07. Câu chuyện về Tiểu Nha Đam - Phần 1

Ba tôi làm trong một xưởng đúc máy. Ngày nào ba tôi cũng đi làm từ sáng tới tối mịt. Khi về nhà, chỉ còn hàm răng là trắng nhưng đôi mắt sáng ngời khi nhìn tôi. Tôi thường cầm bàn tay xơ xác phồng rộp của ba, áp vào má, thấy đau, có lẽ bàn tay ấy đã bỏng nhiều đến nỗi không còn biết đau nữa. Tôi bắt đầu trồng nha đam, mỗi tối đều xoa lên tay ba thứ keo man mát. Ba tôi bảo không cần thiết đâu, nhưng tôi mặc kệ. Tôi thấy đôi mắt ba long lanh khi đó, thế là đủ. Lúc ấy tôi mới là đứa trẻ cấp một.

Câu chuyện về Tiểu Nha Đam

“Tin khẩn cấp, cơn bão số 8...”.

Tin bão bùng nhùng trong tai nghe. Mùa thu sắp đi ngủ rồi. Tôi quay ra cửa kính xe buýt nhìn những vệt chéo mưa đang gạch xóa cảnh vật bên ngoài, cười, lắc đầu, không phải mưa làm nhòe nhoẹt những thứ bên ngoài khung cửa kính mà làm mắt tôi mờ đi thôi.

Chậu nha đam tôi ôm cứng trong lòng có vài giọt nước len lỏi. Bình thường tôi đã trợn trừng mắt hoặc nhảy dựng lên xem tại sao mưa ngoài cửa kính có thể chui vào bên trong xe. Nhưng tôi vội vàng lấy khăn tay lau đi lau lại nhánh nha đam, lau mãi, càng thêm ướt, nước ở đâu ra nhiều vậy? Lau không được, tôi che bàn tay lên chậu cây nhỏ, đầu ngón tay nhỏ giọt.

Phải rồi, tôi sẽ nói dối cậu ấy là tại mưa, mưa làm ướt nha đam, một lát nữa thôi, một lát nữa, tôi phải nhanh chóng thở thật sâu. “And I know oh oh oh oh... that's not a dream, and I saw oh oh oh oh...”.

Ôm chậu nha đam, tôi chỉ còn một tay để giật tai nghe ra, không kịp, một vài mảnh vỡ của bản ghi-ta như đi lạc ấy đã kịp chạm vào, nha đam có gai, nhưng cũng không đau đến vậy.

Tôi phải mang nha đam đến cho người tôi cần, tôi phải mang nha đam đến cho người cần tôi?

***

Không rõ từ lúc nào, tôi phải lòng nha đam, thứ cây nhỏ nhắn cao không quá hai gang tay. Không phải tôi là tín đồ làm đẹp vì mãi vài năm sau khi yêu loài cây ấy, tôi mới biết có một bí quyết sắc đẹp mang tên lô hội - nha đam. Tôi yêu đơn giản vì nha đam làm dịu nỗi đau cho người tôi yêu thương. Ba tôi làm trong một xưởng đúc máy. Ngày nào ba tôi cũng đi làm từ sáng tới tối mịt. Khi về nhà, chỉ còn hàm răng là trắng nhưng đôi mắt sáng ngời khi nhìn tôi. Tôi thường cầm bàn tay xơ xác phồng rộp của ba, áp vào má, thấy đau. Có lẽ bàn tay ấy đã bỏng nhiều đến nỗi không còn biết đau nữa. Tôi bắt đầu trồng nha đam, mỗi tối đều xoa lên tay ba thứ keo man mát. Ba tôi bảo không cần thiết đâu nhưng tôi mặc kệ, tôi thấy đôi mắt ba long lanh, thế là đủ. Lúc ấy tôi mới là đứa trẻ cấp một.

