Tâm lý học đám đông - Tập 3 - Chương 1 - Phần 4 (Hết)

Diễn văn của một trong những người nổi tiếng trong số họ, Robespierre, thường lộ rõ những điểm không mạch lạc. Nếu người ta đọc nó, họ sẽ không tìm ra được những lý giải có thể chấp nhận tương xứng với vai trò cực kỳ to lớn của một nhà chuyên chế đầy quyền lực:

“Kiểu nói sáo rỗng và kiểu diễn đạt quanh quẩn trong việc giáo dục phép hùng biện và giảng dạy về ngôn ngữ Latinh nhằm mục đích phục vụ cho một tâm hồn con trẻ hơn là cho một tâm hồn phẳng lặng, một tâm hồn dường như trong tấn công cũng như trong phòng ngự chủ yếu tự giới hạn mình ở cái ‘hãy tiếp cận’ của học trò. Không có một ý tưởng, không có một hành vi, không có một sáng kiến - đó là sự buồn tẻ ở mức độ cao nhất. Người ta ngừng đọc một cách chua xót và có hứng phải thở dài ‘ồ’ một cái với Camille Desmoulins đáng yêu.”

Người ta giật mình khi nghĩ đến cái quyền lực của một con người đã đạt đến nhờ biết cách bao bọc quanh mình một uy lực qua việc kết nối niềm tin mãnh liệt với sự đặc biệt giới hạn về mặt trí tuệ. Nhưng đó chính là những tiền đề cần thiết để có thể bỏ ngơ những trở ngại và để có thể muốn một cái gì. Theo bản năng đám đông đã nhận ra ở con người đầy niềm tin này một vị chúa tể mà họ cần đến.

Thắng lợi của một bài diễn thuyết được trình bày ở quốc hội phụ thuộc hầu như hoàn toàn vào uy lực của diễn giả, không bao giờ phụ thuộc vào lý lẽ mà nó đưa ra.

Một diễn giả không tên tuổi mà diễn văn của ông ta có những lập luận tốt và cũng chỉ toàn là lập luận sẽ không có chút hy vọng gì cho dù chỉ được người ta chú ý nghe. Một nguyên nghị viên, ông Descubes, đã mô tả hình ảnh của một nghị viên không có uy thế qua những dòng như sau:

“Cứ khi nào ông ta bước lên bục diễn thuyết, ông ta lại rút ra từ cặp tài liệu của mình một tập dày giấy tờ dày cộm, ông ta bày chúng ra nghiêm chỉnh trước mặt và bắt đầu một phong thái hoàn toàn tự tin.

Ông ta tự tán dương niềm tin mà ông ta tâm đắc nhằm truyền đạt nó vào tâm hồn người nghe. Ông ta cân nhắc các luận cứ của mình, nhét đầy vào đó những số liệu, những luận chứng và tin rằng mình có lý. Bất kỳ sự phản kháng nào cũng phải tan biến trước sự rõ ràng của những điều ông ta trình bày. Ông ta bắt đầu trong niềm tin rằng lẽ phải đang nằm phía mình và tin rằng đồng nghiệp sẽ chú ý nghe ông, những người chắc chắn không có mong muốn gì hơn là được phép nghiêng mình trước những sự thật.

Ông ta nói - và lập tức ông ta lấy làm lạ trước những chuyển động và sự ồn ào nổi lên trong phòng họp, ông ta ngạc nhiên và hơi bức xúc.

Tại sao không ai chịu im lặng thế nhỉ? Tại sao mọi người lại không tập trung nghe? Những người đang nói chuyện với nhau kia họ nghĩ về những gì? Có lý do cấp thiết nào khiến người kia rời bỏ chỗ của mình?

Trên mặt ông ta bắt đầu xuất hiện những nét không yên tâm; ông ta nhăn trán, rồi nín lặng. Chủ tọa phải có lời động viên ông ta mới lại tiếp tục cất giọng. Lại vẫn cảnh mất trật tự như lúc trước. Ông ta cố gắng to giọng, cảnh mất trật tự lại càng gia tăng. Tiếng ồn ào xung quanh ông ta ngày càng lớn. Bản thân ông ta cũng chẳng còn nghe thấy mình nói gì, và ông ta im lặng, sau đó ông ta cố gắng tiếp tục nói chừng nào còn có thể, bởi vì ông ta sợ, nếu im lặng lúc này rất có nguy cơ ở đâu đó sẽ vang lên lời đề nghị ‘đủ rồi, xuống thôi’. Sự ồn ào đã đến mức không thể chịu đựng nổi.”

Những mỗi nguy của chủ nghĩa nghị viện (Parliamentarianism)

Parliamentarianism, parlementarisme. Danh từ này theo nghĩa rộng, nhằm để chỉ toàn bộ nền dân chủ hiện đại, bao gồm cả hai hình thức: chế độ nghị viện (parliamentary system, régime parlementaire) kiểu Anh và chế độ Tổng thống (presidential system, régime présidentiel) kiểu Mỹ.

Mặc dù có nhiều khó khăn trong cách thức hoạt động, các kỳ họp quốc hội đã tạo nên một hình thức lãnh đạo đất nước tốt nhất mà các dân tộc cho đến nay đã tìm ra, nhằm trước hết bằng cách có thể nhất để thoát ra khỏi ách thống trị của cá nhân kẻ độc tài. Chúng cho dù dạng gì cũng là điều lý tưởng đối với một chính phủ, nếu không ít ra cũng là đối với các triết gia, những nhà tư tưởng, nhà văn, nghệ sĩ và các nhà bác học, tóm lại là đối với tất cả những ai thuộc về tầng lớp đỉnh cao của nền văn hóa.

Trong các mối hiểm nguy thực ra chỉ tiềm ẩn hai điều cần phải được đặc biệt chú ý: đó là sự lãng phí quá đáng về mặt tài chính và sự giới hạn tự do cá nhân ngày càng gia tăng. Mối nguy thứ nhất là hậu quả tất yếu của các đòi hỏi và của sự thiển cận trong cách nhìn của đám đông cử tri. Nếu một nghị viên quốc hội đệ trình một kiến nghị mà nó rõ ràng phù hợp với một nguyện vọng mang tính dân chủ, ví dụ như việc chăm sóc về già cho tất cả những người lao động hoặc việc tăng phụ cấp cho những người điểu khiển tín hiệu xe lửa, cho giáo viên... thì lúc đó có những nghị viên khác, do vì lo sợ trước những cử tri ủng hộ mình, cho nên đã không dám thể hiện ra rằng họ đã đánh giá thấp ích lợi của đề nghị trên qua việc không chấp thuận nó. Họ biết chắc, đề nghị trên nếu được thực hiện sẽ làm cho ngân sách nhà nước bị quá tải và đương nhiên sẽ dẫn đến việc bắt buộc phải tăng thuế. Thế nhưng đến lúc biểu quyết họ đã chấp thuận nó không chút do dự. Trong khi những hậu quả của việc gia tăng chi tiêu ngân sách còn nằm xa ở tương lai và như vậy đối với họ những tác động khó chịu từ đó chưa thể xảy ra ngay được, ngược lại hậu quả của việc không chấp thuận họ có thể cảm nhận ngay lập tức vào những ngày sau đó, khi phải đứng ra đối chất trước cử tri của mình.

Tiếp ngay theo nguyên nhân đầu tiên làm căng thẳng vấn đề chi tiêu này là một nguyên nhân khác cũng không kém phần quyết định: đó là nghĩa vụ phải chấp thuận mọi khoản chi cho những nhu cầu thuần túy công cộng. Không có một nghị viên nào có thể chống lại những nhu cầu này, bởi chúng thể hiện những đòi hỏi của đám đông cử tri và bởi mỗi một nghị viên chỉ có thể đạt được những cái cần thiết nhất cho đơn vị bầu cử của họ nếu như họ chấp nhận những đề nghị tương ứng của các nghị viên khác. Mối nguy hiểm thứ hai được nhắc đến trên đây đó là sự hạn chế không tránh khỏi của tự do gây ra bởi nghị viện, điều này thực ra khó nhận thấy, nhưng đó là một thực tế. Nó là hậu quả của hàng loạt những đạo luật luôn mang tính giới hạn, mà các tác động của chúng những nghị viên thiển cận đã không nhìn ra, và họ đã cảm thấy phải có nghĩa vụ chấp thuận chúng.

Mối nguy hiểm này phải thuộc vào loại không tránh khỏi được, bởi ngay ở Anh, là nơi mà chắc chắn có một dạng chính phủ nghị viện thuộc loại hoàn hảo nhất và các nghị viên tỏ ra là những người độc lập đối với các cử tri, thế nhưng có vẻ như cũng không thể tránh khỏi được điều này. Ông Spencer đã từng chỉ ra trong một bài viết trước đây, rằng hậu quả nhất định phải dẫn đến sự gia tăng của hiện tượng các tự do thực sự dường như ngày càng ít đi. Trong một bài viết sau đó ít lâu. “Đơn độc chống lại nhà nước”, ông ta lại nhắc lại nhận định trên và nói về nghị viện Anh như sau:

“Từ cái thời điểm đó những nhà lập pháp Anh đã đi đúng theo con đường mà tôi đã dự đoán. Những biện pháp độc đoán, chúng được nhân rộng một cách nhanh chóng, chúng liên tục nhằm tới việc giới hạn tự do cá nhân mà cụ thể là ở hai cách thức: mỗi một năm càng có nhiều các đạo luật được ban hành mà tính chất của chúng là giới hạn tự do hoạt động của công dân và bắt buộc họ phải làm những gì mà trước đây họ có thể làm một cách tùy thích hoặc bỏ qua. Đồng thời gánh nặng ngày càng chồng chất, đặc biệt là những khoản chi tiêu công mà ngay từ đầu chúng đã hạn chế sự tự do, qua việc cắt giảm một phần thu nhập của công dân mà đáng lý ra cái phần đó trước đây họ có thể sử dụng một cách tùy thích, và làm gia tăng cái phần bị lấy đi để chi tiêu cho những ý đồ tùy theo cách đánh giá có thể là tốt đẹp của các quan chức.”

Sự giới hạn tự do ngày càng tăng kiểu này có ở tất cả các nước trong một cách thức đặc biệt, mà Spencer không chỉ ra: sự tạo nên hàng loạt những biện pháp mang tính luật pháp theo kiểu giới hạn những cái chung tất nhiên sẽ dẫn đến việc gia tăng con số, quyền lực và ảnh hưởng của các quan chức, những người được trao nhiệm vụ thực thi những biện pháp đó. Quyền lực của họ càng lớn khi mà tầng lớp quan chức trở nên là tầng lớp duy nhất vô trách nhiệm, không nhiệt tình và được bổ nhiệm suốt đời, thoát ra khỏi sự thay đổi liên tục của chính quyền. Và giờ đây không có bạo lực nào cứng rắn hơn cái bạo lực thể hiện ở ba hình thái như vậy.

Việc liên tục tạo ra những điều luật và những biện pháp giới hạn bọc chặt lấy những biểu hiện không có ý nghĩa nhất của cuộc sống bằng những nghi thức phức tạp đã dẫn đến kết quả thảm hại là lĩnh vực trong đó người công dân được phép chuyển động một cách tự do ngày càng bị thu hẹp lại. Là nạn nhân của sự sai lầm, rằng càng nhiều điều luật thì tự do và bình đẳng càng được đảm bảo tốt hơn, đã dẫn tới các dân tộc chỉ càng tự trói chặt mình hơn khi làm điều đó.

Họ quàng vào mình những thứ đó không có nghĩa là không bị trả giá. Đã quen với việc tròng bất kỳ cái ách nào vào cổ, dứt khoát họ sẽ đi đến chỗ đi tìm những cái ách đó và cuối cùng là mất hết tất cả căn nguyên và sức mạnh. Họ lúc đó chỉ còn là những cái bóng không có sức đề kháng, chỉ còn là những cỗ máy tự động, không ý chí, không phản kháng và không sức lực.

Nếu một khi con người không còn thấy một sinh lực nào trong nó, lúc đó nó sẽ phải đi tìm kiếm ở một nơi khác. Với sự gia tăng ngày càng lớn của sự vô cảm và bất lực của công dân đã dẫn tới bắt buộc phải gia tăng hơn nữa tầm quan trọng của chính phủ. Chính phủ vì thế bắt buộc phải có thêm đầu óc khởi xướng, đầu óc kinh doanh và lãnh đạo, là những cái mà người công dân đã bị mất đi. Chính phủ phải tổ chức kinh doanh, phải lãnh đạo, phải bảo vệ. Và như thế nhà nước bỗng nhiên trở thành một ông thánh toàn năng. Tuy nhiên kinh nghiệm đã chỉ ra rằng, quyền lực của một ông thánh kiểu như vậy chẳng những không bền vững mà cũng chẳng hề mạnh.

Việc giới hạn tự do một cách liên tục ở một số dân tộc, mặc cho sự liên kết lỏng lẻo giữa họ đã gây cho họ một cảm giác tự do, có vẻ dường như là hậu quả của tuổi tác của họ và cũng như tuổi tác của chính phủ. Nó là một dấu hiệu ban đầu của sự thoái hóa mà cho đến nay không một dân tộc nào có thể tránh khỏi.

Nếu người ta từ những bài học của quá khứ rút ra những kết luận và phán xét tùy theo những dấu hiệu thể hiện khắp mọi nơi thì sẽ có nhiều nền văn hóa hiện đại của chúng ta đang ở nấc thang của sự già cỗi cao nhất, và đang trên đường thoái hóa. Có những hình thái phát triển nhất đinh dường như đối với tất cả các dân tộc đều phải trải qua, bởi quá trình như vậy đã lặp lại rất nhiều lần trong lịch sử. Việc mô tả đặc điểm của các nấc thang phát triển này hoàn toàn có thể dễ dàng làm được một cách khái quát, và với sự tóm tắt như vậy sẽ kết thúc bài viết này của chúng tôi ở đây.

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]

Kết quả mang tính lịch sử triết học

Nếu chúng ta quan sát những nét chính về sự lớn lên và tiêu vong của các nền văn hóa trong quá khứ, chúng ta sẽ thấy những điều sau đây:

Trong sự bừng tỉnh của các nền văn hóa này, một bầy đoàn những con người có nguồn gốc khác nhau, đã tình cờ quy tụ lại qua các cuộc hành trình, qua những cuộc tấn công và xâm chiếm. Từ những dòng máu khác nhau, từ những ngôn ngữ khác nhau và cũng như từ những quan điểm khác nhau, không có gì khác hơn chính những luật lệ của một tù trưởng là sợi dây đã ràng buộc những con người như thế lại với nhau. Trong một đám hỗn độn, những đặc điểm tâm lý của đám đông đã thể hiện ở mức độ cao nhất. Chúng bộc lộ những quan hệ nhất thời như lòng quả cảm, sự yếu đuối, những hoạt động bản năng và những hành vi bạo lực. Không có gì trong số đó có chiều hướng lâu dài. Họ chính là những kẻ hoang dã man rợ.

Sau đó thời gian đã hoàn tất tác phẩm của mình. Sự đồng nhất của môi trường, sự lai giống thường xuyên, nhu cầu của một đời sống tập thể đã dần dần phát huy tác động. Những thành phần khác nhau của đám đông bắt đầu hòa đồng vào nhau và hình thành nên một giống nòi, có nghĩa là một hợp thành của những tính cách và những tình cảm chung, chúng ngày càng củng cố sự vững chắc qua di truyền. Đám đông đã trở thành một dân tộc, và cái dân tộc đó đã vươn lên thoát khỏi tình trạng dã man.

Tuy nhiên, chỉ có thể để lại hoàn toàn sau nó tình trạng dã man một khi qua những cố gắng dài lâu, trải qua những đoạn trường tranh đấu liên tục không ngừng nghỉ, một lý tưởng đã được đạt đến. Cái cấu thành nên lý tưởng đó không phải là điều quan trọng. Cho dù nó là sự sùng bái Rom, là quyền lực của Athen hoặc sự chiến thắng của Allah, nó phải đạt đến trạng thái trong đó, tất cả các thành phần riêng biệt của giống nòi, những phần tử tự nguyện tham gia, phải có một sự thống nhất hoàn toàn về cảm nhận và tư duy.

Giờ đây một nền văn hóa mới đã ra đời với những thiết chế, những hình thức tín ngưỡng và nghệ thuật của nó. Bị lôi cuốn bởi ước mơ hoài bão giống nòi dần dần đạt được tất cả những gì là hào quang, sức mạnh và vĩ đại. Rõ ràng rằng đôi khi họ sẽ là một đám đông, nhưng đứng đằng sau những tính chất chuyển động và thay đổi của đám đông sẽ là một kết cấu vững chắc của tâm hồn giống nòi, cái xác định mức giao động của một dân tộc và điều tiết sự thăng giáng.

Sau khi đã hoàn thiện công cuộc tạo hóa của của mình, thời gian bắt đầu với công cuộc tàn phá cả thánh thần lẫn con người đều không tránh khỏi. Nếu nền văn hóa đã đạt đến một đỉnh cao nào đó của quyền lực và sự phong phú, lúc đó nó sẽ ngưng phát triển và khi nó ngừng phát triển cũng là lúc nó nhanh chóng chuyển qua lụi tàn. Chẳng bao lâu tiếng chuông báo hiệu sự già cỗi sẽ điểm.

Giờ phút không tránh khỏi này luôn được báo hiệu bởi sự mờ nhạt của cái lý tưởng một thời đã từng nâng tâm hồn giống nòi lên. Ở mức độ lớn khi mà lý tưởng đó lụi tàn, các hình thể tôn giáo, chính trị và xã hội được lập nên từ nó cũng bắt đầu lung lay.

Với sự tan biến lý tưởng của mình ngày càng tăng, giống nòi liên tục mất đi những cái đã làm cho nó gắn bó lại với nhau, mất đi những cái làm nên sự thống nhất và sức mạnh của nó. Nhân cách và hiểu biết của mỗi một người riêng biệt có thể lớn lên, nhưng đồng thời với nó, thay vào chỗ tính vị kỷ tập thể của giống nòi là sự nảy nở quá đáng của tính ích kỷ cá nhân, cái luôn đi cùng với sự suy yếu các tính cách và giảm thiểu năng lực hoạt động. Cái một thời được coi là một dân tộc, là một sự thống nhất, là một khối, cuối cùng sẽ trở nên một đám những kẻ riêng biệt chẳng còn liên quan gì đến nhau và chỉ được kết dính lại một cách nhân tạo qua những truyền thuyết và các thiết chế. Điều xảy ra sau đó là những con người, bị tách rời khỏi nhau do bởi các lối sống và đòi hỏi của họ, sẽ trở nên không còn tự chủ và họ đòi phải được chỉ dẫn ngay cả trong những hành động không có ý nghĩa nhất, và rằng nhà nước phải mở rộng ảnh hưởng của nó trên mọi lĩnh vực.

Cùng với việc mất đi hoàn toàn lý tưởng đã có trước đây, giống nòi cuối cùng cũng sẽ mất đi cả tâm hồn, lúc đó nó chỉ còn là một tập hợp gồm những con người cô độc, và như thủa ban đầu, họ trở về là một đám đông. Đám đông thể hiện tất cả những đặc tính không bền vững, nhất thời và không có tương lai. Nền văn hóa mất đi tất cả sự bền vững và nó đầu hàng mọi sự tấn công. Đám đông hạ tiện chiếm ưu thế, sự dã man mọi rợ xuất hiện. Cho đến đây nền văn hóa vẫn còn tỏ ra sáng lạn bởi nó vẫn còn giữ được cái vẻ bề ngoài từng được tạo nên từ một quá khứ lâu dài, nhưng thực ra nó đã là một ngôi nhà đã mục ruỗng, không còn có gì để chống đỡ, và sẽ sụp đổ tan tành ngay từ cơn bão đầu tiên.

Từ dã man mọi rợ được ước mơ hoài bão dẫn dắt đã trở thành một nền văn hóa, sau đó, chừng nào niềm mơ ước này không còn sức lực, cũng là giây phút của sự suy tàn và cái chết - cuộc sống của các dân tộc luôn chuyển động trong cái vòng luân hồi như vậy.

Thực hiện bởi

nhóm Biên tập viên Gác Sách:

Ariko Yuta – streetchick – H.y

(Tìm - Chỉnh sửa – Đăng)

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay