20. Khóc (2) - Tình người - Anh ấy hứa sẽ đợi tôi đâu đó

Khóc (2)

Tôi khóc – cho những điều buồn bã.

Như cách xa hay hẹn mà chẳng về.

Thêu đau xót đan sầu tư lên mắt.

Khóc rồi thôi tôi chẳng khóc suốt đời.

Tôi khóc – khi ngày tàn đêm xuống.

Ánh hoàng hôn sao cứ gượng cuối chiều.

Vài người đến vài người đi thoảng thốt.

Nhói lòng tôi, nhói hết đêm này.

Tôi khóc – vì vài điều vội bỏ.

Khoét vẹn nguyên nên tôi chẳng mang về.

Thì đâu đó trong cuộc đời rộng lối.

Nắm rồi buông ai biết được chữ ngờ.

Tôi cười lớn – ngày anh quay bước.

Vì niềm đau đã chết lặng bao giờ.

Giọt nước mắt chẳng che tôi yếu đuối.

Cười là mong anh hạnh phúc suốt đời.

Tình người

Đó là một người đàn ông khoảng năm mươi gầy giơ xương, ốm yếu hằn rõ trong từng bước đi. Vai mang một cái túi rõ to, giọng nói yếu ớt, tay cầm tờ chứng minh và giấy khám bệnh của bệnh viện.

“Con tôi nó mắc bệnh nằm chờ chết, giúp tôi với!”

Câu nói ngắn gọn, rơi tõm vào không gian ồn ào của một buổi tối náo nhiệt hệt như lời cầu xin cuối cùng của một tử tù trước khi ra pháp trường.

Tôi móc trong túi ra vài chục ngàn đưa cho ông ta, rồi đi.

Trong lòng tôi bộn bề đủ thứ, chẳng biết vài chục bạc của tôi có phần nào giúp được ai đó không.

Đó là một thằng bé tầm sáu tuổi, có nụ cười trong veo như nắng, quần lửng, áo thun, mặt mày hớn hở chạy vào mời tôi mua vé số.

Tôi nhìn thằng bé rồi xua tay không mua.

Thằng bé cúi đầu chào rồi mỉm cười. Tôi thấy thằng bé đến là thương, khi đêm đã khuya ngoảnh mà vẫn khư khư trong tay tập vé số còn nguyên.

Tôi với gọi nó lại mua một tờ, nó đưa tờ vé số cho tôi bằng hai tay, cầm tiền bỏ vào túi quần mà gương mặt chẳng có lấy một vết mỏi mệt.

Nó chạy ra ngoài thì đã có hai người phụ nữ đứng chờ sẵn.

Đó là một thanh niên ngoài hai mươi, đi chân đất, ốm nhách, ốm đến độ hai hốc mắt lộ rõ. Anh ta dắt một chiếc xe máy cà tàng bó thép chằng chịt, đi run run đến gần tôi.

“Cho em xin mười ngàn đổ xăng để đi tiếp.”

Giữa cái nắng trưa gay gắt của Sài Gòn đổ thẳng xuống đầu, cái khô rát của những dòng xe vô tình ngoài kia, tôi sờ túi lấy đưa anh ta mười ngàn.

Anh ta cúi đầu cám ơn.

Tôi vừa lên ga đi khỏi thì bất giác nhận ra chắc anh ta không đổ xăng.

Đó là một cụ già ngoài bảy mươi, chân đi không vững, chống một cây gậy cũ kỹ cùng bộ đồ nhàu nát.

Cụ mời vé số và hầu hết mọi người được mời đều mua. Họ nhìn ái ngại cho ông cụ với cái tuổi đáng cha đáng ông mà vẫn phải tự mình mưu sinh. Rồi hầu như là họ đều cho nhiều hơn mua.

Ông cụ cọc cạch chống gậy đi xuống nặng nề những bậc thang, vừa ra đến ngoài thì có một chị đẩy xe lăn đến.

Ông cụ vừa ngồi vào xe lăn thì chị ta đã giựt xấp vé số và tiền để đếm.

Bóng dáng hai người đó khuất hẳn, tôi nuốt muỗng kem cuối cùng mà lạnh buốt cả tim.

Có thể rằng tất cả họ đều lừa tôi. Nhưng tôi thà bị lừa còn hơn làm ngơ vì có những giây phút mọi thứ nó chỉ còn là tình người với nhau. Khó nói lắm, đó cũng là cách để họ mưu sinh và họ luôn thắng tôi ở những cuộc chơi về tình người.

Anh ấy hứa sẽ đợi tôi đâu đó.

Tôi không rõ về con đường nhưng tôi mang lời hứa đi theo.

Rồi vài năm tháng đầu tiên cũng qua, tôi vẫn chưa thấy anh ấy trở lại, lời hứa cũng rơi rớt phân nửa.

Rồi vài năm tháng tiếp theo cũng qua, tôi không thấy tiếng động của bước chân vội vã, tôi chỉ biết anh ấy vẫn tồn tại đâu đó dưới bầu trời này – hạnh phúc. Lời hứa đã vơi gần hết.

Tôi chờ anh ấy dài hơn những năm tháng nhạt màu phía trước. Khi tôi đã tự nói với mình rằng anh ấy mãi mãi không quay về. Lời hứa giờ đây chỉ còn là tiềm thức trong tôi.

Anh ấy là người dưng tôi thương nhất trong cuộc đời tôi. Vì đôi lần tôi đã khóc ù tai chẳng còn nghe tiếng mình khi đứng nhìn anh ấy hạnh phúc. Vì đôi lần tôi đã quay về sát bên để chắc với bản thân anh ấy vẫn ổn. Vì đôi lần tôi đau đớn đến chết với cái suy nghĩ sẽ mất anh ấy mãi mãi.

Anh ấy không thất hứa.

Anh ấy đã đợi tôi.

Nhưng là trong quá khứ. Khi tôi đổi khác. Anh ấy đổi khác. Chỉ có chúng tôi khi xưa là vẫn vậy.

Thế mà tôi mất rất nhiều năm tháng tìm kiếm anh ấy.

Quá khứ ư? Tôi thốt lên:

“Vậy bao giờ mới đến hôm qua?”