Những năm ảo mộng - Chương 2 phần 1

Chương 2

Ra khỏi lớp, trong khi vội đến nhà bác sĩ Inglis, Duncan nghĩ đến những năm vừa trôi qua. Anh có cảm tưởng chúng trôi nhanh như những chiếc lá trước gió. Hiện giờ anh là sinh viên năm thứ năm và anh sẽ thi lần cuối vào mùa đông này. Trong vài tuần nữa, anh sẽ đạt học vị bác sĩ.

Cuộc chiến đấu đã để lại trong anh một dấu ấn sâu đậm. Khởi đầu, anh kiếm tiền nhờ làm kế toán trong một nhà buôn ở tỉnh nhưng sau đó, anh phải khiêm tốn nhận lời mời làm việc của bác sĩ Inglis khi anh mới đến St. Andrews. Từ ba năm nay, sau buổi học anh làm người giúp việc trong nhà bác sĩ Inglis. Dần dần anh đã hiểu bác sĩ Inglis và cảm thấy mến ông. Anh đã nhận biết lòng tốt, rụt rè và dễ thương của ông che giấu dưới cái vỏ bọc của uy quyền và sang trọng. Nhưng than ôi! Bà Inglis lại là người đàn bà nhỏ nhen, luôn làm cho anh khốn đốn. Anh chỉ kiếm vừa đủ để trả tiền trọ và khỏi chết đói.

Tới trước nhà ông khoa trưởng, anh đi vào cửa dành cho người giúp việc, thay quần áo và bắt đầu công việc thường lệ: bổ củi, mang than từ hầm lên, chất than vào lò, lau sàn nhà bếp. Bà Inglis đến gặp anh vào đúng lúc anh đang lau nhà. Đó là một phụ nữ cao lớn với bộ ngực đồ sộ, ăn mặc quá kiểu cách. Khi bà nói với anh, giọng bà luôn hằn học và trịch thượng:

- Stirling, lên nhóm lửa phòng khách đi.

- Vâng.

Bà ném cho anh một cái nhìn cay nghiệt.

- Nhanh lên, có cháu tôi đến thăm tôi đấy.

Bây giờ anh đã quá quen với những trò hạ nhục anh của bà. Xách thùng than lên tay, anh ra phòng khách và ở đó anh chợt nhận ra Margaret Scott đang ngồi trên chiếc ghế bành, tay cầm quyển sách. Ngay lập tức, anh đứng sững lại. Tất cả tình yêu anh dành cho cô ủ kín trong tim anh nay được bung ra. Trong một vài phút cô đã không nhận ra anh. Rồi thình lình cô bỗng kêu lên:

- Ủa, anh Duncan đấy ư?

Rồi sự tinh nghịch đã thế chỗ cho sự ngạc nhiên và cô bật cười. Cuối cùng cô làm nghiêm lại:

- Ôi tha lỗi cho em, nhưng quả là em không biết anh là cô hầu phòng thứ hai trong nhà.

Nghiêng đầu, cô ngắm anh:

- Anh đã thay đổi nhiều sau lần gặp em.

- Mong rằng là khá hơn.

- Ba em cũng vừa nhắc đến anh hôm nọ. Đã lâu chúng ta chưa gặp nhau.

Duncan đứng thẳng người lên, như những ngọn lửa reo vui. Nhận xét của nàng làm anh chợt lóe lên một ý tưởng điên dại. Anh vội nói:

- Đúng đấy, Margaret à, đã hàng thế kỉ nay tôi không gặp cô. Cô có nhận lời mời đến uống trà với tôi không?

Margaret ngạc nhiên.

- Ở đâu? Nhà anh à?

Không nói nên lời, Duncan gật nhẹ đầu.

Cô không thể hiểu anh, nhưng cô nghĩ hẳn sẽ rất buồn cười khi biết được người con trai kì quặc này sống ra sao. Hơn nữa, anh ta cũng thật sự trông khá hơn trước. Anh ta đã thay đổi nhiều thật.

- Ngày mai tôi không thể đến được, - cô nói, - tôi có hẹn với bác sĩ Overton.

Anh lặng thinh. Hơn bao giờ hết, cái tên Overton làm dấy lên trong anh một làn sóng thù nghịch. Từ sau khi Duncan thi đậu cuộc thi Lockhart, Overton đã tỏ ra vẻ bỏ rơi anh. Trong vài trường hợp hiếm hoi chạm mặt với nhau, hắn lại tỏ ra vẻ trịch thượng và khinh khi Duncan.

- Nhưng em có thể đến… ngày mốt, - cô nói thêm.

Chiều hôm ấy, khi trở về nhà, Duncan vẫn còn lâng lâng. Anh leo vội các bậc thang nhưng chợt ngừng lại khi đến lầu hai. Ai đó đang chơi dương cầm. Có lẽ người khách trọ mới mà bà Galt đã nói với anh. Anh đứng lắng nghe trong bóng đêm. Mặc dù không phải là người sành nhạc nhưng anh cũng cảm thấy là hay. Thường anh rất nhút nhát để làm quen ai, nhưng chiều nay, hạnh phúc mà anh cảm thấy trong lòng đã cuốn trôi phong thái e dè thường lệ. Anh gõ cửa và khi có tiếng mời vào, anh liền mở cửa.

- Tôi đi ngang qua và nghĩ rằng tôi phải đến ra mắt. Chị là bác sĩ Geisler phải không? Tôi là Duncan Stirling, tôi ở tầng trên.

Vẫn tiếp tục đàn, người phụ nữ quay đầu lại, và quan sát anh từ đầu đến chân. Chị vào khoảng hai mươi tám tuổi. Mắt chị màu thẫm trong một khuôn mặt tái xanh, không đẹp lắm, nhưng chúng có vẻ vừa u buồn vừa thách thức khiến người khác phải chú ý. Cái quần gabacdin xanh bó sát chân, đôi bàn chân trần của chị đang nghịch với đôi dép da cũ kiểu Phi châu màu đỏ. Mái tóc đen và rối của chị được để giản dị. Chưa bao giờ anh thấy một phụ nữ tỏ ra coi thường phong cách phái đẹp, dửng dưng với bề ngoài của mình đến thế.

Chị ngừng bản đàn và đứng bật dậy.

- À, anh đấy à, - chị lạnh lùng nói, - chàng sinh viên Y khoa không ai sánh nổi! Từ khi dọn về đây tôi đã được nghe bà Galt ca tụng anh.

Anh cười và nhìn quanh. Căn phòng, mặc dù trang trí giản dị, vẫn bộc lộ một cá tính đặc biệt: bức họa duy nhất trên lò sưởi, một đốm màu vàng và xanh. Chiếc đi-văng bọc vải màu kem, cây đàn dương cầm, tất cả thành một tập hợp đầy thi vị mà người ta không thể ngờ có được dưới mái nhà nghèo nàn này.

Anh không ngăn cản được câu nhận xét:

- Chị khéo sắp xếp thật. Tôi đoán những thứ này là của chị.

Nét mặt của bác sĩ Geisler trở lại lạnh lùng:

- Vâng, những cái còn lại.

Duncan quay mặt đi. Anh đã biết chị là người tị nạn từ Áo. Anh cũng biết chị đã từng hành nghề tại Vienne. Chị đến để điều khiển khoa ngoại chỉnh hình mới được mở tại viện Wallace.

Vẫn với vẻ lạnh lùng bất cần, chị tiếp tục nói:

- Khi người ta muốn bỏ một xứ sở nào đó thì người ta hài lòng rời bỏ nó, dù rời nó bằng bất cứ kiểu nào.

- Vâng, - anh đồng ý, - tôi chắc là như vậy.

- Tôi thích căn nhà cổ này, - chị nói sau một giây im lặng. - Nó hoàn toàn khác Vienne ngày nay (Chị lắc đầu như để xua đi một kỉ niệm). Tiếng đàn của tôi sẽ không làm phiền anh chứ?

- Ồ không, không đâu, - anh vội trả lời, - tôi thích nó, cái điệu hay hay mà chị chơi khi tôi bước vào ấy.

- Điệu hay hay! - Chị nhún vai nhại lại anh. - Nhạc của Schumann đấy! Một anh chàng dễ thương, anh ta đã chết ở nhà thương điên như mọi người đã biết.

Chị hất đầu ra sau, mắt nhìn vào bóng tối. Những ngón tay lướt nhẹ trên phím đàn.

- Âm nhạc ư? Đối với tôi nó là ma túy! Hãy đến thưởng thức nó một chút khi nào anh muốn, nếu anh không quá bận. Anh không nên e ngại tôi.

Bị đuổi đột ngột và lạnh lùng; nhưng rất lạ là anh không cảm thấy tự ái. Anh cảm thấy không có gì thù hằn trong thái độ của chị.

- Chào bác sĩ Geisler, chúc chị ngủ ngon, - anh nói, - tôi mong chúng ta sẽ trở thành bạn.

Khi về đến phòng mình, tiếng nhạc vẫn như đuổi theo anh.

Cuối cùng, cái giờ ấn định dành cho cuộc viếng thăm của Margaret đã tới, Duncan mượn bà Galt một tấm khăn trắng trải bàn và một bình hoa trong đó anh đã cắm vài cành hoa hồng. Anh cũng đã sửa soạn ít bánh ngọt và một lọ mứt dâu. Đương nhiên cái ngân quỹ tính từng đồng của anh đã không chịu nổi sự xài sang như vậy, nên, tuy tiếc rẻ, anh vẫn phải đem cầm cái đồng hồ có sợi dây bạc mà cha anh đã cho lúc anh đi học.

Sau khi bày tất cả ra bàn, anh đứng sững nhìn chúng, lòng hồi hộp. Chẳng bao lâu anh đã nghe tiếng chân nhanh nhẹn của Margaret và chỉ ít phút sau, cô đã hiện ra ở khung cửa. Ngay từ đầu, Duncan không thể thốt lên lời nào vì quá xúc động. Anh chỉ có thể nhìn cô và mắt anh nói lên thật rõ ràng anh đã thấy cô đẹp đến mức nào. Thật ra cô thật xinh với cái áo khoác ngắn bằng lông thú, cái nón tinh quái nhỏ xíu đội lệch xuống mắt. Cái lạnh đã làm hồng đôi má cô và mắt cô long lanh như những vì sao.

- Ôi, Duncan, căn phòng mới ngộ làm sao! - Cô bắt tay anh và nói (mũi chun lại nghịch ngợm, mắt nhìn chung quanh) - Anh thật sự sống ở đây à? Nhưng nó chật đến nỗi cả con mèo cũng không xoay trở được nữa.

Bây giờ Duncan cảm thấy hoàn toàn sung sướng.

- Nhưng tôi có mèo đâu.

Sự hiện diện của cô đã biến căn phòng thành một lâu đài. Anh mời cô một tách trà và không thể ngăn mình nói với cô những lời chân thật từ đáy lòng.

- Margaret à. Cuộc đến thăm của cô là một sự cố quan trọng đối với tôi. Tôi không thể nói hết với cô, tôi… (anh ngừng một chút) ô, nhưng tôi đã làm cho cô nhàm tai rồi phải không? Cô dùng miếng bánh nhé.

- Duncan, anh không làm tôi nhàm đâu. Tôi thích được nghe những câu dễ thương, nhất là khi chúng liên quan tới tôi. Nhưng anh tha lỗi, tôi không dùng bánh được, vì Euen - bác sĩ Overton ấy mà, đã thuyết cho tôi nghe suốt một buổi chiều về chất ngọt, từ đó tôi chẳng dám động đến chúng. Nói thật ra thì anh ấy hơi nhỏ mọn khi nói điều ấy với tôi trong khi mời tôi uống champagne với tôm hùm… À, mà anh đang nói với tôi gì nhỉ?… Về tôi ư… gì thế nhỉ?

- Ồ không có gì cả!

- Ôi, tôi van anh đấy, nói đi mà.

- Ồ, - anh ngập ngừng, - điều này giản dị thôi, tôi luôn luôn muốn nói với cô là cô đã là một sự khích lệ rất lớn đối với tôi trong suốt những năm vừa qua khi tôi làm việc trong căn phòng khốn khổ này.

- Anh thật tuyệt! - Cô thốt lên sung sướng. - Cho tôi xin thêm một tách trà nữa và hãy nói cho tôi nghe thêm về điều ấy đi.

Một niềm hạnh phúc tột cùng tràn ngập trong lòng Duncan. Buổi chiều này đã vượt mọi mong ước của anh. Anh định rót đầy tách cho Margaret thì những cái đập cửa bất ngờ vang lên cùng một giọng nói lớn:

- Duncan, có nhà không con?

Một khoảng im lặng ngượng ngùng trôi qua, rồi Duncan hỏi:

- Ai đó?

Nhưng trong anh, Duncan đã biết trước câu trả lời rồi.

- Ba đây, ba đến thăm con.

Cha anh, anh không ngờ ông đến đúng lúc này. Anh miễn cưỡng đứng lên nhưng chưa đủ thời gian ra mở cửa thì cửa đã bật mở và ông già Tom, theo sau là con Rust, lảo đảo hiện ra. Đương nhiên ông cụ đã say rồi, nhưng đôi mắt tròn xoe của ông sáng ngời lòng thương con.

- Con ra sao hả Duncan? (Ông bị ngắt ngang bởi tiếng nấc cụt) Cha có dịp đi xe buýt ngang qua đây và đã không ngăn được ý muốn đến thăm con. Đã hàng tháng nay cha rất nhớ con.

Ông bước tới ôm Duncan. Rust bày tỏ sự đồng tình và vui vẻ của mình bằng cách nhảy cẫng lên.

Thật quá lắm cho căn phòng nhỏ bé ấy. Chỉ một cử chỉ vụng về của già Tom, cái bình hoa hồng đã rơi vỡ tan tành trên nền nhà.

- Trời đất! - Hơi tỉnh lại sau tiếng vỡ, ông già Tom quay lại.

- Ủa, cha không biết là con có khách. Ô! Lạ chưa, đích thân cô Margaret à! Có thể nói là tôi rất sung sướng và hãnh diện thấy cô ở đây.

Ông chìa tay ra. Margaret kiêu kì, làm lơ.

- Cha ngồi đi (lúng túng vì xấu hổ, Duncan nắm tay cha và ấn ông ngồi xuống ghế). Cha uống trà nhé.

- Trà ư? (Ông Tom bật cười vui vẻ) Cha biết một món ngon hơn thế.

Nháy mắt đồng lõa với Margaret, ông lôi trong túi ra một chai rượu.

- Chúc sức khỏe cô!

Margaret đứng bật dậy, mang găng tay.

- Tôi phải đi.

- Tôi xin cô, khoan đã. - Duncan khẩn khoản (giọng anh đầy lo lắng). - Ba cố thử uống chút trà.

- Duncan, ba đã bảo con, ba không muốn uống trà. Ba ưng nói chuyện chơi một chút với cô khách của con.

Margaret đi ra cửa.

- Ồ, cô đừng đi vì sự có mặt của tôi chứ! - Ông Tom la lên, hốt hoảng.

Để nhấn mạnh thêm lời yêu cầu của mình, ông cố gắng ngăn cô bằng cách kéo tay cô lại, một cử chỉ thật tai hại, tách trà Duncan đang cầm bị tay ông đụng phải đã bắn ướt áo Margaret.

Một sự im lặng nặng nề bao trùm căn phòng. Margaret tái mặt vì giận và bực. Còn Duncan thì đứng chết trân một chỗ, đầy tuyệt vọng.

- Ôi, Margaret, - anh thốt lên, - tôi rất tiếc!

- Đương nhiên rồi, - cô rít lên vì giận. Tôi đến đây để uống trà chứ không phải để một người thô lỗ say khướt hất nó vào mặt.

Nói sao bây giờ? Giằng xé giữa hai bên, Duncan chỉ còn biết lặng câm, mong đất dưới chân nứt ra để có thể chui xuống được.

Có lẽ Margaret cũng thấu hiểu nỗi đau lòng của anh, nhưng những câu dằn vặt vẫn không bớt quất vào mặt anh.

- Cảm ơn anh về buổi chiều đáng mến này, mọi việc đều thật hoàn hảo.

Vài giây sau cô đã biến đi.

Ông già Tom ngẩn ngơ nuốt một ngụm rượu, thở dài.

- Ba có cảm tưởng là con không muốn gặp ba cho lắm, con trai ạ.

- Ba biết rõ là con muốn mà, - Duncan vội trấn an ông. - Chỉ có là… Ôi! Mà nói làm gì nữa?

- Con đúng đấy, nói làm gì nữa? - Ông già lầm bầm. - Ôi! Trời ơi! Tại sao tôi lại đến đây nhỉ? Chẳng ai cần tôi. Chính con trai tôi cũng phải xấu hổ vì tôi.

Duncan cảm thấy hết chịu nổi.

- Ba, - anh quả quyết nói, - ba phải đi ngủ thôi.

Anh kéo vai cha và giúp ông lên giường. Ông già Tom ngáp dài và định nói gì đó nhưng chưa kịp nói, ông đã lăn ra ngủ.

Duncan ngắm nhìn thân hình dài lêu nghêu nằm đấy, nét mặt trông thật đáng thương.

Anh xếp chăn gọn lại tạo sự thoải mái tối đa cho cha rồi rời phòng với một ý nghĩ duy nhất: cố quên đi câu chuyện vừa rồi.

Ở tầng dưới, cửa phòng bác sĩ Geisler đang mở và giọng nói của chị làm anh dừng bước.

- Anh Stirling đấy à? Vô đây một chút.

- Tôi đi phố, - anh cộc cằn trả lời.

- Để làm gì thế?

- Tôi cũng chẳng biết nữa.

- Vậy thì vào đây chơi với tôi một lát đã!

Anh miễn cưỡng bước vào.

- Này, hình như anh có khách ở trên ấy hả? - Chị nói. - Tôi gặp cô khách trẻ của anh xuống thang lầu. - Chị ngừng nói.

Anh bật cười chua xót và kể lại chị nghe bằng vài câu cay đắng.

- Được, được! - Chị bàn. - Chẳng có gì phải ca cẩm. Này! Anh có giận cha anh không?

- Không, tôi giận chính tôi chứ. Người ta mong chờ gì được ở một kẻ ngốc như tôi lại còn thêm cánh tay tật nguyền này nữa chứ.

- Này, đừng có mặc cảm. Chuyện không đáng gì đâu.

Chị ngồi vào đàn và trong khi anh ngồi xuống trước ngọn lửa đang reo vui trong lò sưởi thì chị chơi đàn cho anh nghe. Tiếng đàn đầy ắp căn phòng và xen vào đó là tiếng củi nổ lách tách, dần dần anh cảm thấy trong lòng yên tĩnh lại. Khi chị đàn xong, tâm hồn anh trở nên hoàn toàn thanh thản.

- Thế nào! Anh còn muốn chạy trốn nữa không?

- Không, chị biết thừa là tôi vẫn tiếp tục muốn làm một cái gì đó… thật lớn lao trong ngành y.

- Thật ư? Công việc làm anh thích thú à?

- Đam mê!… Chị chơi đàn thật tuyệt vời.

- Nó giúp cho tay tôi mạnh và dẻo. Anh đừng quên tôi là một nhà giải phẫu.

- Tôi gần như quên mất điều đó. Mặc dù tên chị có vẻ rất quen thuộc với tôi. Có một bác sĩ rất nổi tiếng ở Áo, bác sĩ Anna Geisler, bà ta đã viết một quyển sách tuyệt vời về ngành giải phẫu hiện đại. Bà ấy có họ hàng gì với chị không?

- Không hẳn thế. Tôi chính là bác sĩ Anna Geisler đây!

Trong những phút đầu, Duncan tưởng chị nói đùa, nhưng rồi vẻ thản nhiên của chị đã thuyết phục anh và anh ngẩn người ra. Ra vậy. Chị chính là bác sĩ Geisler nức tiếng của trường Đại học Heidelberg và Vienne.

- Trời đất, - anh lắp bắp. - Vậy mà tôi dám kể những chuyện lẩm cẩm của tôi cho chị, người đã có những công trình nổi tiếng thế giới.

- Anh quá khen đấy!

- Không, chắc chắn là không. Tôi hãy còn sững sờ đấy.

Chị ngắm nhìn đầu điếu thuốc cháy đỏ của mình.

- Những cái đó sẽ chẳng nghĩa lý gì so với cái tôi đang chuẩn bị. Khi nào tôi xong cái việc nhỏ mọn này, trong mười hai tháng nữa, thì Hội và đặc biệt là ông bạn bác sĩ Inglis của anh đã hứa với tôi một chỗ xứng đáng ở Edimbourg, tại viện Wallace. Khi đó mọi người sẽ biết đến tên tôi (chị đột ngột quay lại anh). Ngày mai, nếu anh không bận gì, anh có thể đến xem tôi mổ.

- Chị cho à? Tôi rất thích. - Anh sốt sắng trả lời.

Chị gật đầu, không nhắc lại việc đó nữa, rồi chị đứng dậy. Cái váy dài quét nhẹ trên sàn nhà.

- Tôi đói khủng khiếp, - chị nói, - nhưng anh thật là xui, vì tôi không biết làm bếp. Nào, nhờ sự giúp đỡ của Hippocrate, tôi sẽ giải phẫu cho anh hai cái bánh Sandwich, rồi anh sẽ thấy.

Chị giữ đúng lời hứa và còn hơn thế nữa, vì thêm vào hai miếng Sandwich thịt và xúc xích, chị đã đưa ra một lọ dưa muối và ấm cà phê nóng bỏng. Cả hai đã ăn như vậy, ngồi trước ngọn lửa reo lách tách bàn về y khoa và các kĩ thuật y khoa. Kiến thức rộng của Anna cũng như sức mạnh sâu sắc của tầm hiểu biết của chị đã làm anh rung động mạnh mẽ.

Đến mười giờ, khi đứng dậy xin phép ra về, lòng anh đã tràn ngập sự biết ơn chị.

- Tôi đã trải qua một buổi tối tuyệt diệu, bác sĩ Geisler ạ. Tôi không biết phải cám ơn chị như thế nào.

- Tôi còn có tên là Anna, và đừng cám ơn tôi. Nếu tôi chán thì tôi đã tống cổ anh ra khỏi nhà từ lâu rồi.

Khi anh đã đi, chị đứng im, chìm vào suy tư. “Tội nghiệp anh ta.” Cuộc đời đã bạc đãi anh ta, cũng như ta, nhưng anh ta chưa bị chai sạn, như mình. Cúi người trên những tàn lửa đang lụi dần, chị nghĩ một cách thẳng thắn. “Ta sẽ huấn luyện anh ta, ta sẽ giúp anh ta tạo một vỏ bọc cứng. Anh ta thông minh. Với vai trò đồng nghiệp, anh ta có thể giúp mình trong những cuộc nghiên cứu sắp tới.”

Sáng hôm sau, Duncan bị đánh thức bởi tiếng chuông điện thoại ở tầng trệt. Thì ra Margaret gọi anh, ngượng ngùng vì thái độ bực dọc của cô ngày hôm qua.

Duncan đã không hiểu rằng, ý tưởng để mất, dù là kẻ hèn mọn nhất trong những người ngưỡng mộ cô ta, đã làm tổn thương lòng hợm hĩnh của cô ta đến thế. Theo anh, việc cô gọi điện thoại cho anh, tha thứ cho anh, chịu nối lại dây liên lạc với anh, là cả một phép lạ.

Trên gác, ông già Tom đã thức dậy, đầu nhức như búa bổ. Khi nhớ lại diễn biến của ngày hôm trước, ông rất ân hận. Do đó, khi biết được chuyện hòa giải, ông đã thở phào nhẹ nhõm.

- Ba đúng là một tên khùng. Nhưng con yên trí, ba sẽ bị trừng phạt vì thế nào về đến nhà, ba cũng sẽ phải đụng đầu với mẹ con.

Nghe nói tới mẹ mình, mặt Duncan đanh lại. Mặc dù anh đã cố gắng giảng hòa với bà, bà vẫn cứ từ chối nhìn nhận anh. Đến tận bây giờ, bà vẫn cho rằng mọi cố gắng của anh rồi sẽ kết thúc bằng sự thất bại và thời gian sẽ chứng minh là bà có lí.

Anh vô tình nắm chặt tay lại.

- Ba ạ, bây giờ ba đã hiểu ra ước vọng của con rồi chứ? Tại sao con không thể lùi bước? Tại sao bằng mọi giá con phải thành công?

Ông già Tom đã sửa soạn xong, vừa lắc đầu vừa đội mũ và đi ra cửa.

- Cứ việc thành công theo ý con, con à. Nhưng đừng quên là phải có hạnh phúc.

Ông vẫn mỉm cười với anh, huýt sáo gọi Rust và vội vã ra bến xe.

Chiều hôm ấy, Duncan chuẩn bị xem bác sĩ Geisler mổ.

Ngôi bệnh viện khiêm nhường nằm trong một con đường nhỏ của khu thợ thuyền ở Dundee. Anh đến sớm. Ấy thế mà Anna đã có mặt ở đó từ bao giờ, đang bận rửa tay trong căn phòng nhỏ cạnh phòng mổ.

Chị đón Duncan với vẻ lịch sự thản nhiên nhưng khi cô y tá giúp chị mặc áo mổ, chị lại nói với anh qua vai mình:

- Anh có muốn gây mê không?

Duncan tràn ngập niềm vui. Anh định bày tỏ lòng biết ơn đối với chị thì chị đã cắt ngang:

- Tôi xin anh, đừng có làm rộn lên như thế. Anh hãy sửa soạn đi.

Chị quay sang cô y tá:

- Cô Damson, đúng năm phút nữa tôi sẽ mổ. Tại sao bác sĩ Overton vẫn chưa đến?

Y tá Damson là một cô gái xinh xắn, tóc vàng, cặp mắt xanh nghịch ngợm. Cô trả lời, có vẻ như thân thuộc với Overton một cách kì lạ:

- Chắc chắn anh ấy sẽ đến ngay thôi, em chắc chắn là anh ấy đang rất bận.

Cô ta vừa kịp dứt lời thì Overton đã vội bước vào phòng, giải thích sự chậm trễ của mình bằng những câu xin lỗi ồn ào. Duncan không ngạc nhiên khi thấy anh ta, với chức vụ bác sĩ nội trú của bệnh viện, việc anh ta phụ mổ cho bác sĩ Geisler là chuyện thường tình. Nhưng hiển nhiên là Overton không ngờ lại gặp anh.

- Ủa, Stirling đó à? Tôi đâu có biết cậu là anh bán thuốc mê.

Vẻ thù hằn hiện ra trong giọng nói của anh ta.

- Xin lỗi, không được nói chuyện, - Anna nghiêm khắc nói, - tôi không bao giờ chấp nhận điều đó khi tôi đang mổ.

Overton nhún vai và nháy mắt với cô y tá trong khi cô ân cần giúp anh.

Chẳng bao lâu, bệnh nhân đã được đưa vào phòng. Đó là một bé trai mười một tuổi, nom rõ là thiếu ăn và thiếu máu, một sản phẩm đáng thương từ những khu ổ chuột trong thành phố. Chú bé là một trường hợp điển hình của “Talipes equinus” (chân thọt).

Như ở phần lớn trẻ con, thuốc mê đã có hiệu quả tốt. Duncan ngồi trên chiếc ghế đẩu bằng sắt cạnh bàn mổ, một vị trí lí tưởng để theo dõi các giai đoạn của ca mổ, yên trí vì nhịp thở điều hòa và sâu của chú bệnh nhân.

Đối với Duncan, đây có vẻ là một trường hợp tuyệt vọng, một chân ngắn hơn chân kia, bàn chân bè ra không còn hình thù cố định, trông như một đám bùi nhùi gồm cơ và dây thần kinh bị biến dạng và vặn vẹo hơn là một bàn chân. Duncan đoán chắc rằng không một bác sĩ nào dám mổ cho trường hợp như vậy. Vậy mà ngay đường rạch đầu tiên, mạnh dạn và nhanh nhẹn vòng quanh cái mắt cá to bè như một khoang mực đỏ, Duncan thấy là Anna sẽ cố gắng làm một việc mà người bình thường không làm nổi.

Với bàn tay gọn gàng và khéo léo của chị, con dao mổ đã lấp lánh đi lại một cách cực kì chính xác trong đám xương và dây thần kinh. Mỗi động tác của chị đều dứt khoát, không một động tác nào thừa. Duncan đã từng được xem các nhà giải phẫu giỏi của bệnh viện, cả giáo sư Inglis nữa, nhưng ở đây thật khác hẳn. Người ta có thể khẳng định đây là một điều thần kì mà không sợ nói ngoa.

Khi ca mổ chấm dứt, Anna đi ra ngay, tháo bao tay và thở thật sâu. Chị đi ra bồn rửa mặt để tháo khẩu trang. Duncan ra gặp chị và nghe Overton đang nói với chị. Ít ra lần này, anh bác sĩ trẻ ấy cũng có vẻ xúc động. Overton đã đánh rơi cái mặt nạ dửng dưng thường ngày.

- Thành thực mà nói, bác sĩ Geisler ạ, đây là ca mổ đẹp nhất mà tôi được thấy trong bệnh viện này. Cho phép tôi chúc mừng chị.

Chị lạnh lùng cười, lau tay vào chiếc khăn anh ta vừa đưa cho.

- Tôi nhớ là đã cấm nói chuyện tào lao mà.

- Nào, chúng ta cùng đi uống trà đi.