Cái ghế trống - Phần IV - Chương 39 - 40

CHƯƠNG BA MƯƠI CHÍN

Thom sẽ sống.

Bác sĩ Phòng Cấp cứu của Trung tâm Y khoa Đại học Tổng hợp Bắc Carolina ở Avery đã nói vắn tắt: “Viên đạn ấy à? Nó vào rồi lại đi ra. Không chạm đến các bộ phận quan trọng. Tuy nhiên anh ta sẽ phải nghỉ làm một hoặc hai tháng.”

Ben Kerr đã tình nguyện nghỉ học và lưu lại Tanner’s Corner vài ngày để hỗ trợ Rhyme. Anh chàng to béo cáu kỉnh: “Ông đâu thực sự xứng đáng được tôi giúp đỡ, Lincoln. Ý tôi là, khỉ gió thật, ông thậm chí chẳng buồn tự mình đứng lên bao giờ.”

Vẫn chưa hoàn toàn thoải mái khi đùa cợt một người què quặt, Ben liếc nhanh sang Rhyme xem liệu kiểu trêu chọc này có quá trớn không. Chính vẻ nhăn nhó khó chịu của nhà hình sự học khẳng định rằng nó vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Nhưng Rhyme cũng nói thêm là, tuy anh đánh giá cao lời đề nghị giúp đỡ đó. Săn sóc và cho một người liệt tứ chi ăn là công việc làm cả ngày, đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế. Lại hầu như không được cảm ơn - nếu bệnh nhân là Lincoln Rhyme. Và vì thế mà Tiến sĩ Cheryl Weaver đang thu xếp để một điều dưỡng viên chuyên nghiệp ở trung tâm y khoa đến giúp đỡ Rhyme.

“Nhưng cứ ở loanh quanh đây Ben,” anh nói. “Tôi vẫn có thể cần cậu. Hầu hết các phụ tá không ai làm được quá vài ngày.”

Vụ việc rất bất lợi đối với Amelia Sachs. Các bước điều tra đã chứng tỏ rằng viên đạn giết chết Jesse Corn được bắn ra từ súng của cô và tuy Ned Spoto chết rồi, Lucy Kerr đã có lời khai trình bày lại những gì Ned nói với cô về sự kiện ấy. McGuire đã tuyên bố là ông ta sẽ đòi kết tội tử hình. Cả thị trấn từng yêu mến anh chàng Jesse Corn tốt bụng và anh đã thiệt mạng trong lúc cố gắng bắt giữ Thằng Bọ, dấy lên dư luận mạnh mẽ đòi hỏi án tử hình.

Jim Bell phối hợp với cảnh sát bang đã xem xét nguyên nhân tại sao Culbeau cùng đồng bọn lại tấn công Rhyme và các cảnh sát. Một điều tra viên từ Raleigh tìm thấy hàng chục ngàn đô la tiền mặt giấu tại nhà chúng. “Rượu lậu thì không thể nào mang lại nhiều tiền như vậy được,” viên thám tử này nói. Rồi người ta nhớ tới ý kiến của Mary Beth: “Ngôi nhà gỗ hẳn ở gần một khu vực trồng cần sa - ba gã kia có lẽ đang câu kết với hai gã đã tấn công Mary Beth. Garrett hẳn đã tình cờ phát hiện ra hoạt động của chúng.”

Bây giờ, ngày hôm sau cái ngày xảy ra những sự kiện kinh khủng ở ngôi nhà gỗ vốn là xưởng chưng cất rượu lậu, Rhyme ngồi trên chiếc Storm Arrow - động cơ vẫn chạy được mặc dù bị đạn xuyên thủng một lỗ - trong la-bô tạm thời, đợi người phụ tá mới. Anh đang rầu rĩ nghĩ về số phận của Sachs thì một bóng người xuất hiện ở ngưỡng cửa.

Anh ngẩng nhìn và trông thấy Mary Beth McConnell. Cô bước vào phòng. “Ông Rhyme.”

Anh để ý thấy Mary Beth mới xinh đẹp làm sao, ánh mắt mới tự tin làm sao, và nụ cười chỉ chực nở. Anh hiểu Garrett Hanlon đã bị cô cuốn hút biết bao. “Đầu cô thế nào rồi? Anh hất đầu chỉ chỗ thái dương cô bị băng bó.

“Tôi sẽ có một vết sẹo khá ấn tượng đấy. Tôi nghĩ là tôi sẽ không xước hẳn tóc ra đằng sau nữa. Nhưng không có tổn thương gì nghiêm trọng.”

Giống như tất cả những người khác, Rhyme cảm thấy nhẹ nhõm khi biết rằng thực tế Mary Beth chưa bị Garrett cưỡng hiếp. Gã đã nói đúng sự thật về tờ khăn giấy thấm máu: Lúc ở dưới tầng hầm của ngôi nhà gỗ, Garrett khiến cô giật mình và vội vã đứng lên, đập đầu vào một cái xà thấp. Gã hiển nhiên là bị kích thích, quả có vậy, nhưng đây chỉ vì các hoóc môn của tuổi mười sáu, và Garrett chưa hề động chạm đến cô ngoài việc thận trọng bế cô lên gác, lau vết thương và băng bó lại. Gã hết lời xin lỗi vì cô bị đau.

Cô gái lúc này bảo Rhyme: “Tôi chỉ muốn cảm ơn ông. Tôi không biết tôi sẽ làm gì nếu không có ông. Tôi xin lỗi về chuyện bạn ông, cô cảnh sát ấy. Nếu không nhờ cô ây thì bây giờ tôi chết rồi, tôi chắc chắn như thế. Hai gã đàn ông đó đang định… chà, ông có thể hình dung ra. Hãy cảm ơn cô ấy hộ tôi.”

“Tôi sẽ nói.” Rồi Rhyme hỏi: “Cô làm ơn trả lời một chuyện được không?”

“Chuyện gì?”

“Tôi biết cô đã cung cấp lời khai làm chứng với Jim Bell, nhưng tôi chỉ biết về những gì xảy ra tại Bến tàu kênh Nước đen thông qua các chứng cứ. Và một số chứng cứ không được rõ ràng. Liệu cô có thể kể lại cho tôi nghe?”

“Tất nhiên… Tôi đang ở dưới bờ sông, phủi đất cát khỏi những di vật tôi phát hiện được. Tôi ngẩng nhìn và trông thấy Garrett. Tôi rất bực bội. Tôi chẳng muốn bị quấy rầy. Bất cứ khi nào trông thấy tôi hắn cũng xán ngay lại và bắt đầu trò chuyện y như chúng tôi là bạn thân không bằng.

Buổi sáng hôm ấy hắn ở trong tâm trạng kích động. Hắn nói những câu đại loại như: ‘Chị đáng lẽ không nên đến đây một mình, nguy hiểm lắm, nhiều người đã chết tại Bến tàu kênh Nước đen.’ Những câu đại loại vậy. Hắn khiến tôi nổi khùng. Tôi bảo hắn để tôi yên. Tôi phải làm việc. Hắn tóm tay tôi và cố gắng kéo tôi rời khỏi đấy. Rồi Billy Stail từ rừng đi ra, cậu ta quát: ‘Đồ con hoang’ hay cái gì đó và bắt đầu đánh Garrett bằng xẻng, nhưng gã giật lấy xẻng từ tay Billy, đập chết cậu ta. Sau đó, gã lại tóm tay tôi bắt buộc tôi trèo vào thuyền và đưa tôi tới ngôi nhà gỗ. “

“Garrett đã rình rập cô bao lâu rồi?”

Mary Beth cười to. “Rình rập? Không, không, ông đã nói chuyện với mẹ tôi, tôi cuộc là thế. Sáu tháng trước, tôi vào trung tâm thị trấn và trông thấy mấy đứa bạn cùng trường hắn đang xử lý hắn. Tôi đuổi mấy đứa đi. Việc đó khiến tôi trở thành bạn gái hắn, tôi nghĩ thế. Hắn bám theo tôi khắp nơi nhưng tất cả chỉ vậy thôi. Kiểu như ngưỡng mộ tôi từ xa. Tôi từng chắc chắn rằng hắn vô hại.” Nụ cười của cô gái tắt dần. “Cho tới hôm vừa rồi.” Mary Beth liếc nhìn đồng hồ đeo tay. “Tôi phải đi. Nhưng tôi muốn hỏi ông - lý do thứ hai để tôi tới đây - là nếu ông không cần sử dụng làm chứng cứ nữa, liệu tôi có thể lấy chỗ xương còn lại không?”

Rhyme, ánh mắt lúc bây giờ đang đăm đăm nhìn ra qua cửa sổ khi những ý nghĩ về Amelia Sachs lén lút quay lại đầu óc anh, chậm chạp quay sang Mary Beth.

“Xương nào?” anh hỏi.

“Ở Bến tàu kênh Nước đen ấy? Nơi Garrett bắt cóc tôi ấy?”