Tất cả tài sản của tôi là những chậu nha đam đã ra đi trong một chiều mưa gió. Nha đam đi với mẹ, nha đam theo mẹ tôi. Mẹ bị ung thư phổi. Trong giấc mơ của tôi có một người đã ra đi và không bao giờ trở lại. Suốt mấy ngày đám tang mẹ, mưa ngập lụt khoảng sân mẹ vẫn hay ngồi chải tóc. Nha đam không chịu được ngập nước, tôi không còn nhớ là phải cất những tình yêu bé nhỏ ấy đi. Nước ngập đến nỗi những chiếc gai cũng rách toạc ra.

Ba xốc ba lô cho tôi, bàn tay xơ xác đưa tay tôi cho người họ hàng.

“Cố gắng lên con gái, hãy giữ lấy mơ ước của con!”.

Vào thành phố học trung học, đó là cách duy nhất có thể giúp tôi phải trở thành bác sĩ, nhất định tôi phải trở thành bác sĩ. Nhưng sao nhìn bàn tay hình thù đáng thương của ba, tôi lại như đứa bé mẫu giáo không muốn bước vào lớp một, mếu máo đòi trở lại vườn trẻ. Bàn tay ấy đẩy tôi đi rồi vẫy vẫy đằng xa. Tôi ngó hẳn đầu ra khỏi xe, bàn tay ba tôi đang che lấy mắt giống như trò trốn tìm thuở tôi còn nhỏ. Tôi vùi mặt vào ba lô, có lẽ ba đã phải cố kìm lòng từ rất lâu vì tôi luôn muốn thấy ba cười.

Nha đam chẳng còn, ba sẽ sống với ai?

Cuộc sống trong lòng thành phố luôn không dễ dàng, nhất là đối với một kẻ cô độc. Đến một ngày có hiểu lầm, tôi không giải thích gì khi người họ hàng đuổi tôi ra khỏi nhà. Tôi chỉ nhận ra rằng với nhiều người thì tiền bạc quan trọng hơn một ai đó. Rồi họ lại tìm đến xin lỗi và bảo tôi quay trở lại nhưng tôi đã quên chuyện đó từ bao giờ. Từ khi rời xa nơi tôi hằng yêu dấu, tôi học cách thản nhiên với cuộc sống, quên đi những gì khiến tôi phiền muộn, sống như không ai có thể ngăn cản. Không còn bàn tay ba bên cạnh để gục mặt vào khi có thể, tôi phải tự làm sao đó để tất cả không được tràn ra ngoài. Mọi sự cố gắng đã dồn để thay đổi ý thức, có lẽ không còn thừa cho việc khác nữa, nên mỉm cười mỗi ngày với tôi thật không dễ dàng gì. Tôi tìm được một nơi ở cho riêng mình, rất nhỏ, nhưng đủ để thoải mái làm những gì mình thích, nhớ về những người tôi yêu. Tôi lại trồng nha đam. Đi học. Đi làm thêm. Những lúc tưởng như không thể đứng dậy được, tôi lại gọi điện để nghe giọng nói của ba - mối liên hệ duy nhất của tôi với cuộc sống này. Nhắm mắt nghĩ đến một ngày cuối tuần, tôi cắt những lá nha đam trở về với ba, xoa lên đôi bàn tay xơ xác.

Đứng lên nào!

1. Tiểu Nha Đam

Hưng và tôi học cùng lớp. Sẽ chẳng có gì liên quan nếu cậu ấy không chạy bàn ở Aloe Vera giống tôi.

Ở lớp, tôi và Hưng như hai thí dụ trực quan cho hai kiểu người trái cực trong một tập thể. Hưng học giỏi, nổi tiếng, thể thao giỏi, nhìn cũng được. Thực ra thì tôi không muốn thừa nhận rằng cậu ấy trông thật cuốn hút nhưng bởi vì tôi chẳng quan tâm, nhất là với những người gắn mác hot boy này nọ thường khiến tôi có ác cảm. Còn tôi, nói đơn giản thì gần như là một cái bao bì không bao giờ mở, tôi chỉ thấy việc học là quan trọng, tôi luôn cố gắng để vị trí về học tập cao hơn và cao hơn nữa, còn lại, tôi chẳng quan tâm. Thậm chí trong mắt một số bạn, tôi giống như một con bệnh hay con mọt. Có lẽ tôi có gai. Nha đam cũng có gai.

Hưng lúc nào cũng thế, cố tình (tôi cho là vậy) làm người khác chao đảo bằng nụ cười như nắng mùa thu. Ngày đầu tiên gặp tôi ở Aloe Vera, nụ cười xã giao ấy được tôi đáp trả bằng một cái gật đầu không mấy thiện chí. Tôi biết mình vô lý, nhưng tôi cũng biết có rất nhiều nụ cười chỉ là để làm bìa, vậy thôi. Tôi tự hỏi tại sao “hot boy” như cậu ta không ở nhà chải chuốt đi mà lại phải đi làm thêm?! Vớ vẩn quá, tôi lắc đầu thật mạnh. Tôi và Hưng làm cùng ca, không mấy thoải mái, nhưng mặc kệ, tôi chẳng quan tâm.

Tôi không biết gọi Aloe Vera là cái gì, bởi quán kinh doanh đồ uống và bánh ngọt nhưng bài trí nội ngoại thất chẳng khác gì một cửa hàng cây cảnh, toàn là nha đam. Trong menu ngoài bánh papparoti và mấy món cà phê sữa thì cũng toàn nha đam: trà nha đam, sữa chua nha đam, thạch nha đam, bánh bông lan nha đam... Có lẽ chủ quán bị cuồng lô hội. Không thèm nhìn đơn xin việc của tôi, anh chỉ hỏi tôi biết chăm sóc nha đam không. Và tôi được nhận. Mỗi ca chừng hai tiếng và chỉ có hai phục vụ bàn. Không lẽ anh chủ quán cuồng nha đam còn chị chủ quán thì cuồng con số hai? Hai anh chị chủ quán quả thật chẳng giống ai. Tôi thấy tay họ đeo nhẫn giống nhau ở ngón áp út. Anh thì lùn, đầu nhẵn thín, hai tay đầy hình xăm. Chị xinh và cao, gần ba mươi rồi nhưng vẫn nhí nhảnh như trẻ con. Hai người không mấy khi nói với nhau khi làm việc, chỉ thi thoảng chị đặt cộp cái khay lên bàn, thường là khi đã vãn khách, thở hắt: “Đằng ấy ơi, tớ chán!”. Thế rồi anh chị ôm eo nhau ra cửa, đội mũ bảo hiểm, đi chơi, quăng chìa khóa lại cho Hưng. Có lẽ có mối liên quan nào đó tạo sự tin tưởng giữa anh chị và cậu ấy? Gần cuối ngày, nhưng nụ cười của cậu ấy vẫn không kém tươi đi chút nào.

- Anh chị vui nhé!

Hai người, một thấp, một cao, trông rất buồn cười! Tôi tự nhủ tình yêu thật là kì lạ. Hưng lau dọn và tôi lo phần nha đam. Có lẽ đã có vài người thú vị liên kết vào cuộc sống của tôi. Còn Hưng, tôi có quan tâm không nhỉ?!

Hưng luôn tìm cách bắt chuyện với tôi. Tôi thấy vẻ thất vọng và lúng túng của cậu ấy khi tôi trả lời những câu hỏi kiểu nhát gừng hay chỉ ừ hử trong cổ họng cho qua chuyện. “Hot boy lạnh lùng” đi đâu rồi? Nhưng cậu ấy chỉ cười. Thật khó ưa! Tôi biết rằng không phải cứ ai nói chuyện cùng là có thể tin tưởng được, tôi chỉ có một mình, muốn tự bảo vệ thì tất cả chỉ nên dừng ở mức thoáng qua thôi. Chắc tôi đã làm cậu ấy cảm thấy bị coi thường nên ở lớp, chúng tôi vẫn là hai cực khác nhau, quay về hai hướng. Nhưng tôi không thể tỏ ra không có gì khi cậu ấy nhúng tay vào phần việc của tôi. Đôi khi lỡ xe buýt, tôi đến muộn, tất cả các chậu nha đam đã được tưới cẩn thận, vừa đủ, dù bên trong đông khách. Vào một số ngày ngẫu nhiên, khi tôi vặn vẹo cổ sau quầy và cảm tưởng như xương chân rời ra không đứng lên nổi thì Hưng đã cất đi phân nửa số nha đam bên ngoài cửa kính. Nha đam không chịu được ngập nước, chỉ cần một cơn mưa to và dài là sẽ chết hết. Đáng lẽ phải tỏ ra biết ơn nhưng tôi chỉ càu nhàu:

- Cảm ơn, nhưng lần sau việc của tôi hãy để tôi làm.

Hưng lại cười. Đáng ghét! Cậu ta chỉ biết cười thôi sao?

Tôi và Hưng về cùng một chuyến xe buýt. Tôi ngồi ghế đầu, Hưng ở cuối. Tôi xuống trước nhưng luôn đứng chờ cho đến khi chiếc xe đi khuất mới rẽ về nhà. Tôi thích một mình.

***

Một chiều quán rất đông khách, tôi luôn tay luôn chân đi như chạy.

Vỡ. Có tiếng Hưng xin lỗi. Rõ ràng tôi thấy gã thanh niên ấy đang nói chuyện rồi đột nhiên vung tay ra, đập vào Hưng đang từ đằng sau đi lại. Tách cà phê vừa pha, một nửa đổ vào tay bồi bàn, một nửa chảy xuống đôi giày đắt tiền của anh ta. Hưng cúi gập người xin lỗi. Tôi cứ tưởng “hot boy” không có chức năng này. Giọng gã kia đã lên tận quãng tám. Anh chủ quán đi ra, chỉ nói ngắn gọn:

- Anh cần bao nhiêu?

Cô gái đi cùng “thượng đế” xem chừng xấu hổ, bấm tay anh này ra về. Anh chủ quán vỗ vỗ vai Hưng và ra hiệu cho tôi vào bên trong với cậu ấy. Tôi cắt mấy lá nha đam, tách lớp vỏ xanh, đắp phần keo trong vắt lên vết bỏng của Hưng. Lâu lắm rồi tôi mới làm việc này. Cầm bàn tay cậu ấy, nhớ những ngày còn nhỏ, bàn tay xơ xác của ba tôi, tôi thấy cổ họng nghẹn lại.

- Lần sau cậu đi đứng cho đàng hoàng, đừng thấy trai đẹp là đứng sát vào!

Hưng gãi đầu, bị tôi nói xỏ mà cũng chỉ biết cười:

- Cảm ơn cậu, Tiểu Nha Đam.

- Cái gì? Sao lại gọi bằng cái tên Tàu thế?

- Không phải. Tại vì... cậu giống nha đam, mà cậu cũng yêu nha đam nữa.

Tôi hơi giật mình:

- Sao biết tôi yêu nha đam?

- Vì khi cậu chăm sóc cho nha đam nhìn cậu khác lắm. Mà tháng nào cậu cũng ôm một chậu nha đam về, hình như cậu chỉ vui vẻ khi ở cạnh nha đam thôi.

Tôi chết sững. Mỗi tháng, ngoài tiền lương, chị chủ quán đều bảo tôi mang một chậu nha đam nhỏ về. Tôi cũng không hiểu tại sao. Chị dọa không lấy sẽ đuổi việc nên tôi chỉ biết sung sướng tuân theo. Nhưng tại sao Hưng lại biết việc này?!? Câu cuối cùng của tôi khiến Hưng đỏ mặt. Cái vẻ mặt đáng yêu đến nỗi khiến tôi không thể không nhìn cậu ấy.

- Cậu không lo làm việc mà đi theo dõi tôi vậy à?

Hưng lại cười.

Tôi cũng cười.

Tôi là Tiểu Nha Đam ư!?