Tâm lý học đám đông - Tập 2 - Chương 2 - Phần 1

Chương 2: Những động lực trực tiếp của các quan điểm của đám đông

Chúng ta đã xác định ra những động lực gián tiếp và những động lực có tác dụng chuẩn bị, những tác động đã trang bị cho đám đông một khả năng tiếp thụ đặc biệt, bằng cách chúng tạo điều kiện cho các tình cảm và ý tưởng nảy nở. Bây giờ chúng ta sẽ phải nghiên cứu về các động lực có thể tác động trực tiếp đến hành động. Trong chương tiếp theo chúng ta sẽ thấy các động lực này đã được sử dụng như thế nào để có thể phát huy hết tác dụng của chúng. Phần đầu tiên của tác phẩm này bàn về tình cảm, các ý tưởng và niềm tin của một tập thể (collectivités). Từ nhận thức về chúng, rõ ràng bằng những cách thức thông thường người ta có thể xác định ra các phương tiện để tác động vào tâm hồn đám đông. Chúng ta đã từng biết, cái gì tạo nên ấn tượng trong trí tưởng tượng của đám đông, chúng ta đã làm quen với sức mạnh của sự truyền nhiễm của các tác động, đặc biệt là những tác động nào xuất hiện dưới dạng hình ảnh. Nhưng bởi các tác động có thể xảy ra có những nguồn gốc hoàn toàn khác nhau, cho nên cũng có thể các yếu tố có khả năng tác động được vào đám đông cũng rất là khác biệt; do vậy người ta cần phải khảo sát chúng một cách riêng rẽ. Đám đông giống như con Sphinx trong huyền thoại cổ: những câu hỏi mà các nhà tâm lý học của chúng đặt ra cho chúng ta, hoặc chúng ta phải trả lời hoặc tự để cho chúng nuốt chửng mình.

§1. Hình ảnh, ngôn từ và các khẩu hiệu

Trong khi nghiên cứu về trí tưởng tượng của đám đông chúng ta đã tìm ra, rằng họ bị kích động thông qua các hình ảnh. Những hình ảnh này không phải lúc nào cũng có sẵn để sử dụng, nhưng người ta có thể tạo ra chúng bằng cách vận dụng một cách khéo léo những ngôn từ hoặc các khẩu hiệu. Nếu chúng được dùng một cách nghệ thuật, có thể nói rằng chúng thực sự có một sức mạnh huyền bí, giống như sức mạnh xưa nay thường được gắn cho những người tinh thông về ảo thuật. Nó khơi dậy trong đám đông những cơn bão tố khủng khiếp và cũng có thể xoa dịu chúng. Bằng xương của những người đã từng là nạn nhân của sức mạnh ngôn từ và khẩu hiệu, người ta có thể làm nên những kim tự tháp cao hơn kim tự tháp của thời đại Cheop khi xưa. Sức mạnh của ngôn từ gắn liền với hình ảnh mà nó gợi lên và hoàn toàn không phụ thuộc vào ý nghĩa thật của nó. Những ngôn từ khó có thể cắt nghĩa thường là những ngôn từ có tác động mạnh mẽ nhất. Ví dụ như khái niệm dân chủ, chủ nghĩa xã hội, bình đẳng, tự do... mà ý nghĩa của chúng rất không xác định, cho dù sử dụng đến cả tập giấy dày cũng không luận hết ý nghĩa của chúng. Song đi liền với những âm tiết ngắn gọn của chúng là một sức mạnh huyền bí thực sự, cứ như là nó chứa đựng giải pháp cho tất cả mọi vấn đề. Ở trong nó là sự tóm lược một cách sống động những hoài bão vô thức khác nhau và niềm hy vọng chúng sẽ trở thành hiện thực.

Với lý trí và những luận chứng người ta không thể chống lại được những ngôn từ và khẩu hiệu nào đó. Người ta thành tâm phát ngôn chúng trước đám đông và đồng thời với một thái độ hoàn toàn tôn kính, một tư thế đầu hơi cúi xuống. Nhiều người sẽ cảm nhận thấy được ở chúng những sức mạnh tự nhiên hoặc những quyền lực siêu phàm. Nó khơi dậy bên trong các tâm hồn những hình ảnh vĩ đại và không xác định, nhưng chính cái không xác định này đã làm cho nó trở nên mờ ảo và tăng thêm sức mạnh huyền bí. Chúng có thể so sánh được với mọi thánh thần khủng khiếp khuất mình sau những điện thờ mà tất cả những kẻ sùng tín đều run sợ khi tiến lại gần.

Bởi vì những hình ảnh được gợi nên qua ngôn từ không phụ thuộc vào ý nghĩa của chúng, cho nên chúng biến đổi từ thời đại này sang thời đại khác, từ dân tộc này sang dân tộc khác mà vẫn giữ nguyên hình dạng của chúng. Gắn với một ngôn từ nhất định thường là một hình ảnh: ngôn từ chỉ là cái nút bấm chuông để gọi nó ra.

Không phải ngôn từ và khẩu hiệu nào cũng chứa đựng một sức mạnh để gợi nên hình ảnh, và cũng có những ngôn từ bị hao mòn khi sử dụng và sau đó chúng không còn sức để gợi nên một cái gì. Chúng chỉ còn là tiếng vọng trống rỗng, và ích lợi duy nhất là làm cho tất cả những ai sử dụng nó đỡ phải mất công suy nghĩ. Với một kho dự trữ nhỏ những khẩu hiệu và những điều sáo rỗng học được lúc còn trẻ, chúng ta có tất cả những gì cần thiết để không cần phải mất công suy nghĩ mà vẫn đi suốt cả cuộc đời.

Nếu quan sát một ngôn ngữ nào đó, ta sẽ thấy, rằng các ngôn từ hợp nên ngôn ngữ đó biến đổi tương đối chậm theo thời gian; nhưng những hình ảnh nó gợi lên hoặc những ý nghĩa người ta đặt đằng sau nó lại biến đổi không ngừng. Và ở một công trình khác tôi cũng đã đi đến kết luận, rằng việc dịch chính xác một ngôn ngữ, đặc biệt là những ngôn ngữ đã chết, hoàn toàn là điều không thể được. Thực tế chúng ta đã làm gì, khi chúng ta muốn chuyển một sự diễn đạt từ tiếng Pháp sang tiếng Latinh, tiếng Hylạp hoặc tiếng Sankrit, hoặc ngay cả khi chúng ta chỉ thử hiểu một cuốn sách đã được viết cách đây hàng thế kỷ bằng chính ngôn ngữ của chúng ta? Chúng ta đã đơn giản gắn những hình ảnh và những tưởng tượng mà cuộc sống hiện đại tạo nên trong trí óc của chúng ta vào những khái niệm những hình ảnh hoàn toàn khác, là những cái được cuộc sống thời xưa phản ánh vào tâm hồn của chủng tộc, mà điều kiện sống của họ thời đó chẳng có gì giống với của chúng ta hiện nay. Những người sống ở thời đại cách mạng đã tin vào việc bắt chước những người Hy Lạp và La mã, nên chỉ gắn cho những ngôn từ cũ những ý nghĩa mà chúng chưa bao giờ có. Có sự giống nhau nào giữa các thể chế thời Hylạp và những thể chế hiện tại với cùng một tên gọi không sai một chữ? Một thể chế cộng hòa thời đó khác về cái gì so với một thể chế, về cơ bản mang tính quý tộc, dựa trên liên minh của nhiều bạo chúa nhỏ, thống trị một đám đông nô lệ và hoàn toàn phụ thuộc? Những tầng lớp quý tộc địa phương này được xây dựng trên sự chiếm hữu nô lệ và sẽ không thể tồn tại được nổi một giây nếu không có nó.

Và làm thế nào hai chữ “tự do” lại có thể có được cùng một ý nghĩa như trong thời đại của chúng ta, khi mà ở thời đại ngày đó, chưa hề dám nghĩ đến tự do tư tưởng và cũng chưa hề biết về sự phạm thượng nào lớn hơn và thậm chí hiếm khi là những cuộc tranh cãi về về thánh thần, về các điều luật và đạo đức công dân? Từ “tổ quốc” trong tâm hồn của người Athen hoặc Sparta có ý nghĩa là tình yêu đối với Athen và Sparta, nhưng không thể là như vậy đối với người Hy Lạp, một đất nước gồm nhiều nước nhỏ hợp lại liên tục đánh chiếm và tranh giành lẫn nhau. Cùng một từ sẽ có một ý nghĩa như thế nào ở những bộ lạc cạnh tranh lẫn nhau ở vùng Gallie khi xưa, khác nhau về chủng tộc, tiếng nói và tôn giáo, nơi đã bị Ceasar chiếm đoạt một cách dễ dàng bởi vì ông ta luôn có sự liên minh với họ? Rôm, mình nó đã trao cho Galie một tổ quốc bằng cách làm cho vùng này có một sự thống nhất về chính trị và tôn giáo. Song ta cũng không cần phải quay ngược trở lại quá khứ quá xa, chỉ cần xấp xỉ hai thế kỉ về trước cũng đã đủ: liệu người ta có tin rằng từ “tổ quốc” của những hoàng tử nước Pháp, những người giống như dòng dõi Condé vĩ đại đã liên kết với kẻ thù để chống lại chính những ông chủ của mình, lại có cùng một ý nghĩa như chúng ta thường hiểu ngày nay? Và cùng một tên gọi “người nhập cư” chắc phải có một ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn bây giờ? (Dịch sai, câu này có nghĩa là “Rồi nữa, không phải là cùng một chữ “tổ quốc” đó lại cũng có một ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn tiếng Pháp hiện đại đối với những người di tản bảo hoàng Pháp?”) Họ đã tin rằng phải biết trọng quy tắc danh dự, nếu như họ kháng chiến chống Pháp, và họ tuân theo điều đó để quả thực ở đâu ông chủ sống, ở đó đích thực là tổ quốc, vì cách nhìn của họ dựa vào luật nông nô, là điều luật ràng buộc họ vào với chủ nô chứ không phải với đất nước.

(Chữ “nông nô” ở đây cũng không đúng, phải là, luật giành cho thần dân phong kiến, ràng buộc họ với lãnh chúa chứ không phải đất nước.)

Không thể nào kể hết số từ ngữ theo thời gian đã thay đổi một cách căn bản ý nghĩa của chúng như vậy. Chúng ta phải cố gắng rất nhiều mới có thể hiểu được ý nghĩa của chúng trước đây. Người ta phải đọc nhiều, và thực sự là như vậy, chỉ duy để có thể hiểu được chữ “ông Vua” và “gia đình vua chúa” mang ý nghĩa gì trong con mắt của ông cha chúng ta. Cho nên đối với những khái niệm khó hơn thì phải biết rằng nó sẽ như thế nào!

Các ngôn từ như thế chỉ có những ý nghĩa mang tính thay đổi và nhất thời. Những ý nghĩa này biến đổi cùng với các thời đại và các dân tộc. Nếu muốn chúng tác động được vào đám đông, thì chúng ta phải hiểu được ý nghĩa của chúng ngay tại thời điểm nó được giành cho họ, chứ không phải một ý nghĩa nào đó của nó trước đây hoặc là ý nghĩa chỉ để giành cho những cá nhân có nhận thức hoàn toàn đặc biệt. Ngôn từ cũng sống động tựa như ý tưởng.

Như vậy nếu một khi đám đông do những biến đổi về chính trị hoặc do sự thay đổi tín ngưỡng dẫn đến sự ghê tởm sâu sắc những hình ảnh được gợi nên bởi một ngôn từ nào đó, thì lúc đó nhiệm vụ đầu tiên của người lãnh đạo nhà nước chân chính là phải thay đổi các quan hệ, mà không - nhớ chú ý điều này - động chạm đến bản thân sự vật, bởi vì những cái đó có quan hệ với một trạng thái tinh thần được di truyền lại và khăng khít đến đến mức rất khó có thể thay đổi chúng. Ông Tocqueville thông thái đã nhắc nhở, rằng công việc của tổng tài và của triều đình trước hết là phải đặt cho phần lớn các thể chế của quá khứ những cái tên gọi mới, sau đó là những khái niệm đã từng gợi nên trong trí tưởng tượng của đám đông những hình ảnh đáng căm ghét phải được thay thế bằng những khái niệm khác, mà sự mới mẻ của chúng làm cho những hình ảnh kia không thể xuất hiện trở lại được nữa. Khái niệm “Taille” sẽ được thay bằng thuế cơ bản, khái niệm “Gabelle” được gọi là thuế muối, thuế tiêu thụ thì được gọi là thuế gián tiếp và thuế hải quan, thay vì thuế thợ cả, thuế người làm sẽ trở thành thuế doanh nghiệp...

Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của lãnh đạo nhà nước là những thứ mà tên gọi cũ của chúng làm đám đông ghê tởm phải được thay thế bằng những cái tên gần gũi với dân chúng hoặc ít nhất cũng không mang một ý nghĩa gì. Quyền lực của ngôn từ mạnh đến nỗi, chỉ cần khéo chọn những cái tên cũng đủ để có thể làm cho đám đông chấp nhận cả những sự việc đáng căm ghét nhất. Taine đã chỉ ra rất chí lý, rằng những người Jacobin nghe theo tiếng gọi của những từ ngữ rất phổ biến thời đó như “tự do”, “bác ái” đã bắt một chế độ chuyên chế - từ này lẽ ra chỉ xứng đáng để giành cho chế độ của vương quyền Dahomey - phải chịu một cảnh xét xử công khai như tòa dị giáo và chịu cảnh hành quyết hàng loạt giống như thời xưa ở Mexico. Nghệ thuật lãnh đạo của chính quyền giống như nghệ thuật của các luật sư ở chỗ là phải hiểu cách làm chủ các ngôn từ. Đó là một nghệ thuật khó, bởi trong cùng một xã hội, những ngôn từ giống nhau đối với các thành phần xã hội khác nhau thường mang những ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Họ có vẻ sử dụng cùng một từ, nhưng nói ra không cùng một thứ tiếng.

Trong các ví dụ trên đây chúng ta đã đặc biệt quan sát riêng rẽ yếu tố thời gian là nguyên nhân chính làm thay đổi ý nghĩa của các ngôn từ. Nếu chúng ta chú ý thêm yếu tố chủng tộc, chúng ta sẽ thấy, rằng trong cùng một thời gian ở các dân tộc có cùng văn hóa, nhưng khác chủng tộc, những từ giống nhau thường tương ứng với những hình dung hoàn toàn khác nhau. Những sự khác nhau này nếu người ta không đi đây đi đó, đến nhiều chỗ khác nhau, sẽ không thể biết đến và hiểu được, và bởi vậy tôi cũng không có ý nhấn mạnh về chúng. Tôi chỉ giới hạn ở sự nhắc nhở, rằng chính ở ngay những từ thông thường nhất, ở những dân tộc khác nhau, chúng có ý nghĩa khác biệt nhất. Ví dụ như các khái niệm “dân chủ” và “chủ nghĩa xã hội” thường được sử dụng nhiều hiện nay.

Trong thực tế ở các dân tộc Latinh và Anglo-Saxon chúng tương ứng với những hình dung hoàn toàn trái ngược về nội dung và hình ảnh. Ở các dân tộc Latinh khái niệm “dân chủ” trước hết mang ý nghĩa loại bỏ những ý chí và quyết tâm của cá nhân trước nhà nước. Nhà nước ngày càng phải tải nặng hơn, nó phải lãnh đạo, phải tập trung hóa, phải độc quyền hóa, phải sản xuất. Tất cả mọi thành phần đều phải phụ thuộc vào nhà nước và không có ngoại lệ, ngay cả đối với những kẻ quá khích, những phần tử xã hội chủ nghĩa, những kẻ theo chủ nghĩa quân chủ. Ở các dân tộc Anglo-Saxon cụ thể là nước Mỹ, cũng chính khái niệm ấy nhưng ngược lại nó mang ý nghĩa của một sự khuếch trương nồng nhiệt nhất về ước vọng và nhân cách cá nhân, về sự rút lui của nhà nước đến mức có thể, người ta không để cho nhà nước lãnh đạo một cái gì ngoại trừ công an, quân đội và ngoại giao, thậm chí giáo dục cũng không chịu sự lãnh đạo của nhà nước. Cùng một từ ở hai dân tộc này mang một ý nghĩa hoàn toàn khác nhau như thế đấy[14].

[14] Trong quyển “Các quy luật tâm lý của sự phát triển của các dân tộc” tôi đã chỉ rõ sự khác biệt giữa ý tưởng của các dân tộc Latinh và các dân tộc Anglo-Saxon về khái niệm dân chủ.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay