Sổ tay phát triển của trẻ - Chương 11

Những rắc rối của trẻ 12 tháng tuổi

• Chơi là việc lớn, ăn là việc nhỏ. Khi biết đi là khi cân nặng của trẻ không còn tăng đều như trước, thậm chí trẻ có thể còn giảm cân trong khi vẫn ăn uống bình thường. Thường thì đến tháng thứ 7, cân nặng của trẻ sẽ chững lại bởi đây là khoảng thời gian trẻ biết bò và không quan tâm tới việc ăn uống. Đến tháng thứ 12 này lại một lần nữa lượng ca-lo trong cơ thể trẻ bị đốt cháy tối đa bởi bé con có nhiều hoạt động hơn. Các bà mẹ hãy từ bỏ hy vọng trẻ sẽ ăn hết khẩu phần ở cả ba bữa, mà hãy hướng sự quan tâm tới chất lượng bữa ăn sao cho có nhiều chất dinh dưỡng nhất. Trong thời gian này, sữa vẫn là nguồn thức ăn quan trọng cung cấp đầy đủ protein và các vitamin cho trẻ. Các mẹ nên cho trẻ uống thêm ít nhất khoảng 500 mililít sữa một ngày, đồng thời cố gắng bổ sung sắt và các loại protein khác cho trẻ.

Ngoài ra, cha mẹ có thể thử áp dụng phương pháp mà tiến sĩ Clara David đã nghiên cứu, đó là cho trẻ 1 tuổi có cơ hội tự chọn thức ăn từ các loại thức ăn mà mẹ chuẩn bị và mẹ cũng không phải ép trẻ ăn. Kết quả là trẻ đã chọn loại đồ ăn mà bản thân thấy thích thú và ăn rất tốt.

• Không muốn ngủ trưa. Cha mẹ cảm thấy rất khó trong việc cho trẻ ngủ trưa bởi trẻ muốn sử dụng toàn bộ thời gian có được cho việc tập đi. Khi trẻ đã biết được cách đi như thế nào rồi, mẹ nên dành thời gian thích hợp để cho trẻ ngủ trưa và nghỉ ngơi. Người mẹ nên tập cho trẻ ăn trưa và ngủ vào đầu giờ chiều. Bạn hãy thực hiện một cách từ từ, tránh ép buộc trẻ và tạo không gian thích hợp cho việc ngủ của trẻ như tắm cho trẻ trước khi đi ngủ, tạo không khí yên tĩnh, mở nhạc nhẹ, kể truyện cổ tích hay hát ru trẻ ngủ…

• Bé con lại hay sợ hãi nữa rồi. Vào thời điểm trẻ di chuyển được tốt hơn này là lần thứ ba trẻ bắt đầu sợ người lạ và không gian mà trẻ chưa quen. Lần đầu tiên trẻ biết sợ là vào tháng thứ 4 - 5, lần thứ hai là khi trẻ được 8 tháng. Những sự sợ hãi này làm cho trẻ càng bám mẹ hơn, đặc biệt là khi ở bên ngoài, trẻ sẽ ôm chặt mẹ, không chịu chơi với ai và nếu có ngày nào đó mẹ phải ngủ đêm nơi khác, trẻ sẽ cảm thấy rất khổ sở.

Vì vậy mẹ nên rủ thêm những người thân quen với trẻ như bà nội, bà ngoại đến trông cháu để trẻ thấy thoải mái và có người chơi cùng. Việc được ở gần những người thân, người hiểu trẻ sẽ giúp trẻ thích nghi được với môi trường mới và việc trông nom trẻ cũng vì thế mà dễ dàng hơn. Việc trẻ bám mẹ có thể khiến một số mẹ cảm thấy có lỗi với trẻ khi phải xa trẻ. Các mẹ đừng lo lắng quá vì tất cả trẻ em trên thế giới đều bám mẹ nếu được mẹ tự tay nuôi nấng, chăm sóc. Những trẻ không cảm thấy gần gũi với mẹ thì sẽ không bám mẹ. Các bạn nên tự hào khi con bám mình bởi điều này cho thấy trẻ rất gắn bó, tin tưởng và thương yêu bạn.

Tình trạng trên sẽ dần biến mất, bởi khi trẻ lớn hơn và biết cách thích nghi, trẻ sẽ tự chơi, tự tìm việc khác để làm khi mẹ không ở gần. Cha mẹ có thể làm giảm dần sự lo lắng, sợ hãi của trẻ thông qua việc tạo ra những điều kiện tốt để trẻ tự làm chủ được tình huống, tự làm chủ bản thân. Dần dần trẻ sẽ học cách tự chăm sóc mình.

Dạy cho trẻ cách tự kiểm soát bản thân

Trẻ có học được cách tự kiểm soát bản thân hay không còn phụ thuộc vào cha mẹ. Trước những việc làm của trẻ khiến cha mẹ không hài lòng, cha mẹ nên tỏ ra tức giận ở mức độ phù hợp cho trẻ thấy bởi nếu bạn không thể hiện ra, trẻ sẽ không có cơ hội biết rằng hành động của trẻ đúng hay sai, cha mẹ có hài lòng không, cha mẹ muốn trẻ trở thành như thế nào. Bạn đừng nghĩ rằng trẻ sẽ không hiểu gì. Cha mẹ không nên quát mắng hay động tay động chân với trẻ bởi đó là hành động giải tỏa bực bội một cách ích kỷ, và quan trọng là làm như vậy bạn sẽ không giúp gì được cho trẻ. Giải pháp tốt nhất là:

• Bạn nên nói với trẻ bằng giọng điệu nghiêm túc rằng bạn đang cảm thấy như thế nào và vì sao bạn lại cảm thấy như vậy để trẻ thấy rằng mọi người ai cũng có thể tức giận nhưng cách thể hiện sự tức giận ấy sẽ ra sao mà thôi.

• Nếu trẻ đang có thái độ tức giận, bạn nên giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn bằng tình yêu và sự cảm thông.

• Trong khi chờ cho trẻ bình tĩnh hơn, bạn hãy tự xem xét lại bản thân xem điều gì khiến bạn giận trẻ và lần sau có thể tránh được tình trạng này được không.

BIỂU ÐỒ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ TRONG THÁNG THỨ 12

Phát triển về thể chất

Các phần cơ lớn

• Tự đứng lên và đứng thẳng được;

• Đã đi được nhưng vẫn thích bò hơn;

• Trong khi đi vẫn có thể dùng tay làm việc khác;

• Bò lên bò xuống cầu thang;

• Khi tắm thể hiện điệu bộ như đang bơi ở trong chậu.

Dáng ngồi

• Hạ người ngồi xuống.

Các phần cơ nhỏ

• Biết mở nắp lọ, nắp hộp;

• Thích dùng một tay, khi một tay đang cầm đồ chơi, tay kia có thể làm được việc khác;

• Dùng ngón tay trỏ chỉ vào đồ vật, có khi đẩy được đồ vật;

• Có thể tự cởi được quần áo (với những quần áo dễ cởi).

Phát triển về ngôn ngữ

• Phân biệt được các tông giọng;

• Biết nói được nhiều giọng và tập nói thường xuyên.

Phát triển về nhận thức và khả năng của các giác quan

• Thích cầm, nắm đồ vật; tách các đồ vật ra và bóc vỏ hộp đồ chơi;

• Học hỏi về sự thay thế, việc quay, lộn ngược đồ vật;

• Tìm những đồ chơi không nhìn thấy nhưng nhớ được rằng nó đã từng nằm ở chỗ đó;

• Nhớ được nhiều sự việc hơn và lâu hơn;

• Bắt chước được tốt hơn và thích bắt chước điệu bộ;

• Biết bản thân khác với đồ vật;

• Dùng tay thuận;

• Khi làm sai điều gì sẽ tìm cách giải quyết;

• Có thể phân biệt được các hộp đồ chơi theo màu sắc và hình dáng;

• Nghĩ thầm các bước hoặc toàn bộ quá trình hành động trước khi thực hiện.

