Những năm ảo mộng - Chương 2 phần 2

Giọng nói của Overton dịu dàng và có ý ve vãn. Nhưng mọi cố gắng của anh ta để quyến rũ Anna đều vô ích. Chị lắc đầu:

- Tôi đã hứa uống trà với một người bạn.

- Vậy có lẽ để lần sau.

Sau khi anh ta đi xa, chị nhăn mặt khinh bỉ:

- Chàng trẻ tuổi này đẹp trai đấy!

- Chị đã làm cho anh ta hứng khởi và tỏ ra thành thật.

- Có lẽ, nhưng tôi không ưa hạng người đó. Hơn nữa, tôi sẵn sàng cá với anh một cái ống nghe mới là anh ta đang cặp bồ với cô y tá. (Chị cởi áo choàng ra). Nào, anh nhanh lên chứ, trời đất!

- Tôi tưởng chị có hẹn với một người bạn.

- Thì anh là người bạn đó.

Họ đi ra phòng trà gần nhất. Thình lình Anna quay sang Duncan:

- Hôm nay, anh đã đánh thuốc mê rất khá. Anh có chịu làm người gây mê cho tôi trong ba tháng tới không? Bệnh viện đã đồng ý. Tiền lương là 50 guinée.

Duncan đỏ mặt vì ngạc nhiên và sung sướng. Năm mươi guinée! Dư để chấm dứt cảnh làm đầy tớ bà Inglis, để khỏi lo nghĩ mỗi khi tiêu dù chỉ một xu, không kể sự vinh dự mà người ta đã dành cho anh cũng như kinh nghiệm do công việc sẽ đem lại cho anh.

Không nhìn chị, anh hỏi:

- Chị không đùa đấy chứ, chị Anna?

Chị quay sang anh:

- Này, cậu bé quý mến, từ nãy giờ tôi chỉ làm có mỗi việc ấy.

oOo

Với nụ cười dịu dàng trên môi, Duncan đọc bức thư, không chữ kí như thường lệ, với con dấu bưu điện thân quen của thôn Strath Linton ở góc thư:

“Hai người bạn thân của anh sẽ đến St. Andrews vào chiều thứ năm. Hẹn gặp ở thư viện Leckie lúc 13 giờ.”

Tình thân giữa Duncan với bác sĩ Murdoch và Jeanne bây giờ đã tỏ ra gắn bó và trở thành thông lệ là Duncan gặp họ ở thư viện, đi ăn chiều với họ vào những lần hiếm hoi mà ông bác sĩ già và cô con gái lên thành phố. Vẫn luôn đi săn những ấn bản sách quý, Murdoch đã coi nhà sách này như một bến đậu.

Bỗng nhiên nụ cười của Duncan chợt tắt, anh sực nhớ là cũng đúng chiều thứ năm này, anh đã hứa đi ăn trưa với Anna để mừng việc làm mới của anh.

Với tấm thiệp cầm ở tay, anh hồi tưởng lại thời gian qua. Sáu tuần vừa rồi đã để lại dấu ấn sâu đậm trong đời anh. Anh đã tìm thấy ở Anna, một người đồng nghiệp có hoài bão và mục đích dứt khoát như anh, chỉ khác là chị đã giấu điều ấy dưới vẻ bất cần. Sự hợp tác của họ hoàn toàn trong sáng và chính vì thế mà anh cảm thấy thích chị.

Với ảnh hưởng của Anna, việc học của Duncan tiến rất nhanh và những hoài bão của anh càng trở nên rõ rệt. Qua các cuộc tiếp xúc với chị, những khái niệm của anh về ngành giải phẫu hiện đại đã ngày càng mở rộng. Chị cho anh mượn sách và cố gắng truyền sang anh những hiểu biết của mình về nghệ thuật, văn chương và âm nhạc. Mặc dù chị có những cử chỉ thẳng thắn, áo quần không chải chuốt nhưng chị có một bộ óc được trau giồi, tích lũy kiến thức và hơn thế nữa, rất tao nhã.

Bài toán này làm anh lo lắng. Anh không muốn làm những người thân của mình buồn. Anh ngồi vào bàn và với một cảm giác ngượng ngập khác thường, viết lời cáo lỗi viện cớ là anh mắc bận ở bệnh viện vào thứ năm. Điều này cũng không hoàn toàn sai vì thật sự, anh phải trình diện ở buổi họp quan trọng vào chiều hôm ấy.

Ngày thứ năm đã tới, Duncan quyết định là bữa cơm trưa ấy sẽ không phải là bữa ăn nhỏ đạm bạc trong những nhà hàng rẻ tiền mà anh vẫn thường ăn. Lần này, anh tự hứa là sẽ đãi Anna thực sự, sẽ mời chị ăn ở Thistle Grill, nhà hàng ăn mới mở và thuộc loại sang trọng ở thành phố.

Khi bước vào nhà hàng Thistle Grill, anh thấy Anna đang chờ. Hôm nay chị có vẻ ít lạnh lùng hơn thường ngày. Cái áo màu đen và nghiêm nghị đã tạo cho chị một dáng sang trọng, đem lại cho chị vẻ quý phái lạ mắt trong nhà hàng tỉnh lẻ này. Duncan ngạc nhiên vì cái nón màu đen nhỏ dắt lông chim màu đỏ rực của chị. Anh không thể tưởng tượng rằng chị lại có những vật dụng rất phụ nữ đến thế. Người ta không thể nói chị đẹp, nhưng với nước da trắng xanh, đôi môi tô son đỏ thắm trông rất đài các và nhất là đôi bàn tay mềm mại, tất cả đã làm chị nổi bật lên khác hẳn những người đàn bà khác, cứ như chị từ một nơi xa lạ nào đến và có đầy quyền lực trong tay. Mọi ánh mắt đều hướng về chị, tò mò hoặc chê bai.

Nhà hàng mang ra cho họ những món ăn hợp khẩu vị và mở một chai rượu vang.

- Hoan hô, - chị nói, - tôi uống mừng sự thành công của bác sị Geisler và bác sĩ Stirling.

Anna nghiêng người qua bàn về phía anh và bắt anh đưa ly lên.

Giác quan thứ sáu báo cho Duncan biết là phải quay đầu lại và anh nhận ra bác sĩ Murdoch và Jeanne đang ở cửa ra vào. Cùng lúc ấy, cả hai đã nhận ra anh và ánh mắt của họ đã nói lên tất cả. Anh chợt hiểu họ đã hiểu lầm về cử chỉ thân mật giữa anh và Anna. Duncan cảm thấy mặt mình đỏ lên tận chân tóc. Anh không bao giờ nghĩ là bác sĩ Murdoch lại chọn đúng vào ngày này để tới ăn ở tiệm Thistle.

Ông bác sĩ già và Jeanne đi ngang qua bàn của Duncan về phía cuối phòng. Khi họ đi qua, anh đứng lên và lắp bắp giới thiệu.

Nhưng những cố gắng của anh để bào chữa cho sự vụng về của mình đã vô ích, bác sĩ Murdoch đứng thẳng người trong bộ áo cũ bằng vải Tweed, mày nhíu lại, ông nhìn Anna với vẻ hiểu biết rồi quay lưng lại phía chị. Nhìn thẳng vào Duncan, ông hắng giọng:

- Bây giờ thì tôi đã hiểu tại sao anh không có thì giờ để gặp những người bạn thân của anh vào hôm nay.

- Bác không hiểu cháu…

- Tôi hiểu rất rõ, - bác sĩ Murdoch khinh khỉnh trả lời, - anh rất bận việc ở bệnh viện.

Cuốn hút vào những câu xin lỗi của mình mà bây giờ giống như những lời nói dối, Duncan đành ngồi phịch xuống. Bực mình và tự ái, anh không muốn nói gì nữa. Anh thấy Jeanne, vẻ khổ sở, cố gắng giải thích chuyện gì đó, nhưng cha cô đã kéo tay cô đi lại một góc phòng.

Sau một thoáng im lặng, Anna hỏi:

- Ai thế?

- Bạn tôi! - Duncan trả lời ngắn ngủi.

- Thế à! Thế còn cô ấy?

- Cô ta cũng vậy.

Sự thoải mái vào đầu bữa ăn giữa Anna và Duncan đã biến mất. Họ cố gắng, nhất là Anna, tìm lại nó, nhưng thật vô ích và Duncan thấy thật sự sung sướng khi bữa ăn kết thúc. Anh nhanh chóng trả tiền và theo Anna ra ngoài.

Họ đi thẳng đến bệnh viện vì Anna phải mổ vào lúc hai giờ ba mươi.

Ngày hôm ấy, một phần vì tầm quan trọng của ca mổ, nhưng phần lớn là vì tài năng của mình, cá tính của Anna đã được nhận rõ. Giảng đường tràn ngập sinh viên. Duncan nhận ra các bác sĩ của thành phố, một bác sĩ giải phẫu của bệnh viện Victoria cũng có mặt, và có cả một nhân vật quan trọng bậc nhất: Giáo sư Lee, giám đốc Viện Wallace. Overton luôn luôn thoải mái trong những trường hợp quan trọng như vậy để phụ mổ cho Anna.

Khi đứng bên cạnh bàn mổ, Duncan cảm thấy hơi ngượng ngập. Sự cố tại nhà hàng đã làm anh mất tinh thần và sự hiện diện của quá nhiều người chung quanh mình như thế này lại càng làm anh bối rối. Anh phải đánh thuốc mê cho một trường hợp khá phức tạp: phải dùng hỗn hợp CO2, O2 và Ete. Với bàn tay lành của mình, anh vặn chặt các nút chai lọ lại.

Ngay khi ca mổ mới bắt đầu, anh đã biết là mình sẽ không làm tốt được. Một đôi lần, Anna liếc nhìn anh thật nhanh. Rồi anh cảm thấy những cái nhìn khác nữa cùng với cái liếc mắt đầy chê bai của Overton vào cánh tay tàn tật của anh.

Cảm giác về sự khuyết tật của chính mình làm anh chợt tê dại đi. Sự vụng về của anh tăng lên, bao lấy anh như một đám mây mù, làm anh ngột ngạt.

Và cuối cùng là một tai họa: trong khi quay lại lấy thêm Ete, anh đã đánh rơi chai thuốc mê.

Một thoáng im lặng chê bai trôi qua. Mọi tia nhìn dán lên Duncan, ngoại trừ tia nhìn của bác sĩ Lee, đượm vẻ tế nhị, đang hướng lên trần nhà.

- Thật là đồ đoảng, - Overton nói nhỏ, - may là nút đóng kín, nếu không tất cả chúng ta đã nổ tung rồi.

- Im đi! - Anna ra lệnh.

Chị nhanh chóng quay sang cô y tá Damson:

- Đừng đứng đực ra đấy. Lấy chai khác lại đây, nhanh lên.

- Vâng, thưa bác sĩ.

Cô ta bực bội đi lấy chai thuốc khác.

Ca mổ sau đó kết thúc trong sự im lặng nặng nề.

Duncan đi ra phòng thay áo. Mặt anh tái xanh, anh nhận rõ tầm quan trọng của lỗi mình, những hậu quả tai hại mà nó có thể gây ra. Anh cảm thấy mình yếu đuối, bệnh hoạn và không thể chấp nhận sự gặp lại những người đã chứng kiến cảnh ấy.

Anh tự ý đứng lại, mong để Anna có đủ thì giờ về trước. Nhưng đến khi định đi thì anh bất chợt nghe được mẩu chuyện giữa hai cô y tá khoa ngoại và anh đứng chết sững lại.

- Thật là khủng khiếp khi chai ete rơi, - chị y tá lớn tuổi nhất nói, - anh chàng đó thật là đoảng.

Người đang nói chuyện với chị ta là cô y tá Damson.

- Với một người như vậy thì làm sao khác được! Anh ta không bao giờ có thể là một bác sĩ giỏi được! Bác sĩ Overton đã nói với tôi như vậy cả chục lần.

Một nỗi chán nản u tối tràn ngập trong lòng Duncan trên đường về nhà.

Sáng hôm sau, cảm giác kinh khủng đó vẫn còn trong anh khi anh thức giấc. Trước đây, chưa bao giờ anh cảm thấy hoàn toàn thất vọng như thế. Ý tưởng về sự kém cỏi của thể xác mình đã ám ảnh anh. Nhìn ai anh cũng cảm thấy như họ khinh bỉ mình. Anh cay đắng chìm trong ý tưởng là bạn bè đang chế giễu tật nguyền của anh. Cái ám ảnh bệnh hoạn này càng làm cho anh thêm vụng về.

Sáng thứ bảy, Anna chặn anh lại ở cầu thang.

- Này anh bạn trẻ tuổi! (Chị nắm lấy ve áo anh). Anh tránh mặt tôi đấy hả? (Chị đẩy anh vào phòng chị và nhìn thẳng vào mắt anh). Có chuyện gì vậy?

- Chẳng có gì cả, - anh tránh mặt chị.

Chị ngồi xuống, có vẻ nhất định không bỏ rơi câu chuyện.

- Chẳng bao lâu nữa sẽ tới ngày anh thi ra trường, - chị hỏi với giọng bình thường, - tháng tới, phải không? Tôi vui mừng thấy chẳng bao lâu nữa anh sẽ thoát khỏi tất cả những cuộc thử thách này. Anh biết đấy, Duncan ạ, nếu anh thật sự lao mình vào, nếu anh đi vào chuyên khoa, anh và tôi, chúng ta sẽ tạo được một toán làm việc tuyệt vời.

- Đi vào chuyên khoa ư? Tôi chỉ là một tên vô tích sự.

- Đừng có nói điên!

Không để ý đến lời chị, anh tiếp tục nói, vẻ căng thẳng:

- Thật đấy, tôi mà làm được gì? Bác sĩ Inglis có lẽ có lý! Ngay từ đầu ông đã báo trước là tôi sẽ mọc rêu ở một góc bụi bặm nào đó để lập các bảng thống kê hoặc để xịt thuốc tẩy trùng. Sao cũng được, vì tôi là một kẻ vô tích sự.

Anh nhún vai, thở dài, vết thương bây giờ đã được phanh phui trước mặt Anna. Chị chậm rãi nói với anh, giọng không một chút thương cảm:

- Nếu anh cho tôi nói, có lẽ tôi có thể giải thích cho anh thấy là anh có ích đến chừng nào.

Anh thô lỗ ngắt lời chị:

- Tại sao phải che giấu sự thật và nuôi các ảo vọng? Tôi chỉ là một tên tàn tật thất bại! Trời đất, đáng lí tôi phải hiểu điều đó từ lâu. Khi tôi bắt đầu đến đây, cách đây năm năm, tôi chỉ nghĩ có một điều: vượt qua các cuộc thi để lấy bằng bác sĩ, ngoài ra tôi không thấy gì khác. Bây giờ tôi thấy rằng tất cả những điều đó là vô ích. Thôi! Chị hãy để tôi nói. Tốt hơn là cứ nói hết cho chị nghe. Làm sao tôi có thể chăm sóc người bệnh. Làm sao tôi có thể làm điều ấy kia chứ?

Anna cố ý đứng lên và ngồi xuống cạnh anh. Chị tỏ ra không hề xúc động.

- Có một điều tôi muốn hỏi anh từ lâu, tôi nghĩ là bây giờ đã đến lúc (chị nhìn thẳng vào mắt anh) anh có chịu cho tôi khám tay anh không?

- Nếu điều đó làm chị vui lòng, - anh cay đắng nói, - tôi chẳng cản trở gì cả. Mời các ông, các bà lại xem, chương trình biểu diễn sắp bắt đầu.

Anh chậm rãi cởi áo. Chị không trả lời anh, vẻ như không mảy may chú ý đến anh trong khi anh tháo cà vạt và cởi chiếc áo sơ mi ra. Làm gì chị lại không đoán được nỗi cực hình mà anh phải chịu đựng khi tự phô bày trước chị cái dị dạng của mình.

Anh đứng đối diện với chị, trần tới thắt lưng. Vẻ mặt vô cảm một cách nghề nghiệp, chị bắt đầu cuộc khám nghiệm. Mới chợt nhìn, dù đã tự trấn tĩnh, chị vẫn cảm thấy lo sợ. Như anh đã nói và cũng như chị đã sợ, đây là một trường hợp nghiêm trọng. Cánh tay cứng đờ và còng queo, hoàn toàn teo lại, giống một cành cây khô.

- Thử cử động ngón tay xem nào. - Chị ra lệnh.

Với một cố gắng tối đa, anh chỉ hơi cử động được chúng.

- Ít ra cũng được thế. - Chị nói với vẻ tạm yên tâm.

- Ích gì! - Anh lầm lì nhắc lại. - Trường hợp của tôi là vô vọng. Nhiều người đã khám nó: bác sĩ Inglis, Tranton, Davidson. Ngay cả giáo sư Lee ở Viện Wallace, cách đây hai năm.

- Anh có chịu đứng yên hay không? - Chị gắt lên, giọng khô khan.

- Được rồi! Chị hãy tiếp tục bài học cơ thể học đi. - Anh vừa cười gằn vừa nhìn chị.

Chị vẫn tiếp tục khám, sờ nắn các bắp cơ và da, thử vận động những khớp cứng đơ. Bảo anh nhắm mắt lại, chị thử các phản xạ da với một cây kim nhọn. Ngoài ý muốn, anh vẫn cảm thấy sức mạnh trong chị, sự khéo tay của chị trong mỗi động tác. Cuộc khám kéo dài, cuối cùng chị vắn tắt bảo anh mặc áo lại.

Rồi chị hỏi anh một cách bình thản:

- Duncan, tôi muốn anh cho tôi mổ cánh tay anh.

Anh không thể lầm về sự thành thật, quả quyết hiện lên trong giọng nói của chị.

- Nhưng tôi đã bảo chị là vô ích mà. Tôi đã nghe cả chục lần chẩn đoán. Chính giáo sư Lee đã bảo tôi là mổ có thể kéo theo nguy cơ tử vong mà lại ít hi vọng sửa đổi được gì dù ca mổ có thành công.

- Ông ta chỉ đúng ở một điểm - chị vẫn tiếp tục nói với giọng đều đều – Đây là ca mổ rất nghiêm trọng. Nếu tôi thất bại… (chị ngưng một lát) anh có thể mất đi cánh tay của anh (chị lại ngừng). Nhưng tôi không nghĩ là tôi sẽ thất bại.

Anh nhìn khuôn mặt trắng xanh, thản nhiên của chị. Một sự nghi ngờ, phản kháng chợt lóe lên trong anh rồi nhanh chóng qua đi. Run lên như một người đứng bên bờ vực thẳm, nhìn sững chị, anh hỏi:

- Tại sao chị muốn mổ cho tôi?

Chị chau mày, bình thản một cách kì lạ:

- Anh có nhớ Pygmalion không? Ồ, tôi không nghĩ tới anh đâu, mà nghĩ đến tôi. Nếu tôi thành công, tóm lại, nếu tôi đạt tới việc tái sinh ra anh, chuyện đó không chỉ giúp cho sự cộng tác của chúng ta mà còn là một thành tựu vẻ vang nhất của tôi.

Những nếp nhăn trên trán Duncan dãn ra, anh khẽ nhếch miệng cười vẻ quả quyết và giễu cợt.

- Được rồi – anh chậm rãi nói. - Vậy chị cứ soạn sẵn đồ nghề đi, và nếu chị thấy việc không theo như ý chị muốn thì cứ việc cắt cổ tôi luôn. Tôi là một thằng vô tích sự, tôi có cảm tưởng là tốt hơn hết tôi nên chết cho rảnh.

oOo

Năm nay mùa xuân đến sớm. Thành phố cổ kính với những bức tường xám xịt đã sống lại dưới tấm áo choàng xanh của cây cỏ. Chưa bao giờ St. Andrews lại đẹp đến thế. Duncan đi xuống đường lớn. Anh không dám để mình đắm vào nỗi hi vọng nhưng may ra, vài ngày nữa, chính anh, anh cũng sẽ tự cảm thấy được sự đổi mới như thể tái sinh. Anh đi vào sân bệnh viện.

Để thực hiện đúng nội quy bệnh viện, anh phải điền vào nhiều bệnh án trước khi nhập viện. Anh biết đây chỉ là thủ tục, nhưng mặt anh vẫn đanh lại khi đi đến phòng nhập viện. Anh gõ cửa và bước vào.

Bác sĩ Overton đang thoải mái thượng trên chiếc ghế xoay, chân gác lên thành cửa sổ. Cô y tá Damson ngồi nghiêng trên cánh tay ghế đang cúi nhìn anh ta.

Bị bắt gặp, cô y tá đỏ mặt lên và Overton có vẻ bực mình.

- Ồ cậu đấy à, Stirling?

Cô y tá Damson leo xuống và sửa lại mái tóc hơi bị sổ ra dưới mũ, Overton nói với cô, vẻ ra lệnh:

- Có vậy thôi, cô ạ! Lát nữa cô mang cho tôi mấy tờ phiếu điều trị.

- Vâng, thưa bác sĩ.

- Thế nào Stirling, - Overton nói, không buồn đổi thế ngồi, - tớ quẳng đâu mất tờ phiếu ấy nhỉ? Cậu biết đấy, cậu thật hên mới có được một phòng trong khoa của Anna đúng vào lúc chúng tớ đang mong muốn.

Duncan cắn chặt môi:

- Tôi hiểu rõ sự tầm thường của mình.

- Không, không phải như cậu nghĩ đâu (Overton mỉm cười vẻ bề trên), tớ chỉ muốn nói với cậu là… ờ, cậu đừng tưởng chị ấy có thể làm gì cho cậu với cánh tay tật nguyền như thế.

- Đương nhiên, - Duncan cay đắng ngắt lời, - tôi đến đây chỉ để nghỉ ngơi.

- Đùa đấy thôi, dù sao, Stirling này, tớ cũng ngả nón phục cậu. Cậu đã biết cách câu Anna Geisler. Đó là một người sẽ đi lên, tin tớ đi. (Overton mỉm cười vẻ đồng tình) Những cái ô cỡ chị ấy luôn có lợi!

Duncan giật mình. Có một cái gì đó hạ cấp và thật đáng kinh tởm trong lời ám chỉ của Overton, đến nỗi anh phải cố kìm mình để không nhảy xổ tới hắn ta.

- Thôi đi, tôi còn phải làm nhiều chuyện trước khi nhập viện.

- Chẳng có gì vội cả, anh bạn quý mến ạ! (Overton thờ ơ, vung vẩy một cây thước). Cậu có nhiều cao vọng lắm, phải không?

- Thế còn anh, anh không có à?

- Cậu điên hả? (Overton lại mỉm cười). Tớ thừa hưởng tính đó ở cha tớ. Cậu biết là ông ấy đã xây dựng nhà máy thủy điện mới của ông, đủ để cung cấp năng lượng điện cho cả khu đông. Ông già sẽ thu hàng triệu bạc với chúng. Thế nào, Stirling? Tớ, tớ cũng như ông ấy vậy. Tớ muốn người ta phải nói về tớ, phải nghiêng mình chào tớ. Tớ sẽ là người nổi bật nhất đấy.

Duncan mỉm cười hằn học:

- Tất cả bọn tôi ghen đến điên lên với địa vị của anh ở đây.

- Trời đất! (Overton chịu hạ mình tỏ vẻ thích thú) Đây chỉ là một nấc thang cho sự nghiệp của tớ. Sắp tới, tớ sẽ làm việc ở bệnh viện Victoria, với chức phó giám đốc. Rồi tớ sẽ lên Edimbourg, lên viện Wallace (anh ta ngưng một lát, mục đích là để hù Duncan). Ở đó bác sĩ Inglis là cái ô cho tớ và bà Inglis lại là một trong những người quen thân của tớ. Với trí thông minh của tớ, với những chỗ dựa của tớ, tớ có thể cá với cậu bất cứ cái gì cậu muốn, là trong năm năm nữa, tớ sẽ là giám đốc viện Wallace.

Duncan nhìn anh ta với vẻ thách thức. Anh rất muốn nhận cuộc thách đố, nhưng rồi anh chỉ chế giễu lạnh lùng:

- Còn gì bằng nữa, dĩ nhiên là anh phải nhắm cao rồi!

- Và nhìn vào chỗ đặt chân tới.

Overton đặt cây thước xuống và lục trong đám giấy tờ trên bàn.

- Chân tớ thường đặt trong những bàn tiệc. À, chúng ta quay lại với chuyện đàn bà… và khi tới đây hẳn cậu đã từng nghĩ tới là chúng ta không chỉ luôn nói về công việc. Tớ phải là cậu đã đạt trúng đích với Anna. Thôi được rồi, ghi tên cậu vào đây. Tớ sẽ để ý chọn cho cậu một phòng thích hợp.

Duncan kí tên và ra khỏi văn phòng, lòng sôi lên vì giận. Vẻ ngạo mạn của Overton, tính hợm hĩnh vị kỉ và trâng tráo của hắn vốn luôn làm anh giận điên lên. Nhưng ngày hôm nay hắn thật quá mức khi phun ra những lời ngụ ý nhỏ nhen liên quan đến Anna và chính anh. Anh cố gắng xua đuổi những lời đó ra khỏi tâm trí mình.

Nhưng Overton thì không quên, miệng lưỡi cay độc của hắn đã vang lên và chẳng bao lâu câu chuyện về ca mổ được tô vẽ thêm đã lan khắp thành phố. Đây là một chuyện ngồi lê đôi mách tuyệt vời cho các bà rỗi hơi ở St. Andrews. Hai ngày sau, bà Inglis chận Duncan ngoài phố:

- Tôi được nghe nói rất nhiều về anh và bác sĩ Geisler, - bà phát biểu với vẻ dạy đời, - điều người ta nói có đúng không?

- Người ta nói gì? - Duncan cộc cằn hỏi.

Bà ta ấp úng:

- Anh thường làm việc chung với cô ấy, người ta thấy anh và cô ấy đi chung với nhau bất cứ vào giờ nào. Bác sĩ Overton bảo tôi vậy.

- À ra thế, anh ta đã kể cho bà nghe không sót một lời gièm pha nào trong xứ à?

Bà ta đỏ mặt:

- Bác sĩ Overton thấy có bổn phận phải thông báo cho tôi. Tôi nói thẳng với cậu đấy, câu chuyện này sẽ không làm cho sự nghiệp của cậu tiến lên dễ dàng đâu, Duncan ạ. Tôi đã bảo với nhà tôi thế.

Duncan khó khăn lắm mới kìm được nỗi bực tức của mình. Hơn nữa, anh chợt nghĩ có lẽ mình đã bất cần trong tình bạn đúng nghĩa với Anna. Thật ra, bà Inglis với sức trấn áp được bác sĩ Inglis, có thể gây rối nghiêm trọng cho anh. Anh rơi vào trong một tình trạng cáu kỉnh tột độ, bỗng nhận ra ở phía xa trên đường một bóng dáng thân quen trong bộ đồ nỉ thô ráp đang nghiêng mình xem sách ở tiệm Leckie. Tim anh đập mạnh. Anh quên hết các mối lo âu và vội lại gần vị bác sĩ ở Strath Linton.

- Bác Murdoch, cháu thật sung sướng được gặp bác.

Bác sĩ Murdoch sững người lại, nhìn quyển sách đang mở trong tay lâu hơn cần thiết, rồi trả lời vắn tắt:

- Chào anh.

- Cháu rất mong gặp bác, - Duncan tiếp tục nói, - để cháu giải thích chuyện hiểu lầm hôm nọ.

- Tôi không thích những lời giải thích, - bác sĩ Murdoch khô khan nói, (ông lật trang sách), - hơn nữa càng ít nói càng tốt.

- Nhưng cháu thề với bác, - Duncan cố nói, - là bác không hiểu cháu. Đáng lí cháu phải viết thư cho bác. Thôi để cháu viết thư cho em Jeanne vậy.

Bác sĩ Murdoch quay lại, và lần đầu tiên, nhìn thẳng vào mắt Duncan. Ông như có phần già đi, mặt nhăn nheo hơn, mắt trũng sâu hơn, nhưng giọng vẫn chắc như thép:

- Nếu tôi ở địa vị anh, tôi sẽ không dám viết thư ấy. Tôi rất khó tính trong việc giao thiệp của con gái tôi.

Không còn lầm lẫn gì nữa, với sự sỉ nhục ấy, Duncan nổi nóng lên như thể ông cụ đã đánh anh.

Thế ra bác sĩ Murdoch cũng đã để tai nghe những lời gièm pha. Duncan cố gắng tự chủ. Kỉ niệm về tất cả những gì bác sĩ Murdoch đã giúp anh, khiến anh cố tránh một một cuộc đổ vỡ hoàn toàn.

- Giữa bác sĩ Geisler và cháu chỉ có một tình bạn hoàn toàn trong sáng. Chị ấy cố chữa trị cánh tay cho cháu, chị ấy đã đem tên tuổi của mình ra thử thách trong việc này.

- Đúng thế, cô ta đã đem danh dự mình ra thử thách, chữ dùng đúng đấy! - Bác sĩ Murdoch bật thốt.

Duncan nghẹn lời.

- Bác điên rồi! - Anh thốt lên, một người điên đáng thương với những định kiến của mình.

- Có lẽ, - bác sĩ Murdoch gầm lên. - Ngày xưa, tôi cứ tưởng anh là một người đàn ông. Tôi thích tưởng tượng trong anh có tính bền bỉ và gan góc, có cả óc suy xét nữa, tất cả những đức tính tốt của người Tô Cách Lan. Tôi điên khùng chính vì thế đấy. Bây giờ, tôi biết anh là thế nào rồi. Mọi chuyện giữa anh và tôi chấm dứt ở đây.

Quau lưng đi, người bác sĩ già ra vẻ chăm chú đọc sách.

Trong bóng chiều đang đổ xuống, Duncan không nhận ra đôi bàn tay của bác sĩ Murdoch run đến mức ông cụ phải khó khăn lắm mới không đánh rơi quyển sách. Anh cảm thấy lòng quặn đau và cũng tràn ngập sự giận dữ gây ra bởi tất cả những điều oan ức mà anh phải chịu. Thôi đành vậy, trang này của cuộc đời sẽ được đóng lại. Từ nay, Strath Linton sẽ không còn chỗ trong tâm trí anh. Anh quay lưng bước đi. Hoàn toàn im lặng, anh bước vội trên con đường đã tối hẳn.

oOo

Hai ngày sau, vào thứ năm, Duncan thi lần cuối. Buổi trưa một ngày nắng đẹp, đầy hứa hẹn của mùa hè, sau khi nhìn những đám mây trắng trôi trên bầu trời xanh thẳm, một lần nữa anh bước vào bệnh viện, vào khoa của Anna. Anh đã sẵn sàng cho cuộc mổ.

*

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3