05. “Có nghe đời nghiêng?” - Phần 1

“Có nghe đời nghiêng?”

Giữa đời sống bộn bề và tấp nập, có khi nào bạn kịp thời nhận ra mình đang đi quá nhanh?

Có khi nào bạn nghe được đời sống đang nghiêng nghiêng, thầm thì?

Có khi nào bạn ngoái lại nhìn một điều gì trong nuối tiếc?

Sẽ có những thứ mang thật nhiều ý nghĩa và cảm xúc bên đời. Những thứ đẹp đẽ ấy, tôi chép lại trong một vài tản mạn có đặt tên.

Sau rốt, vì một câu hát của Trịnh mà tôi quá cảm mến. To lớn đến nỗi, tôi chỉ có thể xin mượn vay để đặt tên cho những chép ghi này, vì cảm thấy không còn chút từ vựng nào đủ đẹp và hay hơn được nữa.

Má…

Nghĩ về má, xem ra việc kể lể, ngợi ca thật là xoàng xĩnh và thừa thãi. Nghĩ về má, tôi luôn muốn là những cảm xúc - thứ quý giá nhất. Luôn là những điều sâu lắng và trìu mến nhất có má trong đó.

Tôi và má thân thiết với nhau nhiều lắm. Ngày trước, ba thường đi làm xa, chỉ có hai má con tôi bầu bạn với nhau. Riết rồi, sau này lại thành thói quen, tôi ưa tâm sự với má hơn là ba.

Nhà tôi được bao quanh bởi đồng lúa bạt ngàn. Ðôi khi sẽ thấy xanh mươn mướt những tháng gieo mạ, lắm khi sẽ là vàng ươm một cõi ngày gặt. Cũng có những sáng tôi thức dậy cùng tiếng máy cày ì ạch đầy đồng và tiếng vịt chạy đồng kêu cạp cạp.

Những buổi chiều gió máy, má hay nắm tay tôi đi mon men theo đường bờ ruộng nhỏ hẹp. Nhỏ hẹp tới nỗi cảm thấy được ngọn lúa lạo xạo dưới chân, hay là vài tia nước tung tóe lên theo nhịp nhảy của con nhái bén nào đó. Chỉ là đi trong vô thức giữa biển vàng thế thôi. Má tôi thích đi dạo lắm. Má nói, đi dạo cho thanh thản đầu óc. Lớn thêm một chút, hễ có chuyện gì buồn phiền tôi cũng hay lao ra đồng này ngồi khóc tấm tức một mình. Sau này, tôi ngộ ra là, bay nhảy thoáng chốc như giúp người ta gượng lại sức lực để chịu đựng tiếp với tù túng hay trói buộc.

Nhớ có những buổi trưa mùa thu nắng hanh hanh, má cọc cạch chở tôi trên chiếc xe đạp cũ kĩ. Hai mí mắt tôi nặng trĩu, chực díp lại cho kịp giấc trưa vẫy gọi. Má phải vừa đi vừa kể chuyện, hỏi han tôi đủ kiểu để quên đi cơn buồn ngủ. Sau này, mỗi khi tôi mệt lả đi vì làm việc, và thường cáu gắt với mọi người quanh mình, đôi khi tôi lại hỏi hoài về má. Sao không thấy má bực mình mà phát cho tôi vài cái cho tỉnh ngủ.

Má tôi mê ca nhạc. Má hay để cái máy cassette cũ ở đầu giường, bênh cạnh có mấy cuốn băng cũ kĩ má nghe hoài. Có nhiều sáng, tôi tỉnh dậy thấy sương còn giăng giăng ngoài song thì tiếng nhạc đã dập dìu bên tai. Má cũng thích hát nhưng chẳng bao giờ hát đúng nhịp được một bài nào. Nghe nhạc, đến nhiều đoạn điệp khúc thích ơi là mê, má lại líu ríu theo giai điệu của cô ca sĩ. Nghe mà thương lắm kìa. Bởi vậy, má hay kêu tôi học hát rồi chỉ lại cho má hát theo. Rảnh rỗi là hai má con lại ê a tối ngày.