Phát triển về mặt xã hội

• Bày tỏ tâm trạng và hiểu được cảm xúc của người khác;

• Phân biệt được giữa bản thân với người khác;

• Sợ người lạ mặt và những địa điểm mới lạ;

• Có những phản ứng mạnh khi bị tách khỏi mẹ;

• Biết đùa, bám người và đồ vật;

• Đã biết từ chối nhiều hơn;

• Hiểu các trò chơi nhiều hơn, ai xin đồ chơi cũng cho.

Lịch trình hàng ngày

• Khẳng định việc tự ăn;

• Ăn mỗi ngày 3 bữa, tự cầm thìa xúc ăn, tự cầm cốc uống nước;

• Có thể không chịu đi ngủ;

• Hợp tác khi được thay quần áo.

TUỔI CHẬP CHỮNG NGHỊCH NGỢM (1 - 2 TUỔI)

Từ một đứa trẻ còn ẵm ngửa, dần dần trẻ đã phát triển sang giai đoạn chập chững. Ðây là khoảng thời gian rất thú vị. Trẻ độ tuổi này có thể làm được nhiều điều gần giống người lớn, chỉ là chưa thật tốt mà thôi. Vì vậy, trẻ cần được tập luyện bằng cách tiếp tục bắt chước cả điệu bộ và ngôn ngữ của người lớn để phát triển bản thân.

THÁNG THỨ 13

TUỔI CỦA SỰ HỌC HỎI VÀ TỰ LẬP

Khi bắt đầu bước sang tuổi thứ 2, trẻ đã có nhiều thay đổi rõ nét như: bắt đầu biết đi, bắt đầu học nói và bắt đầu tự lập. Cả ba sự thay đổi này chỉ là một phần nhỏ trong quá trình phát triển của trẻ mà thôi. Thực tế trẻ thay đổi qua từng ngày, từng tháng. Nếu để ý kỹ cha mẹ sẽ thấy ở tuổi này, trẻ hiểu được lời nói nhiều hơn, và đây chính là thời điểm quan trọng để bắt đầu dạy từ vựng cho trẻ.

Phát triển về thể chất

• Thực sự biến đổi về cơ thể.

Phần lớn trẻ ở độ tuổi này sẽ chuyển từ bò sang đi. Nhưng trong thực tế có một số trẻ đã biết đi từ khi được 10 - 11 tháng tuổi, và cũng có một số khác vẫn chưa có dấu hiệu của việc biết đi mà vẫn thích bò lung tung hơn bởi trẻ cảm thấy việc bò giúp trẻ tới chỗ này, chỗ kia nhanh hơn và thoải mái hơn.

Trẻ có thể phải cần 2 - 3 tháng để tập đứng và tập đi. Trong khoảng thời gian này trẻ cũng cố gắng đứng lên bằng hai chân. Khi đã tự tin, trẻ sẽ bước lên phía trước khoảng 2 - 3 bước rồi lại ngã xuống. Nhưng trẻ vẫn tiếp tục cố gắng, ngã rồi lại đứng lên, đứng lên đi rồi lại ngã… để luyện giữ thăng bằng cơ thể.

Đôi khi trẻ có thể cảm thấy sợ hãi, không dám đi tiếp vì sợ rằng bước đi sẽ bị ngã xuống sàn. Những lúc như thế, cha mẹ phải cổ vũ, động viên và dẫn dắt để trẻ có cảm hứng muốn đi tiếp bằng rất nhiều cách như vỗ tay động viên, ngợi khen hay tìm đồ chơi để dụ bé con đang lười tập đi. Những đồ chơi được chọn nên là đồ chơi có thể kéo hoặc đẩy đi, đồ chơi khi kéo sẽ phát ra âm thanh. Không chỉ vậy, việc đeo vòng ở cổ chân cho trẻ cũng có thể phát huy tác dụng lúc này bởi trẻ sẽ nghĩ rằng bản thân có thể tạo ra âm thanh và mọi người đang theo dõi mình một cách chăm chú.

Tay và mắt phối hợp với nhau rất ăn ý. Trẻ đã có thể ghép hai miếng xếp hình chồng lên nhau, nhặt những đồ vật nhỏ ra khỏi đồ đựng, cho đồ vật vào đồ đựng rồi nhặt ra… Quá trình vận động này dựa vào việc ước lượng khoảng cách, sự phối hợp hoạt động của tay và mắt nhằm đặt đồ vật vào trúng đích và thả tay ra mà không để đồ vật đó bị đổ hoặc rơi ra ngoài. Đây cũng được coi là một thành công lớn của trẻ.

Cha và mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ sử dụng đôi tay càng nhiều càng tốt bằng cách tìm các dụng cụ để đựng đồ, có thể là ca đựng nước, những chiếc lọ rộng miệng, chiếc nồi, chiếc âu, miếng xếp hình hay đồ vật nhỏ (nhưng phải để ý cẩn thận bởi trẻ có thể cho vào miệng) để trẻ được tập luyện việc nhặt đồ vật cho vào và cho ra; hoặc thử để cho trẻ tự cầm thìa xúc thức ăn vào miệng.

Việc sử dụng đôi tay để làm những việc tỉ mỉ của trẻ sẽ giúp phát triển khả năng học hỏi được tốt hơn. Từ việc tiếp xúc và cầm, nắm đồ vật, trẻ sẽ hiểu về hình dáng, kích thước, sự nặng nhẹ và cả sự khác biệt về bề mặt tiếp xúc của đồ vật.

Phát triển về ngôn ngữ

Việc học và sử dụng ngôn ngữ của trẻ thời kỳ này sẽ trải qua hai giai đoạn như sau:

Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn hiểu nhưng chưa thể nói thành từ được (lời nói thụ động). Trẻ có thể hiểu được những câu bạn nói với trẻ như “Đi tắm nhé!”, “Đi ăn thôi!”, “Má thơm thích quá!”, “Lấy búp bê mang ra đây cho mẹ nào!”, “Đừng!”, “Eo ôi, bẩn quá!”… nhưng chưa thể nói ra được.

Giai đoạn thứ hai là giai đoạn trẻ có thể nói được (Lời nói chủ động). Trẻ có thể sẽ nói được những từ có nghĩa như “măm măm”, “đi”, “nước”, “bánh”… hay những từ không có nghĩa nhưng là ngôn ngữ riêng của trẻ như “pa pa”, “ma ma”, “ca ca”… Ở giai đoạn này, trẻ thích trao đổi nhiều hơn.

Khi bước sang tuổi thứ 2, việc sử dụng ngôn ngữ của trẻ chủ yếu thuộc giai đoạn đầu tiên nhiều hơn. Bước sang tuổi thứ 3, việc sử dụng ngôn ngữ của trẻ mới thuộc giai đoạn hai nhiều hơn.

Vì vậy, bước sang tuổi thứ 2, trẻ thường giao tiếp bằng cử chỉ, giọng điệu riêng chứ không dùng lời nói, ví dụ như khi tức giận trẻ sẽ xị mặt, vung tay, đá chân, lăn lộn qua bên này, bên kia…; khi vui trẻ sẽ cười, nhún nhảy, lăn lộn vui đùa…; nếu xấu hổ trẻ sẽ quay mặt đi chỗ khác, hoặc cúi mặt xuống; nếu muốn điều gì trẻ sẽ kéo, lôi hoặc chỉ trỏ; với những đồ vật không thích trẻ sẽ gạt ra.

Cha mẹ hãy thúc đẩy sự phát triển ngôn ngữ cho trẻ bằng những cách như sau:

• Gọi tên đồ vật và các hành động bằng những câu từ đơn giản và rõ ràng như “quả bóng”, “bóng bay”, “Cẩn thận kẻo rơi!”, “Nhặt lên!”, “Lại đây ăn cơm!”, “Đói chưa con?”, “Ôi, rét quá!” (kèm theo động tác run người), “Không được làm như thế!” (kèm theo động tác lắc đầu), “Eo ôi, bẩn quá!”, “Khi cởi áo, con phải rút tay ra trước nhé!”…