Rhyme lắc đầu. “Cô muốn nói điều gì vậy?”

Mary Beth nhăn mặt lo lắng. “Chỗ xương - những di vật tôi đã tìm thấy. Tôi đang đào nốt thì Garrett bắt cóc tôi. Chúng rất quan trọng… Ông không có ý bảo là chúng bị thất lạc đấy chứ?”

“Chẳng ai thu được cái xương nào tại hiện trường vụ án cả,” Rhyme nói. “Báo cáo chứng cứ không hề đề cập tới.”

Mary Beth lắc đầu. “Không, không… Chúng không thể mất được!”

“Xương kiểu gì?”

“Tôi đã tìm thấy một số hài cốt của Những Người Thực Dân Biến Mất ở Roanoke. Từ cuối thế kỷ XVI.”

Kiến thức lịch sử của Rhyme hầu như chỉ hạn chế ở thành phố New York. “Vấn đề này không quen thuộc lắm đối với tôi.”

Tuy nhiên, khi Mary Beth trình bày về những người tới định cư trên đảo Roanoke thuở xa xưa và việc họ biến mất, anh gật đầu. “Tôi có nhớ ra gì đó từ hồi học phổ thông. Tại sao cô cho rằng đó là hài cốt của họ?”

“Những cái xương hết sức lâu đời rồi, đã mục, và chúng không ở trong một khu vực chôn cất của những người Algonquin cũng không ở trong một nghĩa địa của những người thực dân. Chúng chỉ được vùi xuống đất mà không có bất cứ sự đánh dấu nào. Đây là cách đặc trưng các chiến binh hay làm đối với xác kẻ thù. Đây…” Mary Beth mở ba lô. “Tôi đã gói được vài cái trước khi Garrett đưa tôi đi.” Cô nhấc vài cái xương đang gói trong giấy bóng bọc thực phẩm ra, chúng đen sì và mục nát. Rhyme nhận ra một cái xương quay, một mảnh xương bả vai, một đoạn xương đùi và một cái xương chậu.

“Còn cả chục cái nữa,” Mary Beth nói. “Đây là một trong những phát hiện lớn nhất lịch sử nước Mỹ. Chúng rất có giá trị. Tôi phải tìm lại chúng.”

Rhyme đăm đăm nhìn cái xương quay - một trong hai xương cẳng tay. Lát sau, anh ngẩng lên.

“Cô có thể đi ngược dãy hành lang đến văn phòng Cảnh sát trưởng được không? Hỏi Lucy Kerr và bảo cô ấy xuống đây một phút.”

“Về việc những cái xương à?” Mary Beth hỏi.

“Có thể.”

Đó là câu mà cha Amella Sachs hay nói: “Khi ta di chuyển, chúng không thể bắt được ta.”

Câu này có nhiều ý nghĩa. Nhưng trên hết nó là lời khẳng định triết lý chung của hai người, cha và con gái. Cả hai đều hâm mộ những chiếc xe hơi tốc độ cao, đều say mê công việc của cảnh sát đường phố, sợ hãi những không gian khép kín và những cuộc đời chẳng đi tới đâu.

Nhưng bây giờ thì người ta đã tóm được cô.

Tóm được vĩnh viễn.

Và những chiếc xe quý giá của cô, cuộc đời làm cảnh sát quý giá của cô, cuộc đời của cô với Rhyme, tương lai của cô với những đứa trẻ… tất cả đã bị hủy hoại.

Trong phòng giam, Sachs bị tẩy chay. Những cảnh sát mang thức ăn và cà phê vào cho cô không nói gì với cô cả, chỉ lạnh lùng nhìn cô trừng trừng. Rhyme đang mời một luật sư từ New York bay xuống nhưng, giống như hầu hết các sĩ quan cảnh sát, Sachs cũng thông thạo luật hình sự chẳng kém gì các luật sư. Cô biết rằng, bất kể có thương lượng ra sao giữa một người nhiều kinh nghiệm từ Manhattan đến và ủy viên công tố quận Paquenoke, cuộc đời mà cô từng sống kết thúc rồi. Trái tim cô tê liệt y như cơ thể của Rhyme vậy.

Trên sàn, một con côn trùng cần mẫn bò từ bức tường này sang bức tường khác. Nhiệm vụ của nó là gì? Ăn, ghép đôi, hay tìm chỗ trú ngụ?

