02. Xê dịch - Phần 2
Người tình Sài Gòn
Sài Gòn, có quá nhiều lí do khiến người ta cùng tìm đến. Vì sinh nhai. Vì mê đắm chốn phồn hoa đô hội. Vì nặng nợ nhân sinh. Hay nỗi lưu luyến vì bị bủa vây bởi những kỉ niệm chưa phai dấu một thủa nào. Và, không ít người gắn bó, coi nó như quê hương thứ hai của mình. Viết về Sài Gòn, người ta viết nhiều lắm. Từ nhiều góc độ, nhiều khía cạnh, nhất là xúc cảm thì không ai giống ai.
Tôi đặt chân đến chốn phồn hoa này được bốn năm. Bốn năm không phải là khoảng thời gian quá ngắn cho việc tìm hiểu một nơi chốn, cũng không quá dài để cảm thấy chán chường một điều gì. Ấy vậy mà, tôi không chắc mình đã hiểu và biết hết về Sài Gòn. Ðôi khi Sài Gòn sẽ trở lạnh, yêu kiều và lộng lẫy như một nàng tiểu thư từ đèn đuốc của Paris. Ðôi khi Sài Gòn lại trần trụi, tan nát dưới cơn mưa trái mùa với những phận người tù tội được phơi bày. Không quá bí ẩn, nhưng luôn tràn ngập những điều mới mẻ và biến đổi vô chừng. Tôi gọi nàng là người tình Sài Gòn. Ðầy trìu mến và thiết tha.
Có đôi khi, trong đời xuất hiện vài nốt thăng đầy ngẫu hứng. Thật sự thì, người ta sống qua chuỗi ngày lận đận cũng nhờ bám víu vào những nốt thăng bất ngờ ấy.
Lạ lùng thay, nhân một ngày làm hết mọi việc tồn đọng mà tôi vẫn tưởng chẳng bao giờ xong nổi, cộng với trời trở gió lạnh đầy ngỡ ngàng, tôi, trong tôi, đầy bất ngờ, trào dâng cái ham muốn mãnh liệt được ngồi cà phê sáng.
Cà phê sáng Sài Gòn, hãy còn xuýt xoa trong sương mỏng tang. Cà phê sáng Sài Gòn, thoảng mùi cà phê mới rang, còn ấm sực, thơm phức và đắng dịu. Cà phê sáng Sài Gòn, văng vẳng tiếng hát Khánh Ly du ca những bản nhạc Trịnh xưa cũ. Cà phê sáng Sài Gòn, vỉa hè thôi, chỉ li cà phê và li trà đá. Vậy đó, mà ám ảnh khôn cùng. Chú xe ôm ra ngõ sớm. Bác Việt Kiều tha hương chộn rộn lòng nhớ đất nhớ người ngày đặt chân quay về quê nhà. Anh tài xế xe tải tranh thủ. Gã công chức đi sớm né kẹt xe... Ai cũng bị cái không khí ấy làm cho mê mẩn - cà phê sớm Sài Gòn.
Nói là làm, tôi thức dậy từ sớm, chưa kịp để giọt nắng đi hoang qua khe cửa khép hờ. Quán thân thuộc. Mấy cô nhân viên tươi cười nhận ra khách quen. Cái nét tươi cười và đon đả dường như là thứ “đặc sản” của dịch vụ ở Sài Gòn, đi thêm vài nơi nữa, cũng chẳng tìm được mấy nơi giống nơi này.
Cách đây hai năm, cũng tại một quán cà phê vỉa hè ở Thị Nghè, Sài Gòn đón tôi bằng sương mù giăng mờ mịt một khúc sông. Sương mù của những ngày chớm thu. Năm ấy Sài Gòn lạnh. Khi cà phê vừa kịp đê mê trên đầu lưỡi thì loa phát thanh ở thảo cầm viên đối diện bất giác vang vang.“Em còn nhớ hay em đã quên”.Giọng hát của Khánh Ly. Tôi thương Sài Gòn ngay tắp lự kể từ phút giây ấy.
Sáng nay, không phải Thị Nghè, cũng chẳng loa phát thanh, mà tiếng hát Khánh Ly vẫn văng vẳng bên tai đầy thích thú. Máy phát nhạc chuyển ngẫu nhiên tới một bản rất quen.
“Hôm nay trời nhẹ lên cao
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”
(Xuân Diệu)
LàMộ khúc, mang lại cho một sớm triền miên là sự bình an, nhẹ nhõm và thoáng, thoáng thôi, tê tái.
Mấy cái vách rêu xa xa lên màu trong nắng sớm dần chớm xanh ngát. Vài cô thiếu nữ Sài Gòn diện những bộ robe đáng yêu từ bộ sưu tập thu - đông của hãng thiết kế nào đó, bước đi tha thướt với nụ cười đầy mê đắm. Dưới nắng trời rạng rỡ, chẳng khuôn mặt ủ dột nào không rạng lên, dẫu là đôi chút.
Khi nắng tràn con phố vừa ráo sương trước mắt, cũng là lúc các tín đồ cà phê khác ngồi kín quán. Ðể thưởng thức cà phê, đây là lúc tôi ít thích nhất, nhưng lại là lúc ưa thích nhất để nhìn nghe đời sống xung quanh.
Có đôi khi, tôi tự huyễn hoặc về một Paris thượng lưu giữa lòng Sài Gòn. Là những khi tôi đi lạc giữa sầm uất và náo nhiệt của nhiều tiệm hàng xa xỉ phẩm, nhiều nhà hàng bày tràn trên vỉa hè. Là những khi qua bên này sông, sơ sài đèn đuốc và nghèo nàn, bầu bạn với tối tăm, nhìn về những ánh đèn sáng choang và hoa lệ bên kia sông.
Cà phê sáng Sài Gòn về tầm này cũng vậy.
Người nhung lụa thì cà phê ngồi. Người xơ xác buồn thì đứng, đi, mọp mẹp theo cà phê. Cậu trai con con mời mọc từng ông anh để cậu đánh giúp cho đôi giày. Bà già hom hem đưa tay xin xỏ cho qua bữa qua ngày, rồi bà chị thương tình bố thí. Chị không quên lấy cái máy vuông vức, phẳng lì ra để chộp lại vài tấm đăng lên mạng xã hội.
Ðôi khi, phải tự giật mình, tỉnh nhớ ra rằng, đời sống không thể chỉ mang một màu ảo diệu của sự lãng mạn đầy huyền hoặc được. Ðời sống, bởi đa sắc, đa diện nên nó mới là chính nó. Tôi mỉm cười và nhấp thêm một ngụm cà phê đang dần loãng ra vì nước đá tan chảy.
Không phải là nụ cười thách thức mà chàng trai Rastignac dành cho xã hội thượng lưu Paris sau khi đau đớn vì sự ra đi trong ghẻ lạnh và đơn chiếc của lão Goriot (Lão Goriot- Honoré de Balzac), tôi mỉm cười vì nghĩ suy về những thứ hiền hòa khác. Sự giàu sự nghèo thì rõ ràng luôn tồn tại trong đời sống, bất kể xã hội nào. Có chăng, bởi Sài Gòn mang một sức hấp dẫn đắm say nào đó. Thứ mê đắm đầy ma mị ấy khiến biết bao người bất chấp những khoảng cách và những hố sâu thân phận con người mà tìm đến và bám lấy mảnh đất này. Phải chăng chính điều ấy làm nên vẻ đẹp muôn hình muôn vẻ của Sài Gòn. Và cũng bởi thế mà ai rồi cũng tìm thấy niềm vui và sự cảm thông riêng với mảnh đất này. Tôi sùng lụy từng góc cũ kĩ của Sài Thành, tôi đắm say từng con phố vang vang những bản tình ca gọi mời. Người mưu sinh thì yêu quá vì Sài Gòn bao dung cho tất cả những toan tính tồn sinh, những vất vả nhọc nhằn và lấm lem của kiếp người. Có lẽ vì chút ít đẹp đẽ ấy mà người ta sống với niềm yêu khấp khởi. Chẳng ai nỡ áp cho Sài Gòn một chuẩn mực về sự đẹp. Tự Sài Gòn ánh lên những sắc màu thỏa mãn góc tâm tư riêng tây của từng con người.
Thứ sắc đẹp lạ lẫm ấy khiến bao kẻ mộ điệu từ xa xôi tìm đến phải nặng nợ, nặng tình. Mà vắng những con người ấy, vắng những bàn tay vun vén yêu mến ấy thì Sài Gòn vắng vẻ vô cùng, cũng khó lòng thêm đẹp đẽ như bây giờ.
Thứ tình yêu dành cho mảnh đất này đôi khi cũng thoáng hơi hướm cực đoan, cũng dễ hiểu như tình con đối với mẹ mình. Những điều tiếng không hay về Sài Gòn, chắc chắn sẽ bị người ta lật tẩy và công kích cho đến hết mới thôi.
Người ta nói Sài Gòn đẹp, về bản chất là đẹp. Nét đẹp hơn ba trăm năm từ thủa nào. Nét đẹp của thành đô rực rỡ, nét đẹp của hiện đại tân thời, nét đẹp khỏe khoắn và năng động, nét đẹp ở từng góc, từng cảnh.
Sài Gòn: nắng đẹp miền Nam.
Và Sài Gòn vì đẹp, nên kéo theo nhiều đam mê. Người đam mê, cũng năm lòng bảy dạ. Cũng có kẻ cơ hội, ăn lận theo đẹp đẽ chốn này.
Nhưng rồi, không cơn cớ gì làm tình làm tội được Sài Gòn.
“Em còn nhớ hay em đã quên?
Nhớ Sài Gòn những chiều ngợp gió
Lá hát như mưa suốt con đường đi
Có mặt đường vàng hoa như gấm
Có không gian màu áo bay lên”
(Trịnh Công Sơn)
Nắng lên dầy khoảng sân trước mặt. Một cơn gió phù phiếm thổi tung mớ lá cây lìa cành lác đác dưới chân tôi.
Tôi lại mỉm cười, nụ cười tình tứ, sảng khoái với người tình Sài Gòn. Ả là người tình của muôn người, nhưng ả lại đẹp một cách riêng biệt trong tim tôi, trong tim mỗi người chúng ta.
Ðừng e dè Hà Nội
Một chuyến bay bão táp.
Tôi đến Hà Nội giữa những ngày thời tiết thật khó chịu. Nhà đài liên tục đưa tin bão về. Máy bay liên tục rơi vào vùng nhiễu động không khí, khiến tôi và mọi hành khách cùng chuyến bay đều hoảng hồn, khổ sở và mệt mỏi.
Mỗi khi đi lại trên mây, tôi thường thích thú ngắm nhìn qua khung cửa tròn vo của máy bay. Lần này thì thú vui chẳng được thỏa mãn khi khung cảnh ngoài trời len chặt mây là mây. Trắng xóa và chói sáng. Ðến lúc sắp đến Nội Bài cũng chẳng khá khẩm hơn.
Lần đầu tiên tôi đặt chân đến Hà Nội có vẻ không mấy suôn sẻ.
Trước lúc đi đến vùng đất cổ kính nhân văn giai thoại này, tôi nhận được rất nhiều lời dặn dò, lẫn hăm dọa. Dặn dò gì hay hăm dọa gì thì tôi chắc mẩm ai cũng quá rành rẽ vì đã nghe nhiều câu chuyện truyền miệng và thông tin lan đầy trên các mạng xã hội. Vậy mà, bỗng dưng một lúc lại nghe tổng hợp li kì truyện về Hà Nội làm tôi hơi hoảng. Chẳng lẽ rồi Hà Nội không còn gì hay, vui nữa sao?
Ngày trước, một người cô tên Thụy từng kể cho tôi nghe về giai thoại rỉ tai nhau rằng, văn nhân ai chưa ra đến đất Bắc Hà thì chưa thành danh. Cụ Nguyễn Du chẳng phải cũng đặt chân đến đây rồi mới viết nênTruyện Kiềuhay sao. Chẳng rõ thực hư ra làm sao. Nhưng tâm ý người ta vẫn muốn nói Hà Nội là một vùng đất của thi ca và mộng mị. Của những thổn thức thời cuộc một thời mà dẫu xa, dẫu vắng người ta vẫn hướng về, nhớ mong về mà rung cảm với từng kí ức và hoài niệm.
Từ trên cao nhìn xuống, qua lớp mây mờ lãng đãng trôi là những cánh đồng rộng thênh thang và hoang sơ. Cảm giác vắng vẻ và đìu hiu. Những dải núi sườn thoải, thấp và xanh mươn mướt nối tiếp dựa vào nhau. Rồi thì, phi trường Nội Bài cũng hiện ra giữa một vùng xa và heo hút. Có vẻ là một vùng đang được xây dựng và quy hoạch thành một khu đô thị tích hợp trong tương lai.
Một người anh của tôi đột nhiên chuyển sang nói giọng Bắc khi vừa đặt chân xuống đất này dẫu tôi chắc mẩm tay này dân Sài Gòn chánh hiệu. Cũng may phước, nhờ ảnh khéo léo, chúng tôi sau cùng lên được một chiếc taxi, với giá chấp nhận, để vào nội đô.
Nhà cửa và khung cảnh hai bên đường vào nội đô khá là thôn dã và rất… Bắc. Tôi sinh ra và lớn lên ở miền thôn quê phương Nam, bởi thế, khi nhìn con trâu, con bò, mái nhà, và người dân quê bên đường đang ung dung đi lại, tôi nhìn nhận được sự khác biệt và lạ lẫm rõ rệt giữa hai vùng miền. Bất giác, những hình ảnh về thôn quê trongTắt đèn, Ðồng hào có mahayVợ nhặthiện lên trong tôi thật sống động và sắc nét. Có khóc, có thương cho nhân vật một thời cách mấy, tôi cũng chẳng ngờ những cảm xúc ấy lại trở nên sống động trong khoảnh khắc tôi mục sở thị mảnh đất này. Rồi, lại phì cười nhớ lại một mẩu chuyện truyền miệng trước đó về cánh nhà văn và thôn quê Bắc Bộ. Chuyện là, giữa lúc Vũ Trọng Phụng đang được khen ngợi hết mực với các tác phẩm viết về thôn quê miền Bắc, Ngô Tất Tố, sau đó, lên tiếng: “Vũ Trọng Phụng ấy à, tay ấy thì biết gì về nhà quê Bắc Kì! Tớ sẽ viết một cuốn về nhà quê Bắc Kì!”.Sau đấy, chúng ta cóTắt đèn.Chợt nghĩ, thỉnh thoảng, văn chương cũng phát tiết từ những cái tôi va vào nhau loảng xoảng.
Chiếc taxi thong dong đưa chúng tôi len qua từng con phố nho nhỏ. Nắng lúc này hãy còn chói chang và hanh vàng lắm. Trời thì xanh và nín bặt gió. Tôi lẩm bẩm giai điệu củaHà Nội mùa vắng những cơn mưavà tựa vào cửa kính xe, ngó bâng quơ dòng xe cộ chầm chậm ngoài kia. Hà Nội, kì lạ thay, vẫn còn giữ được nét rất mộc mạc của vùng thôn quê Bắc Bộ rất rõ rệt. Chẳng hạn như, ở những góc công viên, thay vì là cô hàng xén răng đen “cười như mùa thu tỏa nắng” thì sẽ là các cô với ấm nước to và liên tục rót ra mấy cái li nho nhỏ cho khách tránh khát. Và khách đi đường thì vô tư ngồi thưởng thức cơn khát được giải tan đi bởi li trà vừa đón từ tay cô hàng nước và hớn hở trò chuyện cùng những người xung quanh.
Tôi mỉm cười nhìn. Hà Nội vẫn vậy, chẳng khác gì mấy so với thờiMột người Hà Nội, làm tôi phát tiết sự cuồng loạn của tuổi trẻ hăm hở và ham thích những giá trị truyền thống đấu tranh trong mòn mỏi trước cuộc xâm lăng của văn hóa ngoại lai vào đời sống trẻ.
Ngày hôm sau, bão vào Hà Nội. Ngay từ sáng, mưa đã ầm ầm thác lũ xuống nơi đây. Tôi bước vào phòng tắm và mở tung cửa sổ cạnh buồng tắm hương sen để đón gió và mưa lạnh buốt ào ạt ghé thăm. Rồi, tưởng rằng, mình đang trần trụi ngoài kia dưới cơn mưa của đất Bắc Hà. Tôi chợt nhớ đến lời người anh Hà Nội vừa gặp hôm qua: “Hà Nội là đất văn vật, cổ kính nên sống chỗ này cảm giác cũng cũ kĩ, thiêng liêng. Không thiêng làm sao được khi mà dưới mỗi bước chân là mỗi lớp đất đá của nhiều lớp di tích, di chỉ, trải qua mấy nghìn năm lịch sử vẫn chưa được khám phá hết...”.
Nghe anh nói vậy, tôi gật gù nghĩ cũng phải. Rồi nhìn đâu cũng tự huyễn hoặc ra một cái tuồng tích xưa cũ, về những ông hoàng, bà chúa xa xăm. Biết đâu, mưa Hà Nội cũng khác với mưa chốn khác. Mà hẳn là khác thật, vì ít nhất, dễ thấy nhất là nó đã làm dấy lên trong tim bao tài tử xứ này những xúc cảm bật thành thơ, thành nhạc. Tôi tin là Văn Cao cũng ngồi trong một đêm mưa tầm tã để viết nênBuồn tàn thucho những buổi đầu của tân nhạc Việt Nam.
Mưa cứ thế tầm tã hoài, trắng xóa cả một lớp nhà nơi phố cổ. Các bà, các cô bán hàng nhìn nhau ngán ngẩm. Tôi nghe trong mưa tiếng ai cất lên vài câu hát xẩm giải khuây. Tiếng ca không đàn, không nhịp, cứ vậy mà âm ỉ, day dứt xuyên qua màn mưa. Mặc cho mưa trút, tiếng hát vẫn văng vẳng. Kệ cho gió lạnh, tôi vẫn đứng tựa bên hiên mà nghe như uống lấy từng lời xẩm từ tiếng ai đó đâu đây. Bỗng chốc, quanh tôi như tự hóa, hoặc chính tôi đang tự huyễn hoặc về một không gian thăm thẳm, nơi những lời ca ý nhạc của cội nguồn phát xuất, mà trìu mến, mà đong đưa.
Hà Nội, đến mưa cũng thanh nhã ý nhạc, ý thơ.
Ðến sập tối, sau khi xong việc ở gần đấy, dẫu trời vẫn đang mưa rỉ rả, tôi và một người bạn vẫn quyết định đi dùng thử món cà phê trứng như lời truyền tụng. Món này thì vẫn còn ngồi yên ở đất Bắc, chưa được du nhập vào Sài Gòn. Trong một lần đọc bài viết về thức này, tôi đã nhủ dạ, phải thử thôi, vào một ngày có dịp.
Chúng tôi tìm đến một quán ở Yên Phụ. Mưa ướt nhẹp. Chúng tôi hí húi chui ra khỏi xe, vừa lò dò tìm địa chỉ, vừa nép vào mái hiên trên vỉa hè để đỡ ướt. Lúc này, tôi phì cười khi nhớ lại bàiLá đổ muôn chiều:“Bên nhau cùng đội mưa mà đi…”.Chỉ vậy thôi mà cũng cảm nên thơ nên nhạc.
Quán vắng, chỉ có hai bàn. Một cặp tình nhân đang âu yếm và đôi ông bạn già có vẻ là đang bàn chính sự.
Anh chủ quán trẻ có vẻ thích thú khi biết hai thằng tôi là dân miền Nam lò dò đến đây tìm thưởng thức món uống nổi tiếng của quán nhà anh. Anh hồ hởi hỏi han đủ thứ. Vừa hỏi vừa pha hai cốc cà phê thơm phưng phức và quyến rũ lạ thường.
Ðầu tiên là mùi thơm của lòng đỏ trứng, quyện lấy mùi thơm tỏa ra từ cà phê cứ thế mà xộc vào khướu giác của ẩm khách. Tôi dùng muỗng từ từ tách lớp trứng keo dính bên trên, cho hòa quyện vào thứ chất nước màu đen sâu lắng phía dưới. Lạ lùng. Hai kẻ có vẻ chẳng dính dáng gì cuộc đời nhau lại kết hợp với nhau thật ăn ý. Vị béo và ngòn ngọt của trứng cộng hưởng cùng cái đắng thấm thía của cà phê, làm đê mê và thỏa mãn vô cùng đầu lưỡi của kẻ thèm muốn là tôi.
Dùng được một li thì anh bạn tôi có hẹn riêng phải đi. Tôi gọi thêm một li nữa cho thỏa thích mà ngắm đời sống Hà Nội về đêm trong một góc thật riêng, đó là Hà Nội chỉ của mình tôi.
Anh chủ quán lễ mễ bê mâm cơm chiều lên một bàn gần đấy. Cả gia đình quây quần ấm áp, anh nhìn quanh quất rồi nói lên với tôi, “Ăn cơm nhá”.Tôi phì cười, gật đầu với anh. Ðâu phải hiếu khách và cởi mở là đặc sản của riêng một vùng miền nào. Người Hà Nội vẫn có cách thân tình của riêng mình. Rất riêng biệt và rất đậm màu. Và, còn nữa, giọng Hà Nội thì ngọt, mềm, thanh, lịch thiệp và ân cần lắm.
Tôi nghe về những con người dị dạng tấm lòng và những đối xử xập xệ với nhau. Rồi ở đây, tôi gặp những con người của sự tử tế và ấm áp. Tôi gặp những anh chàng tài xế hào hoa và khéo lời nói. Anh nào cũng hồ hởi cảm xúc khi biết tôi từ phương Nam ra đây. Tôi gặp bà cụ làm tôi liên tưởng tới cô Hiền của Nguyễn Khải, người nhiệt tình chỉ đường cho tôi. Và nhiều nữa những người bạn, người anh, chị, em ấm áp giữa những ngày bão Hà Nội, mưa như trút.
Dẫu Chúa có ước nguyện chia chiên và dê thành hai bầy rõ rệt, thì trong thế giới rộng lớn này, chiên và dê vẫn chung sống cùng dưới một bầu trời. Cũng chẳng nên vì thế mà mang những chú dê lạc bầy làm thành biểu tượng cho cả đàn chiên tốt lành.
Nếu cứ không chịu trải lòng, không dám thử nghiệm và khám phá, chỉ ôm khư một mối hoài nghi và mách bảo đầy định kiến, áp đặt thì bạn mãi mãi chẳng khám phá ra được nhiều điều mới mẻ, hấp dẫn và đầy bất ngờ, thú vị đang đợi chờ ở cuộc sống ngoài kia.
Tối hôm ấy, tôi đi dạo trên cầu Long Biên cùng bè bạn đất này. Mưa đã thôi rỉ rả. Chỉ có gió lồng lộng thổi, như ngàn năm vẫn thế, trên cây cầu xưa cũ này.
Ðêm Hà Nội nhẹ nhàng và lãng đãng trôi.