Tâm lý học đám đông - Tập 2 - Chương 1 - Phần 1

Tập 2 - Các quan điểm và đức tin của đám đông

Chương 1: Những động lực từ xa của các đức tin và quan điểm của đám đông

Cho đến đây chúng ta đã nghiên cứu về trạng thái tinh thần của đám đông. Chúng ta đã biết về cách họ cảm nhận, suy nghĩ, và cách họ rút ra kết luận. Bây giờ chúng ta muốn xem, quan điểm, đức tin của họ đã hình thành và được củng cố vững chắc bằng cách nào. Có hai kiểu động lực khác nhau quyết định các quan điểm và đức tin đó: đó là các động lực trực tiếp và các động lực gián tiếp.

Các động lực gián tiếp tạo cho đám đông khả năng tiếp nhận những đức tin nhất định nào đó và ngăn cản sự thâm nhập của các đức tin khác. Nó chuẩn bị mảnh đất, trên đó người ta thấy những ý tưởng bất chợt nhú lên, sức mạnh và tác động của chúng làm cho ta ngạc nhiên, nhưng đó chỉ là có vẻ như bất chợt. Sự bộc phát và trở thành hiện thực của các ý tưởng nào đó trong đám đông thường thể hiện một cách đột ngột nhanh như chớp. Tuy nhiên đó chỉ là tác động bề mặt, những gì đằng sau nó thường là cả một công việc chuẩn bị lâu dài.

Những công việc lâu dài này, nếu không có chúng các ý tưởng sẽ mãi là vô dụng, đứng bên trên chúng là những động lực trực tiếp. Các động lực trực tiếp truyền sự sống cho niềm tin của đám đông - nghĩa là cung cấp cho ý tưởng hình dạng của nó và giải phóng nó cùng với tất cả những hậu quả của nó. Những động lực trực tiếp này là cơ hội để hình thành những quyết định dẫn đến sự nổi dậy một cách bùng phát của một tập thể - từ đó dẫn đến nổ ra sự nổi loạn hoặc một quyết định đình công, sự nổi dậy này sẽ đưa một con người nào đó vào vị trí quyền lực được đa số nhất trí hoặc nó sẽ hạ bệ một chính phủ. Trong tất cả các sự kiện lớn của lịch sử người ta có thể nhận thấy những tác động không ngừng của hai loại động lực này. Một trong những ví dụ rõ ràng nhất người ta có thể lấy ra, đó chính là cuộc cách mạng Pháp, động lực gián tiếp của nó là những phê phán của giới trí thức và sức ép của giới quý tộc. Những tâm hồn của đám đông được chuẩn bị như vậy, cho nên rất dễ bị khích động bởi những động lực trực tiếp, ví dụ như những lời hiệu triệu của các nhà diễn thuyết và sự phản kháng của triều đình chống lại cả những cải cách không quan trọng.

Những động lực gián tiếp bao gồm những yếu tố chung, là nền tàng của tất cả các đức tin và quan điểm, đó là: chủng tộc, các truyền thuyết, thời gian, các thể chế và giáo dục.

Chúng ta sẽ nghiên cứu từng vấn đề một.

§1. Chủng tộc

Động lực hàng đầu cần phải phân tích là chủng tộc, bởi vì chỉ riêng nó đã mang nhiều ý nghĩa hơn tất cả những thứ còn lại. Tôi đã khảo sát nó đầy đủ trong một bài viết khác và thấy rằng không cần phải quay trở lại một cách cụ thể ở đây. Tôi đã chỉ ra trong bài viết đó, rằng một đám đông lịch sử là cái gì và nếu như những đặc điểm tính cách của nó được hình thành, khi đó những tố chất văn hóa của nó, những đức tin của nó, các thể chế của nó, nghệ thuật của nó, nghĩa là tóm lại, tất cả mọi yếu tố văn hóa sẽ tạo nên cái sắc thái bên ngoài của tâm hồn. Sức mạnh của tâm hồn lớn đến nỗi, không có một yếu tố nào có thể truyền được từ một dân tộc này sang một dân tộc khác mà không phải trải qua một sự biến đổi sâu sắc nhất[7]. Môi trường, các hoàn cảnh, các sự kiện phản ánh lại những tác động xã hội nhất thời. Chúng có thể là những tác động quan trọng, nhưng những ảnh hưởng này luôn chỉ là những ảnh hưởng nhất thời, nếu nó đối lập với những ảnh hưởng của chủng tộc, nghĩa là, đối lập với toàn bộ phả hệ.

[7] Bởi học thuyết này còn rất mới và nếu không có nó ta sẽ vẫn chưa hiểu được lịch sử, cho nên tôi đã dành chỗ cho nó ở nhiều chương trong tác phẩm của tôi mang tên “Các định luật của phát triển dân tộc”. Độc giả qua đó sẽ nhận thấy, mặc dù bị vẻ ngoài che lấp, kể cả ngôn ngữ lẫn tôn giáo, lẫn các loại nghệ thuật, hoặc bất kể một yếu tố nghệ thuật nào đều không thể không bị biến đổi khi được truyền từ dân tộc này sang dân tộc khác.

Chúng ta sẽ còn có cơ hội trong nhiều chương của bài viết này để quay lại với vấn đề ảnh hưởng của chủng tộc và để nhận ra rằng, nó đủ mạnh để có thể khống chế được những tính cách đặc biệt của tâm hồn đám đông. Từ đó dẫn đến thực tế, các đám đông thuộc các nước khác nhau có sự khác biệt rất lớn trong đức tin và cách ứng xử và cách thức họ bị tác động cũng không giống nhau.

§2. Các truyền thuyết

Truyền thuyết chứa đựng những ý tưởng, những đòi hỏi và tình cảm của thời trước đó. Nó tạo nên sự thống nhất của chủng tộc và đè lên chúng ta với tất cả sức nặng của nó.

Từ khi phôi thai học chỉ ra những ảnh hưởng vô cùng lớn của quá khứ vào sự phát triển của sinh vật, các nhà sinh vật học đã đổi hướng, và các nhà sử học cũng sẽ làm như vậy, nếu như những tư duy kiểu này tiếp tục lan rộng. Hiện giờ nó vẫn chưa được biết đến một cách đầy đủ, và nhiều nhà lãnh đạo quốc gia do đó vẫn còn dừng lại ở những quan điểm lý thuyết của thế kỷ trước, họ tin rằng, một xã hội có thể tách rời khỏi quá khứ của nó và có thể tự đổi mới từ gốc mà chỉ cần duy nhất dựa vào lý trí.

Dân tộc là một cơ thể sinh học được tạo nên từ quá khứ. Như tất cả các cơ thể khác nó chỉ có thể tự thay đổi qua quá trình tích lũy từ từ những yếu tố di truyền.

Những người lãnh đạo thực sự của một dân tộc chính là các truyền thuyết; và như tôi đã nhiều lần nhắc đến, chỉ có những hình thức bên ngoài mới dễ thay đổi. Không có truyền thuyết, có nghĩa là không có tâm hồn, sẽ không thể có văn hóa. Sở dĩ như thế bởi vì, loài người, từ khi nó xuất hiện trên thế giới này, có hai nhiệm vụ vĩ đại là tạo nên một mạng lưới những truyền thuyết và xóa bỏ chúng khi đã hết tác dụng. Không có nền văn hóa nào lại không có những truyền thuyết gắn chặt với nó, và không có sự xóa bỏ chúng một cách từ từ sẽ không thể có tiến bộ. Khó khăn ở chỗ, là tìm được điểm cân bằng giữa bảo tồn và thay đổi. Đây cũng là một điều nan giải. Nếu một dân tộc có nhiều dòng họ kiên quyết bám giữ lấy những thói quen, như thế không thể nào có sự thay đổi, nó giống như Trung quốc, sẽ không có khả năng trở nên hoàn thiện. Ngay cả những thay đổi bằng vũ lực cũng không có tác động gì, bởi vì sau đó hoặc là những mắt xích bị giằng đứt sẽ được chắp nối trở lại và quá khứ sẽ quay về địa vị thống trị một cách không thay đổi như trước đây hoặc là những mảnh đứt sẽ nằm riêng rẽ để rồi chẳng bao lâu sau chúng biến dạng thành một sự hỗn loạn.

