Phụ nữ thực tế đàn ông phát cuồng - Chương 04 - Phần 1

Chương 4: Đi du lịch

Nếu như một người nào đó làm quá nhiều điều trái ngược với bản tính của mình để chiều theo ý người khác thì chắc chắn họ sẽ không thể có niềm vui thực sự. Giống như câu nói của Vu Đan trong chương trình Cuộc đời nghệ thuật mà cô xem trên ti vi, tìm một người thích hợp với mình là tốt nhất.

Hai ngày liền, Phùng Hy không ra khỏi cửa, ở nhà yên tĩnh luyện thư pháp.

“... Kì hình dã phiên nhược kinh hồng

Uyển nhược du long,

Vinh diệu thu cúc,

Hoa mậu xuân tùng.

Phảng phất hề nhược khinh vân chi tế nguyệt,

Phiêu diêu hề nhược lưu phong chi hồi tuyết.

Viễn nhi vọng chi, hạo nhược thái dương thăng triều hà,

Bách nhi sát chi, chuốc nhược phù dung xuất lục ba.

Nùng tiêm đắc trung, tu đoản hợp độ.

Khiêm nhược tước thành,

Yêu như thúc tố.

Duyên cảnh tú hạng,

Hạo chất trình lộ”(3).

(3)Đoạn trích trong bài Lạc Thần phú của Tào Thực (192-232), một trong những nhà thơ nổi bật nhất thời kì Hán mạt (192-220). Lạc Thần phú thể hiện nổi nhớ và tình yêu của Tào Phi với Chân thị - một mỹ nhân nổi tiếng thời Tam quốc.

Dịch thơ:

Hình dáng của nàng nhẹ tựa chim hồng

Uyển chuyển như rồng,

Rực rỡ thu cúc,

Tươi rạng xuân tùng,

Phảng phất như mây che bóng nguyệt,

Phiêu diêu như gió bay làn tuyết.

Từ xa mà ngắm, trắng như ráng mặt trời lúc ban mai,

Tới gần mà xem, tươi như đóa phù dung trên dòng biếc.

To nhỏ vừa tầm,

Ngắn dài hợp độ,

Vai tựa vót thành,

Eo như được bó,

Cổ gáy thon dài,

Da ngần hé lộ.

Người dịch:

Điệp Luyến Hoa

(thivien.net)(BTV)

Ánh mắt cô dừng lại ở những câu cuối cùng, cô mỉm cười, lướt nhẹ cây bút, viết một câu trên giấy: “Người có chí, sự ắt thành!”.

Viết xong câu đó, mọi nỗi u ám trong lòng bỗng chốc bay biến đi đâu hết, Phùng Hy đặt bút xuống, kéo rèm cửa ra, ánh tà dương đang rọi xuống, mây trắng bay lững lờ. Cô cũng muốn bay.

Phùng Hy ngắm đến khi màn đêm buông xuống, gió hiu hiu từ ngoài cửa sổ hắt vào, cô hít thở thật sâu, quyết định ngày mai đi du lịch cho khuây khỏa.

Tiếng gõ cửa vang lên, cô hơi giật mình. Có đến thì Chi Hoa cũng phải gọi điện trước cho cô, ai nhỉ?

Cô nhìn qua lỗ nhòm, Mạnh Thời đang đứng với nhân viên bảo vệ. Phùng Hy hơi sững người, ra mở cửa.

Mạnh Thời cười rất tươi, “Làm phiền cô quá, tôi gặp cậu Trương, nghe cậu ấy nói chuyện, hai ngày nay không thấy cô đi bơi, đi dạo, sợ cô xảy ra chuyện gì”.

“Cảm ơn, anh vào nhà ngồi đã”. Tâm trạng Phùng Hy đang vui, cô mời Mạnh Thời vào nhà.

Bảo vệ Trương thấy không còn việc gì nữa, bèn cười đi ra.

Phùng Hy vào bếp pha trà.

Mạnh Thời chỉ định ngồi cho phải phép một lát rồi về, ánh mắt dừng lại ở bức thư pháp trên chiếc bàn cạnh cửa sổ. Nhìn thấy bài Lạc Thần phú và câu “Người có chí, sự ắt thành” mà Phùng Hy viết, không nhịn được cười, liếc nhìn vào trong bếp, thấy Phùng Hy rất thú vị.

Phùng Hy bưng ấm trà đi ra, thấy Mạnh Thời đang nhìn chữ cô viết, tỏ ra hơi ngại ngùng, “Viết linh tinh ấy mà”.

“Rất đẹp. Phong cách chất phác và cổ xưa, mỏng manh như làn da em bé, đáng giá ngàn vàng”.

“Gì vậy?”.

Mạnh Thời giật mình, cười đáp: “Ý tôi muốn nói là cái nghiên này của cô rất đẹp, đời nhà Thanh đấy”.

Hả? Những thứ vặt vãnh trong phòng mà cũng tìm được bảo bối? Phùng Hy đặt ấm trà xuống đi vội vào phòng, cầm chiếc nghiên lên ngắm nghía rồi bật cười: “Thật hay là giả vậy? Tôi mua nó khi đi chơi Phan Gia Viên đấy, thấy hoa văn khắc trên đó đẹp nên mới mua, bỏ ra hơn hai trăm tệ. Đời nhà Thanh hả? Đời gần đây nên cũng chẳng đáng giá bao nhiêu”.

Mạnh Thời nói: “Hiện giờ người ta không thích sưu tầm nghiên cổ lắm, giá bán không cao như đồ sứ hay tranh và chữ. Nghiên cổ không giống với những cái khác, nghiên thời Minh - Thanh rất chú trọng đến vật liệu nên lại đáng giá. Tôi dự đoán cái nghiên này của cô cũng đáng giá vài nghìn đấy”.

Phùng Hy hào hứng nâng chiếc nghiên lên ngắm nghía, ánh mắt lộ rõ vẻ phấn khởi, “Tốt quá, sau này nếu thiếu tiền thì mang nó đi cầm đồ”. Trong lúc xúc động, chiếc nghiên bị nghiêng đi, mực liền chảy ra, dây ra khắp đất khắp tay, cô quay đầu đi ra nhà vệ sinh.

“Đừng cử động!” Mạnh Thời gọi giật lại, rút ra mấy tờ giấy ăn trên tràng kỷ thấm hết chỗ mực trên tay cô, sau đó lại lau sơ qua chiếc nghiên, nói: “Cô ngốc quá, cứ cầm thế ra nhà vệ sinh, lúc quay vào mực còn rỏ ra nhiều hơn”.

Phùng Hy cười khì, cầm nghiên ra rửa. Lúc cầm giẻ lau đi ra, Mạnh Thời đang ngồi xổm xuống đất dùng giấy ăn lau sàn nhà. Cô vội bước đến dùng khăn ướt lau cho sạch, sau đó mới dẫn Mạnh Thời ra nhà vệ sinh.

Trước cửa nhà vệ sinh có treo rèm, dây leo màu xanh hoa màu vàng rất nổi bật. Mạnh Thời nhìn kỹ, phát hiện thấy dây leo màu xanh được kết bằng vải xanh, hoa điểm trên đó là những cánh hoa làm bằng vải vàng, nhụy hoa được kết bằng vải màu hồng sẫm tím nhạt. Vén rèm đi vào, trên tấm cửa kính của nhà vệ sinh có treo một chữ “Phúc” lớn. Mạnh Thời thấy lạ, không ngờ lại có người treo chữ “Phúc” trước cửa nhà vệ sinh. Nghĩ tới tác dụng của nhà vệ sinh, anh liền bật cười.

Trên bốn bức tường lát gạch men trắng chỗ bồn rửa tay được dán đầy tranh hoạt hình, trên các móc câu có những con thú nhỏ, cốc đánh răng là một chiếc cốc gốm, bàn chải đánh răng điện. Trên tường có gắn mấy giá đựng đồ hình tam giác, bên trên đặt mấy bồn xương rồng nhỏ và một giỏ hoa lan. Phía trên bồn rửa tay có xếp một hàng lọ nước hoa. Lọ nước hoa làm bằng thủy tinh long lanh óng ánh, bên trong không còn nước hoa, mùi hương dịu nhẹ thoang thoảng đâu đây. Anh hít thật sâu, trong lòng cảm thấy vô cùng dễ chịu.

Mạnh Thời rửa tay, nhìn ra ngoài, khẽ mở cửa nhà vệ sinh, sững người. Từ cửa sổ đến chân tường, đâu đâu cũng bày bồn cảnh, bình chứa nước của bồn cầu còn dính hai con búp bê nhỏ xinh. Bên cạnh bồn tắm có một giá sắt uốn hoa cao nửa mét, bên trên có đặt nến. Nhìn thấy những ngọn nến hình vuông đó, trong đầu Mạnh Thời tưởng tượng ra hình ảnh Phùng Hy tắm dưới ánh nến lung linh. Anh vội quay ra, cảm thấy xấu hổ với sự tưởng tượng vừa rồi.