Nếu ngày mai tất cả mọi người trên trái đất biến mất, thế giới vẫn tiếp tục tồn tại bình thường. Nhưng nếu côn trùng biến mất thì đời sống sẽ kết thúc nhanh chóng - nói chung, trong vòng một thế hệ. Cây cối sẽ chết hết, rồi tới các con vật, và trái đất sẽ một lần nữa biến thành khối đá tảng khổng lồ.

Cánh cửa dẫn sang văn phòng chính mở toang. Một cảnh sát mà Sachs không nhận ra là ai đứng đó. “Cô có điện thoại.” Anh ta mở cửa phòng giam, còng tay cô và đưa cô tới trước chiếc bàn nhỏ bằng sắt bên trên đặt máy điện thoại. Mẹ cô gọi, cô đồ là thế. Chắc là Rhyme đã gọi cho bà và thông báo với bà tin tức này. Hoặc người bạn thân nhất của cô ở New York, Amy.

Nhưng khi cô nhấc ống nghe lên, đôi còng dày kêu leng keng, cô nghe thấy giọng Rhyme. “Ở đó thế nào hả Sachs? Có mát mẻ không?”

“Không sao,” cô lẩm bẩm.

“Luật sư sẽ tới đây đêm nay. Ông ta giỏi đấy. Ông ta đã làm về luật hình sự hai mươi năm. Ông ta từng cãi trắng án cho một đối tượng vướng vào một vụ đột nhập ăn trộm do anh buộc tội. Em biết là bất cứ ai làm được như thế đều phải giỏi.”

“Rhyme, thôi nào. Tại sao còn mất công? Em là một người từ nơi khác đến đã cướp một tên sát nhân ra khỏi nhà giam và giết chết một cảnh sát địa phương. Tình huống vô vọng hết mức rồi.”

“Chúng ta sẽ nói về vụ của em sau. Anh phải hỏi em một việc khác. Em đã ở hai ngày với Garrett. Em và hắn có nói chuyện gì không?”

“Tất nhiên là có.”

“Chuyện gì?”

“Em không biết nữa. Côn trùng. Rừng, đầm lầy.” Tại sao anh lại hỏi cô những điều này? “Em không nhớ.”

“Anh cần em nhớ ra. Anh cần em kể cho anh nghe tất cả những chuyện hắn đã nói.”

“Tại sao phải mất công, Rhyme?” Sachs nhắc lại.

“Thôi nào, Sachs. Hãy chiều ý một kẻ què quặt già nua, được không?”

CHƯƠNG BỐN MƯƠI

Lincoln Rhyme ngồi một mình trong la-bô tạm thời, đăm đăm nhìn các bảng chứng cứ.

TÌM THẤY TẠI HIỆN TRƯỜNG TRỰC TIẾP - BẾN TÀU KÊNH NƯỚC ĐEN

Khăn giấy Kleenex thấm máu

Bụi đá vôi

Nitrate

Phốt phát

Ammonia

Chất tẩy

Camphone

***

TÌM THẤY TẠI HIỆN TRƯỜNC GIÁN TIẾP PHÒNG RIÊNG CỦA GARRETT

Xạ chồn hôi

Lá thông bị cắt rời khỏi cành

Các bức vẽ côn trùng

Ảnh chụp gia đình

Ảnh chụp Mary Beth

Các sách về côn trùng

Dây câu

Tiền

Chìa khóa chưa xác định

Dầu hỏa

Ammonia

Nitrate

Camphene

TÌM THẤY TẠI HIỆN TRƯỜNG GIÁN TIẾP - MỎ ĐÁ

Túi vải bao bì cũ - Không đọc được tên in bên trên

Ngô - Thức ăn chăn nuôi?

Muội than trên túi

Nước đóng chai nhãn hiệu Deer Park

Bích quy phó mát nhãn hiệu Planters

TÌM THẤY TẠI HIỆN TRƯỜNG GIÁN TIẾP - CỐI XAY

Sơn nâu dây trên quần

Cây gọng vó

Đất sét

Rêu nước

Nước trái cây

Sợi giấy

Viên chua làm mồi câu

Đường

Camphene

Chất cồn

Dầu hỏa

Men nở

Rồi Rhyme nghiên cứu tấm bản đồ, ánh mắt lần theo dòng chảy của sông Paquenoke kể từ lúc nó khởi nguồn từ đầm lầy Sầu Thảm rồi đi qua Bến tàu kênh Nước đen và uốn khúc về phía tây.

Có một chỗ gồ lên trên mặt giấy cứng của tấm bản đồ - một nếp gấp khiến người ta cứ muốn vuốt cho nó phẳng.

Đó là cuộc đời mình trong mấy năm qua, Lincoln Rhyme tự nhủ thầm: những chỗ ngứa không thể gãi được.

Có thể, mình sẽ sớm làm được việc ấy. Sau khi Tiến sĩ Weaver cắt ra, khâu lại và nhét đầy vào mình các tế bào non trẻ và kỳ diệu của cá mập… Có thể khi đó mình sẽ đưa được bàn tay trên những tấm bản đồ giống như tấm bản đồ này, vuốt phẳng một nếp gấp.

Một động tác vô ích, không cần thiết, thực sự là vậy. Nhưng là một chiến thắng mới huy hoàng làm sao.

Có tiếng bước chân. Đi giày cao cổ, Rhyme suy luận qua âm thanh. Với gót da cứng. Khoảng cách giữa các bước chân cho thấy đây phải là một người đàn ông cao lớn. Anh hy vọng đây là Jim Bell và đúng là anh ta thật.

Thận trọng thổi vào ống điều khiển, Rhyme quay khỏi bức tường.

“Lincoln,” viên cảnh sát trưởng hỏi. “Có chuyện gì vậy? Nathan báo có chuyện khẩn cấp.”

“Vào đi. Đóng cánh cửa lại. Nhưng trước hết - có ai ngoài hành lang không?”

Bell thoáng mỉm cười trước vẻ bí mật này và nhìn ra bên ngoài. “Không có ai.”

Rhyme tự nhủ rằng nếu là ông anh họ của nhân vật này, Roland, thì anh ta sẽ còn thêm một câu thành ngữ miền Nam nào đấy. “Yên ắng như nhà thờ vào ngày lĩnh lương” là câu anh nghe thấy anh chàng Bell người miền Bắc thi thoảng dùng.

Viên cảnh sát trưởng đẩy cho cánh cửa đóng lại rồi bước tới bên bàn, đứng dựa vào đấy, khoanh hai tay. Rhyme hơi quay đi và tiếp tục nghiên cứu tấm bản đồ khu vực. “Tấm bản đồ của chúng ta không kéo dài về phía bắc và phía tây đủ để thể hiện được kênh đào đầm lầy Sầu Thảm, đúng không?”

“Cái kênh đào đấy ấy à? Không nó không thể hiện.”

Rhyme hỏi: “Anh biết nhiều về nó chứ?”

“Không nhiều lắm,” Bell đáp một cách tôn trọng. Anh ta mới biết Rhyme một thời gian ngắn nhưng hẳn đã cảm nhận được khi nào thì phải tỏ ra trung thực.

Tôi đang làm một nghiên cứu nhỏ,” Rhyme nói, hất đầu chỉ chiếc điện thoại. “Kênh đào đầm lầy Sầu Thảm là một bộ phận của chuyến hàng hải nội địa. Anh biết là anh có thể đi thuyền suốt từ Norfolk, Virginia, xuôi xuống Miami mà chẳng cần ra ngoài biển?”

“Tất nhiên. Mọi người ở Carolina đều biết tuyến hàng hải nội địa ấy. Tôi chưa bao giờ đi theo tuyến này. Tôi không thích ngồi tàu bè lắm. Xem phim Titanic tôi còn bị say sóng.”

“Đã mất mười hai năm để tạo nên hệ thống kênh đào này. Nó kéo dài hai mươi hai dặm. Đào hoàn toàn bằng tay. Thật đáng kinh ngạc, anh có nghĩ thế không? Thư giãn nào, Jim. Chuyện này là có ý của nó. Tôi xin cam đoan với anh. Hãy nhìn cái đường bền trên kia, cái đường giữa Tanner’s Corner và sông Paquenoke. Từ ô G-11 sang ô G-10.”

“Anh muốn nói con kênh đào của chúng tôi ấy à? Kênh Nước đen ấy à?”

“Đúng thế. Bây giờ, một chiếc thuyền có thể đi ngược theo đó vào sông Paquo rồi vào đầm lầy Sầu Thảm và…”

Tiếng bước chân đến gần nghe không rõ ràng bằng nửa tiếng bước chân của Bell lúc trước, vì cánh cửa đang đóng, và có chút cảnh báo trước khi cánh cửa được đẩy ra. Rhyme ngừng nói.

Mason Germain đứng ở ngưỡng cửa. Anh ta liếc nhìn Rhyme rồi liếc nhìn sếp mình, nói: “Tôi băn khoăn không biết anh đi đâu, Jim. Chúng ta phải gọi điện cho Elizabeth City. Đại úy Dexter có vài câu hỏi về việc xảy ra ở xưởng chưng cất rượu lậu cũ.”

“Tôi chỉ đang nói chuyện với Rhyme. Chúng tôi đang nói tới…”

Nhưng Rhyme vội vã ngắt lời Bell: “Này, Mason, tôi tự hỏi liệu anh có thể dành cho chúng tôi ít phút riêng tư ở đây được không?”

Mason liếc nhìn từ người này sang người kia. Anh ta chậm chạp gật đầu. “Họ đang muốn trao đổi với anh sớm đấy, Jim ạ.” Anh ta đi khỏi trước khi Bell kịp đáp lại gì.

“Anh ta đi chưa?” Rhyme hỏi.

Một lần nữa, Bell liếc nhìn xuôi theo dãy hành lang rồi gật đầu. “Tất cả chuyện này là gì, Lincoln?”

“Anh có thể kiểm tra cửa sổ được không? Để đảm bảo rằng Mason đã đi khỏi? Ồ, và tôi muốn đóng cánh cửa lại.”

Bell đóng cánh cửa. Rồi anh ta bước tới chỗ cửa sổ và nhìn ra. “Ờ. Anh ta đã ra phố. Lý do của tất cả chuyện này…?” Anh ta giơ hai bàn tay lên để hoàn tất nốt ý nghĩ.

“Anh biết về Mason đến mức độ nào?”

“Cũng như hầu hết các nhân viên của tôi thôi. Vì sao anh lại hỏi câu ấy?”

“Vì hắn đã sát hại gia đình Garrett Hanlon.”

“Cái gì?” Bell đã nở nụ cười nhưng nụ cười nhanh chóng biến mất. “Mason ấy à?”

“Mason,” Rhyme nói.

“Nhưng tại sao lại có thể thế được?”

“Vì Henry Davett trả tiền cho hắn.”

“Hẵng hượm,” Bell nói. “Tôi đang chậm hơn anh mất mấy nhịp.”

“Tôi chưa thể chứng minh được. Nhưng tôi chắc chắn.”

“Henry ấy à? Ông ta có dính dáng như thế nào?”

Rhyme nói: “Tất cả liên quan tới kênh Nước đen.” Anh sa vào cái giọng giảng bài của mình, mắt không rời tấm bản đồ. “Này nhé, mục đích của việc đào các con kênh vào hồi thế kỷ XVIII là để tạo ra các tuyến giao thông đáng tin cậy vì đường bộ xấu quá. Nhưng khi đường bộ và đường sắt tốt lên, những người vận chuyển không sử dụng đường thủy nữa.”

“Anh tìm thấy tất cả các thông tin này từ đâu vậy?”

“Hiệp hội Lịch sử ở Raleigh. Tôi đã trò chuyện với một phụ nữ duyên dáng, bà Julie DeVere. Theo bà ấy thì kênh Nước đen đã đóng cửa ngay sau cuộc Nội chiến. Nó đã không được sử dụng trong một trăm ba mươi năm. Cho tới thời gian Henry Davett bắt đầu lại sử dụng nó để chạy xà lan.”

Bell gật đầu. “Đó là năm năm trước.”

Rhyme tiếp tục. “Cho tôi hỏi này - anh có bao giờ thắc mắc tại sao Davett lại sử dụng nó?”

Viên cảnh sát trưởng lắc đầu. “Tôi nhớ là một số người chúng tôi từng hơi lo lắng rằng lũ trẻ sẽ cố gắng bơi ra chỗ xà lan và có thể bị thương hay bị chết đuối, nhưng không đứa nào làm vậy và chúng tôi thôi suy nghĩ về việc này. Tuy nhiên bây giờ anh hỏi thì tôi cũng không biết tại sao ông ta lại sử dụng con kênh. Ông ta vẫn có xe tải đi đi lại lại suốt. Chạy xe tải tới Norfolk thì chẳng thành vấn đề gì.”

Rhyme hất đầu chỉ bảng chứng cứ. “Câu trả lời ở ngay kia. Cái dấu vết mà tôi chưa tìm thấy nguồn gốc: camphene.”

“Cái chất để đốt đèn lồng ấy à?”

Rhyme lắc đầu, nhăn mặt. “Không. Tôi đã mắc sai lầm ở chỗ đó. Đúng, camphene từng được sử dụng để đốt đèn lồng. Nhưng nó cũng còn được sử dụng vào mục đích khác nữa. Nó có thể được sử dụng để điều chế toxaphene.”

“Là cái gì vậy?”

“Một trong những loại thuốc trừ sâu nguy hiểm nhất. Nó được sử dụng chủ yếu ở miền Nam - cho tới thập niên tám mươi khi Cơ quan Bảo vệ Môi trường cấm sử dụng nó vào hầu hết các mục đích.” Rhyme tức tối lắc đầu. “Tôi đã cho rằng vì toxaphene đã bị cấm, việc cân nhắc nguồn gốc chất camphene kia theo hướng thuốc trừ sâu là vô ích, và nó chắc chắn phải từ những chiếc đèn lồng cổ. Trừ việc chúng ta chưa hề tìm thấy bất cứ chiếc đèn lồng cổ nào. Đầu óc tôi đã sa vào một lối mòn và chẳng thoát ra được. Không đèn lồng cổ à? Thế thì tôi đáng lẽ đã phải rà theo danh sách và bắt đầu xem xét tới thuốc trừ sâu. Và khi tôi xem xét tới - sáng hôm nay - tôi đã phát hiện được nguồn gốc chất camphene kia.”

Bell gật đầu, đầy hào hứng. “Là từ đâu?”

“Khắp mọi nơi,” Rhyme nói. “Tôi đã đề nghị Lucy lấy mẫu đất và nước xung quanh Tanner’s Corner. Toxaphene có ở khắp mọi nơi - trong nước, trong đất. Tôi đáng lẽ nên chú ý tới chi tiết Sachs nói với tôi hôm trước khi cô ấy đang tham gia tìm kiếm Garrett. Cô ấy trông thấy những khu vực cằn cỗi rộng mênh mông. Cô ấy cho là vì mưa acid, nhưng không phải vậy. Đó là vì toxaphene. Nồng độ toxaphene cao nhất có ở vài dặm xung quanh nhà máy cửa Davett - Bến tàu kênh Nước đen và con kênh. Ông ta đã sản xuất nhựa đường và giấy dầu để che giấu việc sản xuất toxaphene.”

“Nhưng nó bị cấm cơ mà, tôi tưởng anh đã nói như thế.”

“Tôi đã gọi điện cho một người bạn là nhân viên mật vụ FBI và anh ta đã gọi điện cho Cơ quan Bảo vệ Môi trường. Nó không bị cấm hoàn toàn - các chủ trang trại có thể sử dụng nó trong trường hợp cấp bách. Nhưng đây đâu phải lý do để Davett sản xuất hàng triệu tấn. Người nhân viên ở Cơ quan Bảo vệ Môi trường giải thích về cái gọi là ‘vòng quay thuốc độc’.”

“Nghe ghê gớm quá.”

“Đúng thế. Toxaphene quả có bị cấm nhưng lệnh cấm ở Mỹ chỉ là cấm sử dụng. Nó có thể được sản xuất tại đây rồi bán sang các nước khác.”

“Và nó có thể được sử dụng ở các nước khác.”

“Nó được phép sử dụng ở hầu hết các nước Thế giới thứ ba và Mỹ Latin. Cái vòng quay là như thế này: các nước đó phun thuốc trừ sâu lên lương thực thực phẩm và đưa nó trở lại Mỹ. Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Lương thực thực phẩm chỉ thanh tra một tỷ lệ nhỏ rau và trái cây nhập khẩu nên vô khối người ở Mỹ vẫn bị đầu độc, dù toxaphene đã bị cấm.”

Bell cất tiếng cười hoài nghi: “Và Davett không thể vận chuyên nó theo đường bộ vì sẽ không quận nào hay thị trấn nào cho phép việc vận chuyển toxaphene ngang qua. Và nhật ký hành trình trên các xe tải của ông ta sẽ cung cấp thông tin về loại hàng hóa mà xe chuyên chở. Chưa kể đến vấn đề dư luận nếu người ta biết ông ta đang làm gì.”

“Chính xác.” Rhyme gật đầu. “Vì thế ông ta mở lại con kênh để vận chuyển toxaphene qua tuyến hàng hải nội địa tới Norfolk, ở đó nó được đưa lên các tàu nước ngoài. Chỉ có điều nảy sinh một vấn đề - khi con kênh đóng cửa hồi thế kỷ VXIII, đất đai xung quanh đây đã được bán cho các cá nhân. Những người có nhà ngay sát kênh có quyền quản lý việc sử dụng kênh.”

Bell nói: “Thế là Davett đã trả tiền để thuê những đoạn kênh của họ.” Anh ta gật đầu, sực hiểu ra. “Và ông ta hẳn đã trả rất nhiều tiền - hãy xem các ngôi nhà ở Bến tàu kênh Nước đen mới to tát làm sao. Và hãy ngẫm nghĩ về những chiếc xe tải, xe Mercedes, xe Lexus đẹp đẽ mà người ta lái đi xung quanh đây. Nhưng chuyện này thì liên quan gì tới Mason và gia đình Garrett?”

“Đất đai của cha Garrett ở bên bờ kênh. Tuy nhiên, ông ấy không bán quyền sử dụng. Vì thế Davett hoặc ai đó trong công ty ông ta đã thuê Mason thuyết phục cha Garrett bán và khi ông ấy vẫn không bán, Mason lựa lấy mấy đứa rác rưởi người địa phương giúp đỡ hắn sát hại gia đình đó - Culbeau, Tomel và O’Sarian. Rồi tôi phỏng đoán rằng Davett đã hối lộ để người thi hành di chúc bán mảnh đất cho ông ta.”

“Nhưng gia đình Garrett chết trong một tai nạn. Một tai nạn ô tô. Chính tôi đã trông thấy bản báo cáo.”

“Phải chăng Mason là sĩ quan soạn bản báo cáo ấy?”

“Tôi không nhớ, nhưng có thể thế, Bell thừa nhận. Anh ta nhìn Rhyme với nụ cười ngưỡng mộ. “Làm sao mà anh phát hiện ra được chuyện này?”

“Ồ, dễ dàng thôi - vì không bao giờ có sương giá vào tháng Bảy cả. Dù sao thì cũng không có ở Bắc Carolina.”

“Sương giá ấy à?”

“Tôi đã nói chuyện với Amelia. Garrett kể cho cô ấy nghe là vào buổi tối gia đình hắn thiệt mạng, chiếc ô tô bị bám sương giá, còn cha mẹ và em gái hắn thì run cầm cập. Nhưng vụ tai nạn xảy ra vào tháng Bảy. Tôi nhớ đã trông thấy bài báo trong tập hồ sơ - bức ảnh chụp Garrett và gia đình. Hắn mặc áo phông và bức ảnh chụp họ tại một bữa tiệc kỷ niệm ngày mùng Bốn tháng Bảy. Theo bài báo, bức ảnh được chụp trước khi tai nạn xảy ra một tuần.”

“Thế thằng nhãi nói tới cái gì? Sương giá, run cầm cập à?”

“Mason và Culbeau đã sử dụng một ít toxaphene của Davett để sát hại cái gia đình kia. Tôi đã trao đổi với bác sĩ của tôi tại trung tâm y khoa. Chị ấy nói rằng trong những trường hợp bị đầu độc thần kinh cực điểm, hay xuất hiện tình trạng co cơ. Đó là hiện tượng run cầm cập mà Garrett đã trông thấy. Sương giá thì có thể là hơi hoặc cặn hóa chất còn trong xe.”

“Nếu hắn trông thấy tại sao hắn chẳng kể cho ai nghe?”

“Tôi mô tả thằng nhãi với bác sĩ. Và chị ấy nói rằng có vẻ như buổi tối hôm đó hắn cũng bị đầu độc. Chỉ đủ khiến hắn rơi vào tình trạng nhạy cảm đa hóa chất. Mất trí nhớ, tổn thương não, phản ứng dữ dội trước các loại hóa chất khác trong không khí, trong nước. Anh nhớ những lằn đỏ trên da hắn chứ?”

“Tất nhiên.”

“Garrett nghĩ đó là vì lá sồi độc, nhưng không phải vậy. Bác sĩ bảo tôi rằng da nổi ban là một triệu chứng kinh điển của tình trạng nhạy cảm đa hóa chất. Nó khởi phát khi người ta tiếp xúc với những lượng hết sức nhỏ các hóa chất mà bình thường chẳng gây tác hại gì đến ai. Thậm chí xà phòng hay nước hoa cũng làm da nổi ban.”

“Nghe hợp lý đấy,” Bell nói. Rồi, chau mày, anh ta nói thêm: “Nhưng nếu anh không có bằng chứng cụ thể thì tất cả những gì chúng ta đang có chỉ là sự phỏng đoán.”

“Ồ, tôi nên đề cập tới mới phải.” Rhyme chẳng kiềm chế nổi một nụ cười yếu ớt, sự khiêm tốn chưa bao giờ là một phẩm chất mà anh giỏi thể hiện ra bên ngoài. “Tôi có vài bằng chứng cụ thể. Tôi đã phát hiện được xác cha mẹ và em gái Garrett.”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay