Sổ tay phát triển của trẻ - Chương 07

Trẻ không phát triển đúng mốc

Không một trẻ nào phát triển theo đúng các mốc phát triển. Mỗi trẻ thường có sự phát triển khác nhau, có thể chậm hơn ở điểm này nhưng lại nhanh hơn ở điểm khác hoặc không đúng theo trình tự. Cha mẹ nên biết thời điểm nào cần khuyến khích và hỗ trợ các khả năng nào của trẻ và điều quan trọng là không nên lo lắng hoặc ép buộc trẻ nhiều quá.

Sự phát triển của trẻ thường phụ thuộc vào đặc điểm của từng bé. Những trẻ năng động có thể biết ngồi và bò từ sớm nhưng những trẻ trầm tính có thể sẽ bắt đầu trườn trong tháng thứ 7 này và bò vào tháng thứ 10 trong khi mốc chung mà trẻ biết trườn là tháng thứ 6 và bò thành thạo vào tháng thứ 8.

Để kích thích trẻ trầm tính biết bò, cha mẹ hãy tìm những đồ chơi mà trẻ thích hoặc quan tâm rồi cho trẻ nằm sấp để chơi, sau đó dần dịch chuyển đồ chơi ra xa, dụ cho trẻ trườn hoặc bò lên để lấy đồ chơi. Khi chắc chắn rằng bạn sẽ không đưa đồ chơi cho mình, trẻ sẽ cố gắng tìm cách để tự lấy.

Những trẻ trầm tính có thể ngồi, trườn, bò, hoặc đứng không giỏi nhưng sử dụng các cơ nhỏ như dùng ngón tay rất thành thạo. Trẻ sẽ nằm sấp chơi được rất lâu, dùng ngón tay nhặt các đồ vật, thích chơi chùm chìa khóa, thích chơi đồ vật có thể lắc kêu thành tiếng leng keng và thích cho vào miệng, đôi khi cầm đồ chơi lên đập xuống đất (Phần lớn trẻ dưới 1 tuổi thường dùng cả hai tay, chưa có biểu hiện cho biết sẽ thuận tay nào).

Sự phát triển trí não

Mặc dù có vẻ như trẻ chỉ tập trung toàn bộ cơ thể cho việc tập luyện các hệ cơ, nhưng thực tế trí não của trẻ cũng phát triển song song với các hệ cơ. Việc kết nối những suy nghĩ ngày càng thành thạo hơn. Khi nghe thấy tiếng mở, đóng cửa vào chiều tối, trẻ sẽ tỏ vẻ vui mừng vì đoán được rằng cha đã về, hoặc khi nghe thấy tiếng mở và đóng cửa tủ lạnh, trẻ cũng biết được là mẹ đang chuẩn bị đồ ăn cho mình và khi thấy anh chị bắt chước trẻ mút tay, trẻ sẽ cười khoái chí bởi trẻ biết đó là hành động của mình.

Ngoài ra, một số kinh nghiệm tích lũy được sẽ khiến trẻ nảy sinh phản xạ kết nối sự việc. Ví dụ: Khi nhìn thấy bà cụ hàng xóm đi tới, trẻ sẽ cười với bà nhưng khi bà giơ tay ra bế trẻ lại không chịu. Bởi khi mới nhìn thấy bà trẻ sẽ nghĩ đó là bà ngoại thân quen nên mỉm cười, song khi có thời gian để ý hơn về khuôn mặt, hoặc nghe thấy giọng nói, trẻ liền biết rằng mình nghĩ sai nên thấy sợ và không chịu cho bế.

Trẻ vẫn quan tâm và thắc mắc về kích cỡ của đồ vật. Nếu bạn cho trẻ chơi miếng xếp hình bằng gỗ hoặc các đồ vật có kích thước khác nhau, bạn sẽ thấy trẻ cầm miếng xếp hình ở cả hai tay lên nhìn hết bên trái đến bên phải rồi đặt xuống. Đây chính là trẻ đang so sánh. Có thể một lúc sau, trẻ sẽ lại cầm miếng ghép hình lên nhưng đổi tay cho nhau, đưa lên miệng nếm rồi lại đặt xuống sàn.

Trẻ sẽ phát triển tâm trạng vui vẻ, hay cười, đặc biệt khi chơi các trò chơi hoặc khi trẻ nhận được sự tương tác kích thích sự chú ý, bất kể là người lớn hay trẻ con. Ví dụ: Khi bạn giả vờ làm rơi đồ vật và kêu lên “úi”, trẻ sẽ bật cười ngặt nghẽo vì giọng nói, điệu bộ của bạn. Một điều chắc chắn là trẻ đã nhận biết và kết nối giữa giọng nói và điệu bộ mà trẻ đã thấy với nhau nên chỉ cần bạn định làm lại nhưng chưa kịp làm, trẻ đã bật cười trước rồi. Điều đó chứng tỏ trẻ đã nhớ được và biết rằng cử chỉ bắt đầu của bạn là một phần của hành động mà bạn từng làm cho bé cười.

Ăn cũng là việc học

Trẻ 7 - 8 tháng tuổi vẫn luyện điều khiển bàn tay. Trẻ có thể nắm hoặc giằng lấy đồ vật từ tay bạn mọi lúc, mọi nơi kể cả khi đang ăn hay đang tắm. Tất cả các hoạt động đều là việc học hỏi đối với trẻ, đặc biệt là khi bắt đầu độc lập với mẹ và học cách tự giúp đỡ bản thân, trẻ muốn tự dùng ngón tay bốc thức ăn cho vào miệng. Đây là việc hoàn toàn mới mẻ, trẻ thiếu sự thành thục trong việc điều khiển các cơ nên trẻ thường xúc thức ăn cho vào khóe miệng, vào má, làm rơi vãi ra khắp nơi. Nhưng trẻ tỏ vẻ không quan tâm mà ngược lại còn quyết tâm làm lại khiến mẹ bực mình vì phải vất vả lau dọn. Nhưng các bà mẹ nên biết rằng các nhà tâm lý học gợi ý hãy để cho trẻ tự ăn, cho dù trẻ có làm vương vãi đồ ăn khắp nơi bởi việc này sẽ giúp trẻ được luyện tập cơ tay, luyện thị giác, luyện việc nhận biết mùi vị thức ăn. Như vậy, tự xúc ăn không chỉ giúp trẻ học hỏi, tự giúp đỡ bản thân mà còn giúp trẻ tự khám phá, hiểu thêm về môi trường và thấy thích thú với việc ăn uống. Bạn có thể giúp trẻ bằng việc sắp xếp lại môi trường cho hợp lý như lấy giấy hoặc nilon trải dưới nền nhà, bọc ghế bằng nilon hay vật liệu dễ lau chùi, dùng bát đĩa khó vỡ…

Các bà mẹ nên để cho trẻ tự tìm niềm vui với việc tự ăn theo cách của trẻ và cố gắng loại bỏ nỗi lo lắng về việc trẻ ăn ít, chậm lớn vì ở đột tuổi này, sữa vẫn là thức ăn chính của trẻ, thức ăn dặm mỗi ngày chỉ có 1 bữa mà thôi. Hơn nữa, bởi dạ dày còn nhỏ nên trẻ cũng không cần ăn nhiều mà chỉ cần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Chính vì vậy, một khởi đầu tốt cho dù số lượng ít cũng sẽ giúp giải quyết các vấn đề nảy sinh về sau.

BIỂU ÐỒ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ TRONG THÁNG THỨ 7

Phát triển về thể chất

Các phần cơ lớn

• Giữ được đầu thẳng;

• Chống tay, chân như chuẩn bị bò và có thể biết bò;

• Trườn đi trong khi tay cầm đồ chơi;

• Có thể đẩy người ngồi nghiêng lên một bên chân;

• Nếu có người kéo có thể đứng lên được (chân đứng thẳng);

• Có thể vịn vào đồ vật để đứng lên;

• Nếu có người giữ đứng lên, chân sẽ bước đi.

Dáng ngồi

• Ngồi được lâu, gần như không phải dựa, tay nhặt đồ chơi để chơi;

• Đẩy người ngồi xuống hoặc ở tư thế bò.

Các phần cơ nhỏ

• Dùng ngón tay cái và các ngón khác để nhặt đồ vật;

• Mỗi tay cầm một thứ đồ chơi, có thể đập đồ chơi đang cầm ở hai tay vào nhau.

Phát triển về ngôn ngữ

• Phát âm được cả nguyên âm và phụ âm;

• Nói những từ có nghĩa riêng với trẻ như “mẹ”, “pa”;

• Nói một tràng liên tục rồi mới ngừng lại để thở;

• Cố gắng bắt chước tiếng người khác;

• Tập trung nghe tiếng của mình và tiếng nói của người khác.

Phát triển về nhận thức và khả năng của các giác quan

• Quan tâm đến chi tiết của sự vật;

• Trườn người đến và nhặt đồ vật bằng một tay;

• Xòe tay ra để nhìn đồ vật trong tay;

• Phân biệt được khoảng cách xa, gần của đồ vật;

• Thường dùng tay để nhặt đồ sau đó lắc và cho vào miệng;

• Thích những đồ chơi phát ra âm thanh;

• Nhớ được những sự việc từng xảy ra mặc dù sự việc mới xảy ra chỉ là một phần của sự việc trước đây;

• Nhớ được quá trình của sự việc đã xảy ra;

• Bắt đầu so sánh việc làm của bản thân với những việc làm của người khác;

• Có phản ứng với hình ảnh của mình ở trong gương;

• Quan tâm đến kết quả của những hành động của bản thân, nhưng chỉ chờ đợi vào kết quả được trong chốc lát sau khi hành động;

• Bắt đầu biết đến sự phức tạp của các hành động;

• Thắc mắc và so sánh kích thước của những đồ vật tương tự nhau;

• Chuyển được đồ vật từ tay này sang tay kia.

Phát triển về mặt xã hội

• Thích bò vào gần gương để chơi;

• Khám phá cơ thể của mình bằng tay và miệng;

• Có thể sợ người lạ;

• Bắt đầu thể hiện cảm xúc buồn cười;

• Tỏ ra là trung tâm của thế giới;

• Phản kháng nếu bị bắt làm những việc mà trẻ không thích;

• Phân biệt được sự khác nhau giữa giọng nói trìu mến và giọng giận dữ;

• Thích chơi đồ chơi.

Lịch trình hàng ngày

• Bắt đầu dùng tay bốc thức ăn cho vào miệng;

• Cầm thìa hay bát để chơi;

• Thích được tự ăn.

THÁNG THỨ 8

KHÁM PHÁ ÐỒ VẬT BẰNG TAY

Nếu trẻ biết nói có thể trẻ sẽ nói với bạn rằng “Con có thể tự đi lại được rồi đấy nhé”. Trẻ muốn cha mẹ vui mừng và hãnh diện với những gì trẻ làm được nên trẻ sẽ khoe khả năng này cho bạn thấy bằng việc bò đi bò lại khắp nhà, khám phá đồ đạc và có thể lục tung cả nhà lên.

Chỉ thích đứng, không thích ngồi

Ở độ tuổi này, trẻ có thể lười tập ngồi, chỉ thích bò và đứng lên. Cha mẹ không nên lo lắng bởi đứng là một khả năng mới mà trẻ còn đang rất thích thú và hồi hộp muốn trải nghiệm, còn ngồi đã trở thành một việc nhàm chán mà trẻ không còn hứng thú nữa. Hơn nữa, đứng cũng giúp trẻ tập luyện được các cơ và khả năng giữ thăng bằng.

Ngoài việc chỉ thích bám vịn để đứng lên, trẻ còn cố gắng giữ thăng bằng, đi men xung quanh bàn ghế bằng cách đưa một tay lên bám ra phía trước rồi vừa kéo người vừa bước theo. Nếu không giữ được thăng bằng, trẻ sẽ bị ngã ngửa ra phía sau. Bây giờ bạn đã thấy sự quyết tâm không chùn bước của bé rồi đấy.