• Nói đến những việc sẽ làm, đang làm và đã làm xong như “Bây giờ mẹ sẽ đi tắm cho con nhé!”, “Này, múc nước vào chậu”, “Nào, ra đây vào chậu tắm ùm ùm nào!”, “Tắm xong rồi chúng ta sẽ mặc quần áo nhé!”…

• Chăm chỉ nói chuyện với trẻ, hỗ trợ cho trẻ tập nói thường xuyên, nên có những hành động hoặc sự thể hiện thái độ kèm theo để giúp trẻ hiểu những lời bạn nói tốt hơn.

• Bạn nên tập cho trẻ nói đi kèm với việc nghe bằng cách dẫn dắt trẻ nghe những âm thanh xung quanh mình hoặc từ đĩa CD như tiếng động vật, tiếng sấm… và bảo trẻ bắt chước.

Tìm hiểu về thế giới xung quanh từ những trò chơi

Từ các nghiên cứu, các nhà tâm lý học, nhà nghiên cứu về trẻ nhỏ hay nhà giáo dục học đều thống nhất quan điểm rằng sự kích thích từ môi trường xung quanh có tác động rất lớn tới sự phát triển của trẻ.

Đối với những trẻ thường xuyên được cha mẹ chơi cùng, bế ẵm, vui đùa, bắt chước những điệu bộ của trẻ, cười với trẻ, nói chuyện với trẻ, chuẩn bị đồ vật cho trẻ được nhìn ngắm, được chơi, nghe trẻ nói, tạo cơ hội cho trẻ được khám phá sự vật bằng mắt, bằng tay, bằng miệng sẽ giúp trẻ được chuẩn bị sẵn sàng để có thể phối hợp hoạt động giữa mắt và sự vận động tốt hơn. Sự tiến bộ này sẽ theo trẻ tới khi lớn.

Những trò chơi đơn giản nhưng luôn hiệu quả là ú òa, đuổi bắt và bắt chước. Đặc biệt, việc bạn bắt chước những hành động của trẻ không những tạo tiếng cười thích thú cho trẻ mà còn giúp trẻ có cảm giác giống như đang soi gương ngắm chính bóng của mình. Những trò này sẽ làm trẻ rất hứng thú. Ngoài ra bạn cũng nên cho trẻ chơi những trò chơi nhằm luyện các kỹ năng như học hát, nghe nhạc và minh họa bằng hành động, kể truyện cổ tích, cho xem sách, hình ảnh và hướng dẫn trẻ biết cất đồ, nhặt đồ vật cất đi để giúp trẻ thấy rằng việc cất dọn cũng là trò chơi thú vị.

Cha mẹ hãy thúc đẩy việc chơi của trẻ bằng cách:

• Tạo một không gian rộng rãi và an toàn, có chỗ cất đồ chơi, lựa chọn đồ chơi phù hợp.

• Đồ chơi của trẻ phải bền vì trẻ thường lôi, kéo, ném, quăng rất mạnh; các góc cạnh của đồ chơi nên được làm tròn; lớp sơn bên ngoài không được lẫn chì hoặc hóa chất độc hại; nếu là đồ chơi bằng gỗ thì phải không bị xước, những đồ chơi bằng nhựa thì không được giòn, dễ vỡ.

• Tránh những đồ chơi bằng chất liệu lông thú bởi màu nhuộm thường không bền trong khi trẻ ở tuổi này thích ngậm đồ chơi vào miệng nên có thể bị nhiễm độc từ các loại màu đó. Tránh những đồ chơi có gắn các chi tiết nhỏ bởi trẻ có thể kéo đứt ra như nơ, cúc áo búp bê, dây… Bạn nên tháo bỏ hoặc gắn thật chặt những chi tiết này trước khi cho trẻ chơi.

• Trẻ ở tuổi này thường thích lấy vòng, nhẫn xếp vào chân đế, thích đào bới, nghịch đồ chơi trong chậu tắm nhưng thích nhất vẫn là những đồ dùng vật dụng trong nhà bếp. Nếu không phải đồ dễ vỡ, các mẹ nên cho trẻ mượn một số đồ để chơi.

• Thường xuyên đưa trẻ đi chơi và tiếp xúc với người khác như đi chợ, đi công viên để trẻ quen dần với người lạ nhằm chuẩn bị cho trẻ sẵn sàng tham gia trò chơi với các trẻ khác khi lớn hơn.

Phát triển về mặt xã hội

• Trẻ bắt đầu bước vào các mối quan hệ với mọi người xung quanh nhiều hơn. Những trò chơi như trốn tìm, đuổi bắt… là những trò chơi giúp trẻ biết cách xây dựng mối quan hệ với người khác. Trẻ thường thích ném cái này, cái kia đi rồi đợi một ai đó ở gần nhặt giúp cho sau đó lại ném tiếp để họ nhặt lên đưa cho. Trẻ cứ lặp đi lặp lại không biết chán và thích đưa trả lại đồ vật cho người vừa đưa giúp trẻ.

• Trẻ thích hò hét. Nếu thấy hài lòng, vui vẻ hay hồi hộp, trẻ sẽ hét thật to. Trẻ thích được người khác ôm vào lòng, thích được khen, thích bắt chước những hành động của người lớn. Trẻ đã biết cách lấy lòng bằng cách thơm vào má hoặc tạm biệt khi bạn đi làm.

• Trẻ có cách khiến người lớn làm giúp điều mà mình muốn như đi đến kéo gấu váy mẹ để mẹ đi lấy quyển sách trên giá cao, chỉ tay về phía đồ vật mà trẻ muốn lấy hoặc kéo mặt cha lại để nhìn bé, lấy tay bịt miệng mẹ lại khi mẹ chỉ nói chuyện với người khác mà không nói chuyện với trẻ.

• Vẫn sợ hãi khi gặp người lạ. Cha mẹ nên thường xuyên đưa trẻ ra ngoài như đưa trẻ đi chơi công viên, đi dạo, đi chợ để trẻ quen dần với người lạ. Cho dù lúc này trẻ chưa sẵn sàng chơi với những trẻ khác nhưng vẫn thích xem người khác chơi và khi lớn lên một chút trẻ sẽ sẵn sàng tham gia vào các trò chơi cùng các trẻ khác.

• Sự quan tâm của trẻ mở rộng tới những con vật nuôi. Trẻ nghĩ rằng con vật có thể di chuyển được cũng giống như con người nên thích đến gần, nhưng một vấn đề phát sinh đó là trẻ vẫn chưa biết cách chơi với vật nuôi. Nếu là con chó đã quen sẽ không sao, nhưng nếu là chó mèo lạ sẽ có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Vì vậy, cha mẹ nên chú ý khi trẻ chơi với vật nuôi.

Phát triển về tâm sinh lý

• Mặc dù tới tuổi này trẻ đã bắt đầu độc lập với cha mẹ nhưng trẻ vẫn thích ở gần cha mẹ. Nếu mẹ mải mê làm việc quá lâu, trẻ sẽ lại gần quẩn vào chân hoặc kéo gấu váy của mẹ để nhắc mẹ phải dừng công việc lại, quan tâm tới trẻ một chút.

• Trẻ thích được chơi với các bộ phận trên khuôn mặt mẹ: vỗ nhẹ vào miệng hoặc má, véo mũi hoặc véo cổ hoặc cho ngón tay vào miệng, vào mũi mẹ… Chúng ta thường nghĩ rằng những hành động này là niềm vui của trẻ nhưng có không ít nhà tâm lý học cho rằng đó là một quá trình để trẻ độc lập dần với cha mẹ và thường xảy ra vào tuổi thứ 2 này.

• Thời điểm này trẻ sẽ rất dễ cáu giận nếu không vừa lòng và thường biểu hiện bằng cách khóc lóc hoặc mè nheo, đấm đá đồ vật. Những lúc như vậy, nếu có trẻ bé hơn lại gần, trẻ sẽ khó chịu. Đôi khi bạn thấy trẻ tới ôm trẻ khác nhưng khi quay lại đã lại thấy trẻ cắn hoặc lấy đồ chơi đập vào đầu bạn rồi. Nguyên nhân là bởi ở tuổi này, trẻ coi người khác là đồ chơi nên không chịu chơi với bạn cùng lứa. Nếu trẻ nào có anh hay chị sẽ rất thích chơi với anh chị mình nên bạn phải chú ý đến những trò chơi như trèo cây hoặc chơi những trò mạo hiểm mà các anh chị của bé vẫn chơi.

Tự do di chuyển là một điều rất quan trọng với trẻ. Do vậy, nếu cần thiết phải ngăn cản hoặc cấm trẻ tiếp xúc với các đồ vật bị cấm, cha mẹ nên dùng cách chuyển hướng quan tâm của trẻ sang đồ vật khác. Việc ngăn cản hoặc ra lời cấm đoán chỉ mang lại kết quả tiêu cực. Bé con thường thể hiện tính bướng bỉnh bằng cách đạp chân đạp tay, dùng hết sức để giãy giụa, đôi khi bạn không thể cưỡng lại được sức mạnh của bé nên có thể cả mẹ lẫn con đều bị ngã.

• Sợ và e dè trước sự vật quanh mình. Việc được thấy những điều mới mẻ cộng với khả năng tưởng tượng của bản thân sẽ gây ra nhiều nỗi sợ cho trẻ như sợ tiếng quát mắng, sợ ngã bị va đập vào thành bàn, ghế, sợ tắm, sợ ban đêm tối tăm yên tĩnh, sợ người lạ, sợ những con vật to, sợ những âm thanh lạ của máy hút bụi… Do vậy, bạn hãy tìm hiểu lý do của những sự sợ hãi đó của trẻ, nếu trẻ sợ tiếng nước chảy mạnh từ vòi, bạn nên nhẹ nhàng bế trẻ lại gần để trẻ thử mở vòi nước thật nhẹ…

• Ăn ít hơn và chọn đồ ăn là chuyện rất đỗi bình thường đối với trẻ ở độ tuổi này. Đến thời điểm này, sự phát triển của trẻ sẽ chậm lại, trẻ có nhiều thứ để quan tâm hơn, các mẹ cũng không nên so sánh nhu cầu ăn uống hiện tại của trẻ với những tháng trước đây. Nhìn chung nhu cầu vào bữa sáng của trẻ sẽ giảm xuống. Trong năm đầu tiên trẻ sẽ tăng khoảng 7,2 kilôgam trọng lượng cơ thể, tương đương với trọng lượng sẽ tăng trong 4 năm tiếp theo. Trẻ có thể ăn giảm xuống chỉ còn 1 bữa/ngày. Đôi khi việc mọc răng có thể khiến nhu cầu ăn uống của trẻ giảm xuống và bé con của bạn chỉ ăn được một nửa khẩu phần ở một số bữa, một số bữa sẽ không chịu ăn.

Tốt nhất các mẹ nên chuẩn bị những đồ ăn mà trẻ có thể tự cầm ăn và nhai được như cà rốt luộc thái miếng mỏng, xoài, táo, nho đã được bỏ hạt hoặc đùi gà thái nhỏ, những loại thức ăn này không chỉ phù hợp với những chiếc răng đang mọc của trẻ mà còn giúp trẻ luyện tập cơ hàm dùng trong việc phát âm.

• Đã lớn và có thể tự làm những việc làm đơn giản hàng ngày như lấy thìa tự xúc thức ăn, tự thay quần áo… và cha mẹ nên tạo điều kiện để trẻ làm những việc này.

Trẻ cần nhất là tự do

Tất cả trẻ em trên thế giới ở độ tuổi này đều có điểm giống nhau là không thích bị ngăn cản. Tự do trong việc di chuyển là điều rất quan trọng đối với trẻ.

