Nhiếp chính Ỷ Lan - Chương 1

Chương một

Lại một mùa xuân nữa trôi qua trên đất Thổ Lỗi. Xuân đã qua và cũng qua rồi những ngày hội hè tưng bừng, nhưng lòng Yến1 chưa dứt những rung động thầm kín của tuổi mười tám. Yến đã trở về vơi nương dâu, trở về với việc tằm tang khó nhọc mà tâm hồn còn náo nức với những bài ca quen thuộc của ngày hội vui. Yến thường ôn lại sự tích ly kỳ của chùa Dâu để cho lòng đỡ trống trải, cô đơn.

[1] Tên thực của Ỷ Lan là Lê Thị Yến, quê ở làng Thổ Lỗi, sau đổi là Siêu Loại – Thuận Thành – Hà Bắc, nay thuộc Gia Lâm, Hà Nội.

Thời ấy – Yến nhớ lại – Bên kia sông Thiên Đức2thuộc bờ Bắc, trong chùa Linh Quang có sư Khâu Đà La lập am truyền đạo, bên này sông ở làng Mãn Xá có gia đình Tu Định vừa sinh con gái đầu lòng đặt tên là Man Nương. Ngay từ nhỏ Man Nương đã nổi tiếng xinh đẹp, đoan trang nên ông bà Tu Định yêu quý như báu ngọc. Tu Định vốn rất phục “phép màu” của sư Khâu Đà La nên khi con gái đã lớn, ông bà cho Man Nương thụ giáo Khâu Đà La. Một lần, Khâu Đà La hành pháp trở về thấy Man Nương ngủ ởcửa phòng “vô ý” bước qua. Thế là Man Nương mang thai. Thấy trong người khác lạ, Man Nương lo sợ về thưa thực với cha mẹ, ông bà Tu Định nổi giận tức tốc sang tận nơi Khâu Đà La ở để trách cứ về việc làm vô đạo ấy. Khâu Đà La thanh minh rằng Man Nương có thai là do “người, trời hợp khí”. Khâu Đà La an ủi ông bà Tu Định không nên áy náy, bận tâm vì chuyện ấy. Vì thương cái thai, Man Nương chịu đựng sự dè bỉu, khinh miệt của dân làng. Yến mủi lòng rơm rớm nước mắt, thương cô gái nhẹ dạ, bỗng lâm vào cảnh ngang trái. Mười bốn tháng sau, đúng trưa ngày mồng tám tháng tư, Man Nương sinh con gái. Vừa ra đời đứa trẻ được phủ đầy ánh hào quang rực rỡ. Theo lời cha, Man Nương ôm con đến chùa trao trả cho nhà sư. Khâu Đà La liền mang đứa con đến trước cây Dung thụ già, gõ vào thân cây và đọc kệ. Cây bỗng nẻ toác cho sư đặt đứa trẻ vào. Sau đó, cây khép lại và nở hoa. Hương hoa thơm ngào ngạt lan tỏa khắp các làng xa. Khi Man Nương tê tái trở về, Khâu Đà La cho nàng cái gậy của mình và dặn rằng: “Khi nào gặp hạn hán kéo dài, cứ lấy gậy cắm xuống đất sẽ có nước”. Ít năm sau, trời giáng tai họa gây ra nạn hạn hán kéo dài, khiến dâu, lúa cả vùng chết khô, dân làng lâm vào nạn đói khủng khiếp. Man Nương nhớ lại chuyện đau lòng cũ, nhớ đến lời sư Khâu Đà La dặn, đem cây gậy cắm xuống đất, thành tâm cầu trời phun nước cứu dân, cứu hoa màu. Lời cầu nguyện ấy được ứng nghiệm. Tự nhiên từ lòng đất theo mũi gậy, nước phun lên chảy ròng rã ngày đêm, cứu cho khắp vùng khỏi nạn hạn hán. Mấy năm sau, trời như thử lòng người, lại gây trận lũ lớn. Sau nhiều ngày mưa to, gió lớn, các cánh đồng lúa, hoa màu bị ngập chìm. Nhiều nhà cửa bị đổ sập, nhiều gia đình không chỗ nương thân. Mưa bão lớn đến nỗi, cây Dung thụ già cũng bị trốc rễ, đổ xuống, bị nước cuốn đi, trôi ra sông Dâu3. Đến địa phận chùa Dâu, cây Dung thụ xoay ngang, không trôi nữa. Dòng nước lũ bị cây Dung thụ chắn ngang, lồng lộn réo lên như thác, khiến dân chúng vô cùng khiếp sợ. Cả tổng cử những trai tráng khỏe mạnh hợp sức kéo cây, thông dòng chảy. Nhưng vô ích. Cây Dung thụ vẫn trơ ra chẳng chuyển rời, gây hãi hùng cho dân chúng. Một ngày, Man Nương ra sông tham dự cuộc đọ sức chống lũ của trai tráng. Thấy Man Nương bên bờ, bỗng cây Dung thụ rập rình như vẫy gọi, như mừng rỡ. Nhớ chuyện xưa, Man Nương ném dải yếm ra sông. Lập tức cây Dung thụ ngoan ngoãn trôi vào bờ. Dòng sông không bị vật cản, băng băng chảy đi, nhanh chóng rút nước từ các cánh đồng ngập úng, hoa màu được cứu thoát. Trận lũ lụt hãi hùng qua đi, từ đó, nhân dân lập đền thờ Man Nương và lấy ngày mùng tám tháng tư làm ngày hội chùa Dâu.

[2] Sông Đuống.

[3] Một nhánh của song Đuống xưa, nay đã bị lấp.

Hội chùa Dâu năm nay, vua Lý Thánh Tông4 sắp trẩy thuyền rồng về dự để cầu tự, vì đã 40 tuổi mà chưa có con trai nối dõi. Trai tráng kể cả ông già bà cả được điều ra sông Dâu khơi bến, tu sửa lại ngôi chùa và dựng ly cung5.

[4] Lý Thánh Tông làm vua từ 1054 đến 1072.

[5] Cung xây dựng làm nơi nghỉ trên đương vua đi thăm các hạt.

Rồi đêm đêm dường như cả làng tập hát, múa. Chờ ngày nhà vua ngự giá. Ai cũng náo nức. Hơn ai hết, mụ Độc – dì ghẻ của Yến -túi bụi chăm chút cho đứa con riêng. Mụ đã cho người ra tận Thăng Long mua cho Chinh những bộ quần áo đắt tiền và cả đôi giày đẹp nhất. Mụ cũng không quên sắm cho mụ những bộ váy quý. Hai mẹ con cả ngày lúi húi ngắm vuốt và hồi hộp chờ đợi.

Ngày dân làng Thổ Lỗi nóng lòng chờ đợi đã đến. Sau hơn một tuần trăng, đoàn thuyền của vua Lý Thánh Tông từ sông Nhị Hà vào sông Thiên Đức rẽ sang sông Dâu đúng dịp hội Chùa. Dân chúng Thổ Lỗi và các vùng lân cận, mặc những bộ quần áo đẹp nhất, đổ ra đứng đông đặc hai bên bờ ngồi ngự câu để đón vua. Không thấy cảnh chen lấn, xô đẩy ồn ào như mỗi khi có đông người tụ tập. Ai nấy đều hướng về con thuyền lớn đang đủng đỉnh ngược dòng. Thuyền vua đi đến đâu, dân chúng vỗ tay hát những bài hát chúc hỗ, theo nhịp tiếng sênh phách lách tách của những lệnh trưởng6 đứng điều khiển thủy thủ bơi chèo. Đoàn thuyền của vua từ từ trườn trên mặt sông như được tiếng hát của dân chúng đưa đi. Không khí càng trở nên tưng bừng khi đoàn thuyền rồng dừng lại ở bến đá, gần ly cung mới dựng. Chiêng trống ầm ầm nổi lên, át hẳn tiếng hát, khi nhà vua dẫn đầu các đại thần và lính thị vệ bước lên bến. Cảm động trước tấm thịnh tình của dân chúng, đáng lẽ vua vào ly cung nghỉ ngơi nhưng vua đổi ý đi dạo một lượt trong chùa, cố ý để dân chúng được tiếp kiến. Một cuộc bơi trải của dân chúng trong làng được tổ chức ngay trên bến sông. Tiếng reo hò, tiếng chiêng, trống rung trời chuyển đất. Dưới rừng cờ phướn người người chen vai thích cánh nét mặt hoan hỉ. Trên các ngả đường dẫn về chùa, khách thập phương vẫn kìn kìn đổ về như những dòng thác. Trong gian nhà rạp mới dựng xung quanh chùa, nghệ nhân các làng kết nghĩa với nhau, chén nước đưa mời, miếng trầu trao tay sửa soạn vào cuộc thi hát để chọn người tốt giọng kể sự tích chùa Dâu đêm ấy. Những ai từng nghe danh Yến chợt sững sờ vì không thấy người con gái tài sắc ấy. Đội hát Thổ Lỗi cử người đi tìm Yến.

[6] Người cầm lệnh chỉ huy chèo thuyền cho đều và nhịp nhàng.

Vua Lý Thánh Tông cũng giống với các vua Lý đời trước, tuy đóng đô ở Thăng Long nhưng tình cảm thường gắn bó với đồng ruộng và thương dân. Vì vậy, đến mùa xuân vua thường về phủ Thiên Đức7 xem hội hè, lễ Phật, xem cấy lúa, đánh cá; mùa hè thì xem gặt hái, nghỉ mát và tu dưỡng.

[7] Nay là vùng Từ Sơn.

Chuyện xưa kể về vua Lý Thánh Tông rằng: Một hôm hoàng hậu Mai Thị mơ thấy mặt trăng vào bụng, nhân đấy có mang. Ngày 25 tháng 2 năm Thuận Thiên thứ 14 (1023), hoàng hậu sinh vua ở cung Long Đức, năm năm sau, Thánh Tông được lập làm thái tử. Lớn lên, Thánh Tông thông kinh truyện, sành âm luật, sở trường về võ lực, tỏ ra là một người thông minh xuất chúng. Trước khi lên làm vua, Thánh Tông ở cung Long Đức 27 năm. Cung xây ở ngoại thành, nên ở đấy, vua dễ dàng thấu hiểu các việc trong dân gian, biết được nỗi đau khổ vất vả của dân. Hơn thế, hiểu được các ẩn tình trong thiên hạ. Bởi vậy, khi làm vua, Lý Thánh Tông thông cảm được lòng dân, hiểu được cảnh đói rét, nỗi oan uổng, sự bất công ở các miền thôn dã. Chính vì vậy, vị vua có đầu óc tự cường, tự lập, người đã đặt quốc hiệu là Đại Việt, có hoài bão xây dựng một quốc gia hùng mạnh, có danh ngang với “nước Thiên Tử”, ấy cũng là vị vua tự coi mình là cha mẹ dân và hết lòng thương dân. Một lần ngự ở điện Thiên Khánh để xử kiện, nhà vua đã tỏ rõ lòng thương dân của mình. Khi xử kiện, con gái vua là công chúa Đông Tiên đứng hầu ở bên cạnh. Phạm nhân là một chàng trai trẻ, chàng phạm tội chỉ vì không hiểu luật. Nhà vua gọi chúa ngục lại chỉ vào con gái mình mà nói rằng:

- Ta yêu con ta cũng như các bậc cha mẹ trong thiên hạ yêu con cái họ. Trăm họ không biết nên tự phạm vào luật pháp, ta rất thương xót. Từ nay, các tội bất kỳ nặng nhẹ cần răn dạy kỹ lưỡng và nhất nhất đều phải khoan giảm. Và nhà vua đã tha bổng cho người con trai nọ.

Lần khác, gặp ngày trời rất lạnh, nghĩ đến dân, vua chạnh lòng nói với tả hữu:

- Ta ở trong thâm cung sưởi lò than, mặc hồ cừu, mà khí lạnh còn thế này, huống hồ những kẻ bị giam trong ngục thất, xiềng xích khổ đau, ngay gian chưa định, bụng không cơm no, thân không áo ấm, một khi gặp cơn gió lạnh thổi há chẳng bị chết rét ư? Ta rất đỗi thương xót.

Nói rồi vua sai tả hữu đem chăn chiên trong kho ban phát cho tù nhân và mỗi ngày phải cho tù nhân ăn hai bữa cơm,và vua xuống chiếu miễn cho cả nước một nửa số tiền thuế năm đó.

Ngoài việc thực hiện nền chính trị nhân đạo thân dân ấy, vua Lý Thánh Tông còn là người rất mê đạo Phật. Vua đã cho xây rất nhiều chùa chiền và là người sáng lập ra phái Phật giáo Thảo Đường8.

[8] Thảo Đường là tên một nhà sư học đạo ở Chiêm Thành. Vốn không thỏa mãn với hai phái thiền học cũ: Phái Ti–niĐa–lưu–chi và phái Vô ngôn thông, lại thấy Thảo Đường đem vào Phật giáo một khuynh hướng mới, vua Lý Thánh Tông đem Thảo Đường về Thăng Long. Thảo Đường sửa chữa tập ngữ lục của một vị Tăng lục Việt Nam tại triều, lập ra một môn học mới. Lý luận của Thảo Đường thỏa mãn sự đòi hỏi của vua Lý Thánh Tông muốn phát triển ý thức dân tộc, muốn độc lập, tự cường, chống sự xâm lăng của Bắc Tống. Lý luận của Thảo Đường một phái mới, hợp hòa với Khổng học, tạo nên sự đồng nhất theo một quan điểm chung mà xã hội thời Tống tìm thấy con đường của thiền học Việt Nam, thống nhất ý chí và hành động của giới tu hành, thứ dân nhằm xây dựng một nước Đại Việt hùng mạnh.

Thảo Đường vì vậy được vua tôn làm Quốc sư và Tổ sư của phái thiền học mới.

Đem vào Phật giáo một khuynh hướng mới. Khác với triều đại trước, Lý Thánh Tông đem đạo vào đời, mà cuộc đời ấy theo nhà vua, phải lấy việc phụng sự dân tộc, lấy sự đồng tâm nhất trí làm mục đích để tập trung vào hành động thiết thực, cứu thế bằng đức tin. Vua đã tìm thấy trong Phật học Thảo Đường triết lý sinh thành dưỡng dục theo nghĩa dài lâu, nối tiếp là phương tiện dạy cho dân hiểu mình là ai, lấy ý chí tự cường để thắng số mệnh, phụng sự cho sự phồn vinh bền vững của quốc gia. Theo vua, Phật không có phương Nam, phương Bắc, người ta không cần khốn khổ tìm ở đâu xa, mà chính ở ngay tâm mình, ở đức tin của mình9. Chính tinh thần ấy đã làm cho Phật giáo thời Lý Thánh Tông phù hợp với hoài bão xây dựng một nước Đại Việt cường thịnh sánh với Tống triều. Cũng do vậy dân chúng Đại Việt sớm thấy nguồn cảm hứng vừa sâu rộng vừa cao siêu của mình ở tình yêu hiện thực và đại đồng Phật giáo, ở lòng từ bi bác ái cứu khổ cứu nạn, cứu vớt chúng sinh. Nhân dân đến với đạo, không phải vì chán ngán cuộc đời mà vì muốn sống cuộc đời cao cả, là đời sống tâm linh. Những nhà tu thời Lý không phải là những người chán đời đi ở ẩn mà là những ngườixuất thế để nhập thể, những người có học vấn muốn giúp đời và giúp người. Vì vậy ở đời Lý, người tu hành xuất hiện khắp nơi. Chùa và đình mọc lên khắp trong nước. Kiến trúc chùa chiền thời ấy rất giản dị, dịu mát ẩn dưới bóng đa linh thiêng và tôn kính.

[9] Quan điểm này được tóm tắt thành thơ:

“Chân như đạo Phật rất màu

Tâm trung chữ hiếu, niệm đầu chữ nhân

Hiếu là đức độ dâng thân

Nhân là cứu vớt trầm luân muôn loài

Linh thiêng ngàn mắt, ngàn tay

Cũng trong một điểm linh đài mà ra

Xem xong biến nước Nam ta

Phổ môn có đức Phật bà Quan Âm

Niệm ngài thì niệm ở tâm…”

Nhìn những ngôi chùa giản dị ấy, người ta có cảm giác như những chiếc áo nâu non của các cô gái ngoại vi thành Thăng Long.

Về chùa Dâu lần này, ngoài việc cầu tự, nhà vua còn đem theo một số đại thần giỏi giang nhất triều, trong đó có thái sư Lý Đạo Thành10, quan thiếu bảo Lý Thường Kiệt để nghe ngóng dân tình, xem đức rộng của vua có thấm nhuần trong muôn dân không? Trước nghi lễ đón rước đầm ấm mà cung kính của dân chúng lây cái vui của ngày Hội chùa, nhà vua cảm thấy lòng thư thái.

[10]Ngang tể tướng đời sau.

Sáng ấy, sau khi vào đàn cúng, cầu mong sinh được hoàng tử nối dõi theo nghi lễ trang trọng nhất của Phật giáo, Lý Thánh Tông đã cùng quần thần đi giữa biển người đến khu vực dành riêng cho mình xem cuộc rước Phật. Vua đảo mắt nhìn dân chúng đông đặc hai bên đường chờ xem các làng rước ba bà Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện về chùa Dâu để hội với chị cả là Phật mẫu Man Nương. Đám đông dân chúng bỗng chỉ trỏ nghiêng ngó. Vua đưa mắt nhìn về hướng ấy. Từ xa, vua đã nhìn thấy đám rước Phật dày đặc cờ biển, bát bửu, tàn vàng rùng rình chuyển động theo nhịp chiêng trống. Khi đám rước đến gần, vua nhìn rõ sau dãy cờ biển là đoàn người cả nam lẫn nữ mặc áo trắng dài, phủ ngoài là áo cộc tay nẹp đỏ, mang gậy, uốn mình theo một vũ khúc nhanh mạnh.

Vua hỏi Lý Đạo Thành đứng sau:

- Tích này nghĩa là gì, quan thái sư?

Lý Đạo Thành vội thưa:

- Tâu bệ hạ! Đây là đoàn 32 người múa gậy nhằm dẹp lối, vì hội tắm Phật năm nào cũng đông.

Đoàn múa gậy đi qua, viên thủ hiệp xuất hiện, mặc áo mớ ba, oai phong lẫm liệt, đang chỉ huy mấy trăm nam nữ cũng ăn mặc đồng phục vừa đi vừa nhảy múa thật đẹp mắt.Đoàn rước tiếp tục diễu qua. Nhưng vua Lý Thánh Tông không còn chăm chú xem như trước, vì nhà vua chợt nhớ tới một việc khác.

Hòi sáng, trước khi rời ly cung đi cúng Phật, viên nội giám tin cẩn đã làm lễ triều kiến kể lại buổi hát về tích chùa Dâu mà viên quan ấy đã được xem. Viên nội giám đặc biệt nhắc đến một cô gái có sắc đẹp tuyệt vời, hoàng hậu Thượng Dương11cũng khó sánh, đã được chọn vào đội hát. Viên nội giám có ý khuyên nhà vua nên chọn tuyển người con gái ấy vào cung. Nhà vua chưa có ý định ấy nhưng cũng muốn được trông thấy nàng. Vì vậy, viên quan nội giám được phái đi tìm kiếm và lúc này đã trở lại. Lách qua đám thị vệ, viên quan đến trước mặt vua, nói nhỏ:

[11] Vợ vua Lý Thánh Tông.

- Tâu bệ hạ! Thần đã đi khắp hội vui mà vẫn không tìm thấy cô gái ấy. Xin bệ hạ nán chờ hội thi hát đêm nay, chắc sẽ gặp.

Vua mỉm cười, mặt ánh lên nét rạng rỡ:

- Chỉ vì việc nhỏ ấy mà khanh phải vất vả, trẫm miễn cho khanh.

Lúc ấy, đám rước cũng đã vào chùa. Nhà vua ngỏ ý muốn được đi xem phong cảnh trong vùng. Vốn chuộng võ nghệ lại là người giản dị, vua thân đi bộ cùng các quan văn võ ngược bờ sông Dâu. Vua cho phép dân chúng không phải nghênh đón. Dọc đường đi mọi người vẫn vừa tung hô vừa ca hát. Ra khỏi địa phận chùa Dâu, vua đột ngột dừng lại phóng tầm mắt say ngắm những đồi dâu xanh ngắt, trải rộng đến tận chân trời. Dưới nắng sớm vàng óng, ngàn dâu như được dát một lớp vàng mỏng. Quan quân và dân chúng cũng dừng lại. Cũng như vua, họ xuýt xoa trước vẻ đẹp thần tiên của thiên nhiên.

Chợt vua vẫy quan thái sư lại gần rồi vừa chỉ vào nương dâu trước mặt vừa nói:

- Hình như có người đang hái dâu phải không?

Hàng ngàn cặp mắt nhìn theo hướng vua chỉ. Dân chúng đã nhận ra cô gái hái dâu quen thuộc. Cô ngừng bứt dâu, đứng dựa vào gốc cây lan ngắm nhìn nhà vua và đoàn người. Thái sư Lý Đạo Thành tâu vua:

- Muôn tâu bệ hạ, đúng là trên ấy có người đang hái dâu, lại là con gái. Thần nhìn thấy rất rõ.

Là người nặng lòng thương dân lại thích xem xét mọi ẩn tình trong dân, vua nói, giọng rầu rầu:

-Trẫm đoán chắc phải là con nhà bần hàn nên trong lúc cả làng đi tụ tập dự hội, riêng người con gái đó phải lam lũ hái dâu. Trẫm muốn biết tường tận về người con gái ấy và sẵn lòng giúp đỡ.

Lệnh vua chưa được thi hành, bỗng có một người đàn bà đứng tuổi ăn mặc đỏm dáng dắt theo cô con gái tuổi chừng đôi tám, ăn vận cực kỳ sang trọng, lách đám đông tiến đến trước mặt vua sụp lạy:

- Muôn tâu bệ hạ. - Giọng mụ như có điều gì oan ức – Đứa con gái hái dâu hèn mọn ấy là chị con bé tốt nết đang quỳ cạnh thần thiếp, ngay trước mặt rồng. Thần thiếp thương hai đứa con như nhau nhưng tính nết chúng khác nhau. Con bé này – mụ chỉ vào cô gái đang quỳ - tên là Chinh ngoan ngoãn, hiếu thảo, công, dung, ngôn, hạnh đủ cả. Còn con bé kia tên là Yến, cứng đầu cứng cổ. Sáng nay thần thiếp răn bảo nó đi đón bệ hạ nhưng nó một mực cưỡng lời. Xem vậy, bệ hạ việc chi phải nhọc lòng để mắt đến nó.

Người đàn bà đó chính là mụ Độc. Vua cho hai mẹ con mụ đứng dậy rồi yên lặng quan sát họ. Chinh làm bộ e lệ vê áo, nép sát vào người mẹ nhưng đôi mắt đảo đưa, cánh mũi sư tử phập phồng. Ngược lại, mụ Độc hau háu nhìn vua, mắt sáng lên, mặt mày rạng rỡ. Từ sáng qua đến giờ mụ không bỏ lỡ một cơ hội nào để theo sát vua, không ngờ có dịp may đến thế. Mụ rình đón từng cử chỉ của vua và lúng túng chưa biết tâu tiếp thế nào để làm đẹp lòng vua. Bỗng mụ đã nghe thấy vua truyền:

- Ta lấy làm lạ về lời tâu của mụ. Hai mẹ con mụ ăn mặc sang trọng, còn người con gái kia là con mụ sao lại chịu cảnh nhọc nhằn.

- Muôn tâu bệ hạ - Mụ liến láu.Bệ hạ nhìn người xét việc nhanh như thần. Thực quả con bé hái dâu mà thần thiếp rất đỗi cảm thương ấy không phải là con thần thiếp rứt ruột đẻ ra. Nhưng bệ hạ đèn trời soi xét, từ khi mẹ nó mất đi, thần thiếp còn thương nó hơn cả con đẻ. Lắm lúc con bé đẹp người tốt nết này – Mụ cố ý hướng vua chú ý đến con mình – cũng phải ca thán thần thiếp không công bằng.

Vua nổi nóng:

- Hai mẹ con mụ hãy lui ra để ta xem xét. Can chi phải lắm lời.

Lập tức vua ra lệnh vời Yến xuống. Tuân lệnh vua, viên quan nội giám vội vã ra đi. Dân chúng hả hê nhìn mẹ con Chinh lúc này mặt tái xanh tái xám vì thất vọng và sợ hãi. Rồi ai nấy đều hướng lên nương. Từ xa họ đã nhìn thấy Yến vừa theo quan nội giám vừa lúng túng lấy dây rừng buộc túm miếng áo rách bên sườn. Tiếng ai đấy nổi lên trong đám đông:

- Khốn khổ con bé, áo chỉ có một manh lại rách rưới, ra mắt vua sao tiện. Có ai chạy tắt đường cho nó mượn chiếc áo lành được không?

Không ai đáp lại, bởi vì Yến đã xuống đến chân nương. Dân chúng hết nhìn vua lại nhìn Yến, hồi hộp chờ đợi, có phần lo thay cho Yến. Nhưng Yến đã đến, cô gái đi chậm lại, mặt bừng đỏ, ngỡ ngàng nhìn đám đông, nhưng vẫn giữ được nét khoan thai, duyên dáng. Chiếc áo nâu rách bạc màu hở cả vai, phải buộc rúm ở sườn không làm Yến xấu đi, ngược lại càng làm tôn lên nét dịu dàng trẻ trung xinh đẹp.

Trước chỗ đông người, nét mặt thanh tú của Yến như được thoa một lớp phấn hồng. Đôi mắt to đen, tuyệt đẹp của Yến càng thêm long lanh sinh động.

Vừa đến trước mặt vua, Yến sụp lạy, cất giọng thanh thoát tự nhiên:

- Vâng lệnh bệ hạ được ra mắt, thần thiếp xin kính chúc bệ hạ thánh thọ vô cương.

Vua Lý Thánh Tông sững sờ, xúc động nhất là khi nghe giọng nói trong trẻo ấm áp của cô gái. Vua trìu mến đỡ Yến đứng dậy, và nỗi xúc động trong lòng nhà vua càng tăng thêm khi nhận ra cô gái có vẻ đẹp quyến rũ. Trong nỗi bâng khuâng, vua hỏi Yến, câu hỏi không đúng với lòng vua lúc ấy:

- Cớ sao dân mọn trong xóm ngoài làng đều đi dự hội, cùng vui với trẫm mà ngươi lại một mình lủi thủi đi hái dâu?

Yến vội đáp:

- Muôn tâu bệ hạ! Đã đi dự hội vui để được nhìn thấy mặt rồng ai không trông đợi. Nhưng ở đời mỗi người mỗi cảnh, không dễ cứ muốn là được. Mấy ai làm được những điều mình mong ước.

Vua thoáng cười trước câu trả lời thông minh, hàm ý triết lý bóng bẩy của Yến:

- Trẫm làm vua một nước, người người đều là thần dân của trẫm. Trẫm tuân theo cái nghiệp của tổ tông trùm cả thương sinh, xem dân muôn họ bốn biển đều là con đỏ cả. Vậy ai ngăn được khanh đi đón trẫm? Ai ngăn được giáo huấn của trẫm thấm nhuần đến chúng sinh?

- Làm dân thì phải thờ vua – Yến đáp – phải sẵn lòng sinh tử vì vua, vì nước. Muôn dân là con đỏ của bệ hạ.

[Thiếu mất trang 15.]

[Thiếu mất trang 16.]

ước mơ điều ấy. Ta quen sống khổ sở, bây giờvào triều chắc gì đã hơn? Hàng ngày ta sẽ làm gì ở đấy? Ta phải cư xử với các quan, với hoàng tộc, nhất là với hoàng hậu, các cung phi, ngự sử ra sao? Ta muốn đời ta sung sướng nhưng ta đâu muốn xa nương dâu, đồi sắn, muốn xa những kỷ niệm gắn bó đời ta từ lúc thiếu thời ở nơi này? Trở về kinh là vợ vua, danh giá thật nhưng rồi vua có mãi mãi yêu quý ta không? Yến đã trải qua những nỗi xúc động chưa từng thấy. Nỗi xúc động từ sau buổi gặp gỡ nhà vua, nhất là hôm sau, quan thiếu bảo Lý Thường Kiệt cùng một số cận thần của vua thân đến nhà Yến ngỏ ý muốn kén Yến vào cung. Vị quan võ uy phong lẫm liệt, sứ giả của vua ấy, như đọc được nỗi băn khoăn của Yến, đã gợi ý cho cô đem theo một thị nữ để tiện bầu bạn, sai bảo. Yến thầm cảm ơn sự gợi ý tinh tế, tỏ rõ tấm lòng nhân hậu của Lý Thường Kiệt. Chính điều ấy làm cho Yến đỡ lo đi rất nhiều.

Nhưng kén ai bây giờ? Yến nghĩ ngay đến Lộc. Nhưng Lộc là bạn, như thế sao tiện. Cho Chinh đi theo ư? Ngay sau lúc Lý Thường Kiệt ra về mụ Độc đã nài nỉ Yến thương em. Lúc ấy Yến không trả lời, nhưng thâm tâm cô chỉ thấy dội lên sự khinh ghét.

- Thế nào con? – Mụ Độc đến sau Yến từ lúc nào, lên tiếng – Một giọt máu đào hơn ao nước lã. Cho em nó đi con vừa yên tâm mà thân nó cũng sướng nhờ.

Yến thấy cần phải thẳng thắn:

- Dì đừng giận. Con không làm thế được, vì sao thì dì đã rõ.

Trông thấy xấp áo quần vua đưa đến, mụ Độc bước tới lật từng chiếc rồi nhẹ nhàng gợi ý:

- Kho vua thiếu gì. Con cho cái Chinh một bộ để mặc vào những ngày hội hè, chắc nó thích lắm.

Thấy Yến yên lặng, mụ sa sầm nét mặt bỏ đi.

Yến đi chào dân làng và đội hát Thổ Lỗi trở về thì gặp Lộc cũng nhớn nhác đi tìm mình. Bạn gái gặp nhau hớn hở mà chẳng vui.

- Cả làng ai cũng mừng cho đằng ấy – Lộc dẫn Yến vào một nẻo đường khuất, giọng trầm hẳn xuống – Nhưng xa đằng ấy, mình buồn lắm. Mừng cho đằng ấy nhưng mình làm sao thế này? – Lộc bật khóc thút thít.

Yến ôm lấy bạn. Cô vẫn chưa dám ngỏ ý để Lộc đi cùng:

- Mình cũng vậy. Xa Lộc, xa làng mình nhớ lắm. Rồi ra mình gặp may mắn hay khổ sở? Mình thương đằng ấy bao nhiêu!

- Lúc nãy đến nhà đằng ấy mụ Độc phàn nàn về chuyện cái Chinh muốn đi theo đằng ấy nhưng không được.

Yến vỗ vai Lộc:

- Đằng ấy đi với mình. Chỉ đằng ấy giúp mình được thôi.

- Mình tìm đằng ấy cũng để bàn xem sao. Ra ngoài ấy chắc sẽ có nhiều việc để làm. Chỗ bè bạn, mình giúp việc, bầu bạn cũng tốt chứ sao?

Yến không kìm được niềm vui:

- Thế thì còn gì bằng. Chúng ta sẽ được sống mãi mãi bên nhau, giúp nhau mọi việc.

Đôi bạn bá vai nhau bước ra lộ, nét mặt hớn hở. Vừa tới chỗ ngoặt, cả hai người bỗng thấy một kỵ mã chạy nước kiệu phi tới:

- Hay vua truyền lệnh cho đằng ấy?

Yến chưa kịp trả lời thì kỵ mã bỗng dừng ngựa reo lên:

- Cô Yến!

Yến nhìn chàng trai cố giấu một niềm vui:

- Chào anh Dũng.

Chàng trai xuống ngựa cởi mở:

- Hai năm trước nghe lời cô khuyên, tôi đã về kinh học thêm. Hôm nay tôi về thăm gia đình, cũng định sang thăm bên ấy.

- Anh học hành đến đâu rồi?

Chàng trai kiêu hãnh:

- Tôi đã được đắc dụng vào bộ lại.

- Tôi cũng sắp về kinh đô. Anh đừng sang mà không gặp.

Chàng trai thoáng buồn:

- Bao giờ cô đi. Tôi có thể là bạn đường được không?

Yến từ chối khéo:

- Thôi anh ạ! Để khi khác.

- Cô ở ngoài ấy có lâu không?

Lộc đáp thay:

- Chị tôi ở cả đời!

Chàng trai ngơ ngác hỏi lại:

- Cô bảo sao? Tôi không hiểu.

Lộc tinh nghịch:

- Rồi anh sẽ hiểu.

Thầm phục chàng trai có chí, Yến nghiêm trang:

- Rồi bạn tôi đây sẽ có dịp gặp anh nói rõ, anh đừng giận. Chúc anh vạn sự như ý.

Chàng trai đi rồi, Yến bảo Lộc:

- Người hôm trước mình nói chuyện với Lộc đấy. Anh ấy biết nghe theo lời phải thật đáng mến. Cầu chúc anh ấy làm nên sự nghiệp.

Chiều dần buông. Chia tay Lộc rồi nhưng Yến vẫn bần thần đứng lặng bên đường. Yến bồi hồi ngắm nhìn mái đình, cây đa, giếng nước, dõi theo những con đường làng từng ghi bao dấu chânkỷ niệm. Xa kia, theo lối mòn dẫn vào cửa rừng, con đường bao năm qua Yến vẫn ngày ngày hai buổi đi về, những em bé chễm chệ trên lưng trâu và một đoàn các nông phu đang hối hả cất bước. Rồi hàng ngày ta sẽ chẳng còn được nhìn thấy những khuôn mặt rất đỗi thân yêu ấy. Ta sẽ mãi mãi xa họ nhưng lòng ta nào nguôi nhớ đến họ, Yến bồi hồi nhìn về căn nhà của mình. Sau bờ tre đã thưa tiếng sẻ, khói lam chiều mờ mờ bốc cao vẽ trên nền mây những dáng núi bao la hùng vĩ. Yến nao nao nghĩ đến ngày cô phải xa tất cả để thương nhớ tất cả. Cô nhìn lại lần nữa khung cảnh quê hương như muốn để mãi mãi ghi khắc vào tim mình.

Yến thẫn thờ trở về nhà. Theo bước chân cô, tiếng chuông chiều êm ả ngân lên, nghe xa xôi như một nỗi nhớ.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3