03. Ðộc thoại - Phần 1

Ðộc thoại

Tôi viếtÐộc thoạinhư những chuỗi suy nghĩ bất chợt, thoắt đến, thoắt đi trong tâm óc của con người trong đời sống. Tuy vậy, lại đầy ám ảnh và đeo bám.

Không phải ngẫu nhiên mà độc thoại.

Ðộc thoạinảy sinh từ những tâm tình lẩn khuất trong đời sống, có thể chỉ là vô tình gặp, va chạm, rồi đi qua; cũng có thể ở lại như một thứ hành trang bất di bất dịch.

Những câu chữ ngắn. Những dòng suy tưởng, triết lí và tự huấn.

Chân tình

Sẽ có lúc, càng bước đi, càng ít cười. Có phải vì đời sống ngày càng bớt đi, ít đi những chuyện tươi vui, hay chỉ bởi đã qua rồi tháng năm vô tư, để chẳng màng đến chút chuyện sầu úa thoáng qua trong đời? Nhiều lí lẽ biện minh cho sự thiếu vắng bóng dáng nụ cười giữa đời sống.

Mỗi người sẽ chọn lấy cho mình một sự biện bạch riêng tư. Rồi lại tự co ro trong cái vỏ bọc ấy. Rồi, người ta bắt đầu sáng tạo ra cái gọi là “nụ cười công nghiệp”. Ðể đáp trả lẫn nhau. Ðể ban tặng cho kẻ xa lạ. Ðể làm thứ áo giáp bó bọc lấy vết thương rực rỡ sâu thẳm bên trong.

Vậy đó, trong những nụ cười hiếm hoi, lại càng ít nụ cười chân thật.

Tự khi nào, đã có những ý thức khác về cái gọi là cuộc sống và có những mơ ước rất đời thực. Tự khi nào, đã chạm trán nhiều trạng thái dị dạng của lòng người và tình người trong cuộc sống. Nhưng, cũng tự khi nào, đã bắt đầu hiểu cứ cười đi dù là lúc tuyệt vọng nhất, vậy mới có sức mà bước chân qua.

Ðã chìm khuất rồi một thời mà ta thương ai, ghét ai, hờn giận ai thì nồng nhiệt mà bày tỏ cảm xúc ấy ra trên từng cơ mặt, từng cử chỉ. Xa khuất rồi. Thực nhiều lúc, có thể thương mến ai nhưng phải lặng thinh mà giấu giếm vì nhiều lẽ ngậm ngùi. Có nhiều lúc, dẫu ghét cay đắng tình đời một vài kẻ nào nhưng vẫn nuốt nguồn cơn mà tươi cười, xởi lởi, vì nhiều căn nguyên. Rồi, đến lúc, ta thảng thốt nhìn lại.

Lúc nào mình cười là cười thật vậy?

Sau nhiều va vấp trong đời sống, sau nhiều huyễn hoặc và phũ phàng, người ta dần e dè hơn với sự đến và đi. Sẽ thấy sợ hãi, nản lòng hay e ngại khi bắt đầu một mối quan hệ, một chuyện yêu đương. Người ta sợ đau nên cứ thích tìm cho mình một chốn trú ẩn an toàn. Sự dè chừng ở mức độ nào ấy là tốt, nhưng quá dè dặt và lẩn tránh, lại dễ dàng đi vào bi kịch của sự quẩn quanh và trơ trọi. Rồi, người ta tự thở than sao tìm hoài chẳng được. Sự thực là đâu có ai đi tìm ai. Vì ai cũng bận bịu với cái vỏ bọc trú ẩn riêng và ném cho nhau những cái dè chừng, những câu rũ bỏ.

Vậy nên, biết trân trọng phút giây an bình, cười hồn nhiên. Vậy nên, biết trân trọng bạn thật, tình thật (cũng bởi tìm kiếm đâu dễ). Tôi yêu chân-tình.

“Em không nghe mùa thu

Lá thu rơi xào xạc

Con nai vàng ngơ ngác

Ðạp trên lá vàng khô”

(Lưu Trọng Lư)

Chân tình sẽ diệu kì làm rũ bõ mọi lớp áo xống rườm rà và giả tạo mà bạn buộc phải mang vác khi ào ra ngoài xa kia. Chân tình sẽ hồ hởi kéo bạn vào chuỗi cảm giác bình yên lạ thường và tha hồ thỏa thuê với từng chuỗi cảm xúc được bộc lộ, chẳng chút e dè, nấn ná, ngượng ngập. Với chân tình, bạn được khóc là khóc, cười là cười, âu yếm chúm chím môi vì vui, và lúng liếng mắt vì hờn giận.

Bên đời, vẫn hãy tin và yêu chân tình. Bên đời, tôi yêu ai làm mình cười thật.

Triết lí trái chanh

Bên đời, ta chẳng thể nhớ nổi tự lúc nào, đã bắt đầu làm quen và vật lộn với những suy nghĩ được đời ướm vào con tim và khối óc. Có thể dịu dàng và êm ái. Có thể thô bạo và đầy bất ngờ. Tự lúc nào, người ta bắt đầu hoang mang và hoài nghi với nhiều dòng suy nghĩ, dù vẩn vơ hay ám ảnh trong đầu.

Ta tự hỏi, điều gì làm mình trăn trở nhất trên đường đời cho đến ngày này? Là tình yêu, tìm kiếm một mảnh tình vắt vai ư? Là sự nghiệp, vì một tương lai ướm đầy tham vọng ư? Là chiêm nghiệm, sống, cảm nhận và thâu nhận thật nhiều trải nghiệm cuộc sống ư? Thực tế, ta đã từng là mỗi thứ một ít.

Tuổi trẻ tràn trề và hào sảng, người ta ấp ủ đến tham lam, để một lúc ôm chầm lấy nhiều khát khao và niềm mê mẩn. Sống mà, ngại gì chẳng thử một lần cho hay đời. Có gánh gồng, mới hé lộ cho người ta hay sức mình đến đâu giữa đường xa vạn dặm. Có gánh gồng, mới thấu mình có giỏi chịu đựng chăng trước sóng gió của đời sống, dù sóng đôi hay một mình.

Rồi từ đó, sẽ có người than vãn, sẽ có kẻ mỉm cười, sẽ có người òa khóc, và có người mím môi.

Cuộc sống luôn ẩn chứa nhiều bất ngờ thú vị. Ðâu đó nói, nếu đời quẳng cho bạn một quả chanh, hãy biến nó thành thứ có thể dùng được và tận hưởng được, chẳng hạn như nước chanh, hay bánh tart chanh, hay một thức gì đó làm cho thứ tưởng chua nhất hóa ra lại thành thơm lành nhất. Thay vì ngồi lì khổ sở và than vãn vì sao chanh quá chua và đời quá bạc bẽo khi quẳng cho bạn từng ấy thứ từ trong vô vọng. Âu cũng là một triết lí hay, kiểu như, hôm nay cái gì đến hãy hòa nhịp với nó. Ðừng đi ngược chiều cuộc sống mà chuốc lấy mỏi mệt.

“Em về, hãy về đi, ta phiêu du một đời

Hương trầm có còn đây, ta thắp nốt chiều nay

Xin ngủ trong vòng nôi, ta ru ta ngậm ngùi,

Xin ngủ dưới vòm cây...”

(Trịnh Công Sơn)

Tôi coi việc sống giữa đời sống này, giống như việc leo núi, từng bước đi đến những miền ước mơ như việc chinh phục từng đỉnh núi. Hãy tìm cho mình một người bạn đồng hành, theo nghĩa này hoặc nghĩa khác. Ðể, mỉm cười rằng bên đời, dần quen với việc leo núi; bên đời, vui vì không phải leo núi một mình.

Cô đơn

Càng bước đi, tôi càng nghe được nhiều người than cô đơn quá. Và câu than cô đơn là câu cầu khiến vô cùng mãnh liệt khi người ta muốn kiếm… người thương. Lạ lẫm với tôi, khi nhận ra, người ta quanh đây đang đồng nhất việc không có người thương, không có ai bên cạnh với việc cô đơn. Không đâu, thực ra, con người ta cũng dễ dàng cô đơn dữ dội, và cảm thấy lẻ loi trào dâng mãnh liệt dẫu đang ở giữa nhiều những con người gọi là bạn bè.

Với tôi, “cô đơn” không chỉ đơn giản là bạn không có lấy một người để thương nhớ, âu yếm, mà “cô đơn” chính là bởi không được thấu hiểu.

Nhiều lần bị cảm giác lạc lõng vây chiếm, cảm giác ngột ngạt khi bản thân không được là bản thân. Thành ra, đôi khi vui đó, cười đó mà cũng rầu ngay đó. Thật khó đoán. Người ta gọi đó là tuổi ẩm ương, ủy mị. Bạn bè thương yêu dí dỏm thì đùa phiếm “người em sầu mộng”.

Nhưng mà, cô đơn như vậy nào có gì hay. Ðâu phải tỏ ra như vậy là nghệ sĩ, là lãng mạn, là thi vị hóa đời sống. Ðó thực chất là sự vật vã, và nhọc nhằn của những lúc chênh vênh giữa đời mà thôi.

Tôi có quen một cô dạy Pháp ngữ. Cô sống độc thân. Ban ngày cô dành cho công sở, chiều tối cô dành cho học viên ở mọi lứa tuổi, lĩnh vực và cả các em bé nhỏ. Cuối tuần, cô đến một mái ấm ở Bình Triệu để nấu ăn cho các em - cô gọi đó là đi- chơi (cô chúa ghét gọi là từ thiện hay cái gì tương tự vậy). Tôi mến phục cô vô cùng. Ðối với cô, làm gì có tồn tại chữ cô đơn, cũng chẳng tạo cơ hội nào cho “đồ quỷ” này gặp được mình. Ðộc thân, hãy sống theo cách của độc thân: mở cửa cuộc sống đến nhiều con người khác khi cuộc sống của bạn không dành cho riêng một người.

“Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người

Còn cuộc đời ta cứ vui

Dù vắng bóng ai, dù vắng bóng ai”

(Trịnh Công Sơn)

Tôi thích ngắm nhìn để cảm nhận và chiêm nghiệm những thứ quanh mình. Cô đơn chỉ mãi là vỏ bọc đè nén bản thân.

Chuyện nói năng

Hồi nhỏ, thường nghe dạy, “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Lớn lên thấy khuôn miệng, bên cạnh khuôn mặt, là cái dễ dàng gây ấn tượng với người khác trước tiên. Những ngày lang thang vào đời, càng ý thức được tầm quan trọng của nói năng. Cũng một câu nói, nhưng lời cay đắng chưa chắc đã làm nhau đau, đôi khi một lời ngọt ngào lại có thể làm nhau khóc.

Nói năng ở đây không chỉ đơn giản là ăn nói dịu dàng, dễ nghe, khéo léo, tinh tế, hoạt ngôn, cũng không chỉ là giỏi ăn giỏi nói trước đám đông công chúng, hay thuyết phục đối phương. Chuyện nói năng ở đây phải là nói cái gì và không nói cái gì. Ðỉnh cao của nghệ thuật ăn nói là ở đó.

Tính tôi vốn thẳng, thích hay ghét, vừa lòng hay khó ưa đều sẽ nói, không nói thì sẽ thể hiện. Dần dà, nhờ vậy mà nhận được nhiều sự ghét bỏ. Sau, tôi nhận ra rằng, không phải cái gì mình nói người ta cũng thích nghe, dầu ý của mình muốn tốt cho họ.

Bên đời, nhận thức rằng có nhiều chuyện đúng đấy nhưng không được nói ra đâu!

Bên đời, khắc khoải nhận ra rằng, mấy lời hoa mĩ không bằng một câu thật lòng. Ðời sống tù tội làm người ta sống quỵ lụy quá mức cái câu “lời nói không mất tiền mua”. Thành thử, khi ai đó ngọt ngào cùng mình, mình cũng tự hoang mang không hay biết là tình thương mến thật hay là kiểu cách xã giao, hay âu cũng chỉ là trò đùa ghẹo thoáng chốc.

“Này em hãy đến tìm tôi

Vì những con sông đã cạn nguồn rồi

Vì gió đêm nay hát lời tù tội bên đời

Về cùng tôi đứng bên âu lo này”

(Trịnh Công Sơn)

Tôi thích dùng tiếng nói rặt miệt Nam Kì vì yêu cái tình, cái chất mộc mạc, và phong thái toát lên từ nó. Hình như qua rồi cái thời ráng trau chuốt phát âm cho “chuẩn”, cho chỉn chu đầy gượng gạo. Tôi hay đùa cợt với bạn bè như vầy: “Giữ gìn và bảo vệ sự trong sáng của tiếng Nam Kì” - nghe tếu táo quá chừng.

Hàm ơn

Bên đời, tôi hàm ơn quá nhiều từ cuộc sống.

Hàm ơn má một cuộc đời trên nắng dưới nóng, nụ cười và nước mắt nuôi lớn con.

Ngày Sài Gòn mưa buồn rả rích, con chạy xe trên phố lướt qua hàng trăm con người, lạnh tanh và tẻ nhạt. Mưa làm lòng con thêm lạnh… Con chỉ ước, khi chạy về căn gác trọ nhỏ bé, có má ở đó để con được sà vào lòng, ôm thật chặt cho thoả những tháng ngày không có người cạnh bên.

Con có thể thiếu thốn nhiều thứ, nhưng con tự hào vì rất giàu có tình cảm của má dành cho con. Con cảm ơn má đã cho con thứ quý báu nhất ấy.

Hàm ơn ba một cái nắm tay, cái nắm tay không đơn thuần, hoa mĩ là sự dìu dắt mà còn là sự giữ gìn, nâng niu, bảo bọc.

Con quá non nớt và vô tâm để không hiểu được hết những tình cảm đó và giờ đây con thấy hối hận tột cùng giữa đất Sài Gòn trơ trọi và lạc lõng. Con chỉ ước, được bé lại và ôm ba thật chặt, rồi hai ba con mình lại rong ruổi trên những cuộc hành trình bất tận. Những cuộc hành trình xuyên suốt tuổi thơ con. Những kí ức mãi mãi con chẳng thể nào quên….

Dẫu, bệ phóng của mình có thể thấp hơn nhiều bạn đồng lứa, nhưng nếu được chọn, tôi vẫn chọn đi giữa tình thân mà mình đã từng có, đang được có.

“Ta nợ mẹ hiền lời ru dưới mưa

Ta nợ người tình bài ca tiễn đưa

Gấm hoa phai rồi, lối xưa ta về

Cha già bạc đầu vì bao nắng mưa

Ta nợ cuộc đời áo cơm bao mùa”

(Nguyễn Nhất Huy)

Bên đời, thấy thương ba má nhiều mà không biết nói làm sao và chật vật vô cùng với câu chữ. Nói ra thì ngượng nghịu mà thấy sao câu chữ sáo rỗng quá, thích làm gì đó hữu hình hơn cho ba và má.

Cảm ơn ba má cho con sinh ra và tồn tại, dạ, là tồn tại theo đúng nghĩa của nó, trên cuộc đời này. Con sẽ đi và con sẽ nhớ. Con sẽ làm và con sẽ hoài niệm.

Chuyện chia li

Trong đời sống, có quá nhiều cuộc chia li hay na ná giống chia li. Có cái thì đau đớn, buồn tênh, có cái lại quá nhẹ nhàng, thoáng qua khiến ta còn chưa kịp gọi tên nó là chia li.

Có những cuộc chia li chỉ là tạm cách xa.

Có những cuộc chia li lại là nỗi mất mát.

Và dù, đó là cuộc chia li theo cách gì đi nữa, nếu chia li ấy có ý nghĩa, nó vẫn mang lại một niềm đau đớn và xót xa nhất định.

Với tôi, chia li đã đau và xót xa, nhưng cảm giác sau khi chia li còn đớn đau và buồn thương hơn nhiều.

“Và ngày em đi, anh đưa môi tìm lên mùi son cũ.

Dấu vết ái ân tan theo như lời nói khi chia lìa nhau…”

(Hoàng Trọng Thụy)

Tôi từng để tang một mối tình.

Tôi từng chứng kiến hai người yêu thương ra đi, từ giã cõi tạm.

Tôi từng khóc vì chia li.

Tôi thấy mừng vì còn khóc được. Còn khóc là còn cảm xúc thật, là chia li thật.

Ðâu đó nói, “đời người là những chuyến đi. Ra đi là để trở lại”. Thực tế là có nhiều thứ đi mãi chẳng quay về, duy chỉ có hồi ức và kỉ niệm là ở lại cùng người đợi mong, tiếc nhớ.

Dù là gì, hãy cứ đến và hãy cứ đi. Như định mệnh.

“Vì đời còn những nhánh sông xa dần thác nguồn

Vì người còn những bước chân miệt mài ngõ hoang

Ðể rồi mình ta âm thầm từng chiều vắng

Nghe tim mãi mơ màng chuyện hợp tan”

(Quốc Dũng)

Tiễn anh - Chuyện chia li (2)

Giờ này, chắc anh cũng sắp lên máy bay rồi, nhỉ. Anh nói, thôi đừng ra tiễn đưa làm gì, em buồn rồi chẳng có ai ở đó dỗ dành. Mà, đúng ra là vì, nhìn mắt em buồn, anh chẳng nỡ bước đi đâu.

Anh nói, anh thích đôi mắt của em lắm. Lúng liếng tình đưa.

Dù biết nhau đã lâu nhưng anh chỉ dám đứng nhìn ngắm em từ một nơi thật khuất. Mỉm cười khi em vui, và xót xa khi em tự hành hạ mình giữa những cơn cô đơn triền miên của tháng ngày bên đời sống này.

Anh cũng nghĩ đến việc cùng ngồi với em trong một bữa tối. Nhưng, nó cũng chỉ dừng ở ý nghĩ mà thôi. Anh vẫn chẳng thể làm được điều ấy, mà chẳng thể giải thích tại sao. Hay là anh chỉ thích nhìn ngắm em từ một phía thật xa, thật khuất? Chắc là không phải vậy đâu. Khi yêu là chẳng ai muốn lặng yên. Dầu nói ra hay chỉ đơn thuần là cử chỉ, vẫn luôn tha thiết rằng người ta sẽ biết được lòng mình.

Vậy rồi, cũng đến lúc, anh thu hết can đảm viết cho em vài dòng mời em đi dùng bữa tối. Vì, anh sắp ra đi…

Anh chở em đi êm êm qua từng con phố trôi lãng đãng khi màn đêm dần len đầy từng góc nhỏ. Em e ấp lấy mấy ngón tay thon khe khẽ chạm vào vai anh từ phía sau, kề má anh mà hỏi, “tính chở em đi đâu vậy”. Anh nói, đi đến nơi em sẽ thích, chắc chắn sẽ thích. Cảm giác lạ lẫm lắm. Non hẹn hò mà già gặp gỡ…

Và rồi, đúng thật là em đã mê đắm. Tiếng vĩ cầm tha thẩn dìu em vào không gian tình tứ, nơi có sẵn bạch lạp thắp sáng và li vang trắng dậy hương chờ đợi.

Em gọi nó là đêm-màu-hồng.

Anh nói, hẹn nhau giữa Paris, nghe em. Em cười. Thôi anh đi đi, trời Âu châu đang chờ anh phía trước. Hãy cứ thở khi khí quyển này tràn ngập quanh anh. Tù túng sẽ khép và mộng ước dài sẽ mở. Chỉ là một bước ngoặt mà ai cũng phải kinh qua. Sự không trọn vẹn làm cho nó thêm đẹp mà, anh.

“Thu Paris, anh ngồi yên quán nhỏ

Li rượu vang trước mặt, chỉ anh say!”

(Ðông Hương)

Ít ra, cũng đã có chút gì đẹp cho nhau.

Chia li là nỗi ám ảnh muôn thủa của đời người. Ðối với người ra đi, sự chia li chỉ đơn giản là rời bỏ. Nhưng với người ở lại, chia li là nỗi mất mát. To lớn và đớn đau. Ở lại cùng nỗi ráo hoảnh và trơ trọi thì nước mắt nào cũng chẳng tìm nguôi nổi.

Ðường đi

Lỗ Tấn từng nói, trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi mới thành đường đấy thôi.

Kì thực vậy, lối đi là thứ nằm ngoài quy luật vật chất có trước ý thức, tồn tại khách quan rồi con người mới cảm nhận, tư duy, ý thức về nó. Rõ ràng, lối đi là một sản phẩm nhân tạo.

Lối đi nào đến con tim? Phải chăng là chân tình.

Lối đi nào đến ước mơ? Phải chăng là đam mê, là nỗ lực.

Lối đi nào đến nhớ nhung? Phải chăng là yêu thương hết mực.

Lối đi nào qua gian khó? Phải chăng là quyết tâm, lòng kiên trì và nhẫn nại.

Chuyện là lối đi ta tạo ra. Vậy sao vẫn hoài nghe hai tiếng bế tắc? Ðường là do ta tạo ra kia mà.

Bế tắc là khi ta mệt mỏi, và hi vọng dường lụi tắt, là im lìm và xanh xao, là tuyệt vọng và u uất, chỉ muốn tìm buông xuôi.

Kì thực, không tránh khỏi những lúc cảm giác tiêu cực vậy đâu. Giống như phượng hoàng trong truyền thuyết: chết đi để rồi hồi sinh trong rực rỡ, từ đống tro tàn của chính mình vươn lên.

Hãy cứ buồn, cứ khóc, xem đấy là phút lặng, phút ẩn mình, để tìm kiếm chút soi sáng, cho con đường khác tươi mới hơn.

