Hàn Mặc Tử anh tôi - Chương 2
CHƯƠNG II
NHÀ THƠ NỔI TIẾNG
Anh Mộng Châu như muốn hướng dẫn anh Trí về văn chương thi phú. Tôi thấy hai anh thường xướng họa, tương đắc lắm. Còn tôi bị cho ra rìa vì là con nít không biết gì.
Hình như anh Mộng Châu và Anh giao thiệp với Phong Đình, một lãnh tụ công nhân tiệm ông Ba Giày đường Khải Định mà người ta to nhỏ với nhau là “Hội kín.”
Rồi bỗng nhiên anh Trí nổi tiếng là thi sĩ Phong Trần, thơ Anh được nhiều báo đăng tải. Lúc ấy Anh mười chín tuổi.
Anh nổi tiếng vì bài thơ “Thức khuya” được cụ Sào Nam khen ngợi.
Tôi còn nhớ cụ Phan gọi Anh là “tiên sinh” và ước ao bắt tay cười lớn một tiếng cho hả lòng mong ước. Bài thơ đó được cụ Phan Bội Châu họa lại:
Bài xướng của Phong Trần “Anh Trí”:
THỨC KHUYA
Non sông bốn mặt ngủ mơ màng
Thức chỉ mình ta dạ chẳng an
Bóng nguyệt leo song rờ rẫm gối
Gió thu lọt cửa cọ mài chăn
Khóc giùm than thế, hoa rơi lệ
Buồn giúp công danh, để dạo đàn
Chổi dậy nôm na vài điệu cũ
Năm canh tâm sự vẫn chưa tàn.
Cụ Sào Nam họa lại trên báo của “Mộng Du Thi xã”:
Chờ đợi trường danh tí chẳng màng
Sao ăn không ngọt ngủ không an
Trăm năm ngán đó tuồng dâu bể
Muôn họ nhờ ai bạn chiếu chăn
Cửa sấm gớm ghê người đánh trống
Tai trâu mệt mỏi khách đưa đàn
Lòng sen đằng đẵng tơ sen vướng
Mưa gió bao phen gốc chửa tàn.
Thấy lời lẽ cụ Phan yếm thế, tôi bèn họa thêm một bài “khích tướng” chơi, bị anh Mộng Châu bắt gặp mắng cho là: “Hỗn láo với bậc tiền bối, có ngày đi tù.”
Kể ra tôi cũng ức lắm, nhưng không dám cãi lại.
Danh lợi dù cho chí chẳng màng
Nghĩ sao Quốc thái với dân an?
Thuyền con vượt phá không người lái
Đàn nghé qua truông thiếu kẻ chăn
Cứ thử bưng tai vào cửa sấm
Để xem trâu có biết nghe đàn
Kình ngư còn ngại tơ sen vướng?
Khắc khoải năm canh trống điểm tàn.
Từ đó tôi không dám thập thò tìm hiểu hoạt động của các anh, nên không biết gì thêm.
Về sau khi anh Trí đi Huế thăm cụ Sào Nam ở Bến Ngự trở về bị mật thám Pháp xóa tên trong danh sách du học Pháp do Hội Như Tây bảo trợ, tôi mới biết là anh Mộng Châu đã sai anh Trí đi xin địa chỉ một đồng chí của Đông Kinh Nghĩa Thục ở Thái Lan.
Trong khoảng thời gian này hình như anh Trí bắt đầu yêu.
Ngoài thú ngâm thơ, Anh còn thích nghe đàn, nhất là các bản ca nhạc Huế: Nam ai, Nam bằng, là những bản ruột của cây đàn nguyệt.
Do đó tôi biết Anh yêu một thiếu nữ khuê các tài hoa, người Huế, biết đàn, biết thơ mà Anh rất ngưỡng mộ. Đó là Hoàng Hoa nữ sĩ.
Anh Mộng Châu cấm tôi chơi đàn và làm thơ, phải để tâm trí vào việc học. Nhưng anh Trí biết tôi làm thơ được nên đặt bút hiệu cho là Thiện Nam, thỉnh thoảng cùng tâm sự xướng họa, những khi anh Mộng Châu đi vắng nhà.
Anh Trí làm thơ vịnh cây đàn nguyệt thật hay, nghe nó cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu rất thích. Tôi phê bình Anh có hai câu thứ ba và tư chưa chỉnh lắm (có ý muốn dò xét anh).
Bài:
THU NGUYỆT
Hỏi chớ mấy tuổi đáp mười lăm
Non nước từng phen nổi tiếng tăm
Bạc mệnh đàn chơi, đau nửa kiếp
Đồng tâm tơ buộc chặt quanh năm
Chường mình trước án trông đầy đặn
Nét mặt trong hoa nói thì thầm
Mười khúc đoạn trường sau chửa tỉnh
Thuyền ai ngấp nghé muốn ôm cầm.
Tôi đề nghị sửa lại câu thứ tư vì ít khi người tài hoa giữ được hạnh phúc mà không bị sứt mẻ.
Bạc mệnh đàn chơi đau nửa kiếp
Hồng nhan trót lụy lỡ trăm năm
Anh la lên: “Tầm bậy, phải để cho người tài có cơ hội trọn đời yêu nhau chớ.”
Tôi biết ngay là Anh đang yêu và lạc quan với mối tình đó.
Mấy năm sau, khi Mộng Cầm đến thăm Anh rồi giải ước, tiếp đó Hoàng Hoa nữ sĩ cũng theo gia đình về Huế. Anh thường hay ngồi trầm ngâm, thương nhớ bâng khuâng. Tôi không biết thương nhớ ai, Mộng Cầm hay Hoàng Hoa bèn lấy bài “Đàn nguyệt” ra họa để dò xét Anh:
Cài trâm ấy chửa bao lăm
Mà khách tài hoa mộ tiếng tăm
Phiếm trúc keo sơn tình đãi ngộ
Giây tơ ràng buộc nghĩa trăm năm
“Biết ai tâm sự” buồn chan chứa (Nam ai)
“Đền nợ Ô Li” oán tủi thầm (Nam bằng)
Nhớ buổi hòa âm từ dạo ấy
Thương ai chua xót đoạn cung cầm
Đọc hai câu kết, Anh có vẻ xúc động, nhưng cũng mỉm cười nói: “Thôi, đừng nhắc đến nữa. Mà... không có ai đoạn ai đâu.”
Nhưng sau đó, Anh lại chìm vào những giờ, những ngày ảm đạm, không nói năng gì. Tình Anh vô cùng lai láng với tất cả những ai đáp lại tình anh. Dù là nửa vời không đi đến đâu.
Năm đó. Anh có dấu hiệu mắc chứng nan y.
Cả nhà không muốn để Anh buồn thảm tuyệt vọng nên làm ngơ như không biết.
Chính Anh, cũng né tránh ý thơ chia li đổ vỡ, mà Anh linh cảm khó tránh được trong cuộc đời. Dần dần, Anh mất tự tin, đâm ra dị đoan.
Hiện tượng đó xảy ra khi tôi trao Anh bài thơ “Đàn đoạn” mà ý thơ thật u buồn, để kỉ niệm một buổi hòa đàn bị gián đoạn:
ĐÀN ĐOẠN
Trăng rủ màn sương khéo đuổi người
Bẽ bàng, chủ khách nhạc chơi vơi
Tơ chùng lạc phím lâm li tuyệt
Vàng đổ theo tay lã chã rơi
Cay đắng thẫn thờ lên sóng mắt
Ngại ngùng e ấp dưới làn môi
Đàn xin tạ khách từ nay nhé!
Đàn đoạn! Huyền âm vọng chẳng thôi.
Anh Trí xem xong sững sờ nhìn tôi, ái ngại: “Trời ơi! Thơ chi của mi mà buồn thảm quá vậy. Nghe toàn chết chóc chia li thôi! Mi đừng làm thơ nữa, tệ quá!”
Càng bị ám ảnh nặng nề hơn, khi nghe tin người thiếu nữ từng hòa đàn với tôi vì chuyện buồn gia đình đã quyên sinh mấy tháng sau đó, gây xúc động cho cả thành phố Quy Nhơn.
Anh thẫn thờ cả tháng.
May thay, bạn bè Anh không có ngày nào là không đến thăm Anh, nói chuyện thơ phú, khiến Anh vui vẻ trở lại.
Thường đến với Anh, ngoài Bùi Tuân như ăn cơm tháng có Hoàng Tùng Ngâm, Hoàng Diệp, Yến Lan, Chế Lan Viên đi học về cũng hay ghé lại. Còn có các anh Tôn Thất Vỹ, Quỳnh Dao và nhiều bạn khác, thỉnh thoảng lại đến chơi.
Căn nhà tôi nườm nượp, bộ bàn ghế mây cố hữu bị nhiều bàn chân gác lên, trăn trở ọp ẹp thật tội nghiệp. Bùi Tuân ở luôn đó, áo quần bừa bãi, mẹ tôi phải thu gom giặt giạ.
Đầu năm 1936, anh Trí đi Tuy Hòa, nói là xin anh Mộng Châu tiền in sách, nhưng không nghe nói kết quả. Có lẽ anh Mộng Châu đang gom vét tiền để mua cho Mẹ căn phố.
Cuối tháng ba năm ấy, anh Mộng Châu mất trong một tai nạn xe hơi, một chuyến đi thăm công trường, mới có ba mươi hai tuổi.
Tôi phải bỏ dở hết mọi công việc vào Tuy Hòa quản lí những công trình mà anh Nhân bỏ dở, đồng thời thu xếp trang trải mọi dư thiếu cho Anh để trở về Quy Nhơn.
Lúc bấy giờ, mẹ tôi bị ám ảnh về cái chết của anh Nhân, nên bà rời bỏ căn nhà gác đường Khải Định – Odend Hale dọn về 20 Khải Định.
Giữa bao nhiêu thất bại, buồn thương đó, anh Trí xin Mẹ hai trăm đồng để in tập thơ “Gái quê”. Thật là nghiệt ngã quá.
Những năm qua, sống với nhau, Anh thường tâm sự, nhờ tôi chuyển đạt đến anh Nhân, hay Mẹ tôi, những điều Anh dự định. Nhưng bây giờ Anh đi thẳng với Mẹ tôi về việc in thơ. Anh biết tôi đang giữ hầu bao của gia đình từ ngày anh Mộng Châu qua đời. Nói với tôi chắc khó hơn rồi.
Mẹ tôi nóng ruột hỏi ý kiến tôi. Tôi lặng thinh luôn mấy ngày, anh Trí giận lắm, nhưng không dám nói gì, chỉ bứt tóc, bứt tai, đá bàn đá ghế, làm Tần, làm Sở với bất cứ cái gì anh gặp ở tầm tay.
Tôi đắn đo mãi. Từ ngày ông cụ tôi mất đi, gia đình bị thất bại trong kế hoạch buôn đồ cổ bị nhà sập, đền tiền gần 4.000 đồng. Tiếp đó, chồng chị Nghĩa làm mất một số vốn của anh Mộng Châu, mà mấy năm trường trong cậy vào rường cột của anh. Bây giờ thì hết chỗ dựa nổi, mà ý định của anh Nhân là phải mua cho Mẹ căn nhà. Nhà đó tôi đã đặt cọc khấu trừ vào tiền thuê. Nay bỗng dưng mất đi gần một nửa để in sách. Phiêu lưu quá!
Tôi bảo anh Trí: “Anh lựa chọn kĩ việc mua nhà cho Mẹ và việc in sách của Anh đi.”
Tôi cũng cho Anh thấy hoàn cảnh gay go của gia đình: Một bà mẹ già yếu, một bà chị trên tay hai đứa con dại còn măng sữa, từ ngày chồng bỏ đi nói là làm cách mạng và một thằng em “vô tích chi sự” chỉ rất nghệ sĩ mà thôi.
Tôi không nói đến nguy cơ mà Anh phải đương đầu cấp bách.
Nghe xong, Anh lặng thinh, cái im lặng khuất phục.
Tôi bỗng thương Anh quá, trông Anh ngơ ngác, giống như hồi đi tắm biển suýt chết. Tôi không nỡ để Anh nhìn lại bản thân Anh, nhìn lại nguy cơ đang đe dọa Anh. Ôi! Anh tôi bơ vơ quá chừng.
Tôi bảo Anh: “Thôi được rồi... nhưng không biết tôi có đương nổi hoàn cảnh này không. Tôi giao Anh hai trăm đồng đây, giá nửa căn nhà mà tôi tính phải mua cho Mẹ. Anh đừng quên điều đó.”
Anh không nghe thêm gì nữa, vụt ôm tôi hôn hít lung tung. Chạy đi tìm hôn Mẹ tôi, rồi... hôm sau đi thẳng Saigon.
Tôi ngao ngán nghĩ đến cái gánh tôi đang kê vai vác lấy một mình và cũng... bơ vơ không kém gì Anh.
Tôi không lạ lùng gì những đam mê nồng nhiệt, nhưng ngắn ngủi của Anh, chỉ còn biết chấp nhận an bài định mạng. Ước mong đây là đam mê chót.