Lúc này Mạnh Thời mới ngắm nghía kỹ phòng khách chưa đầy mười lăm mét vuông. Thông qua nhân viên bảo vệ anh đã tìm hiểu và biết Phùng Hy đang thuê nhà. Rất rõ ràng, cô đã cố gắng xóa hết dấu vết của người chủ cũ, ngay cả ghế sofa cũng mua vải bọc mới, đệm tựa cũng là mới. Trong phòng khách chủ yếu bày các loài cây thủy sinh, đựng trong các bình thủy tinh trong suốt, cao thấp đan xen. Chiếc bàn và tủ sách gần cửa sổ là của IKEA(4), nhìn là biết cô ấy mới mua.

(4) IKEA: Một thương hiệu đồ nội thất nổi tiếng thế giới, có xuất xứ từ Thụy Điển.

Nền nhà được lát bằng gạch sứ, dưới tràng kỷ được trải thảm vuông, xóa đi vẻ lạnh lẽo của gạch sứ. Ấm trà làm bằng ống tre, hai chiếc cốc nhỏ màu xanh nhạt cũng được làm bằng ống tre nhỏ, tất cả được đặt trong khay chén, Phùng Hy ngẩng đầu nhìn Mạnh Thời cười: “Anh uống trà đi!”.

Nụ cười của cô và hương trà quyện lẫn vào nhau, Mạnh Thời thấy hơi lâng lâng. Nhấp một ngụm trà, Mạnh Thời liền cười: “Trà Phổ Nhĩ giảm béo”.

“Hi hi, đúng vậy”. Phùng Hy nhấp một ngụm trà, hỏi với vẻ tò mò: “Anh học ngành giám định đồ cổ, tại sao lại đi làm việc ở trung tâm thể dục thẩm mỹ?”.

“Giám định đồ cổ là sở thích, còn đi làm ở trung tâm thể dục thẩm mỹ là vì kế sinh nhai. Còn cô, cô học ngành gì vậy? Để tôi đoán nhé, văn học? Thiết kế khuôn viên? Nghệ thuật?”, Mạnh Thời nói ra những dự đoán của mình.

Phùng Hy liền cười, “Tôi học ngành tự nhiên, điện khí tự động hóa. Cũng giống như anh, đó là sở thích của tôi, còn điện khí tự động hóa là vì kế sinh nhai”.

Mạnh Thời sững người, bật cười: “Đúng đúng, vì kế sinh nhai, không được ham chơi đãng tính”.

“Sai rồi, câu nói này không thích hợp với tôi. Tôi không học ngành giám định đồ cổ”. Phùng Hy sửa sai cho Mạnh Thời với vẻ rất nghiêm túc, hai chữ “đồ cổ” được nhấn rất mạnh.

Mạnh Thời lại bật cười, chỉ bức tranh chữ trên bàn học: “Không ngờ cô lại có nhiều sở thích đến vậy. Hiện giờ rất ít người viết được chữ đẹp, bàn phím máy tính đã thay thế bút”.

“Hồi nhỏ bị ép phải viết. Bố tôi cầm chiếc chổi lông gà ngồi cạnh tôi theo dõi tôi luyện chữ, đến giờ tôi lại thấy viết chữ là phương pháp tốt để dưỡng tâm”. Phùng Hy nhìn đám chữ trên bàn học mỉm cười. Điền Đại Vĩ chưa bao giờ khen chữ cô, cô đi làm ăn ở ngoài, về nhà lại phải làm việc nhà, thời gian được tĩnh tâm viết chữ không nhiều. “Mấy năm rồi không viết. Không ngờ, hôm nay giở bút mực giấy nghiên ra, lại phát hiện ra mua được một cái nghiên cổ đáng giá vài nghìn”.

Mạnh Thời nổi hứng, đặt cốc trà xuống nói: “Tôi có thể dùng nghiên cổ của cô được không?”

Phùng Hy liền hỏi: “Anh cũng viết bút lông à?”.

“Có biết một chút”. Mạnh Thời cố làm ra vẻ khiêm tốn, điềm đạm như Kim Thành Vũ trong bộ phim Xích Bích, khiến Phùng Hy bật cười.

Cô lấy ra một chén nước nhỏ, đổ một ít vào nghiên, lấy thanh mực mài đều. Mùi mực thoang thoảng, Phùng Hy mài từng vòng một, tinh thần rất tập trung.

Ánh sáng màu cam hắt lên trán cô, má cô, trong phòng chỉ nghe thấy tiếng mài mực. Mạnh Thời đứng rất gần, anh nhìn thấy rất rõ, nhìn thấy cả vẻ cười cười trên khóe môi cô. Đột nhiên anh thấy Phùng Hy giống như các loài cây thủy sinh ở đây, trong sáng lung linh.

“Được rồi”.

Mạnh Thời quay về với thực tại, anh cầm bút rửa trong nước, theo chiều ngòi bút, chấm đầy mực, khẽ trầm tư, viết xuống giấy một câu từ: “Bích đào thiên thượng tài hòa lộ, bất thị phàm hoa sổ. Loạn sơn thâm xứ thủy vinh hồi, khả tích nhất chi như họa, vi thùy khai?(5)”.

(5) Bài từ Ngu mỹ nhân của nhà thơ Tần Quán (1049-1100) - một tác gia nổi tiếng thời Bắc Tống.

Dịch nghĩa: Bích đào vốn trồng trên thượng giới, không phải là loài hoa bình thường. Nhưng giờ lại nở ở chốn rừng sâu núi thẳm, không biết cành hoa như họa ấy nở vì ai? (BTV).

Mạnh Thời đặt bút xuống, nhìn Phùng Hy cười nói: “Chữ tôi viết hơi thanh, không hào phóng như nét bút của cô”.

“Cô đang nghĩ tới hình ảnh nàng Lạc Thần trong bài Lạc Thần phú của Tào Thực, chỉ ước mình được mình hạc sương mai như thế”.

“Gầy quá cũng không tốt”. Nói xong Mạnh Thời cười cười, “Tôi sẽ tặng cô mấy quyển luyện chữ hay lắm, có gì tôi sẽ đưa cô ngay”.

Phùng Hy nghĩ một lát, nói: “Ngày mai tôi định đi Hàng Châu du lịch, đợi sau khi tôi về nhé?”

Cặp lông mày của Mạnh Thời khẽ nhếch lên, hỏi: “Vậy à? Đi công tác à?”

“Không, tôi đi chơi”.

Mạnh Thời liền cười đáp: “Tôi có người bạn ở Hàng Châu, có cần tôi đặt phòng giúp cô không?”

“Đăng ký qua mạng rất thuận tiện, tôi đã đặt rồi. Trên đường Nam Sơn, rất gần Tây Hồ.

“Ngày mai cô đi rồi, thôi nghỉ ngơi sớm chút đi”. Mạnh Thời lịch sự cáo từ.

Phùng Hy nhìn câu từ của Mạnh Thời trên bàn, chỉ có nửa bài. Cô mở máy tính ra và tìm trên trang Baidu, đây là bài Ngu mỹ nhân của Tần Quán. Nửa bài còn lại là: “Khinh hàn tế vũ tình hà hạn, bất đạo xuân nán quản. Vi quân trầm túy hữu hà phương, chỉ phạ tửu tỉnh thời hậu, đoạn nhân tràng”(6). Cô đọc đi đọc lại mấy lần liền, cười đau khổ, Mạnh Thời khuyên mình đừng say rượu vì tình ư? Làm sao anh có thể hiểu được tâm trạng của một người phụ nữ đã ly hôn bị chồng cũ chà đạp sỉ nhục? Chỉ có điều, cô sẽ không bao giờ để mình buông thả say rượu nữa, đầu sẽ đau, cơ thể sẽ không thể chịu nổi.

(6) Dịch nghĩa: Rét mướt mưa bay tình vô hạn, chớ nói xuân khó màng, vì chàng thiếp say đâu có sao, chỉ sợ đến khi tỉnh rượu, lại tan nát cõi lòng (BTV).

Lúc này đây Mạnh Thời đang đứng thất thần dưới tầng. Ánh đèn đường mờ mờ hắt xuống mặt anh, trong đôi mắt thanh tú toát lên một vẻ tư lự. Anh nghĩ, anh đã bị các loài cây và mùi vị gia đình toát ra từ những đồ vật nhỏ trong nhà của Phùng Hy làm cho cảm động. Mùi của nước hoa, mùi của các loại cây, hương trà, mùi của giấy mực. Cô giống như một cuốn sách có nội dung phong phú, mỗi khi lật sang trang mới lại có những nội dung khác nhau. Vẻ bướng bỉnh trong lần gặp đầu tiên, vẻ nhếch nhác mà bảo vệ Trương kể lúc cô say rượu, vẻ điềm đạm trầm tĩnh khi luyện thư pháp ở nhà… Anh ngẩng đầu lên nhìn cửa sổ phòng Phùng Hy, lẩm bẩm: “Hàng Châu là một nơi đẹp, nếu không có thành tâm thì đừng đến làm phiền”.

Trên trời có thiên đàng, dưới đất có Tô Hàng. Hàng Châu là một thành phố đẹp. Hàng Châu trong tháng tư khiến Phùng Hy như được thư thả tâm hồn dưới màn mưa lất phất.

Phùng Hy rất thích những thành phố có cà phê. Qua cà phê, cô được nhìn thấy những tòa nhà cao tầng ở Thượng Hải, biển ở Thanh Đảo, ngõ nhỏ của Lệ Giang, Tây Hồ ở Hàng Châu. Hương thơm của cà phê khiến cô ngây ngất.

Cô chỉ đi du lịch một mình, chỉ đi đến những nơi có điều kiện tốt. Phùng Hy cho rằng, đây là một sự hưởng thụ. Còn cùng bạn bè đem theo lều bạt lên núi về nông thôn, đó lại là một thú vui khác.

Những đồ vật nhỏ mà cô thích bao gồm thu thập các cốc cà phê, thìa pha cà phê, mua các loại hạt cà phê ở các khu vực khác nhau. Ngoài cà phê, cô còn thích trà. Dĩ nhiên là bao gồm các loại ấm trà, cốc trà, mua các loại trà khác nhau.

Hàng Châu, vừa có cà phê vừa có trà.

Ngồi trong quán cà phê trên đường Nam Sơn, cuộn mình trên chiếc ghế sofa nhung, cà phê đen không pha thêm sữa tỏa ra một mùi hương thuần khiết, phía xa là Tây Hồ mờ ảo. Phùng Hy tiện tay đặt quyển tạp chí lên mặt, che đi đôi mắt đang khép hờ của cô.

Buổi trưa, tiếng nhạc không được thư giãn, giọng hát buồn của Giang Mỹ Kỳ(7) vang lên: “Anh yêu dấu, tại sao anh không ở bên em…”.

(7) Ca sĩ nổi tiếng Đài Loan (BTV).

Ta không có anh yêu dấu, Phùng Hy thầm nghĩ, cô bật cười. Cô bỏ quyển tạp chí xuống, liếc nhìn túi đường, vị ngọt ngào hiện lên trong đầu cô. Mùi hương cũng có ký ức, giảm béo kỵ nhất là hồi tưởng về các món ăn ngon, những ký ức này sẽ là một sự thách thức lớn đối với cô.

Buổi sáng Phùng Hy uống một hộp sữa chua, ăn một quả táo, bụng đã đói meo từ lâu. Cô thở dài, uống một ngụm cà phê đã có phần hơi nguội, trả tiền rồi ra về.

Mưa lất phất, không ướt người, giống như vẻ khoan khoái nhẹ nhàng mà sương mù mang tới. Tây Hồ đã hiện ra trước mắt, Phùng Hy đứng bên cầu Đoạn suy nghĩ mông lung.

Liễu bay phất phơ. Cô đi dọc theo bờ đê Bạch, trời đã xẩm tối, khách du lịch cũng ít dần. Phùng Hy đứng trên đê Bạch lặng lẽ ngắm nhìn Tây Hồ, những năm tháng trong quá khứ tựa như một bộ phim cũ đang chiếu chầm chậm. Trước đây cô chưa bao giờ lên kế hoạch cho cuộc đời của mình, học đại học, tốt nghiệp, đi làm, yêu, kết hôn, rất tự nhiên. Trong bảy năm đó, cô luôn luôn phải xoay quanh Điền Đại Vĩ, giống như một vệ tinh trung thành, quỹ đạo không bao giờ thay đổi.

Đến ngày hôm nay, Phùng Hy nghĩ với vẻ nuối tiếc, tại sao mãi cho đến sau khi ly hôn, cô mới phát hiện ra cái lợi của việc tự mình làm chủ cuộc sống của mình?

Trời tối dần, cảnh vật phía xa đã trở nên mờ ảo. Phùng Hy lấy máy ảnh ra nhanh chóng chụp hết một cuộn phim, rồi cô cẩn thận lấy vải mềm thấm hết lớp sương trên máy ảnh.

Thân máy ảnh hiệu Hải Âu, ống kính hiệu Nikon, cô mua khi còn đang học môn nhiếp ảnh tự chọn thời đại học, sau khi tốt nghiệp lại bỏ không, suýt nữa thì cô quên cách chỉnh sáng rồi. Cả một cuộn phim chụp được ba mươi tám kiểu, cô chỉ chọn lấy năm cảnh, về nhà rửa ra là có thể đối chiếu độ sáng.

Cô lựa chọn môn nhiếp ảnh ở trường, hoàn toàn là do Phụ Minh Ý thích chụp ảnh. Hai người cùng đi chụp ảnh, quay về lại cùng trốn trong phòng tối bận rộn thâu đêm. Nhìn những thước phim mình chụp được rửa ra, cô vừa cảm thấy tự hào vừa thấy hạnh phúc.

Phụ Minh Ý thường xuyên chụp ảnh cô, vô tình đưa cô vào ống kính. Anh thường cười nói: “Hy Hy, nhìn này, anh chụp em đẹp thế chứ, em chẳng bao giờ chụp anh cả”.

Kỹ thuật chụp ảnh của cô mãi mãi không bao giờ có thể đuổi kịp Phụ Minh Ý, nhưng cô chỉ tận hưởng quá trình được ở bên anh. Có người coi trọng kết quả cuối cùng, còn cô, cô chỉ coi trọng quá trình mà thôi. Đối với Phùng Hy, chụp ảnh xấu hay đẹp không quan trọng, niềm vui và niềm hạnh phúc trong lúc chụp mới là quan trọng nhất.

Có lần đi chơi với Điền Đại Vĩ, cô đã mang theo chiếc máy ảnh này, khóa mình trong nhà vệ sinh bận rộn cả một ngày. Điền Đại Vĩ chỉ nói một câu: “Chụp ảnh là trò đốt tiền, những ảnh em chụp cũng chẳng giật được giải nhiếp ảnh gì đâu, chỉ lãng phí phim mà thôi, có gì thú vị chứ?”.

Nghe thấy vậy Phùng Hy cũng cảm thấy mất hứng, cất máy ảnh ở nhà chẳng lấy ra dùng lần nào nữa.

Nếu như một người nào đó làm quá nhiều điều trái ngược với bản tính của mình để chiều theo ý người khác thì chắc chắn họ sẽ không thể có niềm vui thực sự. Giống như câu nói của Vu Đan(8) trong chương trình Cuộc đời nghệ thuật mà cô xem trên ti vi, tìm một người thích hợp với mình là tốt nhất.

(8) Vu Đan: Phó Viện trưởng Học Viện Nghệ thuật và Truyền thông, Đại học sư phạm Bắc Kinh, thạc sĩ văn học cổ đại Trung Quốc, tiến sĩ văn học... Bà có các tác phẩm tiêu biểu như “Luận ngữ tâm đắc”, “Trang tử tâm đắc”... Chương trình “Cuộc đời nghệ thuật” của bà được đông đảo khán giả truyền hình mến mộ.

Ly hôn đã làm cô thay đổi quá nhiều, cô muốn tìm lại tất cả những sở thích của mình trước kia, để chúng làm cho cô trở nên bận rộn. Phùng Hy buồn bã nghĩ, có lẽ, chỉ có cách không ngừng làm cho cuộc sống trở nên phong phú, cô mới không có thời gian để nghĩ về quá khứ buồn.

Đeo ba lô đựng máy ảnh đi xuống bờ đê, Phùng Hy ngần ngừ một lúc, cô vẫn không bắt taxi. Cô quyết định đi bộ về khách sạn trên đường Nam Sơn.

Mưa bắt đầu hắt ướt lên mặt. Trời đã biến thành màu xám tro, Tây Hồ trong màn đêm lại mang một dáng vẻ khác. Trong bóng tối của những lùm cây là những ánh đèn nhấp nhánh như đèn đom đóm. Tiếng nhạc, tiếng cười, tiếng phòng trà, tiếng quán cà phê văng vẳng đâu đây dưới ánh đèn huyền ảo.