Người cha tốt hơn là người thầy tốt - Chương I - Phần 12 - 13

Phần 12: Yêu thích đọc sách

Khi trẻ kể cho chúng ta về niềm vui và thành quả của việc đọc sách, chúng ta nhất định phải thể hiện niềm vui giống trẻ, chia sẻ thành quả của việc đọc sách với trẻ, điều này sẽ làm cho trẻ có cảm giác thu hoạch, đồng thời có hứng thú với việc đọc sách.

Cổ nhân nói: “Đọc vạn quyển sách, đi được vạn dặm”. Nhà triết học nói rằng: “Sách là nấc thang tiến bộ của nhân loại”. Khi con bạn thích đọc sách, con sẽ học được cách yêu thương, con sẽ biết yêu bản thân, yêu mọi người, yêu cuộc đời và yêu thế giới… Đọc sách có thể làm cho con bạn hiểu được mọi thứ.

Cũng bởi có duyên với sách, nên một người chỉ học hết lớp sáu như tôi mới có thể trở thành “Tác giả”, “Giảng viên đại học”, “Nhà báo nổi tiếng”, “Người dẫn chương trình”, “Bác sĩ tâm lí”. Nếu như không đọc sách, chắc tôi đã đang làm ruộng ở quê, hoặc đang làm thuê ở thành phố. Đương nhiên tôi không nói làm ruộng hay làm thuê là không tốt, tôi chỉ muốn nói, sách vở giúp tôi trưởng thành, giúp tôi có thể đào sâu hết tiềm năng và phát huy cao độ giá trị của bản thân.

Có người đã tiến hành điều tra những đứa trẻ được xếp vào danh sách “Mười thiếu niên tiêu biểu toàn quốc”, và phát hiện những đứa trẻ này có năng lực đọc sách tốt hơn những đứa trẻ khác. Cũng có người đã từng phỏng vấn những người thành công, và thấy rằng khi tổng kết kinh nghiệm thành công, những người này đều nhắc đến lợi ích mà việc đọc sách đã mang lại cho họ…

Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã từng nói với nhà báo rằng rất nhiều câu thơ mà ông dẫn ra là những gì ông học được từ thời học sinh thông qua việc đọc các tài liệu ngoài giờ lên lớp. Chính vì thế, ông khuyến khích toàn dân đọc sách.

Con người không đọc sách sẽ bị số phận trừng phạt, một dân tộc không đọc sách sẽ bị lịch sử trừng phạt. Đọc sách không chỉ là một hoạt động quan trọng trong cuộc đời của mỗi con người, mà còn trở thành phương thức sống của mỗi con người.

Một người muốn học thành tài, phương pháp quan trọng là phải khiến đọc sách trở thành thói quen. Bồi dưỡng thói quen thích đọc sách cho trẻ từ nhỏ sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho trẻ trong suốt cuộc đời. Tổ chức Kinh tế thế giới đã từng tiến hành một cuộc điều tra về năng lực đọc của thanh thiếu niên toàn thế giới, kết quả cho thấy, thanh thiếu niên 15 tuổi không thể học được mọi kiến thức và kĩ năng mà sau này trưởng thành họ cần dùng đến trong trường học. Như vậy năng lực đọc chính là cơ sở của việc học tập và là nguồn vốn lớn nhất trong suốt cuộc đời của con người.

Nhưng làm thế nào mới có thể khiến trẻ thích đọc sách, biến việc đọc trở thành phương thức sống của trẻ? Rất nhiều phụ huynh cảm thấy đau đầu khi nói tới vấn đề này. Trong thực tế, chúng ta bắt gặp rất nhiều trẻ không thích đọc sách, thậm chí ghét đọc sách. Đối với chúng, đọc sách là một việc rất khô khan, tẻ nhạt; thời gian rỗi chúng thích xem tivi hay chơi điện tử hơn. Chúng không thể ngồi yên, tập trung để đọc được.

Cho nên, bồi dưỡng niềm hứng thú với việc đọc sách của trẻ là một công trình trường kì, cần sự kiên trì và lòng tin. Từ những kinh nghiệm của tôi trong việc hướng dẫn Y Y đọc sách, tôi có thể tổng kết như sau:

Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha

1. Việc đọc sách phải bắt đầu từ sớm

Việc bồi dưỡng niềm hứng thú đọc sách của trẻ bắt đầu càng sớm thì hiệu quả càng cao. Người Do Thái yêu thích đọc sách như yêu chính sinh mạng của mình. Trong gia đình người Do Thái, khi đứa trẻ có thể hiểu được một chút, người mẹ sẽ nhỏ vài giọt mật ong lên trên quyển Kinh Thánh, rồi bảo đứa trẻ liếm những giọt mật trên đó. Ý nghĩa của nghi thức này là: Sách vở là mật ngọt. Đọc sách là một việc rất vui sướng và ngọt ngào, qua đó có thể khơi dậy trong trẻ hứng thú đối với sách vở.

Tôi bắt đầu bồi dưỡng hứng thú đọc sách của Y Y ngay từ khi con mới 10 tháng tuổi. Lúc đầu, hàng ngày tôi đều đọc cho con nghe những câu chuyện trên báo ảnh. Báo ảnh có thể coi là đối tượng đọc sớm nhất của con. Mỗi khi tôi mở quyển báo ảnh, dùng tay chỉ cho con những bức ảnh trên quyển báo và kể chuyện cho con nghe, con cũng chỉ trỏ theo, vừa nghe vừa cười.

Khi 1,5 tuổi, Y Y bắt đầu nhận mặt chữ. Thế là ngoài xem tranh ra, con bắt đầu hăng say với các con chữ ở bên cạnh. Trong những cuốn sách tôi mua cho con, tranh dần dần ít đi, chữ ngày càng nhiều lên. Sau đó, tôi đưa con đi hiệu sách, dẫn con đến quầy sách thiếu nhi, để con được ngập tràn trong đống sách rực rỡ đủ các sắc màu, dạy con chọn những quyển sách mình yêu thích. Những lúc như vậy, con đều rất hưng phấn, lật mở hết quyển này đến quyển khác, nhìn chằm chằm vào quyển này, nhưng lại thích lấy quyển kia...

Khi Y Y hơn 3 tuổi, con đã có thể nhận được hơn 300 chữ Hán hay dùng, có thể đọc và hiểu được nội dung của những câu chuyện đơn giản. Thế là, dần dần tôi không đọc chuyện cho con nghe nữa, mà dạy con cách tự đọc, sau đó để con kể lại cho chúng tôi nghe. Dưới sự hướng dẫn tỉ mỉ của tôi, Y Y ngày càng có hứng thú với việc đọc sách. Đến khi vào mẫu giáo, trong cặp của con ngoài những sách vở mà khi lên lớp cần dùng, lúc nào cũng có một quyển sách con thích đọc; phần lớn thời gian ở nhà, con dành để đọc những cuốn sách mình yêu thích; khi cùng tôi đi nhà sách hay thư viện con không hề tỏ ra chán nản, cho dù tôi ở trong đấy bao lâu con cũng rất ít đòi ra ngoài, bởi con cũng đang say mê tìm quyển sách mà con thích.

2. Đảm bảo thời gian đọc sách

Điều cốt yếu khi đọc sách là phải kiên trì. Nếu như ngày nào cũng dành cho trẻ một chút thời gian đọc sách, dù chỉ khoảng 10 phút mỗi ngày, nhưng tích lũy dần dần sẽ thành một con số khổng lồ.

Tôi và Y Y cùng lên kế hoạch cho thời gian biểu nghỉ ngơi trong ngày, thời gian đọc sách cũng có thời gian cố định giống như thời gian xem tivi; ngoài ra trước khi ngủ nửa tiếng cũng là thời gian đọc sách cố định.

Vì muốn tranh thủ cho con có nhiều thời gian đọc sách, tôi đã từng đến trường đề nghị với cô giáo và thầy hiệu trưởng giảm bớt bài tập ở nhà của con đi. Bởi theo tôi, trong biển sách rộng lớn vô biên có rất nhiều kiến thức chờ đợi con khám phá, thì cớ gì hàng ngày con lại phải bù đầu vào những bài tập, những câu hỏi cứng nhắc lặp đi lặp lại mà rời xa thế giới tri thức phong phú, vô cùng rộng lớn.

3. Tạo ra bầu không khí đọc sách

Một bầu không khí thích hợp mới có thể đảm bảo cho trẻ có tâm trạng vui vẻ, tập trung đọc sách. Cái gọi là “Thư hương môn đệ đa tài tử” chính là không khí đọc sách của gia đình, yếu tố quan trọng để bồi dưỡng nên những bậc tao nhân mặc khách. Nếu cha mẹ là phần tử trí thức, vốn có thói quen đọc sách, tự nhiên con cái cũng có những ảnh hưởng tốt.

“Bầu không khí” ở đây bao gồm hai phương diện, thứ nhất là trang thiết bị. Như trên đã nói, trong nhà phải có sách để đọc, trong giới hạn điều kiện kinh tế cho phép, có thể tận dụng mọi điều kiện để mua càng nhiều sách càng tốt, mà phải đầy đủ các chủng loại như sách bách khoa toàn thư, sách văn học, sách lịch sử, sách địa lí... Cũng nên chuẩn bị một số sách tra cứu để trẻ có thể tự tra cứu khi không hiểu, hoặc muốn hiểu rõ. Ngoài ra phải có nơi để đọc sách, ví dụ một căn phòng yên tĩnh, một chiếc bàn, một cây đèn... Thử nghĩ xem, nếu như trong nhà ngay cả bàn đọc sách cũng không có thì làm sao trẻ có thể yên tâm đọc sách được.

Thứ hai là điều kiện “phần mềm”. Trước hết trong nhà phải có một không gian yên tĩnh để đọc sách. Chúng ta không thể bắt trẻ đọc sách trong khi tivi đang bật to hết cỡ, hoặc trong nhà ồn ào, ầm ĩ với tiếng uống rượu, chơi mạt chược của người lớn được. Tốt nhất các thành viên trong nhà đều phải có thói quen đọc sách, cùng nhau đọc sách hàng ngày, cùng nhau thảo luận những nội dung đọc được. Như vậy trẻ rất dễ chìm đắm trong biển sách vô biên. Khả năng thích nghi của trẻ rất cao, trẻ cũng rất dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh. Muốn trẻ thích đọc sách, đầu tiên bản thân cha mẹ cũng phải thích đọc sách.

4. Thường xuyên đưa con đi hiệu sách

Đưa trẻ đi hiệu sách là con đường tốt nhất giúp trẻ tiếp xúc với sách vở. Ngoài ra có thể đưa trẻ đến những nơi như thư viện, hội chợ triển lãm sách... Những địa điểm như vậy không chỉ giúp trẻ cảm nhận được không khí đọc sách say mê, giúp trẻ có thể tìm thấy những cuốn sách hay cho mình; mà khi đến đó, được thưởng thức nâng niu những cuốn sách mới, được cảm nhận mùi thơm của giấy mực, trẻ sẽ vui vẻ. Như vậy, có thể bồi dưỡng tình cảm của trẻ đối với sách.

Những năm gần đây, chỉ cần có thời gian là tôi đưa Y Y đi hiệu sách, lên thư viện hoặc là đi hội chợ sách. Dần dần, đến hiệu sách, lên thư viện trở thành sở thích chung của hai cha con tôi. Lúc đầu đi hiệu sách, tôi thường phải đi theo Y Y, quan sát xem con đọc sách gì, khi cần thiết thì hướng dẫn con chọn sách. Bây giờ, bước vào hiệu sách thì cha con tôi mỗi người một nơi, tự tìm những cuốn sách mình thích, rồi đắm chìm trong thế giới riêng của mình. Rất nhiều lần tôi giục con đi ra ngoài vì mệt, nhưng con vẫn tỏ vẻ nuối tiếc: “Đợi con xem xong cuốn sách này đã, được không ạ?”. Lần nào đến hiệu sách chúng tôi cũng chọn mua được những cuốn sách mà mình yêu thích nhất, đem về đọc kĩ.

5. Cảm nhận được niềm vui của việc đọc sách

Sở dĩ trẻ thích chơi trò chơi là bởi vì chơi trò chơi làm trẻ thấy vui. Như vậy muốn trẻ thích đọc sách, cũng phải cho trẻ cơ hội cảm nhận niềm vui khi đọc sách. Bạn có thể đưa trẻ đi tham gia các cuộc thi có hoạt động đọc sách, khi trẻ có một chút thành tích thì phải kịp thời khẳng định... Ngoài ra khi trẻ đang chăm chú đọc sách, chúng ta không được làm phiền trẻ, càng không thể yêu cầu trẻ làm theo sở thích của chúng ta. Điều bạn cần làm là chia sẻ niềm vui niềm hứng thú này, chứ không phải là phá vỡ không khí của trẻ.

Ngoài ra, khi trẻ nói với chúng ta niềm vui và sự thu hoạch của trẻ khi đọc sách, bạn phải thể hiện niềm vui giống trẻ, chia sẻ thành quả đọc sách với trẻ, như vậy sẽ làm trẻ càng có cảm giác thu hoạch, đồng thời càng có hứng thú với việc đọc sách.

Từ khi Y Y học lớp một, con đã bắt đầu đọc báo Văn học. Khi kì một của lớp hai kết thúc, báo Văn học tổ chức cuộc thi “Hỏi đáp kiến thức đọc báo”, Y Y liền nói với tôi rằng con muốn tham gia hoạt động này. Tôi ủng hộ con. Thế là Y Y bắt đầu trả lời các câu hỏi. Tôi vẫn nhớ câu hỏi cuối cùng “Kiến nghị và ý kiến của bạn đối với báo Văn học?”. Y Y trả lời những bài viết của báo Văn học (Bản dành cho nhi đồng) đại đa số đều chú thích phiên âm, nhưng đầu đề bài viết lại không có, con kiến nghị tòa soạn nên chú thích phiên âm cho đầu đề bài viết.

Hai tháng sau, báo Văn học gửi cho Y Y một bưu kiện, đó là một giấy khen, Y Y đã đạt giải ba trong cuộc thi này; kèm theo phần thưởng là một túi bút rất đẹp. Y Y vui sướng nhảy lên, tôi dang rộng hai tay ôm con vào lòng và nói: “Con thật giỏi!”.

Từ đó, Y Y càng thích đọc báo Văn học hơn, mỗi kì báo ra, con đều chăm chỉ đọc hết bài viết này đến bài viết khác. Tính tích cực của con đối với việc đọc báo càng lớn thì đương nhiên tính tích cực này cũng được thể hiện trên phương diện đọc sách.

6. Không ngừng làm mới quan niệm tư tưởng

Đồng thời với việc hướng dẫn trẻ đọc sách, các bậc phụ huynh cũng phải thường xuyên đọc sách. Làm thế không chỉ là làm gương cho trẻ, phát huy tác dụng mưa dầm thấm lâu; mà còn có thể trưởng thành cùng trẻ, không ngừng làm mới quan niệm của mình; từ đó kịp thời hướng dẫn và giúp trẻ đọc sách một cách khoa học. Không ít phụ huynh ủng hộ trẻ đọc sách, nhưng do quan niệm cổ hủ, không tiếp nhận những sự vật hiện tượng mới, chỉ hạn chế cho trẻ đọc những sách tham khảo liên quan đến môn học trên lớp hoặc là những tác phẩm nổi tiếng, còn những sách mà mình không biết thì cấm trẻ đọc. Xu thế này có thể làm hạn chế tầm nhìn của trẻ, làm phạm vi đọc của trẻ bị thu hẹp, từ đó tạo nên sự thiếu hụt về tri thức và năng lực. Chúng ta nên để trẻ phát triển toàn diện, hướng dẫn trẻ đọc nhiều sách vở; ngao du trong đại dương sách rộng lớn, trẻ mới có được những “dinh dưỡng” phong phú, không mắc bệnh “kén thức ăn”.

Nói tóm lại, thời đại “hai tai không quan tâm mọi sự, chỉ một lòng đọc sách thánh hiền” đã là quá khứ, bởi “ngoài sách vở, còn có nhiều thứ tốt đẹp khác”. Khiến trẻ có hứng thú với việc đọc, biến việc đọc trở thành phương thức sống, điều đó đồng nghĩa với việc cho trẻ chìa khóa mở cánh cửa kho tàng tri thức, chắp cánh để trẻ bay lên bầu trời rộng lớn...

Thực ra, cha con cùng nhau đọc sách chính là một cách quan trọng để bồi dưỡng hứng thú của trẻ với việc đọc. Bồi dưỡng hứng thú của trẻ với việc đọc sách, cùng trẻ đọc sách, là một hoạt động quan trọng trong giáo dục gia đình; vừa có thể hướng dẫn trẻ học tập tri thức, vừa giúp cha mẹ bước vào thế giới tâm hồn trẻ, tăng thêm ngôn ngữ chung trong giao tiếp giữa cha mẹ và con cái; lại vừa thúc đẩy sự trưởng thành của trẻ.

Đọc sách có thể ảnh hưởng đến cuộc đời của con người, có thể thay đổi vận mệnh của một con người. Tôi chính là một minh chứng sống.

Phần 13: Internet là để “dùng”

Rất nhiều thành phố có quy định rõ ràng là tất cả học sinh cấp hai đều phải biết sử dụng máy tính. Có thể thấy, bắt trẻ tránh xa internet đồng nghĩa với việc tách trẻ ra khỏi xã hội, cũng đồng nghĩa với việc tương lai trẻ sẽ bị xã hội đào thải.

Bước vào thế kỉ mới, chúng ta đón chào một thời đại mới - thời đại internet.

Trong xã hội hiện đại, công nghệ thông tin phát triển vô cùng mạnh mẽ, xâm nhập vào mọi mặt của đời sống con người. Sự xuất hiện của hệ thống mạng đem đến cho con người rất nhiều tiện ích, ví dụ: mua đồ trực tuyến, đọc sách trực tuyến, giáo dục từ xa, làm việc trên mạng, giao dịch thương mại điện tử. Có không ít học sinh cấp hai đã tìm thấy được niềm vui và niềm hứng thú vô biên với việc học nhờ internet.

Tác dụng của internet không chỉ giới hạn ở việc tích lũy và truyền bá thông tin. Không gì có thể phủ nhận, ngày nay năng lực tiếp nhận thông tin và năng lực xử lí thông tin đều là nhân tố quyết định tới công việc, xã hội và môi trường văn hóa của con người. Ở các nước phương Tây phát triển, các trường học đã bắt đầu tiến hành hình thức giảng dạy học tập không cần sách vở. Ở Trung Quốc, để mọi người đều học tập và nắm vững công nghệ thông tin, biết cách sử dụng máy vi tính và internet, đã trở thành một nội dung, một nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục.

Xã hội phát triển, những người không có cơ hội tiếp xúc, học tập và nắm vững công nghệ thông tin sẽ rất khó xin việc, dễ bị xã hội đào thải. Rất nhiều thành phố đã có quy định rõ ràng là tất cả học sinh cấp hai đều phải biết sử dụng máy tính. Lẽ nào chỉ vì lo lắng trẻ sẽ hư hỏng khi sử dụng internet mà bắt trẻ phải tránh xa internet, hay chính là tách trẻ ra khỏi xã hội, cũng đồng nghĩa với việc tương lai trẻ sẽ bị xã hội đào thải sao?

Hiện nay đề cập đến các trò chơi trên mạng, hầu như tất cả các bậc phụ huynh đều thay đổi sắc mặt. Họ không dám cho con chơi các trò đó, bởi nghĩ rằng nó giống thuốc độc đối với trẻ. Vì thế để tránh việc đó xảy ra, họ không mua máy tính, hoặc là có mua nhưng không nối mạng, hoặc có nối mạng cũng kiên quyết không cho trẻ động tay vào.

Tôi có một người bạn, vì quan hệ công việc nên máy tính ở nhà nhất định phải nối mạng, nhưng lại lo lắng cô con gái học trung học nghiện lên mạng, nghĩ đi nghĩ lại, đành vụng trộm dùng điện thoại lên mạng, hôm nào cũng đợi đến đêm khuya, con ngủ say mới kết nối mạng. Dùng xong, lại rút dụng cụ kết nối mạng ra và giấu đi. Những phụ huynh giống như bạn tôi rất nhiều, cả ngày giám sát con, không ngớt càu nhàu về con... chỉ để ngăn cản con lên mạng chơi điện tử.

Thực tế đúng là có rất nhiều trẻ nghiện lên mạng, nghiện chơi game trên mạng, nghiện chat… điều đó ảnh hưởng rất xấu đến sự trưởng thành của trẻ. Rất nhiều trẻ nghiện mạng đến không thể dứt ra nổi, nghiện đến nỗi quên ngày quên đêm, quên ăn quên ngủ, trốn học để lên mạng. Những đứa trẻ này thường không biết khống chế bản thân, khống chế thời gian, khống chế chi phí lên mạng; chúng không biết chọn nội dung, cũng không biết thận trọng khi kết bạn trên mạng; gây ra bao nỗi phiền muộn cho cha mẹ và thầy cô. Nhưng vì điều này mà không cho trẻ lên mạng, thì cũng không phải là cách hay.

Đại Vũ(*) trị thủy không bằng cách ngăn nước, mà để nước lưu thông. Đối với trẻ, internet là công cụ học tập, là cửa sổ để hiểu biết thế giới, và trên mạng cũng có những trò chơi giải trí phù hợp.

(*) Đại Vũ chính là vua Hạ Vũ, một vị vua huyền thoại của Trung Quốc cổ đại nổi tiếng về việc chống lũ.

Vì thế hướng dẫn học sinh lên mạng thế nào để có lợi đã trở thành một vấn đề thiết thực. Cha mẹ có thời gian nên cùng con lên mạng tìm hiểu, cùng con tận hưởng niềm vui mà internet mang đến. Cha mẹ phải giúp đỡ con tránh những hiểm họa của internet, hướng dẫn con tiếp nhận các tri thức trên mạng một cách đúng phương hướng. Không thể vì trên mạng tồn tại những văn hóa xấu mà cấm trẻ dùng, điều mấu chốt là việc định hướng cho trẻ.

Vậy, chúng ta nên dạy con cách tận dụng internet như thế nào? Tôi xin mạn phép được đưa ra một vài gợi ý dưới đây.

Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha

1. Phải xác định mục đích rõ ràng của việc dùng internet

Cho trẻ biết, lợi ích lớn nhất của việc dùng internet chính là nguồn thông tin dồi dào mà nó đem lại. Các bậc phụ huynh phải có ý thức hướng dẫn trẻ biết cách tìm kiếm thông tin mình cần trên internet, đồng thời tích cực áp dụng nó vào cuộc sống, công việc và học tập. Hãy yêu cầu trẻ phải dùng internet một cách văn minh, lành mạnh. Tại sao hiện tượng thanh thiếu niên nước ngoài nghiện mạng lại không nghiêm trọng như chúng ta? Có chuyên gia nói rằng, ở nước ngoài điều đầu tiên cha mẹ sẽ dạy con là cách sử dụng máy tính và internet một cách lành mạnh. Ở Mỹ, cha mẹ dùng máy tính và internet; con cái nhìn, học theo và trưởng thành. Ở Trung Quốc, vẫn tồn tại hiện tượng bản thân cha mẹ dùng internet cũng không văn minh, cũng nghiện chat, cũng nghiện game, bảo sao trẻ không bị lây nhiễm.

Thế mới nói, dùng internet văn minh thì phải lấy hướng dẫn làm công tác chủ đạo, dự phòng chỉ là phụ. Các bậc phụ huynh không thể coi máy tính là hồng thủy, thú dữ; internet là xu hướng phát triển không thể ngăn cản, chúng ta phải chủ động tiếp nhận thử thách này. Muốn con không bị sa đà, lạc hướng thì trước tiên cha mẹ phải học được cách sử dụng máy tính một cách đúng đắn, lành mạnh, khoa học, có như vậy mới ảnh hưởng tốt đến con.

2. Phải thường xuyên trao đổi với trẻ những hiểu biết khi dùng internet

Phải trao đổi với trẻ về cách nhìn nhận một số thông tin trên mạng, như trên mạng có thông tin gì mới, con cảm thấy việc này thế nào… Lưu ý trao đổi với trẻ bằng thái độ bình đẳng, để biết được cách nghĩ chân thực của trẻ; đồng thời cũng nói với trẻ cách nhìn nhận của mình để hướng dẫn trẻ. Nếu tôi thấy trên mạng có những thông tin mà Y Y cảm thấy hứng thú, tôi sẽ chia sẻ cùng con, Y Y cũng làm thế với tôi. Xem xong, chúng tôi thường trao đổi cách nghĩ của mỗi người về thông tin đó. Như vậy, vừa có thể tận dụng internet để học tập, vừa có thể dùng nó để giải trí, vừa có thể gắn kết tình cảm cha con.

Trẻ dùng internet là cần thiết. Các bậc cha mẹ có thể cùng lên mạng với con như cách tôi đã làm. Nhưng trước đó, hãy làm tốt công tác dự phòng, hướng dẫn trẻ tỉ mỉ, cụ thể làm thế nào để dùng internet có ích nhất cho cuộc sống và học tập. Hãy giới thiệu cho trẻ một số trang web, diễn đàn có ích. Hãy cho trẻ một nền tảng tốt trước khi trẻ dùng internet. Thực ra cho trẻ tiếp xúc với internet càng sớm, thì càng có lợi cho việc trẻ sử dụng internet một cách đúng đắn, mà không bị mê muội trong đó.

3. Phải giới hạn thời gian lên mạng

Tính tự giác của trẻ chưa cao, rất dễ nghiện mạng, nếu như dùng cách thô bạo cấm trẻ lên mạng hoàn toàn, dễ dẫn đến phản ứng ngược. Phương pháp đúng đắn là cùng trao đổi để có cách nhìn chung với trẻ, sắp xếp thời gian cố định lên mạng, không vượt quá một đến hai tiếng mỗi ngày mà không gây ảnh hưởng đến việc học. Phải cho trẻ biết internet chỉ là một loại công cụ hỗ trợ trong học tập và cuộc sống, lạm dụng internet một cách quá mức không chỉ ảnh hưởng đến học tập mà còn có hại cho sức khỏe.

Chỉ cần lưu ý tới nguyên nhân này: Trẻ nghiện lên mạng không phải là lỗi của trẻ, cũng không phải là lỗi của mạng, mà là lỗi của cha mẹ. Nếu cha mẹ có thể dành thời gian cho con, quan tâm đến thế giới nội tâm của con, giao lưu nhiều với con, là người bạn của con; nếu cha mẹ cho con quyền được chơi, không cấm con chơi những trò chơi con yêu thích, tạo cho con không gian và điều kiện chơi nhiều hơn, chứ không phải chỉ nói những lời đại loại như: “Con phải chăm chỉ học tập”; nếu cha mẹ có thể tạo cơ hội cho con gặp gỡ, tiếp xúc, giao lưu nhiều với môi trường, với bạn bè, động viên con tham gia các hoạt động tập thể; nếu cha mẹ có ý thức học hỏi, không ngừng nâng cao năng lực giáo dục, có nhận thức đúng đắn về internet, biết điều tiết, điều chỉnh kịp thời phương thức giáo dục của mình với con... thì chắc chắn con bạn sẽ khác.

Thái độ của Y Y đối với internet có thể chứng minh, nếu chúng ta hướng dẫn đúng cách, máy vi tính sẽ biến thành đồ chơi trí tuệ hữu ích vừa đem đến cho trẻ niềm vui, lại vừa có thể nâng cao năng lực tổng hợp của trẻ. Lúc 3 tuổi, Y Y đã bắt đầu tiếp xúc với internet, học cách khống chế chuột, thao tác bàn phím, tìm kiếm đơn giản... Dần dần Y Y trở thành cao thủ internet, ngay cả tôi và vợ tôi có lúc cũng phải hỏi con.

Hàng ngày tôi đều sắp xếp một khoảng thời gian cố định cho con lên mạng. Lúc đó, Y Y có thể tự do làm những việc mình thích trên mạng. Hết thời gian, Y Y sẽ tự giác tắt máy tính.

Tôi còn dạy Y Y cách chơi cờ tướng trên mạng. Như vậy, tôi có thể là người bạn chơi vui vẻ của con. Bây giờ, lên mạng đã trở thành một hoạt động thường nhật thiết yếu với Y Y, con trở nên gần gũi với internet hơn, hiểu được cách làm thế nào để tận dụng internet, làm thế nào để trở thành chủ nhân của internet.

Internet là con dao hai lưỡi, nếu biết cách tận dụng thì nó trở nên hữu ích với cuộc sống; bằng không nó sẽ là thứ vô bổ, có hại đến chúng ta. Cũng giống như con dao trong bếp vậy, với các bà nội trợ, nó là công cụ hữu ích; với những kẻ giết người, nó lại là một hung khí sát nhân.

Xã hội loài người đã bước vào thời đại công nghệ thông tin, không biết sử dụng máy tính sẽ trở thành người mù chữ. “Máy tính xóa mù chữ” bắt đầu từ việc chơi game trên mạng. Điều đó sẽ khiến trẻ yêu thích máy tính, xóa bỏ cảm giác mới mẻ của trẻ đối với máy tính, dần biết cách sử dụng máy tính và internet hợp lí.