Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam - Phụ lục - Phần 2

Về những bài báo do Lê Trung Nghĩa viết, chúng tôi sử dụng với sự dè dặt. Bấy giờ có những sự thật mà ký giả biết rõ nhưng không thể viết ra được, vì là cuộc vận động công khai trên báo chí để cứu nạn nhân.

Lời khai trước tòa án của những nhân chứng hoặc của người trong cuộc phải được hiểu qua khía cạnh riêng: lắm khi, họ phủ nhận sự thật vì sự thật ấy bất lợi cho họ trước tòa, hoặc họ biết nhưng lại khai rằng không biết, chưa kể đến những người làm chứng bị mua chuộc bằng tiền mặt.

Trước năm 1900, một nông phu đến khai phá rừng ở rạch Nọc Nạn trên diện tích non 73 mẫu tây.

Năm 1908, ông này chết để lại cho con là hương chánh Luông. Đất thì rộng, sức người và vốn liếng có hạn, năm 1910, anh em hương chánh Luông bắt đầu làm việc tích cực hơn. Đất khai phá phải trải qua hai ba năm đầu không có huê lợi vì cây cỏ còn nhiều, nào gốc cây, nào đất trũng quá thấp, nạn chuột bọ, heo rừng. Lúc bắt đầu khai phá thì vùng này hoang vu, thưa thớt dân cư, chẳng thấy ai đến tranh giành cả. Tỉnh Bạc Liêu hẻo lánh, việc đo đạc ruộng đất để lập bộ rất chậm trễ so với các tỉnh miền trên.

Năm 1910, hương chánh Luông làm đơn xin khẩn chánh thức 20 mẫu và chịu đóng thuế trên diện tích này. Đơn ấy được chấp thuận và được cấp biên lai.

Năm 1912, họ làm ruộng thêm trên khoảnh đất ấy, canh tác trọn và xin rước kinh lý (trường tiền) đến đo đạc theo luật định, để xin bằng khoán chính thức. Viên trường tiền (géomètre) tên là Arboratie đến đo đạc, làm phúc trình và chủ tỉnh Bạc Liêu trao cho ông hương chánh Luông bản đồ phần đất nói trên.

Năm 1916, một người tên là Tăng Văn Đ. đứng ra tranh cản, viện lý do phần đất mà hương chánh Luông và gia đình đang canh tác là công lao của y một phần nào. Tăng Văn Đ. được chủ tỉnh đòi đến xử và thất kiện. Tuy nhiên, viên chủ tỉnh lại cho Tăng Văn Đ. một sở đất nhỏ, cắt ra từ phần đất của ông chánh Luông.

Phần đất của ông chánh Luông gồm 72 mẫu 95, bị cắt cho Đ. bốn mẫu rưỡi tức là chỉ còn lại 68,45 mẫu mà thôi. Để giải quyết vụ này, viên chủ tỉnh nói trên cấp cho hương chánh Luông một tờ bằng khoán tạm, số 303 đề ngày 7-8-1916.

Ông hương chánh Luông mất. Biện Toại là con trai lớn của gia đình và các em đành nhường nhịn và chấp nhận, mặc dầu đất của tổ phụ để lại mất hết 4 mẫu rưỡi. Nên nhớ rằng bằng khoán cấp cho Biện Toại là bằng khoán tạm.

Tưởng rằng công việc canh tác được yên ổn, dè đâu năm 1917 xảy ra một biến cố khác: sự can thiệp của một người Huê kiều giàu khét tiếng trong tỉnh: ông bang Tắc, tên thật là Mã Ngân. Ông bang này muốn khẩn đất bằng con đường quanh co nhưng hữu hiệu, ông ta rành luật lệ và biết rõ những sơ hở.

Số là giáp ranh với phần đất của gia đình hương chánh Luông do Biện Toại là con trai đứng thay mặt, có phần khác do Phan Văn Được làm chủ. Sau khi chết, đất của Phan Văn Được để lại cho vợ hưởng, người vợ này tên Nguyễn Thị Dương. Ông bang Tắc (Mã Ngân) chú ý nhiều vào phần đất của Nguyễn Thị Dương, đến gặp bà này mà trả giá và tìm đến hương chức làng Phong Thạnh để xem xét lại kỹ.

Hương chức làng Phong Thạnh tiết lộ rằng phần đất của anh em Biện Toại, giáp ranh với phần đất của Nguyễn Thị Dương đã khai thác xong nhưng chưa có bằng khoán chính thức.

Là người rành luật lệ, ông bang làm giấy tờ mua đất, cho thêm bà Dương chút ít tiền để trong tờ bán đất ghi rằng “bán phần đất với ranh giới bao trùm luôn khoảnh đất mà anh em Biện Toại đang khai thác”.

Lập tức, ông bang Tắc tìm cách hăm he, cho anh em Biện Toại biết rằng đất mà họ đang canh tác là của ông ta, vì ông ta đã mua lại của bà Nguyễn Thị Dương rồi. Lẽ dĩ nhiên, anh em Biện Toại phản ứng ngay, tìm cách kêu nài lên quan trên rằng bà Nguyễn Thị Dương đã bán phần đất mà họ đã có bằng khoán tạm cho bang Tắc, và bang Tắc đã lấn đất.

Đơn đã gởi bốn lần đến chủ tỉnh Bạc Liêu và bốn lần lên Thống đốc Nam Kỳ, luôn cả quan Toàn quyền Đông Dương để kêu nài. Nhưng việc khác lại xảy ra.

Năm 1919, bang Tắc lại xúi dục tá điền của ông ta xông qua phần đất của anh em Biện Toại, đốt một căn chòi ruộng và giết một con trâu để dằn mặt. Nhưng anh em Biện Toại vẫn không nao núng, tin nơi công lý.

Bấy giờ, chủ quận ở Giá Rai là ông phủ H. Theo lời tự thuật của quan phủ này thì khi đến trấn nhậm tại Giá Rai, hay tin có cuộc tranh chấp giữa ông bang Tắc và anh em Biện Toại, ông ta đã đòi ông bang Tắc tới để phân xử, đề nghị với ông Bang là nên nhân nhượng chia đất ra hai phần đồng đều, ông bang phân nửa, anh em Biện Toại phân nửa (như vậy là trong thực tế, ông bang đã lấn thêm một phần đất đôi chục mẫu). Quan phủ H. cũng phân trần rằng chính ông đã nhờ hương cả trong làng để đưa đề nghị ấy với anh em Biện Toại, nhưng anh em ông này không chấp nhận sự chia hai đồng đều ấy.

Trong vụ án Nọc Nạn, dư luận đã đổ lỗi cho quan phủ H. Phải chăng quan phủ này nhận số tiền của ông bang nên đưa đề nghị này? Nếu là người vô tư, tại sao ông không mời anh em Biện Toại đến dinh quận để phân giải mà chỉ mời có một mình ông bang? Quan phủ thanh minh với dư luận như vậy thì ta tạm tin như vậy.

Cũng năm ấy (1919), quan phủ H. được làm chủ Tịch Hội đồng phái viên commission administrative) để xác nhận sở hữu chủ của từng sở đất ở làng Phong Thạnh với diện tích chính xác, ranh giới, để chánh thức cấp bằng khoán.

Mặc dầu anh em Biện Toại khiếu nại nhưng với thế lực của ông bang, với sự hậu thuẫn của một số người, phần đất của anh em Biện toại lại bị chính thức xem như là đất của ông bang Tắc. Về sau, ra trước tòa đại hình, Biện Toại vẫn cả quyết đây là vụ ăn hối lộ, luôn cả viên họa đồ là Roussotte cũng ăn vì thoạt tiên, khi đo đạc tên Pháp này cho rằng đất ấy là của Biện Toại, nhưng khi đã nhận tiền của bang Tắc, hắn nói ngược lại đó là của bang Tắc.

Mặc dầu vậy, anh em Biện Toại vẫn cương quyết chống đối. Đất đã mất rồi, họ ở đó mà chờ... đèn công lý của thực dân Pháp!

Bang Tắc cứ tiếp tục lo hợp thức hóa phần đất chiếm cứ mà Hội đồng phái viên (có ông phủ H. làm chủ tịch) xác nhận là của chính bà Nguyễn Thị Dương ưu tiên khai khẩn rồi bán lại cho ông ta. Ngày 13-4-1926, Thống đốc Nam kỳ ký nghị định bán thuận mãi sở đất 50 mẫu với giá 5.000 đồng cho Mã Ngân (tên thật của bang Tắc).

Bang Tắc cứ hăm dọa, buộc anh em Biện Toại đong lúa ruộng vì với nghị định trên và với tờ bằng khoán chính thức, anh em Biện Toại đã trở thành tá điền trên phần đất của họ.

Anh em Biện Toại chống đối ra mặt. Bang Tắc không dám làm to chuyện vì ông ta đã từng dính líu vào vài chuyện rắc rối về pháp lý, nếu sanh sự thêm thì nhà nước thực dân lúc bấy giờ có thể dùng luật lệ mà trục xuất ông ta về Tàu, cộng với mấy tội trạng trước. Ông ta nghĩ ra một biện pháp rất có lợi và rất ôn hòa để thắng đối phương. Ông ta bán sở đất trên cho một bà rất có uy thế: bà Hà Thị Tr., mẹ vợ của người anh ông phủ H. (vì vậy mà sau này, dư luận cho rằng vụ giựt đất là do phủ H. tiếp tay với bang Tắc một cách đắc lực). Bà này mua xong, bèn đòi thâu địa tô trên phần đất mà anh em Biện Toàn đang canh tác.

Ngày 6-12-1927, bà Tr. xin được một án lịnh của tòa cho phép tịch thâu tại chỗ tất cả lúa mà anh em Biện Toại gặt được. Anh em Biện Toại nghe tin ấy, bắt đầu lo sợ.

Ngày 13-2-1928, lính mã tà tới gặp anh em Biện Toại để thi hành lịnh thâu lúa, anh em Biện Toại kháng cự.

Ngày 14, tức là ngày hôm sau, lính mã tà lại vô lần thứ nhì. Anh em Biện Toại cũng chống cự, lính mã tà lại rút lui.

Ngay trong đêm ấy, anh em Biện Toại đoán chắng rằng ngày mai, lính mã tà sẽ đến với lực lượng đông đảo và thái độ cứng rắn hơn vì là lần thứ ba, sau hai lần cảnh cáo.

Anh em trong gia đình tụ họp lại, làm lễ lạy ông bà. Mẹ là bà hương chánh Luông cũng được mời ngồi để các con lạy, gọi là báo hiếu lần chót. Anh em bèn trích huyết vào cái tô, thề ăn thua, không sợ chết. Để thi hành kế hoạch, anh em bày ra chuyện bắt thăm để nhờ vong linh ông bà chỉ định ai là người đứng ra hy sinh đầu tiên. Lần thứ nhứt, đứa em gái tên Trọng lại rút nhằm thăm. Anh em không muốn thấy đứa em gái lại đảm nhận sự hy sinh quá lớn lao nên đồng ý là cho bắt thăm lần thứ nhì.

Và lần thứ nhì này, cũng cô Trọng được lá thăm ấy. Cô Trọng bình tĩnh đứng dậy, bảo các anh:

– Ông bà đã dạy, em xin liều chết!

Nên nhớ một chi tiết: Trước đó, khi được án tòa và thấy thái độ quá cứng rắn của anh em Biện Toại, hương chức làng tự ý bắt giam 24 giờ bà hương chánh Luông để hăm dọa. Biện Toại vì thương mẹ nên hứa sự không chống cự. Nhờ đó, bà hương chánh được về nhà để các con lạy lần chót.

Lúc đến công sở, thái độ của Biện Toại rất buồn rầu.

Lại còn một chi tiết khác: thày hương thân trong làng đã mướn người gặt lúa của anh em Biện Toại, vì lịnh tịch thâu đưa tới nhằm lúc lúa chín. Mười Chức, em Biện Toại đã xin phép vị hương thân để được tự mình gặt lúa nhưng vị hương thân từ chối, hồ nghi rằng nhân cơ hội ấy Mười Chức có thể giấu bớt lúa. Khi ra tòa, viên Chưởng lý thắc mắc: tại sao số lúa mà hương chức làng mướn gặt chỉ có 2.080 giạ thay vì 3.500 giạ như phỏng định? Phải chăng hương chức làng đã lén ăn cắp bớt số lúa này để xài riêng? Và nếu lúa gặt được nhiều, sau khi đong lúa ruộng theo án lịnh tòa mà còn dư lại đủ ăn trong mấy tháng đầu năm thì anh em Biện Toại chưa ắt tuyệt vọng đến mức, để rồi thảm trạng lại xảy ra! Biện Toại sống với mẹ và các em trong đại gia đình, số lúa thu hoạch chia ra vẫn là ít. ở xứ Bạc Liêu, mỗi năm gia đình nào cũng phải dư nhiều lúa để bán mà sắm quần áo, thuốc men, chớ không như ở Tiền Giang chỉ cần đủ lúa ăn, còn bao nhiêu món khác trong gia đình đều mua sắm nhờ hoa màu phụ như vườn dừa, chuối, hoặc chăn nuôi.

Thảm trạng xảy ra vào sáng ngày 16-2-1928. Tìm lại sự thật, nhứt là các chi tiết thì hơi khó khăn. Lính mã tà thì cương quyết đổ tội cho đám anh em Biện Toại (trong giấy thuế thân, ghi sai là Tại). Những nạn nhân trong cuộc thì muốn chứng minh rằng họ chỉ tự vệ. Một số người trong cuộc đã chết, nếu còn sống thì họ sẽ đưa ra nhiều bằng chứng khác.

Đại khái, những nét lớn như sau:

Khoảng 7 giờ sáng, hai tên cò Tây là Tournier và Bouzou cùng bốn người lính mã tà từ Bạc Liêu đến Phong Thạnh để tiếp tay với hương chức làng mà thi hành lịnh án của tòa, đong số lúa hiện ở trên phần đất của anh em Biện Toại. Hai viên cò (gendarme) này tưởng là chuyện thông thường, họ không được cho biết là sẽ gặp khó khăn. Tên cò Tournier vừa mua được cây súng săn nên đem theo, dọc đường anh ta còn lạc quan, bắn thử một phát chết một con cò. Cùng đi với họ đến đống lúa có hương thân, hương hào và hương quản làng sở tại.

Anh em của Biện Toại cất nhà rải rác hơi xa nhau, sát bờ rạch. Đống lúa thì ở ngoài ruộng, cách nhà họ chừng 500 thước.

Dọc đường, khi đi ngang qua nhà Biện Toại, hương hào kêu réo để mời chứng kiến việc đong lúa nhưng không ai trả lời. Nhà cứ đóng cửa. Lập tức, hương hào bèn đến nhà Biện Toại và đến nhà bà mẹ là bà hương chánh Luông. Chẳng ai chịu đến cả.

Đến gần đống lúa, tên cò Tournier yêu cầu hương chức làng phải mời một người trong gia đình, thí dụ như một người em của Biện Toại đến chứng kiến việc đong lúa.

Mười lăm phút sau, một cô gái đi ra, hướng về đống lúa: cô Nguyễn Thị Trọng, em của Biện Toại. Theo sau là đứa cháu gái của Trọng, đứa bé này tên là Tư, 14 tuổi.

Thoạt tiên, tên cò Tournier đuổi cô Trọng, bảo rằng con gái còn nhỏ làm sao hiểu đầu đuôi cuộc tranh chấp đất ruộng này được! Viên cò nói là đến đây để trợ giúp hương chức làng đong số lúa theo lịnh tòa.

Cô Trọng phản đối bằng lời lẽ khẳng khái, trong đó có câu “Chết sống ở đây”. Viên đội mã tà thông dịch lại. Tên cò Tounier ra lịnh đuổi lần thứ nhứt. Cô Trọng cứ đứng đó, yêu cầu khi đong lúa xong thì hương chức phải giao cho cô một giấy biên nhận ghi rõ bao nhiêu giạ.

Tournier trả lời rằng không có chuyện trao biên nhận. Rồi thì Tournier tát tai cô Trọng.