Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam - Phần I - Chương 1 - Phần 3

7. Việc tổng động viên năm 1789

Cuộc tranh chấp bằng võ lực giữa Tây Sơn và Nguyễn ánh làm nguy hại cho nông nghiệp. Nói chung thì quân Tây Sơn không thâu phục được nhân tâm, trừ một trường hợp là cuộc chiến thắng quân Xiêm ở rạch Gầm - Xoài Hột vào năm 1874. Quân Xiêm do hai tướng Chiêu Tăng và Chiêu Sương với lực lượng hùng hậu kéo đến nhưng Trịnh Hoài Đức, người viết sử thiên vị rõ rệt về phe Nguyễn Ánh cũng đã thú nhận: “Binh Tiêm đến đâu đều cướp bóc khó bề hạn chế nên vua (Nguyễn Ánh) lấy làm lo. Đã vậy mà binh Tiêm lại kiêu hãnh, lòng dân bất phục” (1). Ở trấn Vĩnh Thanh, trong lúc Tây Sơn vào chiếm cứ thì dân chúng“đều chôn cất của cải không dám phơi bày ra, cho nên bọn cường đạo không cướp lấy được vật gì” (2). “Chợ phố lớn Mỹ Tho, nhà ngói cột chàm, đình cao chùa rộng, ghe thuyền ở các ngả sông biển đến đậu đông đúc làm một đại đô hội rất phồn hoa huyên náo. Từ khi Tây Sơn chiếm cứ, đổi làm chiến trường, đốt phá gần hết, từ năm 1788 trở lại đây, người ta lần trở về, tuy nói trù mật nhưng đối với lúc xưa chưa được phân nửa” (3).

(1) GĐTC, Trung 100.

(2) GĐTC, Hạ, 20.

(3) GĐTC, Hạ, 119.

Chánh sách của Tây Sơn ở miền Nam là phá căn cứ địa, chận các đường thủy từ Sài Gòn, Cần Giờ đến vùng vàm sông Cửu Long, chận các vị trí chiến lược nối Tiền giang qua Hậu giang, Hậu giang đến vịnh Xiêm La, từ vùng Long Xuyên (Cà Mau) ra Phú Quốc, qua Xiêm. Thủy quân của Tây Sơn đồn trú hoặc tuần tiểu tới lui vùng Băng Cung, Ba Thắc, Phú Quốc, vàm sông Mân Thít, Trà Ôn, Sa Đéc, sông Ba Lai. Khi chiếm đóng, chính sách kinh tế và việc tổ chức hành chính thay đổi như thế nào? Nguyễn Huệ chịu trách nhiệm từ Huế ra Bắc phần. Nguyễn Lữ, phò mã Trương Văn Đa, lưu thủ Hóa ở đất Gia Định không biểu dương được tài năng gì lạ ngoài những hàng động quân sự.

Quân Tây Sơn bị cô lập ở đất Gia Định vì những lý do sau đây:

– Dân khẩn hoang mang ơn các chúa Nguyễn, họ được khá giả hơn lúc ở miền Trung, đất tốt còn nhiều, chưa cần một chánh sách điền địa mới, hoặc một sự thay trào đổi chúa.

– Quân Tây Sơn không thâu phục được người Huê kiều (đốt chợ cù lao Phố, đốt chợ Sài Gòn, Chợ Lớn, phá chợ Mỹ Tho), là hậu thuẫn kinh tế cho Nguyễn Ánh.

– Người Cao Miên ở Trà Ôn, người Đồ Bà (Chà Châu giang) đều có cảm tình và tích cực ủng hộ Nguyễn Ánh, nhờ đường lối chính trị mềm dẻo.

Lúc bấy giờ quân Tây Sơn nặng lo những vấn đề ở Bắc hà (cựu thần nhà Lê) và còn lo đối phó với quân nhà Thanh. Quân Tây Sơn đánh giá quá thấp sức chịu đựng của Nguyễn ánh, nhứt là chuyện Nguyễn Ánh cầu viện với nước Pháp. Pháp quốc lúc bấy giờ đang nuôi nhiều tham vọng, việc tổ chức quân đội của Pháp đạt kỹ thuật cao, với hải quân mạnh và võ khí tốt. Hành động của Bá Đa Lộc tuy phiêu lưu nhưng gây nhiều hậu quả trầm trọng. Tháng 9 năm 1788, chiến thuyền và sĩ quan Pháp đến trong khi Nguyễn Huệ lo ứng phó với Tôn Sĩ Nghị ở Thăng Long.

Tháng 8 năm Mậu Thân 1788, Nguyễn Ánh thâu phục thành Gia Định. Tại Gia Định năm ấy lập ra kho Bốn Trấn làm kho chung cho cả bốn trấn Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh và Định Tường để thâu trữ thuế khóa, chi cấp bổng hướng (4). Tháng sáu năm 1789, Nguyễn Ánh đưa ra chánh sách rõ rệt, lấy việc tăng gia sản xuất làm trọng, đặt ra các điền toán gồm 12 người (trong đó có Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Tùng Châu, Hoàng Minh Khánh) đi khắp bốn dinh Phiên Trấn, Trấn Biên, Trấn Vĩnh, Trấn Định để đốc xuất dân chăm làm việc ruộng. Ai không làm ruộng phải đi lính. Ai làm ruộng đất tốt được 100 thúng lúa, hoặc làm ruộng đất xấu được 70 thúng lúa trở lên thì được tưởng thưởng, nếu là phủ binh (binh lính phục vụ tại các công sở) được miễn một năm khỏi làm việc quan (làm xâu). Những người dân lậu (không vô sổ bộ) có thể làm ruộng dưới quyền chăm sóc của các quan điền toán, xem như là lính, nếu thiếu vốn thì được vay trước, sau sẽ trả (5).

(4) GĐTC, Hạ, 79, đây là nền kho Gian Thảo cũ, tại bến chợ Cầu Kho, Sài Gòn ngày nay.

(5) QTCB, 21-22.

Vào tháng 10 năm 1890, ngài đặt thêm sở Đồn Điền nhằm khuyến khích quân sĩ tại ngũ tích cực cày cấy, bấy lâu vì chiến tranh nhiều vùng đất phải bỏ hoang. Binh sĩ thuộc dinh Trung quân và quân các vệ thuyền đến khẩn ruộng tại Tháo Mộc Câu (sông Vàm Cỏ) gọi là trại Đồn Điền, nhà nước cấp ngưu canh điền khí và lúa giống, đậu, bắp giống, hễ cắt hái xong rồi đem nạp vào kho, chánh cơ Nguyễn Bình coi việc ấy.

Các quan địa phương phải lập đội đồn điền, mỗi năm một người trong đồn điền nạp 6 hộc lúa, ai mộ được 10 người trở lên cho làm quản trại, trừ tên trong sổ làng (khỏi đi lính) (6).

(6) QTCB, 23.

Về mặt quân sự, ngài sai lựa quân chiến tâm, tức là quân tinh nhuệ, hết lòng đánh giặc, tập luyện kỹ càng được cấp lương và tiền rất hậu.

Để tích trữ thêm lúa gạo phòng khi hành quân tái chiếm các thành ở miền Trung, ngài đặt ra lúa thị túc, thị nạp, tức là thứ thuế phụ thu (ngoài thuế điền).

– Năm 1792, mỗi người nộp thuế thị túc từ 1 đến 5 phương.

– Năm 1799, vùng Bình Định, Phú Yên mỗi mẫu ruộng nộp 17 thăng gạo.

– Năm 1800 ở Gia Định, mỗi người nạp 2 phương, người già tàn tật nộp phân nửa.

Ruộng một mẫu nộp một phương gạo; một phương gạo bấy giờ trị giá 7 tiền 30 đồng. Những năm dùng binh, số thuế và số thị túc phụ thu vẫn không đủ để chi tiêu, nhà nước thu trước thuế năm tới (7). Về thuế ruộng, mỗi năm nhà vua thâu hai kỳ (8)

(7) Phan Khoang, sđd, 658.

(8) Nguyễn Triều Long Hưng sự tích, Trung tâm Học liệu, 15.

Nhà nước giữ độc quyền mua những hóa hạng liên hệ tới nhu cầu quân sự như kẽm, sắt, đồ đồng, diêm, lưu hoàng. Năm 1791, đặt thêm lệ về việc khẩn hoang: sau khi khẩn, 3 năm mới thâu thuế, ai muốn khẩn thì nộp đơn trong thời hạn ngắn là 20 ngày, quá thời gian ấy, đất hoang sẽ giao cho quân sĩ cày cấy, dân không được giành nữa (9).

Lúa gạo đất Gia Định tích cực góp phần vào việc phản công của Nguyễn Ánh. năm 1795 và 1796, chở tiền gạo ở Gia Định ra trữ tại thành Diên Khánh. Năm 1799 lúc ngài ra Quy Nhơn, quân lính lại chở thêm quân lương, “chẳng hề thiếu thốn” (10). Năm 1802, sử chép là Gia Định đói lắm, ngài sai quan trấn phát gạo kho cho dân mượn, cùng ra lịnh giảm thuế ruộng cho tỉnh Gia Định (11). Phải chăng vì lúa gạo dùng vào việc quân quá nhiều?

(9), (10) QTCB, 23, 33.

(11) QTCB, 52, 87.

Tháng 2/1790, Nguyễn Ánh cho xây thành Sài Gòn, theo hình bát quái (còn có tên là Quy Thành) kiểu thành Vauban của Pháp (do Olivier de Puymanel vẽ kiểu và coi xây cất). Đây là Gia Định kinh, Nguyễn ánh xem như kinh đô của mình, với thái độ tự tin. Từ thành này có đắp quan lộ lên Biên Hòa, và quan lộ xuống Trấn Định (Mỹ Tho) đến Cai Lậy, đường rộng 6 tầm, hai bên đường có trồng cây mù u và cây mít là thứ cây thổ nghi (12).

(12) GĐTC, 74-75.

Nguyễn Ánh tự tin là phải. Bấy giờ lúa gạo Gia Định có nhiều, quân sĩ đang thừa thắng, một số sĩ quan Pháp lại trực tiếp giúp đỡ. Ngài ra lịnh tấn công Quy Nhơn lần thứ nhất (1790). Nguyễn Huệ băng hà, lại có cuộc tấn công lần thứ hai, lần thứ ba để rồi năm 1801, đến Huế.

Về sau, năm 1814, vua Gia Long còn nhắc nhở: “Gia Định là nơi trung hưng, ngày xưa chỉ có một đám đất và một toán quân mà khôi phục đất cũ” (13). Nên nói thêm rằng đó là “đám đất” tuy diện tích nhỏ hẹp nhưng tốt, gồm đất giồng và đất cù lao của Đồng Nai và Cửu Long, và toán quân không quá đông đảo nhưng gồm toàn những nông phu đã chịu cực khẩn hoang, đến khi đi lính cầm gươm rồi mà còn phải cày cấy, phải đóng thuế. Đó là hình ảnh của Võ Tánh với 10000 quân ở vựa lúa Gò Công xin theo chân ngài.

(13) QTCB, 52, 87.

Nguyễn Ánh vĩnh viễn rời đất Đồng Nai để về Huế đô, nhưng đất Đồng Nai, Gia Định vẫn còn giữ vai trò cũ: vai trò vựa lúa, vai trò tiền đồn của nước Việt. Vua Cao Miên và vua Xiêm càng thèm thuồng vùng đất phì nhiêu này.

...

8. Những năm thái bình đời Gia Long

Gia Long xưng Hoàng đế ở Huế, vùng Gia Định dứt nạn binh đao trong khoảng thời gian ngắn, nhưng là khá dài so với thời chúa Nguyễn và các trào vua kế tiếp. Từ Bình Thuận trở vào, về mặt hành chánh đặt ra Gia Định thành với quan Tổng trấn cầm đầu, nắm khá nhiều quyền hạn, lãnh coi các việc binh dân, xâu thuế và hình phạt của năm trấn: Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Thanh và Hà Tiên. Lại coi luôn trấn Bình Thuận về mặt quân sự (1).

(1) GĐTC, Trung, 28.

Dân số lần hồi đông đúc, các tổng trước kia đa số đều thăng làm huyện, huyện thăng làm phủ.

Việc phồn thịnh của thương cảng Sài Gòn và lỵ sở của các trấn được ghi khá đầy đủ qua Gia Định Thành Thông Chí do Trịnh Hoài Đức, người đương thời biên soạn. Đường giao thông vận tải nắm ưu thế vẫn là đường thủy. Du khách Hoa Kỳ là John White năm 1819 có đến Sài Gòn, ghi lại trong quyển sổ tay như sau:

"Thành lũy Sài Gòn xây bằng đá ong, kế bên một cơ thủy trại, gần đó là xóm nhà của dân cư gồm những lều lụp xụp, thấp hẹp. Xóm buôn bán ở về hướng Đông. Khi đức Gia Long dẹp yên giặc Tây Sơn thì dân chúng tụ về thành rất đông. Họ sửa sang nhà cửa lại mới, một phần lớn các gia đình này dồn về hướng Tây của thành lũy nhà vua” (2)... “Thời buổi ấy, dọc theo hai bên bờ sông và bờ kinh rạch có vài chỗ đã được cẩn đá hay xây gạch kỹ càng, chạy nối dài non ngàn thước tây. Về công lộ, có đường đã lót đá nguyên miếng lớn dễ coi, nhưng phần nhiều vẫn quanh co uốn khúc và không được săn sóc tu bổ nên không được sạch”.

"Về nhân số thì thành Sài Gòn phỏng độ lối: 180 000 dân bổn thổ và 10 000 người Trung Quốc."

Năm 1822 “lại có một thú y sĩ qdanh là ông Finlayson tháp tùng phái đoàn Crawfurd cũng có đến viếng Sài Gòn. Finlayson viết: Sài Gòn gồm hai thành phố, mỗi cái đều rộng lớn bằng kinh đô nước Xiêm La, ấy là:

– Sài Gòn, Pingeh." (3)

(2), (3) Vương Hồng Sển, Sài Gòn Năm Xưa, 54, trích dẫn và dịch lại. Chú thích (a) của Vương Hồng Sển như sau: "đây có lẽ tác giả muốn nói "xóm Tân Khai" tục danh chợ Sỏi, một tên khác nữa của vàm Bến Nghé.

Nên hiểu Pingeh là Bến Nghé (Sài Gòn ngày nay), còn Sài Gòn là Chợ Lớn ngày nay.

Mức sản xuất lúa gạo lúc bấy giờ gia tăng như thế nào?

Chúng ta không có con số cụ thể. Chỉ biết là năm 1804, vua Gia Long sai các quan địa phương trữ lúa thuế vào kho cho nhiều (4). Kho Đồn Điền của Gia Định thành dựng năm 1805 gồm hai dãy kho ngói, mỗi dãy gồm sáu gian, trữ số lúa đồn điền để làm số lưu trữ, còn dư thì trữ theo kho ở các trấn. (5)

(4) QTCB, 62.

(5) GĐTC, Hạ, 76.

Năm 1804, nước Lữ Tống (Phi Luật Tân) đói, xin đong gạo Gia Định, vua cho đong 500000 cân gạo (6), năm 1817 vùng Long Hồ, Sa Đéc đủ sức bán cho Cao Miên, nhân nạn đói đến 10000 hộc lúa (7). Năm 1816, có lịnh cấm thuyền buôn không được chở lúa gạo ra nước ngoài (8). Đường thủy cũng được tu chỉnh lại, nhằm chuyên chở lúa gạo từ sông Cửu Long lên Sài Gòn: năm 1819, sửa lại cho rộng và cho sâu con kinh nối liền từ Vũng Gù (Tân An) đến rạch Mỹ Tho mà Nguyễn Cửu Vân đã cho đào từ năm 1705, dùng non 10000 dân phu trong trấn Định Tường. Đào xong, vua đặt tên là Bảo Định Hà.

(6), (7), (8) QTCB, 60, 99, 94.

Cũng năm 1819, sai Huỳnh Công Lý đốc xuất dân phu đào con kinh nối liền từ cầu Bà Thuông (Thị Thông) đến kinh Ruột Ngựa (kinh Ruột Ngựa đào từ năm 1772), vua đặt tên là An Thông Hà vừa rộng, vừa sâu, hai bên bờ để đất trống, đưa sản phẩm từ Tiền giang lên Sài Gòn “dòng sông sâu rộng, ghe thuyền đậu dài 10 dặm, theo hai con nước lên, nước ròng, thuyền bè qua lại chèo chống ca hát, ngày đêm tấp nập, làm chỗ đô hội lưu thông khắp ngả, thật là tiện lợi”. (9)

(9) GĐTC, Thượng, 42.

Hương binh được bãi cho về cày ruộng (1810). Lúc chiến tranh, nhiều cường hào lợi dụng thời cơ, chiếm đất của dân nên vua định lệ quân cấp công điền công thổ (1804), và công điền công thổ không được bán vì bất cứ lý do gì. Ai làm ruộng ẩn lậu, không khai báo để đóng thuế thì có thể mất đất, đất giao cho người tố giác.

Vấn đề cho vay được đặt ra, trên nguyên tắc một vốn một lời (tức bất quá bổn), người cho vay trái phép và con nợ lường gạt đều có tội. Từ năm 1806, khi mất mùa vì thiên tai, hạn hán, lụt lội thì có lệ là chủ ruộng phải khai báo trước khi gặt để được miễn thuế. Khai báo gian hoặc quan lại mà giấu không chịu khai báo thì tội đồng nhau. Khi thâu thuế có người đáng tin cậy ngồi coi, đề phòng nạn người coi kho làm khó dân, chê lúa xấu tốt, đong ít đong nhiều để ăn hối lộ.

Trịnh Hoài Đức ghi chép rằng người địa phương ít dùng những địa danh về hành chánh. Họ dùng tên của “những lỵ sở hoặc chỗ nhóm họp đông lớn, hoặc chỗ địa đầu” mà gọi đại khái, tổng quát.

Trong dân gian gọi trấn Biên Hòa là Đồng Nai - Bà Rịa, trấn Phiên An là Bến Nghé - Sài Gòn, trấn Định Tường là Vĩnh Gù - Mỹ Tho, trấn Vĩnh Thanh là Long Hồ - Sa Đéc, trấn Hà Tiên là Cà Mau - Rạch Giá. (10)

(10) GĐTC, Thượng, 33.

Trong một trấn tại sao chỉ chọn lựa hai vị trí, và tại sao lựa vị trí này mà không lựa vị trí khác? Dân gian nói thành thói quen ắt có lý do riêng. Theo chúng tôi nghĩ đó là họ muốn xác nhận nơi làm ăn sung túc, “làm ăn“ có nghĩa là mua bán, cày cấy.

Sài Gòn là thành phố của người Trung Hoa dựng lên lúc ban đầu, nặng về bán sỉ, trong khi thành phố Bến Nghé do người Việt xây dựng về sau, nặng về bán lẻ và là khu hành chính. Vũng Gù tức là chợ Tân An ngày nay, tuy không có chợ lớn nhưng đáng chú ý nhờ khẩn hoang lâu đời, đất khá tốt (11). Sa Đéc nằm trong trấn Vĩnh Thanh, là nơi sung túc dân cư trù mật, sống nhờ huê lợi ruộng tốt và vườn cây ăn trái. Trấn Hà Tiên, với lỵ sở nổi danh là đẹp nhưng nghèo, không thể sản xuất đủ lúa gạo, cá mắm, chỉ có vùng chung quanh chợ Cà Mau và chợ Rạch Giá là dễ đánh lưới và làm ruộng dễ trúng mùa, tàu buồm Hải Nam ra vào chở cá khô, gạo.

(11) Vùng Gù do tiếng Miên Kompong Cô, bến Bò, âm lại.

Gia Định thành Thông chí (trong mục Cương Vực Chí) đã nêu rõ danh sách các huyện, tổng, thôn ở toàn cõi Gia Định thành hồi đời Gia Long. Vùng nào tập trung nhiều làng xã trên diện tích nhỏ thì nhứt định là đất tốt, khẩn hoang có kết quả. Vùng nào có quá ít làng xã trên diện tích quá rộng thì đất xấu. Nguyên tắc lập làng xã là có người, tức là dân bộ. Dân bộ phải nhiều đến mức nào đó (thường là 10 người) mới lập được một làng.

Mục Cương Vực Chí giúp ta thấy hình ảnh khá rõ rệt về tình hình khẩn hoang lúc bấy giờ. Một thí dụ cụ thể là vùng Kiến Hòa ngày nay (tức là khái quát vùng cù lao Bảo và cù lao Minh của Bến Tre thời Pháp thuộc) tuy diện tích nhỏ nhưng là một huyện, lấy tên là huyện Tân An với hai tổng Tân Minh 72 thôn và An Bảo 63 thôn. Riêng tổng Hòa Bình (vùng Gò Công, Chợ Gạo và An Hóa) có đến 86 thôn, không kém vùng đông dân Sài Gòn, Chợ Lớn.

Trong khi ấy, một huyện ở vùng khó khẩn hoang với diện tích to rộng chỉ có 37 thôn: huyện Vĩnh Định, bao gồm phía hữu ngạn Hậu giang, từ biên giới Châu Đốc đến vàm Ba Thắc ở biển Nam Hải và chưa phân ra thành tổng như ở miệt trên; Một nơi khác, đất phèn và nước mặn là mũi Cà Mau (nay là An Xuyên và một phần của Bạc Liêu) chỉ có 40 xã thôn. Vùng Rạch Giá (Kiên Giang ngày nay, trừ Hà Tiên) gồm một huyện với 2 tổng, tổng thứ nhứt là Kiên Định có 7 thôn, tổng thứ nhì là Thanh Giang có 4 thôn. Trong số này lại có những nậu, những thuộc, tức là xã thôn chưa thành hình đầy đủ.

Đồng ruộng ở Sài Gòn gồm dân số đông đúc, lúa bán cao giá, hoa màu phụ dễ khai thác: Hóc Môn, Bà Điểm, Gò Vấp, hoặc phía Phú Lâm, Bình Tiên, Bình Tây, Bình Đông.

Những con số trên chỉ ghi những thôn xã do người Việt Nam thành lập. Phía Hậu giang, ruộng nương chưa đến đổi ít oi, dân số không quá thưa thớt, chỉ vì phần Cương Vực Chí không ghi lại nhân số, diện tích các sốc Cao Miên, tập trung ở vùng Trà Vinh, Rạch Giá, Bạc Liêu, Cần Thơ, Sóc Trăng.

Riêng về vùng gần chợ Hà Tiên ghi 6 phố, sở của người Tàu, 26 sốc Cao Miên và 19 xã thôn Việt Nam (trong số này có 12 thôn ở đảo Phú Quốc).

“Huyện Kiến Hòa đất ruộng phì nhiêu, mênh mông bát ngát. Nhiều người lo việc canh nông làm gốc, trong nhà có chứa vựa lúa gạo đầy dẩy” (12). Mục Phong Tục Chí của Trịnh Hoài Đức ca ngợi trường hợp huyện Kiến Hòa (trấn Định Tường). Định Tường lúc bấy giờ khá rộng rãi, huyện Kiến Hòa nói trên bao gồm trọn vùng Gò Công, vùng Chợ Gạo, luôn cả vùng đất giữa sông Ba Lai và Cửa Đại (tức là An Hóa ngày nay). Vùng Gò Công nổi danh đất tốt, gạo ngon. Đất ở bờ Cửa Tiểu và Cửa Đại là phù sa cao ráo (13). Nói riêng về từng trấn, Định Tường (với Gò Công làm nòng cốt) là vựa lúa quan trọng nhất của xứ Gia Định.

(12) GĐTC, Hạ, 22.

(13) Tỉnh Kiến Hòa trước 1975 không dính dấp gì nhiều đến địa phận huyện Kiến Hòa ngày xưa cả. Xem Gò Công Cảnh Cũ Người Xưa của Việt Cúc tập 2, tác giả xuất bản 1970, ghi rõ các vùng đất giồng.

Về đất ruộng, ở nơi có núi đồi và có đồng bằng như miền Trung, theo lệ từ lâu, cứ phân chia ra sơn điền và thảo điền. Sơn điền có năng xuất kém, thảo điền năng xuất cao, vì vậy mà trong việc quy định thuế điền, luôn luôn thảo điền chịu thuế cao hơn.

Ở vùng đồng bằng Cửu Long, để tiện việc thuế khóa, nơi nào đất mới trưng khẩn thì khai là sơn điền (mặc dầu không có núi) để chịu thuế nhẹ, vài năm sau khi đất đã thành thục (trở thành đất thuộc) thì nâng lên làm thảo điền.

Ruộng ở đồng bằng Đồng Nai và Cửu Long chia ra hai loại, đứng về mặt kỹ thuật cày bừa mà xét (sự phân biệt này qua thời Pháp thuộc vẫn còn):

– Đất cày.

– Đất phát.

Ruộng đất cày thường là tương đối cao, chờ mưa mới cày, thường là khai thác lâu năm, nếu không cày thì mặt đất quá cằn cỗi thiếu chất màu mỡ, cày để trộn đất lên.

Vùng Phiên An, Biên Hòa gồm loại ruộng cày.

Ruộng đất phát là đất thấp, còn mới, ít khai thác, mặt đất còn nhiều cỏ và phân, nếu cày thì đất phèn phía dưới lại trồi lên làm hư lúa (Trịnh Hoài Đức ghi là “trạch điền”để chỉ loại đất phát này).

Muốn làm ruộng đất phát, khi sa mưa, nước lên cỡ ba tấc tây thì phát cỏ (Trịnh Hoài Đức dùng chữ trảm phạt, nhưng không nói rõ là phát bằng thứ dụng cụ gì). Theo ý kiến chúng tôi, nông dân thời ấy dùng cây phãng mà người Miên đã dùng từ trước. Phãng giống như cây mã tấu, cán phãng uốn lại theo góc thước thợ, lưỡi phãng dài cỡ bảy, tám tấc tây. Người phát cứ đứng nghiêng mình mà chém, dùng cây cù nèo gạt cỏ qua một bên rồi chém tiếp. Phát cỏ xong xuôi, dùng cây bừa cào thứ to mà dọn cho đất trống trải, sau đó là cấy với cây nọc (đất không cày nếu dùng tay mà cấy thì không tài nào khoét lỗ để nhét cây mạ được).

Ruộng đất phát (trạch điền) ở Vĩnh Thanh một hộc giống thâu được 300 hộc, trong khi ruộng cày ở Phiên An, Biên Hòa một hộc lúa giống chỉ đem lại 100 hộc (14).

(14) GĐTC, Hạ, 30-31. Trịnh Hoài Đức không ghi rõ hình dánh cây phảng, hoặc các công cụ khác. Theo chúng tôi thì làm ruộng phát (không cày), cào cỏ rồi cấy bằng nọc là việc mà người Miên đã áp dụng từ trước, ta bắt chước theo rồi cải tiến thêm. Trịnh Hoài Đức khen đất phát có năng suất cao. Ông không ghi thêm là lần hồi khi chất màu mỡ đã hết thì đất phát thua xa đất cày.

Giống lúa sạ (lên cao theo nước lụt) tuyệt nhiên không thấy nhắc tới. Lúc bấy giờ, việc mua bán, liên lạc với Cao Miên cũng khá thường xuyên. Lúa sạ có nhiều ở Cao Miên, tại sao ta không cho du nhập để giải quyết việc trồng tỉa ở phần đất rộng mênh mông phía Đồng Tháp Mười và phía Châu Đốc? Theo thiển ý chúng tôi, bấy giờ đất giồng ở bờ sông còn nhiều, chưa cần khai thác quá xa tận vùng Châu Đốc và Đồng Tháp. Vả lại, lúa sạ không ngon cơm, bán thấp giá trên thị trường.

Trong Gia Định thành Thông Chí, không lời lẽ nào đề cập đến lối canh tác một năm hai mùa ruộng (khi người Pháp chiếm nước ta hồi cuối thế kỷ 19, ở Nam kỳ vẫn chưa làm một năm hai mùa). Ruộng hai mùa đòi hỏi đất cao ráo, để có thể đắp bờ mà giữ nước hoặt tát nước vào ruộng cạn. Đắp bờ và tát nước đòi hỏi nhân công, các thửa ruộng phải liền lạc, gần nhau. Người nông phu lúc bấy giờ vì đất còn tốt và rộng nên chưa nghĩ đến cách khai thác thâm canh ấy. Lúc rảnh rỗi, họ trồng đậu, bắp khao dễ sinh lợi và ít tốn công hơn.

Doãn Uẩn từng là Thự án sát tỉnh Vĩnh Long vào năm 1833 (sau làm đến Tổng đốc An Hà) ghi lại vài chi tiết về cách làm ruộng: “Việc trồng lúa thì cứ phát rạp lau sậy, bừa cỏ hai ba lần rồi cấy, không phí sức nhiều. Như đã cấy rồi thì không cần trông nom tới, cũng khỏi phải lo nước hạn. Vào những tháng 7, 8, 9 lục tục cày cấy, đến những tháng 11, tháng chạp mới lần lượt gặt hái, rồi gom nhóm lại để ngay ngoài ruộng, tới ra giêng lối tháng 2, tháng 3 mới cho trâu đạp lấy lúa hột” (15). “Cổ nhân nói: Xuân canh, hạ vân, thu thâu, đông tàng", xét ra không thể hoàn toàn đúng với mọi vùng, hoặc thổ ngơi không điều hợp, thổ tục thì theo thói quen mà làm, hoặc giả khí hậu có sớm có tối khác nhau, riêng tôi cũng chưa thấu đạt được vậy. Cũng như nói về hoa quả, tại nhiều tỉnh dưa đều đại khái chín vào mùa hạ, mà Nam Kỳ lại chín vào đông xuân. Tại Bắc kỳ, sen nở mùa hạ, mà Kinh kỳ (Huế) lại trỗ bông vào giữa thời gian giao mùa đông xuân, còn Nam kỳ thì bốn mùa sen đều có hoa cả”. (16)

(15) Doãn Uẩn, Trấn Tây Ký Lược, bản chép tay của Viện Khảo cổ, trang 16.

(16) Doãn Uẩn, sách đã dẫn, trang 20.

Về phong tục ở miền Nam lúc bấy giờ, Trịnh Hoài Đức ghi lại khá nhiều chi tiết, xin lược kê vài đoạn, chứng tỏ việc khẩn hoang đem lại mức sống sung túc: “Ở Gia Định, có khách đến nhà đầu tiên gia chủ dâng trầu cau, sau dâng tiếp cơm bánh, tiếp đãi trọng hậu, không kể người thân sơ, quen lạ, tông tích ở đâu, ắt đều thâu nạp khoản đãi, cho nên người đi chơi không cần đem tiền gạo theo, mà lại có nhiều người lậu xâu, trốn thuế đi đến xứ này ẩn núp, bởi vì có chỗ dung dưỡng vậy” (17). “Đất Gia Định nhiều sông, kinh, cù lao, bãi cát nên trong 10 người đã có 9 người biết nghề bơi lội, chèo thuyền, lại ưa ăn mắm, ngày ăn ba bữa cơm mà ít khi ăn cháo” (18). Lại có thói đùa cợt, bằng cách thách đố nhau ăn hoặc uống thật nhiều (19). Doãn Uẩn chép: “Cũng có kẻ nghèo phải đi ăn xin, nhưng mỗi tháng họ chỉ đi xin một lần cũng đủ sống rồi. Họ thường tựu nhau nơi đình miếu, mỗi người đều có mùng màn riêng. Trộm cắp cũng ít xảy ra, trâu thì có chuồng nhốt ngoài đồng” (20). Họ rất thích ca hát, không ngày nào là không có múa hát." (21)

(17), (18), (19) GĐTC, Hạ, xem trọn mục Phong Tục Chí. Nên nhớ ông Trịnh Hoài Đức là người Minh Hương.

(20), (21) Doãn Uẩn, sách đã dẫn, trang 17.

Người Tàu còn khai thác ruộng muối ở vùng biển Sóc Trăng (Ba Thắc). Biên Hòa nổi danh với nghề trồng mía, làm đường. Rừng Tây Ninh sản xuất nhiều gỗ tốt, đặc biệt là dầu rái để trét ghe, làm đuốc.

...