Sổ tay phát triển của trẻ - Chương 04

Ngón tay ngon lành

Khi mới sinh ra, điều đầu tiên mà trẻ học được đó là bú mẹ, nhưng bắt đầu vào tháng thứ 2, bé con bắt đầu tìm hiểu các bộ phận trên cơ thể mình. Đầu tiên trẻ sẽ thấy ngón tay mình và thấy thích khi được mút nó. Việc mút ngón tay này vừa giúp trẻ có cảm giác no khiến trẻ thấy hài lòng vừa là cách để trẻ khám phá, tìm hiểu. Bởi lúc này, trẻ rất thích khám phá thế giới bằng miệng, trẻ sẽ dùng miệng để làm quen, tìm hiểu đồ vật. Bình thường trẻ sẽ bú mẹ mỗi bên vú khoảng 15 - 20 phút, hoặc bú bình khoảng 20 phút sẽ no. Trẻ từ 3 tuần tuổi trở đi thường mút tay nhiều hơn bú sữa, trẻ làm vậy không phải do trẻ chưa no mà là vì trẻ cảm thấy vui và thích thú với việc mút tay. Có thể nói rằng đứa trẻ nào càng thấy hạnh phúc, đứa trẻ đó càng mút tay nhiều.

Một thí nghiệm đã chỉ ra rằng trẻ nào càng thích mút tay đứa trẻ đó càng năng động. Việc mút tay sẽ giúp cho trẻ điềm tĩnh hơn. Nếu để ý sẽ thấy khi cho trẻ mút tay trẻ sẽ ngừng khóc bởi việc mút tay sẽ giúp làm giảm cảm giác đói và giúp trẻ thư giãn. Tuy nhiên, có hàng ngàn nguyên nhân làm cho trẻ khóc. Cách thức giúp trẻ ngừng khóc phụ thuộc vào từng nguyên nhân. Việc mút ngón tay hay bú sữa không phải lúc nào cũng giải quyết được tình hình, và có thể còn là nguyên nhân dẫn đến việc nảy sinh các vấn đề về sau này như nghiện mút tay tới khi lớn, cách ăn uống không đúng…

Thành viên bé nhỏ của gia đình vừa được biết thế giới mới chưa bao lâu nên vẫn hết sức tò mò muốn nhìn, muốn biết, muốn thấy, muốn làm quen với những điều mới lạ hết sức hấp dẫn. Trẻ vẫn chưa biết cách kiểm soát cảm giác hồi hộp và chính việc mút ngón tay cũng làm phân tán sự tập trung vào môi trường xung quanh để chuyển sang khám phá bản thân, giống việc chúng ta đang ngồi nghĩ mông lung rồi cố gắng tĩnh tâm lại vậy.

Một điều đáng chú ý nữa, đó là trẻ sơ sinh khi đang mút cái gì đó sẽ nhắm mắt. Còn nếu trẻ mở mắt hoặc đang nghe một âm thanh nào đó, trẻ sẽ ngừng mút bởi ở độ tuổi này trẻ chưa thể làm nhiều động tác khác nhau trong cùng một lúc. Nhưng sang tháng thứ 2, các giác quan của trẻ bắt đầu phát triển nên trẻ có thể làm cùng lúc nhiều hành động như vừa mút tay vừa mở mắt. Như vậy khi trẻ mút tay và tập trung khám phá các sự vật nhiều hơn, trẻ sẽ phát triển hoặc nhận biết sự vật nhanh hơn.

BIỂU ÐỒ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ TRONG THÁNG THỨ 2

Phát triển về thể chất

Các phần cơ lớn

• Thỉnh thoảng tay chân vẫn cử động như khi bị giật mình;

• Các cử động uyển chuyển hơn;

• Khi nằm sấp có thể ngóc đầu lên 45 độ trong giây lát;

• Khi được bế sấp hoặc nằm ngửa sẽ cố gắng ngóc đầu lên.

Dáng ngồi

• Khi bế theo dáng ngồi, trẻ đã có thể giữ đầu thẳng nhưng vẫn chưa cứng cổ.

Các phần cơ nhỏ

• Việc cầm, nắm đồ vật được não điều khiển chứ không còn là phản xạ vô thức nữa;

• Cầm, nắm đồ vật được khoảng 2 - 3 phút và có thể là lâu hơn;

• Có thể với đồ vật và cố gắng túm lấy;

• Nhìn theo bóng của cánh tay mình, nghĩ rằng đó là đồ vật và cố gắng nắm, bắt lấy;

• Có thể bắt đầu thể hiện thuận tay trái hay phải;

• Chỉ có thể làm được từng hành động mà thôi.

Phát triển về ngôn ngữ

• Tạo ra tiếng ê a nhưng không giống với tiếng nói của người lớn;

• Dùng việc khóc để liên lạc;

• Chú ý nghe những âm thanh khác nhau.

Phát triển về nhận thức và khả năng của các giác quan

• Khi thấy âm thanh sẽ dừng lại lắng nghe hoặc tỏ vẻ đã nghe thấy;

• Nhìn những sự vật xung quanh một cách lơ đãng;

• Nhìn theo ánh sáng hay các đồ vật di chuyển. Trẻ sẽ nhìn rõ sự vật trong khoảng cách 18 - 20 centimét, nhưng đối với các đồ vật có màu sắc bắt mắt, cho dù ở xa hơn hàng chục centimét trẻ vẫn tập trung quan sát được;

• Chú ý lâu hơn đến các đồ vật đang chuyển động. Khi có hai đồ vật trẻ sẽ chọn nhìn chỉ một thứ mà thôi;

• Có phản ứng tương tác bằng cách cử động thân;

• Cố gắng nắm, bắt đồ vật nhưng chỉ cầm được trong chốc lát;

• Thích nhìn khuôn mặt người hơn đồ vật, khi nhìn thấy người hoặc nghe thấy giọng nói sẽ im lặng nhìn;

• Phân biệt được sự khác nhau giữa: âm thanh, người, mùi vị và kích cỡ của các đồ vật;

• Biết kết nối hành động với từng người, ví dụ mẹ và sữa.

Phát triển về mặt xã hội

• Biết thể hiện tâm trạng như khó chịu, vui mừng hay xúc động;

• Giúp bản thân bình tĩnh hơn bằng việc mút ngón tay;

• Cười với những người thân quen;

• Hoàn toàn có ý thức khi nhìn thẳng vào mặt ai đó;

• Thích nhìn theo người khác khi họ di chuyển;

• Sẽ im lặng để nghe âm thanh hay nhìn vào mặt người nào đó;

• Sự kích thích quan trọng phần lớn xuất phát từ những tiếp xúc cơ thể hoặc việc dùng miệng để cảm nhận;

• Thời gian thức sẽ lâu hơn nếu có người chơi cùng.

Lịch trình hàng ngày cho trẻ

• Thời gian thức vào ban ngày của trẻ khoảng 10 tiếng, xen kẽ giữa những giấc ngủ dài. Ban đêm trẻ thường ngủ giấc dài tới 7 tiếng;

• Có thể ăn sữa một lần vào ban đêm;

• Thích tắm;

• Đi đại tiện hai lần một ngày sau khi ăn.

THÁNG THỨ 3

TRẺ ÐÃ SẴN SÀNG ÐỂ HỌC HỎI

Tháng thứ 3 của trẻ sẽ diễn ra suôn sẻ hơn hai tháng trước. Lúc này, trẻ sẽ giao tiếp nhiều hơn với thế giới bên ngoài thông qua các biểu hiện về cảm xúc, tâm trạng, phản ứng lại, thể hiện sự vừa lòng hay không vừa lòng như làm ầm ĩ vì tức giận hoặc khó chịu khi thấy người thân đi ra chỗ khác. Đôi khi trẻ sẽ dừng hoạt động đang làm để nhìn mẹ hay cha sau đó lên tiếng ê a trong cổ giống như đang nói chuyện. Một số trẻ có biểu hiện qua nét mặt như khi nhìn thấy người thân trẻ sẽ mỉm cười giống như muốn nói rằng con rất vui.

Giấy thông hành vào thế giới mới

Trẻ ở tháng thứ 3 nếu được đặt nằm sấp đã có thể ngóc đầu lên được, nhiều trẻ còn giữ đầu được rất lâu hoặc nếu bạn cho trẻ ngồi dựa vào một vật nào đó, trẻ có thể ngồi được một lát nhưng trẻ giữ đầu chưa vững. Ngoài ra trẻ đã biết điều khiển các cơ tốt hơn, ví dụ: trẻ có thể nghển cổ, nghiêng đầu quay mặt nhìn xung quanh và cố gắng với lấy đồ vật mà trẻ thích.

Nếu bạn giữ trẻ đứng lên, trẻ sẽ giữ thẳng đầu và có động tác đạp chân giống như đang nhảy. Về phần tay, trẻ có thể giơ tay lên chạm vào người mình và phối hợp với mắt để cầm các đồ vật mà trẻ nhìn thấy rồi đưa vào miệng. Khả năng mới mà bạn để ý thấy ở trẻ giống như một giấy thông hành cho trẻ bước vào khám phá thế giới rộng lớn hơn.

Lúc này, trẻ sẽ chơi lâu hơn. Nếu để ý, cha mẹ sẽ nhận thấy trẻ chơi và học hỏi bằng cách khám phá như chú ý tới ánh sáng, màu sắc, hình ảnh, âm thanh. Về âm thanh, trẻ trong độ tuổi này đã nhớ được giọng nói của cha mẹ và còn thích nghe các âm thanh khác. Đôi khi trẻ sẽ ngừng bú sữa hay mút ngón tay để tập trung nghe âm thanh mới vang lên. Ngoài ra, trẻ sẽ nhìn vào mặt mọi người và những vật di động. Khi mới sinh ra, tầm mắt của trẻ chỉ giới hạn ở những đồ vật hoặc người trong khoảng cách 20 centimét. Tầm nhìn của trẻ được phát triển qua từng tháng và tới tháng thứ 3, trẻ đã nhìn được mọi vật trong phòng.

Hạnh phúc với việc dùng tay

Tay là ”công cụ” cơ bản trong việc học hỏi của trẻ ở độ tuổi này. Trẻ sẽ thích nhìn vào tay mình, mải mê với việc tự nắm tay, xoè tay, kéo các ngón tay ra hoặc đưa tay vào miệng, với tay, đập tay, lấy các đồ vật… Trẻ thích nhìn tay của mình bởi thần kinh thị giác bắt đầu nắm bắt được hình ảnh một cách rõ ràng hơn khiến trẻ coi tay là một đồ chơi mới lạ, có những ngón tay có thể cử động lên xuống và độc lập với nhau. Ngoài việc đưa tay ra bắt không khí, bắt ánh sáng, đôi khi tự cười khi bắt được tay mình, đôi khi nắm được tay mình lại cố gắng kéo ra, trẻ sẽ dùng tay để khám phá khuôn mặt mình và khi tay chạm vào miệng, trẻ sẽ đưa ngón tay vào miệng mút một cách say sưa. Có vô số trò trẻ có thể chơi được với bàn tay của mình trong một lúc lâu.

Do mắt trẻ đã phát triển hơn, nên trẻ đã sẵn sàng khám phá những vật mà trẻ nhìn thấy. Trẻ sẽ quay sang và cố gắng giơ tay ra để nắm, bắt đồ vật. Ban đầu có thể trẻ chỉ giơ tay lên và vô tình chạm vào đồ vật đó, nhưng sau khi chạm vào rồi, trẻ sẽ cố gắng cầm lấy đồ vật một cách có ý thức. Việc nắm, bắt đồ vật của trẻ sẽ phát triển một cách có hệ thống, dần dần trẻ sẽ điều khiển được các ngón tay của mình một cách thành thạo. Thông thường ở độ tuổi này trẻ vẫn chưa mấy quan tâm tới cử động của các phần cơ lớn mà thường luyện dùng bàn tay và các ngón tay nhiều hơn. Việc cầm, nắm đồ vật giúp trẻ hiểu rằng trẻ có thể di chuyển được đồ vật. Nếu trẻ làm rơi đồ vật đang cầm trong tay, trẻ sẽ đợi một lúc để đồ vật đó quay trở lại. Nếu đồ vật đó không trở lại, trẻ sẽ không quan tâm tới nữa.

Có thể nói rằng việc dùng tay của trẻ ở độ tuổi này chính là việc học về sự tiếp xúc, khoảng cách, hình dạng và kích thước của đồ vật. Khi trẻ liên tục thực hiện hành động vỗ tay vào đồ vật, có nghĩa là trẻ đang ghi nhớ đồ vật đó vào bộ não nhỏ bé của trẻ.

Trẻ 3 tháng tuổi học tập những gì

• Bắt đầu biết kết nối giữa hành động và kết quả của hành động, ví dụ như trẻ sẽ biết được rằng khi cho tay vào miệng, sẽ thấy thoải mái, hài lòng; cầm nắm, tiếp xúc với đồ chơi hoặc đồ vật di động rồi làm cho đồ vật đó chuyển động...

• Học cách chờ đợi. Đến giờ ăn trẻ có thể nằm hoặc chơi trên giường thêm một lúc (Không giống với trẻ mới sinh ra sẽ khóc toáng lên ngay khi cảm thấy đói). Một số trẻ còn vừa ăn vừa chơi, ngừng bú rồi cười hoặc ê a nói chuyện với cha mẹ.

• Bắt đầu biết phân biệt sự khác nhau trên khuôn mặt của mọi người. Kết quả nghiên cứu của tiến sĩ Micheal Lewis thuộc Viện nghiên cứu về giáo dục New Jersey đã chỉ ra rằng: Trẻ 3 tháng tuổi ghi nhớ khuôn mặt con người và có thể phân biệt được sự khác nhau giữa khuôn mặt của người bình thường với khuôn mặt khác lạ như khuôn mặt của quỷ một mắt. Với cùng thời gian nhìn như nhau, trẻ sẽ mỉm cười với khuôn mặt con người hơn là hình ảnh khuôn mặt của quỷ một mắt.

• Bắt đầu biết ghi nhớ sự việc. Nếu trẻ nhỏ tuổi hơn nhìn mãi một đồ vật không biết chán thì trẻ ở độ tuổi này sẽ không thích nhìn mãi một hình ảnh. Trẻ 3 tháng tuổi có thể nhớ được cha mẹ, những thành viên trong gia đình cũng như một số đồ dùng như bình sữa. Khi nhìn thấy bình sữa trẻ sẽ tỏ thái độ vui mừng, cử động chân tay, nhoài người lại và há miệng để bú.

• Trí não phát triển hơn. Các nhà nghiên cứu làm thí nghiệm về sự phát triển não của trẻ bằng sóng điện từ và phát hiện ra sự thay đổi của trẻ từ 3 tháng tuổi trở đi. Ở độ tuổi này, các nếp nhăn trên vỏ não của trẻ đã phát triển tương đối hoàn thiện như của người lớn, sự cân đối của các thành phần hoá học và cấu trúc các tế bào não cũng dần thay đổi. Bên cạnh đó, những phản xạ bản năng sẽ bắt đầu biến mất ở tháng thứ ba này. Điều này cho thấy não bộ của trẻ lúc này đã có thể điều khiển các hệ cơ tốt hơn.

Kích thích các giác quan như thế nào cho phù hợp

Các nhà tâm lý học, nhà vật lý trị liệu và các sinh viên đều nhất trí rằng môi trường có ảnh hưởng đến việc kích thích sự phát triển của trẻ. Những trẻ thường xuyên được cha mẹ bế ẵm, chơi đùa, nói chuyện, mỉm cười và được sống trong một môi trường thuận lợi cho việc nhìn, nghe, khám phá thì sẽ rất thích học hỏi, khám phá và cử động cơ thể. Những điều trên là nền tảng cho sự phát triển của trẻ sau này.

Tiến sĩ Léon Zerove, trưởng bộ môn Hành vi và Xã hội học thuộc Trung tâm Sức khỏe trẻ em và Phát triển con người Quốc gia Hoa Kỳ nói rằng: “Thời kỳ quan trọng nhất trong quá trình phát triển của trẻ là giai đoạn 6 tháng đầu đời, mà môi trường xung quanh và đặc biệt là sự kích thích từ người mẹ sẽ tác động nhiều nhất.”

Một số người mẹ lo lắng cho con thái quá. Nếu bất kể các yếu tố tiêu cực mang tính chủ quan như đói, đau hay yếu tố khách quan như lạnh, nóng, tiếng ồn, người mẹ đều cố gắng ngăn chặn để không làm ảnh hưởng đến trẻ thì trẻ sẽ chỉ biết đến một thế giới toàn những điều tốt lành mà không được trải nghiệm, học hỏi. Cha mẹ nên cho trẻ phát triển về nhận thức và khả năng trong việc điều chỉnh môi trường cho phù hợp với tính cách của trẻ, để trẻ có thể học hỏi và kiểm soát được sự căng thẳng của bản thân.

Trẻ nên được kích thích các giác quan từ nhiều mặt để có những hiểu biết tốt hơn về thế giới. Trẻ không cần bạn phải ôm ấp liên tục mà trẻ cần bạn chơi và nói chuyện với trẻ, cần bạn tìm những điều mới lạ cho trẻ được nhìn, được nghe. Bạn không nên để trẻ ở một mình trong thời gian dài.

Trẻ sẽ quan tâm tới những đồ vật mà bạn đặt bên cạnh. Trẻ không chỉ nhìn hình dáng, màu sắc của những đồ vật đó mà còn muốn được tiếp xúc để biết được điểm khác biệt của các đồ vật, ví dụ như độ cứng của chiếc thìa nhựa, độ mềm của thú nhồi bông. Trẻ cũng nhận biết được một số đồ vật không thể trở về nguyên hình dáng ban đầu trong khi một số đồ vật khác lại có thể trở về được hình dáng ban đầu, ví dụ một con búp bê bằng nhựa dẻo khi bỏ tay ra nó vẫn trở về hình dạng ban đầu.

Ngoài ra trẻ còn tìm hiểu các bộ phận trên cơ thể. Bạn có thể thử trò chơi “Ngón cái đâu rồi? Ngón cái đâu rồi? - Ở đây! Ở đây! - Bạn có khỏe không?...” như chúng ta thường hát khi còn nhỏ và minh họa bằng các động tác cho trẻ xem. Có thể lúc đầu trẻ chưa hiểu nhưng trẻ sẽ thích xem, nghe bạn hát theo vần và thể hiện các động tác khác nhau. Sau đó trẻ sẽ biết và nhớ được cho dù chưa nói theo được.

Đối với những trẻ năng động sẽ không khó để kích thích các giác quan vì trẻ vốn rất háo hức trong việc học hỏi. Ngược lại với những trẻ trầm tính, cha mẹ phải quan tâm nhiều hơn tới việc tạo kích thích giác quan cho trẻ. Cha mẹ cần lưu ý rằng nếu bạn tới gần mà trẻ vẫn tỏ ra bình thản không có nghĩa là trẻ không cần bạn và bạn cũng đừng vội kết luận rằng như vậy là trẻ thích ở một mình.

Tuy nhiên, có một điều cần chú ý là dù cho con bạn có là trẻ trầm tính hay trẻ năng động hoặc không thuộc hai tuýp nói trên thì bạn cũng không nên kích thích trẻ nhiều quá. Đặc biệt khi gần tới giờ ngủ của trẻ, cha mẹ nên tạo không gian yên tĩnh và ấm áp. Lúc này, trẻ muốn được bạn bế lên, ôm ấp và hát ru khe khẽ, nếu cha mẹ kích thích trẻ nhiều quá, trẻ sẽ căng thẳng và không chịu hợp tác.

Sự tin tưởng vào môi trường sống

Khoảng thời gian từ tháng thứ 2 đến tháng thứ 3, não của trẻ ghi nhớ rất nhiều sự vật và kinh nghiệm. Trẻ có thể biết áp dụng những gì đã học được để thay đổi cho phù hợp với cuộc sống hàng ngày, ví dụ như học cách chờ đợi để được ăn (Cho dù đôi lần trẻ sẽ khóc vì bạn không kịp chuẩn bị sữa, nhưng chỉ cần nghe thấy tiếng chân bạn đến gần, trẻ sẽ ngừng khóc). Tuy nhiên, những kinh nghiệm này vẫn cần được lặp đi lặp lại nhiều lần cho thật quen thuộc.

Sự quan tâm chăm sóc của người thân có ảnh hưởng quan trọng nhất đến sự phát triển của trẻ. Nếu không thể hy vọng gì về một môi trường có sự tương tác trẻ sẽ thấy bị áp lực về mặt tinh thần giống như những trẻ thiếu tình yêu thương. Nếu bạn đáp ứng một phần nhu cầu của trẻ, trẻ sẽ cảm thấy rối rắm, không tự tin vào bản thân. Điều đó có nghĩa là bạn đang khiến bé trở thành một người yếu đuối và có thể trở thành người có cái nhìn lệch lạc về thế giới.

Mặc dù có thể tự chơi một mình được nhưng trẻ vẫn rất cần giao tiếp với mọi người. Trẻ có thể giao tiếp qua nhiều kênh như ánh mắt, tiếng ê a. Ví dụ trẻ nhìn vào mắt mẹ một lúc rồi quay đi hướng khác, khi trẻ quay lại nhìn một lần nữa mà thấy mẹ không nhìn mình, trẻ sẽ ê a nói chuyện để mẹ phải quay ra nhìn mình.

Qua 3 tháng, trẻ đã thay đổi và làm quen với thế giới mới thông qua các giác quan. Nếu cha mẹ sắp xếp được một không gian mang tính kích thích cho việc thay đổi và khám phá, trẻ sẽ sẵn sàng khám phá và kiểm soát bản thân để hòa nhập nhanh hơn với môi trường đó. Và cha mẹ sẽ tự hào khi trở thành một phần quan trọng trong quá trình phát triển cả về mặt thể chất lẫn tinh thần của trẻ.

BIỂU ÐỒ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ TRONG THÁNG THỨ 3

Phát triển về thể chất

Các phần cơ lớn

• Kiểm soát tốt hơn các hoạt động của cơ thể, không còn là những phản xạ bản năng như trước nữa;

• Nhìn và theo dõi sự di chuyển của đồ vật;

• Nếu đang bú sữa hoặc mút tay, nếu có âm thanh vang lên trẻ sẽ dừng lại để lắng nghe âm thanh và cố gắng tìm kiếm nơi phát ra âm thanh đó;

• Trong khi bú sữa hoặc mút ngón tay trẻ đã có thể nhìn những sự vật khác;

• Khi nằm sấp, trẻ có thể ngóc đầu lên được lâu nhưng không tỳ ngực được lâu;

• Giơ được cả hai chân, hai tay hoặc đôi khi giơ được cả chân và tay cùng một lúc;

• Khi được giữ ở tư thế đứng, trẻ có thể giẫm chân xuống dưới sàn đứng được một chút.

Dáng ngồi

• Có thể ngồi dựa được;

• Khi ngồi được vững hơn, đầu đã giữ thẳng hơn một chút.

Các phần cơ nhỏ

• Bắt đầu biết đập tay và nắm đồ vật bằng cả hai tay. Trẻ có thể lấy các đồ vật bên cạnh đưa về phía mình.

Phát triển về ngôn ngữ

• Nói ê a, cố gắng phát ra các âm thanh khác nhau trong cổ họng;

• Lên tiếng ê a trả lời khi mẹ nói và cười;

• Vểnh tai lên nghe âm thanh;

• Phân biệt được các âm thanh khác với giọng nói.

Phát triển về nhận thức và khả năng của các giác quan

• Quan tâm khá lâu tới một sự vật nào đó;

• Phân biệt được khoảng cách gần, xa của các đồ vật;

• Bắt đầu thể hiện khả năng ghi nhớ như nhớ được mẹ và các thành viên trong gia đình;

• Bắt đầu chán các âm thanh và các hình ảnh quen thuộc;

• Ngừng khóc ngay lập tức khi nhìn thấy khuôn mặt con người;

• Kết nối được thị giác và sự chuyển động;

• Dùng tay để khám phá các bộ phận trên khuôn mặt;

• Biết kết nối hành động với kết quả của hành động đó.

• Tương tác lại với tất cả các kích thích.

Phát triển về mặt xã hội

• Dễ cười;

• Khóc khi muốn thể hiện nhu cầu;

• Thể hiện cảm xúc qua nét mặt, đặc biệt là khi thấy người quen sẽ thể hiện cảm xúc trên toàn thân;

• Lên tiếng ê a để trả lời cho những âm thanh mà trẻ nghe thấy;

• Thể hiện phản ứng chống đối khi phải ở một mình như khóc khi mẹ đi chỗ khác;

• Sẽ lên tiếng thu hút sự chú ý khi mẹ tới gần;

• Quay mặt để tìm tiếng nói hoặc tiếng nhạc.

Lịch trình hàng ngày

• Ăn và ngủ điều độ hơn, có nhiều thời gian chơi hơn;

• Chỉ ăn sữa một lần vào ban đêm;

• Ngủ theo giấc, có thể là một giấc gần trưa và một giấc buổi chiều;

• Ban đêm ngủ một giấc dài khoảng 10 tiếng