“Con đường trời mưa êm chiếc dù che màu tím

Môi tìm làn môi ngon nhưng còn thẹn thùng

Con đường về ban trưa tới nhà hay vào lớp

Con đường của đôi mình ôi chuyện tình thư sinh!”

(Phạm Duy)

Cái gì cũng vậy, quá mức sẽ dẫn đến phản tác dụng. Có một câu hát trong bàiDiễm xưacủa Trịnh mà mãi về sau này, những năm tháng hai mươi, tôi mới thấm thía và ngẫm ra.

“Ðường dài hun hút cho mắt thêm sâu…”.

Ðường dài và mắt sâu. Ðường dài vì người đã đi về miền xa xăm, tít tắp. Mắt sâu vì mắt vẫn hoài đợi chờ, ngóng trông. Nếu đoạn đường phải đi quá dài, tôi sẽ… tìm con đường khác mau đến đích hơn. Ðúng, không mong con đường êm ái thảm hoa, nhưng nhất quyết không phí hoài thời gian và công sức của bản thân.

Ðổi thay

Người ta hay trách nhau vì sự đổi thay và tôn thờ sự vẹn nguyên, trước sau như một. Cái tôi đang nói đến là tính cách, hành xử, góc nhìn đời, chứ chẳng phải sự “trước nhau như một” trong tình yêu.

Thực tế, đời sống làm con người ta bị thay đổi khá nhiều. Kiểu như thoắt một cái, khi bước vào chân trời đại học, bạn phải đối diện với nhiều thứ từ cuộc sống tự lập. Bạn phải vừa lo chu toàn việc học tập, vừa cáng đáng chuyện ăn ở, sinh hoạt, rồi quan hệ bạn bè, xã hội, chuyện đi làm thêm, chuyện yêu đương, và còn bao nhiêu thứ vô danh mà cuộc sống vẽ ra cho bạn…

Cuộc sống đâu có đơn giản trôi đi, bạn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn nảy sinh: nào mâu thuẫn bạn bè, nào bị lừa lọc, nào mệt mỏi vì cạnh tranh khi mới tiếp xúc với những chặng đường đua đầu tiên.

Nhưng, cũng có thực tế rằng, đời chỉ đổi thay khi ta chịu thay đổi. Bạn thay đổi một tí từ cách nhìn cuộc sống, chịu khó cười nhiều hơn, bắt chuyện nhiều hơn, dành thời gian học thêm một ngoại ngữ, quay lại chơi một nhạc cụ từng bỏ dở, viết lách và đọc sách thường xuyên hơn…

Rõ ràng là thói quen tích cực sẽ tạo ra những thay đổi trong bạn, và theo một cách nào đó, thay đổi các cơ hội đến với bạn. Một cách tích cực. Ðầy tích cực.

Vậy, thay đổi là tốt hay là xấu?

Thực tế là, bất cứ điều chi, muốn tồn tại phải thay đổi, thay đổi để thích ứng với cuộc sống muôn màu.

Làm sao tồn tại mà không thay đổi được. Mỗi ngày chúng ta chịu ảnh hưởng bởi chỗ này một ít, chỗ kia một chút. Vì sống là để trải nghiệm và hấp thụ. Chẳng có gì chắc chắn rằng, bạn của ngày ngày hôm nay là chính bạn của ngày hôm qua, cho đến khi bạn kinh qua đủ những trải nghiệm để nhận ra đâu là cái mình cần, mình muốn, mình có, chứ chẳng phải vì mình bị, mình phải, mình buộc như vậy. Có hề chi mà ái ngại nếu ai trách ta thay đổi. Ðời sống như dòng nước, không tiến, ắt lùi.

“Dường như là vẫn thế em không trở lại

và mãi là như thế anh không trẻ lại

Dòng thời gian trôi như ánh sao băng

trong khoảng khắc của chúng ta

Nhiều năm xa hạnh phúc anh muốn bên em

Cuộc đời này dù ngắn, nỗi nhớ quá dài

Và cũng đã đủ lớn để mong bé lại

như ngày hôm qua“

(Trần Lê Quỳnh)

Tôi thích, khá thích sự tự thay đổi và làm mới bản thân. Mỗi thứ một tí chút thôi, nhưng ai biết được vì những biến đổi lớn thường bắt nguồn từ những đổi thay nho nhỏ. Ai đó nói: đời đổi thay khi ta thay đổi kia mà.

Tự cứu vãn bản thân trước khi trở nên nhàm chán và tẻ ngắt là một ý không tồi.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3