Mãi cho đến khi má sinh cậu em, cũng là khi tôi dậy thì, tôi bắt đầu co vào một góc riêng của mình. Một cách thật bình thường, tôi thấy mình đang lớn.

Ngày cũ, có thể ôm cổ rồi hôn má, hít hà thật thỏa hơi thở của má rồi thì thầm vô tai con thương má nhứt nhà. Vậy mà giờ hỏi han bữa nay trời nắng mệt hông má cũng thấy khó khăn, ngượng nghịu.

Ngày chập chững hai mươi, tôi xa nhà bước vào cuộc đời riêng.

Những ngày ở xa, không còn được nghe gió lộng trong chiều, tiếng nhái bén và giọng má tỉ tê. Những ngày ở xa, hay len lén nhìn má người dưng trong quán cơm dọc đường. Những ngày ở xa, dễ mủi lòng với mấy người đàn bà trong xóm ưa hỏi han, thăm nom vì thấy bóng dáng má đâu đó. Những ngày ở xa, có ngày đã khóc òa vì tủi thân ghê gớm, vì nhớ má hay những phút lầm lỗi ngày xưa bất chợt ùa về làm dấy lên bao nhiêu niềm ân hận.

Từ lúc không còn tôi cạnh bên, má ưa gọi điện vào hỏi thăm. Những câu hỏi tủn mủn, đời thường như đã ăn chưa, hôm nay có đi học hay không, đại loại vậy, rồi kết cuộc bao giờ cũng sẽ là nhớ chăm chỉ đi học, đừng ham chơi nghen con. Vậy đó, trăm lần trả lời như một, lắm khi cũng bực mình cằn nhằn sao má hỏi hoài, con nói bữa hôm rồi mà. Vậy đó, mà bẵng đi ít bữa, má không gọi là lại nhớ, rồi tự trách có khi nào má giận mình không ta.

Những ngày sống xa nhà, sợ nhất má hay hỏi câu chừng nào con về.

Miền đất mới, nhiều đam mê và thú vui mê đắm, nhiều hấp lực hơn cánh đồng lộng gió và con nhái bén nhảy nước, nên dễ dàng lôi kéo những trẻ trung và mãnh liệt tuổi hai mươi. Nhiều khi mải mê với cuộc vui mới, tôi nhiều lần cất đi nỗi nhớ nhung. Chắc chỉ có má, với buôn bán và căn nhà bên cánh đồng gió, nỗi nhớ là còn đầy. Bởi, nhìn đâu cũng thấy bóng thằng Hai chỗ này, chỗ kia.

Càng lớn, má càng hay kể chuyện đời xưa. Mấy câu chuyện hồi còn nhỏ xíu. Cái hồi bị ghẹo bắt con chuồn chuồn cắn lỗ rốn cho mau biết bơi. Cái hồi, tồ tồ theo má nhõng nhẽo đòi được dẫn đi chơi. Cái hồi lóc chóc đi chưa vững đã ù chạy, chạy va vào cạnh bàn máu lênh láng. Thấy máu không khóc lại còn cười toe, chỉ giỏi làm má hồn vía lên mây.

Chuyện đời xưa má kể, nghe vừa mắc cười, vừa ngượng nghịu, lại vừa thương. Vì trong đôi mắt má có ánh gì chút níu kéo ngày cũ kĩ. Ngày nào con còn lẽo đẽo trong vòng tay má. Một tiếng cũng là má. Hai tiếng cũng là má.

Má ơi, đời sống riêng nhiều điều tù tội và mệt nhọc quá, đôi lúc con cũng chỉ muốn quay về nằm co tròn bên má, lặng nghe gió thổi đìu hiu sau hè. Nhưng mà, con thương má, là niềm thương to lớn, vì thế con phải bước đi và dấn thân. Con không thể vì phút yếu lòng mà nuông chiều theo cảm xúc của nhớ thương.

Má ơi, con vẫn sống cuộc đời của con, trong con vì má. Dẫu thương nhiều nhưng con vẫn phải bước đi xa.

Bên đời, tôi nhớ má nhiều trong những chiều lộng gió, ngồi co ro nhạc buồn và rũ tóc âm u.

Ba ơi, mình đi đâu?

Mấy mùa thương yêu trong đời sống, người ta gán cho tình cảm của ba đôi chữ “lặng thầm” và “yên ắng”. Suy tưởng chung là ba thì ít nói, ngại bộc lộ tình cảm. Nói với ba, thường cũng kiệm lời. Cũng không lạ lẫm mấy khi bàiLòng mẹlại phổ biến, được nhớ đến nhiều hơn bàiƠn chacũng của nhạc sĩ Y Vân.

Phải chăng, ai đó đã trót đặt ra lời huấn bất di bất dịch rằng, hễ với ba thì tự ngấm ngầm hiểu, chớ nói gì nhiều thêm. Dẫu là người vị cảm tính, nhưng trước ba, tôi cũng phải lóng ngóng, vụng về. Chỉ có kỉ niệm và cảm xúc là chảy dài hoài trong miền suy nghĩ.

Trong miền suy nghĩ ấy, ba là người phóng khoáng và mang nhiều tâm thế nổi loạn, u uất trong ấy là khát khao được yêu thương và quan tâm. Ba ghét những quy tắc và lề thói vô lí gò bó con người vào khuôn mẫu hẹp hòi. Và vì thế, ba hay thích làm ngược lại cái gì ưa ràng buộc, tù túng.

Như một phần phóng khoáng ấy, ba ưa thích lắm sự xê dịch. Tôi nghe nội kể nhiều về những chuyến thoát li và rong ruổi phong sương của ba. Những chuyến dài, miệt mài và bất tận. Cứ thế mà bước đi, ba đi cùng cái quần bò phai màu nắng và cây đàn ghi-ta cũ sờn vân gỗ. Tôi đã nghĩ về ba khi đọcÐàn ghi-ta của Lorca.

Những miền xê dịch chỉ dừng lại khi nội tôi cắt ngang và khung trời tự do của trai tráng phải khép lại, thay vào đó là mái nhà và những trách nhiệm của một người đàn ông.

Ba chưa từng kể cho tôi nghe về từng ấy thứ, thay vào đó, ông lại hay hăm he mỗi lần tôi toan nổi loạn. Qua những tấm ảnh bạc màu, tôi nghe thấy từng đợt sóng réo gọi của tuổi thanh xuân ba đã đi qua…

Những ngày tôi chập chững, bi bô, đã cuống quýt theo ba vào những miền rong ruổi nhỏ. Tôi nhớ hoài những mùa lúa trổ đầy đồng, ba chở tôi trên chiếc Chaly màu gạch, đi băng băng trên đường ruộng, đi xuyên qua những biển vàng, nghe mùi hương của bông lúa nhẹ nhõm. Có đôi chiều chếnh choáng hơi men, ba và con đổ kềnh xuống bùn nước, xe vẫn ì ạch nổ, ba đã vội vàng hỏi có sao không con? Thằng nhỏ sún răng cười toe híp mắt dạ hông. Vậy rồi, hai ba con len lén vô nhà bằng ngõ sau, tránh má thấy để khỏi bị la.

Má hay cằn nhằn, hai ba con vẫn cười sảng khoái.“Ðàn ông mà!”.

Có những tối trăng soi vời vợi sau hè, ba hay rủ rê tôi trèo lên cái mái hiên sau nhà ngồi ngắm trăng và hóng gió. Trăng ở nhà quê, ánh sáng bạc được dịp thỏa thuê bao phủ một vùng rộng thênh thang và mát ngọt khó tả nổi. Những lúc ấy, tôi thấy mắt ba hấp háy nhìn về phía chân mây rồi tôi buộc miệng hỏi,“Ba ơi, mai mình đi đâu?”.

Khi những miền rong ruổi khép lại và cánh cổng trường học mở ra, ba dắt tay tôi lò dò đi qua cỏ non ướt ướt sương khuya chưa kịp ráo. Những ngày nước lớn ngập cả cây cầu dẫn ra đường lớn, ba sẽ xoắn quần rồi cõng tôi qua lầy lội. Bàn tay thô ráp sương gió của ba nắm chặt lấy tay tôi như nâng niu một vật gì quý giá. Những ngày trời giăng đầy sương mờ, là lúc tôi nghe vai ba run run nhưng bàn tay nắm lấy tay tôi vẫn ấm nóng vô chừng.

Mười mấy năm sau đó, tôi thành cậu trai dậy thì, hay chui tọt vào góc của riêng mình. Ba thì tóc đã sớm điểm bạc và cũng thôi hấp háy đôi mắt về phía chân mây trong những đêm trăng sáng. Tôi cũng thôi giả bộ ôm rúc lấy ba những khi trời có sương giăng giăng. Cũng không còn những ngày ba nắm lấy tay tôi bước giữa những khúc lầy lội hay những đường đê bông lúa trĩu nặng.

Rồi một ngày, tôi khăn gói theo mùa thi cử lên thành phố chật hẹp. Những sáng lạ lẫm người và xe ở miền đất mới, tôi hay nhìn quanh quất và lơ đãng. Những bước chân hăm hở của tuổi trẻ dẫn đường cho tôi đi băng băng.

Lúc ngập ngừng đi qua phố đông, bất giác, ba đưa tay nắm chặt lấy tay tôi, như một phản xạ. Bàn tay thô ráp và thêm nhiều run rẩy của thời gian. Thằng tôi hai mươi trân mình, nghe điện chạy dọc sống lưng. Tôi nghe ào ạt về lại ngày nào đó, những đêm trăng sáng ngọt ngào, mùi bông lúa trổ đồng, ngày lầy lội và nhiều nhiều nữa rong ruổi hoang vu.

Tôi ngoái lại nhìn. Tôi thấy mắt ba đanh lại, canh chừng hai hàng xe chạy ngược chạy xuôi. Vẫn vậy, vẫn như là cái gì trân quý mà ba nâng niu. Có lẽ, ba vẫn hằng nâng niu suốt nhiều năm qua, chỉ là tôi đâu hay.

Qua đến bên kia đường, ba bỏ tay tôi ra tắp lự. Mắt ba vẫn tỉnh rụi.

Trong tôi có cái gì rưng rưng. Sao không nắm tay con thêm chút nữa, ba ơi.

Những ngày hai mươi, tôi từng suýt òa khóc vì cái nắm tay của ba. Tôi nghe mình nhỏ lại, cuống quýt theo chân ba, như thủa nào.

Trưa hôm ấy, đi thênh thang dưới những hàng cây mát rượi, tôi thủ thỉ, ba ơi, thi xong mình đi đâu…

Mắt ba hấp háy nhìn ra xa.

Tôi run run đưa tay nắm lấy bắp tay ba. Thật khẽ và thật chặt.

Hai mươi năm tình cũ

Những ngày đầu của năm mới Nguyệt lịch lại là những ngày tháng cuối cùng của hai thập kỉ bên đời của tôi. Hai thập kỉ của những tình cảm non trẻ và khờ dại. Hai thập kỉ của những tiếng động, của đi lại loanh quanh, của ra đi và trở lại, của quên và nhớ, của mất đi và lớn lên.

Một ngày nọ, nắng chiều đẹp rực rỡ, tôi mon men và thận trọng đi quanh nơi mình đã lớn lên, như âm thầm đi trên những lối về ấu thơ. Nơi tình yêu khởi đầu và lớn lên.

Tôi có nhiều người bạn quen biết, có người rặt thị dân, có người rặt nông dân. Nếp sống cũng vì thế mà khác biệt. Tôi thấy mình may mắn. Song thân nhà tôi một người hành nghề thuốc, một nguời là tiểu thương. Nhưng hai vị lại chọn đặt mái nhà nhỏ giữa một vùng mênh mông đồng ruộng và hoang sơ. Nơi tôi sống như một ốc đảo, bao vây bởi rừng cây táo nhân, vượt qua một vòng cua hẻm bo ngọt ngào là vào hẳn một giang san khác hẳn rồi.

Vậy mà hay, ban ngày tôi ra thị thành nhịp nhàng gót chân, chiều tàn lại lò dò đi trên cỏ non mát rượi. Thị dân, hay nông dân, tôi thấy mình đều nửa mùa. Vậy mà lại hay. Tôi, lúc này, đủ ngọt ngào để chiêm ngưỡng nắng chiều rực rỡ và trìu mến gọi từng ấy thứ đẹp như một mạch nước ngầm không quên lãng.

Tôi nhớ bờ cỏ dại tôi và cô em họ tên Nhật Hạ ngồi ngóng gió và hát cho nhau nghe. Tôi nhớ bờ mương mùa nước vào đồng đầy ăm ắp, tôi nhảy vội qua bên kia và trượt chân đến sũng nước. Tôi nhớ trưa hè xách cần đi câu cùng cô út Hoài Thảo của tôi, cười ngan ngát như bông quỳnh nở muộn. Tôi nhớ những đêm lạnh và sao thưa, tôi chạy vô vọng ra gò bãi, khóc hoang mang những chuyện của tuổi lớn lên...

Cứ thế tôi đi hoang hoải trong chiều và nỗi nhớ đầy ắp. Nỗi nhớ nằm trọn trong tôi khi thưởng thức cái rực rỡ của nắng chiều qua đây.

Có nhiều thứ sẽ phai màu theo thời gian. Khi đi qua nhiều khổ hạnh đời người, chuyện nhìn lại tựa hồ lá úa trong cơn mê chiều. Nhưng ấu thơ này, khi nhìn lại cùng thi vị trải qua, tôi lại hân hoan thấy thắm tươi là màu kỉ niệm. Tôi không xin đi lại ngày nào. Tôi chỉ thấy vạn may cho mình vì những định mệnh đã bước qua. Tưởng tượng nếu vắng đi từng ấy thứ, đời này mình sẽ tẻ nhạt dường bao.

Mỗi góc là một kỉ niệm. Mỗi kỉ niệm là một lần ta gói ghém như một liều thuốc thanh xuân vĩnh cữu. Những khi vấp phải hố đen buồn bã, ta có thể tìm về ngày cũ, tìm đến những liều thuốc thanh xuân để chữa lành, để lại sức, để tiếp thêm niềm tin và để bước qua. Ðó là giá trị lớn nhất của cái gọi là kỉ niệm. Tôi nghĩ, chỉ nên gọi những trải nghiệm đẹp và ngọt ngào là kỉ niệm. Ðể kỉ niệm trọn vẹn là một liều thuốc thanh xuân.

Nhìn lại hai mươi năm tình cũ. Thấy thanh xuân rạng rỡ lên thêm trong nắng chiều rực rỡ.

“Nắng còn nắng lê thê thì đêm ơi vội gì

Nắng còn nắng bao la, thì xin đêm đợi chờ”

(Phạm Duy)

Những ngày thứ Bảy trong năm

Thứ Bảy, hẳn là ngày được chờ đón nhất trong tuần của mọi người. Mấy ông anh bảo với tôi, chú mày có đi làm đi rồi mới thấm thía được giá trị của ngày thứ Bảy nó ra làm sao.

Trời, cần gì tới đi làm mới biết. Mình đang đi học mà bận túi bụi thì cũng hí hửng mong tới thứ Bảy lắm chứ. Ði gì thì đi, quan trọng là có tất bật, bận bịu thì mới thấy quý lúc rảnh rang, xả hơi. Nhưng mà, làm như là trào lưu cảm ơn trời đất, tới thứ Sáu rồi, mai thứ Bảy nghe đã thành câu cửa miệng của chung tất thảy, dù người ta có làm quần quật hay rảnh rang hàng quán.

Thứ Bảy - ngày tụ tập của bè bạn. Là ngày hàng quán các thể loại buôn may bán đắt. Là ngày phố phường nhộn nhịp bước chân qua. Là ngày người ta tự chiều chuộng bản thân với những thú vui hay ham thích cá nhân: có người thích ngủ vùi trong chăn nệm quên giờ quên giấc, có người lại tranh thủ hẹn hò hay vun vén, cũng có người lại xem thứ Bảy là dịp để… xài tiền.

Những ngày thứ Bảy trong năm của tôi lạ kì lắm.

Cũng có ngày hăm hở, thích tụ tập cùng bạn bè. Nhưng cũng lắm khi, tự dưng nỗi trơ trọi, hay hụt hẫng dâng lên bất tận. Thật quá hoang mang để gọi tên cảm xúc ấy. Chỉ thấy một màu cô đơn và xa xôi tưởng như cách nghìn trùng giữa những con người vừa nói vừa cười cùng mình kia. Ðể rồi nụ cười, hay câu nói về sau cũng thật gượng gạo, ngượng nghịu. Lúc nào đó, cũng hoang mang nhiều lắm chứ. Nỗi hoang mang thì có thể “thuyên giảm”, vì dường như đã học được cách hiểu và vỡ lẽ cho ngọn nguồn của câu chuyện. Song sự trơ trọi chỉ càng gia tăng giữa những tụ tập và đám đông, giữa những dị dạng lòng người.

Những ngày thứ Bảy trong năm của tôi về sau là một mình và… thèm người.

Có những con chiều đi đi về về mệt sõng soài, tôi chỉ còn đủ hơi sức với tay bật bản nhạc cho chiều tàn, rồi ngồi rũ tóc âm u trước song cửa sổ gió thổi rèm bay phơ phất.

Rồi sẽ có một chiều, hoặc nhiều buổi chiều, bạn bước về cửa nhà trong ủ rũ, hoang tàn và mỏi mệt. Rồi sẽ có những chiều bạn chỉ muốn ngồi co ro trong một góc tối tăm, nhìn hắt hiu ra phía vùng trời nắng đang dần chết lịm, chỉ có tranh sáng tranh tối trong căn phòng lẻ loi. Rồi sẽ có những chiều bạn chỉ muốn ngồi thõng thượt nhìn qua khung cửa sổ, lẳng lặng theo bản nhạc mơ hồ nào đó, buồn muôn thủa…

Rồi sẽ có những buổi chiều như thế. Những buổi chiều lãng đãng trôi, lòng người mệt trong hoài nghi chất ngất, những buổi chiều ta chẳng buồn làm gì cả, chỉ muốn… lặng thinh.

Rồi cũng có những chiều như thế, cắn rứt và dằn vặt. Trào dâng nỗi thèm khát vô hạn được trò chuyện cùng ai đó, được chung hơi thở, chạm đôi tay, sóng đôi chân bước và trao ánh mắt. Tôi gọi đó là cảm giác thèm người. Dù gì, bên đời vẫn không thể lẩn tránh đám đông, hay ít nhất với một con người, khao khát và mong muốn được giao tiếp và sẻ chia vẫn là quá to lớn.

Những ngày thứ Bảy trong năm, đợi khi phố thị lên đèn, tôi cũng sẽ lò dò bước đi trên phố đông. Sẽ cố tình đi vào con đường hay kẹt xe để thấy quanh ta vẫn còn nhiều những người. Ðể không thấy bên đời quạnh hiu. Ðôi khi nghe tiếng chửi thể vì giành nhau từng tấc đường, hay cái nhíu mày trong mệt mỏi, và nhiều nữa những hỉ nộ ái ố chỉ trong một chặng đường để nhắc nhớ rằng mình vẫn đang sống cùng trong xã hội loài người. Và nỗi cô đơn hoang hoải kia chỉ là những huyễn hoặc nhất thời mà thôi.

Những ngày thứ Bảy trong năm, tôi thích thú những điều bất ngờ.

Những đêm thứ Bảy rớt rơi, sẽ có thói quen ngồi lê la quán cà phê vỉa hè yêu thích. Quán không máy lạnh, không có cảnh trí đẹp để chụp hình đăng lên mạng xã hội. Quán chỉ có đường phố và con người đủ lớp. Quán chỉ có mùi cà phê rang xay thơm ngan ngát quyện trong khói thuốc lá đặc quánh ai đó nhả ra từng cơn quên đời. Thứ mùi cô độc đầy ngạo mạn.

Ngậm một ngụm đắng nghét rồi thở hắt ra. Ðịnh buồn thẩn thơ gì đó thì gió đi lạc thổi tung mớ lá cây, bay lửng lơ trước mặt. Nhẹ nhõm đến vậy mà không cười thì cũng uổng. Vậy rồi, nhoẻn miệng cười. Ngồi cà phê một mình thu lu, có hôm lại được ai đó e dè chuyền cho mẩu giấy kèm số điện thoại. Dễ thương vậy, không cười làm sao được. Vậy rồi, nhoẻn miệng cười.

“Ôi có đôi khi, thèm như thú đi hoang…”.

Ði hoang thật. Những khuya tù túng và ngột ngạt thứ Bảy trong năm, hay len lén đi băng băng dưới ánh đèn vàng vọt. Rủ rê thêm ông anh cho đỡ lạnh lùng trong đêm vắng. Ðang cao hứng thì mưa đổ ào ạt. Cũng đầy bất ngờ và phá phách như cái sự đi hoang của một cái tôi âm thầm nổi loạn này vậy.

Hai anh em ngồi thu lu dưới mưa, nhìn nước chảy buồn thiu, nhìn màn mưa giăng mắc quanh bóng đèn tẻ nhạt trên kia. Anh cao hứng buông vài câu ca thương đời mà lại hạp tâm ý thằng em. Líu ríu theo được vài câu, nó nói, phải chi mà em biết đàn ha, thôi để em về học gấp, mai mốt trời mưa, ra đây kéo violon cho anh hát. Mới nghĩ thôi mà đã dễ sợ. Anh chửi nó khùng sảng. Nó cười hinh hích vỗ vai ông anh bôm bốp. Tui trẻ mà, phải cho tui điên chứ. Ðiên mà điên đẹp là được rồi. Tui mà không điên vậy, tui… thành ông mất rồi. Phá ra cười, hai anh em chìm đắm tiếng hát trong mưa.

Ðang cao hứng trong nỗi buồn đầy ngạo mạn thì chuông điện thoại reo. Là tin nhắn từ ai đó:“Về đi em”.Vừa kịp nhớ ra ban nãy, trước khi đi có kể cho người ta nghe vì sự nổi loạn đêm này. Khẽ bật facebook lên xem, vừa kịp thấy người ta đăng vài dòng của Trịnh:

“Thương ai về xóm vắng

Ðêm nay thiếu ánh trăng

Ðôi vai gầy ướt mềm

Người lạnh lắm hay không?”

Bất giác mỉm người và nghe chất men, có lẽ là hạnh phúc, đang từ từ dâng tràn. Bên đời cũng sẽ dễ dàng vui lạ kì khi biết lẩn khuất đâu đó, vẫn có người đợi chờ hay ngóng trông. Nhất là khi thật tình cờ giữa khi mưa nửa đêm ngày thứ Bảy như vầy.

Những ngày thứ Bảy trong năm là vậy, ẩm ướt, ngột ngạt và thèm người. Muốn làm điều chi đó bứt phá ra khỏi hàng lớp cũ kĩ, sáo mòn. Muốn đổi thay và mới mẻ. Sợ hoài phí và thừa thãi. Ðể rồi nhận ra rằng đắm chìm trong những chuỗi xúc cảm của cá nhân cũng là một thú vui rất vị kỉ. Hãy yêu thương bản thân trước khi kịp chèo kéo theo những cuộc vui chung rã rời trong hao mòn và hụt hẫng.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3