Nhiếp chính Ỷ Lan - Chương 3 phần 2
Người thị nữ vừa đi khỏi thì Lý Đạo Thành trong bộ trang phục đại thần cũng vừa đi xe ngựa tới cung hoàng hậu Thượng Dương. Cũng như Lý Thường Kiệt và một số quan lại thân tín, Lý Đạo Thành được vua cho đặc ân tùy tiện ra vào hoàng cung không phải tâu trình. Vừa xuống xe, không mang thị vệ, Lý Đạo Thành chậm rãi, bước theo con đường rải đá dẫn thẳng tới gian điện lớn. Vừa trông thấy hoàng hậu Thượng Dương, Lý Đạo Thành đã khom người thi lễ:
- Tâu hoàng hậu! Thần mắc bận không thể đến sớm để hoàng hậu phải chờ, thần thật đắc tội.
Thoáng trông thấy vẻ mệt mỏi trên khuôn mặt thông minh, nghiêm nghị của Lý Đạo Thành, hoàng hậu Thượng Dương an ủi:
- Ta chẳng giấu, ta đang sốt ruột chờ ông, song ta tin rằng chỉ vì bận nên ông mới đến chậm trễ vậy. Chẳng hay ông có được dễ chịu trong người không?
Đỡ tách chè còn bốc khói, tỏa hương thơm ngào ngạt, Lý Đạo Thành ngồi xuống chiếc đôn vừa được thị nữ mang đến, trầm giọng:
- Đa tạ hoàng hậu, thần vẫn được như thường. Thần chẳng yên lòng thấy dung nhan hoàng hậu không được mười phần tươi tốt như trước.
Rồi câu chuyện đã nhanh chóng chuyển sang việc mà hai người đều quan tâm. Lý Đạo Thành nhấp một ngụm chè rồi hỏi khéo:
- Thần biết hoàng hậu lâu nay không được vui. Triệu thần đến chắc là có việc hệ trọng lắm.
- Vậy ông có biết việc gì không? – Hoàng hậu hỏi lại.
Lý Đạo Thành ý tứ, thận trọng:
- Thần chịu ơn hoàng hậu đã nhiều. Hoàng hậu cũng chẳng lạ gì bụng thần. Xin hoàng hậu cứ chỉ dạy – Việc nào nên việc nào không nên, sức thần được được đến đâu rồi còn phải bàn bạc xem đã.
Hoàng hậu Thượng Dương nghĩ thầm: cái con người chịu ơn ta này cũng bỗng dưng có giọng nói mập mờ đưa đẩy đến khó hiểu. Tuy thế, đã có chủ định, hoàng hậu nhìn thẳng vào con người nho nhã có tài học nổi tiếng trong triều, cất giọng quả quyết:
- Ông vì chỗ thân tình đã giúp ta đôi việc. Ví như hai lần ông tính kế trị những tình địch của ta.
Lý Đạo Thành mặt tái đi, cắt ngang:
- Xin hoàng hậu đừng bao giờ nhắc lại chuyện cũ. Bởi vì, mỗi lần nhớ lại người nguyên phi phải chết oan ấy lòng thần chẳng được yên.
Hoàng hậu mỉa mai:
- Lâu nay ông giao du với các nhà sư nảy sinh tấm lòng từ bi đáng cảm phục. Tiếc rằng ông không đi tu, nếu không đã thành chính quả. Ta đâu ngờ lòng ông cũng yếu mềm như vậy? Ta thiết tưởng là người có tài học, làm quan đến chức thái sư, hẳn ông biết trong nghiệp trị dân, phải nghĩ đến kết quả công việc mà không cần biết hậu quả của việc ấy sẽ ra sao mới phải. Ông giúp ta việc trị được cái đứa vốn dòng hạ tiện làm nghề bán chân cũi ấy mà lòng ông áy náy vậy thay? Thôi được, ta không nhắc lại chuyện cũ. Nhưng ta đang muốn nhờ ông một việc cũng na ná như thế.
- Trời ơi! – Lý Đạo Thành khẽ kêu lên, trán lấm tấm mồ hôi.
Không để Lý Đạo Thành kịp nói, hoàng hậu Thượng Dương cất cao giọng:
- Ông cũng thừa biết cái con hát Ỷ Lan lâu nay chẳng coi ta vào đâu. Ngỡ nó hiền lành quê mùa, ai dè nó đáo để đến thế. Cậy được hoàng đế yêu dấu, nó dám can thiệp việc triều chính, hết đổi lệ này lại đòi đặt lệ khác. Ta xem ra nó chẳng phải chỉ vượt mặt ta mà còn vượt cả mặt ông nữa. Nghe nói nó kết thân với quan thiếu bảo Lý Thường Kiệt. Lũ ấy mà hợp được với nhau sẽ khuynh loát cả triều đình. Ta với ông vì chúng nó có phen phải bỏ triều mà đi. Vậy nếu không sớm trừ đi, hậu họa cho ta và ông không biết đâu mà lường được.
Thái sư Lý Đạo Thành cố giữ vẻ mặt bình thản nhưng thực lòng thì những lời hoàng hậu Thượng Dương vừa nói khác nào như ngọn roi quất mạnh đau nhói. Hoàng hậu đã đánh vào đúng chỗ yếu là lòng tự ái của Lý Đạo Thành. Ấy là sự nổi bật của Ỷ Lan trong một số cải cách ở triều lâu nay đã khiến cho địa vị và uy tín của người nguyên phi ấy lấn át các văn võ đại thần. Cho nên đối với quan thái sư, buổi đầu chỉ là sự khó chịu của con người tự cho mình là có tài năng bị kẻ khác làm lu mờ, về sau, thấy Ỷ Lan kết giao với Lý Thường Kiệt, nhiều người cầu cạnh làm thân, Lý Đạo Thành băn khoăn lo lắng và có ác cảm thực sự với người vợ yêu của vua Lý Thánh Tông. Lý Đạo Thành để tâm xem xét công việc của Ỷ Lan và dù có thái độ chưa công tâm nhưng viên thái sư không dễ tìm thấy điều gì sai trái để bắt bẻ. Ngược lại, dường như mọi việc Ỷ Lan làm đều không cốt vụ lợi cho riêng mình mà chỉ vì lợi nước. Lý Đạo Thành cũng đã đôi lần tiếp xúc với Ỷ Lan nhưng công bằng mà xét, Ỷ Lan tỏ ra có kiến thức, có ý tưởng táo bạo nhưng lại rất khiêm nhường, đặc biệt là trong câu chuyện lúc nào cũng ý nhị, dễ chiếm được cảm tình của người khác. Kẻ tự cho mình là thấp như thế mới thực đáng tôn quý. Nói cho cùng, Lý Đạo Thành không thích Ỷ Lan, nhưng thâm tâm vẫn có ý gờm sợ. Vì thế, khi nghe hoàng hậu Thượng Dương khơi đúng chỗ yếu của lòng mình, Lý Đạo Thành thở dài thừa nhận:
-Hoàng hậu đã nhìn thấu ruột gan thần. Nhưng nguyên phi Ỷ Lan không phải là tay vừa. Ỷ Lan không phải là người ta muốn làm gì cũng được. Cái mạnh nhất của Ỷ Lan lại là chỗ yếu của người thường. Ấy là tấm lòng trong sạch không gợn đục, không bị bả vinh hoa cám dỗ. Người ấy không chỉ được vua nể trọng, các đại thần cảm mến mà kẻ hầu người hạ cũng sẵn lòng che chở, bảo vệ.
Hoàng hậu rít lên:
- Chẳng lẽ ông lại chịu để cho chúng nó cố kết vây cánh lấn át mình mãi sao? Dẫu sao thì Ỷ Lan cũng chỉ là hạng đàn bà, một con hát.
- Tâu hoàng hậu! Lẽ ấy đúng với Vũ phi và Trương Thị Ngọc, còn Ỷ Lan bản chất thông minh, sáng suốt, biết quyền biến, thật đáng e ngại.
- Ông nói sao? Ta chưa hiểu – hoàng hậu Thượng Dương bực bội, hỏi.
- Xin hoàng hậu hiểu cho – Lý Đạo Thành vội nói – chịu ơn hoàng hậu thần những muốn xả thân để báo đền, nhưng gặp người có tài, mình dễ làm gì được họ? Thần không giấu rằng thần vẫn chưa hiểu được tâm địa của Ỷ Lan. Xin hoàng hậu hiểu cho lòng thần.
Hoàng Hậu Thượng Dương nói mát:
- Ta không ngờ ông sợ nó đến thế!
- Tâu hoàng hậu! Biết giãi bày với hoàng hậu thế nào cho phải?
- Nếu ông thua trí nó thì ta sẽ cho nó vào tròng, ta đã có kế trừ nó. Chỉ cần ông hết lòng giúp sức.
Lý Đạo Thành hốt hoảng:
- Xin hoàng hậu hãy cẩn trọng. Thần là thái sư lại đi trị một nhân tài của triều đình, tội chết chưa đáng.
- Ông chỉ lo thu vén cho riêng mình. Ông nỡ để ta chết khô chết héo trong cung này sao?
- Tâu hoàng hậu! Hoàng đế xét người, xét việc như thần. Sẽ không có việc gì qua được mắt hoàng đế. Hoàng hậu hiểu cho, thần được đội ơn sâu.
- Ta vì hiểu tài ông mà sinh lòng quý mến – Hoàng hậu dịu giọng – Thôi được. Ta coi như không có buổi gặp này. Ta sẽ bắt cái con hát ấy phải chết thảm trong ngục tối. Chỉ cần ông kín đáo giúp ta. Ngần ấy cũng đủ rồi.
Trước khi cáo lui, Lý Đạo Thành khuyên hoàng hậu:
- Xin hoàng hậu hãy nghĩ cho chín. Mọi việc tùy hoàng hậu định đoạt.
* *
*
Cùng lúc hoàng hậu Thượng Dương đang bàn kế với thái sư Lý Đạo Thành thì Ỷ Lan đang ở cung Kim Liên với công chúa Từ Hoa. Ỷ Lan và công chúa Từ Hoa vừa cùng các cung nữ đi thăm làng dâu Nghi Tàm trở về. Ở đó, ngay bên những ruộng dâu và bên những gian tằm, Ỷ Lan đã làm kinh ngạc nhiều người về mối quan tâm đối với dân chúng Nghi Tàm, và sự hiểu biết phong phú về nghề nghiệp của mình. Ngược lại cũng như làng dệt lụa Thụy Chương, làng dệt gấm Bái Ân, dân chúng Nghi Tàm chẳng những coi Ỷ Lan như một ân nhân mà còn rất thân kính, tin cậy. Nghi Tàm xưa chuyên trồng hoa. Có thể coi đó là làng hoa nổi tiếng nhất và cổ nhất của dân tộc. Nhưng từ ngày nghe lời tâu của Ỷ Lan, vua Lý Thánh Tông chẳng những cho mở xưởng dệt gấm lụa ngay trong cung mà còn khuyến khích dân chúng Thụy Chương, Bái Ân học nghề dệt và biến vùng đất trồng hoa ở Nghi Tàm thành đất trồng dâu. Là người trồng dâu nuôi tằm, có ít nhiều kinh nghiệm qua việc mày mò dệt thành công gấm lụa ở trong cung, Ỷ Lan chẳng những chỉ là người đề xuất việc mở mang nghề canh cửi trong dân chúng mà còn để tâm theo dõi công việc của các làng, nâng đỡ, giúp giập các làng hành nghề. Đối với Ỷ Lan dường như thành công hay thất bại của nghề tằm tang canh cửi ở các làng xã ấy đều gắn bó với mình. Cảm phục Ỷ Lan, công chúa Từ hoa không bằng lòng với cuộc sống nhàn tản ở hậu cung, đã xin vua cha ra ở cung Kim Liên28 trông nom việc trồng dâu nuôi tằm. Mến yêu cô công chúa siêng năng việc tằm tang, Ỷ Lan thường đến với Từ Hoa luôn. Hôm ấy cũng vậy, sau khi đi thăm thú làng dâu Nghi Tàm, Ỷ Lan trở về cung Kim Liên, xem cơ ngơi chăn tằm của công chúa Từ Hoa.
[28] Về sau đổi thành chùa Kim Liên, gần Nghi Tàm ngày nay.
Cầm một cuộn tơ của công chúa vừa trao cho, Ỷ Lan say sưa ngắm rồi khen:
- Sợi tơ nhỏ miết vàng nuột thế này ấy là công chúa ươm tơ ngọt tay lắm. Nhưng công chúa nuôi tắm bao nhiêu ngày mới chín?
- Tâu hoàng phi – Công chúa Từ Hoa từ tốn – con và các cung phi phải mất trọn một tháng.
Ỷ Lan cắn môi vẻ suy nghĩ:
- Thế chưa phải là giỏi đâu. Người nuôi tằm giỏi ở làng ta xưa chỉ nuôi hai bốn, hai nhăm ngày là tằm chín.
- Tâu hoàng phi! Công việc vất vả quá. Các cung nữ của con thường phải ăn cơm đứng mà con thì lúng túng chưa thành thạo. Lúc đầu con cũng nản lòng. Về sau quen đi. Hoàng phi thấy đấy, con có còn ốm yếu, buồn phiền nữa đâu? Công việc làm cho con vợi được nỗi buồn và khỏe ra đó.
Ỷ Lan âu yếm ngắm nhìn công chúa Từ Hoa. Phải, số phận của Từ Hoa chẳng may mắn như các công chúa khác. Khi công chúa vừa được mười bảy tuổi, để mua chuộc, kết thân với các tù trưởng người thiểu số, vua Lý Thánh Tông đã gả Từ Hoa cho một tù trưởng ở Lạng Châu29.
[29] Lạng Sơn cũ.
Được vài năm, không may vị tù trưởng mắc bạo bệnh chết sớm. Từ Hoa mang khăn tang chồng trở về kinh đô. Từ đó, nhớ thương chồng, chán cho cảnh đời dang dở, công chúa Từ Hoa suốt ngày phiền não sầu muộn. Vào những ngày ấy, Từ Hoa gặp Ỷ Lan. Vốn là con một hậu phi, bị hoàng hậu Thượng Dương ghét bỏ, Từ Hoa sớm tìm thấy nơi nương tựa ở người nguyên phi trẻ, trạc tuổi với mình, nhưng thương mình vô hạn. Chính Ỷ Lan đã khuyên Từ Hoa làm việc, dạy Từ Hoa cách trồng dâu nuôi tằm và khuyến khích công chúa xin vua cha ra ở cung Kim Liên để tiện cho việc tằm tang canh cửi.
Nhờ thông minh lại có chí, chẳng mấy chốc Từ Hoa đã thành thạo nghề trồng dâu nuôi tằm và lôi kéo dân chúng Nghi Tàm làm theo mình. Từ đó tình thân giữa Ỷ Lan và công chúa Từ Hoa ngày càng bền chặt. Vì vậy, nghe Từ Hoa nói, thấy Từ Hoa hồng hào khỏe mạnh, Ỷ Lan không giấu được niềm vui:
- Ở đời mỗi người đều có những niềm vui nỗi buồn riêng, chẳng ai tránh được. Nhưng phải biết vượt qua nó, hệt như trị bệnh trong người vậy. Mừng cho công chúa đã tìm được niềm vui.
- Tâu hoàng phi! – Công chúa Từ Hoa cảm động. Con cũng nghĩ như thế. May mắn con lại được sống gần hoàng phi. Hoàng phi đã giúp đỡ con nhiều. Thổ lộ được những điều ấm ức trong lòng với người tin cậy, con thấy nhẹ người đi.
Ỷ Lan cười rất tươi:
- Đối với người tin cậy thì niềm vui sướng chia đôi là hai niềm vui sướng. Nỗi đau khổ chia đôi là một nửa nỗi đau khổ. Công chúa có nghiệm thấy như thế không?
- Tâu hoàng phi! Quả vậy, được gần hoàng phi con thấy yên tâm. Con những muốn làm việc nhiều để khỏi phụ công dạy bảo của hoàng phi.
Ỷ Lan an ủi:
- Công chúa đã gây dựng được cả một làng trồng dâu nuôi tằm, cung đốn tơ cho cả vùng. Như vậy là giỏi lắm. Thử hỏi đã mấy ai cáng đáng được công việc khó nhọc ấy.
- Chẳng qua con chỉ làm theo ý của hoàng phi. Con nghe nói các cung nữ bây giờ không còn trách oán hoàng phi nữa mà đã vui với việc dệt gấm.
- Việc ấy bắt đầu từ khi hoàng đế tự mình làm gương dùng hàng gấm của các cung nữ chế ra. Thế mới biết việc gì cũng vậy, tự mình tu đức để giáo huấn thì sâu hơn mệnh lệnh. Dân bắt chước người trên thì nhanh hơn pháp luật. Ta vui mừng vì mọi việc trong cung đình đã có nền nếp. Ngoài dân thì Nghi Tàm, Thụy Chương hay Bái Ân ở đâu người người cũng yên nghiệp làm ăn. Có đến với họ mới hay, ở đâu cũng có lắm người có nghề khéo nghệ tinh. Nước này sẽ trở nên phú cường, một khi kẻ trên biết nhìn xa thấy rộng, hết lòng nâng đỡ, khích lệ, bảo ban dân chúng.
- Đúng vậy, ví như con đây. Khi trước con chỉ biết gương lược son phấn trau chuốt trang điểm, bây giờ con cũng đã biết chút ít công việc, không phải là người thừa nữa. Từ đó con thấy bằng lòng với mình hơn. Nghĩ lại, con thật không hiểu nổi vì sao ngày trước con lại sống sung sướng mà lại không làm gì cả?
- Ý tưởng công chúa hay lắm. Công việc sẽ làm cho ta vui. Mà thực, từ ngày ra đây công chúa khỏe, trẻ ra và đẹp nữa.
Công chúa Từ Hoa ngượng nghịu nói lảng:
- Đã lâu con không về bên ấy. Chẳng hay ngọc thể thánh thượng có được muôn phần tươi tốt không?
- Công chúa yên lòng. Hoàng đế hồi này rất khỏe mạnh. Hoàng đế vẫn nhắc đến công chúa luôn.
Công chúa Từ Hoa sáng bừng nét mặt:
- Con sẽ dâng biếu hoàng thượng những đóa hoa do chính tay con trồng. Con xin dâng biếu hoàng phi nữa.
Ỷ Lan vui vẻ:
- Việc rất nên, ta ra chọn hoa ngay đi.
Ỷ Lan và Từ Hoa quấn quýt bên nhau như đôi bạn thân. Một lúc sau, dưới nắng thu vàng óng, giữa vườn hoa được trồng tỉa công phu, khuôn mặt rất đẹp của Ỷ Lan cũng phảng phất một sắc hoa quý hiếm.
* *
*
Ỷ Lan và các thị nữ từ cung Kim Liên trở về thì được tin có mẹ con Chinh ở quê nhà ra chơi, đang đợi ở phòng ngoài. Bao lâu không có dịp trở về uống dòng suối mát của quê hương thuở còn hàn vi. Ỷ Lan nhớ lắm. Bởi vậy khi trông thấy mẹ con Chinh, vẫn hệt như ngày nào, Ỷ Lan phải nén lòng để khỏi bật reo thành tiếng. Vừa thấy Ỷ Lan bước vào gian điện, mẹ con Chinh vội quỳ xuống thi lễ.
Nhanh nhẹn bước lại đỡ dì ghẻ đứng dậy, Ỷ Lan nói:
- Đã mấy lần tôi định về thăm quê, thăm dì và em, ngặt vì bận quá vẫn chưa đi được. May thay dì đã ra chơi. Nhưng sao dì không báo trước để tôi đi đón?
- Tâu hoàng phi! – mụ Độc hớn hở ngắm nhìn Ỷ Lan từ đầu đến chân, nét mặt thoáng vẻ mãn nguyện đáp:
- Kẻ thường dân này mấy lần định tìm ra kinh đô yết kiến hoàng phi, nhưng sợ lầm đường lạc lối nên chưa dám. May nhờ ông Dũng cũng làm quan ở bản triều ghé qua mới theo chân ra cho phỉ lòng ao ước bấy lâu. Được thấy dung nhan hoàng phi mười phân vẹn mười, kẻ hèn này mừng như bắt được vàng.
Ỷ Lan kinh ngạc:
- Ông Dũng nào ghé thăm Thổ Lỗi, tôi không biết?
Chinh đỡ lời:
- Tâu hoàng phi! Ông Dũng ngày xưa là bạn học của hoàng phi, nay làm quan ở bộ Lại.
Ỷ Lan đã nhớ ra chàng trai ngày nào đã tìm gặp mình trên nương dâu quê nhà. Một nét bối rối thoáng qua rất nhanh trên khuôn mặt thanh tú trang nghiêm của Ỷ Lan. Ỷ Lan bỗng nhớ đến những lời đồn đại về chàng trai với mình hồi đó. Nhưng chàng trai chỉ đến với Ỷ Lan như một cái bóng. Chính Ỷ Lan đã khước từ lời cầu xin của chàng. Tuy vậy, thực lòng Ỷ Lan cũng đã có lúc xao xuyến không ít. Chính hình ảnh ấy đã làm dày thêm những kỷ niệm về quê hương nên giữa cuộc sống nhung lụa ở hoàng cung Ỷ Lan nào nguôi nhớ đến quê mình. Làm như vô tình, Ỷ Lan nói:
- Ta vẫn chưa nhớ ra. Nhưng chẳng hay ông ta ghé qua Thổ Lỗi để làm gì?
Mụ Độc đưa cặp mắt sắc sảo nhìn Lộc, người thị nữ thân tín của Ỷ Lan, cười hóm hỉnh:
- Hoàng phi cứ hỏi chị Lộc khắc rõ.
Đến lượt Lộc bối rối:
- Tâu hoàng phi! Hoàng phi bận nhiều việc quân quốc trọng sự nên thần thiếp chưa có dịp tâu bày. Thần thiếp vẫn cậy nhờ ông ấy tin về cho song thân, mong an ủi được tuổi già lúc này không người phụng dưỡng.
Ỷ Lan xúc động:
- Lỗi cả ở ta. Đáng lẽ ta phải năng cho người về thăm nom các cụ mới phải. Thôi cho ngươi lui. Bảo sửa soạn bữa cơm thết khách chiều nay cho ta.
Lộc đi rồi, mụ Độc vẫn ngồi đó, ngay trên chiếc ghế đệm nhung, cặp mắt sắc vẫn hau háu nhìn những đồ vật sang trọng bày biện trong gian điện. Mặc dù ở trong cung điện trọn buổi, nhưng mụ nào có để tâm tới cái gì khác ngoài những đồ vật quý, nhất là cái cơi đựng trầu dát vàng và những miếng trầu têm thật là khéo bày trên án thư. Mụ băn khoăn:
- Mỗi lần hoàng phi đi vắng, những đồ vật kia không cất đi có sợ bị mất trộm không?
Đọc được lòng mụ, Ỷ Lan nói nhỏ, đủ để mẹ con mụ nghe:
- Trong cung làm gì có kẻ nào manh tâm đê mạt như dì nghĩ. Thôi dì đừng bận tâm về những chuyện nhỏ mọn ấy. Dì kể chuyện về quê nhà đi!
- Tâu hoàng phi! Chuyện quê nhà thì có gì đáng nói. Nó vẫn hệt như lúc hoàng phi còn ở làng. Duy có điều ai cũng mừng cho hoàng phi và mừng cho kẻ hèn này. Người ta nói đáng lẽ kẻ hèn này, nhờ sự danh giá của hoàng phi mà tiền của như nước, sướng ngang tiên mới phải.
- Cảnh dì thì đến nỗi nào? Tôi vẫn gửi tiền về giúp dì, tuy chẳng có nhiều nhưng cũng tạm đủ mới phải.
- Ấy là người ta nói như vậy, chứ tình máu mủ thì tính làm gì. Quý là ở cái tình ấy. Thấy hoàng phi thế này là mừng rồi.
Tuy nói vậy nhưng mụ Độc ra thăm Ỷ Lan không phải vì tình quyến luyến đối với đứa con chồng mà là muốn nhờ vả cầu cạnh. Mụ nhờ Ỷ Lan cho tiền, tích cóp lại trở nên người giàu có. Nhưng mụ chưa toại nguyện. Đã vậy, bấy lâu nay vì lười biếng chua ngoa, Chinh vẫn chưa có đám nào đánh tiếng. Trong khi ấy, thèm khát cả địa vị của Lộc, mụ quyết ra Thăng Long gặp Ỷ Lan, thấy cơ hội thuận tiện mụ lựa lời:
- Từ ngày hoàng phi gặp bước may mắn, danh giá cao sang ít người bằng, khiến kẻ thường dân này cũng được thơm lây. Hoàng phi lại là người thủy chung, đối xử với gia quyến chẳng ai trách được. Nhưng theo thiển nghĩ của kẻ hèn này thì hoàng phi cũng nên rộng lượng nâng đỡ em nó, không hơn được chị Lộc thì cũng chẳng để kém. Chắc rồi em nó vì ơn giúp giập ấy mà một lòng hầu hạ hoàng phi như khuyển mã.
- Chết sao dì lại nói vậy. Giá trị của mỗi người là do chính công việc của người ấy làm nên. Em Chinh cũng sẽ trở nên người hữu dụng, được mọi người tin yêu khi em chịu khó làm cả những công việc nặng nhọc. Về hoàng cung, tôi nào quên giúp em Chinh. Việc chẳng thể giúp được, chẳng thể làm thay thì đành chịu. Vả lại, tiếng ở trong cung nhưng tôi bận tối ngày chứ nào được rảnh rỗi.
Mụ Độc không hiểu lời Ỷ Lan:
- Gớm hoàng phi cứ nói vậy. Là nguyên phi được hoàng đế quý trọng thì cứ việc ngồi một chỗ sai bảo kẻ hầu người hạ cho sướng thân, sao lại nói là bận? Có chăng là bận trang điểm cho đẹp, bận đi du ngoạn đây đó, và bận đếm tiền cất vào kho riêng cho nhiều.
Ỷ Lan giận lắm. Lòng tham đã hành hạ mụ. Sự đối xử tử tế của Ỷ Lan vẫn không cảm hóa được mụ. Hiểu thế nhưng Ỷ Lan chỉ nói:
- Dì nói đúng. Những kẻ tầm thường ở địa vị tôi sẽ làm như thế. Nhưng tôi không phải loại người chỉ cầu sung sướng cho riêng mình. Vẫn như thuở nào ở quê nhà, tôi không phải hạng người tham lam quá quắt.
- Ấy chết. Kẻ hèn này già rồi nên lẫn cẫn, xin hoàng phi đừng chấp. Ấy cũng vì quá thương em Chinh mà sinh ra thế. Thôi, nói gần nói xa chẳng qua nói thật. Xin hoàng phi nếu chẳng cho già này được cùng sống trong cung cấm thì cũng cho em Chinh hầu hạ hoàng phi. Chỗ chị em với nhau, chẳng lẽ nó không làm được việc của chị Lộc hay sao?
Ỷ Lan không ngờ sự gợi ý của mụ Độc lại đúng điều mình bận tâm bấy lâu. Lâu nay nhờ Lộc cáng đáng mọi việc trong cung, Ý Lan rảnh rỗi nghĩ đến việc công ích. Khó chọn được một thị nữ nào lại tận tâm, thông minh, hiểu Ỷ Lan và có tài điều khiển mọi việc kể cả những việc được Ỷ Lan ủy thác riêng như Lộc. Ở vị trí đặc biệt của Lộc, một thị nữ riêng của Ỷ Lan, không bị ràng buộc bởi các quy định phép tắc của triều đình mà vua đã gia ân, Lộc có thể đi lấy chồng. Vì vậy, Ỷ Lan không muốn chỉ vì mình mà ràng buộc đời Lộc, lạm dụng lòng tốt của Lộc, làm lỡ dở tuổi xuân và hạnh phúc đôi lứa của người bạn gái thân thiết gắn bó, có chung biết bao nhiêu kỷ niệm từ thuở thiếu thời. Lại nữa vừa lúc nãy hay biết Lộc có quan hệ với viên tiểu quan ở bộ Lại, dẫu chưa biết sự thể đến đâu, nhưng từ đáy lòng mình, Ỷ Lan cầu mong hai người thương yêu nhau. Chàng trai ấy là bạn học của Ỷ Lan, một người có chí. Hai người ấy mà lấy nhau thì vừa đôi phải lứa: hứa hẹn cuộc sống chung đẹp đẽ vô ngần. Cho nên nghe mụ Độc nói Ỷ Lan thấy không còn bận tâm gì nữa về việc giữ Lộc. Nhưng nghĩ đến lúc phải xa Lộc, hàng ngày không được giãi bày niềm riêng tư, không người đổi trao những ý tưởng thầm kín giữa cuộc sống không ít những biến động trong giới hoàng tộc, hoặc để kiểm định lại những việc lớn nhỏ khác. Ỷ Lan thấy nao nao trong người. Nhưng thôi - Ỷ Lan thầm nhủ - Dẫu sao cũng không được giữ Lộc, hãy để Lộc đi xây tổ ấm của mình. Những chặng đường đời khó khăn nhất, Lộc đã giúp ta vượt qua, không nên lạm dụng lòng tốt của Lộc thêm nữa. Ta sẽ thay Lộc bằng Chinh ư? Tính nết, phẩm chất hai người trái nhau như nước với lửa. Ỷ Lan không lạ gì Chinh. Tuổi trẻ của Ỷ Lan đã bị hai mẹ con Chinh phũ phàng vùi dập tưởng không sống được. Phải, Ỷ Lan nghĩ tới sự xảo trá, gian dối, lật lọng của Chinh thuở nào. Ỷ Lan nhớ cả đến những trận đòn tàn ác của mụ Độc có Chinh tiếp tay, xúi bẩy… Nhưng chẳng những Ỷ Lan không để bụng những việc làm xấu xa của mẹ con Chinh, ngược lại, vẫn sẵn dành những tình cảm tốt, mong cảm hóa được mẹ con mụ. Vậy, có nên nhận Chinh vào cung thay Lộc không? - Ỷ Lan tự hỏi. Nó sẽ chẳng giúp mình được gì, nhưng chối từ cũng chẳng dễ. Hay ta cứ nhận rồi uốn nắn dần. Chẳng lẽ nó xấu quá thế sao.
- Hoàng phi hãy thương lấy em – mụ Độc quan sát nét mặt Ỷ Lan đã tìm được đúng lúc, nói khó – Em nó chưa quen việc thì dạy bảo cho quen. Rồi mai mốt có người để mắt tới, hoàng phi sẽ gây dựng cho nó, để lại một cái phúc lớn cho em. Được như thế, kẻ hèn này có chết cũng yên lòng.
Lời cầu xin ngọt ngào của mụ Độc đã xua tan những băn khoăn cuối cùng của Ỷ Lan. Ỷ Lan đột ngột quyết định:
- Nể lời dì, tôi nhận em vào cung.
Mụ Độc chợt sững sờ trước niềm vui bất ngờ tưởng như không thể có được ấy. Mụ không tin vào tai mình nên nghiêng đầu hỏi lại:
- Tâu hoàng phi! Hoàng phi nói thế nào?
- Nể lời dì, tôi nhận em Chinh vào cung - Ỷ Lan nhắc lại. – Nhưng ở cung Ỷ Lan này, tất cả mọi người đều phải làm việc, không ai nhàn tản cả.
Mụ Độc chỉ thiếu có rú lên vì sung sướng:
- Thật phúc đức cho em Chinh. Con hãy lạy tạ hoàng phi đi. Mụ giục Chinh, mắt ánh lên nét sáng kỳ lạ.
Và với đầu óc toan tính của mụ, mụ nhân cơ hội nài thêm:
- Tấm lòng hoàng phi quý hóa quá. Nhưng sao hoàng phi không thương lấy kẻ già này một thể, nỡ nào để mẹ con phải xa nhau?
Chỉ đến yêu cầu ấy, Ỷ Lan mới khước từ con người đã bao lần làm hại mình và vẫn chưa chịu buông tha mình.