Hàn Mặc Tử anh tôi - Chương 4 - Phần 2
2. MỘNG CẦM
Tôi biết được chị Mộng Cầm chỉ qua lời giới thiệu nửa đùa nửa thật của Thúc Tề. Anh Trí thì giấu kín, ở nhà không ai hay biết gì.
Thúc Tề cho tôi biết, Mộng Cầm tên thật là Nghệ, cháu kêu thi sĩ Bích Khê bằng cậu ruột, quen biết Hàn Mặc Tử qua văn thơ trên báo chí Saigon.
Mộng Cầm ở với cậu, lúc bấy giờ dạy học tại Phan Thiết.
Trong chương II tôi có dịp nói đến trong bối cảnh Saigon hoa lệ mà anh Trí và các bạn đã sống một thời gian làm báo tại đó.
Mối tình giữa hai người đã có một sôi nổi trong giới văn nghệ sĩ. Họ bàn tán thêu dệt theo cảm ý hay suy đoán của mỗi người.
Có người thương Hàn Mặc Tử thì trách Mộng Cầm bạc bẽo vội ôm cầm thuyền khác, khi vừa nghe tin anh mắc ác bệnh, nhất là khi nghe những lời thơ cay đắng trong những bài:
MUÔN NĂM SẦU THẢM
Nghệ hỡi Nghệ, muôn năm sầu thảm
Nhớ thương còn một nắm xương hôi
Thân tàn ma dại đi rồi
Rầu rầu nước mắt bời bời ruột gan
Nghe hơi gió ôm ngang lấy gió
Tưởng chừng như trong đó có hương
Của người mình nhớ mình thương
Nào hay gió tạt chẳng vương vấn gì
Nhớ lắm lúc như si như dại
Nhớ làm sao bải hoải tay chân
Nhớ hàm răng, nhớ hàm răng
Mà ngày nào đó vẫn khăng khít nhiều
Dẫu đau đớn vì điều phụ rẫy
Nhưng mà ta không lấy làm đều
Trăn năm vẫn một lòng yêu
Và còn yêu mãi rất nhiều em ơi.
Hoặc khóc than não ruột như trong:
PHAN THIẾT, PHAN THIẾT
Ôi trời ôi! Là Phan Thiết, Phan Thiết
Mà tang thương còn lại mảnh trăng rơi
Ta đến nơi nường ấy vắng lâu rồi
Nghĩa là chết từ muôn trăng thế kỉ
... Mà âm hưởng thương đau tạo nhiều ai oán trong giới nghệ sĩ Saigon để trở thành huyền thoại.
Cũng có người bênh vực Mộng Cầm còn quá trẻ mà nghiệp chướng hồng nhan đẩy đưa vào một cuộc tình hữu thủy vô chung tạo nhiều tai tiếng cho nàng.
Chưa ai biết rõ mối tình đó ra sao cả. Gia đình của chị cũng không hề hé răng tiết lộ, dù là để thanh minh.
Chỉ nghe mang máng một chuyện tình khá du dương, khi thì lầu Ông Hoàng, khi thì Cù lao Mũi Né.
Mộng Cầm cũng có lần nhắc nhở anh Trí đừng quên:
Rồi có khi nào trong phút giây
Trăng lên khỏi núi gió đùa mây
Thì anh nên nhớ người năm nọ
Đã được cùng anh sống những ngày
Mộng Cầm cũng là nữ sĩ, nhưng tôi chưa có cơ hội đọc thơ chị, nên không biết thế nào là: “Sống những ngày...”
Đối với anh Trí chỉ cần đọc thơ Anh, cũng có thể hiểu được ít nhiều những gì anh muốn nói hoặc tâm sự. Nghe giọng văn anh rụt rè tình tứ trong mối tình đầu với Hoàng Hoa, cũng biết mối tình đó, thi sĩ chưa đạt được. Lòng anh muốn mơ ước mối tình nguyên hương trinh bạch, như nhiều lần anh thổ lộ trong thơ anh để cho hợp tình nghĩa trong trắng tâm hồn anh, như trong các bài: “Ưng trăng”, “Tình hoa”...
Chỗ đây khí hậu còn nguyên
Không ai chạm đến mà đến sao đang...
Tôi ưng nàng, tôi ưng nàng
Nàng xa xa quá ơi nàng nàng ơi
Hoặc giọng thơ dễ dãi, bạo dạn thì hiểu được cuộc tình bắt đầu không khó khăn, không ngăn cách vì lễ giáo gia phong:
Em tôi thở hổn hển
Áo xiêm lấm tấm vàng
Em tôi đã hiểu chưa
...
Trăng lại dầm mình xuống nước
Trăng nước đều lặng nhìn nhau
Đôi ta bắt chước thì sao
Hoặc lời thơ chán chường gượng ép, như trong mối tình khi bắt đầu quen với Mai Đình mà ông Tấn đạo diễn cho vui.
Tuy nhiên, ai cũng biết tánh anh không hề muốn mất lòng ai. Tim anh luôn mở rộng đón lấy tình yêu của bốn phương trời. Thơ anh vẫn không thiếu phần tình tứ say sưa, khi mà máu nghệ sĩ tìm được mạch thơ, và mạch thơ đó dẫn dắt đến đâu, anh không cần biết.
Đối với chị Mộng Cầm, tôi chắc tình anh suôn sẻ.
Với ít nhiều tư tưởng tiến bộ, có học trong bối cảnh văn minh, phóng khoáng, thì Mộng Cầm làm quen với anh Trí không khó khăn gì (xin đừng nghĩ là buông thả). Cho nên thơ anh không giữ gìn ý tứ.
Vả lại phong cách hào hoa của chị, có thể đã làm cho anh không theo kịp cảm nghĩ của người con gái mới đó.
Những cuộc du ngoạn lầu Ông Hoàng, Cù lao Mũi Né đối với anh còn lạ lùng bỡ ngỡ trong nếp sống văn minh.
Anh viết trong:
SAY NẮNG
Mặt trời mai ấy đỏ ong
Nàng tiên hóng mát trên hòn Cù lao
... Gió ơi lại đấy mà ngừa
Tôi đứng xa lắm xin chừa tôi đi
Hồn tôi mắc cỡ là vì
Không quen thưởng thức cái gì ngất ngây
Như là ánh nắng vàng lây
Mà thơ sắp sửa phô bày yêu thương...
Dù vậy cái hôn đầu tiên còn lưu lại một thứ hương vị lạ lùng mà anh khó quên, trên đôi môi trinh bạch:
Nhớ hàm răng, nhớ hàm răng
Mà ngày nào đó vẫn khăng khít nhiều
Và tự an ủi:
Hương không ngọt xuân sớm lẽ nào tham
Mật không đắng ân tình không thú vị
Nhưng rồi cũng tiếc nuối hờn dỗi như những chàng trai bị tình phụ:
Xưa những gì đích đáng ở đầu môi
Nay trả lại để tôi làm dấu tích
Mối tình Mộng Cầm chỉ có thế thôi mà cũng đã làm cho anh quên mất đi cái cốt cách phượng hoàng vĩ đại.
Rồi ngây dại nhờ thất tình chỉ hướng
Ta lang thang tìm đến chốn lầu trang
Lầu Ông Hoàng người thiên hạ đồn vang
Và cũng tầm thường nguyền rủa, khi cảm thấy cuộc đời tươi đẹp dừng lại trước đe dọa tàn phá của ác bệnh:
Hỡi Phan Thiết, Phan Thiết
Mi là nơi ta chôn hận nghìn thu
Mi là nơi ta sầu muộn ngất ngư
*
Ở trên, tôi viết không hề biết đến Mộng Cầm, chỉ qua lời giới thiệu của Thúc Tề.
Cho đến năm 1936, sau khi anh Mộng Châu qua đời, thì khoảng tháng năm chúng tôi dọn về số 20 đường Khải Định. Không lâu sau đó chị Mộng Cầm ghé lại Quy Nhơn có đến thăm.
Nghe nói chị có gởi thơ chia buồn về cái tang anh Mộng Châu, mà về sau cuốn sách “Hàn Mặc Tử” tiết lộ chị có xin phép để tang, xin anh Mộng Châu phù hộ cho hôn nhân hai người.
Tôi xin đem câu chuyện dưới đây kể lại trong tập Hồi kí này ngõ hầu giúp các nhà văn rộng đường khảo cứu cuộc đời Hàn Mặc Tử.
“Đêm trước, anh Trí đang trầm ngâm suy tư, bỗng chợt nói với tôi: “Nè nè Tín, ngày mai em tiếp khách giùm anh”. Tôi hỏi: “Vậy thì anh đi đâu?” “Không đi đâu cả nhưng anh muốn em giúp anh.”
Tôi hơi lấy làm lạ, bởi vì ở nhà chỉ khi nào có chuyện gì quan trọng phải nhờ cậy, anh mới lịch sự anh em, còn thường thì tao mi thân mật thôi.
Hôm sau, anh dậy sớm sửa soạn thay bộ đồ “tussor soie”, áo chemise trắng cổ “danton”, mang giày verni đen trông ra vẻ lắm.
Tôi hỏi: “Ai mà quan trọng vậy” – Anh chỉ cười, làm cho tôi có nhiều suy đoán ngờ vực, vì ngày thường anh ăn mặc rất lôi thôi.
Mới bảy giờ sáng, anh đã ra ngồi khoanh tay lại, thói quen cố hữu, thu mình trong chiếc ghế bành bằng mây. Không nói năng gì với ai nữa. Tôi bảo người nhà pha trà sẵn.
Mẹ tôi nhìn tôi dò hỏi. Tôi lắc đầu. Vậy là cả nhà chờ đợi một “biến cố” không ai đoán được cái gì cả.
Tám giờ hơn, một thiếu nữ nhỏ nhắn, tóc hớt ngắm ngang ót kiểu “bom – bê” khá xinh đẹp, duyên dáng trong chiếc áo cẩm châu đen trang nghiêm. Nhìn thấy đôi guốc cao gót tôi giật mình, suýt nữa thì tôi đánh giá cao tay lắm là em nữ sinh lớp nhì, lớp nhứt nào đó thôi.
Vậy là tôi phải đóng vai trò tiếp khách chu đáo cho anh Trí. Anh không giới thiệu gì cả. Cũng không biết anh chào hỏi ra sao, vì lúc ấy tôi đang quay lưng lại.
Chị chào hỏi rất tự nhiên, không có chút gì ngượng ngập, tự giới thiệu là bạn văn thơ của anh Trí, xưng là Mộng Cầm (À! Ra chị Nghệ đây mà. Ôi chao, chị còn nhỏ quá). Giọng nói pha trộn nhiều tỉnh, không cứng như tiếng Quảng Ngãi, rành rẽ. Có vẻ rất mới, nhất là mái tóc chị, mà thời bấy giờ ít ai dám mạnh dạn cắt ngắn như thế.
Chị nói chuyện tự nhiên, ngỏ lời chia buồn với gia đình và anh Trí như những người thành thạo nếp sống giao tế thông thường.
Chị cũng vui vẻ hỏi tôi biết làm thơ không. Chị khen thơ anh Trí rất hay và chị cũng đang chờ anh chỉ điểm thêm cho.
Trong lúc nói chuyện, thỉnh thoảng chị nhìn về phía anh Trí. Hình như chị hỏi anh có trở lại Saigon không. Anh lí nhí gì đó tôi không nghe rõ, vẫn luôn cười nhẹ, không tham gia câu chuyện.
Mượn cớ để cho hai người tâm sự, tôi xuống nhà dưới lấy thêm nước chế trà. Mẹ tôi hỏi: Ai đó? Tôi thưa nhỏ: “Chị Mộng Cầm”. Bà cụ muốn ghé mắt xem. Tôi nói: “Để yên đã.”
Chưa cạn chén trà, nghe trên nhà vắng hoe.
Tôi trở lên thì vừa kịp thấy chị quay lưng lại chào rồi đi ra. Mẹ tôi lên theo, chỉ được trông thấy sau lưng. Anh Trí vẫn không thay đổi vị thế ngồi.
Bà cụ nói: “Còn trẻ mà dạn dĩ hé!”. Tôi ngẫu hứng đọc mấy câu làm anh Trí bật cười:
Cô bé nhà ai dạn dĩ ghê
Áo đen quần trắng tóc bom – bê
Đến thăm anh Trí mà tôi tiếp
Hỏi chuyện thì ra chị Nghệ nè.
Mẹ tôi rầy: “Đừng nói bậy, mất lòng”. Anh Trí cũng cười.
Về sau một người bạn ở Nha Trang nghe chị kể chuyện: Anh Trí hình như mắc bệnh vì thấy hai tai anh đã dày lên.
Sau khi chị Mộng Cầm ra về, tôi suy nghĩ về thái độ của hai người trong suốt cuộc nói chuyện tại nhà.
Xét bề ngoài, cuộc viếng thăm có tính cách xã giao giữa hai người bạn quen biết. Không có gì để gọi là hẹn hò thân mật.
Anh Trí không hề thay đổi thái độ thường ngày: ngồi khoanh tay thỉnh thoảng lại cười nhẹ, sợ mất lòng khách, đôi khi như xa vắng không biết trước mặt mình đang có người bạn tình mà mình thương nhớ.
Tuy nhiên, có sửa soạn trong ăn mặc mà ngày thường rất lôi thôi.
Về phần chị Mộng Cầm cũng không có vẻ gì khác lạ. Khi gặp lại người mà chị từng viết: “Đã được cùng anh sống những ngày”. Nét mặt cũng không biểu lộ vẻ mặt thân mật của người tình, vẫn lịch sự vừa phải.
Từ lúc vào đến lúc đi, không hề nhắc đến một câu nào, tôi có thể nghe được về kỉ niệm Phan Thiết. Có lần tôi toan nhắc hỏi chuyện Lầu Ông Hoàng, nhưng kịp nghĩ lại sợ bất lịch sự chăng, nên lại thôi.
Tuy nhiên, tôi cũng cố tình dò xét mối tình hai người đã thể hiện ra sao, mà rốt cuộc vẫn chịu thua không hiểu nổi.
Có thể là nếp sống của chị Mộng Cầm phóng khoáng tự do đã quen, nên không thể nhìn thấy đổi thay trong cảm xúc khi chị tiếp xúc với bạn trai, dù là bạn tình.
Đó là những người đàn bà khó hiểu, mà đàn ông thường hay lầm lẫn khi nghe họ nói những lời ngụ ý. Hoặc thái độ có vẻ như buông thả nhưng lại đóng rất chặt. Đó là những thiếu nữ lạnh cảm bất thường.
Hoặc đã quá từng trải trong tình trường.
Mà Mộng Cầm thì quá trẻ, không thể xếp vào hai hạng nói trên. Chỉ còn phải xem chị ngây thơ, bắt chước nếp sống mới, thạo đời của Saigon văn minh thời bấy giờ. Vậy thì thật đáng thương hơn đáng trách.
Nếu ông Trần Thanh Mại được gặp chị sớm hơn, chắc phải dè dặt khi phê phán có phần trách móc chị.
Vì vậy, tôi không thể hình dung được những gì đã xảy ra trong các cuộc du ngoạn mà người đời đã thêu dệt. Dù sao thì cậu ruột Bích Khê vẫn còn là đệ tam nhân có trách nhiệm.
Tôi cho là đúng, vì sự thể anh Trí khẩn khoản nhờ tôi tiếp chuyện với chị Mộng Cầm như một nhân chứng để anh bớt hồi hộp. Tình trong trắng của anh còn được thấy rõ qua vẻ bối rối khi đối diện với chị Mộng Cầm.
Tuy nhiên đọc bài “Say chết đêm nay”, tôi không khỏi cảm thương cho mối tình lỡ dở của anh, mà nhớ thương còn đọng lại, ray rứt trong tâm tư con người bạc số đó.
... Trăng cổ độ hết vương cành trúc
Hẹn đoàn viên tình thực chiêm bao
Đêm nay lại giống đêm nào
Nhấp xong chung rượu buồn vào tận gan.
Say thôi lại muốn nàng nâng đỡ
Nhưng nàng xa từ thuở vu quy
Nhớ thôi lòng những sầu bi
Lệ rơi vào rượu hàng mi lờ đờ.
Ta là khách bơ vơ phàm tục
Nhớ cầm trăng cung bậc tiêu tan
Không ai trang điểm má đào
Cho ta say chết đêm nào đêm nay.
Không lâu sau đó, nghe nói chị lập gia đình. Từ đó tôi không nghe ai nói gì về chị, ngoài trừ những chuyện huyền thoại về sau này.
Tôi cũng không biết hai người đã giải ước ra sao và lúc nào, vì bấy giờ tôi đã ở Đà Lạt. Nhưng tôi vẫn linh cảm cuộc viếng thăm lần ấy có tính cách quyết định cho chị.”
Đến nay, nhiều bạn hữu ngày xưa của anh, nghe nói còn gặp chị Mộng Cầm, nhưng chị sống kín đáo không muốn tiếp xúc với ai.
Viết lại câu chuyện chị Mộng Cầm, tôi ghi chép trung thực cảm nghĩ tôi lúc bấy giờ mà thôi, tuy kí ức cũng có thể có nhiều chỗ sai lạc về thời gian.
Mong chị thông cảm. Năm mươi năm rồi còn gì.
*
3. MAI ĐÌNH NỮ SĨ
Khác với những mối tình âm thầm kín đáo, hoặc dè dặt của Hoàng Hoa, của Mộng Cầm, chị Mai Đình là người yêu thơ cũng như yêu con người phong cùi đó, một cách ồn ào, sôi nổi và tha thiết nhất.
Thơ của chị cảm ứng với Hàn Mặc Tử rất nhiều.
Chị Mai Đình làm thơ rất có khiếu và dễ dàng, ý thơ tình nghĩa, súc tích gắn bó với thơ Hàn Mặc Tử gần năm mươi năm nay. Tôi nói gắn bó với thơ anh Trí, vì hiện nay chị đã có gia đình.
Từ thời tiền chiến, và suốt thời kì kháng chiến, thơ chị được truyền khẩu hoặc trao tay người này qua người khác, mà toàn là các bạn làng văn.
Có lẽ chị chất phác dễ thân mật. Bất cứ chỗ nào có vài người họp lại để nói về thơ anh Trí là có chị tham gia. Cho nên có rất nhiều bài thơ nghe nói là của chị sáng tác, vẫn còn chờ đợi được minh xác chưa ai dám tự tiện phổ biến.
Tôi cũng có dịp đọc được, thơ hay, tình nghĩa và tự nhiên.
Nhà văn Trần Thanh Mại từng viết về chị trong cuốn “Hàn Mặc Tử” rằng: “Về người đàn bà này (Mai Đình) ta có thể nói nhiều hơn, kể rõ ràng hơn, mà không ngần ngại phải chạm đến danh giá của một kẻ nào, đến cái mà họ trương lên làm danh giá.
Một người đàn bà không cần dư luận, một người trong hạng người thành thật nhất xã hội. Họ đánh nhịp vào chế độ lễ nghi, mọi thứ do người bày đặt ra để che lấp cái giả dối của người.”
Lời phê bình trên đây thật rộng rãi đủ để không cần phải dè dặt, lịch sự nữa.
Những năm 1938-1939, tôi nghe nói chị đến thăm anh Trí tại nhà, lúc bấy giờ đã dọn về đường Odend’hall vì anh bắt đầu đau nặng, mà mẹ tôi không muốn cho ai biết. Việc chị Mai Đình đến thăm anh Trí như một tin sốt dẻo được loan đi rất nhanh trong những người bạn thân. Vì thế đã làm ồn ào lên một dạo mà mẹ tôi lo sợ tai tiếng cho chị.
Thế nhưng sự dè dặt đó không cần thiết gì đối với chị. Chị Như Lễ nói với tôi: “Chị Mai Đình do ông Tấn giới thiệu cho anh Trí kết bạn thơ.”
Theo chỗ tôi biết qua bạn bè anh Trí, thì chị Mai Đình đã ham mê thơ anh từ lâu, nhưng không ai giới thiệu. Đến khi gặp anh thì lại yêu luôn anh, mặc dầu thấy tận mắt anh đang bệnh.
Thật sự thì bệnh anh cũng không có vẻ gì đáng sợ, nếu nhìn về bên ngoài.
Năm 1939, anh đau nặng nhất, thì cũng chỉ là dấu hiệu khô chết lớp da bên ngoài. Tay anh cầm muỗng ăn hay viết lách, chỉ khó khăn khi kéo mấy ngón tay co lại. Bàn tay như mang một chiếc găng da khô cứng. Da dẻ đen sạm đi không lở lói gì.
Với chị Mai Đình, thì hình như chị cũng không thấy “cái bên ngoài “ đó nữa, mà chỉ cần nghe anh ngâm thơ, chỉ cần ở gần bên anh.
Nhiều người bạn, nói theo thời bấy giờ là chị Mai Đình bị tiếng sét ái tình đánh gục (Coup de foudre). Người đàn bà đã từng phen lưu lạc phong trần mà thơ viết lên nghe như cô gái mới được yêu.
Nghe nói chị vẫn dạy nữ công cho nhiều trường ở Saigon, nhưng thỉnh thoảng lại động lòng bốn phương, tìm bạn bè ngâm thơ vịnh nguyệt. Mai Đình viết cho Hàn Mặc Tử lá thơ nũng nịu đủ thứ khiến anh Trí buồn cười đem xếp lại thành bài thơ dưới đây...
... Thôi em chán quá, em buồn quá
Anh của em giờ cười với ai
Với những gì đâu tức tối lạ
Em hồ nghi mãi giận không thôi...
Nhưng xa xôi quá biết làm sao
Lấy Trí tương tư đo được nào
Em mới vùng vằng em thở dốc
Tình thương trong dạ cứ xôn xao.
Năm 1939, tôi về thăm nhà, nghe chị có ghé lại ở chơi mấy ngày.
Trong nhà, hình như ai cũng yêu mến chị, vì chị đơn sơ thành thật, không nề hà khách sáo, có lẽ cuộc đời “phiếm thủy đào hoa” của chị nhiều trôi nổi quá, nên sống cách nào cũng được, không thấy khó khăn gì, nên ai cũng thương.
Anh Trí cho tôi xem bài thơ tặng chị mà lời lẽ trong thơ có vẻ chán chường. Tôi trách anh đã xem nhẹ tình chị. Những câu như: “Đây Mai Đình, tiên nữ của vu sơn” đã làm cho người đọc chữ vu sơn khó chịu rồi lại còn:
“Nàng là mật của muôn tuần trăng mật”
(Thì thật là chán chường quá).
Toàn bài thơ không xứng đáng tặng chị, một người đang sống với mối tình cao đẹp nhất chưa bao giờ được sống như thế.
Anh Trí hối hận, chắc là anh nghe dư luận về chị không còn gì đáng ca tụng nữa.
Bài thơ ý không tao nhã lắm:
Đây Mai Đình, tiên nữ của vu sơn
Đem mộng xuống gieo vào muôn sóng mắt
Nàng, ôm Nàng hai tay ta ghì chặt
Cả bài thơ êm mát lạ lùng thay
Ta là người uống muôn hận sầu cay
Nàng là mật của muôn tuần trăng mật
...
May thay, tình yêu làm chị mù quáng, nên không nhận thấy. Hoặc như Trần Thanh Mại viết:
“Người đàn bà đó không có gì tự ái cả.”
Về sau anh Trí viết lại bài “Đánh lừa”:
Tôi thương em không cần phải so đo
Vì trinh tiết há hằng hương vạn đại
...
Son phấn cũ thơm bằng son phấn mới.
Tuy nhiên tôi áy náy tội nghiệp cho chị, nên có làm lại bài thơ đánh loãng bớt nghiệp chướng của chị (không biết ở nhà có trao lại chị không).
Mai Đình tiên nữ chốn vu sơn
Vướng nghiệp văn chương trở xuống trần
Oan trái tào khang vừa tháo gỡ
Nợ nần xướng họa lại đa mang
Giang hồ cánh bướm không lo mỏi
Mưa gió đời hoa chẳng ngại tàn
Còn chút duyên thừa dâng trọn thuở
Cho tình sống mãi với thi văn.
*
Khoảng cuối năm 1941, tôi ở Lào về nhiệm sở cũ ở Đà Lạt ghé lại Quy Nhơn thăm nhà.
Vừa bước xuống xe, một người đàn bà còn trẻ, nước da ngăm đen, mau mắn bước ra chào: “Kìa! Chú Tín về đấy à! Được điện tín hôm qua cả nhà trông chú lắm.”. Tôi ngỡ ngàng một giây, nhưng đoán được là chị Mai Đình rồi.
Chị Như Nghĩa cũng ra theo, cả nhà tíu tít. Tôi để ý một người đàn bà trẻ, sang trọng cũng đứng lên chào tôi, chị Mai Đình vội vã giới thiệu: “Đây là cô Lan (hay Liên gì đó) bạn tôi ở Saigon ra chơi!”. Chị lại chỉ về tôi: “Chú Tín đây em anh Trí làm việc ở phòng kiến trúc Đà Lạt bị động viên qua Lào vừa mới trở về.”
Trông chị, tôi bật cười, tuồng như chị đóng vai chính trong gia đình tôi.
Trong câu chuyện trao đổi, chị không e dè hay sợ mất lòng ai hết. Thái độ đối với người bạn gái, chị cũng không úp mở, chị oang oang nói:
“Tuy chưa biết chú, nhưng nghe nói chú lo lắng cho anh Trí mấy năm nay, làm cho tôi cảm phục quá”, rồi tiếp tục phân bua, không rào đón: “Không chịu lấy vợ ở như vậy để lo cho gia đình. Chú thật quân tử quý hóa quá.”
Tôi lịch sự: “Chị mới thật là người đàn bà đáng quý trọng. Tôi chưa hề biết có ai dám đem cuộc đời tốt đẹp của mình đánh đổi một mối tình đầy bất trắc tai tiếng như chị với anh Trí. Chị thật là siêu nữ nhân”. Chị cười thích chí lắm.
Tôi ngẫm nghĩ, thương chị, thì ra chị biết hết việc nhà tôi. Chị lại thông cảm cả cuộc sống của tôi ở Đà Lạt. Khi chị hạ giọng bảo tôi: “Chú ở Đà Lạt lạnh lẽo quá, mà tiền lương gởi về cả làm sao đủ sống? Chú đừng ngại, nếu cần hàng nỉ may đồ lạnh, chú cứ bảo tôi. Để tôi lo cho” – Trời! Bà chị ở đâu rơi xuống đây, thật là vượt xa các chị ruột tôi hết. Dù sao, tôi cũng được người chia sẻ nỗi khó khăn, và cũng cảm thấy được an ủi.
Về sau chị Nghĩa cho biết Mai Đình muốn làm mối cho tôi, bạn gái của chị, một quả phụ hai mươi ba tuổi đó là một nữ chủ nhân tiệm hàng vải cỡ lớn ở Saigon.
Tôi rất buồn cười nhưng cũng quý chị lắm. Chị Mai Đình như thế đó, ở trong gia đình tôi. Lạ chưa!
*
Mùa thu năm 1942, chị Mai Đình lên Đà Lạt, nhắn tôi xuống nhà ga xe lửa gặp chị.
Tối hôm đó, ngồi ở bàn cà phê, chị nói với tôi rất nhiều về chuyện in thơ Hàn Mặc Tử. Chị hỏi tôi: “Chú có biết thơ anh Trí được bao nhiêu bài?”
Tôi nói: “Từ năm 1935 anh Trí ở Saigon về ở chung với tôi một phòng, không có sáng nào không thấy thơ anh vứt bừa bãi, trên bàn, trên giường, dưới nền nhà. Tôi phải dùng hai “kết” dựng bia để xếp vào.
Những khi đi vắng, tôi vẫn dặn người nhà nhặt hết tất cả giấy tờ gì trong phòng anh đều bỏ vào đó.”
“Cuối năm 1937, tôi đổi lên Đà Lạt, rồi ở luôn bảy năm. Tôi nghĩ thơ anh nhiều lắm. Thỉnh thoảng anh giở ra xem rồi chép lại, mang đi đánh máy, tặng bạn bè, mà tôi biết anh đã gởi cho Trần Thanh Địch và Trần Tài Phúng nhiều hơn hết. Coi như gần đủ bộ thơ anh. Bút tích vẫn để lại trong hai thùng gỗ đó.”
“Tôi chỉ thuộc một số, chú Hiếu thuộc nhiều vì ngâm thơ hay, nên bạn bè thường đến nghe chú ngâm.”
Khi tôi ở Lào về, thì chú Hiếu đã chuyển giao bút tích văn thơ tất cả cho anh Tấn. Chú sợ lây nên không sao chép, không kiểm nhận. Vì thế không biết đích thực là nhiều hay ít.
Tôi rất bực mình về việc đó, nhưng mẹ tôi ngăn tôi không cho hỏi lại vì sợ mất lòng anh Tấn.
“Bây giờ, chị Mai Đình muốn biết phải hỏi lại anh Tấn.”
Chị trầm ngâm hồi lâu rồi nói: “Chú biết không? Thơ anh Trí khó mà xuất bản được. Tôi đến nhắc anh Tấn mấy lần, cả chị Như Lễ cũng viết thơ nhắc lại lời hứa xuất bản thơ Hàn Mặc Tử, anh đều không trả lời.” (Tôi nghĩ, anh Tấn hẳn phải có lí do chính đáng nào đó nên anh chưa in được).
“Tôi (chị Mai Đình nói) có đưa một người bạn quen chủ nhà in và xuất bản ở Hà Nội vào để thương lượng với anh Tấn (hình như ông Doãn hay gì đó). Nhưng anh Tấn đưa ra nhiều điều kiện khó nghe, chưa bao giờ có.
Anh Tấn còn nói là thơ anh Trí không phải bài nào cũng hay cả đâu, mà cần phải sửa lại mới in được. Vả lại những bài hay in được, thì ông Mại đã trích lấy hết rồi. Còn lại không bao nhiêu...”
Những lời chị Mai Đình nói với tôi tại ga xe lửa Đà Lạt nay đã bốn lăm năm rồi, mà tôi còn nhớ rõ, vì liên quan đến một câu chuyện đã xảy ra lúc tôi còn ở Lào:
“Bấy giờ vào khoảng lễ Giáng sinh 1940, tôi đang ở lại Paksé đợi chuyến xe “công voa” đi Mường Cầu (Attopeu) Lào. Tôi ở trọ lại nhà ông Tú Vọng, một cụ tú tài thất chí quê ở Quảng Bình. Sáng hôm ấy, chờ xe, rảnh rỗi giở bản tử vi của anh Trí (mà cậu Bá tôi đã chấm) ra nghiên cứu đỡ buồn. Cụ Tú đi ngang trông thấy, ghé mắt nhìn hỏi tôi: “Lá số của ai đó Thầy?” – Tôi thưa của Anh tôi. Cụ nhìn tôi rồi nhìn cái băng đen mang bên cánh tay. Cụ nói: “A! Ra Thầy để tang cho ông này a”. Biết gặp tay “thượng thừa”, tôi mời Cụ ngồi xuống lấy mục kỉnh xem lại, Cụ bảo: “Chà! Đại hạn xấu quá, năm Thìn gặp Trúc la, mà mạng Mộc thì tuyệt địa rồi.”
Tôi cũng nói theo: “Có phải hạn Liêm sát mà gặp hung tinh là “lộ thượng mai thi” không” (chết chôn bên đường). Cụ cười: “Vậy ra Thầy biết rồi. Tôi sợ mất lòng không dám nói. Thầy nầy chết không gặp thân nhân đúng là lộ thượng mai thi – Tai nạn xe cộ à?” – “Thưa, đau bệnh.”
Cụ xem một hồi nữa rồi nói: “Thầy này không có vợ con gì. Mà cũng lạ Lưu niên lại ở Tứ Tức.”. Ông Cụ tiếp: “Có con rơi con rớt chi không? Vậy thì ông ta lưu cái chi lại cho giòng họ.” Tôi đáp: “Anh tôi là thi sĩ”. Ông cụ vỗ đùi: “À, phải rồi. Vậy thì thơ hay đó. Nhưng bị mất mát ngăn chận gì đó mà phải trên năm mươi năm mới tìm lại được. Vì Văn tinh bị Tuần triệt chận hết.”. Cụ lại bảo: “Con cái là tác phẩm mà thơ văn cũng là tác phẩm.”
Câu chuyện trên đây thật kì lạ, vì thơ anh Trí bị thưa kiện (Triệt) rồi mất mát, thất lạc (Tuần).
Và bây giờ là đúng năm mươi năm.
Tôi không bao giờ quên được con người kì lạ đó.
Hai chị em ngồi đến khuya, chị buồn buồn ngâm lại bài “Lưu luyến”:
Chưa gặp nhau mà đã biệt li
Hồn Anh theo dõi bóng em đi...
Rồi chị sụt sùi mãi. Tôi im lặng tôn trọng mối thương lòng chị. Hồi lâu, chị đọc bốn câu:
Lòng ta, sầu thảm hơn mùa lạnh
Hơn cả u buồn của nước mây
Của những tình duyên thương lỡ dở
Của lời rên xiết gió heo may.
Chị lại hỏi: “Bài sầu vạn cổ anh Trí tặng ai chú biết không?”. Tôi nói: “Lòng anh Trí mênh mông, tình anh cũng rất mênh mông. Trong đó chắc có chị rồi. Nhưng... ở đây lại có gió heo may...”. Chị nhìn tôi: “Chú nói đúng. Anh Trí yêu nhiều, nhưng mùa Thu nhắc nhớ Anh hơn.”
(Chị muốn nói, chị chưa được yêu sâu đậm bằng Hoàng Hoa).
Lúc ấy hình như có ai gọi.
Đứng dậy, chị nói: “Không biết còn gặp lại không”. Rồi chị từ biệt ra đi. Bóng chị đi hơi lụp chụp, thất thểu qua màn sương đêm khi mờ khi tỏ.
Tôi nhìn theo thương hại, người đàn bà nặng kiếp, “Khước tác phiêu bồng” này đang trôi dạt về đâu?
*
Sau ngày giải phóng miền Nam, nghe nói chị có mặt ở Saigon, nhưng mãi đến 83-84 gì đó mới gặp chị.
Chị vẫn thế, dáng đi vẫn chồm chồm như luôn luôn vội vã, hay lo lắng suy tư gì.
Tôi nghe nói chị sống hạnh phúc với chồng con và có nhiều công lao cách mạng.
Đọc lại tập Hồi kí này, chắc chị vui lắm.
Mong như thế.
*