Sổ tay phát triển của trẻ - Chương 09

THÁNG THỨ 10

RÈN GIŨA BẢN THÂN

Tháng này trẻ sẽ tập trung vào việc phát triển về mặt xã hội và việc trở thành một con người có tính cách riêng rõ nét hơn. Do đó, những hoạt động về thể chất nhằm thực hành lại những gì đã làm được trước đó nhiều hơn là việc thực hiện những kỹ năng mới.

Sự thay đổi trong tháng thứ 10

Nếu như ở những tháng đầu tiên, trẻ có những thay đổi về mặt thể chất (có thể dễ dàng nhận ra) gần như theo từng ngày, từng tuần, thoáng cái trẻ đã biết làm cái này, cái kia, biết giữ thẳng đầu, biết lẫy, biết trườn, biết bò,…; thì ở tháng này trẻ không có sự khác biệt nào đáng kể.

Sự thật không phải trẻ không có thay đổi gì, mà chỉ là sẽ giảm những hoạt động thể chất để phát triển những kỹ năng khác nhau. Đây cũng chính là những thay đổi trong quá trình phát triển của trẻ.

Các hoạt động và sự chú ý tới chuyển động cơ thể của trẻ trong thời điểm này đều giảm xuống để tăng cường phát triển các kỹ năng xã hội với mọi người trong gia đình, bất kể đó là cha, mẹ, anh, chị hay là những người thân khác. Thêm vào đó trẻ cũng rất quan tâm tới những người lạ mặt tuy vẫn còn sợ. Ngoài ra trẻ cũng quan tâm tới các hoạt động để phát triển thành một cá thể khác biệt với những người khác và sự vật khác.

Ðây chính là những sự thay đổi của trẻ

Phát triển chung

• Chuẩn bị đôi chân bước đi. Từ tư thế bò trẻ sẽ nhấc mông cao, chân và tay chống thẳng bằng vai (giống con gấu đi bằng bốn chân) rồi đẩy người lên đứng thẳng trong giây lát nhưng phần lớn vẫn phải bám vịn vào các vật khác và đi men. Đôi khi trẻ sẽ tập bước đi bằng cách thả tay khỏi vật đang bám để bám sang vật khác ở gần đó. Đầu tiên trẻ có thể chưa tự tin để bước, nhưng khi thử lặp lại nhiều lần trẻ sẽ tự tin hơn. Có một số trẻ vẫn chưa có biểu hiện gì của việc tập đi, song có thể sẽ đứng chững rồi bước đi trong 2 - 3 tháng tới.

• Sử dụng đôi bàn tay thành thạo hơn. Một số trẻ cầm được hai đồ vật nhỏ trong một tay khá lâu và nhặt đồ vật cho vào các đồ đựng như hộp, nồi, ca đựng nước. Nếu để ý kỹ bạn sẽ thấy trẻ bắt đầu phân biệt việc sử dụng hai bàn tay, tay trái luôn dùng để cầm đồ vật còn tay phải dùng để nhặt hoặc chạm vào đồ vật khác. Nếu thuận tay phải, trẻ sẽ mút ngón tay trái và để tay phải được rảnh rỗi để chơi hoặc khám phá các đồ vật. Việc trẻ sử dụng tay trái ít hơn như vậy nhằm tăng cường vai trò và sự thành thạo cho tay phải. Cơ thể trẻ bắt đầu có sự khác nhau giữa bên trái và bên phải.

Có thể nghiêng mình để với đồ vật ở bên cạnh. Trẻ 10 tháng tuổi không giống với những tháng trước là chỉ chú ý tới những đồ vật ở trước mặt rồi mới cầm lên. Cha mẹ có thể giúp trẻ hoàn thiện kỹ năng này bằng cách đặt đồ chơi ở bên trái, bên phải để trẻ có thể quay người, nghiêng người lấy đồ chơi thành thạo hơn.

• Ước lượng được khoảng cách cao thấp tốt hơn. Khả năng ước lượng khoảng cách của trẻ tốt hơn nên trẻ dám trèo lên, trèo xuống giường, ghế song trẻ cũng rất cẩn trọng vì chưa mấy tự tin vào khả năng ước lượng khoảng cách bằng mắt thường của mình. Bạn sẽ thấy trước khi bước xuống trẻ thường có động tác thò chân chạm xuống đất trước để đo độ sâu hoặc độ cao, nếu lần đầu tiên cho chân xuống mà không chạm đất trẻ sẽ co chân lên, nếu chân chạm được xuống đất trẻ mới dám trườn xuống. Sự cảnh giác nói trên thường không xuất hiện với những trẻ bất cẩn, nóng tính, chính vì vậy những trẻ có tính cách này sẽ thường xuyên bị đau. Còn những trẻ cẩn thận thường chú ý tới độ cao thấp hơn.

Phát triển về mặt xã hội và phong cách

• Bày tỏ cảm xúc đa dạng. Bạn sẽ thấy nếu không vừa lòng, trẻ sẽ khóc hoặc cáu gắt, nếu hài lòng hoặc vui vẻ, trẻ sẽ tươi cười, vỗ tay, đập chân. Sự bày tỏ cảm xúc đa dạng của trẻ chính là kết quả của sự phát triển nhân cách và sự sở hữu vốn được hình thành từ các trải nghiệm thông qua quá trình học hỏi nhiều tháng qua.

• Cần sự thừa nhận nhiều hơn. Trẻ ở độ tuổi này sẽ rất nhạy cảm trước sự thừa nhận của xã hội, đặc biệt là từ người thân trong gia đình. Bạn sẽ thấy khi trẻ làm được điều mới như hôn gió, chào tạm biệt, trẻ sẽ nhìn xung quanh để chờ mọi người vỗ tay hoặc biểu dương trẻ. Nhưng nếu mọi người thờ ơ, trẻ sẽ giận giữ, cáu gắt hoặc có phản ứng nhằm thu hút sự chú ý của bạn ngay tức thì.

Nhưng đối với người xa lạ trẻ thường không chịu thể hiện bất kỳ khả năng nào cho họ thấy. Bạn bảo trẻ vỗ tay hoặc vẫy tay tạm biệt một người lạ, trẻ sẽ không chịu làm, ngược lại nếu là người trong gia đình, trẻ sẽ rất thích thể hiện. Cha mẹ nên thường xuyên tỏ thái độ khen ngợi trẻ bởi đây là cách gây dựng cảm xúc tích cực đối với bản thân trẻ.

• Đã biết từ chối. Trẻ có thể kết nối được việc lắc đầu với từ không nên trẻ thường lắc đầu khi mẹ bảo trẻ làm việc này, việc khác.

• Trẻ học được từ việc bắt chước. Bắt chước là một hoạt động rất quan trọng đối với trẻ trong quá trình học hỏi sẽ bắt đầu xuất hiện từ tháng này cho tới 2 tuổi. Người mà trẻ thích bắt chước nhất là cha mẹ. Bạn có thể để ý thấy khi cho trẻ ăn, trẻ sẽ xúc cho bạn và nếu bạn há miệng nhận thìa cháo rồi nhai, trẻ sẽ bật cười thích thú đồng thời chăm chú nhìn bạn nhai thức ăn, sau đó trẻ còn có thể lấy khăn lên lau miệng cho bạn nữa.

Ngoài ra trẻ cũng thích bắt chước những trẻ khác, như khi bạn đưa trẻ đi bệnh viện, trong thời gian ngồi chờ bác sĩ khám, nếu có 1 trẻ tự nhiên khóc thét lên, tất cả những trẻ ở khu vực đó sẽ lần lượt khóc theo.

• Trí nhớ tốt hơn và nhớ được lâu hơn. Nền tảng quan trọng giúp hình thành quá trình bắt chước chính là sự ghi nhớ. Từ tháng này trẻ có thể nhớ được lâu hơn cả về sự kiện, sự việc và các giai đoạn khác nhau. Việc trẻ có thể di chuyển thành thạo hơn cũng giúp ích rất nhiều cho việc phát triển trí nhớ của trẻ. Trẻ được luyện ước lượng khoảng cách bằng mắt thường và bạn sẽ thấy trẻ có thể quay sang nhặt đồ vật ở bên cạnh hay đằng sau mà không cần nhìn vì trẻ đã nhớ được rằng đồ mà trẻ vừa chơi vẫn còn ở đó và cách trẻ bao xa.

Sự nhận thức này được hình thành từ quá trình chơi, tham gia, tiếp xúc, thử nghiệm tới khi hiểu được nguyên nhân và kết quả (ví dụ: khi lắc đồ vật sẽ phát ra tiếng kêu, lấy que đập xuống bàn sẽ phát ra âm thanh); việc trẻ có thể di chuyển biết bò, giúp trẻ được nhìn thấy, được ước lượng khoảng cách và thử nghiệm để tích lũy kiến thức thu được từ các sự vật và con người. Do đó, cơ hội để trẻ được thử nghiệm, được tiếp xúc và được thấy các sự vật là hết sức quan trọng.

Giai đoạn này trẻ sẽ thử làm nhiều việc khác nhau như cầm cốc nước lên đổ xuống hoặc đổ bát thức ăn xuống sàn. Khi mẹ lau dọn, trẻ sẽ rất chú ý theo dõi. Sau đó, nếu mẹ mang cốc nước và đĩa thức ăn khác ra, trẻ sẽ lại đổ ra sàn như cũ. Trẻ cũng thích ném đồ vật xuống sàn, nếu bạn nhặt lên trẻ sẽ lại ném xuống rồi “gọi” bạn lại nhặt lên. Việc lặp đi lặp lại những hành động như vậy không phải trẻ trêu tức người lớn mà đó chỉ là sự thử nghiệm của trẻ. Trẻ muốn biết kết quả của việc ném đồ vật và tìm hiểu về khoảng cách, độ cao thấp.

Bên cạnh đó, trẻ cũng rất quan tâm đến sự chuyển động của các đồ vật. Nếu được chơi với trái bóng, đẩy cho bóng lăn qua lăn lại, trẻ sẽ chơi được rất lâu; nếu trông thấy hộp phấn rôm mà mẹ từng đổ ra, trẻ sẽ cầm hộp phấn lên để đổ ra.

Trò chơi giấu đồ

Mẹ thử chơi trò “giấu đồ” với trẻ sẽ giúp trẻ học hỏi được rất nhiều về sự di chuyển của các đồ vật. Bạn hãy giấu quyển truyện cổ tích dưới chăn, trẻ sẽ lật chăn ra xem vì trẻ biết rằng quyển truyện đó không biến đi đâu cả mà nó chỉ bị di chuyển sang chỗ khác mà thôi.

Phát triển ý thức trở thành một cá nhân

Sự phát triển về tình cảm và cảm xúc của trẻ như biết yêu, thích, bằng lòng, tức giận, khó chịu, thích thể hiện hay thích khoe những gì mình làm được… là kết quả của sự phát triển về ý thức trở thành một cá nhân và ý thức của sự sở hữu.

Nhưng ý thức nói trên tự sinh ra hay sao?

Câu trả lời là: Tất cả được hình thành từ những kinh nghiệm, sự học hỏi, nhận thức trong suốt quãng thời gian ngắn ngủi vài tháng đầu đời của trẻ.

Bắt đầu từ sự nhận thức đối với cơ thể của chính bản thân trẻ. Đầu tiên, trẻ sẽ nghe được tiếng khóc của mình. Rồi khi đã cử động được chân tay, trẻ bắt đầu cảm nhận được những cử động của các bộ phận trên cơ thể và khi chân tay va vào đồ vật, trẻ sẽ biết được rằng mình đã dùng bộ phận nào đó trên cơ thể va chạm vào đồ vật. Khi trẻ tự cầm được tay mình, bạn sẽ thấy trẻ sẽ nhìn ngắm và tự chơi với đôi bàn tay. Sau nữa khi nắm được chân mình, ngoài việc nhìn ngắm, trẻ còn nếm thử. Sau đó không lâu, khi biết lẫy, biết dùng tay cầm nắm được nhiều đồ vật hơn, biết bò và di chuyển tốt hơn, trẻ sẽ càng làm tăng nhận thức của mình. Trẻ nhận ra rằng mình hoàn toàn khác biệt với người khác, tách rời với mẹ, tách rời với sự vật, có thể tự làm được nhiều việc và cuối cùng trẻ biết “Bản thân tôi chính là tôi, người khác là người khác” một cách rõ ràng, đặc biệt là khoảng thời gian từ 1 - 2 tuổi, khi bạn đang chơi trò “miệng đâu, mũi đâu” hoặc chỉ vào các bộ phận của cơ thể và hỏi rằng “Đây là cái gì?”, “Kia là cái gì”...

Có chơi trò “Các bộ phận cơ thể” không?

Việc trẻ có thể làm được nhiều thứ và di chuyển cơ thể một cách thành thạo hơn giúp trẻ nhận biết rằng bản thân mình khác với những người khác. Đây là thời gian phù hợp nhất để dạy trẻ biết các bộ phận trên cơ thể có tên gọi là gì. Cha mẹ hãy chơi trò “người tôi” với trẻ bằng cách chỉ vào các bộ phận trên cơ thể rồi hỏi bé “Cái gì đây?”, rồi nói tên bộ phận đó cho bé biết, ví dụ như “Đây là mũi”, “Đây là miệng”. Thường xuyên chơi trò này với trẻ, không bao lâu trẻ sẽ nhớ được các bộ phận trên cơ thể.

Sự khác nhau về giới tính bắt đầu xuất hiện

Trong tháng này, các bé sẽ bắt đầu thể hiện sự khác biệt về giới tính của bản thân. Có thể để ý thấy sự khác nhau giữa bé trai và bé gái khá rõ ràng. Điểm khác biệt quan trọng là bé gái sẽ có hành vi ngăn nắp hơn bé trai. Các bé gái thường chú ý, tập trung vào việc tìm hiểu các sự vật hơn, thường lớn nhanh hơn, biết chuyện hơn và nói được nhiều hơn (bằng ngôn ngữ của trẻ 10 tháng tuổi).

Về khía cạnh này tiến sĩ Howard A. Moss thuộc Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ có nhiều nghiên cứu đã được các nhà khoa học, các nhà xã hội học thừa nhận, đó là: Sự khác biệt về tính cách hay hành vi giữa bé trai với bé gái không phải là bẩm sinh mà bắt đầu từ việc bắt chước và sự tác động từ ý muốn của cha mẹ muốn con mình là trai hay gái. Những nghiên cứu về các bậc cha mẹ (ở Mỹ) cho thấy rằng họ thường đối xử với bé gái khác với bé trai. Với bé gái, cha mẹ thường nhạy cảm hơn, hay nói và hay cười với trẻ nhiều hơn nên các bé gái thường hay nói, hay cười hơn các bé trai. Nhìn chung các bậc cha mẹ thường nghĩ rằng bé gái đáng yêu, mỏng manh hơn nên thường dạy cho bé biết để ý đến những sự vật có vẻ đẹp, thường cho bé ăn mặc đẹp, dịu dàng và khi chơi trò gì với các bé cũng đều nhẹ nhàng.

Nhưng đối với bé trai, cha mẹ, đặc biệt là người cha thường nghĩ trẻ phải mạnh mẽ, chơi trò gì cũng phải mạnh bạo, phải dùng sức nhiều hơn. Vì vậy, các bé trai thường chơi những trò mạnh mẽ chứ không chú ý tới những trò chơi cần sự tỉ mỉ, cẩn thận như các bé gái.

Nhưng nếu bé gái được nuôi nấng giống như một bé trai sẽ có tính cách giống con trai. Tương tự như vậy, nếu bé trai ở cùng với mẹ, ở cùng các chị gái và họ hàng là phụ nữ nhiều, không thường được gặp cha hoặc đàn ông thì các bé cũng sẽ có nhiều tính cách giống con gái hơn.

Như vậy, cha mẹ và môi trường sống ảnh hưởng rất nhiều đến sự hình thành đặc điểm về giới tính của trẻ.

BIỂU ÐỒ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ TRONG THÁNG THỨ 10

Phát triển về thể chất

Các phần cơ lớn

• Chỉ cần sự giúp đỡ nhỏ cũng khiến trẻ đứng được;

• Có thể tự đứng dậy được;

• Đi men theo thành giường, thành ghế, trèo lên, trèo xuống ghế;

• Bò với tư thế thẳng chân;

• Bước đi được nhưng phải có người giữ hai tay.

Dáng ngồi

• Đang đứng có thể tự ngồi xuống được;

• Đang từ tư thế ngồi có thể tự nằm sấp xuống được.

Các phần cơ nhỏ

• Có thể nắm được hai vật nhỏ trên cùng một tay;

• Cầm một đầu dây quả lắc để quay được quả lắc;

• Một tay cầm đồ chơi, tay kia có thể làm được một việc khác;

• Có thể thả đồ chơi đang cầm ở tay ra nhưng vẫn còn lúng túng.

Phát triển về ngôn ngữ

• Biết học các từ khác nhau và kết nối với hành động như “không” với lắc đầu, “bye bye” với vẫy tay;

• Có thể bắt chước nói các từ khác nhau;

• Thích nghe các từ có âm tiết giống nhau.

Phát triển về nhận thức và khả năng của các giác quan

• Nhìn một đồ chơi nào đó trong một đống đồ chơi, dùng ngón tay trỏ để chỉ, sờ hoặc chọc vào lỗ;

• Nhìn đồ vật trong hộp và nhặt ra;

• Nhìn đồ rơi ra khỏi lọ;

• Tìm được đồ vật bị giấu kín nếu không thấy sẽ biết đi tìm ở chỗ khác hoặc quay về tìm ở chỗ cũ; có thể nâng những vật che chắn lên;

• Bắt chước được nhiều động tác hơn;

• Bắt đầu biết rằng mình là một cá nhân tách rời với sự vật khác;

• Bắt đầu thích dùng một tay nào đó;

• Biết chỉ những bộ phận trên cơ thể.

Phát triển về mặt xã hội

• Biết bày tỏ cảm xúc, thích âm nhạc;

• Bắt chước các điệu bộ, âm thanh, sắc mặt và các hành động;

• Bắt đầu có những biểu hiện về giới tính;

• Bắt đầu biết lo lắng về sự thừa nhận và không thừa nhận của xã hội với bản thân;

• Nhạy cảm với những trẻ khác, sẽ khóc nếu trẻ khác được quan tâm hơn;

• Có thể tỏ ra sợ hãi (đó là những hành vi tiêu cực);

• Kéo bỏ mũ ra làm trò chơi;

• Thích nhất một đồ chơi nào đó và tỏ ra nhẹ nhàng khi chơi với búp bê.

Lịch trình hàng ngày

• Tự cầm cốc uống nước, tự ăn;

• Có thể khó ngủ;

• Hợp tác với cha mẹ khi được thay quần áo.