Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi - Chương 1 - Phần 1
CHƯƠNG 1
Vào cái năm tròn chín mươi tuổi, tôi muốn tự thưởng một đêm tình cuồng điên với một thiếu nữ còn trinh nguyên. Tôi bỗng nhớ đến Rosa Cabarcas, bà chủ một nhà chứa vốn thường hay báo cho các khách hàng sộp mỗi khi có sẵn một của lạ. Tôi không bao giờ quỳ gối trước thứ của lạ này cũng như trước bất cứ lời mời mọc tục tĩu nào của bà ta; ấy thế nhưng bà ta cũng chẳng hề tin vào tính rõ ràng trong nguyên tắc sống của tôi. Mà đạo đức cũng thay đổi theo thời gian, bà ta mỉm cười ranh mãnh nói, rồi ông sẽ thấy. Bà ta ít hơn tôi dăm ba tuổi, và từ nhiều năm nay tôi không còn biết tin tức gì về bà ấy nữa, có khi đã chết rồi cũng nên. Nhưng ngay khi tiếng chuông điện thoại đầu tiên vừa ngắt, tôi đã nhận ra giọng nói của bà ta và liền phang ngay không chút úp mở:
Ngày hôm nay thì tôi muốn.
Bà ta thở dài: Ái dà, ngài thông thái buồn bã của tôi, ông đã mất dạng hai mươi năm nay rồi bỗng trở lại đòi hỏi điều không thể có vào lúc này. Ngay lập tức bà ta hồi phục được tài nghệ của mình và đưa ra cho tôi lựa chọn cả nửa tá phương án khoái lạc, nhưng đều đã qua sử dụng cả rồi. Tôi nhắc lại: phải là trinh nguyên và ngay trong tối hôm nay. Bà ta cảnh giác hỏi: Thế ông định thử điều gì vậy? Chẳng gì cả, tôi trả lời và cảm thấy chua xót và bị điểm huyệt đúng chỗ đau nhất của mình, tôi biết rõ cái gì mình làm được và cái gì không làm được, thưa bà. Bà tà bình thản nói rằng các vị thông thái biết đủ thứ nhưng chẳng biết gì: Những Virgo duy nhất còn rơi rớt lại trên thế gian là các ông, những người của tháng Tám[1]. Tại sao ông không đặt hàng cho tôi từ sớm hơn? Làm sao dự báo trước được niềm cảm hứng, tôi nói. Nhưng có lẽ có thể chờ đợi được chăng, bà ta nói và bao giờ cũng tỏ ra hiểu biết hơn bất cứ một người đàn ông nào, rồi đề nghị tôi chờ thêm hai ngày để có thể lục lọi mọi ngóc ngách thị trường. Tôi nói một cách nghiêm túc với bà ta rằng trong một phi vụ kiểu này, ở vào tuổi của tôi, thì mỗi giờ là bằng cả một năm. Thế thì không thể được, bà ta nói không chút ngần ngại, nhưng không sao, thế này càng thêm hấp dẫn, mẹ kiếp, tôi sẽ gọi cho ông trong vòng một giờ nữa vậy.
[1] Virgo: Xử nữ, người mang mệnh Xử nữ, cung thứ sáu của hoàng đạo, tương ứng từ ngày 22 tháng Tám đến 23 tháng Chín.
Kể ra thì tôi không cần nói ra điều này, bởi vì người ta có thể nhận ra tôi từ xa cả dặm: tôi xấu trai, nhút nhát và cổ lỗ. Bấy lâu nay tôi đã cố sức làm đủ mọi chuyện để chứng tỏ điều ngược lại. Nhưng giữa thanh niên bạch nhật hôm nay, tôi đã tự mình quyết định, hoàn toàn tự do, kể hết mình là người như thế nào dù chỉ là để làm cho lương tâm bớt nặng nề. Tôi đã bắt đầu ngày hôm nay bằng cú điện thoại khác thường cho bà Rosa Cabarcas, đây sẽ là khởi nguồn của một cuộc đời mới ở vào cái tuổi mà phần lớn những người khác đã chết rồi.
[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]
Tôi sống trong một căn nhà có từ thời thuộc địa bên phía vỉa hè có ánh mặt trời của công viên San Nicolas, nơi tôi đã trải qua tất cả những ngày sống không có đàn bà và cũng chẳng có tài sản, cũng là nơi bố mẹ tôi đến sống và rồi chết, cũng là nơi mà tôi dự định sẽ chết đơn côi ngay chính trên chiếc giường mà mình đã sinh ra, vào cái ngày mà hi vọng còn xa xăm và không chút gì đau đớn.
Căn nhà này được bố tôi mua công khai từ cuối thế kỉ XIX, tầng trệt được ông cho một công ty của Italia thuê làm cửa hàng bán đồ may mặc cao cấp, còn lầu hai được giữ lại làm chốn ấp ủ hạnh phúc giữa ông và một trong những người con gái của ông bà chủ công ty, công nương Florina de Dios Cargamantos, người diễn tấu xuất sắc các tác phẩm âm nhạc của Mozact, biết nhiều ngoại ngữ và sùng bái Garibaldi[2], cũng là người phụ nữ đẹp nhất và tài năng xuất sắc nhất của thành phố: đó chính là mẹ tôi.
[2] Garibaldi: chiến sĩ yêu nước Italia ( 1807- 1882) đã từng chiến đấu chống nước Áo vì sự thống nhất của Italia.
Ngôi nhà rất rộng rãi và sáng sủa với những mái vòm trát vôi vữa và những khoang nền lát gạch men xứ Florencia của Italia, cùng bốn cửa kính hướng ra một bao lơn chung, nơi vào những đêm tháng ba, mẹ tôi thường ngồi hát những khúc tình ca với các chị em họ người Italia. Cũng từ nơi này người ta có thể nhìn thấy công viên San Nicolas, nhà thờ lớn và tương đài Cristobal Colon, và xa hơn là các khu nhà kho của cảng sông và đường chân trời rộng mở trên con sông lớn Magdalena cách cửa biển chỉ hai mươi dặm. Điều khó chiu duy nhất của căn nhà là ánh nắng cứ lần lượt chiếu rọi qua từng cửa sổ nên buộc phải đóng hết để có thể ngủ trưa trong cái cảnh chập choạng tối oi ả. Khi chỉ còn lại một mình trên thế gian, vào tuổi ba mươi hai, tôi chuyển qua ở phòng của bố mẹ, có cửa thông sang thư phòng và bắt đầu lần lượt bán tất cả những gì thừa để sinh sống, chỉ trừ các cuốn sách và chiếc dương cầm kiểu cổ.
Trong suốt bốn mươi năm ròng, tôi làm nghề thổi hồn cho các bản tin điện của tờ nhật báo El Diario de La Paz, tức là biên tập hoàn chỉnh các bản tin theo văn phong bản địa trên cơ sở những tin tức ở khắp nơi trên thế giới được truyền qua làn sóng ngắn hoặc dưới dạng kí hiệu moóc mà chúng tôi tóm được từ trên khoảng không vũ trụ. Ngày nay, tôi sống thoi thóp được là nhờ chút lương hưu của cái nghề đã bị tuyệt diệt đó; nhờ chút đỉnh thu nhập phụ cấp hưu trí nghề giáo viên dạy môn ngữ pháp tiếng Tây Ban Nha và La Tinh, nhưng hoàn toàn không đuợc phụ cấp hưu trí từ công việc viết không biết mệt mỏi các bài xã luận cho các số báo chủ nhật và lại càng không đuợc xu nào cho biết bao nhiêu bài cổ vũ các nghệ sĩ nổi tiếng được đăng trên các phụ trương âm nhạc và sân khấu. Suốt cả đời, tôi chưa bao giờ làm việc gì khác ngoài chuyện viết lách; nhưng tôi không có nổi niềm đam mê và năng khiếu của người kể chuyện, lại hoàn toàn mù tịt về các quy luật cấu thành tác phẩm kịch nghệ, và nếu tôi có phiêu du vào công việc này thì chẳng qua cũng chỉ vì quá tin vào biết bao nhiêu thứ mà mình đã học được trong suốt cuộc đời. Nói theo hơi hướng lãng mạn thì tôi là hạng người vô danh tiểu tốt chẳng để lại cho người đời bất cứ thứ gì ngoại trừ những sự việc mà tôi sắp cố gắng kể ra đây trong kí ức về mối tình lớn của mình.
Cũng như mọi lần, cái ngày đánh dấu chín mươi tuổi của tôi đuợc nhớ đến đúng vào lúc năm giờ sáng. Đó là ngày thứ sáu nên công việc phải làm duy nhất của tôi là viết một bài có kí tên sẽ đăng vào số chủ nhật của tờ nhật báo El Diario de La Paz. Sáng sớm đã xuất hiện các triệu chứng báo hiệu một ngày không hạnh phúc: xương cốt trong người tôi đau nhức, hậu môn bỏng rát, và sấm báo bão rền vang sau ba tháng trời khô hạn. Tôi tranh thủ tắm trong khi cà phê đang được chuẩn bị rồi uống một ly pha với mật ong cùng với hai chiếc bánh ngô tráng với trứng, và vận bộ đồ áo liền quần vải mịn vẫn dùng ở nhà.
Đề tài của bài báo ngày hôm đó, đương nhiên là về tuổi chín mươi của tôi. Tôi không bao giờ nghĩ đến tuổi tác như những giọt nước cứ lần lượt từ mái nhà rơi xuống để nhắc ta thời gian còn lại của cuộc đời mình. Hồi còn bé tôi đã nghe nói rằng khi ai đó bị chết, những con chấy được nuôi trong tóc sẽ hoảng hốt bò ra khắp gối để làm nhục gia chủ. Chuyện này làm tôi kinh sợ đến mức phải cạo trọc đầu để đi học và số tóc lởm chởm còn lại tôi còn phải thường xuyên gội bằng loại xà phòng mạt hạng dùng tắm cho chó. Thế nên giờ này tôi có thể nói thẳng rằng, từ nhỏ tôi đã có ý thức biết xấu hổ trước mọi người ngoài xã hội hơn là sợ chết.
Từ mấy tháng trước tôi đã có dự định bài viết về ngày sinh của mình không phải là lời than vãn về những năm tháng đã đi qua, mà là điều ngược lại: sự tôn vinh tuổi già. Ngay đầu bài báo tôi đã đặt câu hỏi lúc nào mình đã tự ý thức được đã già và tôi tin là việc này chỉ mới xảy ra mấy hôm trước ngày sinh nhật chín mươi tuổi. Ở tuổi bốn mươi hai, tôi đã phải đi khám cơn đau vai làm ngộp thở. Bác sĩ không cho chuyện này là quan trọng: Đó chỉ là những cơn đau tự nhiên ở tuổi của anh thôi, ông ta nói với tôi.
- Trong trường hợp này – tôi nói với ông ta - điều không tự nhiên chính là tuổi của tôi.
Viên bác sĩ nhìn tôi cười thương hại. Tôi thấy anh là một triết gia, ông ta nói với tôi. Đấy là lần đầu tiên tôi nghĩ về tuổi già của mình, nhưng rồi nhanh chóng quên ngay việc này. Tôi quen dần với chuyện mỗi ngày khi thức dậy lại thấy đau mình đau mẩy ở đâu đó trong người và nó cứ lan dần theo tuổi tác. Thỉnh thoảng nó như là một cú đá của thần chết nhưng ngày hôm sau thì như lại tan biến. Vào thời kì này tôi nghe nói triệu chứng tuổi già đầu tiên xuất hiện khi người ta bỗng thấy mình giống với bố. Thế thì mình được tuyên án có tuổi thanh xuân vĩnh viễn rồi, lúc đó tôi nghĩ như vậy, bởi vì khi nhìn nghiêng, gương mặt ngựa của tôi chẳng hề có nét gì giống với vẻ mặt thô ráp của cư dân vùng biển Caribê của bố, cũng chẳng giống nét La Mã vương giả của gương mặt mẹ. Sự thật là những thay đổi diễn ta rất chậm chạp nên khó nhận ra và người ta cứ thấy trong cơ thể mình chẳng có gì biến đổi, chỉ có người khác mới có thể cảnh báo được từ việc nhìn bề ngoài.
Từ thập niên thứ năm trở đi, khi xuất hiện những lỗ hổng đầu tiên trong trí nhớ, tôi mới bắt đầu tưởng tượng ra tuổi già. Mò mẫm tìm khắp nhà cặp kính cho đến khi phát hiện ra mình đang đeo trên mặt hoặc vô ý để trong bình tưới cây, hoặc đọc sách mà quên không bỏ kính nhìn xa ra. Có ngày tôi ăn sáng hai lần vì quên là đã điểm tâm một lần trước đó, và tôi cũng học được cách nhận biết những tín hiệu nhắc nhở của bạn bè khi họ không muốn nói thẳng rằng câu chuyện tôi đang kể họ đã từng nghe từ tuần trước một lần rồi. Đến lúc đó, tôi đã sắp sẵn trong trí nhớ một danh sách các gương mặt quen biết cùng với tên của từng người, nhưng khi gặp mặt, chào nhau thì tôi không thể ghép đúng tên với gương mặt vừa thấy được.
Tôi không bao giờ lo lắng về tình dục của mình, bởi vì sức mạnh không phụ thuộc vào tôi nhiều bằng lệ thuộc vào các nàng, vì chính họ sẽ biết cách thức và lý do khi thèm muốn. Hôm nay tôi cười nhạo những chàng trai mới ở tuổi tám mươi đã sợ hãi hỏi bác sĩ về những thay đổi bất chợt đó mà không biết rằng ở tuổi chín mươi còn tệ hại hơn nữa, dù lúc này chẳng quan trọng gì nữa: đó chỉ là những hiểm nguy khi người ta còn đang sống. Ngược lại, cuộc đời sẽ thắng nếu người già chỉ quên đi những gì không thật hệ trọng và không mấy khi lãng quên những chuyện mà chúng ta thực sự quan tâm.
Ciceron[3] đã minh họa điều này bằng mấy nét bút: Không có người già nào quên được nơi giấu kho báu của mình.
[3] Ciceron: chính khách, nhà tư tưởng và diễn giả nổi tiếng thời La Mã cổ đại, sống từ năm 106 đến 43 trước công nguyên.
Với những suy nghĩ này, và một vài ý tưởng khác, tôi đã viết xong bản thảo đầu tiên của bài báo khi ánh nắng tháng Tám ngập tràn trên hàng cây bàng ở công viên và cả trên con tàu thuỷ chạy trên sông chở thư tín hú còi inh ỏi đang tiến vào kênh dẫn đến cảng, chậm cả tuần nay vì nước sông xuống thấp. Tôi nghĩ: thế là tuổi chín mươi của mình cũng đã đến. Tôi không bao giờ biết tại sao, và cũng không có ý định tìm hiểu, khi nhớ đến những việc này tôi lại quyết định gọi điện thoại cho bà Rosa Cabarcas nhờ giúp tổ chức lễ sinh nhật bằng một đêm phóng đãng. Tôi đã có những năm tháng giữ gìn thân xác hoàn toàn thánh thiện chỉ lo đọc đi đọc lại các tác phẩm cổ điển và chỉ nghe các chương trình âm nhạc bác học, nhưng ước vọng ngày hôm ấy mãnh liệt và bức xúc đến nỗi tôi cứ tưởng đó chính là điều nhắn gửi của Chúa trời. Sau khi gọi điện thoại, tôi không còn tiếp tục viết đuợc nữa. Tôi treo võng vào góc tường phòng đọc sách nơi ánh nắng buổi sáng không lọt vào được, và nằm vật xuống, ngực như bị cơn thèm khát chờ đợi bóp nghẹt.
Tôi đã từng là một đứa trẻ nghịch ngợm có một người mẹ đa tài, nhưng bị bệnh lao phổi tiêu diệt ở tuổi năm mươi, có một người bố rất chuộng hình thức, hầu như không mắc lỗi lầm gì và bị chết vào lúc sáng sớm ngay trên giường góa bụa đúng vào ngày người ta kí hiệp ước Neerlandia chấm dứt cuộc chiến tranh “Một ngàn ngày” và cũng kết thúc biết bao cuộc nội chiến khác trong suốt thế kỉ trước. Nền hòa bình đã làm đổi thay thành phố theo hướng chẳng ai lường trước và chẳng ai thích thú gì. Một đám đông phụ nữ tự do đam mê làm giàu cho những quán rượu trên phố Ancha, và sau đó là bãi đất Abello và bây giờ là đại lộ Colon, ở chính ngay trong thành phố của tâm hồn tôi, một thành phố rất được coi trọng vì những công dân trong sạch và vì ánh sáng trong suốt của nó.
Tôi không bao giờ ngủ với bất cứ người đàn bà nào mà không trả tiền, kể cả với một số ít vốn không phải là gái chuyên nghiệp thì tôi cũng cố thuyết phục họ, bằng lý hoặc bằng vũ lực, là phải nhận tiền dù chỉ để vứt vào sọt rác. Vào những năm hai mươi tuổi, tôi bắt đầu thống kê ghi chép lại tên họ, tuổi tác, nơi chốn và tóm tắt về hoàn cảnh và phong cách của các cô ấy. Cho đến năm năm mươi tuổi tôi đã ăn nằm với năm trăm mười bốn người phụ nữ ít nhất một lần. Tôi đã ngưng bản liệt kê khi cơ thể mình không còn đủ sức với nhiều người được nữa tuy vẫn có thể tiếp tục việc tính toán mà không cần đến giấy tờ. Tôi có triết lý đạo đức riêng. Tôi không bao giờ tham gia vào các cuộc lễ hội theo nhóm hay các cuộc đàm đạo nơi công cộng, cũng không chia sẻ chuyện kín với ai hoặc kể chuyện phiêu lưu về thân xác hay tâm hồn với bất cứ người nào, bởi vì, từ khi còn trẻ tôi đã nghiệm ra rằng không có cuộc phiêu lưu nào tránh khỏi sự trừng phạt.
Mối quan hệ khác lạ duy nhất là với cô gái Damiana trung thành suốt trong nhiều năm. Thời ấy cô ta như là một bé gái, giống người thổ dân, khỏe mạnh và có chút gì hoang dại, nói ít nhưng dứt khoát, thường đi chân đất để khỏi làm phiền tôi lúc đang viết lách. Tôi nhớ là lúc đó tôi đang nằm trên võng ở ngoài hành lang đọc Cô gái xứ Andaluz khỏe mạnh, và vô tình nhìn thấy cô ta đang cúi người xuống giặt quần áo, váy thì ngắn cũn cỡn để lộ phía sau hai đầu gối quá hấp dẫn. Không kìm nổi cuồng nhiệt, tôi sán đến nhấc cô ta đứng dậy, kéo quần lót xuống đến đầu gối và tấn công cô ấy từ phía sau. Ấy, thưa ông, cô ta nói cùng với tiếng rên buồn bã, không ai người ta làm chuyện kì cục thế này. Cô ta run cầm cập nhưng vẫn đứng nguyên chắc chắn. Cảm thấy xấu hổ vì đã làm nhục cô ấy, tôi muốn trả số tiền gấp đôi số phải trả cho những cô đắt giá nhất lúc đó, nhưng cô ta dứt khoát không chịu nhận một xu nào, thế là tôi phải tăng thêm tiền công tháng cho người thường xuyên giặt quần áo và thường xuyên làm ngược như thế.
Có đôi lần tôi nghĩ rằng bản thống kê chuyện chăn gối là phần chính của bản danh mục những điều hèn mọn trong cuộc sống phóng túng của chính mình và cái đầu để cho cuốn sách này bỗng như từ trên trời rơi xuống: Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi. Cuộc sống xã hội của tôi, ngược lại, chẳng có gì thú vị: mồ côi cả cha và mẹ, độc thân không chút tương lai, nhà báo quèn, bốn lần vào đến vòng chung kết trong các cuộc thi chơi hoa ở thành phố Cartagena và là nhân vật rất đuợc các nhà vẽ tranh biếm họa ưa thích nhờ nét xấu trai mẫu mực. Đó cũng chính là: một cuộc đời bị đánh mất ngay từ đầu, khi vào một buổi chiều, mẹ dắt tay tôi, lúc mười chín tuổi, đến tòa soạn báo El Diario de La Paz xem người ta có thể đăng được hay không một bài phóng sự về sinh hoạt ở trường học do tôi viết trong lớp học môn tiếng Tây Ban Nha và Ngữ văn. Bài đó được đăng vào số báo hôm chủ nhật với vài lời giới thiệu kiểu động viên của ông tổng biên tập. Mấy năm sau, khi biết mẹ tôi đã phải trả tiền cho người ta đăng bài đó và bảy bài tiếp theo, thì cũng đã quá muộn để tôi tự thấy xấu hổ, và lúc này chương mục hàng tuần của chúng tôi cũng tự chắp cánh bay, hơn nữa tôi đã là một biên tập viên tin tức và người viết các bài phê bình về âm nhạc.