04. Ðộc thoại - Phần 2
Lòng người
Sự gì cũng không tránh khỏi những biến chuyển không ngừng theo thời gian. Nhưng, suy cho cùng, chúng cũng vẫn nằm trong một quy luật nào đó dễ dàng cảm thấy và tiện thích nghi hơn hẳn. Duy chỉ có “lòng người” là thứ biến chuyển - ôi là sầu - không chỉ làm ta đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, cú sốc này đến cú sốc khác mà còn là cả một nỗi đau đớn, sự tổn thương đến xé lòng.
Bên đời, quá nhiều cú sốc bởi lòng dạ con người, thân tình có, bè bạn có, người thương có. Ðùng một cái, người ta “trở quẻ” với mình, dẫu một thời thương yêu, giúp đỡ, dẫu một thời ngọt ngào nói năng, dẫu một thời âu yếm, nâng niu… Mất mát một mối quan hệ chỉ là thứ mất mát nhất thời. Thứ mất mát to lớn hơn, lâu dài hơn lại chính là lòng tin. Vì sợ tin lầm mà phải chăng lòng ta có đôi lần khép cửa, rồi vô tình bỏ qua mất một tình cảm đẹp.
Tây có “chớ nhìn bìa mà phán sách” thì ta cũng có “chớ trông mặt mà bắt hình dong”. Ðừng ngạc nhiên vì sao những người có tuổi thường có quyền tự hào vì khả năng đánh giá và nhìn nhận con người. Bởi họ, cũng từng một thời non trẻ, từng chạm trán từng ấy thứ về lòng người. Ðổi lại là, con tim vững vàng và niềm tin nội tâm mạnh mẽ.
Ðiều quan trọng là ta biết đứng lên từ cú sốc đớn đau đó, học được cách nhìn nhận con người, cách đối nhân xử thế sau quá nhiều nỗi đau mang tên “lòng người”. Và chuyện phụ bạc, xem tựa như khói mây.
“Ta đâu có đề phòng từ phía những người yêu
Cây đổ về nơi không có vết rìu
Ôi, hoa tặng chiều nay ai giẫm nát
Mưa dập vỡ trên đường em trở gót”
(Hữu Thỉnh)
Ðừng dè dặt trao đi tin yêu khi lỡ va vấp đôi ba lần. Cuộc sống muôn màu, hãy chọn thật nhiều gam màu nóng và tươi sáng, những gam màu đượm lạc quan, hi vọng, những gam màu ta ưa thích, những gam màu đầy sắc thái hứa hẹn!
Cớ sao ta lại u buồn và chọn sắc thái xanh xao cho cuộc đời vốn đã tù tội, co ro?
Nỗi nhớ và thói quen
Nhớ nhung là một cung bậc cảm xúc rất người. Nhớ, chẳng phải vì cố tình ghi nhớ. Nhớ, là bởi đã trót lòng gắn bó và yêu thương. Nhớ, bởi thiếu vắng dáng hình. Nhớ, đôi khi, cũng đau đớn, khi ở bên cạnh một người, một cảnh lại làm ta nhớ mong khắc khoải đến người khác, cảnh khác.
Nỗi nhớ có một mê lực to lớn, đủ làm cồn cào một trái tim, dày vò một tâm hồn và hao mòn một thân xác.
“Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét,
Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng”
(Chế Lan Viên)
“Anh nhớ bóng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh.
Anh nhớ em, anh nhớ lắm! Em ơi!”
(Xuân Diệu)
“Ôi nhớ gì hơn nhớ người yêu”
(Hoàng Hoa)
Nhớ, đủ cung bậc, đủ thể thức.
Ai đó nói, nỗi nhớ là thước đo của tình yêu. Tôi nghĩ, còn hơn thế nữa, yêu là nhớ nhung, nhớ nhung là yêu.
Thói quen là kiểu cách ta gặp hoài, làm hoài hóa thành quen. Có thể thích, có thể không nhưng sắp đặt cuộc sống buộc ta phải quen với ai đó, cái gì đó. Và, khi dừng lại, thói quen có thể mất đi, một cách vô tình hoặc hữu ý.
Nỗi nhớ và thói quen song hành với nhau. Ðôi khi, vì có vẻ giống nhau nên dễ gây ra lầm tưởng. Và vì lầm tưởng là nhớ nên thường lầm tưởng là thương, là yêu.
Ta có thể gác lại thói quen bên ai đó, nhưng khó có thể buộc con tim thôi thao thức vì ai đó, khối óc thôi nghĩ suy vì ai đó và thân xác thôi cồn cào, khát khao vì ai đó.
Thói quen và nỗi nhớ ấy vậy mà cách xa nhau và khác xa nhau nhiều lắm.
Chẳng hạn, tình yêu và thứ tương tự tình yêu.
“Vì mình thương nhau nên mới giận hờn
Vì mình xa nhau nên nhớ nhau hoài”
(Anh Việt Thu)
Bên đời, xúc động vì ai đó có nhớ mình, còn nhớ nhung mình. Ðược nhớ, là được thương, được yêu, được quan tâm.
Bên đời, nỗi nhớ dày vò, nhưng nhận ra rằng, nhiều thứ chỉ đẹp khi ở trong miền kí ức. Cứ cố tình mang kí ức quay trở lại, là đã vô tình đánh mất luôn vẻ đẹp đẽ của nó.
Sống hết mình và đẹp ở thực tại để gìn giữ kí ức đẹp một mai phải đi.
Ghen
Tôi có một người cô rất đáng yêu và sâu sắc. Tôi mến cô tới nỗi, chỉ muốn khư khư một cuốn sổ tay để ghi chép lại mọi lời cô nói. Thật vậy, đôi khi cao hứng, cô lại thốt lên những câu cảm thán vừa đủ cho một quãng dài triết lí. Trong một lần chuyện trò nọ, cô nói với tôi:“Nếu nỗi nhớ là thước đo của tình yêu thì ghen lại là biểu hiện của tình yêu”. Tôi ám ảnh dài lâu với câu nói này.
Ghen, cũng có nhiều sắc thái. Ghen tuông của yêu đương. Ghen tị của đua tranh. Ghen tức của giành giật…
Ghen, cũng có nhiều cung bậc: ghen ngấm ngầm, ghen âm ỉ, ghen lồng lộn, ghen bóng gió…
Trong tình yêu, người ta ghen vì không muốn chia sẻ tình yêu của mình với ai khác. Cũng dễ hiểu thôi, một nửa của người ta mà, đâu phải muốn đụng thì đụng, muốn tranh lấy thì tranh lấy. Nhưng rồi, ghen thái quá, thì ghen lại thành ham muốn chiếm hữu cực đoan. Ghen có chừng có mực là nêm nếm gia vị cho tình yêu thêm thắm nồng.
Trong đời sống, người ta ghen với nhau vì cuộc đua tranh giữa người với người. Một tí ghen làm động lực để ta chạy nhanh hơn. Quá nhiều sự ghen làm ta mù quáng. Rồi sau ta còn gì ngoài đánh mất. Tình người. Tình cảm. Nhân tâm.
“Nghĩa là ghen quá đấy mà thôi!
Thế nghĩa là yêu quá mất rồi!
Và nghĩa là cô là tất cả
Cô là tất cả của riêng tôi!”
(Nguyễn Bính)
Ghen, ở góc độ nào đó, phần là bởi tin tưởng không đủ vững, phần là vì nỗi sợ mất đi điều mình trân quý. Madame dạy Pháp ngữ của tôi từng thốt lên:
“Lòng mến thương tràn đầy nhưng không tin tưởng. Mọi việc khó thành tựu…”.
Bởi vậy, cho nên yêu là tin và tin là yêu, người ta mới gọi là tin yêu.
Ðôi lúc, giả bộ ghen một chút cho có hương vị. Ghen mà làm tình, làm tội nhau thì thôi thôi, còn đâu con đường tình ta chung đi.
Ðôi lúc, miệng khen đấy mà lòng ngấm ngầm dấy lên chút ghen, thôi thì ghen để mà ráng được bằng, được hơn.
Ghen mà mù quáng, bất chấp. Khi ấy, ta chẳng phải là ta.
Im lặng
Có lẽ vì là người hoạt ngôn, nên tôi rất sợ sự im lặng.
Ngồi với gia đình, tôi nói rất nhiều. Nói như sợ sẽ không còn được cười, được nói nữa. Ba má giận, im lặng. Con xin lỗi, im lặng. Lắm lúc thèm được nghe tiếng ba má nói, ba má rày la. Thương cho roi cho vọt mà. Bởi thế, ba má mà im lặng, thì tự khắc thấy lạnh sống lưng.
Ngồi với bạn bè, tôi ghét để khoảng lặng chen giữa. Mà thường hiếm khi vậy, bọn bạn tôi luôn không có đủ thời giờ để trò chuyện cùng nhau. Những câu chuyện đôi khi không chỉ quẩn quanh với đời sống, những bông đùa, nhiều khi còn là nhiều dự tính, nhiều khát khao và mong ước cho tương lai.
Bạn có đồng tình rằng, cảm giác lạc lõng rợn người khi câu hỏi, đề xuất của bạn bị chìm trong im lặng là rất đáng sợ không? Không lời đáp trả. Không lời quan tâm.
Khi với người thương, tôi càng sợ sự im lặng.
“Em ngồi trong song cửa
Anh đứng dựa tường hoa
Nhìn nhau mà lệ ứa,
Một ngày một cách xa”
(Lưu Trọng Lư)
Im lặng làm tôi nghĩ, người ta chẳng còn gì để nói với nhau nữa. Im lặng làm tôi nghĩ, chỉ có sự mỏi mệt và chán chường bao trùm. Im lặng làm đau lòng nhau.
Nếu nói ra lời cay nghiệt làm tổn thương nhau một phần thì sự im lặng dày vò, cào xé con tim nhau mười phần. Lại còn dai dẳng và âm ỉ khó lòng nguôi. Nhiều khi, còn nghiệt ngã hơn, khi người ta phải rời xa nhau mà suốt đời đau khổ về sau cũng không tìm nổi hay hiểu nổi nguyên cớ là gì. Là bởi sự im lặng đó thôi.
Ðời sống ơi, làm ơn đừng lặng im với tôi!
Nhẫn nhịn và cam chịu
Vẫn thường được khuyên nhủ rằng, “một sự nhịn chín sự lành”, “chín bỏ làm mười”, “nhẫn, nhẫn, nhẫn”.
Trong cuộc sống, có rất nhiều tai ương luôn sẵn sàng xảy ra bất cứ lúc nào. Ðầy ngỡ ngàng và thách thức. Tai ương thì muôn hình vạn trạng, nhưng cái nào cũng thích thử thách sự kiên nhẫn và kiềm chế của chúng ta. Nếu mất đi sức kiềm chế, ắt dễ dàng “xôi hỏng bỏng không”.
Song cam chịu, lại dường như là một cung bậc khác của nhẫn nhịn. Cam chịu lại là triệt tiêu đi sự đấu tranh, phản kháng và làm quen với tai ương, miệng lúc nào cũng niệm thần chú, “thôi thì cứ nhẫn, dù gì cũng phải nhẫn”.
Thực tế là, cam chịu là vì vấp ngã quá nhiều mà nhụt chí, mà thoái lui.
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
(Hồ Xuân Hương)
Bên đời, học được nhẫn một bước để tiến nhiều bước. Một phút bốc đồng, có thể đánh mất cơ hội.
Bên đời, cũng thấy thương phận cam chịu. Quyết ý, không cam chịu. Cuộc đời cho ta thế, không có nghĩa là cuộc đời bắt ta phải thế.
Vì một người sống cam chịu, mà ta cần phải sống không cam chịu!
Lắng nghe và thấu hiểu
Sau chuyện nói năng thì lắng nghe cũng là một góc làm nên con người. Người ta nói, chúng ta có hai cái tai nhưng chỉ có duy một cái miệng. Ý chừng là đấng tạo hóa muốn chúng ta hãy lắng nghe thật nhiều, hơn là nói. Tôi nghĩ đơn giản là, trong trăm người nói cũng phải có vài người nghe, ai cũng muốn nói, đòi nói trong khi mình chịu nghe, thành ra mình được thương, mình được mến. Còn là bởi vì, nghe để hiểu thấu, rồi nói mới hay được.
Lắng nghe và thấu hiểu không thể xa rời nhau. Nghe mà không hiểu, người ta gọi là “đàn gảy tai trâu”, hay “nước đổ đầu vịt”. Còn không biết lắng nghe thì có nói hoa mĩ cỡ nào cũng không ai thấu. Người không lắng nghe thường nói thứ xa rời thực tế. Người không chịu lắng nghe thường để cảm xúc trôi tuột và nhạt nhẽo. Người không biết lắng nghe thường thấy nuối tiếc về sau…
Có cái, nghe biết rồi để đó.
Có khi, nghe để hiểu, rồi ngẫm ngợi.
Có chuyện, nghe để thấu hiểu, và đồng cảm.
Có điều, nghe để thấm thía, rồi khắc khoải.
Song rõ ràng, không phải cái gì nói ra bằng lời cũng được lắng nghe và thấu hiểu. Và, có lắm khi, có những điều chẳng nhất thiết phải được nói ra mới được lắng nghe và thấu hiểu. Lắng nghe nước mắt. Lắng nghe tiếng thở dài. Lắng nghe tiếng hát xanh xao. Lắng nghe ánh mắt nặng trĩu sầu. Lắng nghe đằng sau nụ cười.
“Cây dài bóng xế ngẩn ngơ...
Hồn em đã chín mấy mùa thương đau?
Tay anh em hãy tựa đầu,
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi...”
(Huy Cận)
Bên đời, tôi dần thích lắng nghe người khác kể chuyện. Ðể chiêm ngưỡng cách nhìn đời, cách ứng xử đời của họ.
Bên đời, tôi dần học được cảm xúc từ việc lắng nghe. Bởi vì lắng nghe cũng là một cách để trưởng thành. Bởi vì lắng nghe cũng là một cách để thêm yêu đời, yêu người.
“Chao ôi! Ðối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ối... toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương...”.
(Nam Cao)
Trong một chiều mưa rỉ rả, tôi ngồi ơ thờ ngẫm nghĩ, mình sinh ra có cái duyên nghe. Nhờ cái duyên nghe mà bạn bè chung quanh, thân sơ thường hay ghé ngang mà thở than, tâm sự đôi chút, đôi chút. Có những người dù chỉ gặp đôi lần trong đời, cũng tin tưởng mà sẻ chia.
Ngoài cái duyên nghe ấy, chắc cũng bởi mình là kẻ kín tiếng nên tâm sự của họ luôn được giữ gìn, đây là điều khiến họ an tâm để gửi trao nỗi lòng. Ngoài cái duyên nghe ấy, chắc cũng bởi tôi có thể thấu cảm mà an ủi, mà nói vài câu động viên với họ. Vài câu giản đơn thôi, nhưng với họ, những con người đang chênh vênh bên bờ cảm xúc lại quý lắm.
Tới lúc tôi cũng chênh vênh, tê tái thì chẳng biết tìm ai...
Có duyên nghe để san bớt gánh tâm tư cho người. Thôi thì, đời cho ta thế.
Thành công và thất bại
Thành công không buộc phải là dẫn đầu, là xuất chúng. Thành công đúng nghĩa là khi bạn là chính mình, thắng được bản thân mình. Thành công đúng nghĩa không phải là bạn vượt qua bất kì ai khác, mà là vượt qua chính bạn của ngày hôm qua.
Thất bại không phải chỉ là thua cuộc, là kém cỏi, là mất mát. Thất bại là khi bạn đánh mất bản thân, là bạn bị chết chìm trong cái bóng của mình và kẻ khác. Thất bại là khi bạn chạy theo đầy mê mải những cái đích của người khác, do người khác chọn đặt ra.
Thất bại chưa bao giờ - và chẳng bao giờ - là dấu chấm hết hay sự kết thúc vĩnh viễn. Thất bại chỉ đơn giản là một trạm dừng chân nho nhỏ, để chúng ta nhìn lại chặng đường đã đi, nạp tiếp nguồn lửa nhiệt huyết và dấn bước đến những chốn khác, nơi có gã mang tên thành- công đang chờ.
“Làm trai đứng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông”
(Nguyễn Công Trứ)
Cũng từng có thời, tôi loay hoay với những thứ gọi là công danh được ướm sẵn vào người như một tư tưởng cố thủ. Rồi, sau đó, tôi nghĩ, bộ cánh nặng trĩu ấy được khoác lên người thì đời chắc sẽ vui thêm sao? Rồi, cũng tự mình, tôi nhận ra, câu trả lời là không. Vì thứ áo xống ấy, đơn giản là không được ướm may vừa vặn cho ta. Ðơn giản là, hãy làm những gì bạn thích và trở thành bậc thầy ở đó, tự khắc áo xống trọng vọng sẽ được khoác lên bạn. Ai đó dạy tôi, hãy làm những gì bạn thích, bạn sẽ chẳng phải đi làm ngày nào vì ngày nào cũng là kì nghỉ với thú vui bạn ưa thích.
Bạn ưa cắt may, biết đâu bạn sẽ là một nhà thiết kế thời trang trứ danh. Bạn thích chơi đàn, biết đâu cả thế giới sẽ lắng nghe âm nhạc của bạn nay mai. Bạn mê mẩn hội họa, tin tôi đi, có người đến năm ngoài ba mươi mới cầm cọ, anh ta vẫn trở thành bậc thầy như thường. Gì cũng được, quan trọng là bạn dám làm điều mình thích, dám ước mơ, dám hi vọng và có gan biến ước mơ không chỉ dừng lại là mơ ước.
Bên đời, tôi muốn sống bằng nhiệt huyết và đam mê.
Bên đời, tôi mong mấy thứ tủn mủn, vụn vặt chẳng cản nổi bước chân này.
Bên đời, tôi mong mình không vô hình, vô nghĩa, vô vị giữa nhân gian.
Bên đời, dầu điều gì đang chờ phía trước, vẫn mong đời cho tôi vững đôi chân, chắc đôi tay, mạnh mẽ khối óc và ấm áp con tim.
Xao xuyến
Rồi cũng có lúc, trong đôi chút, người ta tự dưng khựng lại giữa khoảnh khắc của đời sống để ngắm nghía một cái gì, để thưởng thức một cái gì, hay chỉ đơn giản là dừng lại vì một điều gì. Cái cảm xúc khi dừng lại vừa vặn ngộ nghĩnh để làm người ta đờ đẫn hay tự mỉm cười với chính mình, để rồi tự thấy rối ren trong tâm trí.
Tôi gọi đó là xao xuyến.
Ðôi khi chỉ là một nụ cười tình hiền hiền, để làm rực rỡ một ngày u ám. Chẳng là gì, chẳng là hò hẹn, chẳng là tương tư. Chỉ là chút xao xuyến hương tình nửa mùa. Là xao xuyến. Có lẽ, khi người ta trẻ thì người ta dễ xao xuyến, hay xao xuyến. Bởi vì đời còn nhiều cái đẹp chưa khám phá ra, bởi còn chưa được gặp nhiều nên sự háo hức là còn hoài.
Xao xuyến rồi cũng lắm con đường để đi. Có khi chỉ là chút xao xuyến vương vấn, thoang thoảng để tô vẽ thêm chút gam màu sáng cho đời sống, để lạc quan ngắm nghía vào những bất ngờ đang đợi chờ ngoài kia. Có khi lại là những xuyến xao mãnh liệt, rồi thành tương tư, rồi thành luyến nhớ.
Ðáng tiếc là, chẳng phải xao xuyến nào cũng may mắn được gặp lại, chẳng phải hai nửa xao xuyến nào cũng tìm được thấy nhau. Ðường vẫn dài, phố vẫn đông, người ta vẫn cứ bước hoài trên những cung đường xa lạ để tìm gặp bằng được xao xuyến của mình.
Bên đời, tôi vui vì biết xao xuyến. Còn xao xuyến, nghĩa là còn xúc cảm, nghĩa là những giác quan đang cựa quậy, đang sống và lớn dần lên trong ta.
“Ðừng nhìn em nữa anh ơi
Hoa xanh đã phai rồi
Hương trinh đã tan rồi”
(Phạm Duy)
Ðôi khi bên đời thường tự hỏi, sao mà những điều đáng yêu, những mối xuyến xao cứ trôi hoài, trôi mãi trên phố không thôi?
Tình yêu
Thử nhớ lại lúc mới bắt đầu chập chững vào yêu đương nồng nhiệt. Mới đâu đó người ta còn ngây ngô với tình cảm trắng tinh như màu áo hay trang vở, bỗng chốc tự nhiên mà người ta lớn, tự nhiên mà người ta đến một trời nhung nhớ, tương tư và sầu mộng.
Lúc mới yêu, là lúc bắt đầu rớt rơi những giọt long lanh và nóng hổi đầu tiên dành cho những dĩ vãng hay một kỉ niệm đẹp đẽ nào đó. Ai đó gọi tuổi biết yêu là tuổi biết buồn. Ấy là sự buồn vương vương của tình yêu.
Vì người ta trẻ nên tình yêu cũng trẻ: nồng nhiệt và mãnh liệt. Có lẽ vì thế, những va vấp là điều chẳng thể tránh khỏi. Rồi từ trong long lanh rơi, người ta lớn lên và dung dưỡng nhiều thứ. Có thể đẹp, có thể lành, nhưng cũng có thê là buồn, là rách nát.
Những ngày tháng bên đời, tôi nhận ra rằng tình yêu sao ngộ nghĩnh ghê. Lắm khi dẫu biết người ta đối xử với mình tồi tệ lắm, nghèo nàn lắm nhưng vẫn lao vào hơn một con thiêu thân. Lúc ấy con tim đã hạ gục lí trí. Dù người ta có đang tâm xé nát tim mình, dày xéo lên niềm thương tổn mình, mình vẫn yêu người, dù sao đi nữa. Ðó là sự trớ trêu của tình yêu.
“Tình yêu như trái phá
con tim mù loà.
Một mai thức dậy,
chợt hồn như ngất ngây,
chợt buồn trong mắt nai,
rồi tình vui trong mắt,
rồi tình mềm trong tay”
(Trịnh Công Sơn)
Lạ lùng thay. Có lẽ nào, người ta chẳng thể bình an yêu nhau được? Chân tình vốn đã ít ỏi. Thêm những gian dối, lọc lừa và toan tính trong tình cảm, lại càng giết chết chút chân tình hiếm hoi ấy.
Có đôi khi tôi hoang mang giữa cái gọi là tình yêu trong cuộc đời tù tội này.
Nhưng dù gì, vẫn hãy cứ tin vào nó. Sau rốt, tình yêu vẫn là làn gió tươi mát ướp hương tâm hồn, là cứu cánh và niềm tin để bấu víu vào.