11. Ba Xuân Nho Nhỏ
Vào thời đại các sách vở của Thánh hiền Trung-quốc còn được mùa ngự trị ở trên đàn văn học nước ta, các cụ khoa mục thường có lệ kén chồng cho con gái bằng văn chương chữ nghĩa.
Như vậy kể ra cũng là một cuộc thi mà các cụ là những ông chủ khảo, con gái các cụ là phần thưởng đặc biệt cho những cậu thanh niên tuấn tú. Nhưng thi đây không phải phiền phức như thi Hương thi Hội mà rất là giản dị, giản dị mà khó, vì thí sinh có khi rất đông, song trúng tuyển chỉ có một mà thôi, lại khó nữa là vì thường thường các cụ chỉ ra một câu đối mà có cậu nát óc nghĩ ra cũng không được. Và mỗi khi như vậy, ít nhất về phần nhan sắc của các cô con gái các cụ, nếu không được như những câu của Nguyễn Gia-Thiều đã tả trong Cung-Oán :
Áng đào kiểm đâm bông não chúng,
Khóe thu ba rợn sóng khuynh thành.
Bóng gương lấp loáng trong mành,
Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa.
Chìm đáy nước cá lờ đờ lặn,
Lửng da lưng trời nhạn ngẩn ngơ sa.
Hương trời đắm nguyệt say hoa,
Tây-Thi mất vía Hằng-Nga giật mình.
Thì cũng phải được như những lời của Nguyễn-Du đã viết ở trong Kim Vân Kiều :
Làn thu thủy nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh.
Đã có nhan sắc ấy, mà về phần tư cách lại đủ cả công dung ngôn hạnh, có khi lại gồm cả cầm kỳ thi họa, và chỗ đặc biệt của các cô lại là ít ai thấy đi dạo phố như bây giờ, chưa có chồng, các cô phải giữ gìn, lúc nào cũng kín cổng cao tường, cho hoa xuân vẫn phong nộn nhụy để làng cung kiếm với khách công hầu ở ngoài tha hồ mà rắp ranh bắn sẻ với gấp ghé mong sao…
Kể đối với con gái, các cụ chủ trương như thế tuy rằng thái quá, nhưng xem ra cũng thật là chu đáo lắm thay.
Chính vì thế mà trên đàn văn nghệ nước ta hiện nay tuy không còn phải ở thời các cụ nữa, song những câu đối của các cụ ra để kén chồng cho con cũng còn truyền tụng không biết bao nhiêu mà kể như có cụ ra bằng chữ Nho : 齒性剛舌性柔剛性不如柔性久 Xỉ tính cương, thiệt tính nhu, cương tính bất như nhu tính cửu (răng tính rắn, lưỡi tính mềm, tính rắn không bằng tính mềm lâu).
Cậu thí sinh trúng tuyển đối lại : Mi sinh tiền, tu sinh hậu, tiền sinh bất nhược hậu sinh trường (mi sinh trước, râu sinh sau, sinh trước không bằng sinh sau dài). 眉生前鬚生后前生不若後生長
Có cụ thì ra bằng chữ Nôm : Huyện Tam-Dương có ba con dê, đứng núi đá trông về Lập-thạch (Tam-Dương nghĩa là 3 con dê, và lập thạch lại nghĩa là đứng núi đá nữa).
Cậu thí sinh trúng tuyển đối lại : Trai tứ kỳ đi bốn xe ngựa, vâng mệnh trời ra trấn Thừa-thiên (Tứ kỳ là 4 xe ngựa, và Thừa-thiên có nghĩa là vâng mệnh trời nữa).
Nghe tục truyền thế, nhưng không biết có phải đúng là những câu đối của các cụ xưa kén chồng cho con gái không. Giả sử đúng đi theo kẻ viết bài này, cũng không lấy gì làm khó lắm, vì người thế này, nhưng kẻ đối vẫn có quyền chọi lại tự do theo ý tưởng của mình. Chớ như câu chuyện kén rể sau đây mới thật là văn chương lắt léo.
Chuyện kể rằng : Một ông khoa mục nọ có một cô gái cấm cung đẹp lắm, ông muốn kén cho con gái một người chồng phải văn hay ra trò, chữ giỏi ra tuồng để sau con ông cũng sẽ trở nên một mệnh phụ đường đường, nhưng ông lại không ra câu đối như các ông đi trước mà lại viết lên tường một loạt chữ : từ trái sang mặt là những chữ : « Điểu, Sơn, Hồ, Ngư, Cảnh, Xuân, » nhưng viết lại không đều, chữ ngang chữ dọc, rồi lại chữ xuôi và chữ ngược, ai biết ý ông thế nào mà đọc cho nó thành câu thành cú được. Vì thế, nên để cả mấy tháng trời mà con gái ông vẫn phòng không đợi chờ, trông bên ngoài không biết bao nhiêu những thanh niên gấp ghé, cậu nào cậu ấy cũng tự cho mình là văn hay chữ giỏi :
春 (…) 春
景 (…) 景
魚 (…) 鳥
湖 (…) 山
Tuy vậy chờ mãi, cuối cùng cũng có một cậu đọc ra được thành bốn câu thơ sau :
Ba xuân nho nhỏ một xuân tròn,
Bốn cảnh bằng nhau một cảnh con.
Hồ rộng thênh thang ngư lộn ngược.
Sơn cao chót vót điểu nằm ngang.
Lẽ tất nhiên cậu ấy được vào làm rể cụ.
Tôi không biết cậu ấy tên gì, quê quán ở đâu. Còn tác giả những chữ ấy, có người bảo là cụ Phạm văn Nghị, người làng Tam-đăng, huyện Đại-an, tỉnh Nam-định. Cụ đỗ Hoàng Giáp năm Minh Mệnh thứ 19, làm quan đến Thị Giảng học sĩ, sau cụ về ẩn ở động Liên-hoa tỉnh Ninh-bình. Cụ là thầy học của các ông Tam nguyên : Trần-Bích-San, Nguyễn-Khuyến, có người lại bảo là của một vị khác ở đời Lê trung hưng. Như vậy sự thực nó ra sao, có phải người viết mấy chữ ấy là để kén rể chăng ?
Thật khó mà trả lời cho được !…
Vì thế, theo thiển ý chỉ nên nhận đó là một lối chơi chữ của các cụ xưa thôi.