ta không thể bỗng một lúc thay da đổi thịt, nhưng có khả năng thay đổi tế bào nào, thì thay đổi ngay tế bào đó) ông thấy khả dĩ chứ?

Trích từ “Thông giám quảng trường”

Bách Dương trong hình dung của tôi (Lý Trình)

1. Cách đây không lâu, trong một cuộc họp mặt giới văn nghệ ở Niu-Oóc, tôi ngẫu nhiên được gặp người mà tôi kính trọng đã lâu, là ngài Bách Dương và phu nhân Trương Hương Hoa nữ sĩ.

Trong trí tưởng tượng của tôi, Bách Dương xanh xao gầy yếu, tóc tai bạc trắng, vẻ mặt khinh bạc, ngồi xổm trong xó nhà giam như cái lò nướng ấy, miệt mài cày bút trên những mảnh giấy vụn nát nhầu...

Nhưng, đứng trước mặt tôi lại là một Bách Dương phong độ hào hoa, tinh thần kiên định, khỏe khoắn và cứng cỏi, trông ra chỉ độ ngoài năm mươi tuổi.

Ông là một người hay chuyện. Khi cất lời, tiếng quốc ngữ sặc giọng Hồ Nam, và thái độ thành khẩn của ông có sức hút rất tự nhiên, điều đó vô tình làm thu nhỏ khoảng cách giữa ông và những người xa lạ. Nếu bà Trương Hương Hoa không cho biết là ông đã nhuộm tóc sau ngày ra tù vào năm 1977, thì chúng tôi đâu hay bây giờ ông đã là ông già sáu mươi lăm...

Ðầu tiên, ông bị kết án tử hình, sau đó sửa lại thành án tù có hạn. Chín năm lẻ hai mươi sáu ngày giam trong nhà tù Ðảo Xanh, ông bị gãy mất một chân, nhưng khi ra tù sống lưng của ông lại ngay thẳng hơn, trong tay còn bưng một chồng bản thảo của ba cuốn sách (Trung Quốc nhân sử cương, Trung Quốc lịch đại Ðế vương Hoàng hậu Thân vương Công chúa thế hệ toàn tập, Trung Quốc lịch sử niên biểu). Vừa ra khỏi tù, ông trở lại ngay công việc viết chuyên mục.

Ông là một nhân vật luôn đặt mình trên đường phân giới giữa thị phi, những bài viết của ông bút pháp buông thả, tự do thoải mái, bề ngoài cười cợt mỉa mai, thóa mạ dữ dằn, nhưng trong lòng đau đáu thế sự, yêu nước thương nòi, mượn lời của Bách phu nhân mà nói: “Tính cách của ông vừa phức tạp lại vừa thống nhất.” Ðường đời khúc khuỷu mà ông đã vượt qua khiến ông thấu hiểu muôn dạng chúng sinh, nhưng lại giữ được bản sắc ngây thơ, hào phóng. Trong một bài viết, ông đã tự nhận là nhân vật hảo hán chốn Lương Sơn Bạc. Vừa gặp gỡ ông, tôi liên tưởng ngay đến ví dụ trên, quả nhiên xác đáng.

Ông kể sau ngày ra tù, có lần trong một cảnh huống công khai, gặp lại một nhân viên điều tra xét hỏi của trại giam trước đây đã cố ý bóp nặn sự thực ép cung ông. Khi ông chất vấn tại sao làm như vậy, thì người đó thú nhận và thành khẩn xin lỗi ngay tức khắc. Nhắc đến chuyện này, Bách Dương nói: “Dẫu rằng tôi phải chịu nhiều cực khổ vì hắn, nhưng trong lòng tôi vẫn thích hắn, vì hắn dám nhận sai lầm trước công chúng, chứng tỏ cái tử tế ở đời vẫn còn đó.”

Ông là một con người quá nặng lòng, giàu tình cảm, ngay thẳng quá không quản nặng nhẹ, chính khí quá chẳng tính thiệt hơn, ông là một thành quách không võ bị. Ông bắt đầu viết tản văn từ năm 1960, trong tám năm cho ra hai mươi ba cuốn sách, đa phần là tạp văn, tùy bút, nội dung về nhân sinh, văn hóa, chính trị, văn học, giáo dục, lịch sử, xã hội, tôn giáo, gia đình, tình yêu... không thiếu thứ gì. Ông là người đầu tiên đặt ra thuyết “Vại tương”, đối mặt với nếp nghĩ đường mòn, bản tính lười nhác cẩu thả không chút thuyên giảm suốt năm nghìn năm trong xã hội người Trung Hoa, và tính khí lên men kiểu đấu đá nội bộ, cùng với phản ứng thói thường để bài xích, triệt hại nhau trong cả một nền văn hóa nữa... ông chỉ trích cay nghiệt đến nơi đến chốn. Không ngại bàn tán, không sợ quyền quý, là nguyên nhân thành công, cũng là nguyên do mắc tội của ông.

Ðài Loan có hơn mười triệu người, cuốn sách Dị thành (Thành phố lạ) của ông tiêu thụ được hơn triệu bản, một tỷ lệ như thế thật hiếm có.

Là một nhân vật truyền kì, người yêu quý thì say mê ông, tôn vinh thiên tài, ví như một trái núi lớn, vừa có kho báu lại vừa có cảnh quan. Nhà vật lý học nguyên tử lưu trú ở Mỹ, cũng là người bạn thân của Bách Dương - ông Tôn Quan Hán khen rằng: “Năm nghìn năm nay chỉ một người này.” Bởi vì con người ông tập hợp cả nhà thơ, nhà văn, nhà chính trị, nhà tư tưởng, nhà viết chuyên mục, nhà lịch sử... vào nhất thể. Người ghen ghét thì cho rằng ngòi bút ông sắc nhọn cay nghiệt, hay chửi rủa, chỉ có thể xếp vào loại “Nhà Tục văn học”, không được phép bước lên đại sảnh thánh thiện của văn đàn Trung Quốc. Nhưng bất kì ai, dù yêu hay ghét, không thể không công nhận một sự thật: ông là một người có đảm lượng dám nói thật. Như ông đã từng nói: “Mình cũng biết giấu là thượng sách, nhưng những điều muốn nói cứ bốc hết ra ngoài không đừng được.”

2. Nhà văn đồng nội Trung Lý Hòa từng phát biểu: “Một nhà văn thành đạt chỉ vì ông ta có một thân thế bất hạnh,” ông nói thêm: “Cuộc sống dễ chịu là kẻ thù của sáng tác...” Riêng với nhân vật Bách Dương, chẳng còn câu nói nào khác sát sao hơn.

Quê cha đất tổ của Bách Dương ở huyện Huy, tỉnh Hà Nam, mẹ mất từ lúc ông lọt lòng. Suốt thời ấu thơ, ông chưa hề biết thế nào là cảm giác ấm áp từ lòng mẹ, càng chưa từng nếm thử vị ngọt ngào của bàn tay người mẹ vuốt mềm mại trên má. Lưu giữ trong ký ức chỉ là lời giáo huấn ngàn lần như một và bộ mặt nghiêm nghị, lạnh lùng của cha. Sau này dọn đến tỉnh lỵ Khai Phong, tiếp theo là sự ngược đãi của bà dì ghẻ. Vào mùa đông nước nhỏ thành băng ấy, cậu bé thèm muốn một bộ quần áo lót bằng vải bông sạch sẽ, giống như các em, con của bà dì kia, nhưng, ngoài những cú đánh đập, lời mắng chửi không thương xót, trời có rét hơn nữa thì cậu bé cũng chỉ khoác một chiếc áo bông vừa bẩn vừa cứng như áo giáp vỏ dừa mà thôi. Ðôi bàn tay bé xíu rét quá mưng mủ rồi thành chai, cho đến mùa xuân ấm trở lại mới khỏi. Cha ông quanh năm suốt tháng làm ăn xa nhà, những ngày ở nhà dù ít ỏi, người cha ấy cũng không hề nghĩ đến còn có một thằng bé đang chờ đón chút ít đầm ấm của thế gian. Ông Bách Dương nhớ lại: hồi đó, để được một thoáng cười của cha, ông hay cố ý tựa vào đầu gối của người, hình như đó là giây lát hạnh phúc nhất trong cuộc đời thơ dại của ông.

Cho đến năm mười bảy tuổi, ông không thể chịu được những trận đòn của dì nữa, sau một cú trả lời bằng nắm đấm, ông ngậm giọt nước mắt nóng hổi ra khỏi cửa nhà. Hồi tưởng lại, ông nói, nhẽ ra, lúc đó chỉ cần người cha có mặt ở đó nói lấy một lời, thì ông sẽ ở lại, nhưng cha chỉ gọi tên tục của ông “Sư tử con” một cách bất lực, rồi quay đi...

Từ ấy, ông bước vào đời. Chàng thanh niên gầy yếu, kiên cường, từ bé đã mang “tính cách con lừa của người Hà Nam” ấy, vừa bước tới đầu ngã tư của cuộc sống, đã phải hứng chịu mưa to gió lớn. Quầng lửa kháng chiến chống Nhật lan rộng khắp vùng đất Trung Nguyên, ông trở thành cậu học trò lưu vong, cơn lũ thời đại xô đẩy ông tới Hán Khẩu, thi vào Ðoàn Chiến cán (cốt cán chiến đấu - dịch giả) sau đó lại xoay vần đến trường đại học Ðông Bắc của huyện Tam Ðài tỉnh Tứ Xuyên. Từ trong nhà trường, tài hoa của ông dần được hiển lộ, và lúc đó người ta đã phát hiện ông không phải là một thanh niên tầm thường.

Thời buổi lớn lao, tạo dựng được một lớp thanh niên có tài ba, có hoài bão lớn lao, Bách Dương là một trong những số thanh niên đó.

Ông là một vai diễn thật sự quan trọng trên sân khấu lớn của cuộc đời con người. Ngoài viết văn ra, ông đã từng làm quan, cũng đã từng buôn bán, thời kì ở Ðông Bắc, ông từng buôn nước thải hầm mỏ. Sau khi đến Ðài Loan, ông làm giáo viên tiểu học, và từng làm biên tập tòa báo, vào năm 1968, trước ngày bị bắt, ông nhiệm chức giáo sư đại học Trường Quốc lập Nghệ thuật Chuyên khoa, giảng môn Khái luận văn học. Ông đã từng thất nghiệp, đã từng lang thang. Khi nhớ lại, ông kể nguyện vọng lớn nhất lúc bấy giờ là được ăn một cái man thẩu (bánh bao không nhân).

3. Hà Nam trồng nhiều cây Bách, và nhiều cây Dương. Cây bách lá nhỏ như vảy cá, vỏ cây mầu nâu sẫm, có vết nứt như mai rùa, xanh biếc cả mùa băng giá, tuổi thọ đến ngàn năm. Còn cây bạch dương thẳng đứng giữa hang cùng núi cốc gặp gió kêu rào rào, lay động hồn vía người ta, đó là tính cách của Bách Dương, cũng là nguồn gốc bút danh của ông.

Trong cách sống, ông cố chấp nhưng hướng thiện, kiên trì và không ngừng theo đuổi những gì ông cho là giá trị. Trong sinh hoạt, không để ý đến tiểu tiết, không chăm chú việc ăn uống, sẵn lòng xả thân vì những người mình yêu. Ðể tăng thêm thu nhập, ông không quản ngại viết ngày viết đêm, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu pha của vợ con. Kết quả sự nuông chiều làm hư thân họ. Bà vợ trước Nghê Minh Hoa, đã bỏ ông khi ông mới bị bắt. Tám năm sau, lần đầu được gặp cô con gái, cũng bị coi là người dưng. Tâm hồn của nhà văn giàu tình cảm này đã bị tàn phá vì những sự việc trên.

Nhưng ông chưa một lần gục ngã. Bách Dương nhiều lần lăn lê, bò toài, gượng dậy trên bàn cờ cuộc sống, dám yêu và dám ghét, chính hai chỗ dựa ấy đã cho ông điểm tựa vững chãi. Ðúng là trời có mắt, ra tù không bao lâu, ông đã gặp gỡ nữ thi sĩ trẻ trung và xinh đẹp Trương Hương Hoa, một người đàn bà phong thái mềm mại nhưng ý chí quật cường, hai người nhanh chóng rơi xuống biển tình, cuộc đời mưa gió của Bách Dương, cuối cùng cũng tìm được một mái ấm gia đình. Nhưng lòng dũng cảm và ngòi bút sắc nhọn của ông không hề muốn ngơi nghỉ, gần như lập tức ông lại “tấn công mạnh mẽ vào mặt trận dung tục”(lời Sêkhốp).

Nhớ đến hai câu thơ học thuộc lòng hồi nhỏ: “Thư sinh báo quốc vô tha vật, duy hữu thủ trung bút như đao” (người có học không có thứ gì khác ngoài sử dụng ngòi bút của mình thay thế gươm đao để đền ơn đất nước - dịch giả). Cây bút trong tay Bách Dương, chính là lưỡi dao sắc bén như vậy.

