Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam - Phần I - Chương 3 - Phần 1

III– NHU CẦU CHỈNH ĐỐN VỀ NỘI TRỊ: NHỮNG ĐỒN ĐIỀN CHIẾN LƯỢC Ở HẬU GIANG

Vua Minh Mạng mất, để lại gánh nặng ở phía biên giới Việt Miên. Loạn lạc đã phát khởi ngay từ khi cuộc chinh phạt của tướng Trương Minh Giảng đang diễn ra tại phía Biển Hồ, tuy rằng về hình thức là dẹp xong nhưng mầm mống còn đó. Người Miên cư ngụ trên lãnh thổ Việt Nam dường như sẵn sàng hưởng ứng, chống đối quan lại địa phương khi ở Cao Miên phong trào lên cao. Quân Xiêm lại khéo phao tin tuyên truyền. Người Cao Miên lúc bấy giờ ở Nam kỳ lại bực dọc với chính sách “nhứt thị đồng nhơn”của vua Minh Mạng, bắt buộc họ phải lấy tên, lấy họ như người Việt để đồng hóa. Lại còn chủ trương cải cách tổ chức nông thôn cổ truyền của sốc Miên khiến họ mất quyền tự trị (1). Vùng biên giới Hà Tiên, An Giang bắt đầu xáo trộn khi vào năm 1838, tên Gi – làm chức An phủ cho ta – cấu kết với người Xiêm. Năm sau, viên quản cơ người Miên ở An Giang là Hàn Biện cùng đồng bọn làm phản rồi bỏ đi, một số đông lính Miên cũng chạy theo chúng như rồi một số quay trở lại. Vua truyền lịnh tha tội những người biết hối cải (2). Năm 1840, tình hình thêm bi đát: người Miên ở Tịnh Biên (An Giang) nổi loạn khiến quan tri phủ bỏ trốn, loạn quân kéo về phía biên giới Hà Tiên đánh đồn Châu Nham (Đá Dựng), quan binh nhiều kẻ bị hại (3). Tháng 10 năm ấy, giặc từ Thất Sơn gồm hơn 2000 người kéo qua tận Kiên Giang, phá chợ Rạch Giá, đắp đồn ở hai bên bờ rạch này; vùng Xà Tón (Tri Tôn) cũng bị khuấy động (4).

(1) QTCB, 226.

(2) MMPB, năm XX.

(3) QTCB, 231.

(4) QTCB, 232, có lẽ ông Phó Cơ Điều mất nhân cơ hội này ở giếng Cây Trâm, Rạch Sỏi (Kiên Giang).

Năm Thiệu Trị nguyên niên, tất cả các vùng người Miên sống đông đúc đều nổi loạn, quan quân vô cùng vất vả. Ba khu vực quan trọng nhứt là:

– Vùng Trà vinh (nay là Vĩnh Bình) bao gồm các khu vực rộng lớn từ Tiền giang qua Hậu giang (Trà Vinh, Cầu Kè, Tiểu Cần, Cầu Chong), sử gọi là vùng Lạc Hóa. Cuộc khởi loạn dai dẳng và có quy mô kéo dài từ tháng 3 đến tháng 10 năm 1841, người cầm đầu là Lâm Sâm (còn đọc Lâm Sum, người địa phương gọi là Xà Na Xom hoặc Xà Xom, tức là viên tướng tên Xom). Thủ đoạn xách động là dùng bùa ngải, do các tên thày bùa đưa ra rồi loan tin thất thiệt: Ai không theo chúng sẽ bị Trời Phật hại, ai theo thì được cứu thoát, võ khí là đao mác, chà gạc, phảng kéo cổ thẳng (trở thành cây mã tấu). Thoạt tiên loạn quân chiếm Trà Vinh (đồn Nguyệt Lãng của ta) (5).

(5) Làng Nguyệt Lăng nay nhập với Đôn Hóa, thành làng Nguyệt Hóa, ngoại ô chợ Trà Vinh.

Giặc lại lôi cuốn được mấy sốc Miên ở rạch Cần Chong (nay là Tiểu Cần) xuống đến Bắc Trang ra đến mé sông Hậu giang, vùng Trà Điêu. Có lúc giặc thắng thế, chiếm giữ một vùng dài hơn 30 cây số, gồm toàn sốc Miên. Trận gay go nhất xảy ra ở vùng Trà Tử (nay gọi là Hiếu Tử), bố chánh Trần Tuyên và tri huyện Huỳnh Hữu Quang đều tử trận. Số loạn quân lên đến bảy tám ngàn, ngoài Lâm Sum còn tên tổng Cộng (chắc là cai tổng tên Cộng) và một tên tự xưng là phó mã Đội (6). Tham dự cuộc tảo thanh ở vùng Lạc Hóa, gồm có tổng đốc Bùi Công Huyên, tham tánh thành Trấn Tây là Nguyễn Tấn Lâm và Nguyễn Công Trứ cũng rút về nước tiếp tay, ngoài ra còn có tướng Nguyễn Tri Phương. Nguyễn Tri Phương dời binh tiến đánh, tuy phá tan được luôn, nhưng chỗ này tan rã thì chỗ kia quy tụ, cứ đánh phía đông, giữ phía tây, không thể nào diệt hết được (7). Khi Trương Minh Giảng rút lui về An Giang, ta được thêm 3000 quân sĩ đến tiếp ứng ở mặt trận Lạc Hóa. Trong đám loạn quân đầu thú, có cả người Việt và người Tàu. Phải chăng là những người Việt trước kia theo Lê Văn Khôi, nay trốn lánh?

(6) Xem Bản Triều Bạn Nghịch Liệt Truyện, bản dịch Bộ Quốc gia Giáo dục, 1963, trang 85. Trần Tuyên người Quảng Trị. Xem thêm QTCB, 321.

(7) Bản Triều Bạn Nghịch Liệt Truyện, trang 85.

– Vùng Sóc Trăng, trung tâm cuộc khởi loạn là Ba Xuyên, Trà Tâm (8), từ tháng ba cũng năm Tân Sửu. Thoạt tiên giặc bị phân tán rồi tập trung tại Sóc Đâm đóng đồn mà chống cự. Tháng 11, quân của Nguyễn Tấn Lâm và Nguyễn Tri Phương đánh hai mặt giáp lại. Giặc tan, vua Thiệu Trị cho Nguyễn Tấn Lâm ở lại Ba Xuyên dẹp đám tàn quân và lập an ninh. Theo truyền thuyết, lãnh tụ loạn quân ở đây là Xa-ne Tia.

(8) Phải chăng vùng Phú Tâm trên đường Sóc Trăng – Bạc Liêu hoặc Tri Tâm, sân bay Sóc Trăng ngày nay.

– Vùng Thất Sơn, Vĩnh Tế. Nếu Trà Vinh và Sóc Trăng nối liền nhau (bên này và bên kia sông Hậu Giang), dân đông, kinh tế phì nhiêu, người Miên sống tập trung thì vùng Thất Sơn lại là nơi mà người Miên dễ tấn thối và khuấy động, với hàng chục ngọn đồi lớn nhỏ, nhiều thung lũng, dân cư thuần nhứt lại ở sát biên giới Cao Miên. Năm Thiệu Trị nguyên niên, giặc tụ tập tại Lẹt Đẹt (9), quân ta dẹp tan rồi đánh luôn tới Cần Sư. Phía Tịnh Biên cũng có loạn vài ngàn tên, nhưng dẹp được. Nguyễn Tri Phương đến núi Tượng để đánh loạn quân. Ở hai huyện Hà Dương và Hà Âm, tình hình khuấy động. Hà Dương gồm vùng núi Cấm, núi Tượng; Hà Âm gồm các làng dọc theo biên giới bên kinh Vĩnh Tế. Sở dĩ loạn quân dám kiêu ngạo vì bên kia biên giới, Phi Nhã Chất Tri “đem quân Xiêm đến dựng đồn lũy ở bờ sông Vĩnh Tế rồi qua lại gây sự với những đồn bảo của quân ta. Quan binh bèn chia đường đi tiễu trừ, giết và làm bị thương rất đông, chiếm lấy được bảy đồn, hai bên bờ sông Vĩnh Tế một loạt được dẹp yên. Bọn giặc ở trong các đồn ở núi Cấm, núi Tượng nghe tin bèn chạy trốn. Quân Xiêm gặp sự thất bại tan rã ấy muốn tăng thêm binh và chiến thuyền để trở lại một lần nữa giúp dân Miên gây sự, vừa lúc ấy nước họ có việc nên ngưng” (10).

Nhưng tình hình ở Cao Miên, Thất Sơn và kinh Vĩnh Tế chỉ là tạm thời lắng đọng. Năm sau, cuộc xâm lăng đại quy mô lại diễn ra. Nếu lần trước chiến sự xảy ra tại Tiền Giang, từ Vàm Thuận đến Chợ Thủ thì lần này mặt trận chánh lại diễn ra ở vùng Thất Sơn và kinh Vĩnh Tế.

(9) Lẹt Đẹt, không biết vùng này ở đâu, nay có vùng Rầy Đéc bên sườn núi Cấm. Vùng Lăng Tượng bên chợ Rạch Giá, có rạch Chung Sư, phải chăng là Cần Sư?

(10) Bản Triều Bạn Nghịch Liệt Truyện, 85-87.

1. Ngăn chặn giặc Xiêm năm 1842

Trong khi nội loạn xảy ra ở Lạc Hóa (Trà Vinh) thì tình hình trên Cao Miên rất tồi tệ, vua Thiệu Trị đồng ý với các đại thần là nên rút quân về An Giang, thật khéo và lặng lẽ. Voi đem về không tiện thì làm thịt cho quân sĩ ăn, những người Việt trước kia gồm đa số là tù phạm lên Cao Miên làm ăn thì lựa chỗ mà cho ở lại. Tháng 9 năm 1841, quân sĩ ta rút về An Giang. Khi về đến nơi, tướng Trương Minh Giảng mất vì bịnh, nhưng lý do chánh là vì buồn giận triều đình. Quân Xiêm không bỏ lỡ cơ hội, mở ngay cuộc xâm lăng vào lãnh thổ Việt Nam. Lần này sự bố trí của Xiêm khá chu đáo, chiến thuật thay đổi hẳn. Lại còn một yếu tố đáng chú ý: yếu tố chính trị. Đó là những người Việt đa số là tù phạm bị đày làm đồn điền. Khi mới lên ngôi, vua Thiệu Trị đã nghĩ tới số phận của họ. “Nhưng trong xứ Trấn Tây, giặc Thổ chưa yên mà những tên tù phạm khi trước can án phát quân hiện đương sai phái ở đó, phải đợi khi yên giặc rồi sẽ nghỉ” (1). Bấy giờ ở Nam Vang có người con trai tự xưng là con của hoàng tử Cảnh, lấy hiệu là Hoàng Tôn (có nghĩa là cháu nội vua Gia Long) đang tụ tập một số đông gồm Xiêm, Lào, Hán (Việt Nam), Thổ,“những đứa trốn tội cũng theo nhiều lắm” (2). Phải chăng trong số tù nhân bị phát quân lên Cao Miên, đời Minh Mạng, gồm nhiều người can tội dính líu xa gần tới cuộc khởi loạn của Lê Văn Khôi, ở Sài Gòn và các tỉnh?

Đưa kẻ tự xưng là Hoàng Tôn về nước chỉ là một trong những lý do của quân Xiêm; hành động chính trị này không gây được xúc động tâm lý đáng kể. Dù sao đi nữa, ta cũng thấy Phi Nhã Chất Tri là kẻ tinh tế và đa mưu.

(1) QTCB, 240.

(2) QTCB, 249.

Tháng giêng năm 1842, chiến thuyền Xiêm đến vùng đảo Phú Quốc, tấn công để dò xét. Nguyễn Công Trứ, người đã từng dẹp giặc Tàu Ô ở vịnh Hạ Long thử trổ tài, nhưng bị“sóng gió ngăn trở” (3).

(3) QTCB, 249.

Bọn Hoàng Tôn đưa 5000 người đến Sách Sô, thành phần toàn người Xiêm và Lào (người Xiêm có thói bắt dân vùng bị chiếm làm nô lệ, làm lính). Sách Sô là vị trí quan trọng ở giữa Tiền Giang và Hậu Giang (4). Tướng Nguyễn Tri Phương nhận định rằng Tiền Giang là con sông quan trọng ăn thông giữa trung tâm An Giang, Vĩnh Long và Định Tường (5), xin đem binh thuyền bố trí sẵn.

(4) Doãn Uẩn (Trán Tây Kỷ Lược) nói rõ về vùng nầy. Sách Sô là cát trắng theo tiếng Miên.

(5) QTCB, 250.

Việc xảy ra nhằm lúc vua Thiệu Trị đang ra Hà Nội để nhận lễ thụ phong của sứ Tàu.

Tháng 2 quân Xiêm lại tăng cường hải quân, đến gần Cần Vọt (Quảng Biên, Kampot), ta bố trí giữa tại cửa Hà Tiên (Kim Dữ). Rồi binh thuyền của Xiêm kéo tới Bạch Mã (Kép) đông đảo hơn với ý định chiếm Lư Khê (Rạch Vược, phía nam Hà Tiên, bờ biển) và chiếm Tô Môn (cửa Đông Hồ, bên cạnh núi Tô Châu) để bao vây Hà Tiên. Xiêm kéo mấy vạn binh tràn vùng kinh Vĩnh Tế, ta chống đỡ không kịp. Cánh quân chánh của Xiêm đánh từ bờ biển vịnh Xiêm La qua theo đường Hà Tiên, chớ không từ Nam Vang mà thọc xuống theo sông Tiền giang như mấy lần trước. Trước nguy cơ ấy, vua Thiệu Trị cho quân lực từ Huế kéo vào tăng cường, cùng với lính thú từ Quảng Nam, Quảng Ngãi. Đợt tấn công đầu tiên của quân Xiêm bị chận lại, ở khắp các mặt trận Vĩnh Tế, Tiền Giang và Hậu Giang. Nhưng quân Xiêm chưa rút lui, cho củng cố thành lũy, chiếm trọn vùng núi Cô Tô (Tô Sơn, thuộc dãy Thất Sơn). Tháng 5 năm ấy, ta kéo vào chiếm lại khu Cô Tô mà quân Xiêm vừa xây dựng trên lãnh thổ của ta. Đây là nơi người Miên sống tập trung từ lâu đời. Binh ta gồm năm đạo, mỗi đạo 1000 quân, đem súng lớn đặt tại Tri Tôn (Xà Tón) mà bắn phá lũy giặc. Nguyễn Tri Phương đem đại binh đến núi Cô Tô, giặc tan, một số đông ra đầu thú gồm người Tàu và người Miên có đến số ngàn. Vua Thiệu Trị sai Nguyễn Công Trứ điều động việc lập ấp, khuyến khích khẩn ruộng. Nhưng ta tin rằng việc làm này không đi tới đâu cả, đất ở chân núi từ lâu đã được người Miên canh tác, họa chăng các quan của ta chỉ lo chỉnh đốn an ninh trong các sốc Miên.

Rồi ta kéo quân lên phía Nam Vang, truy nã. Tháng 7 năm 1845, giặc Miên lại đến bờ kinh Vĩnh Tế tại làng Vĩnh Điền, phá rối Trường Lũy (Trường Lũy là bức trường thành mà ta dựng lên, trồng tre gai, xa xa có đồn nhỏ dọc theo kinh Vĩnh Tế, khi Pháp đến còn di tích này). Nhưng giặc bị đánh lui.

Năm 1845, ta thắng vài trận đáng kể. Đến lượt Nguyễn Tri Phương và Doãn Uẩn thi tài với Phi Nhã Chất Tri. Ta tiến đến Vũng Long (Kompong Luông). Cao Miên nhìn nhận sự bảo hộ song phương của Xiêm và Việt Nam.

_______