Hàn Mặc Tử anh tôi - Chương 3 - Phần 2

Hoàng Trọng Miên, trong một bài báo về sau đã thú nhận: “Có cám dỗ anh Trí vào nếp sống buông thả nhưng tâm hồn anh trinh trắng quá, ngay cả cái Saigon ăn chơi tội lỗi này cũng không cám dỗ anh sa ngã được?.”

Mặc dầu anh đã né tránh được những cơ hội sa ngã nhưng hình ảnh và ngôn ngữ có tác động con người xác thịt của anh không?

Có lần, trong lúc tâm sự tôi hỏi: “Ý thơ Bích Khê dâm loạn quá mà sao anh khen ngợi? Có quá đáng lắm không? Có phải vì Mộng Cầm không?”

Anh nói: “Bích Khê có tài, lại dám phơi bày trần truồng những điều gớm ghiếc đã làm, mà lâu nay chưa ai dám.”

Tôi nghĩ: “À! Thì ra anh cũng thích nghe những gì anh không dám nói, những điều anh chưa từng nghe một cách sống sượng như vậy. Phải chăng anh cũng có một thứ khoái cảm nào đó như B.S Verdier viết về tình dục con người (Veluptes)?).

Bích Khê viết trong bài thơ:

NGỌC

Ôi thôi rồi, ngọc vỡ cả màng trinh

Nguồn phúc lộc trắng rợn một dòng tinh

Ta muốn uống cho no cơn khoái lạc

Cho đê mê, mà lên cung trụy lạc.

Trong bài:

XÁC THỊT

Tôi vồ người như một miếng mồi ngon

Miếng ngậm hờn xiết chặt lấy môi son

Mắt đổ lửa lườm qua hàng song sắt

Tôi giật nảy rồi cười lên sặc sặc

Hai tay cào đôi vú trắng như bông.

Anh Trí cũng nhận ngay ý thơ dâm loạn, nhưng không thể không ca ngợi nghệ thuật cấu trúc tài tình của thi sĩ.

Chính với nguồn cảm thụ lực mạnh, anh đã sống với ý thơ thật đầy đủ, nên thấy rõ cái trần truồng khả ố đến ghê rợn (Tựa tinh huyết).

Anh bám vào Baudelaire để bào chữa cho Bích Khê: “Tìm mãi cái đẹp không thấy, vì mọi sự đều tầm thường, thi sĩ nhận ra chỉ có cái gì đời đời, cái gì hằng sống (Éternité) mới thỏa mãn được nỗi khát khao vô hạn... Phải đưa những gì thanh cao như hương thơm nhân đức các vì á thánh, hay say mê cái gì hết sức tội lỗi mà loài người thế gian chưa từng phạm (Tựa tinh huyết)...”

(Grigori Raspoutine một nhân vật huyền thoại, dưới triều đại Nicolas II từng gây xáo trộn triều đình Nga Hoàng với nhiều phép lạ, nổi tiếng như thánh sống. Ông này dạy các đệ tử: “Hãy phạm tội đi! Phạm tội (cuồng loạn) đến tột độ đi! Lúc ấy mới cảm thấy ghê gớm tội lỗi thực sự, để cho lòng ăn năn thống hối được chân thành”. Đó là giáo điều của ông để đi đến tìm “Hằng sống”).

Trong “Tựa tinh huyết”, Hàn Mặc Tử viết: “Sau khi đã chán chê tất cả khoái lạc của xác thịt, đã ớn ê với phong vị trăng sao, gái, rượu... Thi sĩ sẽ tự giác ngộ, tự thấy tâm hồn thanh sạch quá chừng, đâm ra ghê rợn những điều tội lỗi, thì thi sĩ liền nâng thần trí lên trời ca ngợi cái “Nhân đức sạch sẽ.”

Anh nhắc lại bài thơ Bích Khê:

Có say khướt mới dào muôn tử ngọc

Có điên rồ mới hợp ý trăng sao

Có dâm cuồng mới dâng cả lên cao

Nơi chu du một nguồn thơ bất tuyệt

Nơi trí người tạo ra rồi xóa hết

Nghiễm nhiên người là chúa tể vô biên.

Phần anh, nhờ nguồn thụ lực, anh đã giác ngộ trước cái ghê rợn trần truồng đáng sợ đó qua thơ của Bích Khê, cho nên ảnh hưởng thác loạn của Saigon, không nhập được vào nguồn thơ trong trắng của anh, và anh tự tách rời với thơ thác loạn.

Rất thật thà, trong bài:

BẼN LẼN

Trăng nằm sóng soài trên cành liễu

Đợi gió đông về để lả lơi

Hoa lá ngây tình không muốn động

Lòng em hồi hộp chị Hằng ơi.

Rồi cuống quít:

Ô, kìa bóng nguyệt trần truồng tắm

Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe

Vô tình để gió hôn lên má

Bẽn lẽn làm sao lúc nửa đêm.

Ở bài khác, để lộ vẻ ngô ngố:

Để cho hoa lá thì thầm

Để cho mây nước nôn nao

Quên câu thương nhớ rồi sao

Em ơi, thế nghĩa là sao?

Ngoại trừ đôi bài mang hơi hướm ướt át như bài “Dấu tích” dưới đây, còn thì yêu đương của Hàn Mặc Tử chỉ thể hiện với trăng. Nào là ngủ với trăng, say trăng, đi chơi với trăng v.v...

DẤU TÍCH

Trăng dầu sáng, còn thua đôi mắt ngọc

Trời tuy xa, lòng thiếu nữ xa hơn

Ái ân là hơi thở của van lơn

Và thú thiệt cũng không thích bằng khóc

Vườn chói lọi thì tình yêu phải ngợp

Tiết trinh còn em phúc hậu hơn thơ

Hoa nín lặng là hoa giả đò mơ

Tôi nín lặng âu là tôi mắc cỡ

...

Xưa thứ gì dính dáng ở đầu môi

Nay trả lại để tôi làm dấu tích

...

Tuy nhiên, trong không khí tự do yêu đương được xem là tiến bộ đáng cổ vũ như một nền văn minh mới ở Saigon, anh Trí có bạo dạn hơn trong nếp xử thế với phái đẹp.

*

Ở Quy Nhơn, mối tình đầu của anh với Hoàng Hoa rất thi vị và lãng mạn, mà anh muốn nó kì diệu như tình Thôi Oanh Oanh và Trương Quân Thụy, anh yêu Hoàng Hoa mà “kính nhi viễn chi.”

Ở Saigon, anh dám bao xe khứ hồi Saigon – Phan Thiết để gặp Mộng Cầm nữ sĩ thì là chuyện khá hấp dẫn rồi.

Điều này, làm cho tôi suy nghĩ.

Khi gặp Thúc Tề trong một lần đi Saigon hiếm hoi ngắn ngủi, tại chỗ trọ anh Trí con đường Espagne. Thúc Tề cho tôi biết Mộng Cầm là nữ sĩ, có tinh thần tự do phóng khoáng, cháu kêu Bích Khê bằng cậu ruột ở Phan Thiết, cùng Hàn Mặc Tử biết nhau trong thi văn rồi dần dần đi đến hẹn hò ở Phan Thiết mà phong cảnh có vẻ rất Đào nguyên.

Tôi hỏi Thúc Tề: “Các cuộc hẹn hò xa hàng mấy trăm cây số thì tốn kém lắm, lấy tiền đâu mà chi tiêu. Đừng nói chi chuyện ăn uống, nội cái khoản bao xe khứ hồi là đủ chết rồi.”

Tề cười lên hô hố: “Mi nghĩ có cuộc chi tiêu nào chính đáng hơn không? Tài tử giai nhân tái ngộ nan mà! Không tốn sao được!.”

Tôi ở lại chỗ trọ chờ anh Trí. Trong nhà chỉ có Thúc Tề và một người lạ. Họ đánh trần, nằm dài ra sân mà viết.

Đến mười giờ đêm, anh Trí mới về. Anh hỏi tôi: “Vào bao giờ đó?”. Rồi không hỏi han chi chuyện ăn uống cả, ngả mình lên chiếc ghế bố độc nhất mà có lẽ lũ bạn dành riêng cho anh.

Tôi nói: “Anh về khuya quá”. Tề cười: “Rứa là sớm rồi, chắc không ăn uống gì đâu.”

Tôi lặng thinh suy nghĩ, không biết anh sống như thế nào, và được bao lâu nữa ở đây.

Hôm sau tôi sửa soạn ra về. Anh Trí hỏi: “Còn tiền không?”. Tôi tưởng anh cho tiền xe, thật thà trả lời: “Thôi, tôi còn dư đây”. Anh cười vui vẻ: “À, thì cho anh ít đồng”. Tôi kêu lên: “Trời ơi! Vậy thì...”. Rồi vội vàng lấy tiền trao cho anh.

Tôi hiểu ngay, anh Trí không thể sống mãi như thế này được.

Về nhà, tôi sợ Mẹ tôi thêm chua xót, nên không kể lại điều tai nghe mắt thấy làm gì.

Câu chuyện Mộng Cầm làm cho tôi suy nghĩ lo âu và linh cảm có những gì không được lành mạnh trong đó.

Tôi đoán là mưu mô thủ đoạn của đám bạn bè.

Biết không cám dỗ được anh vào nếp sống ăn chơi ở Saigon, vì anh rất sợ đĩ điếm, thì một thiếu nữ như chị Mộng Cầm thật hợp “gu” của anh. Cũng nữ sĩ mà. Không có gì đáng sợ cả.

Biết anh thích những mối tình thơ mộng.

Thì có đây! Một chuyến đi Phan Thiết thăm Mộng Cầm thật rất nên thơ, mà thi sĩ lại sẵn sàng chi tiêu một cách chính đáng (nói theo kiểu Thúc Tề).

Sống như Lưu Thần Nguyễn Thiệu là mơ ước của hết thảy những chàng nghệ sĩ giang hồ. Chỉ cần tìm cho họ một chiều thứ tư của không gian (Quattrième dimension) để họ lọt vào cảnh tiên thoát tục đó.

Vậy thì đường đi Phan Thiết không phải là chiều thứ tư sao?

Lầu Ông Hoàng không phải là động Đào nguyên sao!

Mộng Cầm một nữ tài tử phiêu lưu thủ vai nàng tiên mới tuyệt diệu làm sao?

Còn lại, chỉ cần đạo diễn.

Hãy nghe nhà thi sĩ, đạo diễn, tả cảnh:

...

Ồ! Đừng có ngớp, mời anh hãy bước

Qua nơi đây là cách biệt trần gian

Đây bát ngát và thơm như sữa lúa

Mùi tô hạp quyện trong tơ trăng lụa

Đây bài thơ không tiếng của đêm tơ

Của hồn thơ đi lạc ở trong mơ.

Và giới thiệu nàng tiên:

Nàng bước tới như sông trăng chảy ngọc

Như nắng thơm hớp đặc cả nguồn hương...

Dáng tầm xuân uốn trong tranh Tố nữ

Ồ! Tiên nương nay lại ghé nơi đây...

Suối tóc mát nhúng trong vùng mộng tuyết

...

Về sau anh Trí thú nhận trong bài “Phan Thiết”:

... Như phép lạ, có một nàng tiên nữ hao hao như nàng Nguyệt cõi Đào nguyên.

*

Và cứ như thế, một chuyến đi Phan Thiết, rồi chuyến khác. Cố nhiên là phải có Tả phù Hữu bật, tốn kém đến phải vay nợ để rồi bị xiết hết đồ... trở về Quy Nhơn hai tay không.

Một trong những chuyến đi đó, anh Trí đã phải trả giá bằng cả cuộc đời đang xuân, đang nổi tiếng và huy hoàng của anh.

Thơ anh còn ghi lại một niềm đau đớn muôn năm sầu thảm để lại một kỉ niệm tái tê mà anh hận thù:

Hỡi Phan Thiết, Phan Thiết

Mi là nơi ta chôn hận nghìn thu

Mi là nơi ta sầu muộn ngất ngư.

*

Tuy nhiên, phải công bằng mà nói, thì hầu hết bạn bè anh đều yêu mến anh như ruột rà chỉ muốn anh nổi tiếng, không ai có ý hại anh.

Bằng đường này, hay đường khác, họ luôn có thiện chí muốn đưa anh trở nên thiên tài bất diệt của môn phái họ.

Có lẽ họ đã đạo diễn những cuộc gặp gỡ giữa anh và chị Mộng Cầm ngay giữa Saigon buông thả, tạo môi trường dễ dãi cho anh phát huy tiềm năng thi phú của anh. Nhưng anh khó chấp nhận được vì định mạng đã lựa chọn anh để đưa anh vào một hướng khác, hướng “Hằng sống” mà “thiên tài” Bích Khê không tìm thấy.

Ở Huế, Trần Thanh Địch cũng đem tên tuổi người cháu ruột đang độ cài trâm, giới thiệu Hàn Mặc Tử giữa lúc anh đang sống pha trộn mộng và thực.

Chỉ cần nghe nói đến hai tiếng Thương Thương tình tứ, chỉ cần đọc một lá thư “ngụy tạo” thôi là anh Trí đã vội thoát ra ngoài thực để sống với mộng.

Vì vậy phải công nhận Trần Thanh Địch tài ba khi chọn đúng giai đoạn bệnh hoạn và thời điểm cô đơn đưa Thương Thương đi tìm anh đang bơ vơ dẫn hồn chu du trong quỹ đạo Thượng thanh khí, sống với trăng, sao, mây gió.

Những sáng tác trong Duyên Kì Ngộ, Quần Tiên Hội là những áng văn chương trác tuyệt để lại cho nền thi phú của Đất nước.

Giấc mộng anh tuy ngắn ngủi, nhưng, như anh đã viết trong đoạn văn xuôi “Chiêm bao và sự thật” thì anh đã sống hẳn hoi như Lí Thái Bạch vồ trăng trên mặt nước.

Anh tin đó là thực. Có hay không, hư hay thực là những huyền bí chập chờn trước mắt:

“Nếu Đường Minh Hoàng phục sinh, chắc cũng rỉ tai tôi nói chuyện lên chơi cung trăng hay xuống âm ti để gặp Dương Quý Phi là có thực, tôi cũng tin là có chứ sao?”

Tiếc thay, giữa lúc anh đương hào hứng sáng tác, người đời còn đang đợi anh nhả ngọc phun châu, nghe suối biết đàn, chim biết ca, hoa lá đều tò mò một cách thông minh như “ngàn năm một thuở” thì... được tin ông Trần Tài Phùng, anh ruột “nàng tiên Thương Thương”, yêu cầu anh ngưng lại mọi thi cảm, vì lí do riêng.

Trên bình diện một nền giáo dục nghiêm chỉnh, sự dập tắt nguồn thơ anh Trí nơi đây, không phải là điều đáng trách mà còn là điều rất chính đáng.

Ai cũng biết thơ anh truyền cảm dào dạt. Cảnh trí anh vẽ ra rất tình tứ phong lưu, như một đoạn dưới đây trong “Duyên Kì Ngộ”:

Nàng:

Mây bay, theo với mây bay

Mình sao ra nước non nầy mà chơi

Sao ơi, dìu dặt chơi vơi

Buông mau âm điệu để rời nhân gian.

Tiếng tiêu:

Vàng bay theo vàng, đuổi theo vàng bay

Tiếng vàng này vừa mê, vừa say

Dồn qua phương Đông, mặt trời chưa nóng

Dồn về phương Tây, màu sắc hây hây.

Lời chim họa theo:

Tiếng tiêu nào từ phương xa bay vẳng

Tiếng thanh thanh mà rất mực tương tư.

Lời suối reo:

Xin mời chàng tài hoa thi sĩ đó

Ngổi xuống đây bên thảm ngọc vương châu

Hai tay chàng thử vốc vào nước nọ

Mát tê đi như da thịt nàng dâu.

Nàng:

Ôi chao! Thơ ngầm bay theo dãi nắng

Lồng vào trong xiêm áo mỏng manh sao!

Chim anh võ bảo họa mi:

Mi, mi, mi, có nghe trong gió thắm

Có nghe chăng tình lạ thoảng mùi trai.

Có nghe không lòng ai ra âm ấm

Không như lòng cô gái ở Bồng lai.

Những bài thơ đó ngâm lên với âm điệu nôn nao, dìu dặt, thì làm sao mà một thiếu nữ đang độ cài trâm mơ mộng, không ngẩn ngơ bâng khuâng cho được.

Trong bài “Nỗi buồn vô duyên”, người ta không khỏi bùi ngùi thương cảm số phận một người con trai tài hoa, mà xã hội ruồng rẫy, gia đình e ngại, chỉ còn bám víu vào một ảo ảnh nào đó cho qua ngày đoạn tháng...

Rồi ảo ảnh đó cũng tan biến, nhìn lại cái thân tàn héo hắt...

Trời hỡi!...

Sầu lên cho tới ngàn khơi

Ai đâu ráo lệ chưa lời nói ra

Chiều nay tàn tệ hồn hoa

Nhớ thương thương qua xót xa tâm bào

Tiếng buồn đem trộn tiêu tan

Bóng em chờn chợn trong bao nhiêu màu

Nghe ai xé lụa mà đau

Gió than niềm gió, biết đâu hẹn hò

Đừng ai nói: để thương cho

Lỡ ra lạnh nhạt đền bù sao cam

Chiều nay chẳng có mưa dầm

Mình sao nước mắt lại đầm đìa tuôn

Ồ ra lụy ngọc nôn nôn

Có bao giờ hết nỗi buồn vô duyên...

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3