Như vậy nhiệm vụ của một dân tộc là phải giữ gìn những cái đặc trưng của quá khứ bằng cách dần dần thay đổi chúng. Dân La mã cổ đại và dân Anh hiện thời có lẽ gần như là những dân tộc duy nhất đã thực hiện được nhiệm vụ này.

Chính những đám đông, và cụ thể là những đám đông được hợp thành từ các giai cấp, là những kẻ bảo vệ một cách kiên trì nhất những ý tưởng được lưu truyền và chống lại sự thay đổi các ý tưởng đó một cách ngoan cố nhất. Tôi đã đề cập đến tính bảo thủ của đám đông và đã chỉ ra rằng, nhiều cuộc nổi loạn kết thúc chỉ với sự thay đổi về ngôn từ. Khoảng cuối thế kỷ 18, do có hiện tượng đập phá các nhà thờ, săn đuổi và chặt đầu giáo sĩ, đàn áp các biểu tượng công giáo nói chung, người ta đã tin rằng như vậy những ý tưởng tôn giáo cũ đã bị tước bỏ hết quyền lực; thế nhưng chỉ vài năm sau, dưới áp lực của đòi hỏi chung, các biểu tượng tôn giáo bị xóa bỏ trước đây đã được khôi phục trở lại[8].

[8] Báo cáo của nghị viên già Fourcroy, mà Taine lấy làm ví dụ, chỉ ra rất rõ mặt này: “Những gì người ta thấy ở những cuộc lễ chủ nhật và đi nhà thờ chứng minh rằng, đám đông người Pháp muốn quay trở lại với những tập tục cũ, và cái thời để chống lại cái mong muốn này của dân tộc đã không còn nữa. Đám đông con người thấy cần phải có tôn giáo, có một thần tượng và các giáo sĩ. Một sự nhầm lẫn của một vài triết gia, điều mà bản thân tôi cũng lâm phải, là đã tin vào khả năng của một sự giáo dục, chỉ cần nó đủ phổ cập là có thể phá vỡ những định kiến tôn giáo: chúng là nguồn an ủi đối với nhiều nỗi bất hạnh... Do vậy người ta không nên động chạm đến những giáo sĩ, những nơi thờ phượng và thần tượng của đám đông dân chúng.”

Không có thí dụ nào tốt hơn thế để chỉ ra quyền lực của thói quen đối với tâm hồn đám đông như thế nào. Những thần tượng kinh khủng nhất không trú ngụ ở các đền đài, và những kẻ chuyên chế tàn bạo nhất không sống trong các cung điện. Nếu quả như vậy chúng rất dễ bị lật đổ. Nhưng những ông chủ vô hình thống trị tâm hồn chúng ta, đều thoát khỏi mọi sự tấn công và chỉ bị suy yếu bởi sự hao mòn từ từ kéo dài hàng thế kỷ.

§3. Thời gian

Trong các vấn đề về cộng đồng cũng như các vấn đề về xã hội, một trong những yếu tố có tác động mạnh nhất đó là thời gian. Nó quả thật là kẻ sáng tạo và đồng thời cũng là kẻ tàn phá vĩ đại. Nó đã làm nên những ngọn núi từ vô số những hạt bụi li ti, và từ những tế bào bé nhỏ của thời địa chất xa xăm nó đã nâng lên chân giá trị con người. Sự tác động của hàng trăm thế kỷ đủ để biến đổi bất kỳ một hiện tượng nào. Người ta có lý khi nói rằng, những con kiến, nếu có đủ thời gian, chúng có thể san bằng cả ngọn Montblanc. Nếu một bản thể nào đó có sức mạnh diệu kỳ để có thể thay đổi thời gian một cách tùy thích, nó sẽ có được cái quyền lực như những tín đồ đã từng gán cho các thánh thần của họ.

Tuy nhiên ở đây chúng ta chỉ nghiên cứu về ảnh hưởng của thời gian đến các quan điểm của đám đông. Dưới góc độ này tác động của nó cũng vô cùng lớn y như vậy. Nó bắt các thế lực to lớn như những thế lực của đám đông phải phụ thuộc vào nó, những thế lực mà nếu không có nó sẽ không thể hình thành. Nó đã để cho các tín điều nảy sinh và tàn lụi. Các tín điều tiếp nhận được sức mạnh từ nó và cũng chính nó đã lại lấy đi sức mạnh của các tín điều này.

Thời gian dọn đường cho các quan điểm và tín điều của đám đông, có nghĩa là tạo ra mảnh đất cho chúng nảy mầm. Từ đó dẫn đến, những ý tuởng nào đó chỉ có thể trở thành hiện thực trong một khoảng thời gian nhất định, và sau đó không thể được nữa (dịch sai, đúng ra phải là “có những ý tưởng nhất định chỉ thực hiện được trong thời đại nào đó chứ không thể trong thời đại nào khác). Thời gian gom lại vô số những tàn dư của các tín điều và cảm nghĩ, từ đó hình thành nên những ý tưởng của thời đại. Chúng không nảy mầm một cách tình cờ hoặc tùy ý. Cội rễ của chúng nằm sâu trong quá khứ. Một khi chúng đâm hoa, nghĩa là hoa của chúng đã có được một thời gian chuẩn bị, và để có thể hiểu được cội nguồn của chúng người ta phải luôn đi ngược trở lại. Chúng là những đứa con gái của quá khứ và là những người mẹ của tương lai, nhưng lại luôn là nô lệ của thời gian.

Chính vì thế thời gian là thầy học thực sự của chúng ta, và người ta chỉ cần cứ để cho nó điều hành để xem mọi vật đã thay đổi như thế nào. Ngày nay chúng ta lo lắng vì những đòi hỏi của đám đông, và về những sự tàn phá, những đảo lộn mà nó đã làm cho ta cảm thấy trước. Thời gian mình nó sẽ đứng ra làm lại sự cân bằng. “Không có trật tự nào,” Lavisse viết rất chính xác, “được lập nên trong một ngày. Các tổ chức chính trị và xã hội là những tác phẩm đòi hỏi phải có thời gian hàng thế kỷ; chủ nghĩa phong kiến trước đấy tồn tại một cách không hình dạng và lộn xộn hàng bao thế kỷ cho đến khi nó tìm được một hướng đi; chủ nghĩa quân chủ tuyệt đối cũng có hàng thế kỷ mới có thể có được những phương tiện thống trị phù hợp và cũng đã từng xảy ra những rối loạn lớn trong giai đoạn chuyển tiếp đó.”

§4. Các thể chế chính trị và xã hội

Lối suy nghĩ rằng các thể chế có thể giúp loại bỏ những điều tệ hại của xã hội, sự tiến bộ của một dân tộc là kết quả của sự hoàn thiện hiến pháp và chính quyền, và những thay đổi xã hội có thể đạt đến qua các sắc lệnh, là kiểu suy nghĩ nói chung vẫn còn rất phổ biến. Xuất phát điểm của cuộc cách mạng Pháp cũng từ một ý nghĩ như vậy, và các học thuyết xã hội hiện đại cũng dựa trên nó.

Các kinh nghiệm tiếp nối đã không thể mảy may làm suy chuyển chút nào sự điên loạn kinh khủng này. Các nhà triết học và các nhà sử học đã cố gắng một cách tuyệt vọng để chứng minh sự vô nghĩa của nó. Dù sao đi nữa họ đã chỉ ra một cách dễ dàng, rằng tất cả các thể chế đều là những đứa con của các ý tưởng, tình cảm, và đạo đức, và rằng các ý tưởng, các tình cảm, các đạo đức sẽ không thể biến đổi bởi việc sửa đổi những điều luật. Một dân tộc không lựa chon các thể chế xã hội một cách tùy tiện, cũng giống như con người ta ít có khả năng chọn màu mắt hoặc màu tóc. Các thể chế và các hình thức chính phủ là sản phẩm của chủng tộc. Còn xa chúng mới có thể là kẻ sáng tạo của một thời đại, chúng chỉ là những kẻ được thời đại tạo nên. Người ta không lãnh đạo dân dựa theo tính khí nhất thời của họ mà dựa theo tính cách của họ. Việc xây dựng một trật tự nhà nước đòi hỏi thời gian hàng thế kỷ, và trật tự đó cũng cần tới hàng thế kỷ cho sự biến đổi của nó. Các thể chế không mang một giá trị trực tiếp, bản thân nó không tốt mà cũng chẳng xấu. Ở một thời điểm nó có thể là tốt đối với dân tộc này nhưng lại hoàn toàn không tốt đối với một dân tộc khác.

