Người cha tốt hơn là người thầy tốt - Chương I - Phần 01 - 02

Chương I

NGƯỜI CHA TỐT LÀ NGƯỜI THẦY TỐT CỦA CON

Phần 1: “Người thầy vỡ lòng” đạt tiêu chuẩn của con

“Giáo dục vỡ lòng” thể hiện tấm lòng của cha mẹ với con cái có tầm quan trọng to lớn trong cuộc đời con

“Dạy con biết đi, dạy con biết nói” là trách nhiệm chung của tất cả các bậc làm cha mẹ với con cái. Dường như với mỗi người, cha mẹ chính là người thầy vỡ lòng dạy con biết đi, biết nói, biết sống và biết làm người.

Lần đầu tiên con bị ngã, là cha mẹ nói với con khi ngã con phải tự mình đứng dậy; lần đầu tiên con khóc, là cha mẹ nói với con khóc chính là tình cảm chân thành từ nội tâm của mình, chỉ có điều con phải học cách khống chế tình cảm ấy; lần đầu tiên con cười, là cha mẹ cho con biết cuộc sống có rất nhiều ý nghĩa; lần đầu tiên con gục ngã, là cha mẹ cho con học cách kiên cường đối mặt với khó khăn.

Gia đình là trường học, là nơi diễn ra tiết học đầu tiên của mỗi người sau khi lọt lòng mẹ; cha mẹ là những người thầy đầu tiên của con. Đây là hai điều “đầu tiên” mà không có bất cứ thứ gì có thể thay thế được. Cổ ngữ có câu: “Khổng Tử gia nhi bất tri mạ, Tăng Tử gia nhi bất tri nộ, sở dĩ nhiên giả, sinh nhi thiện giáo dã”(*). Cho nên sự giáo dục của cha với con là giáo dục sớm, mang tính khai sáng.

(*) Tạm dịch: Con của Khổng Tử không biết mắng chửi, con của Tăng Tử không biết nóng giận, điều này là do giáo dục mà nên.

Theo năm tháng, trẻ lớn lên, dần dần được tiếp xúc với những sự vật, con người ngoài xã hội, tiếp xúc với những điều chân thiện mĩ và cả những điều xấu xa. Người lớn chúng ta không thể nào ngăn cản được điều đó, bởi hàng ngày tivi, internet đều cũng không ngừng phản ánh hiện thực xã hội ở các góc độ khác nhau. Sự ảnh hưởng này vừa có mặt tốt lại vừa có mặt xấu. Đặc biệt là đối với trẻ mầm non bởi trẻ ở độ tuổi này không có khả năng phân biệt phải trái đúng sai, nhưng trẻ lại có năng lực cảm thụ nhạy bén hơn người lớn.

Trong cuộc sống hàng ngày, nếu như các bậc phụ huynh có thể dựa vào đặc điểm trên của trẻ, tận dụng những việc nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày để giúp trẻ nhận biết, phân biệt những việc phải trái đúng sai, để trẻ tỏ tường được thế nào là chân thiện mĩ, thế nào là tà ác xấu xa, thì mới có thể giúp trẻ bồi dưỡng tính cách đứng về lẽ phải, từ đó ngăn chặn việc tâm hồn trẻ bị xói mòn bởi những thứ phản giáo dục.

Từ 3 đến 6 tuổi thường được gọi là giai đoạn trước tuổi đến trường, cũng chính là giai đoạn giáo dục sớm mà mọi người thường nói. Đây là thời kì quan trọng trong sự phát triển tâm sinh lí của trẻ. Tục ngữ có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Giai đoạn mầm non là giai đoạn khởi đầu hun đúc nhân cách một con người, rất nhiều năng lực cơ bản của con người hình thành trong giai đoạn này như năng lực biểu đạt ngôn ngữ, các động tác cơ bản, một số thói quen trong cuộc sống và tính cách cũng dần được hình thành trong giai đoạn này. Nhà tâm lí học người Mỹ Benjamin Bloom(**) cho rằng, sự phát triển năng lực trí tuệ của một con người nếu như đến 17 tuổi được tính là 100%, thì giai đoạn trẻ được 4 tuổi sẽ đạt 50%, giai đoạn từ 4 đến 8 tuổi tăng thêm 30%, giai đoạn từ 8 đến 17 tuổi chỉ tăng thêm 20%. Có thể thấy giai đoạn trước 5 tuổi là thời kì trẻ phát triển trí tuệ nhanh nhất, cũng là thời kì tốt nhất để tiến hành giáo dục bồi dưỡng trí tuệ của trẻ. Việc các bậc phụ huynh tiến hành phương pháp giáo dục gia đình trong giai đoạn này là điểm mấu chốt trong sự phát triển trí tuệ sớm của trẻ.

(**) Benjamin Bloom (1913-1999): nhà tâm lí học, nhà giáo dục học, giáo sư tiến sĩ về giáo dục học tại trường Đại học Chicago, đồng thời là chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu giáo dục Mỹ.

Từ cổ chí kim, rất nhiều hiền tài đã nhận sự giáo dục bài bản của gia đình trong thời kì ấu thơ, đây là một yếu tố quan trọng giúp họ thành công sau này. Ví dụ như sự thành công của Goethe(*) chính là nhờ có sự giáo dục sớm của gia đình. Khi Goethe 2, 3 tuổi, cha của ông đã đưa ông đi dã ngoại, quan sát tự nhiên, bồi dưỡng khả năng quan sát của ông. Khi Goethe 3, 4 tuổi, cha ông dạy ông hát, đọc ca dao, kể cho ông nghe những câu chuyện thiếu nhi, đồng thời để ông kể chuyện trước mặt mọi người, nhằm bồi dưỡng khả năng biểu đạt của ông. Những hình thức giáo dục có ý thức như vậy, khiến Goethe từ nhỏ đã ham học hỏi và tìm tòi. Lúc 8 tuổi, Goethe đã có thể đọc được các loại sách viết bằng tiếng Đức, Nga, Anh, Ý, La tinh và Hi Lạp; 14 tuổi, ông có thể viết kịch; 25 tuổi chỉ trong vòng một tháng ông đã cho ra đời cuốn tiểu thuyết dưới dạng thư nổi tiếng Nỗi đau của chàng Werther(**).

(*) Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832), được coi là một trong những vĩ nhân của nền văn chương thế giới. Ông là một nhà thơ, nhà viết kịch, tiểu thuyết gia, nhà văn, nhà khoa học, họa sĩ của Đức.

(**) Nỗi đau của chàng Werther (tiếng Đức: Die Leiden des jungen Werther) ra đời trong năm 1774 và được tái bản lần 2 vào năm 1787. Được đánh giá là tác phẩm đầu tiên của thế kỷ XVIII tạo được tiếng vang mạnh mẽ dội đến các nước xung quanh, nhất là trong phong trào lãng mạn tại Pháp, Ý và Anh (Lược sử văn học Đức). Ở Việt Nam, tác phẩm này được dịch giả Quang Chiến chuyển ngữ, GS Hoàng Trinh viết lời giới thiệu, Nxb Văn học in lần đầu năm 1982.

Nếu trong thời kì ấu thơ, không nhận được sự giáo dục tốt từ gia đình, thì sự phát triển trí tuệ của trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Ví dụ như trường hợp của Kamala - “em bé sói” ở Ấn Độ, được sói nuôi từ nhỏ. Khi được phát hiện thì cô bé đã 8 tuổi, cô bé có những thói quen sinh hoạt giống với sói như đi bằng bốn chân, ăn thịt sống, ban ngày sống chui lủi, ban đêm mới hoạt động. Phải mất 2 năm tập luyện, cô bé mới có thể đứng dậy, thêm 6 năm nữa để biết đi, trong vòng 4 năm, cô bé chỉ học được bốn từ đơn giản. Khi được 17 tuổi, khả năng phát triển về trí lực của cô bé chỉ bằng trình độ của một đứa trẻ 3 tuổi bình thường.

Theo như tờ Phụ nữ Trung Quốc, một người công nhân họ Mã ở thành phố Nam Kinh tỉnh Giang Tô, Trung Quốc do thần kinh không bình thường, luôn sợ con bị hãm hại, nên đã nhốt ba đứa con gái của mình ở trong nhà từ nhỏ, không cho chúng tiếp xúc với thế giới bên ngoài, mười mấy năm sau những đứa trẻ này có năng lực trí tuệ thấp, phản ứng chậm chạp; gần như bị ngu đần.

Từ những ví dụ trên, chúng ta thấy rằng không thể coi thường tác dụng của việc giáo dục vỡ lòng trong giai đoạn đầu đối với trẻ.

Nhưng việc giáo dục vỡ lòng không phải cứ thực hiện càng sớm càng tốt, mà đây là một quá trình khoa học. Quá sớm hoặc quá muộn đều bất lợi đối với việc phát triển trí tuệ và ý thức tư duy của trẻ. Cũng giống như câu chuyện ngụ ngôn “Thúc lúa lớn nhanh”(*), nếu như các bậc phụ huynh tiến hành giáo dục quá sớm lúc mà sự phát triển về tâm lí và trí tuệ của trẻ vẫn chưa tới tầm, thì trẻ sẽ không thể tiếp thu được, dẫn tới việc giáo dục không có hiệu quả, còn khiến trẻ có cảm giác chán nản, sợ hãi đối với việc học, để lại hậu quả khó lường về sau. Không ít phụ huynh muốn con mình có một sự khởi đầu sớm, hi vọng trong giai đoạn mẫu giáo con có thể biết đọc biết viết và biết làm toán nên đã cho trẻ học chữ, học toán trước. Điều này thực ra đã tạo áp lực cho trẻ quá sớm, thậm chí khiến trẻ chán ghét việc học.

(*) Đây là câu chuyện ngụ ngôn kể về một người đời Tống, vì muốn lúa của mình lớn nhanh nên đã nhổ nó lên, khiến lúa bị chết hết. Về sau câu chuyện này được đem ra để ám chỉ hành động nóng vội đốt cháy giai đoạn, không tuân thủ theo trình tự thời gian, dễ dẫn đến thất bại.

Giáo dục vỡ lòng, đặc biệt là sự dạy dỗ của cha đối với con có thể tiến hành ở khắp nơi.

Tôi đã từng đọc một câu chuyện như sau:

Trên một đoạn đường đông đúc, xe cộ đi lại như mắc cửi, ở một ngã tư bị tắc đường, một tài xế taxi đã chỉ vào một tòa nhà và nói: “Con trai, con nhìn xem! Đây là bệnh viện Nam Sơn, nơi con đã chào đời”. Đứa con trai mới 2,3 tuổi ngồi bên cạnh, ngạc nhiên hỏi: “Bệnh viện Nam Sơn?”. “Ừ, đúng rồi con đến với thế giới từ chính nơi này”. “ Thế giới?”. “Ồ, con vẫn còn nhỏ, sau này lớn lên, cha sẽ kể cho con...”.

Bất cứ ở đâu trên đường, trên xe hay trên thuyền... cha mẹ đều có thể dạy con. Điều đặc biệt của người cha này là ở chỗ, ông là một tài xế taxi. Trong lúc chờ đợi khi bị bị tắc đường, người cha đã tiến hành sự giáo dục đối với con. Không phải chỉ những người có tiền của, có học vị mới chú trọng vào việc dạy dỗ con cái, mà hầu hết các bậc cha mẹ đều đang âm thầm dành từng phần nhỏ cho con, hành động tích tiểu thành đại này đã dần tạo nên một con đường trưởng thành vững chắc trong mỗi bước con đi. Hi vọng khi lớn lên, đứa trẻ - con người tài xế taxi đó vẫn còn nhớ cái tên mà người cha nhắc đến trong buổi chiều ấm áp đó. Bởi có thể tiếp nhận sự cống hiến nhỏ nhoi này của người cha đối với đứa trẻ ấy là một điều vô cùng hạnh phúc.

Sự dạy dỗ của cha mẹ đối với trẻ dù được tiến hành trong thời gian nào, dưới hình thức nào có ý thức hay vô ý thức, có kế hoạch hay không có kế hoạch, tự giác hay không tự giác; thì mọi ngôn từ, cử chỉ và hành động của cha mẹ đều ảnh hưởng đến thói quen sống, hành vi đạo đức cũng như cử chỉ lời nói của trẻ. Không chỉ vậy, tác dụng ngầm của sự giáo dục này là rất lớn, theo suốt cuộc đời của con người, có thể nói sống đến già học đến già, cho nên Đông Tử mới gọi các bậc cha mẹ là “người thầy suốt đời” của con.

Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha

1. “Người thầy vỡ lòng” phải có tính quyền uy

Tính quyền uy là sự thể hiện quyền lực và uy lực đối với trẻ. Sự tồn tại của gia đình dựa trên quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng, quan hệ tình cảm giữa cha mẹ và con cái. Trên cả phương diện luân lí đạo đức và đời sống vật chất, con cái đều phải dựa dẫm nhiều vào cha mẹ; thêm vào đó là tính thống nhất về lợi ích cơ bản của các thành viên trong gia đình; tất cả những điều này đã quyết định sự kìm hãm của cha mẹ đối với con cái, cho nên hình thức giáo dục này dễ khiến con cái tiếp nhận và phục tùng sự dạy dỗ của cha mẹ. Cha mẹ biết sử dụng hợp lí điều này sẽ rất có lợi đến việc hình thành những phẩm chất đạo đức, những thói quen hành vi sống tốt của trẻ, đặc biệt là trong giai đoạn trẻ vẫn còn nhỏ. Trong quá trình chơi với các bạn, khi xuất hiện tranh chấp, trẻ thường dùng những lời nói của cha mẹ để chứng minh tính hợp lí trong hành vi lời nói của mình, ví dụ chúng rất thích nói “Cha tớ nói vậy” hoặc “Mẹ tớ làm thế”…

Trong những năm tháng ấu thơ của trẻ, người cha đóng hai vai trò rất quan trọng, vừa là người đảm bảo cuộc sống vật chất đầy đủ cho con, vừa là người hướng dẫn khai sáng cho cuộc đời của con. Hiệu quả của việc giáo dục của người cha phụ thuộc vào mức độ quyền uy mà người cha thiết lập. Sự thiết lập này nhất nhất phải được xây dựng trên cơ sở tôn trọng nhân cách trẻ, chứ không phải theo chế độ phong kiến cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Người cha sáng suốt là người không chỉ hiểu rõ tầm quan trọng của sự thiết lập tính quyền uy, mà còn hiểu được rằng quyền uy không phải dựa vào sự ép buộc, cưỡng chế hay là sự phán đoán chủ quan, mà phải kết hợp khéo léo giữa các phương pháp vừa cứng rắn lại vừa mềm mỏng.

2. “Người thầy vỡ lòng” phải có tính cảm hóa

Tính tự nhiên và tính chặt chẽ trong mối quan hệ huyết thống giữa cha mẹ và con cái khiến những tình cảm buồn vui của cha mẹ có ảnh hưởng đến tâm trạng của trẻ, và ngay cả trẻ nhỏ cũng bị ảnh hưởng. Con cái có thể hiểu thấu những việc làm của cha mẹ thông qua sợi dây tình cảm. Cách giải quyết các vấn đề và các mối quan hệ phát sinh ở xung quanh của con cái cũng rất dễ chịu sự ảnh hưởng từ cách giải quyết của cha mẹ. Nếu cha mẹ nóng nảy, thiếu lí trí, luôn lấy tình cảm để giải quyết sự việc, trước một sự việc phát sinh đột ngột vì sợ hãi bất an mà trở tay không kịp thì cũng có thể ảnh hưởng không tốt đến con cái. Trong những tình huống như thế, nếu người cha bình tĩnh xử lí, thì sau này khi gặp sự cố người con đó cũng sẽ bĩnh tĩnh giải quyết. Như vậy mới có thể phát huy tác dụng tích cực đối với việc xây dựng phẩm chất tâm lí cho trẻ.

3. “Người thầy vỡ lòng” phải có tính kịp thời trong việc giáo dục trẻ

Quá trình giáo dục vỡ lòng của cha mẹ với trẻ là hành vi giáo dục cá biệt, so với giáo dục ở trường học, nó phải mang tính kịp thời hơn. Cha mẹ là người nắm rõ mọi thứ của con trẻ, khi con có chút thay đổi dù là một ánh mắt hay một nụ cười, cha mẹ đều có thể nhận biết. Vì thế, cha mẹ có thể thông qua hành vi cử chỉ của trẻ để kịp thời nắm bắt trạng thái tâm lí của con, phát hiện vấn đề, không để vấn đề đi quá xa, kịp thời giáo dục dạy bảo, tiêu diệt triệt để những thói quen xấu của trẻ ngay trong thời kì trứng nước.

Trong bộ phim Awara(*) của Ấn Độ có một câu châm ngôn kinh điển là: “Con trai của kẻ trộm chưa chắc sẽ là kẻ trộm, con trai của quan tòa chưa chắc sẽ là quan tòa”. Cho nên bạn là ai không quan trọng, quan trọng là bạn sẽ để con mình trở thành người như thế nào. Rất nhiều người quyền cao chức trọng, có địa vị trong xã hội đều do những người cha người mẹ hết sức bình thường dạy dỗ mà nên.

(*)Awara hay Người lưu lạc: Tác phẩm điện ảnh nổi tiếng phản ánh hiện thực xã hội đen tối của tầng lớp thượng lưu Ấn Độ, đồng thời ca ngợi chủ nghĩa nhân đạo và tình yêu trong sáng. Năm 1953, bộ phim đã giành được giải thưởng tại Liên hoan phim Quốc tế Cannes.

Cuộc sống chính là giáo dục, giáo dục ẩn chứa trong cả những điều nhỏ nhất, giáo dục vỡ lòng cũng vậy. Chỉ có “người thầy vỡ lòng” đạt tiêu chuẩn mới có thể giáo dục nên những đứa trẻ ưu tú.

Phần 2: Cùng trẻ làm những việc trẻ thích

Hãy để trẻ làm những việc trẻ thích. Việc cha mẹ thay con làm tất cả mọi việc là một trong những nguyên nhân chính hình thành tính cách nhu nhược dựa dẫm của trẻ.

Được làm những việc mình thích sẽ khiến bản thân mình cảm thấy vui. Trẻ được làm những việc mà chúng thích đương nhiên chúng cũng cảm thấy vui.

Hãy để trẻ khám phá thế giới tự nhiên tươi đẹp.

Thế giới tự nhiên tươi đẹp và thần kì ẩn chứa vô vàn tri thức, có thể nói trên thế giới không có người thầy nào tốt hơn thế giới tự nhiên. Chúng ta không nên tách rời trẻ khỏi nó. Cuối tuần, cha mẹ có thể cho trẻ đi khám phá thiên nhiên. Khi trẻ hòa mình vào thế giới tự nhiên, trẻ cảm nhận được sự thần kì huyền diệu trong đó, khả năng quan sát của trẻ sẽ ngày càng nhạy bén, sức tưởng tượng của trẻ sẽ ngày càng phong phú, nhận thức của trẻ về các loài sinh vật ngày càng tinh tế, hơn nữa có thể nâng cao năng lực thưởng thức cái đẹp của trẻ.

Không chỉ như vậy, thế giới tự nhiên tươi đẹp cũng để lại cho trẻ những ấn tượng và kí ức tốt đẹp, đây có thể coi là của cải quý giá không thể cân đong đo đếm được. Trong cuốn sách Chơi qua tiểu học(*), con gái Phạm Khương Quốc Nhất (Y Y) của tôi đã miêu tả cảm giác “vui bất tận” của một ngày làm ngư ông, đi hái táo, ngồi trên xe điện đi dã ngoại... Những kí ức này sẽ theo con đi suốt cuộc đời.

(*) Chơi qua tiểu học là cuốn sách của tác giả Phạm Khương Quốc Nhất - con gái của Đông Tử, được xuất bản vào năm 2006, tại Nhà xuất bản Trẻ em Hồ Nam.

Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha

1. Làm thỏa mãn cảm giác vui vẻ và cảm giác có thu hoạch của trẻ

Thời thơ ấu có rất nhiều sắc màu, niềm vui và tiếng cười luôn ngập tràn trong cuộc sống của trẻ.

Chỉ cần để ý, chúng ta sẽ phát hiện ra những thứ mà trẻ đặc biệt quan tâm qua hành vi ngôn ngữ của trẻ. Khi trẻ đi bộ bên ngoài, trẻ sẽ đếm những viên gạch dưới chân và đi từng bước theo từng viên gạch, sau đó đếm loạn lên, cuối cùng cười phá lên rồi bắt đầu đếm lại. Trẻ cũng sẽ cảm thấy thú vị khi xiêu vẹo bước theo chiếc bánh xe màu lăn đi lăn lại. Có thể đối với người lớn đây là những việc vô vị, nhưng khi nhìn thấy nụ cười trên khuôn mặt rạng rỡ của trẻ, chúng ta sẽ hiểu trẻ đang rất vui vẻ.

Có khi ngồi trên thảm cỏ rộng lớn, trẻ sẽ rất ngạc nhiên phát hiện ra ở đây có một con sâu rất to. Thế là trẻ sẽ thắc mắc ở bên dưới thảm cỏ sẽ có cái gì. Trẻ bò trên thảm cỏ, đứa dùng tay, đứa cầm cành cây, tìm kiếm dưới thảm cỏ: “Ha ha, nhanh lại đây xem, tớ tìm được thứ này này”. Sau khi cẩn thận lau sạch đám bùn đất bám trên đồ vật thì phát hiện ra hóa ra nó là một viên đá nhỏ. Trong chốc lát có thể chúng sẽ nản lòng. “Không sao, mình tìm tiếp”. Sau một thời gian đào bới, lật tung cả rễ cỏ lên để tìm báu vật, chúng thu được một số chiến lợi phẩm: vài mẩu gỗ xếp hình bị hỏng, mấy cái vỏ ốc sên, còn có một ít xác chết khô của mấy con sâu nhỏ... Có thể những thứ này thật sự không có ý nghĩa gì, nhưng trên khuôn mặt trẻ, trong ánh mắt trẻ chúng ta thấy hiện lên hai chữ “vui vẻ”.

Lợi ích đầu tiên của việc để trẻ làm những điều trẻ thích đó là thỏa mãn cảm giác vui vẻ và cảm giác có thu hoạch của trẻ.

2. Chia sẻ niềm vui cùng trẻ

Nhà văn nổi tiếng Chu Tự Thanh(*) từng nói: “Phải để trẻ tự rèn luyện, không thể bao bọc trẻ giống như gà con suốt ngày ẩn dưới đôi cánh của mẹ, như vậy cả đời trẻ sẽ không có triển vọng”. Có một số phụ huynh không cho trẻ làm bất cứ việc gì mà không biết rằng cuộc sống sung sướng, thoải mái, bình lặng, yên ổn sẽ cướp đi của trẻ cơ hội thể hiện bản thân, cuộc sống cơm bưng nước rót sẽ làm giảm khả năng sống tự lập của trẻ. Do đó, muốn bồi dưỡng trẻ thành một người mạnh mẽ, trước hết cha mẹ phải cổ vũ trẻ làm những việc trong khả năng của mình, để trẻ học cách sống tự lập, cách rèn luyện bản thân.

(*) Chu Tự Thanh (1898-1948) tên thật là Tự Hoa, hiệu Thu Thực, sau cải tên thành Tự Thanh, tự Bội Huyền. Ông là tác giả nổi tiếng thành danh ở thể loại tản văn, thơ với phong cách nghệ thuật độc đáo.

Y Y ngay từ lúc 5 tuổi đã thường xuyên chủ động giúp mẹ làm việc nhà trong đó công việc nổi bật nhất là nấu cơm. Nghe chúng tôi kể, ngay từ tấm bé chúng tôi đã biết nấu cơm rồi, Y Y liền rất hào hứng muốn thử nấu cơm, con nài nỉ mấy lần nhưng tôi không đồng ý bởi xét đến vấn đề an toàn khi sử dụng gas, tôi không an tâm. Nhưng con vẫn giúp chúng tôi những việc như nhặt rau, rửa rau. Nhiều khi tôi đang bận bịu trong bếp, con chạy vào, nói: “Cha ơi, cho con làm trợ thủ của cha nhé!”. Sau đó, Y Y không cam tâm chỉ làm ”trợ thủ”, con muốn tự mình vào bếp nấu một lần. Qua lần sinh nhật con tròn 8 tuổi không lâu, dưới sự hướng dẫn của tôi, Y Y lần đầu tiên làm đầu bếp nhưng đáng tiếc chân tay vụng về, làm món trứng sốt cà chua không thể ăn nổi.

Sau đó không lâu, Y Y học cách làm bánh mật ong dạy trên truyền hình, thế là thêm một lần nữa lại “vào trận chiến” dưới sự giám sát của mẹ. Theo lời dặn dò của Y Y, vợ tôi chuẩn bị cho con đầy đủ các nguyên liệu như bột mì, đường, sữa, trứng, mật ong, dầu thực vật... Thế là Y Y bắt đầu “công trình” của mình. Đầu tiên con cho nước vào bột mì nguấy đều lên, tiếp đó lại cho đường, trứng, sữa, mật ong vào nhào cùng. Sau đó để cục bột mì đã nhào được lên thớt, chia thành các miếng nhỏ, nặn thành những miếng bánh mỏng đều nhau. Y Y đặt nồi lên bếp, bật bếp, đợi nồi nóng, cẩn thận đổ dầu vào nồi rồi cho bánh vào nồi. Khi dầu đã nóng, Y Y hốt hoảng nhìn. “Không được rồi, hỏng rồi”. Con vừa nói vừa vội vàng lật bánh. Tay con không cẩn thận cọ vào nồi, đau quá! Con giơ tay lên thổi, có vẻ đau lắm nhưng nhất định không cho mẹ xem, mà vẫn tiếp tục làm món bánh của mình.

Trong chốc lát, trong nồi tỏa ra hương thơm, cả hai mặt của bánh đã được rán vàng, có thể gắp ra. Y Y tắt bếp cẩn thận rồi dùng thìa xúc bánh vào đĩa, bê đến bàn ăn. Khi con nói “Cả nhà ăn cơm thôi”, nhìn con như một anh hùng. Cả nhà tôi hạnh phúc thưởng thức món ăn của con.

3. Cho trẻ sự tự do về tâm hồn

Tuổi thơ tôi mặc dù vật chất nghèo nàn thiếu thốn, nhưng tâm hồn tôi rất phóng túng tự do, tôi lớn lên mà không có bất kì gánh nặng và sự gò bó nào. Bởi thời đó không có áp lực học tập, không có những bài tập chờ đợi, không có sự kì vọng lớn lao của cha mẹ và thầy cô; tôi có thể tự do đi khám phá thiên nhiên, nặn đất, đuổi bướm hái hoa, thoải mái cùng anh chị em bạn bè chơi những trò chơi mà mình thích như bịt mắt bắt dê, cảnh sát bắt kẻ trộm... Khác với trẻ em hiện nay, vừa tan học là cắm đầu vào làm bài tập, tôi có thể chạy nhảy ở ngoài đồng đến tối mới về nhà; tôi có thể thỏa thích nhào lộn trên bãi đất, mà không bị cha mẹ giám sát suốt ngày, lo con làm bẩn quần áo do va vào cái này vấp vào cái kia; tôi có thể cả ngày đi theo đoàn kịch về thôn biểu diễn, mà không bị cha mẹ thúc đi học thêm lớp này lớp kia…

Sống trong những ngôi nhà như cái lồng chim giữa khu đô thị cao ốc hiện đại, nhu cầu hoạt động ngoài trời của con người càng ngày càng yếu, hoạt động ngoài trời của các trẻ dần bị coi thường, thậm chí bị hạn chế. Ngày nay, cảnh chiều chiều những đám trẻ cùng nhau chơi nhảy dây, ném cầu như trước đây ngày càng khó gặp.

Ngoài nguyên nhân khách quan là kiến trúc đô thị ngày càng chật hẹp, không gian chơi của trẻ bị mất đi, nguyên nhân chủ yếu của việc trẻ mất quyền được hoạt động ngoài trời xuất phát từ tư tưởng của cha mẹ. Hiện nay mỗi gia đình chỉ có một con, cha mẹ giữ con khư khư cả ngày bên mình, cho con ra ngoài chơi thì sợ có vấn đề xảy ra với con. Cha mẹ nghĩ con ra ngoài chơi rất mệt, lại thêm bụi bẩn… nên cho rằng để con ở trong nhà là an toàn nhất, cha mẹ cũng yên tâm nhất.

4. Cho trẻ niềm vui thuộc về mình

Để trả lại cho con niềm vui vốn thuộc về con, tôi luôn để Y Y chơi thoải mái các trò chơi mà con thích, đương nhiên các trò chơi này đều phải đảm bảo tính an toàn. Tôi luôn kiên trì một quan điểm: Trong quá trình trẻ trưởng thành, vui chơi là một phần không thể thiếu. Cho nên, không chỉ để trẻ vui chơi thoải mái, mà còn để trẻ chơi cả ở nhà và thế giới bên ngoài rộng lớn.