Tháng thứ 13 trong cuộc đời của trẻ là khoảng thời gian chuyển tiếp của việc thể hiện bản thân. Việc biết đi khiến trẻ cảm thấy tự chủ. Trẻ không muốn tỏ ra là một đứa trẻ sơ sinh yếu ớt, không thể tự giúp đỡ bản thân được hay tiếp tục phải chịu sự chỉ huy của bạn nữa, biểu hiện là sự từ chối, lắc đầu hoặc đẩy đồ mà bạn cố gắng nhồi nhét cho bé, nếu nói được sẽ thích nói từ “không ” nhất.

Trẻ muốn bạn phải tôn trọng bản thân và suy nghĩ của trẻ giống như những người khác.

Giai đoạn này, trẻ thường làm cho mọi người trong gia đình phải đau đầu. Trẻ có thể gào khóc đến điếc tai người bên cạnh, nghịch nước trong bồn cầu; lấy dép, bánh xà phòng để cho vào bồn cầu; cố gắng trèo ra khỏi cũi; cắn hoặc kéo khăn trải bàn. Dường như trẻ đang muốn thử sức chịu đựng và khả năng thấu hiểu của cha mẹ. Nhưng thực tế trẻ đang thử nghiệm với tay và chân của mình xem có thể làm được tới mức nào. Trẻ đang tiến hành kiểm tra và khám phá thế giới xung quanh một cách tỉ mỉ và cố gắng chứng tỏ quyền lực tối cao của mình. Quyền lực ở đây không phải dùng để làm hỏng hay phá phách mà là sự học hỏi để trở thành một cá nhân có khả năng và tự chủ.

Trong cuốn sách Giúp trẻ học tập, Stephen Lehane đã nói rằng: “Trong tuổi thứ hai này, điều đáng ghi nhớ là tất cả những gì mà trẻ cần làm để phát triển và lớn lên đều là những điều khiến cha mẹ hầu như liên tục phải mệt mỏi hoặc phát điên”.

Phần lớn mọi người đều cho rằng ý thức về bản thân hay tính tự chủ, sự tự tin vào bản thân đều là do bẩm sinh mà có. Thực tế điều này cũng không sai vì khi mới sinh ra có thể trẻ chưa hiểu về bản thân nhưng sẽ dần dần phát triển cùng với việc tích lũy kinh nghiệm và sự dạy dỗ.

Trong tuần đầu tiên của trẻ, những ý thức về bản thân sẽ bắt đầu hình thành thông qua việc dùng các bộ phận của cơ thể để nhận biết cảm giác, tiếp xúc với môi trường như cảm thấy hồi hộp khi trông thấy đồ vật mới, biết lạnh, biết nóng… Cho đến khi biết cầm, nắm đồ vật cũng là lúc trẻ bắt đầu hiểu hơn về bản thân.

Khi lớn hơn một chút, trẻ bắt đầu ý thức được bản thân là một cá nhân có khả năng, có nhu cầu, tự chủ.

Tiến sĩ Kessel gọi giai đoạn này là “Giai đoạn bản thân tôi và của tôi”.

Bởi vậy, trẻ ở độ tuổi này không hài lòng khi bị giam giữ trong một không gian bó hẹp. Trẻ cần ra ngoài để khám phá cả thế giới, cần thử nghiệm hoặc thể hiện tính độc lập, cần thể hiện quyền lực và khả năng trong việc kiểm soát các sự việc. Trẻ có thể sẽ tự kéo bàn ghế nặng để thử sức lực của bản thân, ném đồ vật xuống bắt bạn nhặt đi nhặt lại hay thích từ chối để thể hiện tính tự chủ. Nếu nhìn một cách đơn thuần, chúng ta sẽ nghĩ rằng đó là một trẻ nóng nảy, chỉ biết đến bản thân. Nhưng nếu hiểu được tâm sinh lý của trẻ cha mẹ sẽ biết rằng đây là giai đoạn bướng bỉnh, một giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển về tâm sinh lý và trí tuệ của trẻ.

Thay vì chống đối lại trẻ hoặc ép buộc trẻ phải thay đổi như mong muốn của mình, chúng ta nên thay đổi hoặc điều chỉnh lại môi trường sống cho phù hợp với trẻ, như vậy không tốt hơn sao?