Dân chúng như vậy tuyệt nhiên không hề có quyền lực để thực sự thay đổi các thể chế. Chắc chắn những cuộc cách mạng bằng mọi giá có thể thay đổi tên của chúng, nhưng cái cốt lõi vẫn nguyên như vậy. Cái tên chỉ là một nhãn hiệu trống rỗng, một nhà sử học quan tâm tới các giá trị thực của các sự việc sẽ không cần để ý đến chúng. Cho nên nước Anh[9], là một nước dân chủ nhất thế giới mặc dù nó có một chính phủ quân chủ, trong khi các nước Mỹ Latinh mặc dù cũng có hiến pháp dân chủ nhưng lại bị thống trị bởi một chế độ chuyên quyền cứng rắn nhất. Không phải chính phủ, mà tính cách của dân chúng quyết định số phận của họ. Sự thật này trong một bài viết trước đây tôi cũng đã dẫn ra những ví dụ để chứng minh.

[9] Điều này được thừa nhận ngay cả ở Mỹ bởi những người cộng hòa kiên quyết nhất. Tờ báo Mỹ “Forum” đã nhận xét về ý kiến này, và tôi cũng đã đăng lại trong “Review of Reviews” tháng 12 1894: “Ngay cả những kẻ thù sôi máu nhất của giới quý tộc cũng không được phép quên rằng, ngày nay nước Anh là một nước dân chủ nhất thế giới, ở đó quyền của mỗi một con người được chú trọng và nó có nhiều tự do nhất.”

Phung phí thời gian cho việc xây dựng hiến pháp, đúng là một cuộc phiêu lưu kiểu trẻ con, một thực tiễn xa hoa phù phiếm. Sự cần thiết và thời gian sẽ đảm nhận công việc của chúng, chỉ cần người ta cứ để mặc chúng điều hành. Nhà sử học vĩ đại Macaulay đã viết một câu, mà các nhà lãnh đạo ở tất cả các nước Mỹ Latinh phải nên học thuộc lòng, rằng người Anglo-Saxon đã làm như thế. Sau khi nêu ra những ví dụ về các điều luật, chúng dường như mang lại ích lợi nhìn theo quan điểm của lý trí thuần túy, nhưng đã tạo nên một sự hỗn độn của những cái vô lý và mâu thuẫn, ông ta đã tiến hành so sánh hàng tá các hiến pháp của các dân tộc La tinh, đã bị thất bại bởi những biến động ở châu Âu và châu Mỹ, với hiến pháp của nước Anh và cuối cùng chỉ ra, rằng hiến pháp nước này đã chỉ biến đổi rất từ từ, từng phần một dưới tác động của sự cần thiết trực tiếp, nhưng không bao giờ bởi những cơ sở lý trí được tính toán trước.

“Đừng bao giờ chú ý đến trật tự, mà phải chú ý đến tính thiết thực, đừng bao giờ xóa bỏ một sự ngoại lệ, chỉ vì nó là một sự ngoại lệ, đừng bao giờ đưa ra một cái mới, trừ khi cảm thấy đã không thể nào chịu đựng nổi, và nếu phải đổi mới cũng chỉ ở mức vừa đủ để xóa đi cái cảm giác không thể chịu đựng được kia, đừng bao giờ đề nghị làm những gì vượt quá cái cần thiết để giải quyết một vấn đề đơn lẻ đang được thực hiện: đó là những quy tắc chung, đã được vận dụng từ thời Johanne cho đến thời của Vitoria qua hơn 250 nhiệm kỳ quốc hội của chúng ta.”

Ta phải bắt đầu với các điều luật và thể chế của lần lượt từng dân tộc một, để chỉ ra xem nó thể hiện đến mức độ nào các đòi hỏi của một chủng tộc và tại sao phải không nên thay đổi một cách thô bạo. Người ta có thể tranh luận về những ưu và khuyết điểm của sự tập trung hóa một cách triết lý, nhưng nếu chúng ta nhận thấy, một dân tộc được hình thành từ những chủng tộc như thế nào, đã cố gắng cả ngàn năm để từng bước đạt đến sự tập trung hóa ra sao, nếu chúng ta khẳng định rằng, một cuộc cách mạng vĩ đại, mà mục đích của nó là đập tan mọi thể chế của quá khứ, đã bắt buộc phải nhìn ra, không chỉ đã thừa nhận sự tập trung hóa đó mà còn phóng đại hơn thế nữa, như vậy chúng ta có thể nói rằng, nó là kết quả của những tính cần thiết có cơ sở, là một kết quả trực tiếp của thực tại và chúng ta chỉ có thể trách cứ sự thiếu tầm nhìn của các chính trị gia, những người đã kích động họ nổi dậy. Nếu giả sử vì một sự tình cờ nào đó quan điểm của họ chiến thắng, thì thắng lợi đó có nghĩa là tín hiệu của một sự vô chính phủ toàn diện[10], hơn nữa nó sẽ dẫn đến một sự tập trung hóa còn nặng nề hơn trước đây.

[10] Nếu người ta so sánh sự bất đồng sâu sắc giữa tôn giáo và chính trị, cái đã làm nên sự chia cắt giữa nhiều vùng ở nước Pháp, với xu hướng ly khai xuất hiện trong thời đại cách mạng và trong thời kỳ kết thúc cuộc chiến tranh Pháp - Đức, ta sẽ thấy, rằng các chủng tộc khác nhau, sống trên đất nước chúng ta, còn lâu nữa mới có thể hòa hợp. Sự tập trung hóa đầy quyền lực và sự tạo nên các cơ quan giả tạo nhằm mục đích trộn lẫn các tỉnh thành xưa kia vào nhau, chắc chắn là những công việc có ích nhất của cách mạng. Giả như sự tản quyền, cái mà những cái đầu thiển cận hôm nay ra rả nói, có thể thành công, thì nó sẽ dẫn đến những cuộc chiến tranh đẫm máu không thể lầm lẫn. Không nhận ra được điều đó, có nghĩa là lịch sử của chúng ta đã hoàn toàn bị lãng quên.

Từ những điều trên đây có thể kết luận rằng, người ta không nên tìm phương tiện để làm chuyển động tâm hồn đám đông một cách lâu dài ở trong các thể chế. Một số nước nhất định với các thể chế dân chủ, như nước Mỹ chẳng hạn, đã phát triển một cách rực rỡ, trong khi những nước khác, như các nước gốc Tây Ban Nha, mặc dù có các thể chế về cơ bản giống nhau, nhưng đã phải chìm đắm trong sự vô chính phủ đáng buồn nhất. Các thể chế này không lên quan gì đến độ lớn của một dân tộc này cũng như chẳng liên quan gì đến sự tàn lụi của một dân tộc khác. Các dân tộc luôn luôn bị tính cách của họ thống trị, và tất cả các thể chế nào không phù hợp một cách mật thiết với tính cách đó chúng sẽ chẳng khác gì một bộ đồ đi mượn, một sự hóa trang nhất thời. Dĩ nhiên cũng có những cuộc chiến tranh đẫm máu và những cuộc cách mạng long trời lở đất để lập nên những thể chế, mà người ta gắn cho chúng một sức mạnh siêu nhân như là những phép màu của các bậc thánh thần có thể phù phép ra hạnh phúc. Trong một ý nghĩa nhất định ta có thể nói, rằng: Các thể chế có tác động vào tâm hồn đám đông, bởi vì nó đã tạo nên các cuộc nổi dậy như vậy. Sự thật là không phải các thể chế đã tác động như thế, bởi vì chúng ta biết, rằng chiến thắng hay thất bại, tự nó chẳng có giá trị gì. Nếu chúng ta theo dõi chuỗi các thắng lợi của nó, chúng ta theo dõi chỉ những ảo ảnh.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay