Nhiếp chính Ỷ Lan - Chương 3 phần 1

Chương ba

Ỷ Lan cùng cung nữ xúm lại lần giở đoạn gấm vừa được dệt thử. Nâng niu chế phẩm của các cung nữ đã dày công học hỏi mà dệt nên, Ỷ Lan vô cùng cảm kích. Nhưng sao so với tấm gấm tự chế còn lỗi nhiều. Lại nữa, mầu nhuộm rất nổi không kém nước ngoài mà sao tấm gấm vẫn chưa đanh mặt, chưa mịn bóng? Ỷ Lan trân trọng chế phẩm của các cung nữ, nhưng chưa thể bằng lòng về nó. Chợt nảy sinh một ý nghĩ, Ỷ Lan nói với các cung nữ:

- Gấm còn xấu là do còn mắc lỗi nào đấy, các ngươi chớ nản lòng mới được. Nghe ta, các ngươi thử tháo từng sợi của hai tấm gấm, tìm hiểu cặn kẽ, ắt là biết được còn sơ sót chỗ nào.

- Phải đấy! Tâu hoàng phi. Thế mà loay hoay mãi lũ thiếp không nghĩ ra.

Ỷ Lan và các cung nữ bắt đầu hăm hở lần tháo từng sợi gấm đã dệt với niềm say mê chưa từng thấy. Ỷ Lan và các cung nữ chăm chú xem xét đến nỗi vua Lý Thánh Tông vào lúc nào cũng không hay.

Nhìn cảnh tượng ấy nét mặt vua Lý Thánh Tông rạng rỡ. Vua ngồi vào chiếc đôn ở góc phòng lặng lẽ ngắm nhìn Ỷ Lan và các cung nữ bằng con mắt trìu mến. Vua động lòng thương khi nhìn thấy Ỷ Lan gầy sút đi ít nhiều. Phải, con người bé nhỏ xinh đẹp ấy có bao giờ chịu nghỉ ngơi, chịu ngừng suy nghĩ. Nhìn những cuốn sách quen thuộc để thành chồng bên chiếc kỷ giản dị kia, vua hiểu khối lượng công việc hàng ngày Ỷ Lan làm thật phi thường. Dường như mỗi lần đến cung này, bao giờ vua cũng phát hiện ra một cái gì mới của người nguyên phi trẻ tuổi này. Chính Ỷ Lan mới hôm nào đã vạch cho ta thấy những điều vô lý về cốt cách của ban nhạc kỹ cùng lối hát tấu trong triều. Sao trước đó ta không thấy nhã nhạc bản triều còn nặng hơi hướng phương Bắc. Thậm chí, các nhạc gia thường chọn các tích phương Bắc, phỏng theo lối hát nước người. Nhà vua vui mừng thấy Ỷ Lan không chỉ đề xướng việc thay đổi cốt cách ấy, chỉ dạy các ca nữ những bài chúc hỗ cổ truyền rất có ý nghĩa mà còn dạy thêm các làn điệu mới mang sắc thái đồng nội, đặt lời cho các lối hát này, dày công sáng tạo cho nó thích hợp với triều đình, biến nó thành một hoạt động ca hát ngợi ca công đức nhà vua, ca ngợi nước non và các gương nghĩa hiệp của tiền nhân. Công việc của Ỷ Lan đã cảm hóa được cả triều đình. Lối hát mà Ỷ Lan dày công gây dựng chẳng mấy chốc đã chiếm được địa vị độc tôn trong triều. Chính ta - vua thầm nghĩ - buổi đầu cũng chưa tin Ỷ Lan làm được việc đó. Vậy mà, nàng đã làm ta bất ngờ. Nàng đã bình tĩnh trước những lời dè bỉu, đã không lùi bước trước sự ngăn cản của hoàng hậu. Chợt Ỷ Lan nói như reo lên:

- Đây rồi, lỗi ở sợi mảnh23, chưa đủ ngang trong khi sợi móc24 tạm được nên tuy dệt đúng nhưng mặt gấm không bóng. Ta không hiểu tại khung cửi hay tại người dệt?

[23]Sợi ngang.

[24]Sợi dọc.

- Xin hoàng phi để mình thiếp dệt thử lần nữa. - Một cung nữ hồ hởi nói. - Lần này dệt được chắc hoàng đế sẽ hết lời khen ngợi và ban thưởng hậu cho hoàng phi đó.

Ỷ Lan cắt ngang:

- Việc chúng ta làm đâu phải vì lời khen mà là vì lợi ích của nó. Nếu việc dệt gấm này thành, triều đình sẽ không phải mua của nước Tống, đỡ tốn phí cho quốc khố chừng nào hay chừng ấy.

Lây không khí vui tươi, say sưa của các cung nữ, vua Lý Thánh Tông bước tới, cất giọng trách móc mà chẳng giận dỗi:

- Ai cậy các ngươi dệt gấm để bắt trẫm phải ban thưởng?

Bất chợt thấy vua, các cung nữ luống cuống đứng lặng. Ỷ Lan chậm rãi nói:

- Tâu bệ hạ! Nếu chỉ mong được bệ hạ ban khen thì thiếp và các cung nữ đây chỉ lưu tâm trang điểm cho đẹp, mọi cử chỉ nhất nhất làm vừa lòng bệ hạ. Song lũ thiếp lại muốn mỗi người mỗi việc để đỡ đần được bệ hạ, làm lợi cho nước. Là bậc minh quân hẳn bệ hạ mong bề tôi làm như thế.

Vua Lý Thánh Tông cố giữ nghiêm nét mặt:

- Rồi ái phi biến các cung nữ của trẫm thành thợ dệt gấm cả hay sao? Hậu cung đâu phải là một hiệp thợ?

Biết vua rất vui, nhưng Ỷ Lan vẫn nghiêm trang đáp:

- Tâu bệ hạ! Thiếp chắc bệ hạ không nghĩ như lời bệ hạ vừa nói.

Vua bật cười:

- Ái phi nói chí phải. Biết làm lợi cho nước, ấy là hành động của những tôi trung. Dám khổ công học nghề dệt để dệt được gấm cung đốn cho triều đình ấy là việc xưa nay chưa có. Trẫm sẽ là người đầu tiên mặc thử gấm của nước Đại Việt. Trẫm hứa sẽ lệnh cho bộ Công xây dựng gấp cho ái phi một xưởng dệt như ái phi mong muốn. Trẫm sẽ khuyên các triều thần mặc đồ nội hóa và tuyệt cấm việc nhập gấm từ Tống triều.

Nghe đến đây, sau phút lo lắng, các cung nữ thở phào nhẹ nhõm, nét mặt ai nấy đều hân hoan rạng rỡ.

Vua bảo họ:

- Các ngươi làm việc tốt cớ sao chỉ một lời khiển trách đã luống cuống lo lắng? Giờ các ngươi hãy đem hết tài nghệ, dệt cho trẫm tấm gấm đầu tiên. Có thể tấm gấm ấy chưa đẹp nhưng đối với trẫm nó là vật vô giá. Bởi vì các ngươi đã dệt nó bằng trí tuệ tự cường hơn là sự khéo léo nghề nghiệp. Trẫm sẽ may ngay bộ lễ phục bằng thứ gấm tự chế của các ngươi.

Các cung nữ lập tức cáo lui.

Khi chỉ còn lại hai người, Ỷ Lan e lệ nói với vua:

- Bệ hạ thứ lỗi cho cách ăn vận quá xuềnh xoàng của thiếp. Lại nữa, thiếp chưa dám tâu trình ý định dệt gấm vì công việc còn phải mày mò, chưa biết kết quả thế nào.

- Ái phi cứ tự làm. Trẫm tin ái phi sẽ làm được. Ở đời, muốn làm được việc lớn thì phải nghĩ đến kết quả chứ đừng nghĩ đến khó khăn. Trẫm thực lòng khen ngợi chí hướng của ái phi. - Rồi vua đổi giọng âu yếm. - Mấy hôm nay trẫm bận việc không đến, ái phi có nghĩ ngợi không?

Ỷ Lan ngả đầu vào ngực vua, giọng đượm buồn:

- Dù không được kề cận sớm hôm, lòng thiếp vẫn bên bệ hạ muôn đời không đổi. Chỉ mong bệ hạ không vì thiếp mà giảm sự minh mẫn để điều khiển triều đình.

Như để thử lòng Ỷ Lan, vua đột ngột hỏi:

- Bây giờ, nếu trẫm gặp một người con gái tài sắc và đem lòng yêu say đắm, ái phi nghĩ sao?

Ỷ Lan khẳng khái tâu:

- Thật ý thiếp chỉ mong một vợ một chồng, bệ hạ chỉ có mình thiếp. Chắc bệ hạ sợ thiếp sẽ ghen với hoàng hậu đó thôi. Thiếp không ghen, không bao giờ ghen. Bệ hạ có quyền kén chọn nhiều quý phi. Có điều thiếp muốn trong nhà phải hòa thuận yên vui.

- Trẫm không hiểu hết ý ái phi?

- Thiếp yêu quý bệ hạ hơn bản thân mình nhưng thiếp không có quyền giữ gìn bệ hạ cho riêng thiếp. Chỉ mong bệ hạ không quên thiếp, mãi mãi không quên thiếp.

- Lòng ái phi thật cao thượng. - Vua trầm giọng nói.

Ỷ Lan đỏ mặt gỡ tay nhà vua, cất tiếng hỏi:

- Thiếp vẫn định bụng xin bệ hạ cho thiếp được giao tiếp với một số danh thần của bản triều để học hỏi nghĩa sách, chẳng hay việc đó có được không?

- Trẫm sẵn lòng. Ngay bây giờ có điều gì băn khoăn, ái phi cứ nói. Trẫm sẵn lòng nghe.

Cặp mắt Ỷ Lan chợt sáng lên, giọng phấn chấn:

- Thiếp muốn được hỏi bệ hạ chuyện Phật bà Quan Âm.

- Chuyện thế nào? Trẫm nóng lòng muốn biết.

- Chuyện rằng - Ỷ Lan kể - Vua Trang Tông rất mong có con trai nối dõi. Hoàng hậu đã sinh hai gái, đến lần thứ ba lại sinh gái nữa. Vua giận toan giết con đi, nhưng vì chúa Ba rất đẹp nên lại thôi. Khi chúa Ba lớn lên, vua kén phò mã nhưng bà nhất định xin đi tu. Vua đành chịu cho vào chùa nhưng dặn trước các sư phải dùng kỷ luật khắt khe của nhà chùa để hành hạ cho bà thật khổ, chịu không nổi mà phải xin về. Nhưng bà khăng khăng một mực dốc lòng tu thành chính quả. Bà được hùm đến giúp bổ củi, chim đến giúp nhặt rau và những giống vật khác đến làm đủ mọi việc. Vua tức giận đốt chùa. Bà ra sân lạy trời Phật thì lập tức có trận mưa như trút nước làm tắt đám cháy. Vua giận quá bắt bà đem chém thì có thổ thần hiện làm con cọp xuống cõng bà đi.

Ít lâu sau vua bị ác bệnh không đi được phải yết bảng cầu lương y. Bao nhiêu người không chữa được bệnh của nhà vua. Bà hóa thành một nhà sư tới chữa bệnh và bảo phải cho người đến Hương Tích cầu xin tay và mắt của một nhà tu hành thì mới chữa được. Khi được tay và mắt bên tả bà chữa lành được bên tả. Còn bên hữu lại phải đi xin lần thứ hai. Khi đem tay và mắt lần thứ hai này về thì hoàng hậu nhận ra tay bà chúa Ba nhưng vua không tin vì cho rằng cọp đã tha đi ăn thịt rồi thì làm sao mà sống lại được.

Khi khỏi bệnh, vua ngự giá hành hương đến chùa tạ ơn thì bị hai chàng rể ở nhà chiếm ngôi và bị yêu tinh bắt. Bà lại hiện hình thành nhà sư đến cứu thoát và dẫn về tạ ơn người đã cho tay cho mắt. Chỉ đến lúc ấy vua mới nhận ra con và rất thương cảm. Song nhà vua không biết làm cách nào cho bà chúa Ba liền tay, liền mắt lại. Bà khuyên vua hãy thành tâm cầu Phật thì tay mắt bà lại mọc ra. Vua làm theo, bà lại hóa hình nguyên vẹn như cũ.

Từ đó vua ở chùa đi tu và nhường ngôi luôn cho quan tể tướng là người có đạo hạnh hơn cả. Theo ý thiếp - Ỷ Lan tiếp, khi đã kể xong câu chuyện. - Chuyện như thế là hoang đường, nhưng đức Thái Tổ, Thái Tông đã từng yêu thích nó. Vậy phải chăng sử gia nào đó thừa hành ý đức Thái Tổ mà soạn ra để dọn đường cho một công việc hết sức tế nhị, hết sức thực tế, quyết định sự bại vong của triều vua cuối cùng của nhà Lê để chuyển sang dòng họ Lý ngày nay.

Vua Lý Thánh Tông giật thót người:

- Trẫm biết câu chuyện ấy. Trẫm không ngờ ái phi lại đọc rộng hiểu sâu đến thế. Ái phi là người trẫm yêu nên chẳng cần giấu. Sự thể chính là nỗi băn khoăn của sư Vạn Hạnh25 đối với ngai vàng của vua Lê Long Đĩnh. Chuyện ấy nhằm nhắc quần thần rằng: đối với một ông vua bất nhân, nỡ tâm đốt cả chùa, giết cả con chỉ vì lo đến sự kế nghiệp thì quần thần phải hạ xuống thay người khác. Thậm chí thay dòng họ khác biết trọng đạo lên trị vì thiên hạ.

[25]Vạn Hạnh là người dựng Lý Công Uẩn lên ngôi vua thay triều Lê đã thối nát. Có thể xem Vạn Hạnh là cái hồn của nhà Lý đã xây dựng được một ý thức hệ dân tộc, dung hòa giữa đạo và đời làm cơ sở tinh thần để xây dựng nước Việt hùng cường, độc lập đứng vững lâu bền. Công của Vạn Hạnh được tóm tắt thành thơ:

“Vạn Hạnh dòng tam đế

Chân phù cổ sấm ky

Hương quan danh Cổ Pháp

Tục tích trấn vương kỳ”

Dịch thơ:

“Quá khứ hiện tại vị lai

Vạn Hạnh thông suốt hợp lời sấm linh

Quê nhà Cổ Pháp lưu danh

Chống trượng nhà Phật giữ thành nhà vua”

- Tâu bệ hạ! Xem thế người đương thời đã lấy sự kiên tâm của chúa Ba để làm gương cho mình. Vận nước hồi ấy đã được những nhà tiên tri biết tiến biết lui đứng ra cáng đáng thu xếp, trác tuyệt đến thế là cùng.

Vua Lý Thánh Tông bị hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Lúc nãy Ỷ Lan là người khởi xướng việc dệt gấm biểu lộ khí phách của con người vượt qua khó khăn. Bây giờ, vẫn người con gái có đôi mắt thông minh tuyệt đẹp kia, đã lại đang bàn đến chính sự, đến sự thịnh, suy của một dòng họ, đến sự mất còn của một triều vua và đến danh thơm nghìn đời của một con người. Hơn thế, biết khơi đúng những chỗ khúc mắc nhất, sâu sắc nhất. Nghe Ỷ Lan nói, vua có cảm giác Ỷ Lan bàn chuyện xưa mà tưởng như nói chuyện nay. Dường như mọi việc của bậc đế vương, của công hầu, của sĩ dân đều được nàng nghiền ngẫm kỹ lưỡng. Nhà vua không giấu sự cảm phục:

- Mới nhập cung hơn một năm, nhờ hiếu học, ái phi đã tỏ ra là người đọc rộng, biết nhiều. Chẳng hay theo ý ái phi, bí quyết của một vị hoàng đế giỏi việc trị nước, gây dựng được sự phồn vinh của giống nòi là ở chỗ nào?

Câu hỏi của vua khơi gợi đúng ý mà bao lâu Ỷ Lan ấp ủ. Ỷ Lan hiểu thấu hoài bão của vua và dốc lòng muốn thành một tôi trung, một người vợ biết yêu quý sự nghiệp của chồng. Chính vì vậy, Ỷ Lan hàng ngày để tâm tìm hiểu tài năng siêu việt của các bậc đế vương, và gần hơn là tìm hiểu phương lược trị nước của vua Lý Thánh Tông. Vì vậy, hơn một năm sống bên nhà vua, Ỷ Lan thấy rõ không phải là mình mà là vua Lý Thánh Tông đã lượm được những tinh túy trong phép trị nước của các bậc đế vương. Cho nên, mối tình đằm thắm thiết tha với người chồng có chí xoay trời chuyển đất, có gan làm việc lớn lại rất thương dân ngày một nồng đượm. Càng ngày Ỷ Lan càng nhận ra ở vua Lý Thánh Tông những điều mới mẻ của một tài năng siêu việt và tâm hồn thật kỳ diệu. Vì vậy, được hỏi, Ỷ Lan không vội trả lời ngay. Ỷ Lan chăm chú nhìn vua, ánh mắt lộ rõ sự yêu thương tôn kính:

- Tâu bệ hạ! Một bậc đế vương giỏi việc nước là phải làm như bệ hạ!

- Như trẫm. - Lời khen như rót vị ngọt vào tâm hồn vị vua thông minh, mở ra một thế giới tình cảm thật tế nhị khiến vua Lý Thánh Tông vô cùng xúc động.

- Vâng! Tâu bệ hạ, phải làm như bệ hạ đã làm. Điều quan trọng là phải biết nghe lời can gián của các trung thần. Bởi vì, muốn điều khiển được triều chính phải biết người, muốn biết người, phải nghe họ nói, xem việc họ làm, nghe lời khuyên can của họ. Điều hệ trọng thứ hai là phải xem quyền hành là một thứ đáng sợ. Quyền hành dễ đẻ ra những tật xấu.

Cuối cùng, nước muốn mạnh, hoàng đế phải đối xử nhân từ với muôn dân. Trong nước không cần xây nhiều chiến lũy, bởi chính lòng dân là chiến lũy kiên cố nhất. Đó là chìa khóa trong việc trị nước mà bệ hạ đã làm. Hội đủ những điều ấy, nước Đại Việt sẽ trở nên vô địch.

Vua Lý Thánh Tông bỗng phát hiện ra người cộng sự uyên bác hiểu rõ tâm can mình. Vua lặng ngắm Ỷ Lan. Ỷ Lan không diêm dúa phấn son như hoàng hậu và các phi khác mà như một bông hoa lạ chẳng thể nào lẫn giữa những bông hoa khác. Vì vậy, vua nén xúc động giọng trầm tĩnh:

- Cùng với quan thiếu bảo Lý Thường Kiệt, ái phi là người hiểu được ý đồ của trẫm. Cảm ơn ái phi đã dành cho trẫm lòng yêu kính hiếm có vậy. Tiếc rằng duyên trời đã định, trẫm chẳng thể phong ái phi làm hoàng hậu cho xứng với lòng trẫm lúc này.

Mở to cặp mắt long lanh, trong suốt dưới vầng trán thanh cao, Ỷ Lan bỗng trở nên ngượng ngập khi thấy hơi thở nóng hổi của vua đang mơn man đôi má nóng bừng của mình:

- Bệ hạ! Ỷ Lan thủ thỉ. - Bệ hạ có mừng chăng thiếp đã có mang. Thiếp có linh cảm thiếp sẽ đẻ con trai và rất giống bệ hạ.

Vua Lý Thánh Tông choáng ngợp ngây ngất trước sự phát hiện mới mẻ về Ỷ Lan và trước tin vui bao lâu nay mong đợi, đã không giữ được sự điềm đạm thường có. Vua vụng về ôm lấy Ỷ Lan và siết chặt nàng vào lòng.

Lúc này, đêm đã khuya. Qua khung cửa trổ tròn của gian điện, Ỷ Lan thấy bầu trời như một tấm thảm nhung đen dát đầy sao óng sánh. Chỉ vào một ngôi sao lay động rất sáng. Ỷ Lan nhỏ nhẹ hỏi vua:

- Bệ hạ biết ngôi sao kia gọi là gì không?

Ỷ Lan sung sướng khi nghe thấy vua gọi tên ngôi sao sáng ấy bằng tên mình: Sao Ỷ Lan.

**

*

Hoàng hậu Thượng Dương, tay chống cằm, nét mặt đăm chiêu đưa mắt nhìn ra khoảng trời trước mặt. Ngoài ấy là những hàng cây thẳng tắp trước cung điện bóng rợp cả mặt sân. Lá cây lay động làm cho những chấm trắng tươi màu vàng thanh khi nhảy nhót nô giỡn trên tán lá, khi bất thần rắc hoa trên thảm cỏ xanh rờn. Trời thu lành lạnh. Hoàng hậu se lòng khi bỗng dưng cảm thấy cô đơn giữa cuộc sống nhung lụa, có rất nhiều kẻ hầu hạ. Hoàng hậu không còn độc chiếm được tình yêu của vua nữa. Khi lồng lộn, khi hờn dỗi, khi đe dọa, khi dùng nước mắt, hoàng hậu vẫn không làm chuyển được lòng vua. Hoàng hậu nghĩ - đã có lần vua nổi nóng dọa truất ngôi nếu ta cố tình lôi kéo bè cánh, rũ rối hoàng cung. Cũng từ đấy, vua trở nên lạnh lùng, ít cởi mở mỗi khi đến với ta. Hoàng hậu nuối tiếc ngày nào được vua yêu chiều, được quần thần một lòng nể trọng. Hoàng hậu cố chiều lòng vua, hy vọng chiếm được tình xưa. Nhưng trong đám lá xanh thắm của niềm tin ấy, đã điểm những chiếc lá vàng. Hoàng hậu vơi nỗi buồn khi mình có mang. Nhưng rồi hay tin Ỷ Lan cũng có mang, hoàng hậu chẳng còn lòng dạ nào để vui được nữa. Nếu lần này ta sinh hoàng tử - Mắt hoàng hậu ánh lên niềm vui sướng đến cuồng dại - Phải,nếu ta sinh hoàng tử thì ngôi báu con ta sẽ cầm chắc trong tay. Nhưng nếu ta sinh công chúa và kẻ tình địch kia sinh quý tử thì sự thể rồi sẽ ra sao? Ngôi báu chắc hẳn sẽ thuộc về đứa con của kẻ quê mùa ấy. Ta sẽ uất lên mà chết khi phải tận mắt nhìn nó bỗng trở nên có uy thế khuynh loát triều đình. Bị giày vò trong nỗi lo lắng sẽ không có con trai kế vị, hậm hực, hận thù trước sắc đẹp và uy danh của Ỷ Lan, hoàng hậu Thượng Dương đã bao đêm cầu trời khấn phật cho Ỷ Lan mắc bạo bệnh chết đi. Cũng đã có lúc hoàng hậu nảy ý định đầu độc Ỷ Lan. Nhưng thấy uy tín của Ỷ Lan ngày càng lớn, các cận thần đều kính trọng, nhất là vua bội phần yêu quý, hoàng hậu chưa dám quyết định. Trong nỗi buồn phiền, tuyệt vọng hoàng hậu buộc phải cầu cứu tới quan thái sư Lý Đạo Thành. Bởi vậy, hoàng hậu đã cho thị nữ tin cẩn đến tư dinh triệu quan thái sư đến để bàn bạc. Song hoàng hậu bồn chồn lo lắng vì đến giờ này vẫn chưa thấy quan thái sư tới. Đã bao lần hoàng hậu nóng ruột bước ra hiên lầu ngóng đợi. Có thể nào như thế được? Hoàng hậu uể oải ngồi xuống chiếc ghế bọc nhung tự hỏi. Chẳng lẽ con người được ta nâng đỡ từ lúc chưa phải là đại thần và nhờ ta tâu xin hoàng đế phong cho chức thái sư, danh giá bậc nhất triều đình ngay khi hoàng đế nối ngôi26, đã lại quên ơn cũ? Có lẽ nào con người hơn mười năm nay nhất cử nhất động đều làm đẹp lòng ta, đã vì ta tìm cách trị những kẻ không thực bụng thờ ta, bỗng dưng đã thay lòng đổi dạ. Phải, chính nhờ quan thái sư mà ta đã phế được hai đứa hậu phi được vua sủng ái, toan lấn át ta. Hoàng hậu bỗng hồi tưởng lại câu chuyện phế truất những tình địch của mình hơn năm năm trước. Ngày ấy hoàng hậu có một cung nữ vô cùng trẻ đẹp tên là Trương Thị Ngọc. Một lần nhân theo vua về tu dưỡng ở phủ Thiên Đức, trong một chuyến đi chơi xem phong cảnh quanh vùng, hoàng hậu bắt gặp một cô gái bán chân cũi vô cùng xinh đẹp ở cạnh phủ lỵ. Theo lời đồn đại, cô gái ấy vốn ở một lànggốm ở chân núi Quả Cảm27. Làng gốm Quả Cảm sản xuất nhiều vật dụng bằng đất nung và bằng sành trong đó có những cái lon sành nhỏ, dùng để đựng nước kê chân các giàn đặt nong tằm chống kiến gọi là chân cũi. Cô gái bán chân cũi ấy lúc đầu cũng là tay thợ. Có lẽ chân cũi được một cô gái đẹp ngồi bán nên chẳng bao lâu đã nức tiếng gần xa. Nhiều chàng trai có khi không cần “chân cũi” cũng tìm đến mua để được ngắm cô gái Quả Cảm duyên dáng. Chỉ vài lần gặp gỡ, hoàng hậu đã sắm lễ hậu cho người mang đến gặp cha mẹ cô gái, xin cho cô gái ấy về cung mình để toan tính chuyện riêng. Như con chim non dễ lóa mắt trước màu sắc của thứ kim thuộc quý, cô gái Quả Cảm xinh đẹp tuyệt vời đã theo hoàng hậu về cung, để thương để nhớ cho các chàng trai trong vùng. Hồi ấy hoàng hậu đang bị một nguyên phi trẻ họ Vũ đe dọa ngôi hoàng hậu. Vũ phi được vua yêu quý đã ra mặt kình địch với hoàng hậu nên hoàng hậu Thượng Dương quyết tìm kế hại bằng được. Lợi dụng sắc đẹp và tuổi trẻ của cô gái bán chân cũi, một mặt hoàng hậu lo trang điểm dặn dò cô gái những điều cần thiết mỗi khi kề cận vua, mặt khác hoàng hậu cố ý cho vua được chiêm ngưỡng nhan sắc chim sa cá lặn của Trương Thị Ngọc. Quả vậy, lần đến với hoàng hậu, trông thấy cô gái khỏe mạnh tuyệt đẹp đang tưới hoa, vua Lý Thánh Tông đem lòng mê đắm. Chẳng bao lâu vua nhạt tình với Vũ phi và nặng lòng yêu cô gái họ Trương. Kế hiểm trị Vũ phi của hoàng hậu đã thành. Người nguyên phi họ Vũ không trải đời đã dọa sinh sự với cô gái bán chân cũi họ Trương, khiến vua nổi giận truất ngôi nguyên phi và đuổi ra khỏi cung. Hoàng hậu mát lòng, mát dạ. Nhưng sự thật bao giờ cũng đắng cay, cô gái họ Trương được phong làm nguyên phi bỗng trở nên cái gai trước mắt hoàng hậu Thượng Dương.

[26]Lý Đạo Thành được phong chức thái sư vào năm 1054 khi vua Lý Thánh Tông nối ngôi cha.

[27] Trên Thị Cầu, Hà Bắc ngày nay.

Trong lúc khó xử ấy, thái sư Lý Đạo Thành trước sức ép của hoàng hậu, muốn trả ơn cũ nên về hùa với hoàng hậu để hại người nguyên phi ấy. Hoàng hậu đã sai người giả làm một chàng trai viết một bức tình thư cốt để lọt vào tay vua.

Vua trao cho Lý Đạo Thành thẩm tra. Kết quả đúng như ý muốn của hoàng hậu. Cô gái xinh đẹp bán chân cũi năm xưa vì “tội” ngoại tình đã bị hạ ngục. Hoàng hậu đã mật sai lính canh bỏ đói cho chết. Quan thái sư tận tình che chở ta đến vậy – Hoàng hậu đắm mình trong suy tưởng, tự nhủ - mà bây giờ nỡ bỏ mặc ta trong cảnh cô liêu này sao?

- Thị nữ! – Chợt hoàng hậu gọi giật giọng.

- Tâu hoàng hậu! Thần thiếp chờ được sai bảo.

- Làm sao giờ này quan thái sư vẫn chưa đến? Hôm trước ngươi có làm tròn phận sự truyền lệnh ta không?

- Tâu hoàng hậu! Thần thiếp chưa bao giờ trái ý hoàng hậu. Chắc quan thái sư có việc bận chưa tới đó thôi.

- Ngươi hãy kín đáo đến tư dinh quan thái sư nói rõ ta đang chờ ông ta.

Người thị nữ ngoan ngoãn cáo lui.

* *

*

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3