Người cha tốt hơn là người thầy tốt - Chương V - Phần 05 - 06

Phần 5: Khoan dung sẽ làm trẻ đáng yêu hơn

Khoan dung là một phẩm chất tốt đẹp, là một phương pháp đối nhân xử thế thông minh, là “thuốc bôi trơn” cho mối quan hệ giữa người với người.

Tôi rất thích lời bài Dạy trẻ sau:

Đứa trẻ trưởng thành trong sự soi mói học được trách móc; đứa trẻ trưởng thành trong sự thù địch học được đấu tranh; đứa trẻ trưởng thành trong tiếng cười đả kích học được xấu hổ; đứa trẻ trưởng thành trong sỉ nhục học được áy náy; đứa trẻ trưởng thành trong sự khoan dung học được nhường nhịn; đứa trẻ trưởng thành trong sự động viên học được tự tin.

Nhưng trong cuộc sống, những trẻ biết nhường nhịn càng ngày càng ít, còn những phụ huynh không biết khoan dung càng ngày càng nhiều.

Có người không cẩn thận làm rơi một túi rác trước cửa nhà người khác, đúng lúc đó ông chủ nhà dẫn con trai đến nhà bà nội, nhìn thấy cảnh tượng này liền trực tiếp oanh tạc một thôi một hồi những “lời vàng ý ngọc” vào mặt người kia. Trong lòng trẻ lúc đó rất sùng bái cha, đâu biết được đó là những lời lẽ thô tục, cuối cùng hiệu quả của “sự dạy dỗ này” vô cùng “tốt”, thậm chí trẻ không bao giờ hiểu được thế nào là khoan dung.

Khoan dung giống như ánh sáng mặt trời giữa trưa mùa đông, có thể dần dần làm tan chảy bức tường lạnh lẽo trong tim; khoan dung còn là một loại tình yêu chân thành và độ lượng, có thể biến xung đột thành hòa hảo, có thể biến chiến tranh thành hòa bình. Khoan dung là một sự tu dưỡng, nó là cảnh giới đối xử tốt với xã hội, đối xử tốt với bản thân, nó có thể đem đến cho tâm hồn bạn sự yên bình và thanh thản. Nó không chỉ cải thiện mối quan hệ của bạn với xã hội, mà cũng có thể làm cho tâm hồn bạn được xoa dịu và thăng hoa. Đối xử với người khác bằng tấm lòng rộng lượng sẽ làm cho hai bên càng tin tưởng và yêu quý nhau hơn

Bất luận làm gì chúng ta đều hi vọng có thể thành công, đều hi vọng con cái của chúng ta có thể giỏi hơn chúng ta. Như vậy muốn thành công, đầu tiên phải hiểu được đạo lí làm người, phải khoan dung. Ngay từ nhỏ đã bồi dưỡng cho trẻ tính khoan dung độ lượng, chính là tích lũy cho trẻ một tài sản quý giá cho cuộc đời sau này.

Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha

1. Phải có tấm lòng rộng như biển lớn

Làm người phải khoan dung độ lượng, phải biết cách tha thứ cho người khác, tha thứ cho người khác chính là làm cho bản thân mình vui vẻ. “Không có ai là hoàn hảo cả”, con người ai cũng có khuyết điểm của mình, khi nảy sinh mâu thuẫn với người khác, chúng ta không được ngay lập tức trách mắng người đó, thường nghĩ đến khuyết điểm của mình thì điều gì cũng có thể giải quyết được.

Vì một số điều, người với người kiên quyết không thỏa hiệp mà tạo nên những tổn thương vĩnh viễn. Nếu chúng ta bắt đầu từ chính bản thân chúng ta, khoan dung đối xử với người khác tin rằng bạn sẽ thu được những kết quả không ngờ.

Mấy năm trước tại trường Đại học Bach khoa Virginia xảy ra một vụ tấn công bằng súng làm 32 người thiệt mạng. Trong lễ mặc niệm những nạn nhân, điều làm mọi người bất ngờ là hung thủ cũng được liệt kê vào danh sách những người được mặc niệm, 33 quả bóng bay được thả lên bầu trời, 33 tiếng tiếng chuông mặc niệm được gióng lên.

Năm 1991, lưu học sinh Trung Quốc Lư Cương theo học tại trường Đại học Iowa của Mỹ, đã nổ súng giết chết 5 giáo viên bao gồm cả giáo viên hướng dẫn của mình và các bạn học, rồi tự sát. Sau khi sự việc xảy ra ba ngày, người thân của một trong những người bị hại, thông qua phương tiện thông tin, gửi một bức thư công khai cho người nhà Lư Cương, hi vọng hai bên lấy thái độ khoan dung để chia sẻ nỗi đau của nhau.

Hành động coi hung thủ là một con người đầy nhân văn này làm cho chúng ta có nhiều suy nghĩ sâu sắc.

Con người nên khoan dung độ lượng. Bởi vì khoan dung là chiếc chìa khóa lành mạnh, là kết tinh sự tu dưỡng và tấm lòng lương thiện của con người, là liều thuốc tốt cho một cuộc sống hạnh phúc. Khoan dung là phẩm chất tốt đẹp, là một phương pháp xử thế thông minh, là “thuốc bôi trơn” của mối quan hệ giữa người với người.

Khoan dung đối xử với người khác cho dù đi đến đâu, cũng sẽ đem đến cho bạn một luồng gió xuân ấm áp. Không khoan dung với người khác sẽ đem đến cho bạn sự đau khổ.

2. Khoan dung có thể mở rộng con đường của bản thân

Cái gọi là vận hạn chỉ là bởi sự hẹp hòi, hà khắc nhất thời đối với người khác, mà tự tạo chướng ngại vật trên con đường đi lên của bản thân; còn cái gọi là may mắn cũng là bởi đã giúp đỡ, có ân huệ đối với người khác mà mở rộng con đường đi của mình.

Lưu Bá Ôn bác thông kinh sử, không sách gì là không đọc, đặc biệt có hứng thú với thiên văn. Khi Chu Nguyên Chương khởi nghiệp, lấy lễ trọng mời ông ra giúp. Ban đầu, Lưu Bá Ôn kiên quyết từ chối, sau nhận được hai bức thư mời của Tôn Viêm ông mới quyết định xuất sơn. Lưu Bá Ôn đến Ứng Thiên, hiến 18 kế cho Chu Nguyên Chương. Ông dựa vào tài học và thần cơ diệu toán của mình phò trợ Chu Nguyên Chương bình định thiên hạ, sáng lập ra triều Minh.

Sau khi Chu Nguyên Chương lên ngôi, Lưu Bá Ôn dâng tấu thiết lập quân vệ pháp, chỉnh đốn triều cương, tất cả những quan lại mắc sai lầm đều phải trừng trị theo luật pháp, vì vậy mọi người đều sợ Lưu Bá Ôn. Trung thư tỉnh đô sự Lí Tân vì tham lam dung túng cho kẻ dưới mà bị trừng trị. Tể tướng Lí Thiện Trường vô cùng yêu quý Lí Tân, yêu cầu giảm nhẹ tội, Lưu Bá Ôn không nghe, đem Lí Tân ra giết, từ đó giữa Lưu Bá Ôn và Lí Thiện Trường có mâu thuẫn.

Sau đó, thái tổ Chu Nguyên Chương muốn trừng phạt tể tướng Lí Thiện Trường, Lưu Bá Ôn liền khuyên: “Tuy ông ta mắc lỗi, nhưng công lao rất lớn, uy vọng rất cao, có thể điều hòa chư tướng”.

Thái tổ nói: “Ông ta năm lần bảy lượt muốn hại ngươi, ngươi vẫn nghĩ cho ông ta? Ta muốn để ngươi làm tể tướng”. Lưu Bá Ôn phản đối: “Như vậy sao được? Thay một tể tướng giống như thay trụ cột, phải dùng gỗ lớn, chắc chắn, nếu như dùng gỗ nhỏ, căn nhà sẽ sập xuống ngay”.

Lưu Bá Ôn khẳng khái mà có đại tiết, nhận được sự tín nhiệm và kính trọng của thái tổ Chu Nguyên Chương và các văn võ bá quan.

Muốn làm nên một sự nghiệp lớn, ngoài việc phải có tài năng hơn người, đầu óc nhạy bén, còn phải có thái độ xử thế khoan dung độ lượng. Bất luận là việc lớn hay việc nhỏ, nếu như đều có thể như vậy, người đó không làm nên nghiệp lớn cũng khó.

Khoan dung đối với người khác không phải là một biểu hiện yếu ớt, cũng sẽ không làm mất đi sự tôn nghiêm, mà nó là khả năng giải quyết và hoàn thiện những việc không vui.

Khoan dung chính là đối xử rộng lượng với những người có khuyết điểm, dùng sự rộng lượng dung nạp sự hẹp hòi, dùng sự rộng lượng cảm động người khác, giống như nước, lấy sự vô hình của mình để bao dung tất cả những sự vật có hình.

3. Khoan dung độ lượng chính là phẩm chất nhân cách cao quý

Đông Tử xin kể cho mọi người nghe một câu chuyện về trẻ em nước ngoài:

Ở Úc, trong đại sảnh của một khu trại hè, một nhân viên với vẻ mặt vô cùng hối lỗi đang an ủi một đứa trẻ 4 tuổi, đứa trẻ vô cùng sợ hãi này đã khóc đến mệt lả.

Vốn dĩ hôm đó có rất nhiều trẻ, nhân viên này vì một phút sơ ý, sau khi giờ học môn tennis của trẻ kết thúc, đã tính thiếu một trẻ, bỏ đứa trẻ này lại sân bóng. Đến khi phát hiện ra thì cô ấy nhanh chóng chạy đến sân bóng đưa đứa trẻ trở về. Đứa trẻ ngồi một mình rất lâu ở một sân bóng vắng vẻ, sợ hãi, khóc nức nở.

Không lâu sau, mẹ đứa trẻ đến, thấy con mình khóc thảm thiết. Người mẹ ngồi xuống an ủi con, đồng thời lí trí nói với cậu bé: “Không có chuyện gì rồi, chị ấy vô cùng lo lắng vì không tìm thấy con, và chị ấy rất buồn. Chị ấy không cố ý. Bây giờ con hãy đến thơm chị một cái để an ủi chị”.

Đứa trẻ ngoan ngoãn liền đứng dậy hôn lên má người nhân viên đang ngồi bên cạnh cậu bé, đồng thời khẽ nói với cô nhân viên: “Không phải sợ, đã không có việc gì rồi”.

Theo cách nghĩ của nhiều người, nhìn thấy con mình sợ hãi, cha mẹ sẽ không lí trí, không khống chế được tình cảm, cảm thấy vô cùng phẫn nộ. Sau đó, cha mẹ hoặc là dùng lời nói khắc nghiệt để chửi mắng nhân viên một trận, hoặc là có phàn nàn với quản lí, thậm chí tức giận đưa đứa trẻ về, không cho tham gia bất kì lớp học tài năng nào của trường này nữa.

Phương thức giải quyết hoàn toàn khác nhau thực ra đã phản ánh sự khác biệt trong quan niệm giáo dục gia đình.

Vị phụ huynh này khi giáo dục trẻ, xuất phát từ góc độ phát triển lâu dài, giỏi tận dụng mọi cơ hội thúc đẩy nhân cách tốt đẹp của trẻ hình thành. Họ chọn phương thức giáo dục như vậy là để bồi dưỡng sự khoan dung và ân cần của trẻ. Đặc biệt coi trọng bồi dưỡng phẩm chất lương thiện của trẻ, trong đó bao gồm sự khoan dung với người khác.

Thực ra, trong cuộc sống của trẻ, hàng ngày đều phát sinh rất nhiều việc ý nghĩa. Thời cơ giáo dục tốt như vậy, nếu như cha mẹ có thể nhạy cảm nắm bắt, dẫn dắt trẻ thử quan sát tâm trạng của đối phương, học cách trao đổi và hiểu cho người khác, trẻ sẽ trở thành một người dễ thương, lương thiện, được yêu quý.

Lòng người không được chinh phục bằng vũ lực, mà bằng tình yêu và sự khoan dung độ lượng.

Khoan dung là một trong những phẩm chất cao quý nhất của con người. Cách làm của vị phụ huynh trên đã cho chúng ta một gợi ý: Muốn bồi dưỡng nên một đứa trẻ khoan dung độ lượng cha mẹ phải lấy mình làm gương, làm tấm gương tốt cho trẻ, đồng thời nắm bắt cơ hội giáo dục để hướng dẫn trẻ.

Mở cửa sổ cho người khác cũng sẽ khiến cho bản thân nhìn thấy bầu trời hoàn chỉnh hơn.

Phần 6: Tự lực tự cường chính là chiếc thang trưởng thành

Nếu bạn bảo vệ trẻ như con gà mái già, bạn sẽ rất mệt, trẻ cũng mệt; để trẻ có cơ hội chăm sóc mọi người, trẻ sẽ cảm thấy rất thoải mái và sẽ trưởng thành rất nhanh.

“Không dựa vào trời vào đất, mọi việc đều phải dựa vào chính bản thân mình”, đây là tư tưởng mà tôi truyền đạt cho con gái ngay từ khi con tôi còn rất nhỏ. Bởi vì tôi biết rõ rằng xã hội tương lai đầy sự cạnh tranh và thử thách, nếu muốn trẻ trở nên bất bại trong cuộc cạnh tranh đó, đứng vững đứng thẳng trong giông tố, thì nhất định trẻ phải có khả năng độc lập tự chủ. Ngay từ khi trẻ còn nhỏ hãy bồi dưỡng cho trẻ ý thức tự lập, để trẻ tự nghĩ tự làm, thử và trải nghiệm, trẻ mới dần dần trở nên độc lập, đồng thời tự tin đối mặt với mọi giông bão và thử thách trong tương lai.

Thực ra mỗi đứa trẻ khi còn nhỏ đều rất thích làm việc, phụ huynh chúng ta phải có ý thức tạo điều kiện, bồi dưỡng cho trẻ mọi năng lực. Chỉ cần là những việc trẻ có thể làm, muốn làm, tình nguyện làm, thì hãy cho trẻ cơ hội rèn luyện, dù trẻ làm không tốt cũng không sao, như vậy trẻ sẽ dần trở nên độc lập tự chủ.

Nếu bạn bảo vệ trẻ như con gà mái già, bạn sẽ rất mệt, trẻ cũng mệt; để trẻ có cơ hội chăm sóc mọi người, trẻ sẽ cảm thấy rất thoải mái và sẽ trưởng thành rất nhanh. Như vậy, tại sao lại không để trẻ làm?

Bạn có để trẻ làm việc nhà không? Hầu như các vị phụ huynh đều lắc đầu. Ở nhà cháu có làm việc nhà không? Đa số trẻ đều lắc đầu.

Cha mẹ chỉ quan tâm việc học tập của trẻ, coi nâng cao thành tích là việc quan trọng nhất khi giáo dục trẻ, thực sự không quan tâm việc bồi dưỡng cho trẻ khả năng độc lập tự chủ.

Trên thực tế, làm việc nhà không những không ảnh hưởng đến việc học của trẻ, mà còn giúp ích cho việc nâng cao năng lực, nâng cao thành tích học tập của trẻ. Bởi vì, thứ nhất, làm việc nhà có thể rèn luyện cho trẻ khả năng động não động tay và khả năng giải quyết vấn đề. Điều này trực tiếp có tác dụng nâng cao khả năng tư duy logic của trẻ, nâng cao khả năng học Toán, Vật lí và khả năng logic trong ngôn ngữ của trẻ; thứ hai, làm việc nhà có thể bồi dưỡng cho trẻ lòng tự tin, những việc trẻ biết làm càng nhiều, trẻ sẽ càng tự tin, càng ngày càng lạc quan; thứ ba, có thể bồi dưỡng cho trẻ tinh thần trách nhiệm, giúp trẻ hiểu được nỗi vất vả của cha mẹ thông qua việc làm việc nhà, từ đó trẻ hiểu được trách nhiệm của bản thân; thứ tư, lao động có thể rèn luyện sức khỏe, giúp bộ não được nghỉ ngơi đầy đủ.

Vì vậy, sau khi trẻ học tập trong một thời gian dài, nên để trẻ làm việc nhà.

Cho trẻ học cách tự quản lí bản thân, sống độc lập, tự mình đối mặt với khó khăn, là tình yêu lí trí dành cho trẻ. Chúng ta không thể theo trẻ, chăm sóc trẻ suốt đời, đến một ngày trẻ phải rời xa chúng ta để tự mình đi trên con đường của mình.

Tòa soạn tạp chí Nghiên cứu thiếu niên nhi đồng đã từng làm một cuộc điều tra về việc giáo dục thời ấu thơ đối với 148 thanh niên xuất sắc, và phát hiện ra, những thanh niên xuất sắc khi còn ở lứa tuổi nhi đồng có sáu đặc tính lớn, trong sáu đặc tính đó, tinh thần độc lập tự chủ được đưa lên hàng đầu.

Có thể thấy tinh thần độc lập tự chủ có vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Khi trẻ dần lớn lên, trẻ không những học được rằng trong cuộc sống hàng ngày và trong học tập, việc của mình thì mình phải tự làm, mà khi gặp tình huống đột ngột, trẻ sẽ bình tĩnh, quyết đoán giải quyết; điều quan trọng hơn là trẻ trở thành một con người độc lập, đối mặt với giông bão một cách kiên định, quả cảm.

Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha

1. Tăng cường ý thức sống tự lập của trẻ

Quá trình bồi dưỡng ý thức sống tự lập của trẻ, đầu tiên phải có một nhận thức đúng đắn.

Cùng với sự phát triển về cơ thể, hành động của trẻ, trẻ sẽ dần dần học cách tự mình ăn cơm, tự mặc quần áo và thu dọn đồ chơi dưới sự hướng dẫn của cha mẹ. Những trẻ lớn hơn có thể bắt đầu giặt khăn mặt, tất...

Chúng ta nên nắm bắt cơ hội này, để trẻ tự làm việc, cho trẻ cơ hội được động chân động tay, từ đó bồi dưỡng ý thức tự lập cho trẻ. Nếu cha mẹ bỏ qua cơ hội tốt để bồi dưỡng khả năng tự phục vụ bản thân của trẻ, vì luôn cho rằng con mình vẫn còn nhỏ, nên việc gì cũng làm thay trẻ, lâu dần, trẻ sẽ hình thành thói quen ỷ lại vào người lớn.

Tóm lại, phải cung cấp cho trẻ mọi cơ hội thực hành, giải phóng chân tay, mạnh dạn làm mọi việc. Không có cơ hội thì không thể nói đến việc rèn luyện và nâng cao.

2. Dạy trẻ những kĩ năng tự chăm sóc mình

Muốn để trẻ biết tự chăm sóc mình cần phải để trẻ hiểu được phương pháp tự chăm sóc mình. Trẻ không biết cách thắt dây giày, thì không thể thắt được; trẻ không biết cách rửa mặt, thì không thể rửa mặt sạch được; trẻ không biết đồ chơi để ở đâu, thì không thể đặt đồ chơi về chỗ cũ được. Có nghĩa là cho dù trẻ có ý thức tự làm nhưng nếu như thiếu kĩ năng, thì có muốn làm cũng không thể làm tốt được. Cho nên, chúng ta phải cho trẻ học các phương pháp tự chăm sóc mình cụ thể.

Vì mỗi đứa trẻ đều có sự khác biệt, nên yêu cầu đối với mỗi trẻ cũng khác nhau. Đối với những trẻ có khả năng tự lập cao, thì yêu cầu cao; đối với những trẻ có khả năng tự lập kém, thì hãy yêu cầu thấp hơn. Không được ép buộc, cũng không được coi thường trẻ, nhất định phải căn cứ vào đặc điểm của từng trẻ để có phương pháp hợp lí.

Ví dụ khi hướng dẫn trẻ đi giày, đối với những trẻ nhỏ thì đầu tiên phải yêu cầu trẻ đi đúng giày chân trái và giày chân phải; đối với những trẻ lớn hơn không chỉ yêu cầu trẻ đi giày đúng chân, mà còn phải yêu cầu trẻ thắt dây giày. Ví dụ trường hợp trẻ có sự phát triển về khả năng tự lập không cân bằng, thắt dây giày là một điểm yếu của trẻ, chúng ta có thể kiên nhẫn hướng dẫn tỉ mỉ hơn nữa.

Sau khi có được những kĩ năng tự chăm sóc bản thân cơ bản, phải chú ý nâng cao tốc độ, chất lượng làm việc của trẻ. Với những trẻ nhỏ khi ăn cơm, lúc bắt đầu có thể làm rơi vãi, qua một thời gian bồi dưỡng và luyện tập trẻ sẽ dần dần nắm vững kĩ xảo ăn cơm, ít làm rơi hoặc không làm rơi nữa.

Khả năng tự chăm sóc chính là chỉ khả năng tự lo liệu cuộc sống, khả năng tự quản lí bản thân, đây là khả năng cơ bản nhất mà mỗi con người cần có để độc lập sống trong xã hội. Bất luận như thế nào, khi trẻ yêu cầu bạn giúp trẻ làm việc gì, nếu như bạn xác định trẻ có thể tự mình làm được, vậy thì hãy “lạnh lùng” nói với trẻ: “Việc của mình thì tự mình làm!”.

3. Làm việc nhà nên là một môn học bắt buộc của trẻ

Hơn 2 tuổi, Y Y đã có ý thức làm việc nhà. Một lần, con không cẩn thận làm đổ nước. Không ai nhắc nhở con, con tự đi vào nhà vệ sinh lấy giẻ lau sạch nước. Bạn thử nghĩ xem một đứa trẻ đi vẫn chưa vững lại có thể cầm giẻ lau nhà, trông sẽ thế nào?

Bà nội không nỡ lòng nhìn cháu như vậy, định chạy đến lấy giẻ nhưng bị tôi ngăn lại. Mọi người nín cười nhìn Y Y như một con chuột, kéo theo một chiếc đuôi dài, để lại một vệt nước dài trên mặt đất, để giẻ lau vào nhà vệ sinh...

Đại bộ phận cha mẹ cho rằng, khi trẻ đi học chỉ cần trẻ học tốt là được, những việc như nấu cơm lớn rồi tự nhiên trẻ sẽ biết, cần gì phải tốn công, tốn sức với trẻ? Tư tưởng này được thiết lập trên cơ sở quan niệm “Học tập là số một”, hậu quả là khi trẻ trưởng thành cũng không biết chăm sóc bản thân. Nấu cơm là một việc có thể học được rất nhanh, nhưng tính ỷ lại không phải ngày một ngày hai có thể thay đổi được, ý thức và khả năng độc lập cũng không phải ngay lập tức mà hình thành được. Những trẻ khi học đại học vẫn phải thuê giúp việc có lẽ không bao giờ trưởng thành được.

Cho nên nếu bạn thực sự yêu trẻ thì hãy để trẻ làm những công việc nhà mà trẻ có thể làm được.

4. Để trẻ làm chim ưng chứ không phải là chim én

Tôi tin rằng mỗi người làm cha mẹ đều hi vọng con mình trở thành chim ưng, tương lai có thể sống độc lập, dũng cảm bay cao trên bầu trời xanh. Nhưng nhiều khi những việc chúng ta làm không phải là để bồi dưỡng một con chim ưng, mà là tạo nên một con chim én.

Trong một ngày hội tuyển dụng đã từng xuất hiện cảnh tượng như sau: Một phụ nữ lớn tuổi chạy hết từ gian này đến gian khác, điền hơn 60 bảng biểu xin việc làm các loại, đồng thời không ngớt yêu cầu các đơn vị tuyển dụng tư vấn. Rất nhiều người tưởng rằng bà ấy đến tìm việc, nhưng hỏi thăm mới biết tất cả những gì bà làm là vì cậu con trai 26 tuổi. Bởi vì cậu con trai ở nhà nhàn rỗi, không có công việc, hàng ngày ngoài việc ăn ngủ thì lên mạng chat, đánh bài, chơi trò chơi. Cha mẹ không thể tiếp tục nuôi cậu ta, giục cậu ta tìm việc, nhưng cậu ta không có can đảm để chấp nhận các cuộc kiểm tra trình độ của đơn vị tuyển dụng. Không có cách nào, người mẹ phải chạy ra ngoài tìm việc cho con trai.

Quan niệm giáo dục của chúng ta là chúng ta thà chịu đói cũng phải để trẻ ăn no; chúng ta thà mệt mỏi cũng không để trẻ phải chịu khổ; chúng ta thà chịu gió rét, cũng phải để trẻ được ở trong căn nhà ấm áp...

Chúng ta hãy xem những người thành công vang dội, bồi dưỡng chim ưng như thế nào:

Con gái độc nhất của cựu tổng thống Mĩ Jimmy Carter, khi 14 tuổi đã đi làm phục vụ trong kì nghỉ hè, nhiệm vụ chủ yếu là chạy việc vặt, gửi văn kiện, làm những việc linh tinh, mỗi ngày được nhận 2,5 dollar. Con trai cựu tổng thống Mĩ Ronald Reagan, sau khi thất nghiệp đã không dựa dẫm vào người cha tổng thống của mình, mà tự tìm việc và sống bằng đồng lương trợ cấp thất nghiệp, luôn thể hiện tinh thần tự lực tự cường. Con gái của thủ tướng Phần Lan đi học ở Thụy Điển, do vật giá ở Thụy Điển cao hơn Phần Lan, số tiền người cha cho cô bé chỉ đủ trang trải 2/3 cuộc sống của mình, thời gian rảnh cô rửa bát ở một nhà hàng để trang trải cuộc sống. Con trai của cố tổng thống nước Yugoslavia (Nam Tư cũ) Tosip Broz Tito (1892-1980), 19 tuổi ra ngoài phấn đấu, không hề lợi dụng ảnh hưởng của cha, bắt đầu từ việc làm một công nhân bình thường, dựa vào sự phấn đấu của mình, cuối cùng đã trở thành tổng giám đốc của một công ty dầu mỏ...

Tại sao ở Trung Quốc con cái các gia đình giàu có và gia thế ít người thành tài, mà trong những gia đình nổi tiếng, giàu có, quyền lực nước ngoài lại có những người xuất sắc như vậy?

Trẻ được bao bọc quá kĩ sẽ chỉ là “chim én”, để trẻ tự do bay nhảy, trẻ mới có thể trở thành chim ưng.

5. Phải rèn luyện trẻ độc lập giải quyết mâu thuẫn trong quan hệ giao tiếp

Giải quyết mối quan hệ giao tiếp như thế nào cũng là một nội dung quan trọng thể hiện khả năng tự lập của trẻ. Rất nhiều lúc, chúng ta đã lơ là việc tận dụng sự xử lí mâu thuẫn trong quan hệ giao tiếp để rèn luyện ý thức tự lực tự chủ của trẻ. Vì vậy, chúng ta thường xuyên nhìn thấy cảnh, khi hai đứa trẻ tranh một món đồ chơi, những người mẹ vội vàng chạy đến, khuyên đứa này, kéo đứa kia, dẹp bỏ mâu thuẫn; trẻ cãi nhau với bạn, bĩu môi trở về nhà, mẹ vội vàng dẫn trẻ đi tìm bạn làm hòa, nhìn thấy hai trẻ nắm tay nhau vui vẻ, mới yên tâm trở về nhà...

Trên đời không có cha mẹ nào là không yêu thương con cái, tuyệt đại đa số đều yêu con vô hạn, dốc hết tâm sức cho con cái. Yêu trẻ là bản tính và trách nhiệm của cha mẹ, nhưng yêu quá mức chỉ có thể làm trẻ chìm đắm trong vòng bảo vệ ấm áp cha mẹ dệt nên, ngăn cản cá tính của trẻ trưởng thành, hạn chế sự độc lập về nhân cách của trẻ. Vì thế, tình cảm này của cha mẹ không phải là yêu trẻ thực sự mà là sự sai lệch trong giáo dục.

Từ khi trẻ ra đời, chúng ta luôn bảo vệ trẻ, sợ trẻ bị lạnh bị đói, sợ trẻ tủi thân không nỡ để trẻ phải chịu khổ, chịu mệt, càng không nỡ để trẻ ra ngoài hứng chịu mưa gió. Trẻ có thể tự làm được, nhưng cha mẹ vẫn thay thế trẻ làm mọi việc. Có những gia đình giàu có hoặc có quyền lực, thậm chí lợi dụng các mối quan hệ, không những cho trẻ một cuộc sống sung sướng sang trọng mà còn “mở cửa sau” cho việc học hành và lập nghiệp của trẻ, trải ra cho trẻ một con đường đời đầy hoa tươi...

Kết quả là trẻ không có chí tiến thủ, khi gặp phải khó khăn thì không biết làm gì, không đứng dậy được. Thậm chí có người vì quen dựa dẫm dưới đôi cánh bảo vệ của cha mẹ, đến lúc phải đảm nhận trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ, vẫn để cha mẹ phải nuôi mình.