Biết đứng nhưng không biết ngồi

Cho dù đã biết bám để kéo người đứng lên nhưng có thể trẻ vẫn chưa biết cách làm thế nào để ngồi xuống được. Một số trẻ phải mất vài tuần để tập đứng lên ngồi xuống bởi đây là động tác tương đối khó khăn đối với trẻ ở độ tuổi này. Có thể nói đây là việc luyện tập tốn nhiều mồ hôi và nước mắt. Khi bị ngã, trẻ thường ngã ngửa ra sau, đầu đập xuống đất, tay dang ra. Đây là phản xạ Moro hay nói một cách dễ hiểu là phản xạ tự nhiên không được kiểm soát. Nhưng cũng rất may mắn cho trẻ vì tự nhiên đã tạo nên cấu trúc cơ thể để có thể bảo vệ trước nguy hiểm đặc biệt là việc ngã. Khung xương sọ của trẻ là những mảng không liền nhau, thóp của trẻ sẽ liền khi trẻ được 2 tuổi. Ngoài ra xương sọ của trẻ cũng mềm hơn của người lớn, do đó nếu có bị ngã va đầu xuống đất thì trẻ cũng không gặp nguy hiểm về não như người lớn.

Biết được những điều này rồi hy vọng các bậc cha mẹ sẽ bớt lo lắng nhưng không đến mức lơ là, không giúp ngăn chặn các tai nạn có thể xảy ra với trẻ. Khi trẻ thích leo bám vào đồ vật lớn, bạn nên trải thảm hoặc đệm mỏng dưới sàn để đề phòng trẻ bị ngã sẽ bị thương đáng tiếc.

Một điều quan trọng nữa là cha mẹ nên dạy cho trẻ cách ngã để tránh nguy hiểm. Bạn hãy nâng trẻ đứng dậy sau đó đẩy nhẹ cho trẻ ngã sấp về phía trước nhưng gập gối lại với tư thế quỳ. Bạn tập đi tập lại cho trẻ nhiều lần để trẻ biết rằng cách này sẽ giúp trẻ tiếp đất mà không bị đau. Ban đầu có thể trẻ sẽ cười đùa vui vẻ bởi nghĩ đó là trò chơi, nhưng nhiều ngày sau bạn sẽ thấy được tác dụng.

Thích nhìn ngược hình ảnh

Không phải hoạt động nào của trẻ cũng đáng lo, đáng sợ. Nếu để ý bạn sẽ thấy trẻ rất thích nhìn ngược bức tranh, bạn có thể giúp trẻ bằng cách treo ngược bức tranh ở hai bên thành giường cho trẻ nhìn. Việc trẻ thích nhìn ngược các bức hình như vậy không phải là một sự bất thường, nguyên nhân của hành động này là do trẻ nhớ lại hình ảnh đã từng thấy trong suốt những tháng mà trẻ chỉ nằm ngửa rồi nhìn những hình ảnh ngược mà thôi.

Ngoài ra bạn cũng có thể thấy trẻ gật hay lắc đầu khi nhìn đồ vật. Đây là một trò chơi (để chứng minh) một điều mà trẻ đang tìm hiểu đó là kích thước và hình dạng đồ vật không thay đổi cho dù bé có di chuyển nhanh hay chậm, chỉ có góc nhìn thay đổi mà thôi.

Khám phá các đồ vật bằng tay

Các nhà thám hiểm nhỏ tuổi sẽ khám phá đồ vật bằng tay. Ban đầu trẻ sẽ nhìn đi nhìn lại thật lâu sau đó mới đưa tay chạm vào bề mặt và mép của đồ vật. Trẻ thích cho đồ chơi vào hộp hoặc rút cuộn chỉ ra khỏi hộp đựng kim chỉ của bạn, dù là tay trái hay tay phải trẻ cũng sử dụng thành thạo ngón cái và ngón trỏ.

Bình thường trẻ 8 tháng tuổi mỗi lần chỉ nhặt được một đồ vật mà thôi. Nhưng một số trẻ có thể nhặt mỗi tay một vật rồi gõ vào nhau. Sau đó khi nhìn thấy đồ vật thứ ba, trẻ cũng muốn lấy nốt nhưng vì không có tay thứ ba nên trẻ sẽ cho một thứ vào miệng hoặc vứt đồ thứ hai xuống để lấy đồ vật thứ ba.

Người lớn có thể không hiểu vì sao trẻ thích vứt đồ vật đi nên thường la mắng trẻ. Nhưng sự thật việc cầm và vứt đồ vật là một cách để trẻ tập điều khiển các cơ tay. Bé con sẽ thấy ngạc nhiên và rất vui với khả năng mới này, đặc biệt đó là sự thể hiện khả năng điều khiển được phần cơ nhỏ như cơ tay. Việc tập sử dụng các ngón tay là nền tảng để trẻ làm được các công việc chi tiết sau này như viết đẹp, chơi đàn giỏi, thêu thùa hay khâu vá rất khéo.

Thích so sánh và bắt chước

Trẻ biết nhiều hơn về thế giới bên ngoài, bắt đầu so sánh và bắt chước để học hỏi việc trở thành một người giống như bao người khác. Trẻ biết so sánh cơ thể của trẻ với bạn, biết rằng bản thân cũng có những bộ phận giống của bạn và có thể cử động các bộ phận đó như bạn. Vì vậy, trẻ bắt đầu bắt chước những hành động của bạn.

Việc bắt chước các hành động là sự khám phá được thêm một khả năng nữa khiến trẻ cảm thấy rất hồi hộp và hạnh phúc. Vì vậy, trẻ thích việc bắt chước và bị bắt chước. Một trò chơi rất hay dành cho trẻ trong độ tuổi này là được soi gương, trẻ cười với bóng ở trong gương. Cũng từ tấm gương này, trẻ còn biết so sánh đặc điểm và kích thước của đồ vật thật và bóng trong gương. Bạn sẽ thấy trẻ đập tay, vuốt ve và thơm bóng trong gương hoặc có thể rướn người gí sát mặt xem bóng trong gương để chắc chắn rằng đó không phải người thật.

Khi nhìn thấy những đồ vật mới hay người lạ, trẻ thường thầm so sánh một cách cẩn thận và bắt đầu thầm phân biệt ai là người lạ. Khi cha mẹ đi ra chỗ khác, để trẻ ở lại một mình với người lạ mặt, trẻ sẽ sợ, điều này cho thấy trẻ đã biết suy nghĩ, nhận xét và tưởng tượng.

Khả năng của trẻ nhỏ trong việc nghĩ thầm rất quan trọng, nó chứng tỏ trí não của trẻ phát triển tốt. Khả năng này của trẻ sẽ nảy sinh nếu bạn nuôi trẻ theo kiểu đáp ứng nhanh và phù hợp các nhu cầu của trẻ. Đặc biệt là việc mẹ và con thường xuyên nhìn vào mắt nhau sẽ giúp trẻ biết suy nghĩ tốt hơn.

Con cũng biết sợ đấy nhé

Như đã nói ở trên, trẻ ở độ tuổi này đã bắt đầu biết phân biệt ai là người lạ. Nếu bạn để trẻ một mình với người lạ, trẻ sẽ bắt đầu thấy sợ. Ngoài ra việc đã biết tự di chuyển cũng là một nguyên nhân của sự sợ hãi của trẻ, trẻ đặc biệt sợ sự xa cách. Vì vậy, trẻ thường phòng vệ bằng cách tới bên bạn và tránh xa người lạ.

Tốt nhất bạn nên chuẩn bị tinh thần cho trẻ trước khi ra khỏi nhà, trước khi cho trẻ gặp người lạ hoặc đưa trẻ đến những nơi lạ. Bởi những điều mới lạ mà trẻ thấy là trải nghiệm mới xảy đến tức thì khiến trẻ không kịp chuẩn bị tinh thần. Cách chuẩn bị cho trẻ không hề khó. Cha mẹ có thể vận dụng những cách như dưới đây:

• Nếu trẻ sợ những đồ vật mới: Bạn nên giúp trẻ bằng cách cho trẻ chơi những đồ chơi mà trẻ thích trước, để trẻ nhìn đồ vật mới sau đó mới cho tiếp xúc hoặc cầm lên.

• Nếu bạn sẽ ra khỏi nhà: Bạn nên nói chuyện với trẻ bằng giọng nhẹ nhàng, ấp áp rằng bạn sẽ đi đâu và sẽ trở về khi nào, có thể ôm hoặc bế trẻ một lát.

• Nếu trẻ sợ người lạ: Bạn hãy nói với người đó rằng đừng vội lại gần hay nhìn chằm chằm vào mặt trẻ, hãy để cho trẻ quen rồi trẻ tự đến gần sẽ tốt hơn.

• Nên có những thay đổi dần dần và phải có sự chuẩn bị trước để giảm sự sợ hãi của trẻ.

Việc học tập những điều xung quanh

• Việc di chuyển để khám phá sự vật vừa được nhìn, vừa được tiếp xúc sẽ giúp trẻ hiểu thêm được nhiều điều từ môi trường xung quanh. Ví dụ như trẻ có thể học về số đếm và số lượng từ việc thả từng miếng gỗ vào hộp và chơi với ý thức rằng “có nhiều hơn 1 cái”. Trẻ sẽ lấy chiếc hộp có đựng 1 miếng gỗ rồi lắc để nghe âm thanh giống lúc trẻ lắc những đồ chơi có âm thanh (Rattle) và so sánh chúng với nhau. Hoặc đôi khi trẻ nhặt một đồ chơi bỏ vào miệng rồi thay bằng 1 cái khác để so sánh từng cái hoặc 2 cái một lúc.

• Sự phát triển trí não của trẻ sẽ phức tạp hơn. Cách nhận biết của trẻ sẽ hoàn thiện hơn và bắt đầu có những biểu hiện đặc trưng hơn.

• Trẻ đã biết cách phân biệt sự khác nhau. Ở tháng đầu tiên trẻ có thể phân biệt được tiếng của mẹ và tiếng của cha, bây giờ trẻ tự biết bám vịn để đứng lên và trong khi tập đứng trẻ sẽ phân biệt được sự khác nhau giữa các đồ dùng trong nhà, trẻ biết đồ vật nào vững chắc có thể bám vào để đứng lên được. Nếu trẻ chỉ bám vào tấm khăn trải bàn, tấm khăn đó sẽ bị kéo xuống và trẻ cũng ngã xuống theo. Nếu bám vào gối dựa, gối sẽ bị xô nghiêng theo lực kéo của trẻ, nhưng nếu bám vào sofa hay giá đựng đồ, trẻ sẽ đứng lên được.

• Khi đứng vịn vào bàn ghế được, trẻ sẽ phát hiện ra cách phát ra tiếng động một cách tình cờ. Đầu tiên vô tình trẻ đập tay vào bàn và nghe thấy tiếng tay đập vào bàn, sau đó trẻ sẽ thử gây ra tiếng động như vậy với ghế, sofa hay chiếc bàn khác. Khi đó trẻ sẽ ghi nhớ được đồ vật gì tạo ra tiếng động làm cho trẻ hài lòng nhất; và chiếc bàn ăn đang bày sẵn bát, thìa, tách cà phê rất hấp dẫn trẻ bởi ngoài tiếng đập thình thịch của tay va vào bàn còn có tiếng lanh canh của bát đĩa va vào nhau như tiếng nhạc rất vui tai. Khi bò vào căn phòng có chiếc bàn yêu thích này, trẻ sẽ tiến thẳng tới nó ngay.

• Việc thích tìm tòi, ghi nhớ và để ý biến trẻ trở thành một bé con ưa khám phá. Trẻ sẽ nhớ được ở đây từng có những cái gì, chỗ kia có thêm vật gì. Do đó nếu bạn là người hay quên, khi quên vật gì ở đâu trẻ sẽ nhanh chóng tìm lại cho bạn (Nếu trẻ hiểu những thứ mà bạn đang tìm).

• Trẻ cũng có thể nhớ được cả thời gian như cha sẽ đi làm về vào buổi chiều, trẻ sẽ bò ra cửa để chờ cha về. Hành động này chứng tỏ trẻ đã nhớ được thời gian xảy ra những sự việc chính của một ngày.

Có rất nhiều điều mà trẻ được học tập, một số điều sẽ ghi nhớ lại, một số điều sẽ thể hiện ra ngay tức thì. Nếu bạn thường xuyên để ý đôi khi sẽ cảm thấy mệt mỏi thay cho trẻ nhưng trẻ không hề mệt mỏi mà vẫn tiếp tục khám phá không ngừng nghỉ.