Người cha tốt hơn là người thầy tốt - Chương V - Phần 01 - 02

Chương V

NGƯỜI CHA TỐT LÀ NGUỒN SỨC MẠNH CHO TRẺ

Phần 1: Để tự tin giúp trẻ thành tài

Thường xuyên lấy nhược điểm và thiếu sót của con mình để so sánh với ưu điểm và điểm mạnh của con nhà người khác, thì trẻ tự ti là điều không tránh khỏi.

Bill Gates là nhân vật cả thế giới đều biết đến, trong thời gian 20 năm ngắn ngủi, ông ta đã có một khối tài sản khổng lồ, trở thành người giàu nhất thế giới, cũng đạt được thành tựu to lớn làm thế giới quan tâm.

Sau khi sáng lập công ty phần mềm, Bill Gates đã viết một bức thư cho cha mẹ của mình, trong đó có đoạn:

Cha mẹ yêu quý, cảm ơn cha mẹ! Cha mẹ không bao giờ nói con kém cỏi hơn những đứa trẻ khác. Cho dù trên một phương diện nào đó con thực sự không bằng họ nhưng cha mẹ luôn nói với con: “Con à, con không kém cỏi hơn bất kì đứa trẻ nào, hãy tin vào bản thân, con là người giỏi nhất!”. Sự động viên như ánh sáng mặt trời của cha mẹ đã khiến con có lòng tự tin mạnh mẽ làm động lực, giúp con dần dần đi đến thành công, bước đến sự huy hoàng trong cuộc đời!

Sau khi đọc xong đoạn này, tôi nghĩ đến một người cha. Phương pháp giáo dục con cái của ông ta hoàn toàn tương phản với người cha của Bill Gates. Ông ta thường xuyên đem những thiếu sót của con cái mình so sánh với những ưu điểm của con nhà người khác, và cho rằng như vậy có thể làm con nỗ lực vươn lên.

“Bạn X trong lớp con mỗi lần thi đều đạt điểm cao hơn con, tất cả các môn học đều rất xuất sắc, thành tích luôn luôn đứng đầu. Nhưng thành tích của con chưa từng vượt qua bạn ấy, con biết tại sao không? Sau khi tan học người ta về nhà làm bài tập, làm bài tập xong lại đọc sách.

Nhưng con tan học là lên mạng chơi game, mở vở bài tập ra chưa viết được mấy chữ, hễ nghe thấy tiếng hát của Châu Kiệt Luân là ngay lập tức ném bút lên bàn, chạy đến trước màn hình tivi vừa hát vừa nhảy, quên luôn chuyện làm bài tập. Thái độ và thành tích học tập của con kém xa người ta”.

Đây chính là phương pháp giáo dục gia đình kiểu mà chúng ta thường thấy.

Thường xuyên lấy nhược điểm và thiếu sót của con mình để so sánh với ưu điểm và điểm mạnh của con nhà người khác, thì trẻ tự ti là điều không tránh khỏi, trẻ sẽ cảm thấy mình kém cỏi hơn các bạn khác Phương pháp giáo dục so sánh như thế này không hợp lí.

Mỗi đứa trẻ đều có ưu điểm và nhược điểm riêng, không được so sánh chúng với nhau. Phải cố gắng phát hiện những điểm sáng của trẻ, đồng thời động viên khích lệ, làm cho trẻ tự tin. Phải nói với trẻ con là người giỏi nhất.

Tự tin là một tâm thế tích cực, là dũng khí giúp con người đối mặt với những thách thức trong những giai đoạn khác nhau của cuộc đời, chỉ có tin tưởng bản thân, tôn trọng bản thân mới có thể tích cực vươn lên, dũng cảm tiến về phía trước.

Trong cuộc sống, một người tự tin nhất định là người mạnh mẽ, người đó hiểu rõ ưu điểm cũng như nhược điểm của mình, vì thế tự tin phát huy các ưu điểm. Một người có tri thức, chưa chắc có thể bay xa, nhưng một người tự tin lại có thể đi khắp chân trời góc bể.

Chúng ta không khó phát hiện ra những người giàu lòng tự tin có thể nắm bắt thời cơ, tràn đầy tự tin đối mặt với thách thức, nghĩ mọi cách để đạt được thành công; còn những người không có lòng tự tin luôn luôn lùi bước trước khó khăn thì sẽ thất bại trong cuộc sống.

Tóm lại, bồi dưỡng lòng tự tin của trẻ có tác dụng quan trọng trong cuộc đời trẻ. Đây cũng chính là tố chất tâm lí cần thiết để trẻ thành tài. Muốn làm cho trẻ có tố chất tâm lí mạnh, đầu tiên phải bồi dưỡng cho trẻ lòng tự tin.

Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha

1. Nói với trẻ “Con rất giỏi”

Thái độ của cha mẹ đối với trẻ rất quan trọng. Sự khẳng định, động viên của cha mẹ, sẽ làm cho trẻ vô cùng tự tin. Thử nghĩ xem, nếu như ngay cả cha mẹ cũng không cho rằng con mình làm được thì trẻ phải tìm sự tự tin ở đâu?

Từ khi con gái tôi có thể tự mình làm việc, câu nói mà tôi nói với con nhiều nhất là: “Con thật là giỏi!”.

Tôi còn thường xuyên nói với con: “Cha tin con có thể làm được!”.

Cho nên, Y Y ngay từ nhỏ đã thích nói “Yên tâm đi, con làm được!” hoặc là khi người khác muốn giúp đỡ con bé, con bé liền kiên quyết từ chối: “Cháu tự làm được!”, mặt đầy vẻ tự tin kiên định.

Rất ít khi tôi nghe thấy con nói những lời tiêu cực như “Con không thể”, “Con không dám” hay “Con không biết”.

Trên phương diện tâm lí học và giáo dục học có một thực nghiệm nổi tiếng về vấn đề này. Thực nghiệm này do nhà tâm lí học nổi tiếng người Mỹ - giáo sư Robert Rosenthal hoàn thành.

Ông chia một đàn chuột bạch thành hai nhóm, nhóm A và nhóm B. Ông nói với người nuôi dưỡng nhóm A, chuột trong nhóm này rất thông minh; đồng thời lại nói với người nuôi dưỡng nhóm B, nhóm chuột này có trí tuệ bình thường.

Mấy tháng sau, vị giáo sư này tiến hành kiểm tra cho hai nhóm chuột vào mê cung, và phát hiện ra chuột nhóm A thực sự thông minh hơn chuột nhóm B, chúng có thể ra khỏi mê cung và tìm thấy thức ăn trước.

Thế là Rosenthal nghĩ hiệu ứng này có thể xảy ra ở người hay không? Ông ta đến một trường trung học bình thường, đi vào một lớp bất kì, sau đó khoanh tròn tên mấy học sinh, rồi nói với giáo viên của chúng rằng những đứa trẻ này có chỉ số thông minh rất cao, rất thông minh.

Một thời gian sau, giáo sư lại đến trường học này. Kì tích đã xảy ra, những học sinh được ông lựa chọn ra đã trở thành những học sinh xuất sắc trong lớp. Lúc này giáo sư mới nói với giáo viên của chúng rằng bản thân không hiểu biết gì về những học sinh này. Điều này khiến giáo viên rất kinh ngạc.

Tại sao lại xuất hiện hiện tượng này?

Chính là ma lực thần kì của sự kì vọng đã phát huy tác dụng. Giáo sư Rosenthal là nhà tâm lí học nổi tiếng, rất có uy tín. Các thầy cô giáo tin tưởng sâu sắc vào lời nói của ông nên đã có kì vọng tích cực đối với những học sinh mà ông chọn ra, đối xử với chúng như những đứa trẻ thông minh; mà những học sinh này cũng cảm nhận được sự kì vọng này, cũng cho rằng mình là người thông minh, từ đó nâng cao lòng tự tin, nâng cao tiêu chuẩn yêu cầu với bản thân, cuối cùng chúng thật sự đã trở thành những học sinh xuất sắc.

Đây chính là “Hiệu ứng Pygmalion” nổi tiếng. Động viên con bạn, xây đắp cho chúng lòng tự tin, kì vọng của bạn sẽ quyết định phần lớn tương lai của trẻ.

2. Kịp thời động viên và cho trẻ sự tự tin

Tự tin bắt nguồn từ tâm lí tích cực, tự ti bắt nguồn từ tâm lí tiêu cực.

Tâm lí tích cực của con người một khi đã hình thành sẽ giống cánh buồm giúp bạn thành công; ngược lại, tâm lí tiêu cực của con người một khi đã hình thành mà không kịp thời loại bỏ, thì sẽ ảnh hưởng đến thành công của bạn.

Khi trẻ làm việc gì đó thất bại, chúng ta phải nói với trẻ, thất bại là chuyện bình thường, không được nản chí, phải tràn đầy tự tin bắt đầu lại. Trẻ sẽ rất nhanh chóng xây dựng sự tự tin dưới sự cổ vũ của chúng ta, trẻ sẽ nhớ rõ: Thất bại một lần không đồng nghĩa với mãi mãi thất bại.

Khi Y Y lần đầu tiên vượt cấp, kiểm tra tiếng Anh giữa kì chỉ đạt 47 điểm. Con khóc, về nhà trong tâm trạng buồn bã cực điểm.

Tôi không hề phê bình con nửa câu, ngược lại vỗ vai con biểu dương: “Con được 47 điểm là rất tốt rồi. Điều này thể hiện tri thức của 47 điểm này con hoàn toàn nắm vững. Thử nghĩ xem, so sánh với các bạn cùng lớp, con ít hơn các bạn 2, 3 tuổi, mà còn học sau các bạn một năm, các bạn được 80, 90 điểm, con được 47 điểm, con không hề kém cỏi hơn các bạn. Hơn nữa, khi cha lớn bằng con, ngay cả 26 chữ cái cũng không thuộc, con xuất sắc hơn cha hồi nhỏ rất nhiều!”. Y Y cuối cùng đã lau nước mắt và cười.

Trong kì thi cuối kì 3 tháng sau, môn tiếng Anh của con đã đạt 97 điểm.

Muốn trẻ tự tin, đầu tiên người cha phải tự tin. Rất khó tưởng tượng ra một người cha không tự tin lại bồi dưỡng nên một đứa trẻ tự tin.

Có một lần, tôi và vợ đưa Y Y đến công viên Ngũ Ly Hà ở Thẩm Dương chơi. Khi nhìn thấy mấy người bạn đang chơi rất vui vẻ trên mấy loại dụng cụ thể dục leo trèo, con cũng muốn chơi, nhưng vợ tôi không yên tâm, khuyên con nên chơi những trò chơi đơn giản, có chỉ số an toàn cao. Con gái cầu cứu tôi, tôi khuyên vợ nên đáp ứng yêu cầu của con gái.

Để vợ tôi yên tâm và động viên con gái, tôi cũng trèo lên, cùng con gái chơi. Tôi nhanh chóng trèo lên, hoàn thành động tác rồi lại nhảy xuống, nhưng sau khi con gái leo lên liền sợ hãi, không dám trèo lên nữa, nói: “Cha ơi, mau bế con xuống”. Tôi xem xét tình hình xung quanh, xác định là an toàn, không có vấn đề gì liền trả lời: “Xuống để làm gì, không sao, cứ trèo lên đi!”. Dưới sự động viên của tôi con gái cuối cùng cũng chiến thắng khó khăn.

Tôi thường xuyên nói với Y Y, người tốt nghiệp tiểu học như cha làm thế nào để đi đến ngày hôm nay. Thông qua quá trình trưởng thành gian khổ của tôi, con cảm nhận được sức mạnh của tôi, cho nên khi làm việc con cũng giống tôi, luôn tràn đầy tự tin, không dễ dàng từ bỏ.

Một người đàn ông không tự tin thì không phải là một người đàn ông chân chính, một người cha không tự tin thì không phải là một người cha đạt tiêu chuẩn, cũng không thể trở thành tấm gương của trẻ, chỉ khiến trẻ càng thiếu tự tin, mà một con người không có lòng tin thì không thể làm được gì.

3. Tự tin là sức mạnh vô biên

Những người thành công từ xưa đến nay đều có một đặc điểm chung - tự tin.

Chính sự tự tin đã khích lệ họ đi tới thành công. Ví dụ như một người mà mọi người đều biết - Hàn Hàn (1982). Bất luận trong sáng tác văn học, hay là trong cuộc đua xe F1, anh ta luôn cho rằng mình là người giỏi nhất. Cho nên, anh ta đã viết ra những cuốn sách nổi tiếng Tam trùng môn, Trường An loạn, đồng thời giành quán quân trong cuộc đua xe năm 2007.

Tự tin có thể giúp chúng ta phát hiện ra sở trường của mình, từ đó có động cơ tích cực, động viên bản thân phát huy sở trường, để đạt được mục tiêu.

Tự tin là cảm giác tin tưởng bản thân sau khi đánh giá chính xác về bản thân mình, nó có thể khích lệ mọi người lựa chọn những hướng đi khó nhưng lại là con đường tất yếu phải đi qua của bản thân, đồng thời bất chấp tất cả tiến về phía trước. Trong quá trình phấn đấu, tự tin động viên con người khắc phục khó khăn, dũng cảm tiến về phía trước.

Sự thành công của nhà diễn thuyết nổi tiếng người Hy Lạp cổ đại - Demosthenes (384 TCN-322 TCN) là một minh chứng rất rõ ràng. Ông vốn bị nói lắp nghiêm trọng, thở khó khăn, tiếng rất nhỏ. Trong thời đại ông sống, Hy Lạp rất sùng bái thuật hùng biện, ông liền quyết tâm phải trở thành một nhà hùng biện, đồng thời tin tưởng bản thân có thể thành công. Vậy là ông cố gắng rèn luyện, ngậm đá trong miệng để luyện nói, nhốt mình vào hầm để rèn luyện, học tập theo những người nổi tiếng. Từ những nỗ lực rèn luyện gian khổ của mình, cuối cùng ông đã trở thành nhà hùng biện nổi tiếng.

Điều này nói lên sự tự tin có thể làm cho người bình thường làm nên một sự nghiệp to lớn. Tự tin là nguồn gốc sức mạnh để con người thành công.

Người có lòng tự tin vừa không tự ti, không tự phụ, vừa có thể nhận thức chính xác về bản thân. Dưới tiền đề đánh giá hợp lí những nhân tố nội tại của bản thân như tri thức, năng lực, phẩm chất, tính cách... tin tưởng mình có ưu điểm nhất định ở các mặt này, tin tưởng mình có thể khắc phục nhược điểm còn tồn tại, có thể nhìn thấy bản thân có tiềm lực rất lớn để khai phá và phát huy.

Cha đẻ của thuyết tiến hóa Charles Darwin lúc nhỏ học không tốt, rất nhiều người cho rằng ông là một đứa trẻ “hết sức bình thường”. Nhưng ông không hề nản lòng mà luôn kiên định tiến lên thực hiện mục tiêu mình đã lựa chọn, không ngại gian khổ thực hiện chuyến đi khảo sát vòng quanh thế giới trong vòng 5 năm, thu thập một lượng lớn tài liệu về địa chất và sinh vật. Sau đó qua 20 năm phân tích, tổng hợp và viết lách cuối cùng ông đã hoàn thành một tác phẩm vĩ đại mang ý nghĩa vượt thời đại “Ngồn gốc muôn loài” (Tên gốc: On the Origin of Species).

Điều này cho thấy mỗi con người đều có tiềm năng rất lớn, chỉ cần tin tưởng bản thân, nỗ lực phấn đấu, sẽ có thể khai phá tiềm năng, đạt được thành công.

Phần 2: Cho trẻ tính cách lạc quan

Người lạc quan đều nhìn thấy cơ hội trong những hiểm nguy, còn người bi quan trong mỗi cơ hội đều nhìn thấy sự nguy hiểm.

Lạc quan là một thái độ sống tích cực.

Trong sa mạc rộng lớn, khi hai người nọ đang chật vật tiến bước, thấy chỉ còn lại nửa chai nước, người bi quan sẽ nói, “Ôi, chỉ còn nửa chai nước thôi” nhưng người lạc quan lại nói, “A, còn nửa chai nước nữa”. Cuối cùng người bi quan mãi mãi ở lại sa mạc, còn người lạc quan sẽ thoát ra khỏi sa mạc.

Tôi đã từng hai lần đi qua sa mạc, nên có cảm nhận sâu sắc với vấn đề này.

Đối mặt với cùng một hiện tượng, có tâm thế không giống nhau, sẽ nảy sinh kết quả không giống nhau: Người bi quan vĩnh viễn chỉ nhìn thấy sự thất vọng, nhưng người lạc quan lại có thể nhìn thấy hi vọng.

Người và người chỉ có sự khác biệt rất nhỏ, nhưng sự khác biệt rất nhỏ này lại tạo nên sự khác biệt vô cùng to lớn. Sự khác biệt rất nhỏ chính là tâm thế vốn có là tích cực hay tiêu cực, sự khác biệt lớn chính là thành công và thất bại.

Nếu một người luôn có tâm thế tích cực, thì anh ta nhất định sẽ đạt được hạnh phúc. Có nghĩa là tâm thế quyết định thành công. Người lạc quan đều nhìn thấy cơ hội trong những hiểm nguy, nhưng người bi quan trong mỗi cơ hội đều nhìn thấy sự nguy hiểm.

Có một người cha đã tiến hành “cải tạo tính cách” cho một cặp anh em sinh đôi, vì trong đó có một người quá lạc quan, một người lại quá bi quan. Một hôm ông mua rất nhiều đồ chơi mới đầy màu sắc cho đứa trẻ bi quan chơi rồi lại nhốt đứa trẻ lạc quan vào chuồng ngựa đầy phân ngựa. Sáng sớm hôm sau, người cha thấy đứa trẻ bi quan đang khóc nức nở, liền hỏi: “Tại sao con không chơi những đồ chơi kia?”, “Chơi thì sẽ hỏng”, đứa trẻ vẫn tiếp tục khóc.

Người cha thở dài chạy vào chuồng ngựa, lại phát hiện đứa trẻ lạc quan đang vui vẻ móc cái gì đó trong đống phân ngựa. Đứa trẻ đó đắc ý nói với cha, “Con kể cha nghe, con nghĩ trong đống phân ngựa nhất định có một con ngựa con”.

Đối với đa số trẻ em, tính cách lạc quan quyết định sự thành bại trong cuộc đời của chúng.

Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha

1. Phải có phương thức tư duy lạc quan

Trong cuộc sống chúng ta thường phát hiện, có trẻ tuy chỉ 5, 6 tuổi, nhưng luôn luôn buồn rầu, sợ người lạ, sợ nói chuyện, sợ làm sai. Ở trường học, những nơi náo nhiệt, trẻ đều không xuất hiện; ở nhà rất ít khi nói chuyện với cha mẹ, thích thu mình trong căn phòng nhỏ.

Có trẻ thiếu sự tự tin, thường xuyên cho rằng mọi mặt của mình đều không xuất sắc, mọi ưu điểm mà những đứa trẻ khác có thì mình không có, trẻ nghĩ rằng mọi niềm vui trong cuộc sống đều dành cho những trẻ được thầy cô, cha mẹ yêu quý hưởng thụ.

Những đứa trẻ như vậy sau này lớn lên có khả năng trở thành những người theo chủ nghĩa bi quan, thậm chí mắc bệnh về tinh thần. Ngược lại những đứa trẻ lạc quan luôn hoạt bát đáng yêu, tư duy nhanh nhạy, tương lai chúng có thể trở thành những người thành công trong sự nghiệp, xây dựng được một gia đình hạnh phúc.

Ví dụ như lúc này trời mưa, thì phải dẫn dắt trẻ nói “Mưa rồi”, chứ không được nói “Một ngày chết tiệt, lại mưa rồi”. Bởi vì nói như vậy không thể thay đổi được sự thật là trời mưa. Đương nhiên, nếu nói “Tốt quá, lại mưa rồi”, cũng không thể làm trời mưa phát sinh bất kì thay đổi nào nhưng nếu nói như vậy với trẻ, tình hình sẽ hoàn toàn khác. “Ôi, tốt quá, lại mưa rồi! Chim đang hót, cỏ cũng đang hát, chúng đều nhận được sự tưới tắm của mưa”. Truyền niềm vui cho trẻ như vậy, làm cho trẻ dù sống trong môi trường nào cũng luôn có tâm trạng vui vẻ.

Lạc quan là một loại xu hướng tính cách làm cho con người có thể nhìn thấy mặt có lợi của sự việc, kì vọng vào một kết quả có lợi. Có thể có một số trẻ bẩm sinh lạc quan, một số trẻ hoàn toàn ngược lại. Nhưng các nhà tâm lí học phát hiện tính cách lạc quan có thể bồi dưỡng, cho dù bản tính bẩm sinh của trẻ không có phẩm chất lạc quan, cũng có thể có được thông qua nỗ lực.

Muốn bồi dưỡng phẩm chất lạc quan của trẻ, đầu tiên người cha phải có phương thức tư duy lạc quan.

Người cha có thái độ lạc quan khi xử lí vấn đề của bản thân và gia đình có tác dụng thị phạm quan trọng đối với trẻ, trẻ sẽ dần hình thành phẩm chất lạc quan thông qua quan sát và mô phỏng. Khi trẻ gặp chuyện bất lợi mà bi quan, người cha nên dẫn dắt trẻ suy nghĩ vấn đề trên nhiều phương diện, đồng thời cho trẻ hiểu thực sự vấn đề tồn tại trong đó.

Cách người cha phê bình trẻ có đúng đắn hay không sẽ ảnh hưởng đến tính cách sau này của trẻ là lạc quan hay bi quan. Sự phê bình của người cha với trẻ phải đúng mực, không nên đem những lỗi sai thỉnh thoảng trẻ mắc phải nói quá lên thành những lỗi lầm mang tính vĩnh viễn. Cha mẹ nên chỉ ra lỗi và nguyên nhân mắc lỗi cụ thể, làm trẻ hiểu những lỗi mình mắc phải có thể thay đổi, đồng thời biết cách bắt tay vào thay đổi như thế nào.

Tính cách lạc quan của trẻ đầu tiên bắt nguồn từ một gia đình hòa thuận, bắt nguồn từ sự lạc quan tự tin, hài hước phóng khoáng của cha mẹ và đặc biệt là của người cha. Người cha không chỉ phải lạc quan, mà còn phải giúp trẻ đối mặt đồng thời chiến thắng những khó khăn trẻ gặp phải, dùng tinh thần lạc quan của mình gây ảnh hưởng đến trẻ.

Như vậy cho dù trong cuộc sống sau này trẻ gặp khó khăn thử thách, trẻ cũng sẽ luôn luôn giữ một tâm thế tích cực, đồng thời có khả năng chịu áp lực tâm lí, khắc phục khó khăn để thực hiện mục tiêu đã đề ra. Bởi vì sự giáo dục của người cha đã làm cho trẻ tin tưởng mọi điều đều tốt đẹp. Một người có hồi ức tốt đẹp và hạnh phúc về những năm tháng tuổi thơ của mình sẽ luôn luôn tràn đầy hạnh phúc.

Cha mẹ không được tùy tiện trút sự tức giận và không vui của mình lên trẻ, càng không được tùy ý thể hiện thái độ bi quan với trẻ. Mọi thành viên trong gia đình đều nên chú ý đến việc bồi dưỡng tính hài hước. Cha mẹ nên yêu thương và tôn trọng nhau, có vấn đề gì thì cùng nhau thương lượng, không được tùy tiện thể hiện mâu thuẫn trước mặt trẻ.

Người cha nên có sự động viên và hướng dẫn tích cực đối với trẻ, làm người bạn lớn của trẻ, chú ý lắng nghe yêu cầu và ý kiến của trẻ, luôn giảng giải các vấn đề với trẻ bằng giọng điệu mềm mỏng.

Tuyệt đối không thể để tâm hồn non nớt của trẻ trải nghiệm những cảm xúc như lo lắng, sợ hãi, lạnh lùng, đau khổ... quá sớm, mà nên có ý thức giúp trẻ thường xuyên nhìn thấy nụ cười của bạn, như vậy mới có lợi cho sự hình thành tâm thế lạc quan yêu đời của trẻ.

2. Lạc quan và tự tin luôn gắn liền với nhau

Lạc quan và tự tin giống như anh em sinh đôi, luôn gắn liền với nhau. Đối diện với khó khăn, lạc quan giống như một bộ áo giáp, có thể chống chọi mọi sự tấn công và xâm hại; đối mặt với khó khăn, tự tin giống như một chiếc chìa khóa, mở ra tấm lòng dũng cảm tiến về phía trước.

Làm cha nên có nhận thức con mình có một tiềm năng vô cùng to lớn.

Cũng không nên quản lí trẻ quá chặt chẽ, phải để trẻ thử mọi việc, còn phải thường xuyên nói với trẻ “Con làm được”, “Con thử xem!”.

Trẻ em có đặc điểm luôn lấy sự đánh giá của người khác để đánh giá bản thân. Nếu như trẻ thường xuyên nghe thấy cha mẹ nói: “Con làm được!”, tự nhiên trẻ sẽ có cảm giác “Mình làm được”, sẽ tự tin với bản thân. Cha mẹ tin tưởng vào trẻ, trẻ sẽ tin tưởng vào bản thân. Lâu dần, trẻ sẽ biến thành người lạc quan vui vẻ.

Một đứa trẻ vì bỏ lỡ chương trình hoạt hình yêu thích, cả buổi tối không vui vẻ; một đứa trẻ có nhiều thú vui hơn, không xem được chương trình hoạt hình, trẻ sẽ đọc sách hoặc chơi trò chơi, và cũng tìm thấy niềm vui trong đó.

Lạc quan là sức hấp dẫn lớn nhất mà trẻ có, nó còn quan trọng hơn thông minh và xinh đẹp. Làm cha, bạn phải thường xuyên kể cho trẻ nghe những câu chuyện vui vẻ và hài hước, cho trẻ biết được lạc quan chính là thái độ sống tích cực, dần dần, trẻ sẽ biết cách tạo ra niềm vui và trân trọng niềm vui.

3. Có người cha vui vẻ mới có thể bồi dưỡng một đứa con vui vẻ

Xuất phát từ điều này, nhiều năm nay làm cha, tôi đều cố gắng không biểu lộ sự không vui trước mặt con. Những người quen biết con gái tôi đều nói, đứa trẻ này rất hài hước. Tôi nghĩ ngoài việc được di truyền từ tôi, không khí gia đình vui vẻ hàng ngày của chúng tôi cũng ảnh hưởng đến trẻ. Bất luận trong cuộc sống gặp chuyện phiền não gì, tôi đều cố gắng không thể hiện cảm xúc không vui trước mặt con trẻ.

Trong cuộc sống không thể tránh khỏi những việc không như ý, đã không thể tránh khỏi, thì chúng ta phải học cách vui vẻ đối diện với những việc đó. Làm cha mẹ nếu như không thể luôn luôn cho trẻ niềm vui, thì phải giúp trẻ học cách loại bỏ tâm trạng u buồn, tự mình tạo ra niềm vui.

Tôi rất coi trọng việc đem đến cho Y Y niềm vui, bất luận cho con làm gì, tôi đều phải hỏi con: “Con có vui không?”, đồng thời thường xuyên kể với Y Y về niềm vui của mình, giúp Y Y cảm nhận được niềm vui một cách chân thực hơn.

Trẻ có tính cách lạc quan, vui vẻ sống chính là một năng lực, làm cho trẻ sống vui vẻ là nghĩa vụ của cha mẹ. Nếu không thì cho dù có bồi dưỡng ra những thạc sĩ, tiến sĩ, cũng khó có thể đem đến cho trẻ một cuộc sống hạnh phúc!

Cho trẻ tính cách lạc quan, cũng đồng nghĩa với việc mua cho trẻ bảo hiểm tinh thần suốt đời.