Nếu lật từng trang, từng quyển sáng tác tạp văn của ông, bạn có thể cảm nhận một nỗi sảng khoái khó tả, không hề rên rỉ giả tạo, không hề ngợi ca công đức, chỉ có từng câu từng chữ châm chích tệ nạn thời đại, như bức “Thư khiêu chiến” bạo dạn, đanh quánh. Ông ta khiêu chiến với tất cả những gì chướng tai gai mắt, không hề lo lắng đến hậu quả bất lợi cho bản thân mình. Mối mâu thuẫn có tính bi kịch giữa những điều đáng giận, đáng cười, cả chân tướng đáng sợ của xã hội Trung Quốc nữa, và tính khả dĩ sáng tạo to lớn đang tàng ẩn trong dân tộc Trung Hoa, trên nhiều phương diện đã bị ngòi bút của ông đụng chạm tới. Bất cứ giáo sư đại học, chủ phụ gia đình, hay là thanh niên học sinh, khi đọc bài “Tên của đàn bà, Mạnh mẽ ư kiêu kì ư và Trận mạc ác y” của ông, ai mà cấm được họ cười đắc ý cơ chứ. Trong bài “Trân trọng văn hóa Trung Quốc”, ông viết: “Ông Bách Dương vì đề xướng ra chữ giản thể mới bị ngồi tù, nay phải bịt miệng cho đại cát, nhưng chữ Trung văn viết ngang đáng ra từ trái sang phải, vì là định luật của lịch sử... Xin được phúng khuyến các bậc đại sĩ của học vấn phản đối viết từ trái sang phải rằng, bàn học thuật thì cứ bàn vào học thuật, nếu nhất định đòi chụp mũ lung tung, thì ra đường các ngài chớ có bước nhầm chân trái trước đấy nhé...”

Ðọc xong đoạn văn trên, lại nghĩ ông ấy đã từng ngồi tù mất chín năm hai mươi sáu ngày, mà viết bài này là lúc ông vừa ra khỏi tù chưa được một năm, bạn có thể không phục dũng khí của ông ấy sao? Ðáng tiếc rằng nhà văn Trung Quốc như ông quá ít. Ngoài ra, những bài “Ðáng đời hắn uống mứt tương”, “Trận mạc giày thối”, “Văn nhân không nghề ngỗng ư, văn nhân coi thường nhau ư”, “Thang thuốc bồi bổ ba ổ bệnh lớn”... Không bài nào là không công kích mạnh mẽ lối sống dung tục của tiểu thị dân và chất uế tạp của bọn gian tham xã hội. Qua giọng châm chích mỉa mai, cười cợt thóa mạ bề ngoài, ta linh cảm thấy nhịp đập lương tri của những người trí thức mang cốt cách chính nghĩa của dân tộc, mang lòng yêu đồng loại, quê hương, bản quán thiết tha, được ẩn giấu thầm kín. Hiện nay, ở Ðại lục đã xuất bản bộ sách của ông, khi bàn đến nhuận bút, ông hi vọng được sử dụng vào sự nghiệp giáo dục cho các bạn trẻ quê hương ông.

[Chúc các bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách]

Ông Bách Dương từng viết mười cuốn tiểu thuyết lấy tên thật của mình là Quách Y Ðộng, nhưng những cuốn tiểu thuyết đó kém xa các cuốn tạp văn của ông. Không thể phủ nhận việc đọc tạp văn của Bách Dương khiến người ta rất sảng khoái, vừa lưu loát lại vừa hóm hỉnh khôi hài, như có người đã đánh giá ông có tài “giơ cao đánh khẽ”, hoặc “khi nhẹ nhàng thì tựa như mây thưa trăng khuyết, lúc nặng nề thì tựa như bão vũ lôi phong”, nhưng khôi hài dễ bị nông nổi, lưu loát dễ bị trơn tuột, đó là những nhược điểm của không ít nhà văn tiền bối, có lẽ cũng là nguyên nhân khiến một số người không ưa Bách Dương. Mặc dù vậy, trên quan điểm mỹ học, “cái đẹp trước tiên phải là cái thật” mà nói, ông hoàn toàn xứng đáng, hoàn toàn đủ tư cách giành một chiếu trong lịch sử văn học của đất nước Trung Hoa.

*****

Thực hiện bởi

Nhóm Biên tập viên Gác Sách:

Thảo Little – Du Ca - H.y

(Tìm - Chỉnh sửa - Đăng)

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay